Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangKhóa hè đạo đứcKhóa hè 2017: Buổi học pháp luật đầy lý thú

Khóa hè 2017: Buổi học pháp luật đầy lý thú

-

Thật là một duyên lành hiếm có, ngày 09/06/2017, nhận lời mời của Sư Phụ Trụ Trì, hai giảng viên bộ môn luật Dân Sự đã có mặt tại Thiền Tôn Phật Quang để trực tiếp truyền dạy, chia sẻ những kiến thức về luật pháp thật hữu ích cho các em học sinh đang tham gia khóa sinh hoạt hè tại đây. Nhắc đến pháp luật, ai cũng hình dung đó là một môn học khô khan. Nhưng thật bất ngờ, buổi học hôm nay lại thật sinh động bởi những ví dụ vô cùng gần gũi với lứa tuổi học sinh, và rất cuốn hút bởi phong cách giảng dạy truyền cảm của hai cô giáo luật đầy nhiệt huyết.

dsc_0373

Người giảng dạy chính trong buổi học ngày hôm nay là Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Yến, hiện đang phụ trách bộ môn Luật Dân Sự – Trường Đại học Luật Hà Nội, và cũng là giảng viên dạy luật cho quý Thầy Cô chùa Thiền Tôn Phật Quang tại thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt cùng với cô là Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh – nguyên giảng viên, Trưởng khoa Pháp Luật Dân Sự Đại học Luật TP.HCM. Điều đặc biệt là cô Kim Anh cũng chính là cô giáo dạy luật của cô Hồng Yến tại Hà Nội ngày xưa, hiện tại đã chuyển công tác vào nam.

“Có thể nói, pháp luật là một môn học đầy trí tuệ. Vì mỗi người chúng ta, ai cũng đều có những mối quan hệ với cộng đồng mình đang sống là gia đình và xã hội. Và pháp luật quy định cách ứng xử thích hợp cho những mối quan hệ đó để định hướng cho hành vi của mình, sao cho mang lại lợi ích cao nhất cho cá nhân và cộng đồng. Đó chính là mục đích, và cũng là lợi ích của việc học pháp luật.” – Mở đầu bằng cách giới thiệu lợi ích khi học pháp luật như vậy, cô Hồng Yến đã khiến các em học sinh mở lòng chăm chú lắng nghe.

Cô Hồng Yến đã chia sẻ với các em học sinh 3 nội dung chính: Thứ nhất, ở độ tuổi như các em học sinh ở đây (từ lớp 6 đến lớp 11), thì các em có những quyền gì được quy định trên văn bản pháp luật cụ thể. Thứ hai, cô đưa ra từng tình huống để các em biết trong trường hợp nào quyền của các em bị xâm phạm. Thứ ba, các em có nghĩa vụ, bổn phận gì đối với xã hội theo quy định pháp luật.

Đối với quyền bí mật đời tư, cô giáo đưa ra tình huống: “Con trai cô có sử dụng facebook nhưng lại không muốn kết bạn với mẹ, vì em không thích cho mẹ biết mình phát ngôn, comment hay đăng hình ảnh gì của mình hay của các bạn mình. Thì ứng xử của em như vậy đối với mẹ có đúng với pháp luật hay không?” Một em học sinh đứng lên phát biểu rất sâu sắc: “Khi người con còn nhỏ, nhận thức còn hạn chế, trong khi cha mẹ lại có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, rất cần biết những điều đó để giúp con sửa chữa lỗi lầm kịp thời. Trong trường hợp này, con cái nên mở rộng lòng mình hơn để cha mẹ và con cái có thể hiểu nhau hơn ạ.”

dsc_0369

Cô giáo khen em dù còn nhỏ nhưng có góc nhìn rất tinh tế và cũng rất có hiếu. Cô phân tích: “Đối với quyền bí mật đời tư, thì pháp luật quy định đúng như vậy. Nhưng xét trên cuộc sống thực tế và trên khía cạnh đạo đức, thì phân tích như em lại rất đúng. Chính người con có hiểu biết và có hiếu như vậy, có khi sẽ định hướng ngược lại cho cha mẹ có cư xử đúng mực với mình, chứ không phải là chỉ là sự áp đặt, cưỡng chế một chiều từ cha mẹ. Khi đó, cha mẹ và con cái sẽ trở thành những người bạn thân thiết của nhau, cùng nhau chia sẻ được mọi khía cạnh của cuộc sống và cùng có một định hướng đúng đắn để cả gia đình yêu thương, gắn bó với nhau nhiều hơn.”

Còn đối với trách nhiệm bồi thường khi mình gây thiệt hại cho người khác, pháp luật quy định: Đối với trẻ em dưới 15 tuổi, khi gây ra những thiệt hại cho người khác như: đốt nhà, đánh bạn, giết người v.v… thì bị đơn trước tòa là cha mẹ. Cha mẹ sẽ phải dùng tiền của mình để bồi thường. Nhưng nếu người cha mẹ đó quá nghèo, không có tài sản, còn người con lại có tài sản từ thừa kế của ông bà, hay có tiền từ những cuộc biểu diễn văn nghệ của chính mình, thì phải dùng chính tiền đó để bồi thường. Còn đối với người trên 15 tuổi thì bị đơn trước tòa là chính mình. Nghĩa là trên 15 tuổi là các em phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi gây hại cho người khác. Cha mẹ chỉ bổ sung phần tiền bồi thường nếu còn thiếu. Và sau này, các em vẫn sẽ phải đi làm kiếm tiền để bù lại phần còn thiếu đó.

Tuy nhiên, đối với việc gây thiệt hại trong tình huống cấp thiết, thì không phải bồi thường. Ví dụ, có một anh đang vi vu trên một chiếc xe hơi mới anh vừa mua, trong lòng anh đang lâng lâng hưởng thụ cảm giác sung sướng đó, thì bỗng một cục đá ở đâu đã bay thẳng vào cửa kính xe anh. Anh bước xuống xe và thấy một đứa bé khoảng 10 tuổi đang đứng bên đường. Anh vô cùng giận dữ la mắng đứa bé. Đứa bé chỉ cúi đầu, lễ phép khoanh tay nói: “Cháu xin lỗi chú, cháu buộc phải làm thế vì chỉ bằng cách đó chú mới dừng xe lại để có thể giúp cho một bà lão bị lật xe lăn, đang nằm rên rỉ, đau đớn bên vệ đường kia. Cháu nhỏ quá nên không đủ sức để đỡ bà dậy ạ.” Thì trong tình huống này, so với thiệt hại của chiếc cửa kính xe hơi và tính mạng của bà lão, thì rõ ràng tính mạng con người quan trọng hơn, nên cậu bé sẽ không phải bồi thường. Mặc dù vậy, cô Kim Anh cũng nhắc nhở thêm rằng, trong cuộc sống thực tế mà các em gặp phải tình huống tương tự như vậy, thì các em hãy cố gắng tìm mọi cách để xử lý sao cho ít gây ra thiệt hại nhất. Chỉ bất đắc dĩ lắm, không còn cách nào khác, chúng ta mới phải gây ra thiệt hại cho người khác để bảo vệ một lợi ích lớn hơn.

dsc_0391

Cuối buổi học, hai cô giáo nhấn mạnh: “Tất cả những quy định của pháp luật đều hoàn toàn dựa trên nền tảng đạo đức. Nên dù các con chưa hiểu biết nhiều về pháp luật, các con cứ hành xử đúng theo những quy tắc đạo đức, thì những điều đó cũng luôn đúng với pháp luật và các con sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, an lành về sau. Hơn nữa, các con hãy cố gắng học tập thật tốt những điều mà quý Thầy Cô ở đây dạy dỗ. Và khi trở về các con sẽ là những nhân tố tốt để tiếp tục truyền đạt, lan rộng điều thiện này cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Cô thay mặt các con cám ơn Sư Phụ và chúc các con tinh tấn tu tập, hoàn thành khóa học với những kết quả tốt nhất!”

Đáp lại tấm lòng của hai cô, tất cả các em học sinh đã cùng nhau hát bài “Lòng biết ơn” –một sáng tác mới nhất của Sư Phụ dành riêng cho các em. Giai điệu êm dịu, ngọt ngào, tình cảm, cùng với những lời đạo lý thiêng liêng trong ca từ của bài hát đã như gắn chặt tâm hồn của tất cả mọi người vào với nhau, để cảm xúc như được dâng trào: “…Tình người trong tim ấm bay xa. Và Phật từ bi đưa lối con qua…”

Buổi học diễn ra gần hai tiếng đồng hồ, nhưng nhìn gương mặt của các em, ai cũng rất chăm chú, và giơ tay phát biểu rất sôi nổi. Những kiến thức về pháp luật mà cô Hồng Yến đưa ra vô cùng hữu ích vì quy định nào cũng gắn với một ví dụ sinh động từ thực tế cuộc sống rất gần gũi với các em. Các em được cô giáo cho phát biểu thoải mái để đưa ra từng quan điểm của mình đối với từng tình huống, sau đó cô phân tích chi tiết để các em hiểu rõ thêm. Nhiều em không chỉ đưa ra quan điểm của mình, mà còn biết tự phân tích rất sâu sắc như là những nhà luật sư tương lai. Giữa buổi, để tạo thêm sự hứng khởi, cô Hồng Yến mời một số bạn lên hát cho cả lớp nghe. Rất nhiều cánh tay giơ lên, nhưng vì thời gian có hạn, nên chỉ có ba tiết mục được trình diễn. Dù là vậy, cũng đủ thấy khóa hè năm nay cũng có rất nhiều tài năng nhí hứa hẹn sẽ tỏa sáng trong chương trình “The Voice Kid’s Phật Quang” sắp tới.

Ban truyền thông KHH 2017

Dưới đây là hình ảnh buổi học:

dsc_0360 dsc_0362 dsc_0364 dsc_0366 dsc_0368 dsc_0369 dsc_0370 dsc_0373 dsc_0379 dsc_0384 dsc_0385 dsc_0388 dsc_0391 dsc_0394 dsc_0401 dsc_0415

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất