Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễBà Rịa - Vũng Tàu: Lễ húy kỵ lần I của Cố...

Bà Rịa – Vũng Tàu: Lễ húy kỵ lần I của Cố SC. TN Liễu Nguyện

-

Sáng ngày 09/09/2016 (nhằm ngày 09/08/năm Bính Thân), TT Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã trang nghiêm tổ chức Lễ Húy Kỵ lần thứ I cố sư cô TN Liễu Nguyện tại Thiền viện Quang Minh Liễu (xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu), dưới sự chứng minh của Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh BR-VT, cũng như huyện Tân Thành; Chư tôn đức Tăng Ni trong Tông môn, Chư tôn đức Trụ trì các Tự viện quanh vùng và đông đảo phật tử xa gần.

a18_12-09-2016

Được biết, Cố Tỳ kheo Ni TN Liễu Nguyện thế danh: Phạm Thị Kim Loan; sinh năm 1965 tại Bà Rịa Vũng Tàu. Sư cô là một trong số những người xuất gia đầu tiên bên Ni với TT Thích Chân Quang. Vì một nhân duyên, sư cô đã dừng bước trên mảnh đất hoang vu của xã Sông Xoài, huyện Tân Thành để khai sơn Thiền viện Quang Minh Liễu.

Nơi đây, lúc còn sinh tiền, Sư cô đã độ rất nhiều người dân tộc Nùng chưa biết tu là gì và thanh thiếu niên tại địa phương đến chùa Quy y Tam bảo, bắt đầu gieo một chủng tử tốt, giúp họ trở thành người phật tử, dần dần biết ăn chay, niệm Phật, biết thực hiện hạnh nguyện lợi tha, tu tâm hành thiện. Do vậy, công đức của Sư cô khiến các phật tử vô cùng kính ngưỡng, ngày càng có đông phật tử từ các nơi khác và dân địa phương đến chùa mỗi tháng tham gia khóa tu “Niệm Phật một ngày” cũng như tham gia công quả, làm từ thiện, v.v…

Tuy nhiên, có những lúc lực bất tòng tâm. Không may sư cô mang chứng bệnh nan y, mặc dù đã tận tình chữa trị, nhưng thân tứ đại của Sư cô đã đến lúc thuận thế vô thường, an nhiên viên tịch vào lúc 23h35’ ngày 14/09/2013 (nhằm ngày 10/08/ năm Quý Tỵ). Cố Tỳ kheo TN Liễu Nguyện đã viên tròn quả nghiệp mà ra đi thanh thản khi vừa tròn 49 tuổi, 14 hạ lạp. Sự ra đi vĩnh viễn lần này của sư cô đã để lại cho tất cả mọi người biết bao nỗi thương xót, ngậm ngùi, kính tiếc. Tuy rằng, trong vòng sanh diệt tương đối đó, cuộc đời Tỳ kheo TN Liễu Nguyện có phần ngắn ngủi nhưng công đức thì tràn đầy, Sư cô xứng đáng với tấm lòng quý kính của mọi người, nhất là những phật tử tại địa phương mà đến giờ họ vẫn một lòng kính ngưỡng, tri ân khi nhớ nghĩ về Sư cô.

a41_12-09-2016

Hôm nay, nhân ngày Lễ Húy Kỵ, TT Thích Chân Quang đã nhắc lại tấm gương đạo hạnh của cố sư cô TN Liễu Nguyện, đồng thời bày tỏ cái đạo tình trân quý đối với người đệ tử của mình đã yêu thương cuộc đời, yêu thương con người bằng những hành động dấn thân và phụng sự trọn vẹn cho Phật pháp. Thượng tọa ngưỡng mong giác linh của Sư cô đời đời theo Phật tu tập để đạt được sự giác ngộ giải thoát.

Cũng trên tinh thần tri ân, Thượng tọa cảm niệm công đức của HT Thích Giải Thiện – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh BR-VT, Trưởng Ban Trị Sự Phật giáo huyện Tân Thành; TT Thích Minh Hòa – Phó Ban Trị Sự Phật giáo huyện Tân Thành; TT Thích Nhuận Trí – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh BR-VT, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế; ĐĐ Thích Minh Chiến; cùng Chư Tăng Ni của huyện Tân Thành và xã Xuân Hòa, cũng như quý phật tử xa gần đã về chùa thắp một nén hương, đọc một lời kinh, nói lên một lời chú nguyện để trợ niệm cho sư cô trong cõi bên kia có thêm thần lực, thêm niềm vui mà tinh tấn tu hành. Và mong ước, lúc nào đó có đủ duyên, Sư cô sẽ trở lại với thế giới ta bà này tu tập, giáo hóa chúng sinh. Bởi vì, theo Thượng tọa, khi một người đệ tử Phật mà tu theo Phật thì không chỉ phấn đấu cho mục tiêu giải thoát, giác ngộ cho chính mình mà còn có đủ trí lực, đạo lực để giáo hóa chúng sinh. Cho nên, người tu nào cũng đao đáo, cũng khắc khoải cái tư tưởng đem ánh sáng giác ngộ đến cho tất cả chúng sinh trên cuộc đời này.

Cũng vậy, với người chưa giác ngộ, còn vô minh thì còn thích sống cho mình, lúc nào cũng mong muốn giàu sang, vinh quang, ăn sung mặc sướng, nhà cao cửa đẹp cho chính mình. Nhưng một ngày nào đó, khi đã giác ngộ được đạo lý của Phật thì tự nhiên tâm hồn, ước nguyện của mình lại hướng về cho tất cả mọi người. Chỉ mong cho mọi người được hạnh phúc, được an lành, được giác ngộ, giải thoát. Đó là hai tâm trạng khác nhau giữa người mê và người ngộ. Thật ra, khoảng cách giữa hai tâm trạng này xa vời vợi, cách nhau hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kiếp, nhưng chúng ta chỉ nói trong vài giây là có thể thấy rõ sự khác nhau giữa chúng. Ví dụ trong vòng vài giây đầu ta nói xong câu: “Người mê là người sống ích kỷ”, nhưng trong vài giây sau đó, ta nói tiếp câu: “Người ngộ là người sống vị tha”.

a43_12-09-2016

Nên nếu ai trải lòng mình ra với đất trời với chúng sinh, yêu thương được mọi người, lo lắng cho Phật Pháp thì cái tâm đó không phải do vừa mới nghe giảng, vừa hiểu rồi có được. Không bao giờ. Một câu nói không bao giờ có thể thay đổi được cái tâm một cách nhanh chóng, kì diệu đến như vậy. Thấy một người xúc động vui mừng khi gặp được Phật pháp, ta tưởng từ nay họ đã bước qua một đời sống cao thượng. Nhưng nếu ba năm sau gặp lại, mình biết họ đã làm nhiều điều sai trái tổn phước thì cũng đừng ngạc nhiên. Bởi vì cảm xúc thích thú của buổi đầu gặp được đạo lý chỉ là nông nổi nhất thời, chưa phải là bề dày của mấy chục kiếp tu hành. Hay nghe một câu chuyện ta thấy cảm động – sự cảm động đó chỉ cần một phút là có. Nhưng qua vài chục phút sau, vài tiếng sau, ta trở lại với sự tầm thường ích kỷ của một phàm phu. Còn người thực sự đã thay đổi tâm hồn thì họ đã phải trải qua vài chục kiếp tu hành rồi.

Nói về ý nghĩa bài Pháp thoại MỘT XÃ HỘI TƯƠNG TRỢ, Thượng tọa nhận định chữ “Tương” có nhiều ý nghĩa. Theo các nhà đạo học Đông phương, mọi vật trên đời tồn tại được bởi vì có sinh; có khắc. Khi một điều gì được sinh ra liền có cái tương khắc với nó. Tuy nhiên, chính từ cái tương khắc đó mà vạn vật có mối quan hệ biện chứng với nhau, vừa kiềm chế, tàn phá, nhưng cũng vừa hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sự biến hóa vô vàn của trời đất. Cây mọc lên, nước chảy, mưa rơi, lửa cháy… là nhờ có sinh có khắc. Nhưng còn trong cộng đồng con người thì sao?

Nếu theo thuyết tương sinh tương khắc trong ngũ hành, người ta nói: Chắc con người cũng cần phải như vậy. Tức trong cuộc sống này con người cũng cần có ai đó để mình ghét, có ai đó để mình thương thì xã hội mới sinh hóa, mới phát triển được. Nếu đưa thuyết này vào đời sống đạo đức xã hội thì nó không thích hợp, vì trong đạo đức, chúng ta không được quyền ghét ai hết mà phải yêu thương tất cả chúng sinh.

a45_12-09-2016

Chúng ta là con người, sống theo suy nghĩ và đạo đức. Điều này làm cho chúng ta khác với con thú – chỉ biết sống theo bản năng, tập tính. Vậy nên, có một điều khắc nghiệt là trong thế giới của súc sinh, không có tương sinh mà chỉ có tương khắc. Vì sự sinh tồn, các loài thú có thể quay ra cắn giết lẫn nhau, kể cả cùng loài, thậm chí là cùng huyết thống.

Theo Thượng tọa, lên đến cõi trời, tất cả Chư Thiên tử đều yêu thương, quý mến, hỗ trợ lẫn nhau, không có sự ganh ghét. Đấy thực sự là một thế giới của sự tương trợ tuyệt đối hoàn hảo. Còn thế giới của súc sinh thì tương tàn tuyệt đối. Riêng thế giới của loài người thì nằm lửng lơ giữa tương tàn và tương trợ.

Những năm gần đây, thế giới rộ lên cụm từ “Ngày tận thế”. Con người đã đưa ra rất nhiều ví dụ, dẫn chứng để minh chứng cho sự kiện này. Thậm chí, nó còn được dàn dựng thành nhiều bộ phim nổi tiếng trên khắp thế giới. Dù không có gì để kiểm chứng sự đúng sai trong những điều mà mọi người đưa ra, nhưng ngày tận thế sẽ đến thật, thậm chí là đến rất nhanh nếu con người cứ nuôi giữ trong mình cái tâm hung hăng, thù hận, tàn sát lẫn nhau.

Người cho rằng, nếu thế giới của Chư thiên và thế giới của súc sinh có sự phân biệt rõ ràng về sư tương trợ – tương tàn thì thế giới của con người lại không có điều đó. Sự tương tàn và tương trợ trong thế giới loài người cùng tồn tại song song với nhau. Nếu biết tu, con người sẽ sinh về thế giới của những người tương trợ. Ngược lại, không biết tu sẽ rơi vào thế giới của những người tương tàn.

a47_12-09-2016

Vậy nên, ai đã là đệ tử Phật thì đều phải nguyện lòng tu tập để sinh vào thế giới người tương trợ, lúc nào cũng biết giữ uy tín, giữ lời hứa; lúc nào cũng phải biết giúp đỡ người khác để tặng cho mọi người sự tin cậy. Con người mà sống tin cậy được ta sẽ đỡ về nhiều mặt. Đó là tâm lý ta ổn định, và tiền tài vật chất ta đỡ tốn kém, đỡ lo lắng. Trong một thế giới mà người ta tin cậy nhau, đó là thế giới hạnh phúc. Còn khi sự lừa lọc, gian dối, tráo trở giăng đầy thì không ai yên tâm cả. Mọi người cứ phải nghi ngờ, cứ phải thủ thế và bỏ ra rất nhiều tiền để tìm cách đề phòng, để bảo vệ. Nên biết, chi phí mà bỏ ra để đề phòng để bảo vệ, nó tốn cho thế giới này gần phân nữa cuộc sống.

Mà vì sao ta không gây được niềm tin với nhau? Vì ta gian dối, ta ác độc, ta không sống được với tâm tương trợ. Hễ lợi dụng nhau được là lợi dụng, lừa gạt nhau được là lừa gạt. Cho nên, người nào tặng cho đời được sự tin cậy thì “Phước” rất lớn. Đó là lý do tại sao người giữ lời hứa được phước lớn là vì vậy. Những người tu theo Đạo Nho của Khổng Tử thường khi chết biết trước ngày chết vì họ luôn coi trọng “Nhân – lễ – nghĩa – trí – tín”. Họ nói một lời là giữ chặt luôn, làm cho người khác yên tâm. Chính vì làm cho người khác yên tâm nên tâm họ rất dễ vào định, đó là quả báo và phước.

Nên là đệ tử Phật, lúc nào ta cũng phải giữ uy tín, giữ lời hứa, lúc nào cũng cố gắng giúp người, không làm hại người, để tặng cho đời thêm chút niềm tin. Tuy nhiên hãy nhớ rằng dù THƯƠNG YÊU TẤT CẢ nhưng KHÔNG ĐƯỢC TIN TẤT CẢ. Đó là hành trang, bản lĩnh của người phật tử đi trong cuộc đời này. Ta huân tập lòng từ bi mênh mông không biên giới, nhưng lúc nào cũng đề phòng, cũng cảnh giác, vì cõi này là cõi chưa chứng Thánh. Để nói ra câu đó ta cũng rất chua chát, rất cay đắng, bởi khi thương ai rồi ta chỉ muốn đặt niềm tin cậy vào người đó. Nhưng ngày hôm nay giữa thế gian tráo trở, lừa lọc này ta buộc phải cắt ra làm đôi. Thương thì thương chứ không tin, thành thử ra hạnh phúc cũng không trọn vẹn lắm.

a50_12-09-2016

Tuy vậy, trong cuộc đời vẫn có một số người cho ta niềm tin, đó là chư Tăng Ni. Có thể chư Tăng Ni chưa chứng Thánh, cũng có thể còn sai lầm, nhưng mà đó là những người đang từng ngày chiến đấu với lỗi lầm của mình để đạt đến sự hoàn hảo. Cho nên, nhìn vào chư Tăng Ni, chúng ta có niềm tin hơn. Mà ai cho chúng sinh được niềm tin người đó có Phước. Đừng tưởng, bố thí cho người đói, xây nhà cho người nghèo, đắp đường cho dân lành mới có phước. Không ngờ, cho người khác một sự tin cậy, một sự yên lòng trong cuộc sống cũng là ta đang gây tạo một điều phước.

Chốt lại, niềm tin cộng với tình yêu thương mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc. Tuy nhiên, cảm giác hạnh phúc của chúng ta hiện nay đang không được trọn vẹn vì thế giới tràn lan bao gian dối, lọc lừa, khiến con người yêu thương nhau trong sự cảnh giác lẫn nhau. Vậy nên, để thực sự hạnh phúc, chúng ta phải biết làm thật nhiều điều tốt đẹp, tích lũy cái phước cho bản thân để tăng niềm tin với những người xung quanh. Chỉ khi nào mọi người thực sự yêu thương nhau trong sự tin tưởng tuyệt đối thì niềm hạnh phúc trọn vẹn mới xuất hiện.

Thượng tọa cho rằng mỗi người được sinh ra đều có những mục tiêu và lí tưởng sống của riêng mình. Vậy nhưng, đã là con người, cùng sinh tồn trong một thế giới thì phải biết xây dựng một cộng đồng mà con người lúc nào cũng chỉ muốn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Muốn tìm và xây dựng được xã hội như thế, chúng ta phải xây dựng tâm hồn mình lúc nào cũng chứa ý niệm làm điều thiện, giúp đỡ mọi người xung quanh vô điều kiện.

a46_12-09-2016

Lại nữa, để tìm được một xã hội tương trợ thì mỗi ngày chúng ta phải lễ Phật, xin Ngài cho ta một tâm hồn biết yêu thương mọi loài; một trái tim lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác; một bản lĩnh gan dạ để dám giúp người dù trong hoàn cảnh nguy hiểm. Sự phát nguyện mỗi ngày này giúp hình thành phản xạ trong tâm ta, để khi có điều kiện, cơ hội được giúp đỡ người khác là ta làm liền, không cần suy nghĩ, tính toán. Và chỉ cần một lần làm được thì ta sẽ làm được nhiều lần khác nữa. Ngược lại, nếu không biết giúp đỡ người khác mà chỉ biết tính toán thiệt hơn cho mình thì tâm ta dần trở nên vô cảm, lạnh nhạt, không có sự tương trợ, mà chỉ toàn sự tương tàn trong đó.

Ngoài ra, chúng ta phải biết siêng năng đến chùa tụng kinh, niệm Phật; biết rủ nhiều người khác cùng tham gia tu tập. Khi tu tập, phải biết kiên nhẫn, nhẫn nhịn; biết rút kinh nghiệm và học hỏi mọi người. Như vậy, mới mau tiến bộ.

Tóm lại, để xây dựng một xã hội tương trợ, Người cho rằng chúng ta phải chuẩn bị cho mình một tâm hồn lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác mọi lúc, mọi nơi. Ngoài việc tự nói với bản thân, ta còn phải xin Phật gia hộ từng ngày để có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, giữ vững được lí tưởng cho bản thân.

a56_12-09-2016

Bên cạnh đó, Người nhắc nhở rằng: Chúng ta giúp đỡ người khác là phải giúp đỡ bằng cả trái tim, không được nề hà bất cứ việc gì từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Ngoài việc giúp đỡ về tinh thần, chúng ta còn phải biết giúp đỡ về vật chất, đừng tinh toán thiệt hơn, cũng đừng đợi đến khi thật giàu có mới chia sẻ một ít. Không phải lúc nào ta cũng có cơ hội giúp đỡ người khác, vậy nên khi có cơ hội thì đừng suy nghĩ hay tính toán gì cả. Chỉ như vậy, niềm hạnh phúc thực sự mới đến, xã hội tương trợ mới được hình thành.

Cuối cùng, Thượng tọa hy vọng sau bài Pháp thoại này, mọi người có thể nguyện lòng xây dựng một thế giới tương trợ ngày càng tốt đẹp, mà trước hết là từ việc xây dựng tâm hồn mình. Bằng ngôn từ giản dị cùng những ví dụ, hiện tượng đang được xã hội quan tâm, Thượng tọa đã đưa khái niệm, đặc điểm về “MỘT XÃ HỘI TƯƠNG TRỢ”.

Đây thực sự là một xã hội tốt đẹp mà con người cần hướng đến. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được nó, mỗi cá nhân đều phải chung tay góp sức, bắt đầu từ việc xây dựng tâm hồn của chính mình. Khi mà trong tâm mỗi chúng sinh, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác mọi lúc, mọi nơi thì khi đó xã hội tương trợ mới thực sự có cơ hội được xây dựng.

a58_12-09-2016

Ngoài việc truyền đạt giáo lí của Phật, bài Pháp thoại còn nói đến một vấn đề được cả thế giới quan tâm, đó là “Ngày tận thế”. Thực sự, điều này sẽ xảy ra rất nhanh nếu con người cứ trượt dài trong sự tranh giành, thù hận, áp bức lẫn nhau mà không biết xây dựng một thế giới tương trợ.

Phải chăng, điều cuối cùng còn sót lại sau sự tương tàn là nỗi đau, sự chết chóc, sự hủy diệt. Thay vì phải hứng chịu những điều xấu đó, tại sao chúng ta không lùi cái “Ta” của mình xuống thấp một chút, biết suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, cùng bắt tay xây dựng một thế giới thực sự tốt đẹp, nơi chỉ có tình yêu thương và sự tin tưởng, nơi hạnh phúc trọn vẹn được đơm hoa kết trái. Như vậy, ai cũng có cơ hội được sống hạnh phúc, yên bình. Đây cũng thông điệp của bài Pháp thoại mà Thượng tọa muốn nhắn nhủ đến với mọi người khắp thế giới.

a64_12-09-2016

Sau cùng, nhân ngày Lễ húy kỵ lần I của cố sư cô TN Liễu Nguyện, TT Thích Chân Quang trao tặng 100 phần quà cho người nghèo tại địa phương với tổng số tiền là 21 triệu đồng. Nguyện đem công đức này giúp cho Sư cô cùng hết thảy chúng sinh lúc nào cũng được an lạc, và đồng thành Phật đạo./.

Tuệ Đăng

Hình ảnh tại thiền viện Quang Minh Liễu:

a2_12-09-2016a4_12-09-2016a5_12-09-2016a6_12-09-2016a7_12-09-2016a1_12-09-2016a18_12-09-2016a19_12-09-2016a21_12-09-2016a22_12-09-2016a23_12-09-2016a25_12-09-2016a26_12-09-2016a34_12-09-2016a38_12-09-2016a41_12-09-2016a43_12-09-2016a44_12-09-2016a45_12-09-2016a46_12-09-2016a47_12-09-2016a48_12-09-2016a49_12-09-2016a50_12-09-2016a55_12-09-2016a56_12-09-2016a57_12-09-2016a58_12-09-2016a59_12-09-2016a64_12-09-2016a65_12-09-2016a68_12-09-2016a69_12-09-2016

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 8/5/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất