Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTin tức Phật QuangHà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức...

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề “Sức khỏe và thọ mạng”

-

Tối ngày 09/04/2016 (nhằm ngày 03/03/năm Bính Thân), theo thông lệ hàng tháng, lần này TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm đạo tràng chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội) thuyết giảng về chủ đề  “SỨC KHOẺ VÀ THỌ MẠNG”, với sự tham dự trên 5000 người.

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Cả khuôn viên chùa, bao gồm Giảng đường, Chánh điện, nhà Tổ, cổng trước, cổng sau đều phủ kín người, không còn chỗ đi tới lui, nhưng tất cả đều tĩnh lặng… đã tạo nên một Pháp hội thật trang nghiêm, trong đó ai nấy đều chăm chú hướng mắt về vị Giảng sư để nghe giảng, vì đây là đề tài trông gần gũi, ai cũng muốn có sức khoẻ và nhắm tới một thời điểm khi thọ mạng mình đã hết mà sức khỏe vẫn còn (tức khi ta có chết cũng khỏe mạnh mà chết chứ không phải chết dần mòn, chết trong oằn oại đau đớn).

 Bài Pháp thoại đã phân tích vào những khía cạnh nhỏ nhất để chỉ cho các Phật tử thấy được vai trò, ý nghĩa của sức khỏe đối với cuộc đời mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội rộng lớn. Từ đó, mỗi người tự ý thức được trách nhiệm trong việc giữ gìn sức khỏe của mình, cố gắng làm sao để ta khoẻ mạnh, bớt đi bệnh tật và để hiểu được các yếu tố của sức khoẻ đã ảnh hưởng lên sự sống – chết của ta như thế nào.

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Mở đầu, Thượng toạ dùng nhiều ví dụ và phân tích cho thấy “Sức khỏe và thọ mạng” có thể chia làm 4 trường hợp:

Thứ nhất là trường hợp người sức khỏe đã tàn, thọ mạng cũng hết: Cơ thể họ suy kiệt, bệnh tật rồi chết đi. Đây là trường hợp đa số. (Sinh lão bệnh tử cũng thuộc vào trường hợp này). Trường hợp thứ hai là sức khỏe chưa tàn nhưng thọ mạng đã hết; tức là dù phải chết nhưng được ra đi trong sự tỉnh táo, khỏe khoắn, không hề đau đớn dằn vặt vì bệnh tật. Đây là những người rất có phước. Thứ ba là sức khỏe tàn nhưng thọ mạng không hết. Trường hợp này cực kì đau khổ. Họ bệnh nằm liệt một chỗ, không thể tự mình vệ sinh cơ thể, ăn uống, đi lại… nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Trường hợp thứ tư là sức khỏe còn và thọ mạng cũng còn.  Đây là trường hợp của những người đang sống, làm việc, phục vụ và tu tập một cách bình thường.

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

So sánh bốn trường hợp trên, chúng ta thấy: Điều sung sướng nhất trên đời là sức khỏe còn và thọ mạng còn hoặc sức khỏe còn và thọ mạng hết (tức là chết trong sự khoẻ  khoắn tỉnh táo, không dằn vặt, không đau đớn, không bệnh tật gì hết). Đồng thời, có hai trường hợp đau khổ là sức khoẻ đã tàn, bệnh tật nhiều rồi chết. Hoặc là sức khoẻ đã tàn, bệnh tật nhiều mà không chịu chết. Qua đó, chúng ta cảm nghiệm được rằng: Nếu đừng bệnh tật, khoẻ mạnh thì dù sống hay chết đều sung sướng cả.

Thường lúc còn khỏe mạnh thì ít ai nghĩ đến cái chết. Nhưng đến ngày già yếu, ước mơ lớn nhất của chúng ta vẫn là có một cái chết êm ái, nhẹ nhàng, đầu óc vẫn minh mẫn. Có những người dù tu hành đã lâu năm, nhưng lúc chết đã phải rất vật vã mới bỏ thân ra đi được. Cũng có người không tu hành nhiều, nhưng có cái chết an lành, thậm chí họ có thể tiên đoán trước về cái chết của mình. Họ chủ động đi từ giã mọi người trước đó vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng rồi nhẹ nhàng ra đi. Trong phạm vì đề tài này, Thượng toạ sẽ nói về quy luật hay bí quyết nằm ở chỗ nào mà một người tỉnh táo, an lành thư thái cho tới ngày mất.

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Nhân đây, Thượng toạ nhắc nhở: Việc ta bảo vệ sức khoẻ cho bản thân đó không chỉ là trách nhiệm của mình mà còn liên quan đến cộng đồng xã hội, quốc gia, bởi vì sự an nguy của một cá nhân cũng là trách nhiệm của gia đình, của một quốc gia, của nhà nước. Ta phải hiểu: Sống trên đời này cũng giống như nhà nước quản lý. Cái tự do cá nhân của một con người và cái kỷ cương chung của một quốc gia là hai phạm trù cứ phải cân đối khéo léo. Còn thiên về một bên là sai lầm. Ví dụ ta chủ trương tự do cá nhân là trên hết thì người này thiên một bên. Giống như người này đi trên một sợi dây qua một cái vực, mà nếu nghiêng một bên là rơi liền. Còn nếu nói không có tự do cá nhân, cái gì cũng phải theo chỉ đạo của chính phủ thì ta cũng rơi xuống vực. Cho nên, vấn đề lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo nhà nước, cái khó là đi giữa sợi dây đó cho cân bằng, tức làm sao vừa cho dân được tự do để họ cảm thấy dễ chịu, nhưng vừa quản lý sao cho có kỷ cương nề nếp. 

Cái khó là như vậy và chính ta phải ý thức điều đó. Trong cuộc sống, có những điều thuộc về tự do cá nhân ta được quyền làm, được quyền sống theo ý mình, nhưng có những điều ta phải hy sinh tự do cá nhân để giữ nề nếp kỷ cương chung của quốc gia. Đó là trách nhiệm, đạo đức. Chứ đừng cái gì cũng đòi sống theo ý mình là sai. Cả nhân dân và nhà nước đều phải hiểu điều này.

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Sức khoẻ cũng vậy, việc giữ gìn sức khoẻ quan trọng lắm. Nhiều khi ta tưởng sức khoẻ của mình, nên muốn tàn phá sao cũng được. Thật ra, nếu làm điều đó, không những ta có tội với bố mẹ đã đành rồi, mà còn có tội với quốc gia, dân tộc. Cho nên, việc ta giữ gìn sức khoẻ của mình cho tốt thì vừa có lợi cho ta, vừa là hạnh phúc của gia đình, mà cũng là cái lợi của dân tộc.

Ta thử đặt vấn đề: Nếu phải ráng giữ thân này cho có sức khoẻ, vậy có ngược với giáo lý của đạo Phật không. Câu trả lời đúng là xuôi chứ không có ngược. Không phải riêng thân này là vô thường mà mọi điều trừu tượng, cụ thể khác đều vô thường. Ví dụ tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, tài năng đều vô thường. Thậm chí cái phúc ta tạo rồi nếu hưởng cũng  hết.  Tuy rằng mọi điều sẽ thay đổi, không tồn tại, không chuyển hoá, nhưng khi nào còn tồn tại thì có công dụng, có giá trị của nó. Bổn phận của ta là sử dụng nó để tu tập, làm những điều công đức, để phụng sự, cống hiến, chứ đừng hưởng thụ thì chính những cái tưởng vô thường đó sẽ đưa ta đến những điều vĩnh hằng bất diệt, do ta làm mà không chấp. Chẳng hạn, có thân này, ta sử dụng nó một cách khéo léo khôn ngoan, nhưng không si mê chấp thân là thật.

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Nói về thân, Thương toạ đã chỉ hai cái cực đoan: Một là ta quá yêu quý bản thân nên đã phụng sự, chiều chuộng và hưởng thụ nó một cách cực đoan. Hai là ta không biết yêu quý, trân trọng bản thân, dẫn đến tự ngược đãi, cẩu thả với bản thân mình. Chúng ta phải nhớ rằng: Thân dù vô thường nhưng nó cũng là một công cụ. Ta sử dụng công cụ này vào việc nào, với mục đích gì thì nó sẽ đưa ta tới nhân quả đó. Vậy nên, ta phải biết sử dụng cái thân đang sở hữu một cách lợi ích cho mình và cho người khác, đừng phụ bạc nó.  Nhiều người vì gặp hoàn cảnh éo le nào đó nên đã tự mình kết liễu mạng sống. Sau khi chết họ vất va vất vưởng rất khó đầu thai. Nếu được đầu thai làm người, họ thường là những người yểu mạng.

Nhân quả là vậy, nếu phí phạm cái thân ta sẽ không có thân nữa. Chỉ những trường hợp dùng thân xác để hi sinh, cứu người, cứu đồng đội trong lúc nguy cấp thì mới được quả phúc sống thọ. Hay nếu dùng cái thân này để ta tu tập tâm linh siêu thoát thì ta đạt đến sự giác ngộ. Còn như ta dùng thân này làm điều tội lỗi thì ta sẽ đi về nơi đoạ xứ khổ đau.  Do đó, phải biết quý giá từng chút cái gì ta có. Tại sao có những vùng lại bị hạn hán thiếu nước.  Ắt hẳn là người dân vùng đó thời xưa khi còn dư dả đã coi thường, phí phạm. Cho nên, giờ đây phải trải qua một giai đoạn sống thiếu nước.

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Lại nữa, thân là cái gốc của não bộ. Não mạnh hay yếu là do sự mạnh yếu của thân. Có những người bị suy nhược thần kinh, đêm ngủ không được, thường thấy ác mộng. Đầu không thể tập trung được, hay quên, mất sự sáng suốt thì nguyên nhân đầu tiên cũng nằm ở nơi thân trước. Thân đã bị suy nhược gì rồi nên não yếu theo.

Thường chúng ta luôn nghĩ cái đầu mới quan trọng, nhưng thật ra cái thân còn quan trọng hơn. Cái thân mới là căn bản của sự sống. Điều này được Đức Phật nói hơn 2500 rồi khi  dụng công vào Thiền, đó là “Cảm giác toàn thân ta thở vào, cảm giác toàn thân ta thở ra”. Cho nên, để rèn luyện não thì ta phải rèn luyện thân bằng cách tập luyện khí công, giữ tâm hư vô, tinh tấn thiền định. Ngoài ra, Thượng toạ còn dùng nhiều ví dụ để chứng minh cho nhận định “Cái thân này mới là gốc của tâm. Và thân này cũng là cái gốc của Thiền định”. Qua đó cũng để củng cố lại gốc của tu thiền (tức biết an trú toàn thân) đúng với phương pháp Phật dạy.

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Đồng thời, Người còn phân tích là bao nhiêu trường hợp làm cho ta có sức khoẻ và những lý do nào đưa đến bệnh tật, cũng như ta phải làm gì để có được sức khoẻ tốt. Theo Thượng toạ:

– Yếu tố đầu tiên tạo nên sức khoẻ là PHƯỚC TỪ QUÁ KHỨ. Người nào đời trước thường hay dùng sức lực của tay chân để phụng sự cho cộng đồng thì đời này tự nhiên họ được phước khỏe mạnh ít bệnh, thậm chí được sức khỏe phi thường. Người kiếp xưa từng làm thầy thuốc chữa bệnh cho nhiều người cũng được quả báo khỏe mạnh ở những kiếp vị lai.

Một số người vào kiếp quá khứ đã rất giàu sang. Sống trong nhung lụa, họ vẫn tiếp tục cứu người, giúp đời. Tuy nhiên họ chỉ sai bảo kẻ dưới thực hiện công việc chứ bản thân không bao giờ trực tiếp làm. Quả báo trở lại, kiếp này họ sẽ lại dư dả vật chất, ít bệnh tật nhưng không bao giờ có được sức mạnh kì lạ của cơ thể.

 Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

– Thứ hai, sức khỏe có được do DUYÊN PHƯỚC HIỆN TẠI. Nếu kiếp này ta biết đem sức lực ra phục vụ cộng đồng, để chăm sóc sức khỏe người khác thì ta vẫn được quả báo khỏe mạnh trở lại ngay hiện đời, dù kiếp trước có thể ta không nhiều phước lắm.  Và Thượng toạ còn phân tích cho thấy có những việc ta tưởng như tạo thành phước về sức khỏe nhưng kì thực chẳng những không tạo thành phước mà còn sinh ra nghiệp xấu.

– Thứ ba, sức khỏe có được do LỐI SỐNG LÀNH MẠNH. Lối sống lành mạnh bao gồm rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là yếu tố không hưởng thụ. Những người nghiện chất kích thích thường rất mau hết thọ mạng. Trên nguyên tắc của y học, họ đã bị các chất độc có trong thuốc lá, bia rượu, ma túy tàn phá cơ thể. Tuy nhiên trên nhân quả, khi dùng chất gây nghiện là họ đang hưởng thụ khoái cảm. Càng hưởng thụ nhiều, phước của họ càng mau hết đi. Sự cạn kiệt của phước sẽ kéo theo sự suy tàn thân thể và chấm dứt thọ mạng.

 Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Lối sống lành mạnh cũng bao gồm yếu tố công việc. Hãy chọn những việc nào giúp ta cân bằng giữa lao động trí óc và chân tay. Những việc liên tục đòi hỏi sự tập trung quá mức trên não hoặc lao động quần quật nơi thân thể đều tàn phá sức khỏe. Tuy nhiên xin được một công việc tốt hay không còn tùy vào duyên phước của mỗi người.

Luyện tập cũng làm ta khỏe hơn trong kiếp hiện tại. Tuy nhiên việc luyện tập cơ bắp đơn thuần không mang lại tác động đáng kể nào đến cho người khác, vì thế hầu như không tạo ra phước. Mà nếu luyện tập có sức khỏe rồi lại không phục vụ cộng đồng, không phục vụ quốc gia, dân tộc, xã hội, đất nước, thế giới gì hết thì đúng là vô bổ, đời sau người này không có sức mạnh.

 Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

– Thứ tư là do tinh thần. Những người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, có tâm từ bi rộng lớn thì ít có bệnh tật gì. Còn người lúc nào cũng chỉ có ý nghĩ thù hận, ganh ghét, tham lam thì nhiều bệnh.

Nói về chữa bệnh, Thượng toạ nhắc nhở:

Trước tiên, hãy lưu ý đến yếu tố TINH THẦN. Có những bệnh về tâm lý làm tư tưởng của ta luôn bị trói buộc, bất an. Khi ta càng chú ý vào bệnh, càng lo cho mình, càng ích kỷ thì bệnh càng nặng hơn. Nếu ta bệnh ta biết lợi dụng thời gian nghỉ dưỡng để vun bồi đạo đức, quán tưởng về lòng yêu thương chúng sinh, tự nhiên bệnh về tâm lý sẽ dần thuyên giảm. Bên cạnh đó hãy nhớ rằng bệnh là do nghiệp, vì thế muốn chữa bệnh hãy hoá giải nghiệp bằng cách sám hối, làm phước bù lại, nếu nghiệp không quá nặng thì hết 90% ta hết bệnh. Tuy nhiên, có trường hợp nghiệp ta nặng quá thì đời này dù rất thiết tha sám hối, làm phước cũng không hết bệnh nhưng bù được một phần. Hãy để cái phước đi trước rồi y học, y khoa sẽ đi sau.

 Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Kế đến, KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH vừa là một phương pháp rèn luyện sức khỏe, vừa có công năng chữa được một số bệnh. Nội lực phát sinh từ khí công không phải là điện sinh học, cũng không phải là sức cơ bắp nhưng có khả năng tạo thành công năng đặc dị phi thường cho người luyện tập: họ có thể đi trên dao bén, than hồng; nín thở dưới nước; làm cho da thịt cứng như sắt đá không bị dao đâm thủng… Đa số chúng ta không có phước để có thể đạt đến trình độ nội công đó, nhưng nếu ta có tập luyện thì khí công sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sức khỏe.

Ngoài ra, THIỀN ĐỊNH giúp ta trả bớt nghiệp quá khứ. Khi ngồi thiền ai cũng phải trải qua cảm giác đau chân. Qua bao nhiêu năm tháng nếu ta chịu đựng sự đau đớn mà vẫn không buông bỏ ngồi Thiền, dần dần nghiệp của ta vơi dần làm cơn đau cũng giảm đi. Vì thế khi tu tập Thiền định, dù ta chưa đắc đạo, nhưng chắc chắc cảm giác đau trong khi ngồi thiền sẽ giúp cho ta trả dần cái nghiệp phải chịu đau đớn trong hiện đời. Khi nghiệp giảm đi, cuối đời ta sẽ có một cái chết nhẹ nhàng an lành, không phải oằn oại, vật vã bởi bệnh tật.

 Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Mặc khác, mọi thiên tai như động đất, sóng thần, hạn hán đều có yếu tố siêu nhiên. Đó là sự trừng phạt dành cho những tội lỗi của con người. Cũng vậy, rất nhiều bệnh tật của loài người có nguồn gốc từ yếu tố tâm linh. Một cơn dịch bệnh bùng phát làm người dân điêu đứng khổ sở. Theo khoa học, dịch bệnh đã lan tràn do virus… Nhưng trên yếu tố siêu nhiên, đó là một đợt trừng phạt của thần thánh đối với con người trong giai đoạn nào đó. Vì thế trong lịch sử nhân loại đã xuất hiện những cơn dịch bệnh kéo đến ồ ạt, dữ dội lấy đi rất nhiều sinh mạng, để rồi sau đó nhanh chóng kéo đi một cách kì lạ, hoàn toàn không để lại dấu vết.

Vì thế, khi có thiên tai, dịch bệnh, hãy kêu gọi mọi người cùng nhau sám hối, lễ Phật, cùng nhau làm những công đức. Bằng không, nếu ta loay hoay làm những điều vô phước, cơn thiên tai, bệnh dịch sẽ rất lâu chấm dứt. Chúng ta thấy rằng đạo Phật đã đề cập rất rõ ràng về những cõi giới siêu hình. Nếu ai có duyên lành theo đạo Phật, ta vừa có cuộc sống lành mạnh, thực tế, khoa học; vừa có một cái nhìn đúng mức về thế giới tâm linh (ta không xem thường nhưng cũng không mê muội).

 Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Cuối cùng, Người nhắc nhở các Phật tử rằng khi có sức khỏe, con người cần trân trọng và sử dụng nó một cách hợp lí, có ích. Ngoài việc học tập, rèn luyện bản thân, chúng ta còn phải biết cống hiến, phụng sự cộng đồng, đừng nghĩ đến việc hưởng thụ mà tự hủy hoại bản thân.

Tóm lại, bài Pháp thoại của Người rất sâu sắc, dẫn dụ nhiều câu chuyện thực tế, gần gũi,mang tính thời sự nóng hổi, nên thu hút được sự quan tâm của thính Chúng. Đôi khi bằng cách nói dí dỏm, Người tạo ra một không khí rất vui vẻ, thân thiện và người nghe cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh, trong khi cảm hứng nghe Pháp còn đông đầy trong lòng mà bài giảng đã kết thúc.  

 Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Sức khỏe và thọ mạng"

Nhờ những lời giảng dạy của Thượng toạ, các Phật tử biết được sức khỏe là vốn quý của con người, nên cần được gìn giữ, trân trọng và sử dụng một cách hợp lí. Bên cạnh đó, Người còn hướng dẫn cho mọi người cách xây dựng một đời sống lành mạnh, khoa học, để ngoài việc làm tròn trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội, mỗi cá nhân còn tự bảo vệ sức khỏe của mình, vì mỗi cá nhân khỏe mạnh sẽ tạo nên một cộng đồng khỏe mạnh. Một cá nhân ốm yếu sẽ ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Vậy nên, xây dựng cộng đồng khỏe mạnh là trách nhiệm của mọi cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cần quan tâm, đi đầu, hướng dẫn, làm gương cho các công dân. Chỉ có như vậy, đất nước ta mới vững mạnh, phát triển được./.

Tuệ Đăng

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất