Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápBa thời kỳ Phật Pháp - khóa thiền Xá Lợi TPHCM 10/2019

Ba thời kỳ Phật Pháp – khóa thiền Xá Lợi TPHCM 10/2019

-

Vào ngày 12/10/2019 (nhằm ngày 14/09/năm Kỷ Hợi), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm thuyết giảng nhân Khóa tu Thiền lần thứ 3 tại chùa Phật Học Xá Lợi (Số 89B, Bà Huyện Thanh Quan, Phường 7, Quận 3, TP.HCM) về chủ đề “BA THỜI KỲ CỦA PHẬT PHÁP”, với sự tham dự của hơn 500 Thiền sinh và 500 Phật tử quanh vùng, trong đó có một số vị khách nước ngoài đến thính Pháp trong suốt buổi giảng.

“…Giữa một bên là cái chấp ngã cứ tiềm tàng, thúc đẩy ta đi tìm cái cao siêu, thấy mình quan trọng, còn một bên là trí tuệ, lòng tôn kính Phật tuyệt đối, tu về vô ngã để không còn cái ta nữa, liệu nơi chính chúng ta, khuynh hướng nào sẽ chiến thắng? Liệu ta có đủ phước để giữ chặt con đường tu về vô ngã không?”

Bài Pháp thoại đã chỉ rõ đặc điểm, tính chất, sự khác nhau giữa ba thời kỳ của Phật Pháp và nguyên nhân khiến đạo Phật suy vong rồi biến mất. Nhờ đó, các Phật tử có cơ hội nhìn nhận, đánh giá lại thái độ tu tập cũng như mục tiêu tu hành của bản thân. Đồng thời, mọi người cũng học cách khiêm hạ, tôn kính Phật tuyệt đối để có thể kiên trì hướng về vô ngã rồi cùng nhau xây dựng Phật Pháp, mong cho chúng sinh khắp chốn đều được giác ngộ, giải thoát.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa khẳng định Phật Pháp tồn tại qua ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp. Trong đó, thời Chánh Pháp kéo dài khoảng 500 năm, thời Tượng Pháp kéo dài khoảng 1.000 năm. Sau đó, rơi luôn vào thời Mạt Pháp cho đến khi Phật Pháp không còn gì. Khi đó, một vị Phật khác sẽ đến. Chúng ta thắc mắc rằng tại sao Phật pháp hay như vậy lại không tồn tại mãi mà cứ phải suy hao, biến dạng rồi biến mất? Nếu đã là một chân lý cao quý thì có lý do gì mà lại suy tàn như vậy?

Hiểu được suy nghĩ, tâm lý của chúng sinh, Đức Phật đã sớm trả lời rằng cuộc đời này vô thường, cái gì rồi cũng sẽ thay đổi, suy tàn và hoại diệt. Ta nghe thấy rất đau, bởi cái gì suy vong thì suy vong, chứ đạo Phật suy vong thì quá đau lòng. Ta không thể để đạo Phật suy vong được!

Bản thân các đạo khác không suy vong, ngược lại, càng lúc càng phát triển lên giống như Kỳ Na giáo – tức đạo Lõa Thể. Đạo Lõa Thể tồn tại trước thời Đức Phật. Và đến nay vẫn phát triển mạnh mẽ, tạo nên sự cạnh tranh, xung đột giữa tín đồ của các đạo, trong đó có đạo Phật. Đạo Lõa Thể hoạt động theo chủ trương khuyến khích con người không mặc gì, ngược hẳn với khuynh hướng tự nhiên của loài người, bởi từ khi bắt đầu có ý thức, con người đã tìm mọi cách để che đậy cơ thể rồi. Xã hội càng văn minh, con người càng kín đáo, ăn mặc kỳ công, phức tạp.

Tức là, khi càng có phước, người ta càng đầu tư nhiều vào y phục. Đạo Lõa Thể đi ngược khuynh hướng tự nhiên này, nhưng không hiểu sao lại thu hút được rất đông tín đồ. Họ lý luận rằng con người bị trầm luân, đau khổ bởi tham chấp, lúc nào cũng sở hữu, chiếm đoạt, mang theo nhiều thứ. Để không tham chấp thì ta phải cởi bỏ. Mà càng ở tầng bậc cao, người ta càng cởi bỏ nhiều, có khi là cởi bỏ 100%.

Đến khi Đức Phật xuất hiện, Ngài cũng nói những điều tương tự vậy, nhưng y phục lại hết sức nghiêm túc. Ngài nhấn mạnh, cái tham chấp không nằm ở y phục, mà ở tâm và cách sử dụng, còn bản thân mình không phải cởi bỏ y phục. Ngoài điều này, đạo Phật còn có nhiều đạo lý, phát hiện hết sức văn minh. Ví dụ, nhà vệ sinh được quy định rất kỹ lưỡng. Người tu theo đạo Phật mặc dù vẫn sinh hoạt mọi thứ, nhưng lúc nào cũng bảo vệ, giữ gìn bàn tay mình sạch sẽ để dâng hương hoa, cúng dường, tu tập. Sự sạch sẽ này thể hiện lòng tôn kính với Chư Thánh, với Đức Phật. Vậy nên, người tu theo đạo Phật lúc nào cũng sạch sẽ, y phục hết sức đàng hoàng.

Không chỉ đạo Lõa thể, trong thời Chánh Pháp, đạo Phật có sự va chạm, xung đột, đối diện với lý luận của nhiều giáo phái. Nhờ sự đối ngược ấy, chúng ta mới thấy Đức Phật là một Bậc giác ngộ tột đỉnh, tuyệt đối. Hôm nay, hiểu kỹ giáo lý của Ngài, ta lại càng yên tâm rằng thật sự có một bậc Thánh đã đến trần gian này. Những điều về sự giác ngộ mà Ngài thuyết giảng, không ai có thể nói cao hơn, hay hơn được nữa. Nếu có ai tự nhận mình cao hơn thì đó cũng chỉ là sự hiểu lầm. Nếu chưa đủ Tam Minh Lục Thông thì chúng ta nên khiêm tốn lại.

Vậy nhưng, dù Phật đã khéo léo đưa tiêu chuẩn về Tam Minh Lục Thông làm thước đo sự giác ngộ giải thoát, nhưng vào thời Tượng Pháp, người ta đã cố gắng che đậy nó đi, rồi tranh nhau đặt ra những lý luận khác nhau để cho rằng mình là cao, thậm chí là cao hơn Đức Phật. Vì là phàm phu, ta không đủ sức để nhận định đúng sai nên cứ mù quáng tin theo những lời nói ngọt ngào, ma mị ấy. Vì dễ tin theo những điều sai trái ấy mà cuộc sống, tâm hồn của ta đều bị ảnh hưởng.

Cũng vì không giữ chặt các tiêu chuẩn về Tam Minh Lục Thông nên chúng ta vô tình đẩy đạo Phật đi từ Chánh Pháp, qua Tượng Pháp, tới Mạt Pháp rồi suy vong. Tiêu chuẩn về Tam Minh Lục Thông được Phật nói đến rất nhiều trong tất cả kinh điển, bởi Ngài đoán được chúng sinh sau này dù chứng thấp, nhưng vẫn luôn nói mình chứng cao. Sự thiếu khiêm tốn của con người khiến đạo Phật bị biến chất, không giống thời nguyên thủy nữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến đạo Phật được truyền đi nhiều nơi nhưng không thể duy trì, dù giáo lý Phật dạy rất bổ ích, lành mạnh.

Thêm nữa, cái dấu ấn, tâm chứng và sự giác ngộ của Phật quá vĩ đại, tạo thành một cảm xúc, một sức mạnh, một thần lực mạnh mẽ, khiến Chánh Pháp lan tràn rất rộng.

Nói về tiêu chuẩn của Chánh Pháp, Thượng tọa khẳng định đó là quả chứng. Thời Tượng Pháp, những vị A La Hán chứng Tam Minh Lục Thông rất hiếm. Nếu tu đạt, tâm sẽ bừng sáng thanh tịnh, biết mọi điều trong cuộc sống. Đặc biệt, không ai đánh giá được ta đang chứng ở tầng bậc nào, chỉ ta mới tự đánh giá được mình. Lúc ấy, ta luôn tự cho mình là tột đỉnh, bởi nó là cảnh giới cao siêu, sâu sắc, chưa bao giờ ta đạt được. Đây cũng là căn bệnh chung trong mọi lĩnh vực.

Việc lúc nào cũng cho mình là cao tột sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường. Đầu tiên, nó khiến Phật giáo biến đổi toàn bộ. Thứ hai, đạo hạnh của ta bị giảm sút. Giống như chúa Giê-Su nói: “Ai chen lên trước sẽ bị đẩy ra đằng sau”. Có điều, việc ta nghĩ mình cao không phải ta cố ý. Cái lỗi nằm ở chỗ ta vô minh, không đủ trí tuệ để biết mình còn thấp. Và cũng không có ai nhắc nhở ta về việc này.

Tưởng mình cao, ban đầu không có lỗi về đạo đức, nhưng ta vẫn phải gánh quả báo là bị giảm sút về đạo hạnh, nếu không suy giảm ở kiếp này, cũng sẽ bị suy giảm ở kiếp khác. Người chứng ngộ rồi vẫn bị. Nó được biểu hiện ra ngoài là những hành vi bậy bạ, thiếu chuẩn mực. Ta cứ nghĩ mình thanh tịnh, tự tại rồi, nhưng vẫn có lúc rơi vào trạng thái đó. Chư Tăng trong thời Tượng Pháp không còn mẫu mực, đạo đức nữa. Đến thời Mạt Pháp, đạo hạnh của họ rớt thê thảm hơn. Vậy nên, chúng sinh nhìn vào họ đã bớt kính trọng.

Hệ lụy thứ ba là giáo lý Phật bắt đầu biến dạng. Rất nhiều luận bản xuất hiện trong thời Tượng Pháp đã giải thích về quả chứng, đạo lý khác hoàn toàn với ý của Đức Phật. Ngay từ ban đầu, tất cả các vùng, các Tông phái đều rơi vào tình trạng này. Những người sáng chế ra các luận bản không chỉ suy diễn ý của Phật, họ còn mạo danh Ngài để nói khác đi, khiến giáo lý bị biến dịch.

Tuy nhiên, biến dịch mà khác Phật quá sẽ bị chúng sinh phản đối, nên họ che đậy bằng cách nói đó là Phật nói. Khi những nhà nghiên cứu kinh sử khẳng định trong Kinh không có các luận bản này thì họ nói đó là cái Phật giảng riêng cho những người có căn cơ đại thừa, còn người căn cơ thấp không thể hiểu được. Họ luôn có lý do chống chế, bao biện để các bản luận được chấp nhận rộng rãi.

Theo đó, trong thời kỳ giáo lý biến dịch, người tu hết sức hoang mang, không biết khi mình chứng ngộ rồi thì ở trên cao hay thấp. Nếu tu chứng mà thấy mình thấp thì tu làm gì? Nhưng nếu thấy mình cao thì bản ngã vẫn còn. Tu chứng trong đạo Phật là vô ngã, không còn bản ngã thì dứt khoát không còn kiêu mạn, không bao giờ thấy mình cao. Đây là sự tinh tế trong chân lý về sự chứng ngộ của Phật Pháp.  Tức tâm chứng rất cao mà không thấy mình cao nằm ngoài mọi quy luật về tâm lý, khác với tâm lý của phàm phu. Chỉ những Bậc chứng ngộ mới biết rõ quả chứng của mình. Có vậy, các vị ấy mới dạy được phàm phu.

Ví dụ, bậc Thánh chỉ cần nhìn là biết ta kém hay giỏi, nghiệp nặng hay nhẹ. Các Ngài biết mọi việc nhưng lại không kiêu mạn, chứng tột cùng cao siêu mà không thấy mình cao, nên nhân quả cứ vận hành tiếp, tạo thành một đạo hạnh sáng ngời, đẹp đẽ. Mỗi ánh mắt, cử chỉ, hành động của các vị đều chuẩn mực, đàng hoàng, nghiêm trang, thanh tịnh. Chúng ta cũng nên học tính khiêm hạ ấy để có được đạo hạnh chói sáng, mô phạm, tuyệt vời như thế. Còn không, vì kiêu mạn ngầm nên dù có sự tiến bộ tâm linh cũng không đạt được vô ngã.

Theo Thượng tọa, những luận bản mới làm thay đổi đạo Phật, thay đổi cả cái hiểu về Phật Pháp của chúng sinh. Khi tiếp nhận một giáo lý đã bị biến dạng, vô tình ta đã định hình trong tâm mình một con đường đi theo Phật Pháp, nhưng lại là Phật Pháp thời Tượng Pháp. Ta không còn nhân để có thể chứng ngộ cao siêu. Nếu tu có tiến bộ thì lập tức kiêu mạn sẽ khởi lên, tàn phá nhân cách của ta.

Từ Chánh Pháp qua thời Tượng Pháp, quả chứng của ta thấp lại, đạo hạnh giảm sút, giáo lý thay đổi. Giờ ta công khai nói cái luận này đúng, cái luận kia sai, lập tức sẽ bị công kích, phản đối bởi nhiều thế hệ đã chấp nhận một loại giáo lý bị biến đổi và coi nó là chân lý rồi. Giáo lý thực sự với bản ý thâm sâu của Đức Phật không còn nhiều người đoái hoài, tôn trọng, gìn giữ và tu tập nữa.

Thêm nữa, khi tu tập theo một vị thầy, ta chỉ đọc bài Kinh mà thầy mình yêu cầu chứ không biết đó có phải Kinh do Đức Phật thuyết không. Dù có hỏi thầy mình, ta cũng không thể xác định đó là câu trả lời đúng hay sai? Cứ thế, ta tin vào bài Kinh, tin vào lý luận mà Thầy Tổ mình truyền lại chứ không bao giờ có cơ hội và chính ta cũng không thực sự quan tâm đến lời Phật dạy.

Nói “ta không có cơ hội” vì ta thực sự không biết Kinh Phật nói gì, thời Đức Phật Chư Tăng tụng Kinh gì? Ta không quan tâm vì ta không hiểu Kinh Phật. Ta chỉ biết rằng, tu theo thầy là yên tâm tụng theo những bài Kinh thầy yêu cầu mà không biết rằng ngược về trước vài chục năm, bài Kinh đó mới được viết ra. Bản thân vị thầy mình cũng không biết điều này nên cứ nghĩ đó là của Thầy Tổ.

Đạo Phật biến dạng mà thầy mình không biết. Còn ta cứ thầy dạy sao thì tin vậy. Cứ thế, đạo Phật cong dần, trở thành tà Pháp, không còn đúng đắn, chính trực nữa. Ta không thể trách vị thầy hay Thầy Tổ được, bởi các vị ấy cũng giống ta, ngoan hiền, đạo đức, một mực tin thầy mình. Ta cũng không thể trách người đã thay đổi giáo lý của đạo Phật được, bởi họ đã tu hành có kết quả. Sau đó, dựa vào đó để sáng tạo ra rất nhiều lý luận mới, thuyết phục được số đông quần chúng, gây ảnh hưởng lâu dài cho đến tận ngày nay.

Thời Tượng Pháp, quả chứng, đạo hạnh thấp xuống, giáo lý thay đổi, nhưng vẫn có nét giống thời nguyên thủy của Đức Phật. Nhưng tới thời Mạt Pháp, ta không biết đạo Phật nữa, bởi tên gọi, danh nghĩa, tổ chức Tăng Đoàn của đạo Phật còn, nhưng nội dung tu tập sâu thẳm bên trong đã khác biệt hoàn toàn so với thời Đức Phật.  Quả chứng hầu như không còn nữa. Dù chứng Thiền, cũng không phải chứng Thánh. Trừ trường hợp của cố HT Thích Quảng Đức là một điều cực ký hiếm hoi. Ngài chính là một vị Thánh thực sự. Tuy chứng quả Thánh thực sự, nhưng lúc nào cũng khiêm tốn, kín đáo, mô phạm, chuẩn mực, đạo hạnh.

Việc chứng Thiền khác chứng Thánh đã được Phật dạy rõ ràng trong Kinh Nikaya. Chứng Tứ Thiền, có thần thông cũng chưa chắc chứng Thánh. Cho nên, dù có nói về Thiền giỏi đến mấy, chưa chắc bảo đảm rằng tâm linh đã chứng Thánh.

Thời Chánh Pháp, lòng tôn kính của các hàng đệ tử với Đức Phật là tuyệt đối vì sau khi tu chứng, họ hiểu Đức Phật của họ vĩ đại tới dường nào. Họ cũng nhìn thấy được đời sống, hình ảnh, những cái tế hạnh của Ngài hằng ngày giống như ánh mặt trời. Sang thời Tượng Pháp, người ta cũng nói về cúng dường, xây chùa, tạc tượng để bày tỏ lòng kính Phật, nhưng lòng tôn kính đó đã suy giảm, không còn tuyệt đối như thời Chánh Pháp nữa.

Đến thời Mạt Pháp, sức hiểu về Đức Phật của con người rất cạn, nên không đủ lòng tôn kính nữa. Người ta đem hình Phật, tượng Phật để ở góc nhà để trang trí nội thất. Mà không đủ lòng tôn kính Phật thì sẽ không có phước để tu, không có sức mạnh lý tưởng để kiên trì, không có sự tinh tấn, để rồi hay sơ suất trong cuộc sống và nhân cách của mình. Ngược lại, người có lòng tôn kính Phật tuyệt đối thì nhân cách cũng hiện ra liền. Đây là nhân quả.

Thật vậy, ta tôn kính bậc Thánh thì ta có dấu vết của bậc Thánh trong cuộc sống của mình. Còn ta không đủ tôn kính, tự nhiên sẽ lui về làm phàm phu. Mà tư cách, suy nghĩ của người có dấu vết bậc Thánh dù không ai nhìn thấy cũng đều rất chuẩn mực, đàng hoàng. Lúc nào họ cũng giữ mình rất đẹp. Ngược lại, không có phước, mọi thứ trở nên lộn xộn, bừa bãi, kém phẩm chất.

 

Từ thời Chánh Pháp, ai gặp Đức Phật mà khởi lên được lòng tôn kính tuyệt đối sẽ rất nhanh tu chứng. Ít nhất cũng chứng quả Tu Đà Hoàn. Thời nay, không có Đức Phật để tôn kính tuyệt đối, nhưng nhìn tượng Phật quỳ lạy thôi ta cũng đã có phước rồi. Nhưng chừng đó thôi vẫn chưa đủ, bởi người ta đã bắt đầu nói những giáo lý phá chấp, vô tình xúc phạm đến hình ảnh tôn kính và giá trị của Đức Phật, nhất là trong nhà Thiền.

Ngày nay, người ta coi Đức Phật giống như ông Thần tài để cầu xin chứ không còn hiểu sự vĩ đại của bậc Thầy của Trời và người là thế nào nữa. Hết thời Mạt Pháp, người ta không biết Đức Phật là ai. Đây là điều hết sức đáng buồn. Giờ chúng ta đang ở thời Mạt Pháp, ở thời Chánh Pháp thì hàng đệ tử tu Thiền để hướng về 4 quả Thánh, hướng về sự vô ngã, hết vô minh, hết chấp ngã, không còn thấy cái ta.

Thời Tượng Pháp, người ta đều tu Thiền. Nhưng do giáo lý, quan điểm, suy nghĩ bị biến dạng nên thay vì hướng về vô ngã, người ta hướng đến mục tiêu siêu ngã để thấy mình cao siêu. Điều này khiến đạo Phật chịu một tổn thất rất nặng nề. Nếu hướng về vô ngã, ta được nhiều công đức, tiếp tục giữ được Chánh Pháp. Nhưng hướng về siêu ngã, công đức ta mất dần.

Tu để không còn cái ta và tu để thấy mình cao siêu, hai cái này ngược hẳn nhau. Giờ nghe một vị thầy nói tu để không còn gì là ta nữa, chắc chắn không hấp dẫn bằng vị thầy nói rằng tu để thấy mình cao siêu, vĩ đại. Vì vậy, nhiều tà giáo đã dùng mánh khóe này để dụ dỗ chúng ta. Họ luôn đưa ra một kết quả làm ta thích thú, hãnh diện. Vì hấp dẫn nên phần đông chúng sinh chọn con đường “siêu ngã”. Tự nhiên, Chánh Pháp cứ vậy mà suy tàn, bởi tỷ lệ người biết hướng về vô ngã ít mà tỷ lệ người thích cao siêu lại quá đông. Chính sự mất cân bằng này làm Chánh Pháp từ từ biến mất.

Thượng tọa nhận định, lỗi này đầu tiên thuộc về những người tu mà đi tìm cái siêu ngã. Thứ hai là thuộc về vị thầy cung cấp những quan điểm, định hướng sai lệch làm lỗi cả cuộc đời ta. Nhưng ta cũng không thể trách thầy mình được, vì giáo lý biến dạng lúc nào, thầy ta cũng không hay. Thêm nữa, bản năng tự nhiên của chúng sinh là thích đi tìm cái cao siêu, càng lúc càng tô đắp cho bản ngã, rất ít người tu tập để hướng về mục tiêu vô ngã.

Chúng ta nếu còn thương Đức Phật, muốn giáo lý của Ngài được phục hồi, sáng rực trên cuộc đời này, thì ta phải tu để hướng về vô ngã. Nhưng giữa một bên là cái chấp ngã cứ tiềm tàng, thúc đẩy ta đi tìm cái cao siêu, thấy mình quan trọng, còn một bên là trí tuệ, lòng tôn kính Phật tuyệt đối, tu về vô ngã để không còn cái ta nữa, liệu nơi chính chúng ta, khuynh hướng nào sẽ chiến thắng? Liệu ta có đủ phước để giữ chặt con đường tu về vô ngã không?

Thực sự, phước rất quan trọng. Nó điều khiển, chi phối, định hướng cuộc đời ta. Chỉ ai tôn kính Phật tuyệt đối, siêng năng lễ kính Ngài hằng ngày, phước mới tăng trưởng đủ lớn để giúp ta đạt được mục đích hướng về vô ngã. Nếu không, bản ngã lại lừa ta một lần nữa, thúc ta đi tìm cái vinh quang, cao siêu. Nên để tìm lại thời Chánh Pháp, đầu tiên chúng ta phải tôn kính Phật tuyệt đối.

Có một điều là tôn kính Phật tuyệt đối rất khó, vì ta hiểu Ngài đến đâu thì tôn kính đến đó. Ta không hiểu đến tột cùng sự cao siêu của Ngài thì không thể bắt ta khởi lên lòng tôn kính tuyệt đối được. Trừ khi là ta đã hiểu Ngài quá chu đáo và chứng quả Tu Đà Hoàn, bởi một vị Tu Đà Hoàn là bậc có lòng tôn kính Phật tuyệt đối trong sâu thẳm tâm hồn mình. Vậy làm sao để tôn kính Phật tuyệt đối khi mà trí tuệ của ta còn thấp, chưa thể hiểu hết sự vĩ đại tột cùng của Ngài?

Lý giải về điều này, Thượng tọa cho biết, đây là điều rất khó, nhưng không vì thế mà ta từ bỏ. Chưa đủ sức hiểu Phật thì ta cứ tôn kính Ngài trước. Ngày nào cũng lễ Phật, xin Ngài gia hộ để lòng tôn kính của ta tăng dần, đến khi tột đỉnh, chứng quả Thánh rồi thì đời sống, nhân cách, suy nghĩ, ứng xử, đạo đức sẽ vượt lên. Lúc ấy, ta hiểu giáo lý rất kỹ, thấy mình yêu thương được tất cả mọi người một cách dễ dàng hơn trước. Chúng ta bao dung, độ lượng thì đạo đức tăng lên. Quan trọng hơn, một ngày nào đó, ta thấm được mục tiêu hướng về vô ngã thì đây mới là cái mốc quan trọng.

Ta cố gắng tinh tấn, làm vô số điều công đức để hướng về vô ngã. Đây là một điều cực kỳ khó khăn. Quy luật tâm lý này không ai hiểu nổi, nhưng chúng sinh vẫn cố gắng nỗ lực, cố gắng làm những điều tốt đẹp chỉ để không còn bản ngã.

Thêm một câu hỏi rằng: tại sao Phật Pháp cao siêu lại rơi vào Tượng Pháp, Mạt Pháp rồi biến mất, trong khi các tà giáo chẳng cần giáo lý, giáo chủ, hay hệ thống tổ chức mà vẫn cứ tồn tại?

Đơn giản, bởi chúng sinh vô minh còn tham, sân, si thì tà đạo vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, đạo Phật như một ngọn hải đăng, vượt lên khỏi tầm nhìn bình thường của con người. Mà đạo lý cao tột đến mấy, nếu vượt khỏi những điều tầm thường của nhân thế, nó sẽ chịu quy luật thay đổi, biến dịch, vô thường. Đây là nỗi buồn và cũng là trách nhiệm của chúng ta.

Nhân dịp này, Thượng tọa nhắc nhở, tuy không phải một bậc Thánh, nhưng là người có lòng tôn kính Phật, chúng ta phải có trách nhiệm gây dựng lại thời Chánh Pháp để chúng sinh được lợi ích, Phật Pháp được trường tồn. Cuộc sống này, suy cho cùng mọi thứ đều tạm bợ, vô nghĩa, chẳng có gì là tồn tại mãi. Chỉ có tội, phước, sự giác ngộ là ta đem theo. Cuộc sống đặt lên vai ta rất nhiều trách nhiệm, nhưng gây dựng lại Chánh Pháp chính là trách nhiệm cao quý nhất, nên chúng ta phải nhận sứ mệnh, trách nhiệm này và làm sao để hoàn thành cho bằng được.

Đây là một bài Pháp thoại dài và khó. Với trí tuệ phàm phu của chúng ta, thật sự khó để hiểu cho thấu đáo, tường tận được. Tuy nhiên, bài Pháp là nền tảng, là cốt lõi mà ta phải biết để có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu tu hành hướng về vô ngã của mình. Đồng thời, từ sự phân tích, diễn giải trên của Thượng tọa, chúng ta hiểu hơn về trí tuệ, con đường tu hành của Đức Phật. Từ đó, ta có thể khởi lên lòng tôn kính tuyệt đối với Ngài, nhờ vậy có thêm phước báo để cùng nhau xây dựng lại thời Chánh Pháp đã mất, mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Ngoài ra, Thượng tọa cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: tính tự cao, kiêu mạn, thiếu khiêm tốn của con người chính là nguyên nhân khiến đạo Phật suy vong rồi biến mất mãi mãi. Không chỉ đạo Phật, cái luôn cho mình là cao tột cũng khiến đạo hạnh, giá trị của ta giảm dần. Vậy nên, sự khiêm hạ chính là đạo đức rất quan trọng để ta có thể học hỏi thêm thật nhiều điều tốt đẹp, xây dựng giá trị của bản thân, bảo vệ Phật pháp, kết nối con người lại với nhau. Do đó, dù tu chứng quả Thánh nào, ta cũng phải khiêm tốn, nép mình dưới ánh sáng Phật Đà thì mới có thể mãi đi về phía trước được./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là hình ảnh buổi thuyết giảng và khóa thiền:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất