Vào ngày thứ hai của Hội trại (17/10/2015), hơn 2000 Trại sinh tham gia Hội trại tập huấn Thanh niên Phật tử toàn quốc, phấn khởi bước vào hành trình vượt địa hình. Đây là cơ hội để các em được thử thách và rèn luyện về các kỹ năng vượt chướng ngại vật, võ thuật, trinh sát, vượt rừng; đồng thời đề cao xây dựng tinh thần đồng đội cho các Trại sinh tham gia Hội trại.
Địa điểm xuất phát tại Học viện Phật Giáo Việt Nam, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn Hà Nội vào lúc 6h30”. Trước khi bước vào cuộc thi, TT Thích Chân Quang – Phó ban thường trực Ban Tổ Chức Hội trại có vài lời khích lệ tinh thần, giúp các em trở nên những người biết tự tin hơn, biết vượt qua mọi khó khăn để qua đó các em biết sáng tạo và làm triển nở mọi khả năng. Nếu chúng ta sống mà không bao giờ gặp trở ngại gian nan, ta sẽ bị giới hạn, sẽ không mạnh mẽ và nhất là sẽ không bay lên được để đạt tới những ước mơ cao đẹp cho đời.
Sau đó, mỗi Trại sinh được nhận được đồ ăn, nước uống mang theo. ĐĐ Thích Khải Tạng và ĐĐ Thích Khải Thành phổ biến thể lệ cuộc thi:
Toàn bộ Trại sinh được chia làm 30 đội và nhận bộ hồ sơ từ BTC rồi xuất phát theo 5 hướng khác nhau. Tùy theo địa hình và từng vị trí trạm, các đội đi theo ruy băng hướng dẫn đã được Ban Tổ Chức cột trên cây, hoặc tự tìm đường đến trạm.
Ngoài ra, mỗi đội sẽ được phát một cuộn dây thừng, một bộ hồ sơ (gồm bản đồ, nội dung chương trình, giấy thông hành, ruy băng màu). Các trại sinh đi giày vượt địa hình, mặc áo đồng phục Hội trại và mang theo túi y tế.
Lộ trình của chương trình gồm có:
– Trạm 1 võ thuật và chướng ngại vật (biểu diễn quyền cước căn bản; đòn thế tự vệ, đối luyện hiệu quả và các đội phải leo qua 1 bức tường đất cao);
– Trạm 2 lấy giấy thông hành bằng tháp người (tại đây, Trại sinh phải dùng tháp người để lấy logo trên cây, ký giấy thông hành vượt trạm);
– Trạm 3 vượt tường cao không dùng dây (trạm này, trại sinh không được dùng dây hay bất kỳ vật dụng nào để vượt qua tường đất cao, mà phải dùng tinh thần đồng đội để vượt trạm);
– Trạm 4 ký giấy thông hành (tại tượng Thánh Gióng);
– Trạm 5 bò qua cầu (tất cả trại sinh khi vượt trạm này phải bò sát đất để vượt qua cầu);
– Trạm 6 kiểm tra giáo lý (các trại sinh sẽ phải trả lời các câu hỏi về giáo lý do người giữ trạm đưa ra. Đó là những kiến thức cơ bản nhất mà một người phật tử cần phải biết;
– Trạm 7 là vượt rừng trinh sát. Trại sinh phải vận dụng sự nhạy bén, khéo léo và tinh thần đồng đội để vượt qua. Rừng trinh sát buộc các em phải quan sát kỹ, thu thập, phân tích thông tin nhận được để tìm ra hướng và cách di chuyển phù hợp để người giữ trạm không phát hiện ra đội của mình. Theo đó, các em phải vận dụng kỹ thuật lăn, lê, bò, trườn thành thục để vượt trạm nhanh nhất và BTC đã quy động nhiều người đứng các tuyến đường để kiểm tra. Đặc biệt là đội kiểm tra rác khi về. Qua đó giáo dục các em ý thức văn minh, tức tập thói quen thấy rác phải nhặt.
Văn minh có nghĩa là chi
Nghĩa là không có thứ gì bỏ đi
Đạo đức có nghĩa là chi
Nghĩa là không có thứ gì vứt luôn.
Rác là những vật đi qua cuộc đời ta, rồi ta bỏ quên, ta không dùng nữa, thậm chí là khinh thường, chà đạp, ghét bỏ, sợ hãi vì nó dơ bẩn. Thì thái độ đó là thái độ vô ơn. Và cũng chính vì cái thái độ vô ơn đó mà hiện tại trái đất của chúng ta đang tràn ngập rác. Việc tràn ngập rác không phải chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới, vài thành phố ở Ý không biết đổ rác đi đâu vì không có chỗ để đổ. Do đó, Thượng tọa mong ước mỗi phật tử phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, bằng động thái giảng giải về việc tái chế rác, sử dụng rác để không còn gì là rác.
Đến 15h00”: Lần lượt các đội đã về đích (tại Bảo tàng).
Cuộc hành trình này buộc các em phải đối mặt với khó khăn, thách thức để hiểu hơn về cuộc sống xung quanh và về chính mình, trong đó nêu cao tinh thần đoàn kết đồng đội, rèn luyện tính vâng lời, và ý chí quyết không bỏ cuộc, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vượt địa hình, kỹ năng làm việc nhóm. Chắc chắn, với chặn đường vượt hàng chục km đường rừng có nhiều đoạn hiểm trở, cây cối um tùm…các Trại sinh đã trải qua lần lượt các cung bậc cảm xúc, những biến đổi từ những người xa lạ, đến gắn kết, chia sẻ và sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Tóm lại, hành trình vượt rừng sau một ngày chếch choáng, rất nhiều các hoạt động, thấm mệt, nhưng ai nấy cũng đều cố gắng để di chuyển đến trạm cuối cùng và không quên mang theo những túi rác thu gom được trên đường đi.
Đúng 17h00”, các đội kết thúc hành trình với nhiều bài học đã được rút ra, đó là: bài học về sự đoàn kết là sức mạnh, bài học về sự yêu thương sẻ chia trong cuộc sống, bài học thay đổi tư duy theo hướng tích cực và cuối cùng là bài học hãy sống hết mình cho lý tưởng cao đẹp của mỗi người.
Sau một ngày TNPT trải nghiệm vất vả với hành trình vượt địa hình, BTC đã bày tiệc buffet với nhiều món ăn chay rất ngon, bổ dưỡng để chiêu đãi toàn thể Trại sinh. Đây cũng là dịp tập cho các em ăn chay để tránh bệnh tật do những độc hại của thực phẩm, xuất phát từ chăn nuôi tăng trọng; đồng thời cũng để bảo vệ môi trường sống, đồng thời cũng là một cách tu tập, trưởng dưởng lòng từ bi của người con Phật.
Và sau buổi ăn này, đúng 18h30”, các Trại sinh sẽ thuyết trình về bài học kinh nghiệm sau chuyến đi, trong đó nhấn mạnh đến tinh thần đồng đội, kỹ năng trong cuộc sống…), BTC phản biện và chấm điểm./.
Tuệ Đăng
Chùm ảnh sôi động của chuyến vượt rừng đầy cam go, thử thách của các trại sinh Hội trại thanh niên Phật tử Toàn quốc 2015: