Trang ChủPhật QuangTin tức Phật QuangHơn 7 vạn lượt người tham dự đại lễ Phật Thành Đạo...

Hơn 7 vạn lượt người tham dự đại lễ Phật Thành Đạo PL: 2567 – DL: 2024 tại Thiền Tôn Phật Quang

-

Vừa qua, từ ngày mồng 07 – 08/12/ năm Quý Mão (nhằm ngày 17 – 18/01/2024), Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, Thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành Đạo PL. 2567 – DL.2024 với chương trình phong phú gồm nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa thiết thực, hữu ích, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, đạo đức của người Phật tử, vừa là những điều thiêng liêng để dâng lên cúng dường Đức Phật. Đây là dịp để các Phật tử không chỉ tưởng nhớ về đêm thành đạo mà còn tưởng nhớ về cuộc đời giáo hóa vĩ đại của Ngài.

Đến với Đại lễ Phật Thành Đạo tại Thiền Tôn Phật Quang được diễn ra xuyên suốt từ ngày mùng 07 – 08/12 ÂL với các hoạt động như sau:

Đúng 8h00” sáng ngày mùng 7, tại Chánh điện Thiền Tôn Phật Quang diễn ra Lễ thế phát xuất gia cho 3 thiện nam tín nữ, đã kinh qua một thời gian dài công quả, rèn luyện tập sự, thực hành đời sống phạm hạnh tại Bổn tự. Đây là những Phật tử xuất thân từ các Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang.

Buổi lễ vinh dự có sự quang lâm chứng minh của quý chư Tôn đức: TT. Thích Thông Ngộ – Trụ trì Thiền thất Thanh Lương; TT. Thích Chơn Chánh – Trụ trì chùa Nhật Quang; TT. Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phong Hòa, xã Phong Hòa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; TT. Thích Huệ Thông – Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Phật Giáo Quốc tế GHPGVN huyện Long Thành, Trụ trì chùa Thanh Nguyên, tỉnh Đồng Nai; Cùng sự chứng minh của chư Tăng Ni tại Bổn tự.

Ngoài ra, còn có trên 5 nghìn người tham dự là Phật tử thuộc các Đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trong và ngoài nước, cùng cha mẹ, thân nhân và bằng hữu của những hành giả sắp xuất gia.

Buổi Lễ xuất gia diễn ra vô cùng cảm động. Thật cao quý khi những ai đã chọn con đường xuất gia, bởi vì thế gian này luôn khao khát, trông đợi những người xuất gia tu hành chân chính xây dựng đạo đức cho xã hội, định hướng tâm linh giác ngộ cho xã hội đúng đắn, để mọi người được chỗ nương tựa, được soi sáng, được dạy dỗ. Buổi lễ cũng là cơ hội giúp cho những người tham dự bắt đầu mơ ước về một đời sống xuất gia.

Tuy con đường đi này có nhiều khó khăn, thử thách nhưng ánh sáng Phật Đà sẽ soi đường, dẫn lối để mọi người vượt qua mê mờ, đi đến bờ giác ngộ, bước tiếp con đường hoằng pháp độ sinh mà Chư Phật và Thầy Tổ đang đi.

Tiếp theo, quý Thầy tại Bổn tự hướng dẫn các Phật tử tụng kinh cầu an.

Kế đến, BTC thiết lễ Cầu siêu, cúng thí thực và tổ chức Khóa lễ Quy Y Tam Bảo cho hơn 1.300 thiện nam, tín nữ phát tâm chính thức trở thành đệ tử của Đức Phật (trong ngày mùng 7 – mùng 8/12 al).
Đặc biệt vào lúc 14h00” cùng ngày, tại Lễ đài chính đã diễn ra chương trình giao lưu với chủ đề “Hành trạng cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành”.

Vị khách mời đặc biệt của chương trình này là TT.. Thích Huệ Khai – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Tổ đình Long Thiền (Đồng Nai); và Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương – Ủy viên HĐTS, Đệ nhị Chứng minh Phân ban Ni giới TW GHPGVN, Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Tổ đình Bửu Phong (Đồng Nai).

Quý Ngài chính là hai vị đệ tử xuất sắc có phúc duyên được hầu cận và thừa sự học hỏi từ Cố đại lão Hòa thượng thượng Huệ hạ Thành, một bậc Đại Minh Sư.

Chứng minh và tham dự buổi giao lưu có: HT. Thích Thiện Trụ – Chứng minh Môn phong Tổ đình Long Thiền, Bửu Phong; TT. Thích Huệ Sanh – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Đồng Nai; TT. Thích Huệ Nghiệp – Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Đồng Nai; TT. Thích Thiện Thọ – Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Phó Trưởng ban TT BTS GHPGVN TP. Biên Hòa; TT. Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phong Hòa, tỉnh Đồng Tháp; TT. Thích Thông Ngộ – Trụ trì Thiền thất Thanh Lương, tỉnh BRVT; TT. Thích Chơn Chánh – Trụ trì Thiền thất Nhật Quang, tỉnh Đồng Nai; TT. Thích Huệ Thông – Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN huyện Long Thành, Trụ trì chùa Thanh Nguyên, tỉnh Đồng Nai; Ni trưởng Thích Nữ Như Dung – Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai; Ni sư Thích Nữ Diệu Trí – Ủy viên dự khuyết HĐTS TW GHPGVN, Phó BTS kiêm Trưởng ban Kinh tế – Tài chính BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Tổ đình Đại Giác, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Cùng chư Tăng Ni Tổ đình Bửu Phong và Tổ đình Long Thiền, chư Tăng Ni các tự viện trong và ngoài tỉnh, chư Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang.

Bên cạnh đó, chương trình cũng có sự tham dự của TS. Trần Quang Huy – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Được biết, cố Đại lão Hòa thượng thượng Huệ hạ Thành – nguyên Tăng thống GHPG cổ truyền Việt Nam, nguyên Phó pháp chủ GHPGVN, nguyên Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Viện chủ Tổ đình Long Thiền. (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là Bậc thạch trụ tòng lâm, trí đức song toàn. Ngài xứng đáng là nhà mô phạm mẫu mực, làm tấm gương sáng muôn đời cho thế hệ mai sau noi dấu. Công đức và đạo nghiệp của Ngài vẫn còn sống mãi trong kí ức của Tăng Ni, Phật tử và còn in dấu sâu đậm trong những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Tại buổi giao lưu, TT. Thích Huệ Khai cùng Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương đã gửi đến hội chúng những câu chuyện gần gũi mà sâu sắc về cuộc đời trải qua hơn 70 năm tu học, hành đạo, hoằng pháp lợi sinh và đóng góp vào sự nghiệp dân tộc của cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành. Qua đó, mọi người hiểu rõ hơn về công đức lớn lao của cố Hòa thượng thượng Huệ hạ Thành đối với Đạo Pháp và sự phát triển cho GHPGVN cũng như tỉnh nhà được vững mạnh, trang nghiêm.

Dịp này, Thượng tọa Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang thay mặt Bổn tự thành tâm bày tỏ tấm lòng tri ân tới Thượng tọa Thích Huệ Khai và Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương đã có những chia sẻ hết sức quý báu mà bất cứ ai là người đệ tử Phật thì cần phải nhớ và hành trì.

Thượng tọa nhấn mạnh rằng: đại chúng Thiền Tôn Phật Quang luôn một lòng ngưỡng vọng cố đại lão Hòa thượng như vị Thầy của mình. Cùng với đó, Thượng tọa cũng nhấn mạnh vai trò lớn lao của những vị Tăng Ni kiệt xuất như cố Hòa thượng đối với chúng sinh trong cuộc sống hỗn mang và đầy đau khổ này. Người khẳng định “Không bao giờ có một sự tu hành giác ngộ mà tách biệt khỏi thế gian, nếu chúng ta muốn giải thoát phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong cộng đồng, đất nước”.

Trong không khí trang nghiêm, khói hương trầm quyện tỏa tất cả chư vị Tôn Túc cùng đại chúng đã dâng hương tưởng niệm bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân, tưởng nhớ công đức to lớn của cố HT. Thích Huệ Thành đối với Đạo pháp và Dân tộc.

Tại lễ đài, TT. Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã trao bằng vinh danh “NGƯƠI THỪA KẾ TẬN TỤY” cho TT.. Thích Huệ Khai và Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương.

Tiếp theo chương trình, đúng 18h30” cùng ngày, Đại lễ Phật Thành Đạo chính thức bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm và thành kính nhất, ĐĐ. Thích Toàn Ngộ đại diện cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể Phật tử ngồi thiền 30 phút.

Tiếp đến, trong niềm mong chờ của hơn 62.000 Phật tử tham dự đại lễ, cùng đông đảo Phật tử thính pháp trực tuyến, Thượng tọa Trụ trì đã trình bày về ý nghĩa sự giác ngộ phi thường của Đức Phật.

Giác ngộ là điều gì đó vượt ngoài suy nghĩ, lý luận của tất cả chúng ta. Dù bao nhiêu sách vở, triết thuyết, bao nhiêu trí thông minh trên thế giới này cộng lại cũng không bao giờ giúp ta hình dung ra sự giác ngộ là gì, bởi trạng thái từ sự si mê vô minh cho đến trạng thái của sự giác ngộ là quá xa xôi.

Nhưng với trái tim Đại Bồ Tát của mình, Ngài không muốn chúng sinh mãi lặn ngụp trong luân hồi, tội lỗi. Lại thêm, Ngài nhìn thấy ở chúng sinh, dù trạng thái vô minh, si mê của họ cách rất xa sự giác ngộ của mình nhưng vẫn ẩn chứa một hạt nhân của sự giác ngộ. Vì vậy, Ngài quyết định khởi động cuộc đời mình, thuyết Pháp cho cả cõi trời và cõi người cùng nghe.

Quả thực, sự giác ngộ của Đức Phật và tâm của chúng sinh cách nhau quá xa. Để đem sự giác ngộ của Phật trình bày cho chúng sinh hiểu là một điều cực kì khó. Trước khi Đức Phật đắc đạo, thế giới này không một ai biết đến sự giác ngộ. Chỉ khi Ngài thuyết pháp giáo hóa, mọi người mới tin nhưng vẫn chưa hình dung được sự giác ngộ là gì mà không hình dung, không biết thì làm sao ai dám ước mơ, có động lực để tu hành.

Đức Phật là một nhân vật phi thường. Ngài đắc đạo thành Phật ở kiếp sống cuối cùng nhưng lý tưởng này đã được ấp ủ hun đúc qua rất nhiều kiếp tu hành trước đó. Vì vậy, khi đó tâm thức của Ngài gần chín mùi để hình dung ra giác ngộ – điều mà trước thời điểm đắc đạo Ngài chưa đạt được. Còn lại tất cả chúng sinh đều rất khó hình dung về giác ngộ.

Ai trong lần đầu đến với Phật pháp, nghe nói về sự thành đạo của Phật mà lòng bừng lên niềm tin thì người đó đã có nhân lành tu hành từ nhiều đời, không phải mới tu kiếp này.

Phật dạy rằng, hầu hết chúng sinh đều nô lệ cho cảm thọ, cả cuộc đời chỉ đi tìm cảm giác vui sướng hạnh phúc. Tuy nhiên cảm thọ hầu hết là tầm thường, mà tầm thường thì thường kéo theo tội lỗi.

Và Phật cảnh báo ta đừng dừng ngang cảm thọ đó, phải đi tìm đến sự giác ngộ cao cả vượt xa những tầm thường nhân thế.

Chúng sinh cứ hình dung về sự giác ngộ một cách sai lầm, cứ tưởng giác ngộ là điều gì mênh mông bao la. Đến với Phật, ta biết kiểm soát lại chính mình, biết hướng đến những điều cao siêu, vĩ đại. Tuy nhiên, nếu hình dung sai về sự giác ngộ của Phật, dẫn đến dụng công sai thì ta không thể nào đắc đạo được.

Lường trước được nguy cơ này, Đức Phật đã dạy về Tứ Niệm Xứ để chúng sinh hiểu rằng tâm giác ngộ là tâm an trú nơi chính mình, đi tìm chính mình qua từng lớp sâu dần. Ban đầu chính mình chỉ là cái thân, tiếp đến là cảm giác vô hình… cuối cùng đến ngày bừng vỡ ra ta không còn là ta nữa mà là chân lý của vũ trụ. Nhờ Tứ Niệm Xứ mà chúng ta hình dung về sự giác ngộ chuẩn xác hơn, động cơ tu hành của ta cũng mạnh mẽ, vững vàng và ổn định hơn.

Quả thực, trong những kiếp sống của mình, chúng ta chỉ hưởng thụ, chạy theo ý thích của bản thân. Trong những lúc mưu sinh, lo toan cuộc sống, ta không ngừng hơn thua, tạo nghiệp. Nhưng đến khi biết Phật pháp, có tu hành, ta mới nhận ra rằng vật chất chỉ là phù du. Những kiếp luân hồi mình lăn trôi, lặn ngụp trong vô minh, đau khổ đều là vô nghĩa. Pháp giới ba cõi, sáu đường này tất cả là tạm bợ. Chỉ giác ngộ tâm linh siêu việt đến tuyệt đối mới chấm dứt được mọi luân hồi, đau khổ.

Cuối bài giảng, Thượng tọa bày tỏ lòng biết ơn chư Tôn đức đã quang lâm chứng minh làm cho buổi lễ thêm phần ấm cúng. Người cũng gửi lòng tri ân đến các cấp chính quyền, các chiến sĩ đã góp phần bảo vệ cho đại lễ Thành đạo tại Thiền Tôn Phật Quang được diễn ra một cách bình yên, an toàn. Mong sao, tất cả mọi người về đây đều góp một trái tim, một tấm lòng, một ước nguyện cho Phật pháp được hưng thịnh, thế giới trở thành một tinh cầu giác ngộ.

Thật vậy, mong ước sao ai cũng biết điều chỉnh lại bản thân, điều chỉnh lại cuộc sống của mình. Ta không còn lo hưởng thụ mà biết hướng về những điều cao đẹp làm lợi ích cho chúng sinh. Theo đó, mỗi ngày chúng ta cứ nắm chặt lòng tôn kính Phật tuyệt đối, tu hành hướng về vô ngã thì mục tiêu, lý tưởng này sẽ là động lực giúp ta đi mãi được trên con đường tu học, dù gặp bất kì khó khăn, thử thách gì.

Sau phần thuyết giảng là chương trình văn nghệ kính mừng Phật thành đạo, mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc – tâm linh. Đêm văn nghệ với sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng đã để lại nhiều ấn tượng khó quên và nhiều tình cảm thân thương trong lòng thính giả.

Sáng hôm sau (ngày mùng 08/tháng Chạp), vào lúc 04h00” sáng, khi sương mù còn bao phủ quanh những ngọn núi cao thì nơi Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra nghi thức Lễ Phật Thành Đạo thật trang nghiêm, thật lắng đọng, với sự tham dự của chư Tôn đức Tăng Ni và gần 7 vạn đông đảo Phật tử.

Khoảng thời gian này, ai nấy đều ngồi tĩnh tọa bất động, không một tiếng động nhỏ chung quanh. Mọi thứ đều ngưng lại chỉ để dành sự thiêng liêng này trong trái tim mỗi người. Khuya hôm nay, sương khói núi rừng còn giá lạnh nhưng lòng nhiệt thành của đại chúng hướng về ngày Phật thành đạo thì ấm áp thành kính.

Trong không gian yên ắng, sau phút giây tọa thiền, TT. Thích Chân Quang và TT. Thích Huệ Thông dẫn dắt các Phật tử đọc theo những lời cảm niệm Phật thành đạo, làm thành sự trang nghiêm cực kì xúc động cho ngày Đại lễ này, rằng:

KÍNH LẠY ĐỨC PHẬT VÔ VÀN TÔN KÍNH CỦA CHÚNG CON
Chỉ những ai lang thang ngoài trời mưa gió lạnh lẽo mới biết yêu quý mái nhà ấm áp yêu thương. Chỉ những ai lầm lũi trong cô đơn buồn tủi mới biết yêu quý bàn tay nâng đỡ dỗ dành. Chỉ những ai lạc lối rừng hoang mới biết yêu quý kẻ dẫn đường đưa mình về nơi bình an tươi sáng. Chúng con là những kẻ lang thang, cô đơn, lạc lối, nhờ có chánh pháp của Phật mà lìa xa dần tăm tối vô minh để tìm về nẻo thiện, nhờ có đạo lý của Phật mà có bến bờ hạnh phúc để nương thân…

… Đêm Thành Đạo trọn lòng tôn kính
Dâng Thế Tôn bậc Thánh siêu phương
Nguyện gìn giữ đạo mầu chân chính
Để muôn đời còn đó con đường
Biết ơn Phật chúng con cố gắng
Từng phút giây tỉnh giác tu hành
Để thế giới không còn thiếu vắng
Những con người lìa bỏ lợi danh.

Rồi từng tiếng kinh thiêng của hàng vạn người cất lên hòa quyện nhau qua bài Sám Thành Đạo. Giọng tụng của quý Ngài chắc, khỏe, truyền cảm đã lột tả hết ý nghĩa sâu xa trong từng câu sám, cuốn mọi người cùng trôi theo dòng cảm xúc để hình dung lại khung cảnh đêm thành đạo ngày xưa… Thấp thoáng trong lời kệ là những lời nhắc nhở, sách tấn các Phật tử trên bước đường tu tập, tuy rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc.

Hạnh phúc thay, giữa mênh mông núi rừng, khi sương đêm còn giăng lối ốm lấy cỏ cây, mọi người ngồi sát bên nhau hướng tâm về đại tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dâng trọn lòng tôn kính mà đảnh lễ, chiêm bái, đọc tụng từng câu kệ trong dịp kỉ niệm ngày Đức Phật Thành Đạo. Điều đó thật tuyệt vời khiến ai nấy thêm bồi hồi nhớ đến cuộc đời siêu việt của Đức Phật với bao năm tháng phong sương khổ hạnh, với đêm thành đạo huy hoàng, với sự nghiệp giáo hóa độ sinh gian nan nhưng thật vĩ đại… Tất cả như sống lại trong khoảnh khắc huy hoàng đó, khi hàng vạn con người cùng quỳ nơi đây.

Cứ thế, năm nào cũng vậy, Đại lễ Phật Thành Đạo tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, long trọng mà ấm áp, thiêng liêng mà sâu lắng đã tạo được niềm tin, kết nối được tình thương yêu lẫn nhau của hàng vạn Phật tử cùng ngồi chung dưới một mái chùa, cùng hoài niệm ghi nhớ về đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Sau cùng, Đại lễ Phật Thành Đạo hoàn mãn bằng nghi thức dâng hoa cúng dường Đức Phật. Tuy mọi người trở lại với cuộc sống đời thường, nhưng dư âm như mãi còn vang đọng trong tâm hồn của những ai khi nhớ, nghĩ về Phật, về Thiền Tôn Phật Quang./.

Tổ Truyền Thông

Thông báo

Tài khoản cúng dường Chùa Phật Quang

0
Kính gửi Quý Phật tử thông tin tài khoản cúng dường của TT. Thích Chân Quang - Viện chủ Chùa Phật Quang: 1. Vietcombank -...

Tin mới nhất