Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻÝ nghĩa của Luận án Tiến sĩ Luật học về đề tài...

Ý nghĩa của Luận án Tiến sĩ Luật học về đề tài “Nghĩa vụ con người trong Pháp luật Quốc Tế và Pháp luật Việt Nam”

-

Trên con đường nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ là học vị cao quý, là sự ghi nhận và danh dự rất lớn của xã hội dành cho một học giả. Tuy nhiên, danh hiệu đó đòi hỏi cả một quá trình cố gắng, phấn đấu và nghiêm túc làm việc mà rất ít người có thể biết được. Mới đây, trong một buổi chia sẻ với các Phật tử, Thượng tọa Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã có những giờ phút trải lòng về quá trình này, trên cương vị là một học giả, vừa hoàn thành xong Luận án Tiến sĩ Luật học.

Theo Thượng tọa, để trở thành Nghiên cứu sinh (NCS), người học phải hoàn thành chương trình cử nhân và tất cả các tín chỉ của chương trình cao học Thạc sĩ. Từ khi chọn đề tài nghiên cứu đến khi bảo vệ Luận án thành công, NCS phải trải qua tám lần bảo vệ, phải có bài tham luận đăng trên tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo quốc tế… Riêng tiêu đề Luận án, chỉ mấy chữ thôi cũng phải bảo vệ trước một Hội đồng gồm năm vị Giáo sư. Trong tám lần bảo vệ Luận án, có một lần là phản biện kín rất khó khăn. Nếu được chấp nhận bảy lần trước đó thì mới có buổi bảo vệ thứ tám. Ngược lại, nếu Luận án bị đánh giá là kém thì phải hủy, làm lại từ đầu.

Thượng tọa cũng chia sẻ, một Luận án được thông qua khi nội dung phải bảo đảm 2 tiêu chí: một là tính cấp thiết cần cho xã hội, hai là có nội dung mới, không trùng lắp với bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác. Hình thức Luận án cũng có rất nhiều quy định, từ lề, cỡ chữ, số trang, cách trích dẫn,…

Việc lên ý tưởng, tìm kiếm nội dung thông tin cho Luận án là vất vả, tốn nhiều thời gian nhất. Bên cạnh thông tin trong nước, người học còn phải tìm kiếm, đối chiếu, phản biện, bổ sung thông tin trên thế giới. Vậy nên, NCS Tiến sĩ không còn là học trò nữa, mà có thể coi là học giả ngang hàng với học giả thế giới. Ngày nay, khoa học phát triển, hệ thống công nghệ thông tin mở rộng nên việc tìm kiếm thông tin trở nên nhanh hơn. Nếu là trước kia, việc tìm thông tin cũng có khi phải mất đến vài năm.

Thượng tọa cho biết, khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, được Hội đồng đánh giá gọi là tân Tiến sĩ, lòng Người không chút mảy may vui mừng vì quá trình trở thành Tiến sĩ cực quá. Khi trải qua rồi, ta càng thêm nể phục, ngưỡng mộ những vị Tiến sĩ “thật”, họ không chỉ giỏi mà còn rất bền chí. Người cũng bày tỏ bức xúc trước sự xuất hiện ngày một nhiều các vị Tiến sĩ “giả”, khiến danh xưng Tiến sĩ cao quý bị mất phần nào giá trị của nó.

Chia sẻ về nội dung Luận án của mình, Thượng tọa cho biết, đề tài này được Người phát tâm nghiên cứu từ khi bắt đầu học chương trình Cử nhân Luật học. Luật pháp có câu “Quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau” nhưng trong chương trình cử nhân Luật học, chỉ có môn “Quyền con người”. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng chỉ tập trung đề cao quyền mà ít đề cập về nghĩa vụ con người. Liên Hợp Quốc đã đưa ra bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền gồm 30 điều. Trong đó chỉ có điều 29 nói một chút về nghĩa vụ nhưng rất trừu tượng, khó hiểu.

Những bản tuyên ngôn về nhân quyền đều khẳng định con người sinh ra được quyền sống hạnh phúc vô điều kiện. Cũng bởi sống trong thế giới lí tưởng, nghe nhiều những điều tốt đẹp này mà con người trở nên thích hưởng thụ, không thích cống hiến, phá vỡ nhiều giá trị đạo đức truyền thống, các nguồn lực được tích lũy trước đó bị tiêu thụ, biến mất. Thế giới lúc này trở nên khô cạn, hỗn loạn, mất văn hóa. Bản tuyên ngôn cho rằng con người sinh ra phải được hạnh phúc giống như lý tưởng tốt đẹp, không ngờ kết thúc lại là sự tan vỡ, đau khổ.

Như nhìn thấy được tương lai, để thay đổi kết quả này, Thượng tọa quyết định chọn “Nghĩa vụ con người” làm đề tài nghiên cứu cho Luận án của mình. Nội dung Luận án khi được công bố rộng rãi đã giúp bổ sung, cân bằng lại những lý luận còn thiếu, đảm bảo cho thế giới này được phát triển bền vững. Nghĩa là, ta cần sự công bằng, sống trên đời, không phải chỉ đòi hỏi quyền, mà phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Đây mới là tinh thần mà thế giới cần để đi đến nền văn minh cao tột.

Luận án cũng nêu rõ, sự công bằng ở đây là người cống hiến nhiều, xứng đáng được thụ hưởng nhiều, người cống hiến ít thì thụ hưởng ít, người có công phải được thưởng, người có tội phải bị phạt. Nếu không có sự công bằng này, ai nấy đều đòi hỏi quyền mà không có nghĩa vụ, mọi người mất động lực phấn đấu, xã hội vì thế mà bấp bênh, bất ổn.

Với mục đích đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng thế giới, Luận án đã chỉ ra 3 loại nghĩa vụ và 4 phương thức để đem lại lợi ích cho con người, nhân loại. Ngoài ra, còn có 1 slogan ấn tượng ngay phần mở đầu, tạo nên sự phá cách độc đáo. Phần cuối bài Luận, Thượng tọa còn đề xuất bản Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ con người gồm 31 điều (nhiều hơn bản Tuyên ngôn Nhân quyền 1 điều). Đây là những điều này hoàn toàn mới mẻ và đột phá, đã thuyết phục được tất cả thành viên của Hội đồng đánh giá.

Thật may mắn khi được đọc bản Luận án Tiến sĩ của Người, chúng ta mới thấy cả một chân trời tri thức, đạo đức mới mở ra trước mắt mình. Hôm nay chúng ta cũng phải gửi lời cảm ơn đến Thượng tọa – Người giúp chúng ta thay đổi thái độ sống, biết cống hiến, phụng sự nhiều hơn; Người không ngại thay đổi, không sợ đối đầu với những quan điểm, tư tưởng lạc hậu, dũng cảm vẽ ra hướng đi mới cho cả thế giới. Nhờ sự thay đổi này, con người chúng ta trở nên tích cực, sống có ích, thế giới cũng tránh được sự tan vỡ, đau khổ, trở nên hạnh phúc, bền vững hơn./.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất