Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Công đức thời 4.0

-

Vừa qua, tối ngày 17/05/2019 (nhằm ngày 13/04 năm Kỷ Hợi), TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã có buổi nói chuyện về chủ đề CÔNG ĐỨC THỜI 4.0 với 3.400 thanh niên là sinh viên các trường Đại học và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang ba miền về chùa công quả phục vụ cho Đại lễ Phật Đản PL.2563 – DL.2019.

Qua đây, khái niệm về “phước” trong đạo Phật đã được Thượng tọa phân tích thật mới lạ, độc đáo. Bằng kinh nghiệm, vốn sống và kĩ năng thuyết giảng tuyệt vời của mình, Thượng tọa đã khéo léo lồng ghép các đạo lí vào nhiều ví dụ đơn giản, dễ hiểu, tạo nên một bài Pháp thoại rất sinh động, hấp dẫn… Nhờ đó mà các em sinh viên nói riêng và mọi người nói chung hiểu rằng: có một yếu tố cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của mỗi người để có được thành công, may mắn trong cuộc sống cũng như trong việc tu hành, đó chính là “phước”. Đồng thời, Thượng tọa chỉ ra cách tu tập đúng đắn, giúp mọi người vừa tích lũy được công đức cho bản thân, vừa có thể giúp đỡ những người xung quanh, góp phần xây dựng một xã hội thiện lành, tốt đẹp.

Hầu như, “phước đức” là chủ đề quá quen thuộc với các Phật tử, nhưng phước 5G lại là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ, lần đầu được Thượng tọa nhắc đến. Để dễ hình dung, Thượng tọa sử dụng một ví dụ thực tế:

Khi xem video trên mạng internet, nếu dữ liệu tải về không kịp cho sự trình chiếu thì video sẽ bị đứng, nếu dữ liệu tải về rất nhanh thì video mới trình chiếu suôn sẻ.

Và dữ liệu tải về này tượng trưng cho “phước”; phần trình chiếu ra bên ngoài tượng trưng cho “sự thụ hưởng” của ta trong cuộc sống này. Như thế, nếu phước tạo ra lúc nào cũng nhiều hơn sự thụ hưởng (dữ liệu tải về nhiều hơn phần trình chiếu) thì không sao. Còn nếu phước ít, chậm, hẹp (dữ liệu tải về không đủ để video tiếp tục chạy) mà phần thụ hưởng của ta vẫn phải tiếp tục – ta vẫn phải ăn uống, hưởng bao tiện nghi khác thì thật là đáng lo, vì phước sẽ hết rất nhanh. Mà khi phước hết thì cuộc đời ta bắt đầu dừng lại, bế tắc, mọi chuyện dần tồi tệ thê thảm hơn.


Tuy nhiên, không mấy ai cảm nhận được cái phước quá khứ của mình là nhiều ít thế nào. Trong khi, hàng ngày ta vẫn phải ăn mặc, tiêu dùng, tức là đang “trình chiếu”, đang thể hiện giữa cuộc đời này. Chính vì vậy, chúng ta phải hết sức nỗ lực tạo phước, đồng thời sống rất cẩn thận, tiết kiệm, hạn chế hưởng thụ.

Chúng ta nghe nói có một công nghệ mới là mạng 5G với tốc độ cực nhanh, cũng vậy, trong thời đại này ta phải tạo phước 5G, nghĩa là “làm ít mà phước nhiều”. Ví dụ: ta đăng lên mạng những bài viết về cuộc sống cao thượng, biết kiềm chế cái dục khiến nhiều người đọc xong, tự nhiên họ biết sống giới hạnh, biết kiềm chế giữ mình. Cho đến vài năm sau, họ không phạm cái tội về tình dục mà đáng lẽ họ sẽ phạm, nếu vẫn sống bản năng như cũ.

Việc làm phước bằng cách chia sẻ đạo lý như thế không tốn công sức nhiều nhưng lợi ích cực kì lớn, và đó chính là cái phước 5G.

Còn làm phước 1G là “làm nhiều mà phước ít”. Ví dụ, có người phải tốn nhiều công sức để cứu một con chó thoát khỏi hố sâu, mà con chó này cũng sắp hết đời rồi. Trường hợp này làm nhiều mà phước ít, gọi là cái phước 1G.


Tuy nhiên, vào lúc cần dù là phước 1G ta vẫn phải làm, không được từ chối. Hãy nhớ rằng, để có cơ hội làm phước 5G thì chúng ta phải bắt đầu từ những cái phước 1G, tức làm từng việc nhỏ bé, dù là nhặt một mảnh rác, bưng miếng cơm, rót ly nước phục vụ mọi người… ta đều cố gắng siêng năng chịu cực khổ mà làm, không hề chối từ, làm với tất cả tấm lòng của mình.

Chỉ như thế thì trời đất vũ trụ mới tự nhiên giao cho mình những việc phúc lớn hơn, cho đến lúc mình chỉ dùng lời nói thôi mà cũng làm lợi cho rất nhiều người.

Dịp này, Thượng tọa còn nhắc nhở các em hãy mang tinh thần phụng sự quên mình như thế để đi vào cuộc đời, dù ở bất kì hoàn cảnh, vị trí, thân phận nào. Không dừng lại ở đó, các em còn gói trong cái phụng sự của mình cả tình yêu đạo pháp và dân tộc thì phước lại càng lớn. Cũng một hành vi vị tha giúp nhau nhưng cái tâm gói trong đó chính là yếu tố làm cho phước của con người nhiều ít khác nhau.

Và khi có phước rồi thì ta được quyền lựa chọn cho mình đời sống như ý muốn, không bị nghiệp lực đẩy đưa phải rơi vào hoàn cảnh bất như ý nữa. Nhân đây, Thượng tọa đưa ra 4 lựa chọn để thính chúng cân nhắc:


– Thứ nhất là đi xuất gia để trở thành một bậc Thánh đắc đạo.
– Thứ hai là sống ở cõi trời hạnh phúc, như ý và minh bạch (minh bạch vì chư Thiên đều biết tâm nhau cả, không ai có ý nghĩ xấu xa, sai lầm)
– Thứ ba là làm người giàu sang sung sướng ở cõi này rồi tu tiếp.
– Thứ tư là trở lại làm người đầy quyền lực nhưng hiểm ác.

Trong số này, lựa chọn thứ tư là dại khờ nhất, nhưng rất nhiều chúng sinh vì vô minh nên đã chọn như thế. Và ngang đây, Thượng tọa phân tích, đưa ra nhiều tình huống để thính chúng thấy tại sao lựa chọn thứ nhất là vất vả nhất nhưng cũng thông minh, bền vững nhất.

Đồng thời, trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa nhắc nhở thính chúng rằng: cuộc đời này luôn nặng nề ganh ghét đố kị, thế giới oằn mình trong hận thù ác độc… nhưng thẳm sâu trong tâm con người ai cũng cần được yêu thương cả. Vì thế, suốt đời chúng ta phải làm sao để trái tim mình luôn đầy ắp tình yêu thương mà ban tặng cho mọi người.

Như cơn gió mát mùa hạ, từng câu từng lời của Thượng tọa cũng xua tan bao mệt nhọc, tham sân giữa dòng đời đua tranh mệt mỏi. Với các em thanh niên, ở lứa tuổi mà tâm hồn cần một lý tưởng sống cao đẹp nhất, để định hướng cho cả cuộc đời mình thì cái cơ hội được về chùa công quả phục vụ mọi người, được sống trong tình yêu thương chan hòa, được thấm nhuần những lời đạo lý chân chính cao xa, đó phải chăng là niềm hạnh phúc vô bờ.


Quả thực, xã hội càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ của con người càng lớn. Chúng ta tập trung đáp ứng nhu cầu, sự đòi hỏi của bản thân quá nên quên mất việc phấn đấu, cống hiến, phụng sự, hi sinh cho mọi người và đất nước. May thay, những đạo lí Thượng tọa chia sẻ đã kịp thời thức tỉnh mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Người đã chỉ cho chúng ta con đường tu học, làm phước đúng đắn, thông minh, giúp cuộc sống của ta trở nên tươi đẹp, không bị rơi vào cảnh cùng quẫn, bí bách. Xã hội và những người thân xung quanh ta nhờ đó cũng hạnh phúc, an vui.

Lại thêm câu nói “phước càng lớn, ta càng làm được nhiều việc lớn, càng có nhiều sự lựa chọn” của Thượng tọa khiến mọi người phải suy nghĩ, để tâm. Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội và sự phát triền nhanh chóng của khoa học – kĩ thuật, đòi hỏi Phật tử chúng ta cũng như tất cả mọi người không được xao nhãng việc tu dưỡng, gây tạo công đức mà phải rèn luyện suốt đời, bền bỉ. Vì nếu có phước mọn chúng ta chỉ có thể làm những việc nhỏ bé, chưa thể giúp đỡ nhiều cho cộng đồng. Chúng ta phải tinh tấn tu học, siêng năng làm phước nhiều hơn nữa, sao cho tạo được cái phước 5G thì ta mới có thể trở nên tinh tế, sâu sắc, trí tuệ, từ bi trong từng suy nghĩ, hành động. Chỉ có vậy, ta mới đủ sức san sẻ, giúp đỡ Thầy mình trong các công tác Phật sự, mới có thể phụ Thầy trên bước đường giáo hóa độ sinh, hoằng dương chánh pháp mà Người đã – đang ngày đêm cần mẫn bảo vệ, duy trì./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất