Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễHơn 3 vạn người tham dự Đại lễ Phật Thành đạo tại...

Hơn 3 vạn người tham dự Đại lễ Phật Thành đạo tại Thiền tôn Phật Quang

-

Theo truyền thống, kể từ ngày mồng 07 – 08/12 âm lịch, Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh – BRVT) long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành Đạo PL. 2561 – DL.2018 với một chương trình thật là trang nghiêm và hoành tráng, gồm nhiều hoạt động thiết thực, hữu ích, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, đạo đức của người Phật tử, vừa là những điều thiêng liêng để dâng lên cúng dường Đức Phật – Người đã khai sáng ra đạo nhiệm mầu và giáo pháp vi diệu giúp chúng sinh được thoát khổ, an vui.

Năm nay, Đại lễ Phật Thành Đạo với sự tham dự rất đông Chư tôn đức Tăng Ni trong cũng như ngoài tỉnh và hơn 32 vạn lượt đồng bào phật tử từ khắp mọi miền đất nước câu hội về. Ngoài ra còn có các nhân sĩ tri thức, các văn nghệ sĩ và 2500 sinh viên học sinh về chùa công quả đồng tham dự.

Điều đặc biệt hơn, hôm nay mọi người về dự Lễ Phật Thành đạo cũng là mừng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lộ thiên tại Thiền tôn Phật Quang đã tạm hoàn thành những phần cơ bản nhất để phật tử về chiêm bái trong dịp Lễ trọng đại này.

Đây là công trình vô giá không tính bằng tiền được. Suốt hai năm ròng rã, Thượng tọa trụ trì cùng quý thầy tại Bổn tự và những nghệ nhân tạc tượng đã dành toàn bộ thời gian tâm huyết, thậm chí dám hy sinh hết mọi thứ chỉ dồn sức cho việc tạc tượng. Vào những ngày gần lễ Phật Thành Đạo, Thượng tọa trụ trì thức đến 1, 2h khuya, cả ngày lẫn đêm trực tiếp hướng dẫn làm tượng.

Bước vào khu vực có Thánh tượng cao đẹp uy nghi, lòng ai cũng rưng rưng bồi hồi. Dường như đang có thần lực chư Phật, chư Thiên về ngự nơi đây. Dường như lòng kính ngưỡng, tâm huyết, tấm lòng của bao người từ ngày những khối đá đầu tiên được chuyển về chùa cho đến ngày hôm nay… Tất cả vẫn còn ghi dấu nơi đây, làm nên không khí thiêng liêng diệu kì.

Quỳ dưới tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong dịp kỉ niệm ngày đức Phật Thành Đạo, giữa rừng núi bao la, lòng chúng con thêm bồi hồi nhớ đến cuộc đời siêu việt của Người với bao năm tháng phong sương khổ hạnh, với đêm thành đạo huy hoàng, với sự nghiệp giáo hóa độ sinh gian nan vĩ đại… Tất cả như sống lại trong khoảnh khắc, khi chúng con cùng quỳ nơi đây.

Mai này khi công trình điêu khắc Thánh tượng hoàn mãn, mong rằng pho tượng Phật thế kỷ này sẽ khiến mỗi chúng sinh khi đến chiêm bái đều khởi lên niềm xúc cảm sâu xa, phát tâm tu tập và gieo nhân lành giác ngộ cho muôn đời sau.

Đến với chương trình của đại lễ Phật Thành Đạo được tổ chức từ ngày mùng 07 – 08/12 al với các hoạt động như sau:

Đúng 9h00” sáng ngày mùng 07, quý Thầy tại Bổn tự hướng dẫn phật tử tụng kinh cầu an.

Kế đến, thiết Lễ cầu siêu, cúng thí thực và tổ chức khóa lễ Quy Y Tam Bảo cho hơn 1000 thiện nam, tín nữ.

Đặc biệt vào lúc 14h00” cùng ngày, tại sân khấu trước sân Chánh điện đã diễn ra chương trình giao lưu với vị khách mời là nhà sử học Dương Trung Quốc.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng mình có mặt trong buổi giao lưu này vừa vinh dự, vừa băn khoăn không biết mình có xứng đáng hay không. Thật sự, đó là câu nói hết sức khiêm tốn của một nhân cách lớn.

Giải thích về cái tên “Trung Quốc” của mình, theo ông, nhiều người vẫn nghĩ đó là tên của đất nước láng giềng với Việt Nam. Thật ra tên ông có nghĩa là “trung thành với tổ quốc”, được cha mẹ ông đặt nên từ tấm lòng yêu nước của họ.

Nói về công việc, ông cho biết mình rất may mắn khi vừa làm công việc liên quan đến sử (Từng làm phó viện trưởng viện sử học), vừa liên quan đến báo chí (đang làm tổng biên tập tạp chí Xưa Và Nay). Một người làm báo mà biết sử, một người biết sử mà làm báo, đó là lợi thế rất lớn.

Là đại biểu quốc hội, đã nhiều lần ông có những chất vấn cực kì thẳng thắn trước quốc hội. Thật sự không phải ai cũng can đảm chấp nhận “đụng chạm” như ông. Theo ông, cái tâm của người đại biểu quốc hội phải sáng, dù khen hay chê, dù ca ngợi hay chỉ ra cái sai… thì cũng vì đại cuộc, và phải nói làm sao cho người khác nhận ra rằng sự góp ý của mình có tính chất xây dựng mà thôi.

Nói về khó khăn của mình, ông cho rằng với đặc thù công việc là đại biểu quốc hội nên hàng ngày phải gặp gỡ, tiếp chuyện rất nhiều người. Và ông “xấu hổ nhiều hơn vinh dự”, vì càng có uy tín bao nhiều thì càng nhiều người tìm đến, càng nhiều người gửi gắm niềm tin bấy nhiêu, mà có khi ông đã không đáp ứng được hết. Đó là áp lực của ông trong suốt 15 năm làm đại biểu quốc hội.

Suốt buổi nói chuyện ông không hề nói về sự mệt mỏi của bản thân, mà chỉ sợ không giải quyết hết nguyện vọng của người dân với tư cách là một đại biểu quốc hội. Đây thật sự là bài học rất cảm động về sự cống hiến quên mình.

Với Phật giáo, ông cho rằng mệnh đề “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” là một sự thật. Phật giáo đã đến với Việt nam trên 2 thiên niên kỉ, đến với sứ mạng rất thiêng liêng, gắn với dân tộc chúng ta. Dù không phải là phật tử, không thuộc kinh kệ nhưng tâm thức của ông là dành cho, là gắn liền với đạo Phật, cũng như bao người Việt Nam khác. Đó là điều tự nhiên. Với ông, đạo Phật vừa cao siêu mà vừa gần gũi với cuộc sống. Đạo Phật là của cả nhân loại, nhưng cũng là của riêng người Việt Nam, là đặc trưng của chúng ta, cho ta thêm sức mạnh hội nhập quốc tế.

Nói về “vai trò của lịch sử đối với xã hội ngày nay”, ông cho rằng chúng ta đừng biến lịch sử thành sự khổ sai về trí nhớ, buộc mọi người phải ghi nhớ những con số khô khan. Cốt lõi của lịch sử là sự am hiểu về quá khứ, giải thích quá khứ làm sao để trở thành bài học cho hôm nay. Suy xét quá khứ một cách trung thực, ta sẽ nhận được bài học quý.

Tình trạng suy thoái đạo đức hiện nay cũng là điều khiến nhà sử học băn khoăn. Theo ông, từ xưa nước ta luôn giữ cái nền tảng đạo đức, con người sống đằm thắm nghĩa tình dù trong cảnh nghèo khó. Mà chính cái giá trị ấy đã giúp ta vượt qua tất cả để bảo vệ độc lập tự do. Nhưng sau khi có tự do rồi, khi đời sống đi lên rồi ta lại đánh mất giá trị ấy.

Về lời khuyên cho thế hệ thanh niên, ông chia sẻ: rốt cuộc ta sẽ thấy trong cuộc sống không quan trọng là “ai thắng ai”, mà là “ai cần đến ai”. Hãy phấn đấu cho những người cần đến mình, mỗi người phải trở thành cái người khác cần, đó chính là yếu tố xây dựng cuộc đời.

Theo TT. Thích Chân Quang, trong mùa lễ Phật thành đạo thiêng liêng, nhân duyên của đất trời đã đưa ông Dương Trung Quốc đến với buổi giao lưu này. Ông xuất hiện với từng lời lẽ ôn tồn, khiêm tốn, vững vàng, chững chạc đầy trí tuệ, từng câu từng lời đều làm lay động lòng người. Nhân đây, Thượng tọa thay mặt chùa Phật Quang vinh danh ông Dương Trung Quốc là “Tiếng nói lương tâm”.

Tiếp theo chương trình, đúng 18h30” cùng ngày, Đại lễ Phật Thành Đạo chính thức bắt đầu.

Trong không khí trang nghiêm và thành kính nhất, ĐĐ Thích Tánh khoan đại diện cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể phật tử ngồi thiền 30 phút.

Tiếp đến, nhằm củng cố những kiến thức cơ bản nhất cho phật tử về đạo Phật cũng như ý nghĩa của ngày Phật thành đạo, Thượng tọa Trụ trì đã có bài Pháp thoại dành cho Hội chúng. Đây là một trong những hoạt động chào mừng ngày thành đạo của Đức Phật.

Tham dự buổi Pháp thoại có sự chứng minh của: HT Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân; TT Thích Phước Hạnh – Phó Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long; cùng đông đảo chư tôn đức Tăng Ni Trụ trì các Tự viện, Tịnh xá, Niệm Phật đường. Ngoài ra còn có sự tham dự của 3,2 vạn người đến từ các tỉnh thành trong cả nước.

Với bài Pháp thoại nói về ý nghĩa chữ “KHÔNG” trong đạo Phật, Thượng tọa phân tích, diễn giải đến các khía cạnh như: Không sân hận nghĩa là hiền lành, không phản ứng mạnh trước những chuyện trái ý nghịch lòng (mặc dù trong một số trường hợp thì phản ứng mạnh vẫn cần thiết, như khi phải bảo vệ tổ quốc, khi phải bênh vực cho lẽ phải v.v..).

Hoặc không giãi đãi nghĩa là siêng năng – siêng năng học tập, rèn luyện, làm việc, tu tập…

Người lười biếng là người rơi vào một tà kiến, họ không hiểu được nhân quả, tội phước, không hiểu mỗi ngày mỗi một bát cơm ăn đều là món nợ với cuộc đời, phải trả bằng cách cống hiến lại cho đời. Vì vậy khi thấy các em thanh niên về chùa trong dịp đại lễ, phục vụ cho mọi người với nét mặt hoan hỷ, nhu thuận lòng Thượng tọa rất vui mừng, hi vọng các em sẽ giữ cái tâm này đi qua nhiều kiếp, bởi cuộc sống phụng sự mang lại cái phước, mà cũng làm cho cuộc đời ta có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Hoặc không rơi vào “giới cấm thủ” có nghĩa là không cố chấp. Thông thường con người hay lập ra những nguyên tắc, quy tắc ứng xử, và khi khư khư giữ nguyên tắc một cách cứng nhắc, ta bỗng trở thành người cố chấp, tàn nhẫn, cũng là một sự tổn phước. Không cố chấp không phải là buông tuồng, mà là biết được khi nào cần giữ nguyên tắc, khi nào cần phải bỏ qua nguyên tắc, vì lòng thương yêu với chúng sinh. Đó vẫn là cái phước, khiến ta tự nhiên dần thông minh, sáng tạo hơn, luôn luôn như vậy.

Có một cái không vô cùng vĩ đại, đó là không chấp ngã. Người không còn chấp ngã sẽ được một cái “có”, đó là có cả vũ trụ này. Phải qua rất nhiều kiếp tu hành vất vả, làm lợi ích cho chúng sinh, tích lũy công đức vô tận thì mới thành tựu được “không chấp ngã” như chư Phật.

Từ đó, chư Phật được một cái có, đó là có cả vũ trụ trong lòng bàn tay.

Hôm nay chúng ta về đây tôn vinh sự thành đạo của Phật cũng có nghĩa là tôn vinh sự vô ngã, gieo cái nhân đắc đạo cho muôn đời sau.

Tại buổi Pháp thoại, HT Thích Viên Giác có lời ca ngợi TT Thích Chân Quang đã đưa đạo lý vào lòng người một cách dễ hiểu, bình dị. Theo Hòa thượng, kỷ niệm ngày Đức Phật giác ngộ, thành đạo cũng tức là kỷ niệm ngày ánh sáng chánh pháp xuất hiện trên cõi đời. Tuy nhiên, trải qua hơn 2500 năm, qua nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều tông môn, hệ phái thì đạo Phật đã bị biến đổi. Có những luận điểm nhân danh Phật, nhân danh kinh điển nhưng xa rời chánh pháp. Những bậc chân tu cũng dần hiếm hoi. Mà chư Tăng lại chính là người trực tiếp dẫn dắt phật tử về với nẻo thiện, về với con đường đạo. Thế nên giữa thời đại này nếu vị xuất gia nào tu hành tinh chuyên, chân chính, thực hiện rất hiệu quả sứ mạng hoằng pháp độ sinh thì đó quả thực là bậc đáng kính giữa đời.

Kế đến, TT Tich Phước Hạnh cũng có lời tán thán TT Thích Chân Quang là một Pháp sư thuyết giảng với số lượng thính chúng đông nhất tại Việt Nam. Nhân dịp này, TT nhắc nhở phật tử về lòng kính Phật, về công hạnh thường xưng tán chư Phật để làm thành chủng tử giác ngộ trong tâm mình.

Nhìn chung, đại lễ Phật Thành Đạo tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, long trọng mà ấm áp, thiêng liêng. Riêng năm nay có khoảng 32.000 lượt người về dự lễ. Hầu như mọi người không cầu xin lợi lộc cho cá nhân hay gia đình, tất cả chỉ dồn vào ca ngợi ý nghĩa cao siêu của sự đắc đạo của Đức Phật. Những đạo lý được thuyết giảng cũng nói về đạo đức hy sinh dấn thân phụng sự, chẳng mong cầu thụ hưởng điều gì. Vậy mà ai cũng đều thành tâm, nghiêm trang, hoan hỉ. Tức là người dự lễ không đi tìm lề lối tín ngưỡng bình thường là quỳ lạy xin chuyện cá nhân, mà đi tìm đạo lý cao siêu thông qua lễ hội thiêng liêng. Đây quả là một nét đặc biệt, độc đáo trong lễ hội Phật giáo tại Thiền Tôn Phật Quang, thật đáng tán thán, nhân rộng.

Sáng hôm sau, khi sương mù còn phủ kín núi rừng thì nơi Thiền Tôn Phật Quang đang diễn ra nghi thức Lễ Phật Thành Đạo thật trang nghiêm, thật lắng đọng. Ai nấy đều thành tâm hướng Phật, cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều phát tâm dũng mãnh, tiến bước theo con đường giải thoát của Phật vạch ra.

Vào thời khắc thiêng liêng đó, 2,8 vạn con người ngồi tĩnh toạ bất động, không một tiếng động nhỏ chung quanh. Mọi thứ đều ngưng lại chỉ để dành sự thiêng liêng này trong trái tim mỗi người. Âm thanh tiếng dế kêu, tiếng gió thổi, tiếng hổ gừ, tiếng sói hú được phát ra, góp phần dựng lại cảm xúc và trải nghiệm của người tham gia về đêm Thành Đạo ngày xưa của Phật. Khi sao mai vừa lên, ánh trăng soi chênh chếch, tiếng nhạc của bài hát “Đêm thành Đạo” vang lên giữa núi rừng mang theo niềm an lạc vô biên trong lòng người.

Tiếp đến, các phật tử đã quỳ lên và đọc theo những lời cảm niệm Phật thành Đạo do HT Thích Viên Giác, TT Thích Phước Hạnh và TT Thích Chân Quang dẫn dắt. Rồi từng tiếng kinh thiêng của hàng vạn người cất lên hòa quyện nhau qua bài sám Phật thành đạo là ấn tượng nhất trong buổi Lễ.

Từng lời kinh tiếng kệ ngân vang trong một khung cảnh hoàn toàn thanh tịnh đã nhân đôi cảm xúc của người tụng về lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Giọng tụng của quý Ngài chắc, khỏe, truyền cảm đã lột tả hết ý nghĩa sâu xa trong từng câu sám, cuốn mọi người cùng trôi theo dòng cảm xúc hình dung lại khung cảnh đêm thành đạo ngày xưa của Đức Phật.

Và thấp thoáng trong lời kệ là những lời nhắc nhở, sách tấn các phật tử trên bước đường tu tập, tuy rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc:

Cúi đầu đảnh lễ một người
Đã dâng bát sữa hồng tươi cúng dường
Giúp Người khỏe mạnh khang cường
Bước vào thời khắc tìm đường mênh mông.

Cúi đầu đảnh lễ dòng sông
Để Người tắm gội mát trong ngọt ngào
Thả trôi chiếc bát xem sao
Duyên lành đã đủ ngược chiều bát trôi.

Cúi đầu đảnh lễ đơn côi
Một mình một bóng Người ngồi quạnh hiu
Khi sương sớm lúc nắng chiều
Chim kêu gọi bạn, vượn kêu gọi bầy.

Cúi đầu đảnh lễ cội cây
Bốn mươi chín lượt đêm ngày chở che
Tàng cây cành lá xum xoe
Để Người yên tặng tìm về chân như.

Cúi đầu đảnh lễ trăng mơ
Soi nghiêng rừng vắng lững lờ sương khuya
Bóng người ẩn sĩ say sưa
Chìm trong thiền định nghìn xưa nguyện thề.

Cúi đầu đảnh lễ lời thề
Nếu không thành đạo chẳng hề chuyển thân
Phen này sẽ quyết một lần Phá tan si ám thoát trần siêu phương.

Cúi đầu đảnh lễ rừng hương
Dịu dàng tỏa ngát cúng dường chung quanh
Ngày đông giá lạnh tàn canh Hoa còn e ấp đầu cành chưa khai.

Cúi đầu đảnh lễ sao Mai
Từng ngày lấp lánh bên trời trông mong
Đón chờ tia nắng hừng đông
Chút màu ấm áp ửng hồng xôn xao.

Cúi đầu đảnh lễ trời cao
Có chư Thiên tử biết bao nỗi niềm
Dõi theo bóng dáng tọa thiền
Của người sắp sửa vượt miền vô minh.

Cúi đầu đảnh lễ uy linh
Vô lường công đức tự nghìn kiếp xưa
Khiến Người chiến thắng ác ma
Thoát ngoài danh lợi sắc hoa tầm thường.

Cúi đầu đảnh lễ ánh dương
Bừng lên trí giác mười phương rạng ngời Tam minh tỏa sáng khắp nơi
Để thành Đức Phật muôn đời bao la.

Cúi đầu đảnh lễ Phật đà
Cho con cuộc sống thiết tha nghĩa tình
Đời con đã có bình minh
Từ khi theo Phật tu hành nguyện sâu.

Bỏ đi nghìn kiếp khổ đau
Bước theo ánh sáng nhiệm màu vô biên
Trái tim vượt nỗi ưu phiền
Yêu thương khắp cả mọi miền chúng sinh.

Ước mong thế giới thanh bình
Loài người cùng biết giữ gìn cho nhau
Không gây oan trái khổ sầu
Bến bờ giác ngộ sẽ mau tìm về.

Sau cùng, Đại lễ Phật Thành Đạo hoàn mãn bằng nghi thức dâng hoa cúng dường. Tuy mọi người trở lại với cuộc sống đời thường, nhưng dư âm như mãi còn vang đọng trong tâm hồn của những ai khi nhớ nghĩ về Phật, về Thiền Tôn Phật Quang./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là toàn cảnh Đại lễ Phật Thành đạo PL.2561-DL.2018 tại Thiền tôn Phật Quang:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất