Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangThông báoTấm lòng và những đóng góp của TT Thích Chân Quang đằng...

Tấm lòng và những đóng góp của TT Thích Chân Quang đằng sau danh hiệu Nhân tài Đất Việt

-

Vừa qua, vào ngày 14/8/2019 (nhằm ngày 14/7/năm Kỷ Hợi), tại Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT) đã diễn ra buổi Lễ trao tặng bảng vàng vinh danh NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ dành cho TT. Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang do Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực Việt Nam tổ chức.

Hoạt động đặc biệt này nằm trong chuỗi các sự kiện của Đại lễ Vu Lan năm 2019, nhằm ghi nhận những giá trị đóng góp to lớn của Thượng tọa dành cho Phật giáo nói riêng và xã hội, đất nước, con người Việt Nam nói chung. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất, một lần nữa khẳng định những điều Thượng tọa nói, những việc Thượng tọa làm là đúng đắn, khoa học. Người xứng đáng là tấm gương sáng ngời về việc tu hành chân chính, cống hiến hết mình cho đạo Pháp, đất nước, nhân loại để các thế hệ sau phấn đấu, noi theo.

Được biết Thượng tọa là vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên trên cả nước đón nhận danh hiệu này. Đây là vinh dự không chỉ riêng với Thiền Tôn Phật Quang mà còn với Phật giáo nói chung, khi những đóng góp của một vị tu sĩ Phật giáo đã được tuyên dương một cách rộng rãi và đầy thuyết phục. Vì vậy, chương trình đã thu hút được sự quan tâm, chú ý, chờ đợi của rất nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp nhà nước, lãnh đạo các cấp trong GHPGVN, Chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện trong và ngoài tỉnh, cùng hơn 3 vạn đồng bào Phật tử trong cả nước đến tham dự Đại Lễ.

Được biết, Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam – là đơn vị thực hiện các đề tài, đề án, dự án về nhân tài và nhân lực. Viện rất có uy tín trên cả nước trong việc khai thác, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, kiến nghị sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực trí thức cho các cơ quan, đơn vị, nghiên cứu khoa học về nhân tài nhân lực. Ngoài ra, Viện còn đào tạo nhân tài chuyên môn trong lĩnh vực nhân tài, nhân lực, tư vấn thông tin tuyên truyền về nhân tài và nhân lực.

Không chỉ vậy, Viện có chức năng tổ chức chương trình, vinh danh các nhà lãnh đạo tiêu biểu, những nhân tài Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Với mục tiêu động viên, khuyến khích, cổ vũ những Nhà quản lý, Nhà khoa học, những doanh nhân, trí thức, các thầy thuốc, lương y có tâm, có đức, có tài, tiếp tục đóng góp, phát huy những giá trị tốt đẹp, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng xã hội; hay làm tốt hơn nữa những nghiên cứu, sáng tạo, thực hiện công tác an sinh xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Vậy nên, những cá nhân, tập thể được Viện vinh danh đã được nghiên cứu, tuyển chọn rất kĩ, thông qua những cống hiến, đóng góp thực tế của họ dành cho đất nước. Và phải thật là những đóng góp quan trọng, lớn lao mới có thể được công nhận và trao bằng vinh danh này.

Thật hạnh phúc thay, nhân đúng vào dịp Đại lễ Vu Lan năm 2019, Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực, tổ chức trao tặng bảng vàng vinh danh: NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ dành cho TT. Thích Chân Quang là thành viên Hội đồng khoa học của Viện đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa tôn giáo, tích cực tham gia công tác từ thiện an sinh xã hội cống hiến vì cộng đồng.

Sự tôn vinh ngày hôm nay chính là đề cao những giá trị tốt đẹp, trách nhiệm, sự cống hiến miệt mài của Thượng tọa Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang trong suốt những năm qua.

Quả thực, nhắc đến Thượng tọa Thích Chân Quang, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một vị chân tu đáng kính, một vị Giảng sư Phật học lỗi lạc với hơn 2.000 bài giảng lay động hàng triệu trái tim, một nhà giáo dục uyên bác đã xây dựng đạo đức cùng lý tưởng sống cao đẹp cho nhân sinh, một nhà văn, nhà thơ, một nhạc sĩ tài năng, một võ sư đã thổi làn gió mới cho nền võ học cổ truyền nước nhà…

Thật không thể dùng một hình ảnh nào để diễn đạt được hết năng lực, trí tuệ, cái tâm và cái tầm của Người. Chỉ những ai may mắn, được một lần gặp Người, được nghe Người giảng pháp hay thưởng thức những tác phẩm của Người, mới phần nào cảm nhận được sự vĩ đại, lớn lao bên trong và vẻ ngoài giản dị, mộc mạc của Thượng tọa.

GIỚI THIỆU XUẤT THÂN
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, Thượng Tọa Thích Chân Quang, trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã có thiện căn sâu dày với Phật Pháp ngay từ tấm bé. Từ thời niên thiếu, Thượng tọa đã ôm ấp lý tưởng cao đẹp sống vì mọi người. Cho đến khi gặp được Phật Pháp, Người đã ấp ủ ước mơ trở thành một vị tu sĩ chân chính.

Sau này khi duyên lành đầy đủ, Thượng tọa đã xuất gia, tu học theo vị Bổn Sư là Hòa Thượng Thích Thanh Từ ở Thiền viện Thường Chiếu năm 1980. Sau đó, Thượng tọa may mắn được nhận Hòa Thượng Thích Huệ Hưng – Trụ Trì Tu viện Huệ Quang, TP. Hồ Chí Minh làm Y chỉ sư, trực tiếp dạy dỗ. Nhờ ân đức dưỡng dục của chư vị Hòa Thượng, cùng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, Thượng tọa dần trưởng thành trong Chánh Pháp và chính thức thọ giới Tỳ kheo vào năm 1984.

Về sau nữa, Thượng tọa có duyên lớn còn được HT Thích Thiện Nhơn – Viện chủ Tổ đình Thiên Đức (Bình Định) yêu thương, quan tâm, dìu dắt. Từ đó, Người tiếp tục nối bước chư Hòa Thượng để cống hiến hết mình cho Tổ quốc và phụng sự cho đạo Pháp, lợi lạc cho nhân sinh. Để ghi nhận những đóng góp to lớn đó, đến năm 2007, Người vinh dự được tấn phong giáo phẩm Thượng tọa.

ĐÓNG GÓP:

THÀNH LẬP CHÙA THIỀN TÔN PHẬT QUANG – HOẰNG PHÁP
Suốt những năm tháng lập thất tu hành nơi vùng núi xa xôi hẻo lánh, Người không chỉ nỗ lực, học tập cho bản thân, mà còn tích cực giúp đỡ mọi người, đóng góp cho xã hội. Sau 12 năm tu học, năm 1992, Thượng tọa chính là Người đã xây dựng nên Thiền Tôn Phật Quang, biến một thung lũng hoang sơ, hẻo lánh trong lòng núi Dinh thành nơi tu tập, nương tựa tâm linh của hàng vạn Phật tử ở khắp nơi trên cả nước.

Không chỉ tạo dựng môi trường tu học, Thượng tọa còn trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy, mang kiến thức Phật học, cũng như kiến thức khoa học xã hội đến cho mọi người trong và ngoài nước. Thượng tọa không ngại vất vả, vẫn vào Nam ra Bắc, lên núi, ra đảo, miệt mài hoằng Pháp độ sinh.

Thượng tọa là vị giảng sư Phật giáo đầu tiên thuyết Pháp ở Nhà hát lớn Hà Nội và Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Đến nay, với hơn 2.000 bài Pháp đã thuyết giảng về mọi đề tài: giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, tâm lý, đạo đức, y học, giao thông, võ thuật… Người được tôn vinh là vị Giảng sư lỗi lạc, thấu suốt nhiều lĩnh vực, những điều đạo lý chứa đựng bên trong vừa mộc mạc, gần gũi nhưng vừa sâu sắc và đầy triết lý cao đẹp. Tuy với với 2.000 bài giảng với nội dung đa dạng và gần như không trùng lắp, nhưng đều xoay quanh một trục đạo lý cốt yếu không bao giờ thay đổi là niềm tin Luật Nhân Quả, lòng Tôn kính Phật, tâm từ bi, đức tính khiêm hạ, thiền định và mục tiêu Vô ngã của đạo Phật.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho đệ tử thực hành đạo lý, Thượng tọa đã tổ chức các khóa tu định kì hàng tuần, hàng tháng cho các đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trên khắp cả nước. Đặc biệt, Thượng tọa chính là người đầu tiên khởi xướng tổ chức các khóa học đạo đức mùa hè cho các em học sinh. Tất cả các hoạt động đó, Thượng tọa mong muốn xây dựng nền tảng đạo đức, lý tưởng sống cao đẹp – sống vì mọi người cho người Việt Nam để góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một phát triển, văn minh, đạo đức.

Giờ đây, chương trình này đã trở thành mô phạm, là hoạt động không thể thiếu tại các chùa trong mỗi dịp hè về. Quả thực, các lớp đạo đức mùa hè cho thanh thiếu niên đã ươm mầm lý tưởng sống cho lớp trẻ khắp nơi và được các chùa hưởng ứng, cũng như được Giáo hội công nhận và khuyến khích cho các chùa cùng thực hiện.

Không chỉ thuyết giảng, Thượng tọa còn xuất bản hơn 130 đầu sách trên nhiều lĩnh vực và sáng tác gần 150 ca khúc nhạc Phật giáo ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, thiên nhiên, con người; tình yêu nhân loại, yêu chuộng hòa bình; những đạo lý cao đẹp của cuộc đời và trong đạo Phật.

Những giáo lý nghìn xưa của Đức Phật qua sự truyền trao của Thượng tọa đã lay động hàng triệu trái tim khiến nhiều người phát tâm tu học. Tính đến nay, hàng đệ tử xuất gia của Thượng tọa có hơn 160 vị Tăng Ni và gần 106.000 đệ tử quy y tại gia, gần 41 đạo tràng và hơn 33 Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hơn thế nữa, mới đây nhất, các Chúng thanh niên tu học theo đường lối của Thượng tọa tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã được thành lập.

ĐÓNG GÓP CHO ĐẤT NƯỚC – HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN – AN SINH XÃ HỘI
Bên cạnh việc giáo hóa độ sinh, Thượng tọa còn quan tâm, tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Tiêu biểu là năm 2017, Người đã đến thăm và trao tặng 1 tỷ đồng để xây nhà đại đoàn kết tại Trường Sa. Cùng thời gian đó, Người cũng đã trao tặng 2 tỷ đồng cho Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào lũ lụt.

Song song đó, Thượng tọa đã thành lập Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang, chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện như: xây cầu, đắp lại các đoạn đường hư hỏng; xây nhà tình thương; tặng quà tết cho các hộ gia đình khó khăn; triển khai chương trình đạo đức học đường nhằm xây dựng nền tảng đạo đức cho các em học sinh; hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên, chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Củ Chi và Tiền Giang,… Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, Thiền Tôn Phật Quang đã đóng góp hơn 307 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện.

Y TẾ – SỨC KHỎE
Sức khỏe là điều kiện cần thiết để mọi người tu học, làm việc, cống hiến cho có hiệu quả. Vì vậy gìn giữ, nâng cao sức khỏe cũng là mối quan tâm rất lớn của Thượng tọa. Những năm vừa qua, Thượng tọa đã hướng dẫn rộng rãi phương pháp tập luyện khí công để củng cố nội lực cùng các vị thuốc thiên nhiên đơn giản giúp tăng cường và bảo vệ sức khỏe.

Người còn nghiên cứu và tìm ra phương pháp trị tiểu đường mang tên CORA. Thượng tọa cũng đã xuất bản ấn phẩm sách “Hiểu Về Ung Thư”, chỉ ra con đường khắc chế bệnh ung thư mang tên QUATRAS, tức là ăn trái cây sạch.

Hội y Bác sĩ thiện nguyện Phật Quang cũng được thành lập để chữa bệnh miễn phí cho người dân trên khắp cả nước.

MÔI TRƯỜNG
Thượng tọa luôn nhấn mạnh rằng yêu quý, biết ơn thiên nhiên, bảo vệ môi trường là một đạo đức bắt buộc của tất cả mọi người. Vì vậy trong những năm qua, Thượng tọa luôn kêu gọi hãy sống tiết kiệm, cẩn thận không để tạo ra nhiều rác thải cho đời, đồng thời biết phân loại rác thải tại nhà, tái chế rác thải, tuyệt đối không vứt rác bừa bãi, đi nhặt rác mỗi cuối tuần. Tất cả đều được hưởng ứng mạnh mẽ.

Vào năm 2018, Hội Yêu Rác đã được Thượng tọa thành lập với thành viên chủ yếu là các thanh niên, sinh viên. Từ đó đến nay, Hội đã có những chương trình, hoạt động hiệu quả trong việc nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề rác thải, kêu gọi lối sống xanh, yêu quý thiên nhiên.

Thượng tọa còn cho ra đời tập truyện ngắn song ngữ “Rác và tình yêu” tập hợp những câu chuyện ngắn rất ý vị về rác. Khép lại tập truyện, độc giả hiểu rằng ý thức về rác phải được nâng lên một bước thành đạo đức, trở thành tình yêu rác. “Yêu rác để lòng ta sâu sắc hơn”.

Thượng tọa còn tích cực kêu gọi trồng cây tạo mảng xanh cho môi trường sống, sử dụng pin năng lượng mặt trời, tiết kiệm năng lượng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường.

Đặc biệt, Thượng tọa đã đề xuất ý tưởng sử dụng bong bóng phản quang để giảm sức nóng của mặt trời. Gần đây, Bill Gates ủng hộ sáng kiến thả hạt hóa chất che bớt ánh nắng mặt trời để làm giảm nhiệt cho Trái đất, thì trước đó 5 năm, Thượng tọa đã nói về sáng kiến thả bong bóng phản quang lên tầng bình lưu che bớt ánh nắng mặt trời, không bị tác dụng phụ mất kiểm soát như thả bụi hóa chất. Đây là một sáng kiến vô cùng độc đáo, thể hiện trí tuệ, tầm nhìn sâu xa, đi trước thời đại của Thượng tọa.

ĐÓNG GÓP CHO CỘNG ĐỒNG
Thượng tọa cũng chỉ đạo cho các Đạo tràng, các Chúng thanh niên Phật Quang giúp nhau sinh kế, hỗ trợ nhau làm ăn, giới thiệu việc làm cho nhau. Điều này được khuyến khích như một việc thiện bền vững, giúp nhau lâu dài, chứ không chỉ là bố thí tiền quà đơn giản, và thật sự đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong cộng đồng.

Ngoài ra, Thượng tọa còn có nhiều đóng góp, sáng kiến khác về cải thiện nông nghiệp thủy canh, luật pháp, điện ảnh, kiến trúc, khoa học công nghệ.

Loạt bài giảng “Tâm Lý Đạo Đức” do Thượng tọa thuyết giảng, sau được viết thành sách “Tâm Lý Đạo Đức” đã đóng góp lớn vào việc xây dựng đạo đức cho cộng đồng, xác định giá trị của Phật giáo là tích cực, năng động dựng xây cuộc đời, làm lợi ích cho chúng sinh nhưng vẫn thanh thản, tự tại, nhẹ nhàng.

Đặc biệt, với những phân tích, lập luận chặt chẽ, sâu sắc, giàu tính thuyết phục, Thượng tọa là một nhà sư kêu gọi lòng yêu nước có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy được tình yêu Tổ quốc nồng nàn trong sâu thẳm tâm hồn hàng triệu người con nước Việt.

Xuyên suốt những bài giảng của Thượng tọa, chúng ta luôn thấy rõ quan điểm giác ngộ giải thoát phải bắt nguồn từ đời sống rất vị tha, từ những công đức thực tế trong cuộc sống. Quan điểm này góp phần dựng xây một đạo Phật vừa cao siêu vừa thiết thực. Những người thực hành theo quan điểm này đều tích cực cống hiến cho xã hội.

VÕ THUẬT
Không chỉ là một giảng sư, nhà giáo dục, nhạc sĩ Phật Giáo, Thượng tọa còn là một người đam mê võ thuật từ nhỏ. Kế thừa tinh thần thượng võ của lịch sử dân tộc, Thượng tọa đã thành lập môn phái Phật Quang Quyền, trực thuộc Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam với mong muốn giữ gìn và phát huy tinh hoa võ học dân tộc, nâng cao sức khỏe con người Việt Nam; đồng thời thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, đóng góp cho nền Võ cổ truyền Dân tộc ngày càng phát triển. Môn phái Phật Quang Quyền đã tham gia thi đấu và đạt nhiều huy chương, tài trợ, tổ chức các lớp tập huấn võ thuật, chương trình liên hoan võ thuật tầm cỡ quốc tế.

ĐÓNG GÓP CHO GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Trên tất cả mối bận tâm ấy, Thượng tọa luôn đau đáu, đặt việc giáo dục thế hệ Tăng Ni trẻ (tương lai của Phật Giáo Việt Nam) lên hàng đầu. Vì vậy, dù bận rộn nhiều công tác Phật sự, Người cũng vẫn dành thời gian, duy trì việc lên lớp, góp phần đào tạo Tăng tài cho Phật giáo nước nhà. Từ năm 1997 đến năm 2011, Người là Giáo thọ sư của trường Trung cấp Phật học tỉnh Long An.

Cho đến nay, với cương vị là Phó trưởng ban Kinh tế – Tài chính TW GHPGVN, Thượng tọa đã có nhiều đóng góp vào các buổi tham luận hoằng Pháp của Giáo hội, cũng như tham gia tổ chức các chương trình Đại lễ Vesak và các đại lễ lớn của Phật giáo. Được biết, bài hát “Vesak thiêng liêng” do Thượng tọa sáng tác đã được chọn làm ca khúc mở đầu cho Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào năm 2008.

Điển hình là vào năm 2015, Thượng tọa đã tham gia tổ chức Hội trại tập huấn Thanh niên Phật tử toàn quốc đầu tiên ở Sóc Sơn. Từ ngày Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay, Hội trại Thanh niên Phật tử toàn quốc ở Sóc Sơn là Hội trại lần đầu tiên được tổ chức dành riêng cho Thanh niên Phật tử.

Ngoài ra, Người còn tổ chức Đại Lễ Cầu Siêu tại Thành cổ Quảng trị, tham gia hỗ trợ tổ chức các Đại giới đàn, tích cực hỗ trợ xây dựng cơ sở Tự viện trên cả nước.

Đặc biệt, vào năm 2017, Thượng tọa đã tham dự và có bài trả lời phỏng vấn tại Hội thảo Quốc tế chuyên đề cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do Chính Phủ tổ chức tại Hà Nội.

Đồng thời, Thượng tọa còn là nhà sư đã cải cách nghi thức tụng niệm của Phật giáo, Việt hóa, mạnh dạn sử dụng âm nhạc hiện đại vào nghi thức tụng niệm. Ngoài ra, Thượng tọa cũng Anh hóa và viết mới (tiếng Anh) một số bài kinh tụng để người nước ngoài có cơ hội tiếp cận đạo Phật.

Ngoài vinh danh Nhân tài đất Việt, chúng ta có thể tôn vinh Thượng tọa là biểu tượng cho sự hòa hợp, bởi lẽ Thượng tọa luôn có quan điểm đoàn kết các hệ phái trong Phật Giáo. Bằng chứng là Người có rất nhiều các bài giảng, bài tham luận kêu gọi sự đoàn kết các hệ phái. Nhờ quan điểm đúng đắn này mà đông đảo các vị Tăng Ni đã đến tham dự, lắng nghe, học hỏi các buổi Pháp thoại của Thượng tọa ở khắp nơi. Đặc biệt, số lượng Tăng Ni các hệ phái về chùa Phật Quang tham dự các mùa Đại lễ ngày một đông hơn. Tất cả đều cảm nhận được tinh thần hòa hợp không phân biệt hệ phái tại mái chùa đầy yêu thương này.

Đặc biệt hơn, vào năm 2018, chùa hân hạnh đón tiếp phái đoàn Phật Giáo Campuchia do Ngài Đại Tăng Thống Tep Vong làm Trưởng đoàn đến tham dự Đại Lễ Phật Thành Đạo. Và điều tốt đẹp này của Phật Giáo hai nước đã góp phần đẩy mạnh mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và vương quốc Campuchia anh em.

Quả thật, bên cạnh việc gắn kết các hệ phái Phật Giáo, Thượng tọa còn có quan điểm đoàn kết các tôn giáo. Nhờ kiến thức uyên thâm về các tôn giáo mà Thượng tọa được không ít các tu sĩ, đồng bào tôn giáo bạn vô cùng yêu mến vì họ nhận ra được tiếng nói chung giữa các tôn giáo. Rất nhiều người thuộc tôn giáo bạn đến chùa Phật Quang để tìm hiểu, học hỏi đều cảm thấy rất gần gũi, không có rào cản tôn giáo nào. Tấm lòng lớn lao của Thượng tọa đã góp phần giữ gìn ổn định an ninh cho Tổ quốc và hòa bình thế giới.

Và lành thay, những đóng góp tích cực của Thượng tọa đã bước đầu được ghi nhận:

Vào năm 2013, Tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam đã đến chùa Phật Quang xác lập 2 kỷ lục:

+ Thượng tọa là vị tu sĩ sáng tác nhạc Phật giáo nhiều nhất.
+ Và chùa tổ chức thành công Đại Lễ Phật Thành Đạo có số người tham dự đông nhất, lên đến 30.000 người.

Tiếp tục, vào năm 2018, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng đã trao bằng bảo trợ Chùa Phật Quang là “Khu Di tích Lịch sử – Văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam”.

Bao năm qua, Thượng tọa luôn giữ chặt quan điểm giáo lý vừa đào sâu vào lời dạy của Phật thời nguyên thủy, vừa phù hợp với kiến thức khoa học hiện đại, vừa tiên liệu trước cho tương lai, đã được các nhà trí thức và tầng lớp trẻ ủng hộ.

Trên con đường hoằng pháp lợi sinh, dẫu cho gặp phải quá nhiều sự xuyên tạc, công kích, mưu hại, Thượng tọa vẫn bình thản hoằng dương chánh pháp, không ngừng làm điều tốt đẹp cho cuộc đời. Có thể nói, Thượng tọa là tấm gương sáng về hạnh nhẫn nhục kiên cường hiếm ai làm được, là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai quyết sống một cuộc đời vị tha, giữ vững lý tưởng cao đẹp mà đi mãi, dù bao khó khăn vẫn không sờn lòng.

Và mới đây, để ghi nhận những thành tích đóng góp của Thượng tọa Thích Chân Quang cho cộng đồng, xã hội, Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực đã quyết định trao tặng Bảng vàng vinh danh cho Thượng tọa là NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ.

Tại buổi Lễ, nhà báo Lại Đức Hồng – Trưởng Ban đào tạo – phong trào – Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực đã công bố Quyết định tặng Bảng vàng vinh danh cho Thượng tọa Thích Chân Quang.

Theo văn bản số 34/QDKT Hà Nội ngày 06/08/2019 quyết định về việc tặng bảng vàng vinh danh nhân tài đất Việt thời Hội nhập quốc tế, căn cứ quyết định số 137/ QDLHH ngày 23/02/2018 của Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hội Liên hiệp Khoa học và kĩ thuật Việt Nam, căn cứ điều lệ tổ chức và hoạt động Viện nghiên cứu Nhân tài Nhân lực đã được Liên hiệp Hội các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam phê duyệt và quyết định số 295/QDLHHVL ngày 30/03/2018 xét đề nghị của Hội đồng thi đua khen thưởng ngày 05/08/2019, Đạo hiệu của Người đã được xướng lên trong niềm hân hoan, ngưỡng mộ của hàng nghìn trái tim có mặt hôm ấy.

Kế đến, Thiếu tướng Nguyễn Đình Được – Viện Trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài nhân lực và ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Viện Trưởng Thường trực Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực lên trao Quyết định và tặng Bảng vàng vinh danh: NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ cho Thượng tọa Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài Chính TW GHPGVN – Trụ Trì Thiền Tôn Phật Quang.

Đón nhận bảng vinh danh từ Viện nghiên cứu Nhân tài Nhân lực, cũng như những lời chúc mừng từ phía quý vị khách mời, quý Tăng Ni, Phật tử, Thượng tọa lại không thấy đó là công lao của mình. Người khẳng định, có được những giá trị, những thành quả ấy là nhờ sự gia hộ của Đức Phật; sự dạy dỗ của Thầy tổ, của cha mẹ, thầy cô; sự ủng hộ, giúp đỡ của GHPGVN, lãnh đạo chính quyền các cấp và đồng hành của bạn bè, huynh đệ, và các hàng đệ tử…

Tại buổi Lễ, TT. Thích Chân Quang đã gửi lời cảm ơn đến Thiếu tướng Nguyễn Đình Được – Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhân tài Nhân lực Việt Nam và toàn Viện nói chung.

Đồng thời, bằng sự khiêm cung hết mực như xưa nay, Người đã xin cúng dường vinh dự này lên Đức Phật, các vị Chư tôn đức và quê hương yêu dấu của mình. Ngoài ra, Người còn gửi niềm tri ân chân thành, sâu sắc của mình đến cha mẹ, các vị thầy, các hàng đệ tử xuất gia và tại gia. Người mong rằng đất Việt sẽ ngày càng nhiều người tài để mọi người cùng cống hiến nhiều hơn cho thế giới. Có vậy, nhân loại mới được sống trong thịnh vượng, bình an, hạnh phúc thực sự.

Tiếp đến, đại diện Thiền Tôn Phật Quang, Thượng tọa Thích Chân Quang đã trao tặng 50 triệu đồng cho quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi tại Văn phòng II phía Nam Viện Khoa Học Nghiên Cứu Nhân Tài Nhân Lực năm 2019.

Lễ vinh danh cho Thượng tọa diễn ra trong không khí trang nghiêm, long trọng những cũng rất đầm ấm, vui tươi. Qua buổi Lễ, chúng ta hiểu rõ hơn về Thượng tọa, về Thiền Tôn Phật Quang – một ngôi chùa đơn sơ ẩn mình giữa thung lũng bạt ngàn, trong đó có một vị chân sư giản dị, gần gũi nhưng có những hoài bão vô cùng lớn lao.

Và đằng sau những hình ảnh gần gũi, mộc mạc ấy là một trái tim từ bi yêu thương bao la, một trí tuệ mẫn tiệp vĩ đại. Dù đã dành cả cuộc đời để phụng sự cho quê hương, cho đạo Pháp, nhưng Người vẫn không ngừng trăn trở làm sao để có thể cống hiến được nhiều hơn nữa. Người là minh chứng sống về một bậc vĩ nhân có suy nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt.

Cả cuộc đời của người chứa đựng vô vàn những lời dạy quý báu cho chúng ta noi theo. Thượng tọa chính là tấm gương sáng ngời cho một đời tu hành chân chính, cống hiến hết mình vì Đạo Pháp, vì Tổ quốc, vì cả tương lai của nhân loại và ngày hôm nay, bảng vàng vinh danh: NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ chính là minh chứng, là sự ghi nhận mạnh mẽ của cộng đồng xã hội dành cho những cống hiến không mỏi mệt ấy.

Nhìn lại những đóng góp, cống hiến to lớn của Người, chúng ta không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ và tự hỏi: “Tại sao một con người bình dị ấy lại có thể làm nên những điều to lớn, vĩ đại đến vậy? Và chúng ta phải nỗ lực, phấn đấu đến bao nhiêu mới có thể nối gót, tiếp bước con đường mà Người đang đi?”

Phải chăng, những thành tựu của Người đã đúc rút cho ta một chân lý: “Sống cho mình thì điều to lớn nào cũng trở thành nhỏ nhặt. Sống làm lợi cho đời thì việc nhỏ nhặt đến mấy cũng là trở thành lớn lao”. Vậy nên, chúng ta đừng nghĩ đến việc thụ hưởng cho bản thân, mà hãy học tập Thượng tọa, sống chỉ với mục đích làm lợi cho đời, sống bằng trái tim từ bi, vị tha không bờ bến./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi lễ:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất