Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangCác hoạt động Phật sự khácTT Thích Chân Quang bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ...

TT Thích Chân Quang bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Luật học

-

Vào ngày 09/12/2021, Nghiên cứu sinh (NCS) Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) vừa bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính (mã số 9380 102) với đề tài “Nghĩa vụ con người trong Pháp luật Quốc tế và Pháp luật Việt Nam” tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ bao gồm các nhà khoa học:

  1. PGS.TS Tô Văn Hòa – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng;
  2. TS. Trần Thị Hiền, Nguyên Phó Trưởng khoa Pháp Luật Hành chính – Nhà nước, trường ĐH Luật Hà Nội, Thư ký Hội đồng;
  3. GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Nguyên Trưởng Bộ môn Lý luận – Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội;
  4. PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
  5. PGS.TS. Hoàng Văn Tú, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội;
  6. TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, trường ĐH Luật Hà Nội;
  7. GS.TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Và 2 vị giảng viên hướng dẫn khoa học:

  1. GS.TS. Nguyễn Minh Đoan – Nguyên Phó Chủ Nhiệm Khoa Pháp Luật Hành chính Nhà nước, trường ĐH Luật Hà Nội;
  2. TS. Trần Kim Liễu – Trưởng phòng Hành chính, trường ĐH Luật Hà Nội.

Đặc biệt, buổi bảo vệ còn có sự tham gia của 2 vị khách mời đặc biệt là GS.TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên gia cao cấp học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Danh nhân.

Và Thiếu tướng Nguyễn Đình Được – Viện trưởng Viện Nhân tài đất Việt.

Mục đích nghiên cứu của Luận án là làm rõ những vấn đề lý luận thực tiễn nghĩa vụ con người trong pháp luật Quốc tế và pháp luật Quốc gia Việt Nam. Qua đó khẳng định tầm quan trọng của nghĩa vụ con người trong pháp luật.

Được biết, đề tài này đến từ trăn trở bao nhiêu năm qua của TT Thích Chân Quang khi thấy cả thế giới đã tôn sùng quyền con người đến mức cực đoan so với bổn phận cống hiến, quên đi rằng con người cần sống như thế nào, cần làm những gì để xứng đáng với những quyền đó? Việc thực hiện nghĩa vụ chưa tương xứng với mức thụ hưởng đã tạo nhiều hệ lụy như: đạo đức cá nhân xuống cấp, gia đình tan vỡ, nợ công, tài nguyên thiên nhiên can kiệt, môi trường bị phá hủy, các giá trị văn hóa nhân loại bị mai một… Từ đó buộc chúng ta phải nhìn lại tầm quan trọng của nghĩa vụ con người đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội.

‘Chính vì việc làm rõ tầm quan trọng của nghĩa vụ con người là rất cần thiết và cấp bách, nên Thượng tọa đã chọn nghiên cứu đề tài ‘Nghĩa vụ con người trong pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam’ làm Luận án tiến sĩ Luật học của mình.

Chỉ hơn một năm rưỡi Thượng tọa đã hoàn thành đề tài hết sức chỉn chu và đột phá. Cách lựa chọn, tiếp cận đề tài một cách mới mẻ, độc đáo, không trùng lắp với các Luận án và các công trình khoa học khác đã công bố, khiến các nhà khoa học trong Hội đồng thẩm định hết sức ấn tượng, vừa ngỡ ngàng vừa thích thú.  

Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ cấp trường gồm có 7 vị do PGS.TS Tô Văn Hòa – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội làm Chủ tịch.

Luận án tiến sĩ của Thượng tọa được Hội đồng đánh giá là đề tài đầu tiên trong lĩnh vực Luật học mà nghiên cứu có hệ thống xuất sắc và toàn diện về nghĩa vụ của con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia (lần đầu tiên cụm từ “nghĩa vụ” được đề cập dưới góc nhìn của Luật pháp). Có thể nói đây là một công trình khoa học có giá trị to lớn đối với việc nghiên cứu pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế do một tu sĩ Phật giáo Việt Nam nghiên cứu.

Là người trực tiếp hướng dẫn cho Thượng tọa, GS. TS Nguyễn Minh Đoan cho biết: ‘Nghiên cứu sinh là người có năng lực, đam mê với nghiên cứu khoa học. Vấn đề Nghiên cứu sinh đề cập ở đây rất lớn. Tới nay, đã có nhiều nghiên cứu về quyền con người, nhưng về nghĩa vụ thì đây là lần đầu tiên có công trình nghiên cứu thấu đáo’.

 Bản thân ngành Luật được lập ra cũng vì “bảo vệ quyền lợi” của mọi người, nhưng hầu như không có một văn bản pháp lí nào nói rõ ràng, đầy đủ đề cao nghĩa vụ trên quyền lợi cả. Vậy nhưng Thượng tọa lại dũng cảm đi ngược lại với xu thế, mục tiêu, cái tất yếu chung ấy, đặt nghĩa vụ của con người lên trước.

Hơn nữa, nghĩa vụ của con người trong luật pháp Quốc tế và luật pháp Quốc gia không giống nhau nhưng Thượng tọa vẫn gắn kết, tìm được điểm quy đồng chung và mối quan hệ mật thiết của chúng. Qua những ví dụ thực tế trong nước đến các sự việc, tài liệu tham khảo của nước ngoài, lại thêm việc sử dụng phương pháp điều tra xã hội học chi tiết, tỉ mỉ, Thượng tọa cho chúng ta thấy quyền và nghĩa vụ của con người trong luật pháp đang mất cân xứng. Từ đó, phân tích toàn diện tính thực thi nghĩa vụ con người trong luật pháp.

Quan điểm của Thượng tọa “nghĩa vụ” ở đây chính là sự cống hiến cho xã hội, là điều mà con người ta mong muốn được làm, khiến người ta cảm thấy hạnh phúc chứ không phải là điều khiến con người lẩn tránh, cảm thấy khó chịu. Nghĩa là, nội hàm của nghĩa vụ không chỉ được luận ở góc độ pháp lý mà còn được luận giải ở khía cạnh đạo đức, tôn giáo.

Thực sự, trước khi mong muốn được hưởng thụ, chúng ta phải cống hiến, phụng sự thật nhiều đã. Cái nghĩa vụ, cống hiến ấy phải lớn hơn sự thụ hưởng thì nguồn lực của xã hội mới trở nên dồi dào, đất nước, thế giới lúc ấy mới có nội lực để phát triển bền vững.

Đồng thời, bản “Tuyên ngôn toàn cầu về Nghĩa vụ con người” được Thượng tọa đề xuất trong Luận án được xem là rất táo bạo, có thể nói đây là ý tưởng có tầm vóc rất lớn lao, vượt xa yêu cầu của một Luận án tiến sĩ Luật học.

Thật hiếm có đề tài nào lại nhân văn, mang lại giá trị thực tiễn lâu dài cho cả loài người như thế này. Hơn nữa lại được trình bày ở góc nhìn của luật pháp. Tư tưởng tiến bộ này của Thượng tọa Thích Chân Quang đã mở đầu cho một cuộc cách mạng thế giới không thuốc súng – cuộc cách mạng nhân văn, tiến bộ và hạnh phúc.

Bản Luận án tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang nhận được sự đánh giá cao của 7 thành viên trong Hội đồng chấm Luận án và nhiều ý kiến biểu dương của các chuyên gia.

Thay mặt Hội đồng, PGS.TS Tô Văn Hòa nhận định: ‘Luận án có góc tiếp cận mới, không trùng lặp, lập luận khoa học, bố cục chặt chẽ. Về lý luận, cách tiếp cận liên ngành được hội đồng đánh giá cao. Công trình có những đóng góp sâu sắc và lâu dài cho vấn đề nghĩa vụ của con người mà tác giả đã đặt ra trong luận án này’.

PGS.TS Hoàng Văn Tú cho biết: ‘Bản nghiên cứu này rất nhân văn, thể hiện vấn đề đạo đức, luân lý nhưng trên quan điểm pháp luật. Luận án toàn diện, bài bản, chuyên sâu về nghĩa vụ con người trong luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Luận án này sẽ đóng góp vào kho tàng lý luận về nghĩa vụ con người đối với xã hội’.

Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, Luận án có rất nhiều điểm mới, nhiều đột phá: ‘Tôi thấy trong đó là trăn trở của nghiên cứu sinh khi đi tìm sự cân đối giữa quyền và nghĩa vụ của con người. Với tư cách là phản biện trong Hội đồng chấm Luận án, tôi đánh giá rất cao Luận án của Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, lý luận chặt chẽ và các giải pháp đề xuất cũng rất phù hợp. Tôi hy vọng trong tương lai nghiên cứu này sẽ được in ấn thành sách để lan tỏa trong xã hội’

Với những nhận xét như trên, Hội đồng đã nhất trí bỏ phiếu 7/7 hạng xuất sắc cho nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang).

Nhân dịp này, NCS Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) bày tỏ lòng tri ân tới các nhà khoa học, thầy cô trong khoa Luật học – trường Đại học Luật Hà Nội, cùng Hội đồng khoa học đã góp ý nhiệt tình để Luận án hoàn thiện hơn.

Có thể nói Luận án tiến sĩ Luật học về đề tài “Nghĩa vụ con người trong Pháp luật Quốc tế và Pháp luật Việt Nam” đã góp phần vào việc giải quyết một vấn đề cấp thiết của khoa nghiên cứu ngành Luật…Đề tài này rất hay và xứng đáng được chia sẻ rộng rãi cho mọi người có thể tiếp cận và làm tài liệu trong nghiên cứu.

Thật sự đây là đề tài rất đặc biệt, không phải ai cũng có thể thành công. Chúng ta hy vọng khi đề tài này được xã hội hoá ra thì sẽ đóng góp rất nhiều cho tư duy hiện nay về “sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ”, tức chuyển đổi từ lối sống ích kỉ, thích hưởng thụ cá nhân thành sống có đạo đức, có trách nhiệm, yêu thương, phụng sự, cống hiến cho xã hội và chúng sinh vô điều kiện. Giống như khẳng định trong slogan của Luận án: “Mỗi người đến với Thế giới này đều có trách nhiệm xây dựng Thế giới tốt đẹp hơn, để cùng nhau thụ hưởng những quyền và lợi ích trong Thế giới đó.” (Coming to this world, everyone has the responsibility to make it better, then we together can enjoy the rights and happiness here.)

Đây chính là kết quả của việc cố gắng học tập không ngừng nghỉ. Đến nay Thượng tọa đã bước sang tuổi lục tuần mà vẫn còn học. Dù công việc Phật sự đa đoan mà Người vẫn hoàn thành một cách vượt bậc con đường học vấn với thành tích vô cùng đáng ngưỡng mộ – thủ khoa bậc ĐH ngành Luật. Và thật hy hữu, đúng ngày sinh thần của Người (09/12), Thượng tọa đã xuất sắc bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Luật học, nhận được vô vàn lời khen ngợi và chúc mừng từ các giới. Thượng tọa Thích Chân Quang chính là tấm gương, là chân lí cho chúng ta thấy “không có gì là không thể nếu chúng ta cố gắng”. 

Đối với hàng đệ tử, Thượng tọa là tấm gương cao vời về việc nỗ lực thực hiện nghĩa vụ ngay từ niên thiếu. Nghĩa vụ này đối với Người đã được nâng tầm thành lý tưởng: lý tưởng phụng sự chúng sinh, lý tưởng hy sinh cống hiến không giữ lại gì cho mình. Suốt mấy mươi năm qua Người đã sống với lý tưởng đó; đồng thời ươm mầm, gieo rắc lý tưởng này cho muôn nơi. Từ đây mà bao nhiêu tâm hồn cũng được thăng hoa, ngát hương từ bi, vị tha, đặc biệt là giới trẻ hiện nay./.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất