Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngĐạo tràng Phật QuangVĩnh Long : TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng tại khóa...

Vĩnh Long : TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng tại khóa thiền chùa Phật Ngọc Xá Lợi

-

Nhận lời mời của TT Thích Phước Hạnh – Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, cứ đến khóa Thiền hàng tháng tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi, TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang lại quang lâm hướng dẫn Thiền và thuyết giảng cho đông đảo Thiền sinh và hàng nghìn Phật tử trong và ngoài tỉnh tham dự. Chiều ngày 18/03/2023, (nhằm ngày 27/02/ năm Qúy Mão), trong Khóa tu Thiền đầu năm 2023, Thượng tọa đã thuyết giảng đề tài: SỰ CHỌN LỰA.

 Bài Pháp thoại đưa ra khái niệm, phân loại, chỉ rõ những yếu tố tác động cũng như vai trò của sự chọn lựa đến tương lai của mỗi người. Nhờ đó, các Phật tử  biết cân nhắc để có những lựa chọn đúng, không bị rơi vào sai lầm, tà kiến, góp phần xây dựng cho bản thân và thế giới một tương lai tốt đẹp hơn.

 Tham dự chứng minh buổi Pháp thoại có:  TT Thích Phước Hạnh – Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; Chư Tăng Chùa Phật Ngọc Xá Lợi và Thiền Tôn Phật Quang; cùng Chư Ni tại Vĩnh Long.

 Ngoài ra còn có hơn 1.500 Phật tử đồng tham dự bao gồm các thiền sinh, các Phật tử xa gần. Và hàng nghìn Phật tử theo dõi trực tuyến trên kênh Youtube Pháp Quang – Sen Hồng.

 Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định đạo Phật có nhiều cách tu khó và dễ, thấp và cao. Trong đó, Thiền là pháp môn tu khó, lại cao nên ít người lựa chọn tu theo. Nên những ai tu Thiền đây thực sự là những người rất can đảm và khôn ngoan bởi họ không sợ khó, không sợ khổ, lựa chọn Thiền – cái cốt lõi, phương pháp tu giá trị nhất của đạo Phật để theo.

 Thật sự, Thiền chính là gốc rễ, là cốt lõi của đạo Phật. Người chọn tu Thiền là người đang cố gắng gìn giữ cái cốt lõi của đạo Phật. Vậy nên, lựa chọn này cho họ cái phước báu. Còn người chọn lối tu không có cái lõi thì mong manh, dễ đổ vỡ. Giống như cái cây, quý nhất ở cái lõi. Lớp giác bên ngoài của cây rất dễ bị mục nát, mối mọt nhưng cái lõi lại không bị biến dạng dù để ngoài mưa gió hàng trăm năm. Tức là người chọn lối tu Thiền giống như cây có cái lõi tốt. Thượng toạ khuyến tấn các Phật tử nên can đảm, trí tuệ chọn Thiền, bởi sự kiên cường, cố gắng trên con đường tu khó khăn đó sẽ cho ta công đức.

 Người nhấn mạnh: chắc chắn nhiều người biết Thiền là cốt lõi của đạo Phật nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra quyết định lựa chọn Thiền là phương pháp tu tập mình sẽ theo. Từ những ví dụ liên quan đến việc đầu thai, tái sinh, Thượng tọa khẳng định “Phước càng lớn, ta càng làm được nhiều việc lớn, càng có nhiều sự lựa chọn”. Nói cách khác, phạm vi lựa chọn của ta rộng thì ta là người có phước. Ngược lại, phạm vi lựa chọn của ta hẹp thì ta là người thiếu phước.

Sự lựa chọn được thể hiện trong tất cả hành động của ta. Ngoài việc chọn pháp môn nào để tu, sự lựa chọn còn được thể hiện ở việc ta ăn gì, mặc gì, học gì, làm nghề gì, gặp gỡ ai, chọn ai để nói chuyện, chọn lời nào để nói với nhau,.. Và dù lựa chọn vấn đề gì, ta cũng phải cẩn thận, cân nhắc bởi mỗi lựa chọn sẽ thành cái nghiệp cho tương lai của ta.

Ví dụ, khi nói chuyện với người khác, nếu ta chỉ toàn công kích khiến mọi người ghét nhau; hay chỉ biết khen mình chê người, làm mất lòng người khác sẽ khiến ta tạo nghiệp, tổn phước. Lời nói không tốt cũng làm ta mất giá trị, bị người khác coi thường. Nhưng nếu biết lựa lời nói có đạo lý để chia sẻ, truyền đạt, giúp họ tăng trưởng công đức thì ta được cái phước. Tức là lựa chọn mà đem lại thiện pháp cho người khác là lựa chọn có trí tuệ.

Hay khi chọn giáo pháp để tu, nếu không cân nhắc, phán xét, kiểm chứng mà cứ chạy theo người khác chọn những pháp môn sai một cách mù quáng thì ta là người vô minh. Chính xác hơn, ta không biết lựa chọn vì không có trí tuệ. Vì mỗi hành động của ta đều hướng tới tương lai nên ta phải đặc biệt cân nhắc, lựa chọn bậc Đạo sư, bạn đồng hành sao cho đúng (nghĩa là chúng ta nên cẩn thận chọn những người tốt). Lựa chọn sai quả báo có thể đến ngay hoặc 50 năm, thậm chí là 500 năm sau nó mới xảy đến.

Người khẳng định rõ, mỗi hành vi trong đời đều là một sự lựa chọn và tất cả đều có cái nghiệp. Ta không có cái nhìn vượt thời gian nên cứ mãi chọn sai khiến cuộc đời mình cứ lên xuống không ngừng, không có gì đặc biệt. Chỉ những vị Thánh biết lựa chọn đúng nên họ đã thoát khỏi trần ai, vượt khỏi luân hồi sinh tử.

Thêm nữa, mỗi hành động của ta ở hiện tại là một quả báo của tương lai nên việc cân nhắc mỗi lựa chọn là ta đang sống cho tương lai. Tại sao không sống cho hiện tại? Bởi tương lai rồi cũng trở thành hiện tại. Sống cho tương lai thật sự là ta đang sống cho hiện tại. Ta thường nghe những vị Thiền sư dạy “Hãy an trú trong hiện tại” thì trong tích tắc, cái hiện tại đó lại thành quá khứ. Đây là lí do ta đi tìm sự lựa chọn đúng nhất trong mỗi lời nói, hành động của mình.

Để đi sâu hơn vào bài Pháp, Người đặt câu hỏi “Tại sao ta thường hay lựa chọn sai lầm”? Rất nhiều Phật tử đã trả lời nhưng tất cả đều chưa đầy đủ. Bằng những ví dụ thực tế, Thượng tọa đã giúp mọi người có cái nhìn trọn vẹn hơn về câu trả lời cho vấn đề này. Theo đó, có 3 yếu tố can thiệp vào sự lựa chọn của ta, đó là: cái nghiệp, cái cảm tính và sự vô minh.

Trong đó, cái cảm tính là yếu tốt rất nguy hiểm, nó chi phối sự lựa chọn, che mờ không cho ta thấy tương lai. Còn ta, bởi không có kiến thức, không có bản lĩnh, không có đạo đức nên không nhìn thấy tương lai, chỉ thấy cái thích của mình trong hiện tại mà thôi. Cuối cùng bất chấp tất cả, kiên quyết với lựa chọn sai lầm của mình.

Nhân đây, Thượng tọa chỉ ra 5 điều chúng sinh cần chọn để xây dựng, kiến tạo tương lai tốt đẹp cho bản thân:

– Đầu tiên, ta cần sức khỏe (không cần bệnh tật) nên ta chọn lối sống, sự ăn uống, luyện tập lành mạnh, tốt cho cơ thế. Muốn có trí tuệ để lựa chọn được đúng như vậy, mỗi ngày ta cần chăm chỉ lễ Phật, siêng năng tu hành. Có sức khỏe rồi ta mới làm được nhiều điều phúc thiện có lợi cho đời, cho đạo và chúng sinh.

– Thứ hai, ta chọn phúc (không chọn tội) nên mỗi lời nói ra đều thắp dậy trong lòng mọi người cái thiện pháp, đạo đức. Vì lúc nào cũng cẩn thận điều phúc tội, cân nhắc nhân quả nên ai tới gần ta đều trở thành người có đạo đức.

– Thứ ba, ta chọn giác ngộ (không chọn si mê). Trong đó, giác ngộ là hướng về vô ngã, không sống cho mình mà sống cho đạo đức, sự vô ngã của người khác. Si mê là tham lam, chấp ngã, làm theo cảm tính của mình. Nhờ sống cho người khác nên ta kết duyên được với nhiều chúng sinh, sau này dễ hướng dẫn họ tu hành. Lựa chọn si mê, sau này ta chỉ có đọa 3 đường ác là: địa ngục, ngã quỷ và súc sinh. Nên khi ngồi Thiền, lạy Phật, ta không càu cho lợi ích cá nhân mà cầu cho cả thế giới này thành tinh cầu giác ngộ.

– Thứ tư, ta chọn cuộc sống ý nghĩa, có giá trị (không chọn lối sống vô nghĩa, bị người khác khinh rẻ) nên khi xuất hiện giữa cuộc đời, giữa cộng đồng làm sao để mỗi lời nói, mỗi hành vi của ta phải thể hiện được đạo lý, thiện pháp. Có vậy, người đời nhìn vào họ mới không coi thường. Sự đánh giá của mọi người cũng là sự đánh giá của Chư Thiên nên ta phải hết sức cẩn thận. Lựa chọn một cuộc sống có giá trị giúp ta có tâm lý vững vàng, không bị lo lắng, hoảng sợ trước tất cả hội chúng.  

Thứ năm, ta lựa chọn điều đúng (không chọn điều sai). Tức là ta chọn đời sống đúng, hướng đi đúng, hành động đúng, Pháp môn tu đúng, ngôi chùa đúng, vị thầy đúng, con đường đúng, ước mơ đúng, lý tưởng đúng, chứ không chọn đời sống sai, hướng đi sai, hành động sai, giáo Pháp sai… Từ nơi cái đúng của ta tất cả mọi người chung quanh cũng được lây nhiễm, được lan toả rồi cùng nhau xây dựng một cõi đời bình yên, thánh thiện, hạnh phúc.

Nhưng đúng là gì, sai là gì không ai trả lời được bởi nó là ranh giới cuối cùng của chân lý. Cuối cùng chỉ có sự may mắn quyết định giúp ta mà thôi.

Thực tế, có rất nhiều việc chúng ta xem lựa chọn của số đông là lựa chọn đúng. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng số đông chưa chắc đã đúng bởi có khi cái đúng lại nằm trong số ít người còn lại. Rõ ràng, hiểu mọi việc đến mức sâu sắc không có mấy người. Và chính những người trong số ít này đang giữ lại cho cuộc sống những điều đàng hoàng, đúng đắn.

Cũng giống hôm nay, hàng  nghìn người lựa chọn đi chơi, hưởng thụ thì chỉ có số ít Phật tử biết về chùa ăn chay, sống nép mình trong giới luật, cùng Chư Tăng tu hành trong khung cảnh bình yên. Chúng ta nói đây là đúng nhưng vô số người ngoài kia nói đi chơi mới là đúng. Nên chọn cái đúng, không chọn cái sai là lựa chọn khó nhất trên đời bởi mỗi người có một quan điểm riêng.

Thêm nữa, cái gì là đúng, là sai không ai trả lời được, tất cả chỉ là may mắn. Như khi ta hiểu đạo, tìm được ánh sáng chân lý, biết hướng về vô ngã, ta mới biết mình may mắn khi được làm con của Phật. May mắn này thực sự là duyên phúc từ vô số đời xưa. Ngoài kia, biết bao người không được may mắn như ta nên họ vẫn vô minh, si mê, ham thích hưởng lạc đủ thứ, đang lăn trôi ngụp lặn trong luân hồi sinh tử.

Nhìn chung, tất cả mọi sự lựa chọn đều là cuộc tranh đấu vô cùng vất vả giữa trí tuệ với cảm tính, cái nghiệp, cái si mê; giữa cái nhìn về tương lai với cái ưa thích trong hiện tại. Cái làm nên sức mạnh, giúp ta thắng đuợc cái cảm tính, si mê, cái nghiệp để có một lựa chọn đúng chính là công đức tu hành, lễ Phật nhiều ngày tháng. Chứ còn thực sự, cái ta lựa chọn thường theo 3 tiêu chuẩn: dễ, vui và có lợi cho bản thân. 

Tuy nhiên, đã lựa chọn tu theo đạo Phật, tức là ta đã chọn cái khó để đi. Vậy nên, trước những cái lựa chọn dễ, vui, nhiều lợi ích thì ta phải biết khước từ. Đừng sống vì bản thân, hãy nguyện sống để đem đạo đức, sự giác ngộ cho mọi người. Vội vàng, nông cạn chọn cái vui, dễ, nhiều lợi ích để rồi cuối cùng bị lừa, mất tiền, mất sức khỏe, thậm chí trở thành người phản đạo, phản quốc rồi mang tội, mất đạo đức.

Thực sự, trước đây chúng ta lúc nào cũng đặt lợi ích của bản thân lên trên trước khi quyết định một việc. Bởi quá chú trọng đến bản thân, ta quên luôn việc chia sẻ, làm phước, giúp người, giúp đời. Sự nông cạn, vô minh, lại thêm sự thiếu phước khiến chúng ta không có những lựa chọn đúng đắn. Hôm nay, nghe những chia sẻ của Thượng tọa, bằng những ngôn từ giản dị, ví dụ thực tế, cộng với cách dẫn dắt hài hước, dí dỏm, bài Pháp bỗng trở nên dung dị, nhẹ nhàng, dễ hiểu hơn. Nhờ đó, các Phật tử đã hiểu tại sao cuộc đời mình cứ mãi thăng trầm vinh nhục, cuộc sống khi thành công, khi thất bại, việc tu không có sự chứng ngộ nào. Tất cả đều là cái nghiệp từ những lựa chọn sai lầm trong quá khứ của ta.

May mắn thay, ta vẫn còn có thời gian, có cơ hội để tu tập, sửa đổi, lựa chọn lại. Đó là chọn tin tưởng, nương tựa theo đạo Phật để tu hành; chọn Thiền làm pháp môn tu tập; chọn lối sống khiêm hạ, yêu thương tất cả chúng sinh; chọn lí tưởng sống tử tế, hy sinh, phụng sự tất cả mọi người. Đây chắc chắn là con đường gian nan, vất vả nhưng chúng ta tin rằng chỉ cần mình nỗ lực cố gắng, chăm chỉ lễ Phật, kiên trì với lựa chọn của mình, chắc chắn Phật sẽ gia hộ, giúp ta sẽ đi đến đích.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất