Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻSự nguy hiểm của việc bảo tồn thú dữ - The danger...

Sự nguy hiểm của việc bảo tồn thú dữ – The danger of conservating ferocious predators

-

THAM LUẬN

SỰ NGUY HIỂM CỦA VIỆC BẢO TỒN THÚ DỮ

TS. VƯƠNG TẤN VIỆT

Tiến sĩ Luật học Trường Đại học Luật Hà Nội

Thượng tọa Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang, Bà Rịa Vũng Tàu

TÓM TẮT

Hiện nay, rất nhiều loài thú dữ đang được thế giới bảo vệ một cách cực đoan với lý do bảo tồn động vật hoang dã. Thú dữ là thủ phạm gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, con người và xã hội như gây suy giảm đa dạng sinh học, phá hỏng cân bằng môi trường sinh thái và khiến cho cuộc sống của con người trở nên bất an, căng thẳng. Bài viết nêu ra nguyên nhân và những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên để bảo tồn động vật hoang dã một cách thông minh, hợp lý hơn. Trong đó có những biện pháp rất mới, mạnh mẽ như: phân tách khái niệm thú dữ – thú hoang dã khác, cho phép người dân tự vệ chính đáng khi bị các loài thú nguy hiểm tấn công, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ y sinh học vào công tác bảo tồn thú hoang dã…

Từ khoá: bảo tồn, động vật hoang dã, thú dữ, thiên nhiên tự xử lý, bảo tồn động vật hoang dã, công nghệ AI, đa dạng sinh học.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay phong trào bảo tồn động vật hoang dã đang được hưởng ứng tại khắp nơi trên thế giới với nhiều mục đích tốt đẹp. Tuy nhiên cùng với đó con người cũng đang đồng thời bảo tồn cả những loài thú dữ. Chúng ta định nghĩa ở đây “thú dữ” là những loài ăn thịt sống, cực kỳ hung hãn, có bản năng săn mồi, mỗi ngày tìm bắt giết các giống loài yếu hơn làm thức ăn. Vấn đề ở chỗ vì chủ quan cho rằng cứ là động vật hoang dã, kể cả thú dữ, thì phải được bảo tồn nên chúng ta đã không cân nhắc sự tác động của những con thú dữ này đến môi trường sống của các loài khác và chính con người.

Trên thực tế, ngay trong xã hội loài người, không phải ai cũng xứng đáng được hưởng những quyền tự do giống nhau. Pháp luật cũng như lương tri của nhân loại đều đồng ý rằng chỉ những công dân nào đủ đạo đức thì mới có quyền được sống tự do trong cộng đồng. Còn kẻ xấu ác phải được quản chế, kiểm soát, cách ly, loại bỏ để tránh gây hại cho những người xung quanh.

 Chúng ta sẽ nghĩ sao nếu bất ngờ có cơ quan quản lý nào đó thả vài tử tù (phạm tội giết người hàng loạt) vào ở tự do trong khu phố của ta? Chúng ta thắc mắc hỏi tại sao thả kẻ ác độc vào khu dân cư đang sinh sống hiền lành, họ trả lời vì phải bảo tồn mọi hạng người bình đẳng nên phải thả. Sau đó thì cả khu dân cư náo động xáo trộn, không còn ai có tâm trí gì để làm ăn mưu sinh gì nữa. Rồi cứ mỗi ngày nghe tin phát hiện án mạng chỗ này chỗ kia. Cũng vậy, khu rừng đang bình yên, bỗng có ai đó đem rắn độc, cọp beo, cá sấu, linh miêu… vào thả. Thế là cả khu rừng náo động hoảng loạn. Chỉ vì chúng ta không sống trong rừng nên không hiểu nỗi đau khổ của nhiều con thú khi phải sống chung khu vực với thú dữ.

Đối với con người, việc bảo tồn những loài thú dữ cũng đang bắt chúng ta phải trả giá đắt. Trong thế giới động vật, cá sấu là một trong những loài có khả năng giết người đáng sợ nhất, chúng cướp đi sinh mạng của khoảng 1000 người mỗi năm[1]. Trong đó, riêng Cá sấu sông Nile là thủ phạm của hơn 300 vụ[2]. Tại Châu Phi, hà mã chính là “kẻ sát nhân” thực sự khi hằng năm có tới 2900 người bị thiệt mạng bởi loài này[3]. Cũng tại đây, những khu vực dân cư ven rừng thường xuyên bị đe dọa bởi sư tử. Mỗi năm, trên khắp châu Phi, sư tử gây ra hàng trăm vụ tấn công và giết chết khoảng 200 người[4]. Rắn cũng được coi là một loài thú dữ cực kỳ nguy hiểm. Trên toàn thế giới, mỗi năm ước tính có khoảng 5 triệu ca rắn cắn, trong đó, rắn độc gây ra tử vong và bệnh tật chiếm tỷ lệ đáng kể. Có khoảng 2,4 triệu ca rắn cắn và 94.000 – 125.000 ca tử vong hàng năm; 400.000 ca phải cắt bỏ một số bộ phận và các hậu quả sức khỏe nghiêm trọng khác như nhiễm trùng, uốn ván, sẹo, co thắt và di chứng tâm lý[5].

Tại Việt Nam, theo thống kê của khoa hồi sức chống độc bệnh viện Chợ Rẫy, trong giai đoạn 2010-2011 khoa ghi nhận số bệnh nhân bị rắn độc cắn dưới 300 người/năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2018-2019, con số này tăng lên trên 700 người/năm. Số lượng người bị rắn độc cắn ngày càng cao với tỷ lệ tử vong chung là 0,5%[6].

Cũng tại nước ta trong những năm vừa qua, có rất nhiều tai nạn thương tâm do thú dữ gây ra như: Hổ vồ chết nhân viên, làm bị thương du khách, voi quật chết quản tượng, lợn rừng tấn công người đến chết, bò rừng đột nhập vào khu dân cư húc thủng ruột những người dân bản địa… Đáng chú ý trong năm 2021 và 2022, nhiều khu vực ở nước ta xảy ra hàng loạt những vụ tấn công do khỉ mặt đỏ và khỉ đuôi heo – là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thuộc nhóm IIB, có tên trong Sách đỏ Việt Nam gây ra như: tấn công người và cắn chết nhiều gia cầm ở tỉnh Quảng Trị; quậy phá và gây thương tích cho người dân ở thành phố Hồ Chí Minh; đại náo khu dân cư, cắn chết vật nuôi và tấn công trẻ em ở tỉnh Thái Bình…

Tình trạng nêu trên buộc chúng ta phải nhìn nhận lại việc bảo tồn các loài thú dữ này là quyết định khôn ngoan hay là một sai lầm tai hại đối với cả thế giới?

[1] Báo Phụ nữ (2022), Cá sấu tấn công, giết chết bé trai 1 tuổi ở Malaysia, website: https://www.phunuonline.com.vn/ca-sau-tan-cong-giet-chet-be-trai-1-tuoi-lam-cha-bi-thuong-o-malaysia-a1479438.html

[2] Báo Người lao động (2023), Bí ẩn cá sấu Nile, “ăn thịt hơn 300 người” website: https://nld.com.vn/video/bi-an-ca-sau-nile-an-thit-hon-300-nguoi-20221121145654556.htm

[3] Tri thức và cuộc sống (2022), Dù hà mã có đáng yêu đến đâu, vẫn là những kẻ giết người đáng sợ, website: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/du-ha-ma-co-dang-yeu-den-dau-van-la-nhung-ke-giet-nguoi-dang-so-1712300.html

[4] Newsweek, Missing Woman Found Dead With Torso Missing After Suspected Lion Attack, website: https://www.newsweek.com/lion-attack-missing-woman-dead-torso-missing-zimbabwe-1641308

[5] Safevietnam (2017), Động vật cắn/húc | Thế giới | Tổng quan, website: http://safevietnam.org.vn/tong-quan-10647

[6] Báo Lao Động (2023), Gia tăng tỷ lệ người ngộ độc với tác nhân ngày càng phong phú, website: https://laodong.vn/xa-hoi/gia-tang-ti-le-nguoi-ngo-doc-voi-tac-nhan-ngay-cang-phong-phu-1151518.ldo

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất