Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻNội dung buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật học cấp...

Nội dung buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật học cấp cơ sở của TT Thích Chân Quang

-

Vừa qua, vào chiều ngày 26/09/2021(nhằm ngày 20/08/năm Tân Sửu), Thượng tọa Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN, Viện chủ  Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã xuất sắc bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật học cấp cơ sở về đề tài: “NGHĨA VỤ CON NGƯỜI TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM” thuộc chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính với số phiếu đồng ý tuyệt đối (7/7 phiếu bầu) từ các thành viên trong Hội đồng đánh giá. Không chỉ nhận được vô vàn lời khen ngợi từ Hội đồng giám khảo, Thượng tọa còn khiến hàng nghìn người nghe xúc động bởi trí tuệ, đạo đức của mình cũng như sự mới lạ và tính nhân văn sâu sắc của bài luận án.

Đây là đề tài mà các nhà khoa học trong Hội đồng đánh giá cho là rất khó, rất mới và rất thú vị, có tính cấp thiết rất cao trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam đang từng bước hội nhập, phát triển công nghiệp và hiện đại hóa đất nước.

Mục đích nghiên cứu của luận án là làm rõ những vấn đề lý luận thực tiễn nghĩa vụ con người trong pháp luật Quốc tế và pháp luật Quốc gia Việt Nam. Qua đó khẳng định tầm quan trọng của nghĩa vụ con người trong pháp luật.

Được biết, đề tài này đến từ trăn trở bao nhiêu năm qua của TT Thích Chân Quang khi thấy cả thế giới đã tôn sùng quyền con người đến mức cực đoan so với bổn phận cống hiến, quên đi rằng con người cần sống như thế nào, cần làm những gì để xứng đáng với những quyền đó? Thượng tọa luôn ước mơ rằng ngày nào đó con người sẽ sống thực hiện những nghĩa vụ trên đời một cách chân thành, trọn lòng, và còn làm nhiều hơn những gì được yêu cầu, tức là sống cống hiến vị tha quên mình. Được như vậy, đạo đức của loài người sẽ chạm đến một ngưỡng mới cao xa thánh thiện hơn, sẽ tiệm cận rất gần với bao giá trị đạo đức cao cả mà Phật, các bậc Thánh hiền đã dạy từ nghìn xưa.

Vì vậy đề tài “NGHĨA VỤ CON NGƯỜI TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM” đã được Thượng tọa dày công nghiên cứu. Dù bận trăm công nghìn việc, Thượng tọa vẫn hoàn thành đề tài hết sức chỉn chu và đột phá, chỉ trong hơn một năm rưỡi đã bảo vệ xong 80% quá trình làm “ngạc nhiên” các nhà khoa học có trong Hội đồng thẩm định ngày hôm đó. Đây là luận án đầu tiên được bảo vệ dưới hình thức trực tuyến, luận án đầu tiên được bảo vệ trong bối cảnh hoạt động các nơi đều tạm dừng. Các vị trong Hội đồng cảm  nhận mình rất may mắn, vinh dự khi được đọc luận án này và cũng công nhận “nghĩa vụ” thật sự rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh thế giới hiện nay như Thượng tọa đã đề cập.

Trong buổi bảo vệ luận án, ngay từ giây phút đầu tiên, thay vì chào hỏi xã giao hay vội vàng thuyết trình, Thượng tọa lại điềm đạm, chân thành hỏi thăm từng thành viên trong Hội đồng đánh giá, đã khiến Hội đồng và mọi người khắp nơi như xích lại gần nhau hơn. Người không chỉ cảm ơn từng Thầy Cô hướng dẫn, Thầy Cô trong Hội đồng (với họ tên, chức danh không sót một ai) mà còn cảm ơn Ban Giám hiệu, từng thầy cô và bạn học từ hồi Đại học. Bình thường, Người ngồi trên Pháp tòa dạy đạo lí cho bao người, gặp ai cũng được tôn kính, gọi bằng Thầy, bằng Sư Phụ, nhưng không vì thế mà Người quên đi công ơn của những Thầy Cô đã truyền trao cho mình tri thức. Sự khiêm tốn của Thượng tọa thật khiến người khác phải cúi đầu nể phục, kính mến.

Không chỉ vậy, Thượng tọa còn gửi lời tri ân đến Đất nước, các Vị lãnh đạo, bao lực lượng đã không quản ngày đêm, gồng mình làm nhiệm vụ, bảo vệ sự bình yên để mọi người yên tâm học tập. Chỉ riêng điều này thôi cũng khiến bao người cảm động về bài học lòng biết ơn của Thượng tọa. Chúng ta thường chỉ nghe thấy những lời cảm ơn cha mẹ, thầy cô, bạn bè, cấp trên, có lẽ đây là lần đầu tiên có một Người gửi lời cảm ơn đến đất nước như thế này.

Sống, học tập và làm việc trong xã hội bình yên, hạnh phúc, Thượng tọa không coi đó là lẽ đương nhiên, mà nghĩ đó là ân nghĩa, là ơn huệ người khác mang lại cho mình. Chỉ một câu cảm ơn vậy thôi đã thức tỉnh bao con người về lối sống ân nghĩa, lòng biết ơn. Khi ấy, bao lời dạy của Thượng tọa về lối sống ân nghĩa lại ùa về với mọi người trong niềm cảm xúc vô bờ bến.

Trước Hội đồng đánh giá toàn những người có học vị cao, chắc chúng ta sẽ hồi hộp, lo lắng, việc thuyết trình cũng khó mà trôi chảy, mạch lạc được, nhưng Thượng tọa lại trình bày luận án của mình một cách tự tin bằng song ngữ Anh- Việt. Ai đã từng nghe Thượng tọa thuyết Pháp, hẳn sẽ ấn tượng với cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, cách diễn đạt gần gũi, dễ hiểu của Người. Chính khả năng làm chủ ngôn ngữ khiến những đạo lí khô khan trở nên hấp dẫn, sinh động. Hôm nay cũng vậy, cách diễn đạt của Người cũng vô cùng cuốn hút. Tiếng Việt đã hay, tiếng Anh lại càng hay. Giọng điệu nhấn nhá lúc dứt khoát, lúc trầm bổng khiến người nghe như bị thôi miên. Bản thân các thành viên trong Hội đồng đánh giá cũng phải khẳng định, thành công của bản luận án này, bên cạnh phần nội dung, còn có phần thuyết trình đầy hấp dẫn của Thượng tọa.

Khi thuyết trình, từng lời của Thượng tọa giống như từng chiếc chìa khóa vàng, mở bung từng cánh cửa, dẫn lối mọi người đi đến những chân trời mới với bao tri thức, trí tuệ, đạo đức vô cùng lợi ích và sống động như: Trụ đá do Vua Asoka lập ghi rõ sách đỏ các loài vật không được giết hại; Nhân quyền – Nhân tình – Nhân nghĩa – Nhân đạo; Nhà nước giữ vai trò điều phối tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ; bản tuyên ngôn về nghĩa vụ cho toàn thế giới, v.v..

Cứ thế, mọi người mải miết đi theo từng cánh cửa, mở mang tri thức, vỡ òa ngưỡng mộ. Có lẽ, “nghĩa vụ” là cụm từ ai ai cũng từng nghe. Đó là “nghĩa vụ công dân”, “đi nghĩa vụ quân sự”, v.v.. nhưng đây hẳn là lần đầu tiên nó được đề cập dưới góc nhìn của Luật pháp. Cách lựa chọn, tiếp cận đề tài một cách mới mẻ, độc đáo này không chỉ gây ấn tượng với những người rất có uy tín trong lĩnh vực Luật Hiến pháp, Luật Hành chính nghiên cứu ở trong nước, ngoài nước và nhiều năm giảng dạy về Luật như các vị trong Hội đồng đánh giá, mà còn khiến những người không biết gì về Luật cũng cảm thấy thích thú.

Không chỉ mới mẻ, độc đáo, mà theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung – một trong 7 vị giám khảo thì đây còn là một đề tài khó, khó cho cả những người nghiên cứu chuyên sâu về ngành Luật bởi hiện nay cả thế giới đều đang đề cao “nhân quyền” các lĩnh vực lớn kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục,… để hướng đến mục tiêu phát triển, phục vụ con người.

Bản thân ngành Luật được lập ra cũng vì “bảo vệ quyền lợi” của mọi người. Rất ít, có thể nói là hầu như không có một văn bản pháp lí nào nói rõ ràng, đầy đủ hay đề cao nghĩa vụ trên quyền lợi cả. Vậy nhưng Thượng tọa lại dũng cảm đi ngược lại với xu thế, mục tiêu, cái tất yếu chung ấy, đặt nghĩa vụ của con người lên trước. Mới nghe qua thì ai cũng “nực cười, coi đây là điều vô lí”. Nhưng nếu may mắn những ai đã tiếp cận được luận án này, được nghe Thượng tọa giải thích, chắc chắn chúng ta cũng đồng tình và hiểu tại sao đề tài này lại được Hội đồng đánh giá coi trọng, tán dương nhiều đến vậy.

Hơn nữa, nghĩa vụ của con người trong luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia không giống nhau nhưng Thượng tọa vẫn gắn kết, tìm được điểm quy đồng chung và mối quan hệ mật thiết của chúng. Qua những ví dụ thực tế trong nước đến các sự việc, tài liệu tham khảo của nước ngoài, lại thêm việc sử dụng phương pháp điều tra xã hội học chi tiết, tỉ mỉ, Thượng tọa cho chúng ta thấy quyền và nghĩa vụ của con người trong luật pháp đang mất cân xứng. Từ đó, phân tích toàn diện tính thực thi nghĩa vụ con người trong luật pháp.

Thượng tọa cũng nhấn mạnh “nghĩa vụ” ở đây chính là sự cống hiến cho xã hội, là điều mà con người ta mong muốn được làm, khiến người ta cảm thấy hạnh phúc chứ không phải là điều khiến con người lẩn tránh, cảm thấy khó chịu. Nghĩa là, nội hàm của nghĩa vụ không chỉ được luận ở góc độ pháp lý mà còn được luận giải ở khía cạnh đạo đức, tôn giáo. PGS.TS. Bùi Thị Đào đánh giá “Đây là một cách tiếp cận khá mới mẻ và với tôi là một giáo viên dạy về Luật hơn ba mươi năm cũng ngỡ ngàng. Trước nay, tôi cứ nghĩ xã hội phải dành cho người dân nhiều quyền thì mới là xã hội tốt, xã hội nhân văn. Nhưng khi đọc đến luận án này, tôi lại thấy là tôi phải thay đổi suy nghĩ”.

Thực sự, phải người có đạo đức và kiến thức sâu rộng lắm mới đặt được vấn đề ở cái tầm rất cao như thế này. Theo tôi, đây là một luận án mà người viết không chỉ rất trí tuệ còn vô cùng tâm huyết. Tôi nhận định luận án này có chất lượng vượt trội so với phần lớn tất cả các luận án mà tôi từng đánh giá kể cả là cấp cuối cùng. NCS Thượng tọa Thích Chân Quang đã phân tích đánh giá về thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về nghĩa vụ con người rất là toàn diện thuyết phục. Đặc biệt là luận giải về luận án, về hệ quả của việc quy định không cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ con người. Đây là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện nghĩa vụ con người theo pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế. Đặc biệt hơn, NCS có đề xuất xây dựng tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người. Có thể nói đây là một điểm sáng tạo rất đáng ghi nhận trong luận án này.

Ngoài ra, GS. TS Thái Vĩnh Thắng cũng nói về sự không trùng lắp của đề tài này với các luận án và các công trình khoa học khác đã công bố. Có thể nói đây là đề tài đầu tiên trong lĩnh vực Luật học mà nghiên cứu có hệ thống xuất sắc và toàn diện về nghĩa vụ của con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Ông cũng khẳng định “thế giới nặng cái tuyên truyền về quyền mà nghĩa vụ thì rất ít”. Tôi rất là cảm động đối với đề tài này. Đề tài này bảo vệ thành công và xã hội hoá ra thì nó sẽ đóng góp rất nhiều cho cái tư duy hiện nay về sự cân bằng giữa “quyền và nghĩa vụ”.

Hay PGS.TS Nguyễn Văn Quang cũng đánh giá rất cao về nội dung của luận án. Ông cho rằng luận án này phân tích rất là thuyết phục những cái hệ lụy đối với việc quá chú trọng đến quyền con người mà thiếu sự quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ con người trong nhận thức và hành động.

Thật vậy. Hội đồng đánh giá đã gọi luận án với đề tài NGHĨA VỤ CON NGƯỜI TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM là “viên ngọc” bởi nó đã thổi một luồng sinh khí mới cho xã hội hiện tại, đưa ra góc nhìn khác về vị trí, vai trò của “nghĩa vụ” cho hệ thống pháp luật. Nếu được bảo vệ ở cấp cao hơn, rồi áp dụng rộng rãi vào đời sống xã hội, chắc chắn sẽ giúp thay đổi tư duy, thái độ sống của con người, từ sự ích kỉ, thích hưởng thụ cá nhân thành sống có đạo đức, có trách nhiệm, yêu thương, phụng sự, cống hiến cho xã hội vô điều kiện. Giống như khẳng định trong slogan của luận án: “Mỗi người đến với thế giới này đều có trách nhiệm xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, để cùng nhau thụ hưởng những quyền và lợi ích trong thế giới đó”. (Coming to this world, everyone has the responsibility to make it better, then we together can enjoy the rights and happiness here.)

Thực sự, trước khi mong muốn được hưởng thụ, chúng ta phải cống hiến, phụng sự thật nhiều đã. Cái nghĩa vụ, cống hiến ấy phải lớn hơn sự thụ hưởng thì nguồn lực của xã hội mới trở nên dồi dào, đất nước, thế giới lúc ấy mới có cái lực để phát triển bền vững. Mong muốn lan tỏa lối sống cống hiến phụng sự đến tất cả mọi người cũng là mục đích sau cùng của luận án. Nói chung, luận án đã đưa ra góc nhìn đúng đắn về nghĩa vụ cho hệ thống pháp luật, hệ thống tư tưởng của Việt Nam và Thế giới.

Thật hiếm có đề tài nào lại nhân văn, mang lại giá trị thực tiễn lâu dài cho cả loài người như thế này. Hơn nữa lại được trình bày ở góc nhìn của luật pháp. Tư tưởng tiến bộ này của NCS Thượng tọa Thích Chân Quang đã mở đầu cho một cuộc cách mạng thế giới không thuốc súng- cuộc cách mạng nhân văn, tiến bộ và hạnh phúc.

Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Thượng tọa vẫn hoàn thành luận án một cách xuất sắc, hết sức chỉn chu và đột phá thì kết quả đó chắc chắn là kết tinh của tâm huyết, trí tuệ, khả năng giải quyết công việc tuyệt vời cùng tinh thần làm việc cực kì nghiêm túc, tích cực. Tâm huyết ấy được Người dồn vào từng câu, từng chữ trong bản luận án. Sự tâm huyết này được các Giáo sư, Tiến sĩ Luật học nhận định là nó khác với tâm huyết bằng cái trí, mà đó là tâm huyết “bằng tất cả tâm sức, bằng trái tim thực sự”. Vậy nên, với luận án của Thượng tọa, các vị trong Hội đồng giám khảo ai cũng cảm thấy ấm lòng cho rằng: “nếu nói về những lời khen thì có rất nhiều lời khen, vượt ra khỏi cả những ngôn ngữ về luận án này”.

Không chỉ các thành viên trong Hội đồng đánh giá mà cả những người được nghe bài thuyết trình về luận án cũng vô cùng cảm động, đã gửi rất nhiều tin nhắn cảm ơn đến Thượng tọa. Với họ nội dung bản luận án không chỉ là những kiến thức Pháp luật hữu ích, mà còn là những đạo lí quan trọng giúp chúng ta xây dựng, hoàn thiện nhân cách, con người của bản thân. Đồng thời, thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự tồn tại, phát triển của thế giới.

Tư duy thay đổi, hành động của chúng ta sẽ thay đổi, hành động thay đổi thì kết quả sẽ thay đổi. Cũng vậy, thay vì tư duy giống mọi người, chọn lối sống an nhàn, hưởng thụ, Thượng tọa lại chọn lối sống cống hiến, phụng sự. Để cống hiến, phụng sự được nhiều hơn, Người đã không ngừng tu học, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng. Mặc dù ngoại ngữ, Luật học không phải chuyên ngành, thế mạnh của Thượng tọa nhưng những người chuyên ngoại ngữ hay các Tiến sĩ ngành Luật cũng phải nể phục kiến thức của Người sau buổi thuyết trình này. Đây chính là kết quả của việc cố gắng học tập không ngừng nghỉ. NCS Thượng tọa Thích Chân Quang chính là tấm gương, là chân lí cho chúng ta thấy “không có gì là không thể nếu chúng ta cố gắng”. 

Thật may mắn cho những ai được nghe bản luận án này, và càng may mắn hơn cho những ai là đệ tử của Người. Hàng ngày được tiếp cận với nguồn giáo lý do Người giảng dạy họ đã cảm nhận rất rõ “Sư Phụ” là tấm gương vĩ đại cao vời về việc nỗ lực thực hiện nghĩa vụ ngay từ niên thiếu. Nghĩa vụ này đối với Người đã được nâng tầm thành lý tưởng: lý tưởng phụng sự chúng sinh, lý tưởng hy sinh phụng sự không giữ lại gì cho mình. Suốt mấy mươi năm qua Người đã sống với lý tưởng đó; đồng thời ươm mầm, gieo rắc lý tưởng này cho muôn nơi. Từ đây mà bao nhiêu tâm hồn cũng được thăng hoa, ngát hương từ bi, vị tha, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.

Ai cũng cảm phục trước trí tuệ cao xa cùng trái tim bao la của tác giả luận án. Quả thật, một cuộc sống cống hiến rất nhiều (nhiều hơn cả những nghĩa vụ được yêu cầu) mới là niềm hạnh phúc mà cả nhân loại nên tìm về. 

Sau hôm nay, khi bản luận án được công bố rộng rãi, chắc chắn sẽ gây tiếng vang lớn không chỉ trong nước, mà lan cả quốc tế. Chúng ta khát khao ước mong sao từng điều nhỏ trong luận án sẽ được dựng thành video diễn giải, dịch ra nhiều thứ tiếng, truyền bá đi khắp nơi, giúp từng quốc gia, từng dân tộc, từng người dân trên thế giới cùng được hiểu và thực hành theo.

Và có thể sẽ có nhiều dự luật, điều lệ trong luật pháp Việt Nam hoặc luật pháp Quốc tế sẽ thay đổi. Và chắc chắn, những thay đổi ấy sẽ làm cho cuộc sống, xã hội và thế giới của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Học vị của Thượng tọa cũng sẽ thay đổi. Nhưng một điều không bao giờ thay đổi, rằng Thượng tọa mãi mãi là người Thầy, là người truyền cảm hứng cho mọi người trên con đường tu học, trau dồi đạo đức và phụng sự nhân sinh./.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất