Sáng ngày 29/09/2014, Đoàn hành hương Phật Tích tại Lào – Thái Lan do HT Thích Tánh Nhiếp – UV HĐTS – Thành Viên Asian khu vực Đông Nam Á – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình dẫn đầu đã đến chùa Trang Nghiêm ở thành phố Paksé thuộc tỉnh Chămpasak (Lào). Tại đây, các Phật tử Việt Nam đã được nghe kể về lịch sử ra đời, phát triển của Chùa Trang Nghiêm cũng như những lời dặn dò hết sức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm đối với dân tộc, với tôn giáo và những người đống hương của mình từ TT Thích Chân Quang – Phó Ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN mà cũng là Phó/ Trưởng đoàn hành hương lần này.
Được biết, phái đoàn do HT Thích Tánh Nhiếp làm Trưởng đoàn và TT Thích Chân Quang Phó/ trưởng đoàn cùng 130 thành viên bao gồm các phật tử Huế, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đúng 7h00” ngày 29/09, Đoàn bắt đầu khởi hành từ chùa Đại Giác (TP Đồng Hới – Quảng Bình) đi đến chùa Trang Nghiêm ở xóm Tân An – Paksé – Lào.
Trước khi hành hương sang nước bạn, các phật tử đã được BTC sinh hoạt kỹ về nội quy, cũng như được trang bị một số kiến thức đặc trưng về Phật giáo tại Lào và Thái. Điều đặc biệt hơn là cả Đoàn trước khi đi đã được Hòa thượng Trụ trì tác Lễ cầu an, cho nên ai nấy thật phấn khởi với bao cảm xúc thiêng liêng, vì đây lần đầu tiên họ đặt chân đến một đất nước mà hình ảnh gắn bó, gần gũi nhất với người dân đó chính là ngôi chùa và các vị Sư. Đối với Phật giáo ở Lào, ngôi chùa mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, trở thành trung tâm văn hóa của bản làng, nơi tổ chức những buổi vui chơi, hội hè của nhân dân. Chùa cũng là nơi giảng dạy giáo lý, dạy chữ cho người dân, nơi mà các nam thanh niên Lào vào tu học để tu nhân tích đức, để trở thành những người có ích cho xã hội sau này.
Chuyến hành hương này không chỉ đơn thuần là đi du lịch thăm quan các địa danh mà ý nghĩa của nó là được chiêm bái các Thánh tích, được tu tập – sinh hoạt trong một ngôi chùa Việt tại Lào. Có đến đây rồi mới thấy cái nghĩa tình người đồng đạo – đồng hương nó quý giá biết chừng nào. Chư Tăng và phật tử chùa Trang Nghiêm rất nhiệt tình và hoan hỷ trong việc đón tiếp và phục vụ cho Đoàn. Mọi người ứng xử với nhau rất nhẹ nhàng, thư thái. Ở đó, không có chuyện phân biệt giàu nghèo, khi gặp nhau người ta cứ chắp tay xá chào, hỏi thăm nhau vài câu về cuộc sống mưu sinh hoặc hỏi nhau bạn có thường đi chùa không. Các thành viên trong Đoàn đều được TT Thích Chân Quang dạy các mẫu câu nói thông dụng hàng ngày bằng tiếng Lào để tiện cho việc giao tiếp, vì vậy phần nào đã để lại ấn tượng tốt cho họ.
Đêm đầu tiên tại chùa Trang Nghiêm, sau khi các phật tử lễ Phật, tụng kinh xong thì có buổi trò chuyện hết sức cảm động tại Chánh điện. HT Thích Tánh Nhiếp đã kể về sự hình thành của ngôi chùa Trang Nghiêm trên nước Lào. Khởi nguyên, ngôi chùa này chỉ là một thảo am, do đại sư Nhật Trung, tự An Khang, người họ Đoàn, xuất gia tại chùa Bồ Đề (Huế). Sau đó tu học tại Tổ đình Quốc Ân Huế và đắc pháp với Hòa thượng Phương trượng thuộc phái thiền Lâm Tế ở nơi Tổ đình nầy, sau đó sang Lào hành hóa và khai sơn chùa Trang Nghiêm năm 1938. Đến năm 1942, mới xây dựng quy mô và đặt tên là Trang Nghiêm Tự.
Tiếp đến, năm 1972, đại sư Thiện Dung đứng ra trùng tu chùa và đến năm 1973 mới hoàn tất. Năm 1993 thì Ngài mất, chùa không có Trụ trì từ 1993 -1995. Vào thập niên 90, HT Thích Tánh Nhiếp có cơ duyên đến Lào làm tru trì chùa Trang Nghiêm, và Người tiếp tục tu chỉnh cơ sở tự viện, cung thỉnh chư Tăng Việt Nam sang chùa Trang Nghiêm để an cư, diễn giảng Phật pháp và hướng dẫn cho phật tử Việt Nam tại Lào nói chung và phật tử tại Paksé tu học theo tinh thần Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Rồi nhân duyên khác đến, vào năm 2010, HT Thích Tánh Nhiếp trở về Việt Nam Trụ trì chùa Đại Giác, chùa Trang Nghiêm được giao lại cho các Sư tăng trông giữ. Hòa thượng khẳng định “Chùa Trang Nghiêm là một trong ba ngôi chùa Việt ở tỉnh Chămpasak. Ngoài chùa Trang Nghiêm còn có hai chùa khác là Trung Sơn và Lâm Vân. Chùa Trang Nghiêm rất thiêng. Chùa có nhiều ma nhưng có người thấy, có người không. Ma và Phật đều từ tâm mình mà ra. Nếu tâm mình chính đáng thì là Phật, ngược lại tâm mình không thật, luôn chạy theo ảo ảnh, không thực tế của cuộc đời thì là ma”. Ma Phật – Phật ma, luôn song hành với ta là vậy.
Hòa Thượng cho biết, đồng bào chúng ta xa quê hương nhưng khi trở về với ba ngôi chùa Việt, cũng sinh hoạt giống như Phật giáo tại Việt Nam. Ở Chămpasak số lượng phật tử Việt Nam lên đến hơn 5000 người. Thường nhật mọi người đi buôn bán, làm ăn, nhưng các ngày Lễ lớn vẫn không quên về chùa, nhất là hai ngày 14/04 và 14/07.
Kế đến, Hòa thượng cung thỉnh TT Thích Chân Quang có đôi lời giảng dạy trực tiếp dành cho các phật tử chùa Trang Nghiêm, để họ nắm vững con đường tu hành chánh tín mà Đức Phật đã dạy.
Mở đầu, TT Thích Chân Quang thăm hỏi các phật tử đang hiện diện trong Pháp hội. Sau đó, Thượng tọa trình bày: “Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có chung đường biên giới dài 2.067 km, đi qua 10 cặp tỉnh biên giới phía Tây và Tây Bắc. Do vậy, Việt Nam – Lào có biên giới chính trị rất quan trọng. Điều đó cho thấy Lào rất cần Việt Nam và Việt Nam cũng rất cần Lào. Thế nên vai trò của người Việt Nam ở bên Lào rất quan trọng, vì nếu không có người Việt Nam ở bên Lào thì tình anh em, tình gắn bó hữu nghị Việt – Lào và mối liên kết an ninh Việt – Lào mất liền. Nếu cả hai mất chỗ dựa của nhau thì rất là nguy hiểm. Nên mỗi người Việt Nam ở Lào thực sự là một vị chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc từ bên kia biên giới, chứ không phải chỉ là qua đây làm ăn buôn bán.
Vì cảm nhận vai trò người Việt ở Lào quan trọng như thế, nên Thượng tọa nhắc nhở người Việt Nam không ở Lào phải hết sức thương yêu, quí trọng người Việt ở Lào (tức những người anh em xa quê hương, xa xứ của mình). Đồng thời, để giúp các phật tử Việt Nam sống tại Lào có thể làm tốt vai trò quan trọng đó, TT Thích Chân Quang cũng đã gửi tới các phật tử 7 điều dặn dò như sau:
Thứ nhất, người Việt Nam qua Lào ở là mang cả danh dự của Tổ quốc theo. Ví dụ mình làm bậy người ta sẽ nghĩ xấu cả đất nước mình ở bên kia. Vì vậy phải sống hết sức tốt. Chúng ta đem những thứ tốt đẹp nhất của dân tộc mình qua đây thì phải giữ gìn, bảo vệ nó. Nghĩa là mình bảo vệ danh dự của Tổ quốc từ cuộc sống cá nhân, thông qua phẩm chất đạo đức, bản lĩnh tài năng và sự cống hiến của mình. Tuy không nói là phải hơn nhưng mình không được thua Lào về mọi lĩnh vực.
Nhân đây, đại diện cho người Việt Nam, Thượng tọa đã gửi gắm sự kỳ vọng, tình yêu thương của mình tới những người Việt Nam ở bên Lào rằng “Hãy vì danh dự của Việt Nam mà bảo vệ Tổ quốc từ đất nước Lào”.
Thứ hai, đến với nước Lào, ta đừng nghĩ đến việc vơ vét tiền của, tài sản mang về, mà ta cứ làm ăn, sinh sống và suy nghĩ phải đóng góp cho đất nước Lào giàu mạnh lên, đây mới là suy nghĩ chân chính khi ta đi đến đất nước khác. Được vậy, người Việt Nam đi đến đâu cũng được yêu quý. Đó chính là tài sản cho đất nước mình.
Thứ ba, Người Việt Nam phải biết đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta tha hương, cầu thực, qua xứ khác làm ăn thì thân phận giống nhau. Chúng ta phải để ý trong cộng đồng, ai khó khăn thì mình phải thăm hỏi trước, chứ không chờ người khác gợi ý. Tinh thần này không chỉ tại Lào mà dù ở đâu trên thế giới, chúng ta cũng phải có.
Thứ tư, đừng bao giờ quên cội nguồn tâm linh của mình. Người Việt Nam ta có hai cội nguồn tâm linh: Đầu tiên, ta là con rồng, cháu tiên, đây không phải là một huyền thoại hay một câu chuyện được đặt ra mà là một sự thật lịch sử và Thượng tọa đã chứng minh điều này. Thứ hai là đạo Phật, cội nguồn là từ Ấn Độ được tổ tiên ta tiếp nhận và biến thành một nền tâm linh của dân tộc. Để không quên cội nguồn tâm linh, chúng ta phải thường xuyên về chùa, gặp gỡ, nhắc nhở nhau, giữ trong nhau tâm đạo tốt đẹp.
Thứ năm, ta đi tìm một thế giới khoan dung. Con người chấp nhận những điều khác biệt để có thể sống tử thế, yêu thương nhau. Trong những cái khác biệt đó, sẽ có rất nhiều cái tốt cho ta học hỏi. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ thị mà phải chấp nhận nó.
Thứ sáu, trách nhiệm của người Việt Nam ở Lào là bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài biên giới. Chúng ta đừng nghĩ rằng mình không ở trong đất nước nữa thì không có trách nhiệm, vì chính khi không ở trong nước, mình lại bảo vệ đất nước hiệu quả hơn. Chúng ta chính là một chiến sĩ, dù không ở quê nhà nhưng vẫn nguyện lòng bảo vệ đất nước từ xa.
Thứ bảy, ta phải bảo vệ đạo Pháp. Quê hương cho ta dòng máu này, Phật pháp cho ta cội nguồn tâm linh đây, ta nguyện giữ lại cội nguồn này cho con cháu mãi mãi. Muốn vậy, chúng ta phải tu tập, học giáo lý và thực hành theo đạo Phật để mình có chất Phật trong tâm mà truyền lại cho con cháu đời đời.
Nói chung, bằng những lời lẽ hết sức nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, Thượng tọa đã giúp các phật tử nói riêng và những người Việt Nam tại Lào nói chung, nhận ra được trách nhiệm quan trọng của mình đối với đất nước, với tôn giáo và đồng bào của mình. Từ đó, mỗi người sẽ nguyện sống tốt hơn cho đúng với trách nhiệm mà mình đang mang. Đồng thời, nó cũng giúp con người Việt Nam xích lại gần hơn, biết yêu thương nhau dù là ở nơi đâu trên thế giới./.
Tuệ Đăng
Những hình ảnh chuyến hành hương Phật Tích tại Lào – Thái Lan (1):