Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻVấn đáp Phật Pháp số 55

Vấn đáp Phật Pháp số 55

-

VẤN ĐÁP PHẬT PHÁP SỐ 55

 HỎI: DẠ THƯA THẦY, MỘT NGƯỜI BỊ TRẦM CẢM THÌ CHỮA NHƯ THẾ NÀO?

ĐÁP: Xin thưa, người đó không tự chữa được.

Khi xuất hiện trạng thái trầm cảm rồi thì người đó tự làm cho nỗi buồn lớn hơn thêm, chứ không muốn giằng lại, cho đến khi tự tử chết luôn. Nên nếu như mình biết chung quanh có người nào đó bị trầm cảm thì mình phải sám hối dùm người ta, mình phải lạy Phật bí mật: “Xin Phật gia hộ cho con sám hối thay bạn con đang bị bệnh tâm lý, xin cho con sám hối thay bạn con ngày xưa đã tạo bao nhiêu nghiệp, nay xin Phật tha thứ. Xin cho con đem Phật Pháp đến để bạn con hiểu, xin cho bạn con yêu thương được mọi người, xin cho bạn con có đạo đức sống vị tha, đem niềm vui đến cho người”.

Mình cứ mỗi ngày cầu nguyện dùm, sám hối dùm thì nhờ thần lực của Phật bỗng dưng bệnh kia bị chặn lại, không bị tuôn trào nỗi buồn nữa. Lúc đó mình mới đến nói chuyện về Phật Pháp, nói chuyện về lòng từ bi thương yêu, sự hy sinh, giúp đỡ, về việc làm phước, đi đắp đường, bắc cầu, phóng sinh,… phải làm điều gì cho mọi người vui. Mình rủ đi được vài lần là bệnh của người kia tự bớt từ từ.

Thêm nữa, nếu có tình cảm cao thượng trấn giữ trong nội tâm thì mình không bị bệnh tâm lý khác xâm chiếm. Tình cảm cao thượng chấn giữ trong tâm là gì?

Thứ nhất là tình yêu nước. Đây là một loại đạo đức đặc biệt, mà cũng là vũ khí đặc biệt trấn giữ trong lòng ta, để ta không bị những tâm lý xấu xuất hiện, không bị bệnh tâm lý làm ta khốn đốn. Đó là lý do bao nhiêu bài giảng của chùa Phật Quang ta nhắc đi nhắc lại về tình yêu nước rất nhiều là vì vậy. Nếu trong lòng tất cả chúng ta, ai cũng có tình yêu nước thì bệnh bậy không xâm nhập vào tâm hồn được. Khi mình nói “tôi yêu nước lắm” thì tình yêu nước đó không thật, không thành một sức mạnh. Phải yêu nước đến khi nào trong đầu nghĩ rằng mình sẵn sàng chiến đấu vì Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh xương máu vì Tổ quốc, sẵn sàng chết vì Tổ quốc, thì tình yêu nước đó bùng lên, xuất hiện ra liền, có thật liền. Khi có tình yêu nước thật sự giữ tâm hồn mình rồi thì đừng hòng mấy bệnh tâm lý tào lao xuất hiện được nữa. Trầm cảm biến mất liền, ảo vọng biến mất liền, kiêu ngạo biến mất liền.

Thứ hai, còn tình cảm vĩ đại nào ngoài tình yêu nước nữa? Đó là tình yêu Đạo, tình yêu Phật Pháp. Tình yêu Phật Pháp là lòng kính yêu Đức Phật đến tuyệt đối, kính yêu giáo lý mà Phật đã dạy, kính yêu những vị xuất gia tu hành chân chính. Khi nhìn tượng Phật nghĩ như Đức Phật sống động giữa đời và chỉ muốn quỳ xuống lạy thôi; Đọc một trang đạo lý, hay lắng nghe một lời đạo lý lòng mình xúc động khôn cùng; Nhìn những bậc chân tu xuất hiện giữa đời, những người mà giới hạnh thanh tịnh, tinh tấn tu tập, lòng mình thương yêu dạt dào. Đó chính là tình yêu Đạo Pháp. Nếu trong lòng mình có tình yêu đạo Pháp này rồi thì bệnh tâm lý bậy bạ không xuất hiện trong lòng mình được.

 

NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH TRẦM CẢM:

 Bệnh tâm lý trầm cảm là do nhân quả. Ví dụ, khi ta bị bệnh, nguyên nhân gần là ta nhiễm siêu vi, nguyên nhân xa là ác nghiệp mình gây ra. Tại sao ta buồn vời vợi? Nguyên nhân gần là tác nhân phụ, còn nguyên nhân xa là kiếp xưa ta làm nhiều người buồn quá, bây giờ tất nhiên ta mắc bệnh trầm cảm. Kiếp xưa ta không đánh ai hết, nhưng ta làm tác động nhè nhẹ làm cho ai đó buồn. Trong cuộc đời này, người ta thương nhau rồi bỏ nhau rất nhiều, người ta kết tội nhau cũng rất nhiều. Do đó, nỗi buồn xuất hiện vì những điều ta làm buồn nhau.

Chính vì nghiệp cuồn cuộn, cả cái thế giới này bị nhấn chìm trong nghiệp, nghiệp chúng sinh làm buồn khổ lẫn nhau và cái buồn đó bay vẩn vơ trong không gian này, đến khi gặp đúng người nào ngày xưa đã từng gây nỗi buồn cho người khác thì nó nhập vào trong tâm người đó. Thế là người đó xuất hiện “ung thư tâm lý”, bị nỗi buồn vô cớ không biết nguyên nhân, tự mình làm mình buồn, tự ý nghĩ làm mình buồn cho tới ngày kết thúc bằng cái chết. Bệnh trầm cảm là như vậy.

Chúng sinh khắp thế giới này thường hay gây nghiệp làm buồn lòng nhau. Có những chuyện buồn chút chút, nhưng có những chuyện làm buồn sâu sắc kéo dài. Người có đạo đức, người biết tu hành, một bậc hiền thiện thì tâm lúc nào cũng tinh tế để đừng làm buồn lòng người khác. Càng tinh tế chừng nào, càng đạo đức chừng nào thì ta cẩn thận từng lời nói một, không làm buồn lòng ai. Chúng ta nhìn lại cuộc đời mình xem mình đạt được đạo đức đó chưa, đạt được sự tinh tế đó chưa? Hay ta muốn nói gì thì nói, muốn cư xử sao thì cư xử, ai buồn cứ mặc kệ, thì ta là người vô minh, ngu dốt và ác độc.

Còn nếu ta thuộc loại người tinh tế khi cư xử, đừng để người khác buồn, dù buồn rất ít, thì ta được xếp vào bậc hiền thiện đạo đức. Cái ranh giới này mong manh lắm. Theo lời Phật dạy, ta biết yêu thương, biết quan trọng tới nỗi buồn khổ của người khác thì hết sức cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói, trong từng cư xử. Đạo đức tới chỗ tinh tế là lúc nào cũng quan tâm tới niềm vui của người khác, làm cho người khác thấy được tôn trọng, được yêu quý. Khi ta làm điều gì cho ai đó mà người đó cảm thấy được tôn trọng, được yêu quý là ta cho họ niềm vui.

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất