Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễHơn 2 vạn người tham dự Đại lễ Phật Đản tại Thiền...

Hơn 2 vạn người tham dự Đại lễ Phật Đản tại Thiền Tôn Phật Quang

-

Hòa chung trong niềm hân hoan của mọi người con Phật trên toàn thế giới và khắp mọi miền đất nước đón mừng ngày Phật đản PL.2562 – DL.2018, từ ngày 14 – 15/04/năm Mậu Tuất (nhằm ngày 28 – 29/05/2018), tại Thiền Tôn Phật Quang đã long trọng cử hành đại lễ Phật đản, với sự tham dự của Chư Tăng, Ni tại Bổn tự, cũng như Chư tôn đức Tăng, Ni các Tự viện trong, ngoài tỉnh và trên hai vạn phật tử, khách thập phương, các văn sĩ, nghệ sĩ, các giới trí thức thuộc các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra còn có 1600 sinh viên thuộc các trường Đại học tại Tp.HCM, Đồng Nai, Thủ Đức, Tiền Giang tham gia công quả phục vụ đại Lễ.

Được biết, chương trình Đại lễ Phật đản tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra nhiều hoạt động tâm linh – văn hóa nhằm chào mừng kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh như: : Tụng kinh cầu an, cầu siêu, lễ Phật, tọa thiền, tổ chức lễ quy y, thuyết Pháp, giao lưu nhân vật, văn nghệ, v.v…

Chương trình nào cũng mới lạ, hấp dẫn, mang tính giáo dục cao. Thông qua các chương trình của đại Lễ, các phật tử được cơ hội tu học tinh tấn, được mở mang kiến thức xã hội, được tu dưỡng đạo đức và trưởng dưỡng đạo tâm. Đây là mục đích chính mà Thượng tọa Trụ trì đã định hướng khi tổ chức một buổi Lễ lớn của Phật giáo, thu hút hàng vạn người tham dự.

Theo đó, đúng 8h00” sáng ngày 14/04 (AL), tại Chánh điện, khóa lễ tụng kinh Cầu an diễn ra thật trang nghiêm với sự tham dự của đông đảo phật tử. Tiếp theo là khóa lễ Cầu siêu và sau đó Chư Tăng Thiền Tôn Phật Quang thay mặt Thượng tọa Trụ trì truyền Tam quy Ngũ giới cho hơn 800 thiện nam tín nữ phát tâm Quy y Tam bảo chính thức trở thành phật tử.

Kế đến, 14h00” cùng ngày, theo thông lệ, cứ mỗi đại Lễ của Phật giáo, Thượng tọa Trụ trì đều tổ chức buổi giao lưu nói chuyện của những nhân vật có một đời sống cảm động, mẫu mực, tận tụy, cống hiến để cho các phật tử được mở rộng tầm nhìn trong mọi lĩnh vực và có tấm gương sáng cho mọi người soi rọi, học tập theo, đặc biệt là giới trẻ – là những công dân trụ cột cho đất nước trong một tương lai gần.

Mùa Phật đản này, nhân vật được mời đến là Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải – Lá cờ đầu giáo dục đạo đức trong dạy Vật lí. Tiến sĩ là giảng viên chuyên ngành Vật lí tại Mỹ. Vô cùng tâm huyết trong việc truyền dạy đạo đức, anh đã lồng ghép các nội dung này vào trong những tiết dạy của mình một cách đầy mới lạ và hợp lý, khiến những sinh viên hết sức cảm động và được thuyết phục.

Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai, bén duyên với đạo Phật theo truyền thống gia đình từ nhỏ. Tuy nhiên, đạo Phật mà anh tiếp cận khi ấy mang nặng tính nghi lễ, chú trọng niềm tin. Cho nên trong khoảng thời gian rất dài, khoảng 20 năm kể từ ngày quy y, anh cũng loay hoay có lúc tin Phật, có lúc không tin. Có lần anh đã nói với mẹ: “Làm sao con có thể ngồi đây tụng kinh, trong khi ngoài kia có bao nhiêu người đang chết đói”.

Duyên lành đến vào năm 2010, khi anh tình cờ được nghe những bài pháp do Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng. Từ đó, anh hiểu rằng mình phải sống rất tử tế, rất trách nhiệm với cuộc đời vì lòng thương yêu, mà cũng để nâng cái phước của mình lên. Mà phước là nền tảng cho tu tập tâm linh, không có phước thì không ai tu tiến nổi.

Lý thuyết này như chạm đến những điều mà anh đã boăn khoăn trăn trở trước đó. Anh bắt đầu tin hiểu, thực hành theo lời Phật dạy và gặt hái những kết quả đáng kể cho cuộc đời mình.

Khi đang là nghiên cứu sinh tại Mỹ, dần dần anh nhận thấy mối liên hệ giữa đạo lý trong Phật giáo với những hiện tượng vật lý. Đến năm 2012, anh bắt đầu chia sẻ với sinh viên về mối liên hệ này.

Nói đến nhân quả, TS Nguyễn Đông Hải cho rằng nhân quả là nền tảng của đạo Phật mà cũng là nền tảng của khoa học. Bởi vì từ xa xưa các nhà triết học khi nghiên cứu về thế giới tự nhiên đã kết luận rằng “không có gì được phát sinh từ cái không có gì”, tức là một hiện tượng là kết quả của một quá trình nào đó trước đó, và chính nó sẽ là nguyên nhân cho quá trình nào đó về sau.

Như vậy, mỗi suy nghĩ, hành động, lời nói của chúng ta cũng là kết quả của một cái nhân mình đã gieo từ trước, và cũng sẽ tạo ra quả báo cho mình về sau.

Tuy nhiên vì khoảng thời gian từ lúc gieo nhân đến khi gặt quả cách quá xa, có thể một năm, vài mươi năm, có thể qua đến vài kiếp, nên người ta không thấy mối liên hệ giữa hai sự kiện và không tin có nhân quả.

Theo anh, đường đi của nhân quả vô cùng phức tạp mà khoa học ngày nay chưa đủ sức chứng minh. Tuy nhiên như vậy cũng có cái hay, bởi con người sẽ làm việc thiện vì lòng thương yêu thật sự, thay vì cái tâm mong cầu quả báo. Chính vì luật nhân quả “giấu mặt” nên đạo đức con người mới được thử thách, mà có thử thách rồi thì mới tăng trưởng.

Vậy có nên tin nhân quả không, trong khi khoa học chưa chứng minh được? Anh cho rằng, với những điều khoa học chưa chứng minh được, ta chia làm hai loại. Nếu tin điều nào giúp mình trở thành con người đạo đức thánh thiện hơn thì hãy tin, dù cho khoa học chưa thể chứng minh. Còn nếu tin vào điều nào khiến mình trở thành con người mê tín, tệ bạc, lười biếng, hèn nhát hơn thì đừng tin.

Đến đây, Thượng tọa Thích Chân Quang đã dành lời khen ngợi đối với những chia sẻ cực kì sâu sắc trí tuệ của TS Nguyễn Đông Hải.

Tiếp theo, TS Nguyễn Đông Hải nói về vô thường. Theo khoa học, tất cả vật thể trong vũ trụ này, từ những thứ siêu vĩ mô như thiên hà, cho đến những thứ siêu vi mô như các điện tử, các hạt cấu tạo nên hạt nhân nguyên tử… đều luôn luôn chuyển động không ngừng. Mà chuyển động thì chắc chắn phải biển đối. Và sự biến đổi đó cũng chính là trạng thái vô thường của vật chất.

Kể cả trong những thứ nằm yên không chuyển động, ví dụ ly nước nằm yên, thực ra bên trong đều có nhiều hạt phân tử đang chuyển động hỗn loạn không ngừng.

Hoặc một cơ thể đang ngủ thì máu huyết vẫn đang lưu thông, hơi thở vẫn luân chuyển ra vào. Hoặc khi một sinh vật chết đi, những phân tử cấu thành cơ thể đó cũng rời bỏ để đi cấu thành nên những cơ thể sống khác. Đó là sự vô thường của thân xác.

Những tòa nhà rất đẹp rồi sẽ cũ nát, những vật dụng rồi sẽ hao mòn, mọi thứ đều vô thường biến hoại theo thời gian. Tuy nhiên có hai thứ không bị thay đổi, thậm chí được tăng lên, đó là tội – phước.

Ví dụ số tiền mà tên cướp cướp được sau hai mươi năm sẽ biến mất, nhưng cái tội của hắn thì không đổi, chỉ có lớn lên theo thời gian mà thôi. Vậy bài học rút ra là, nếu chúng ta làm những điều sai trái để được vật chất, danh lợi thì ta tạo ra cái tội. Mà vật chất, danh lợi sẽ tan hoại theo thời gian, còn cái tội thì còn mãi theo thời gian.

Qua phân tích của anh, chúng ta thấy rõ ràng là khoa học hoàn toàn không khô khan, mà khoa học và tâm linh luôn luôn có thể song hành cùng nhau, bổ sung cho nhau.

Anh cũng có những chia sẻ hết sức thú vị về vô ngã, về cống hiến – phụng sự mà trong phạm vi bài viết này không thể chuyển tải hết. Cuối cùng, anh kể về những may mắn kì lạ trong đời mình mà chỉ có thể dùng nhân quả để giải thích. Trước đó anh đã gây tạo những cái nhân đúng, để rồi gặt hái quả ngọt ngay trong đời này.

Sau buổi giao lưu, TT Thích Chân Quang nhận định: Chúng ta thật may mắn có được buổi giao lưu hôm nay với TS Nguyễn Đông Hải. Anh là người trí thức, có trí tuệ, có đạo tâm, có hiểu biết, hiểu đạo lý… Nói chung, một người tổng hòa được nhiều lợi thế nên mới có thể nói những điều nãy giờ ta được nghe và truyền bá vừa là kiến thức vừa là đạo lý cho rất nhiều thế hệ học sinh, đây cũng là một điều may mắn cho thế giới này, cho thế hệ này có một người như Đông Hải.

Chúng tôi mong rằng làm sao có nhiều bản sao như TS Đông Hải – những con người có trí thức, có đạo đức, có đạo lý như vậy nối truyền đi vào trong xã hội, đem truyền đạo đức, kiến thức cho hết người này tới người kia. Dĩ nhiên trong mỗi hoàn cảnh mỗi con người có cách nói khác nhau, có bản lĩnh khác nhau, có hiểu biết khác nhau nhưng bắt đầu từ bản gốc này.

Hôm nay, các con ngồi đây, rất nhiều người cũng là giáo viên hoặc không là giáo viên nhưng mình đều có thể bắt chước TS Đông Hải gài đạo đức vào trong kiến thức chuyên môn hết, biến cả cuộc đời của mình dù làm việc nhưng đều toả ra được giáo dục đạo đức cho mọi người xung quanh mình. Vậy ta cũng là bản sao của TS Đông Hải.

Tại buổi giao lưu, Thượng tọa đã thay mặt tất cả Tăng Ni, phật tử Thiền Tôn Phật Quang trao tặng một món quà tinh thần – là kỷ niệm chương vinh danh TS Nguyễn Đông Hải bằng 4 chữ “NGỌN LỬA NIỀM TIN”.

Thật sự trên thế giới hầu như chưa ai thiết lập được những định đề, công thức để cho Luật nhân quả, để đạo đức được đưa vào nhà trường cả. Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải có thể được xem như một người tiên phong trong lĩnh vực này.

Suốt buổi nói chuyện, những phân tích của anh về sự liên quan giữa khoa học với đạo đức, hay với đạo lý Phật dạy đã hoàn toàn thuyết phục thính chúng. Hi vọng trong tương lai sẽ tiếp tục có những nhà giáo mà cả cái tâm và cái tầm đều sáng ngời như anh, để mở ra niềm hi vọng về một tương lai không xa, khi đạo đức được đưa vào trường học, được truyền dạy một cách hết sức logic, trí tuệ và thuyết phục.

Buổi giao lưu còn diễn ra với nhân vật GS.TSKH Vũ Minh Giang. Nhắc đến GS.TSKH Vũ Minh Giang là nhắc đến một ngọn núi trong đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, cống hiến xã hội và Phật học Việt Nam. Ông có nhiều công trình khoa học được công bố trong và ngoài nước. Ngoài công việc giảng dạy trong nước, ông còn được mời thỉnh giảng tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Ông thông thạo 4 thứ tiếng là Nga, Anh, Pháp, Trung.

Ông sinh năm 1951 tại Quảng Ninh, từ 1972 – 1974 ông tham gia phục vụ trong quân ngũ ở mặt trận phía Nam, sau đó về học tập và giảng dạy tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Hiện nay ông đang giữ chức vị Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Liên ngành Lịch sử, Khảo cổ và Dân tộc học.

Ông chia sẻ bản thân đã từng tham dự nhiều cuộc giao lưu, tiếp xúc nhưng chưa bao giờ đứng trước số lượng người nghe đông như tại Thiền Tôn Phật Quang. Tuy nhiên ông rất ấn tượng trước cái trật tự nề nếp trong một Lễ hội đông đến hàng chục nghìn người như vậy.

Là người dành hơn nửa cuộc đời của mình để nghiên cứu về lịch sử, khi được MC Thu Quỳnh mời chia sẻ quan điểm của ông về hiện trạng học sinh hiện nay không mặn mà với môn Lịch sử, trong buổi giao lưu, GS Vũ Minh Giang đã chủ động gửi lời xin lỗi đến phụ huynh học sinh. Theo ông, cái lỗi đầu tiên thuộc về các nhà sử học, rồi sau đó đến những người quản lý giáo dục. Môn sử đã có một thời gian rất dài được thiết kế làm người học phải ghi nhớ quá nhiều, đa phần khô khan trong cách dạy, trong khi đáng lẽ lịch sử phải gắn với di tích, văn hóa, với những trải nghiệm…

Theo GS Vũ Minh Giang, lịch sử là những điều đã diễn ra trong quá khứ, tuy nhiên không phải là những sự kiện vô tri vô giác buộc chúng ta phải ghi nhớ. Lịch sử phải giúp cho con người của một quốc gia nhận thức về chính mình, về nguồn gốc, ưu, nhược điểm của dân tộc mình. Qua lịch sử, chúng ta có thể nhìn vào quá khứ mà rút ra bài học cho tương lai.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nói rằng: “Lịch sử giúp chúng ta hiểu hiện tại, và dự báo tương lai”. Hay một Tổng thống Pháp từng nói: một công dân mà không biết sử nước mình thì cũng giống như đứa trẻ mồ côi không biết cha mẹ, gia đình mình ở đâu”. Vì thế ở rất nhiều quốc gia văn minh, người ta luôn coi việc am hiểu lịch sử là dấu hiệu của trí tuệ, của sự thông thái.

Trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, GS Vũ Minh Giang đã cho ra đời một loạt bài viết mang tính chiến đấu cao, đặc biệt phải kể đến công trình “Cơ sở học về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao.

Theo GS, Việt Nam là một dân tộc mà lãnh thổ, chủ quyền còn cao hơn từ “quý giá”, phải dùng từ “thiêng liêng” mới lột tả hết.

Ngoài những nghiên cứu về sử học, GS Vũ Minh Giang còn là con người vô cùng tâm huyết với Phật giáo. Suốt 5 năm vừa qua GS đã nỗ lực không ngừng để đề xuất lên TW Đảng và Chính phủ về việc đưa Viện nghiên cứu và đào tạo Phật giáo vào trong trường học. Cuối cùng, vượt qua bao khó khăn, ông cùng các chuyên gia đã thành công khi Viện Trần Nhân Tông được ra đời tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo GS, nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam thì chắc chắn phải nghiên cứu về Phật giáo, bởi Phật giáo có một đóng góp, một ảnh hưởng rất lớn đối vói lịch sử dân tộc, với văn hóa truyền thống dân tộc.

Ông chia sẻ thêm, giữa một thế giới đang bấn loạn, các phe phái, quốc gia mâu thuẫn gay gắt, xung đột tôn giáo, sắc tộc, bệnh dịch thế kỉ, ô nhiễm môi trường… Người ta đang cần một chữ “tĩnh”, mà để giúp con người tĩnh tâm thì có không một lý thuyết nào ưu việt hơn Phật giáo.

Và Phật giáo không chỉ là bốn chữ “từ bi hỷ xả” như chúng ta thường nghe, mà còn tạo nên sức mạnh cho cả một dân tộc. Tại nước ta, những triều đại xem Phật giáo gần như là quốc giáo lại lập nên những chiến công hiển hách, điển hình là triều Lý, triều Trần. Như vậy Phật giáo không chỉ đồng hành, mà còn là chỗ dựa, là chất keo liên kết để một dân tộc đồng lòng đứng lên đẩy lùi những kẻ thù hung bạo.

Bản thân Giáo sư cũng rất tâm đắc lý nhân quả, theo ông, đó là quy luật tự nhiên của trời đất của vũ trụ mà Phật giáo đã phát hiện ra, chứ không phải sáng tạo ra. Hiểu được nhân quả rồi chúng ta có được thái độ sống lạc quan bình thản, ví dụ không oán trách khi bị vô ơn bội phản, vì biết cái không may của mình là quả báo của cái nghiệp nhân xấu ác nào đó mình đã gieo trong quá khứ.

Giáo sư cho rằng, nếu không có đạo lý nhân quả, con người không màng tội phước thì cái ác sẽ ngự trị khắp nơi. Ngược lại, tin hiểu nhân quả giúp thế giới trở thành một nơi hiền thiện hơn, vì con người biết kiểm soát hành vi, lời nói, cả suy nghĩ của mình không dám gây nên ác nghiệp.

Ông cũng rất tâm đắc về triết lý bao dung vị tha, quên đi mọi hận thù quá khứ. Hoặc về lý vô ngã, ông cho rằng bản ngã bé xuống chừng nào, những ước muốn vị kỉ cho bản thân ít đi chừng nào thì con người lại càng hạnh phúc chừng nấy.

Cuối buổi giao lưu, TT Thích Chân Quang có lời cảm thán trước những chia sẻ của GS.TSKH Vũ Minh Giang. Theo Thượng tọa, từng lời từng chữ của Giáo sư đều là vàng ngọc, vừa logic hợp khoa học mà cũng cực kì phù hợp với Phật học. Cuối cùng Thượng tọa đại diện cho Thiền tôn Phật Quang trao tặng GS.TSKH Vũ Minh Giang kỉ niệm chương ghi 4 chữ “NÚI CAO ĐỨC CẢ” với tất cả tấm lòng ưu ái, biết ơn.

Tiếp đến, đúng 18h30”, ĐĐ Thích Tánh Khoan thay mặt cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể phật tử ngồi thiền 30 phút.

Và chương trình được tiếp nối là buổi thuyết Pháp của TT.Thích Chân Quang. Dịp này, Thượng tọa tản mạn về đạo lý sống với góc nhìn vô cùng thú vị.

Đầu tiên, Thượng tọa phân tích cái tâm lý hay phân biệt của con người khi giao tiếp. Thường đối trước mọi người trên trần gian, trong kiếp sống này, tâm hồn của chúng ta luôn bị chia làm hai. Ví dụ, với người giàu hơn, đẹp hơn, tài giỏi hơn ta ưu ái nể phục, với người nghèo khổ kém cỏi, xấu xí, kém văn hóa hơn ta hắt hủi xem thường. Hoặc với người có duyên từ đời trước thì mình nặng tình, khởi niềm yêu mến, với người nghịch duyên thì mình ác cảm, xa lánh. Tâm ta cứ bị thiên vị, kì thị, phân biệt như vậy. Đó là khuynh hướng rất tự nhiên, nhưng cũng kém đạo đức.

Và đạo lực của người tu, giá trị của người tu là cưỡng lại được những tâm lý đó, cưỡng lại thôi chứ chưa diệt trừ nổi. Gặp người thuận duyên, có ân nghĩa với mình, ta gắng giữ lòng mình không thiên vị, không bộc lộ quá đáng. Hay gặp người đời trước từng mưu hại mình, ta cũng kiềm chế cái ác cảm lại và gắng khởi tâm thương yêu. Gặp người giàu sang phú quý, ta cũng kiềm cái tâm ưu ái lại để cư xử chừng mực.

Người biết tu là vậy, dần dần thành tựu cái tâm bình đẳng chan hòa với tất cả. Còn người kém tu hoặc không hề tu thì có thái độ phân biệt rất rõ. Gặp người này thì quá vui mừng ưu ái, gặp người kia lại xem thường, khinh bỉ. Họ cứ mãi dao động từ tâm lý này sang tâm lý kia như thế. Đây là những điều rất sâu sắc trong sự tu tập, mà những ai có kinh nghiệm tu hành rồi mới ngộ ra được.

Và cuộc đời đau khổ vì tâm lý thiên vị của con người. Trong một ngôi nhà người cha người mẹ tự nhiên thương đứa con này hơn, ghét đứa con kia hơn. Hoặc trong ngôi chùa vị thầy cũng bị tâm lý thiên vị với các đệ tử, ưu ái người này, hờ hững với người kia. Nếu sự thiên vị bộc lộ quá đáng thì mọi người chung quanh cũng lập tức bất an, bức xúc, không hạnh phúc. Nơi nào có bất bình đẳng, nơi đó thiếu vắng hạnh phúc là vậy.

Còn trong một ngôi chùa mà đa số đều nỗ lực tu hành, chúng ta sẽ tìm được hình ảnh của một xã hội thu nhỏ có sự bình đẳng chan hòa. Những người giàu đến vẫn cúi mình bưng cơm hầu nước, người nghèo đến vẫn được tiếp đãi ân cần chu đáo. Con người vượt qua sự hơn thua, vượt qua đẳng cấp giàu nghèo để thương yêu nhau. Mà để có một cộng đồng hạnh phúc như vậy thì mỗi người phải tu rất nhiều, phải hướng về vô ngã, tức là không thấy có cái “ta”.

Khi bản ngã nhỏ lại, người ta không thấy mình quan trọng nữa thì mọi đạo đức tốt đẹp mới hiện ra. Trong đó ta có sự bình đẳng, ví dụ thấy người giàu ta không xởi lởi quá, thấy người nghèo ta không xem thường quá. “Không xem thường” là nói cho người bình thường, còn với người đạo đức cao thì nhìn thấy một người nghèo, lòng họ lại càng quan tâm nhiều hơn, càng ân cần tử tế hơn vì biết rằng người nghèo thường thiếu tình thương yêu hơn là người giàu.

Mãi mãi con người luôn ao ước sự chan hòa, bình đẳng trên thế giới. Điều này có được không phải nhờ cơ chế của pháp luật bên ngoài, mà phải nhờ đạo đức bên trong mỗi con người. Tự mỗi người phải chiến thắng cái tâm thiên vị, kì thị, chứ không ai đặt chân vào tâm mình để làm giúp mình được.

Tuy nhiên, dù đi tìm đạo đức “bình đẳng”, chúng ta cũng phải đối diện với một thực tế là ta không thể đối xử với mọi người “ngang bằng” như nhau. Một người đức độ, cống hiến rất nhiều không thể bằng với một kẻ bặm trợn hung ác. Nếu ta ân cần tiếp đãi họ như nhau, cho hai người mức đãi ngộ như nhau, ngồi chung một mâm cơm như nhau thì xã hội cũng loạn lên, vì không công bằng. Như vậy “bình đẳng” và “công bằng” là khác nhau.

Vậy thế nào mới công bằng? Người đàng hoàng đạo đức, có cống hiến phải xứng đáng được đãi ngộ, tôn trọng, ghi nhận công lao. Chính nhờ vậy mà xã hội mới ổn định, người ta cố gắng tu dưỡng, phấn đấu, cống hiến, vì tin rằng mình được tôn trọng xứng đáng.

Cho nên, dù thương yêu con người bình đẳng, chúng ta cũng không được đánh đồng giữa người tốt và kẻ xấu, không đánh đồng mọi người như nhau, vì nếu vậy ta lập tức phạm vào cái lỗi bất công. Đây là bài toán rất khó khăn lắt léo trong đạo lý, trong triết học, đòi hỏi trí tuệ lớn, đạo đức lớn.

Và không bao giờ có một mô hình mẫu cho mọi tình huống, mà phải linh động tùy trường hợp.

Có những lúc ta tiếp đãi chu đáo, ta vinh danh một người có công, và mọi người chung quanh ai cũng đồng tình, thấy rất hợp lý, thì mình có đạo đức, mặc dù có vẻ như thiên vị. Ngược lại, có những người danh tiếng, cống hiến rất nhiều, xứng đáng được tiếp đãi đàng hoàng, nhưng khi đến chùa họ chỉ thích cúi mình bưng cơm hầu nước, thích được khiêm hạ công quả lao tác thì ta cũng sẵn lòng để họ thực hiện ước nguyện của họ, chứ không cản, không buộc họ phải ngồi ở vị trí cao cho người khác phục vụ. Không có hình mẫu nào cho mọi tình huống là vậy.

Tóm lại, trên cuộc đời muôn trùng sai biệt này, rất khó để xử lý đúng từng trường hợp, làm sao vừa giữ được sự công bằng, vừa giữ được sự bình đẳng. Đây là bài toán thử thách trí tuệ, thử thách đạo đức, thử thách lòng từ của con người một cách gay gắt, mà ai giải tốt được rồi, người đó thật xứng đáng cho chúng ta cúi đầu kính nể.

Sau thời thuyết Pháp là chương trình văn nghệ chào mừng ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2562 diễn ra đầy hương sắc, đầy cảm xúc, dâng lên cúng dường Đức Phật nhân mùa Đản sinh, và đây còn là một niềm vui tinh thần cho bà con phật tử về chùa dự Lễ.

Hôm sau, sáng ngày 15/04/năm Mậu Tuất, tại Lễ đài Thiền Tôn Phật Quang, BTC đã trang nghiêm trọng thể cử hành chính thức Đại Lễ Phật Đản PL.2562.

Mở đầu khóa lễ là nghi thức niêm hương, đảnh lễ Tam bảo, đọc lời cảm niệm, và trong không khí thiêng liêng ngày Phật đản sinh, toàn thể đạo tràng đã đồng loạt hát bài NGƯỜI ĐÃ ĐẾN.

Tiếp theo đó, toàn thể Hội chúng đã lắng nghe Thông điệp Đại Lễ Phật Đản PL.2562 của Đức Pháp Chủ GHPGVN – Trưởng lão HT Thích Phổ Tuệ gửi toàn thể Tăng, Ni, đồng bào phật tử trên toàn thế giới. Sau đó tất cả cùng hướng tâm về Ngài hô to: Y giáo phụng hành.

Kế đến là thời Pháp thoại, nhân kỷ niệm về ngày Đức Phật đản sinh, TT Thích Chân Quang nói về một loại tội – phước mới, rất độc đáo, mà chúng ta hầu như chưa ý thức được.

Con người luôn luôn lệ thuộc, tương trợ lẫn nhau, không ai độc lập tồn tại một mình. Ví dụ, khó ai có thể sống đến giờ này nếu khi sinh ra không được cha mẹ chăm sóc nuôi nấng, bởi chúng ta đều là những con người yếu đuối tầm thường. Hoặc khi ta lớn lên cũng vậy, ta luôn cần sự nâng đỡ, tương trợ từ người khác.

Trong đạo Phật có những ẩn sĩ độc cư sống một mình trong rừng vắng hang sâu, không cần nương tựa ai, không cần tình cảm yêu thương với ai. Tuy nhiên, độc cư chỉ là giai đoạn thử thách đạo lực tu hành của người tu, chứ không phải mục đích tối thượng của đạo Phật. Còn lại trong cuộc sống này con người luôn cần nhau, luôn lệ thuộc, tương trợ lẫn nhau. Đây là một ý nghĩa, một thông điệp cực kì quan trọng mà chúng ta phải tư duy rất kĩ.

Tuy nhiên, trong những cộng đồng lệ thuộc, tương trợ lẫn nhau đó, cộng đồng nào có tỉ lệ tin cậy cao thì con người mới hạnh phúc. Còn cộng đồng nào đáng ngờ, đầy nghi kị, thiếu tin cậy thì con người sẽ lập tức bất an. Ví dụ, người ta không thể nào cảm thấy bình yên, nếu lọt vào cộng đồng những con người tham lam, luôn chực chờ mưu hại triệt hạ lẫn nhau vì cái lợi trước mắt.

Mà thực tế tâm hồn con người vốn dĩ mong manh, dễ thay đổi, rất khó trung thành, khó chung thuỷ. Như thế, trách nhiệm của chúng ta là làm sao cho cộng đồng mà mình có mặt trở nên bền vững, ổn định, đáng tin cậy, sắt son chung thủy, giảm thấp nhất tỷ lệ của sự phản bội, để con người trong đó được yên tâm, hạnh phúc.

Đến với đạo Phật, càng lúc ta càng phải hiểu sâu sắc điều này. Bình thường tâm ý mình quay cuồng dễ thay đổi, nay thương nhau mai ghét nhau, nay giúp nhau mai hại nhau… Tâm lý con người tầm thường như vậy. Nhưng rồi chúng ta đều phải chuyển hóa nội tâm mình cho dần trở nên ổn định, sắt son, chung thuỷ, trung thành, để mình có mặt nơi cộng đồng nào thì cộng đồng đó chỉ tăng thêm nhiều tình yêu thương bền vững mà thôi.

Học bài này chúng ta mới phát hiện ra một cái lỗi rất nhiều người phạm phải, đó là làm cho cộng đồng của mình đầy nghi kị, dễ phản bội, không còn yêu thương son sắt, không còn gắn bó chung thủy với nhau nữa.

Cái tội này rất khó hiểu. Và như vậy, giúp cho cộng đồng tăng thêm sự tin cậy, sắt son, chung thủy thì ta được một cái phước rất lớn, vì khiến con người yên vui hạnh phúc hơn. Đây là tội – phước cao cấp không dễ nhìn ra.

Chúng ta mang tinh thần này về lại với cộng đồng đang chờ đợi mình, đó là gia đình ruột thịt, là sở làm. Ở sở làm thì khó hơn gia đình, vì đó là nơi đấu đá hơn thua, là nơi quay cuồng lợi danh. Hãy sống thế nào, thuyết phục thế nào để mọi người vượt qua ích kỷ thấp hèn, cùng nhau tạo nên một cộng đồng đáng tin cậy, ít có sự phản bội nhất, để sở làm trở thành một tổ ấm bình yên nho nhỏ.

Hoặc chùa cũng là một cộng đồng, gồm những người xuất gia đã từ bỏ gia đình riêng tư để bước vào một gia đình mới lớn hơn, không có máu mủ ruột thịt mà chỉ có đạo lý của Phật. Nếu rời xa đạo lý thì những con người trong đó không ai còn kết nối, còn liên quan đến ai nữa. Chỉ khi những con người trong đó luôn hướng về đạo lý từ bi vô ngã thì chùa mới có sự gắn kết, mới tồn tại tình cảm thiêng liêng, từng người tin tưởng, thương yêu, nương tựa nhau còn hơn tình ruột thịt thế gian.

Đi giữa cuộc đời bạc bẽo vô ơn này, chúng ta cố gắng làm một điểm tựa thủy chung, son sắt cho mọi người. Nghĩa là ai đến với mình không bao giờ phải lo sợ bị phản bội, họ chỉ nhận lại sự tử tế, niềm yêu thương, trung thành son sắt bền bỉ mà thôi.

Dù cho người khác tệ bạc, dễ thay lòng, ta vẫn kiên nhẫn chịu đựng, cảm hóa, thuyết phục để ngày nào đó họ biết lỗi, chứ không bao giờ lấy oán báo oán, không bao giờ lấy sự ghét bỏ đối lại sự ghét bỏ.

Tóm lại, chúng ta biết rằng cái tội lớn là làm cho cộng đồng dễ tan vỡ, bội bạc. Cái phước lớn là giúp cho cộng đồng trở nên ổn định, vững bền, son sắt, thủy chung.

Bài pháp thoại đã nói được một loại tội phước mới, mà con người thường không ngờ đến. Như thế, chúng ta có thể không giàu có, không địa vị, khả năng không nhiều, nhưng ta còn có tình thương yêu, sự tử tế, niềm chung thủy sắt son để cho nhau, giúp nhau được vững tâm, được hạnh phúc mà đi qua cuộc đời nhiều bấp bênh sóng gió này. Đó vẫn là một phước lành cho dòng luân hồi của chính chúng ta.

Sau cùng là nghi thức tụng bài Sám Khánh Đản và nghi thức dâng hoa cúng dường thật trang nghiêm. Và Đại Lễ Phật đản 2562 tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra thành công viên mãn với rất nhiều cảm xúc được ghi lại trong lòng những người tham dự./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh Đại lễ Phật Đản tại Thiền Tôn Phật Quang:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất