Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTa tu thiền trong thuận cảnh và trong nghịch cảnh

Ta tu thiền trong thuận cảnh và trong nghịch cảnh

-

Sau khi được dỡ lệnh cấm hoạt động tập trung đông người tại thành phố Hồ Chí Minh sau gần hai tháng tạm ngưng vì phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại lần II tại một số địa phương. Vừa qua, sáng ngày 13/09/2020 (nhằm ngày 26/07/ năm Canh Tý), nhận lời mời của TT Thích Đồng Bổn, Phó Viện trường Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, TT Thích Chân Quang, Phó Ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN đã quang lâm hướng dẫn khóa tu Thiền và thuyết giảng đề tài TA TU THIỀN TRONG THUẬN CẢNH VÀ TRONG NGHỊCH CẢNH tại Giảng đường Chánh Trí thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam (Chùa Phật Học Xá Lợi), với sự tham dự của hơn 1.000 thiền sinh và đông đảo Phật tử trong và ngoài thành phố Hồ Chí Minh, cùng các tỉnh lân cận, trên tinh thần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa giảng giải: Tất cả chúng ta đều biết rằng mục đích của Thiền làm cho tâm thanh tịnh không còn vọng tưởng. Vì khi Đức Phật định nghĩa về các tầng bậc Thiền thì Ngài cũng dựa trên sức định của hành giả, tức Sơ Thiền thì mức định như thế nào?… Tứ Thiền thì mức định ra sao? đều là những nấc thang hướng về giải thoát. Tứ thiền là bốn mức nhập định từ cạn đến sâu do Phật phân định một cách chuẩn mực. Chính Phật cũng đi qua bốn mức nhập định này để chứng đạo.

Trong mức độ định đó thường thì ta cứ hiểu rằng khi không còn vọng tưởng tâm thanh tịnh là xong. Đó chỉ là bước rất cạn, chưa là gì cả. Vì vậy, khi Đức Phật đắc đạo rồi Ngài không muốn giảng Thiền vì cái chỗ giác ngộ của Ngài so với phàm phu khoảng cách quá xa. Tuy nhiên, cũng có những người đủ duyên phước có thể đắc đạo. Cho nên Đức Phật mới mạnh dạn giáo hóa, và nhiều vị đắc đạo.

Khoảng cách từ tâm phàm phu cho đến tâm chứng vĩ đại của một bậc Thánh là rất xa, chúng ta gần như không bao giờ với đến được. Nhưng nhờ có hai công đức sau mà ta có thể tiến đến vị trí Thánh: thứ nhất là lòng tôn kính đối với chư Phật, chư Bồ Tát, các vị A La Hán (kèm thêm hành vi lễ kính); thứ hai là lòng thương yêu chúng sinh cùng đời sống vị tha quên mình. Suốt đời chúng ta phải tích lũy hai yếu tố này cho thật tràn đầy, nâng cái phước đó lên, song song với quá trình tu tập trên con đường chính đạo mà Đức Phật đã chỉ dạy, chúng ta mới có thể đắc đạo.

Nếu lòng tôn kính của chúng ta đối với Đức Phật, những vị A La Hán đạt đến tuyệt đối thì đó là nhân để chứng A La Hán mà ban đầu là chứng Sơ quả. Nếu tâm từ bi, vị tha của chúng ta đối với chúng sinh là vô hạn thì chúng ta có thể chứng A La Hán. Ở đây, Thượng tọa muốn nhấn mạnh là tấm lòng của chúng ta, còn tiền và phước chúng ta đang có bao nhiêu thì là bấy nhiêu, nhưng quan trọng là tâm của mình, ví như sự thành kính, tôn kính của chúng ta đối với Phật được bao nhiêu phần. Đó là lý do Thượng tọa hay nhắc nhở các Phật tử khởi được tâm tôn kính Phật tuyệt đối là vậy. Mỗi khi lạy Phật chúng ta tác ý tôn kính Phật tuyệt đối thì tác ý đó chỉ là tác ý thôi chứ chưa thành tựu lòng tôn kính Phật tuyệt đối, nhưng nhờ có cái nhân đó sẽ có ngày chúng ta đắc đạo về sau.

Tương tự, mỗi ngày chúng ta nói nguyện lòng thương yêu chúng sinh vô hạn cũng chỉ tác ý thôi, lòng chúng ta còn khô lắm, nhưng cứ chân thành tác ý như vậy thì một ngày đó lòng từ bi của ta sẽ lớn dần lên, điều đó sẽ thành tựu.

Khi tâm chúng ta có hai tâm hạnh đó thì mọi ứng xử hành vi, thân nghiệp, khẩu nghiệp bắt đầu xoay chuyển theo hướng của lòng tôn kính Phật và lòng yêu thương chúng sinh. Ví dụ ta có 1 triệu đồng, định sẽ mua gì đó nhưng bất ngờ có người cần giúp đỡ hay chùa cần cúng dường, lúc đó ta sẵn sàng dùng tiền làm những việc công đức, không xài cho cá nhân mình nữa. Mặc dù số tiền ta đem đi giúp đỡ hay cúng dường rất ít, nhưng tấm lòng mình là vô hạn. Tấm lòng vô hạn đó chính là cái nhân quả để chúng ta đắc đạo sau này. Thế nhưng điều kiện để đắc đạo là tính cái công trên cái tấm lòng. Tấm lòng là chín nhưng tiền là mười, phải có vật chất cụ thể để chứng minh cho tấm lòng đó, chứ không thể nói miệng hay tác ý “tôi tôn kính Phật tuyệt đối; tôi yêu thương chúng sinh vô hạn” là đủ. Nhất thiết phải có hành động hay vật chất cụ thể gì đó để chứng minh cho tâm đó, dù không nhiều.

Để đi đến một bậc Thánh hoàn toàn không còn bản ngã, ta phải bước trên cả hai con đường: một là con đường tâm linh thiền định, hai là con đường hoàn cảnh cuộc sống (khi thì thuận cảnh, khi thì nghịch cảnh). Dĩ nhiên hai con đường này đều vô cùng gian nan, nhưng nếu không đi thì còn khổ hơn nữa vì giông bão cuộc đời, bao tội lỗi sẽ vây bủa cuốn ta vào trầm luân sinh tử đọa lạc, có khi ta đọa vào súc sinh không có cơ hội để trở lên.

Cái hay của hai con đường nghe nói là cực khổ, gian nan nhưng cũng có niềm vui. Mỗi bước đi tu tập trên con đường đó là mỗi một bước ta tạo thêm công đức, vì khi ta đi đúng con đường giác ngộ gồm một bên con đường tâm; một bên con đường cuộc sống thì tự nhiên sự xuất hiện của chúng ta đem lại lợi ích cho người chung quanh, bao giờ cũng đem lại cho người niềm vui vô hạn. Thế là phúc lành tự nhiên nảy nở, phát triển mãi. Chỉ sợ nếu tu sai sự xuất hiện của ta không đem lại lợi ích, niềm vui cho ai, thậm chí gây khó chịu, gây gánh nặng cho người chung quanh.

Trong bài giảng này, Thượng tọa xoáy sâu vào con đường hoàn cảnh cuộc sống, trên đó chúng ta sẽ gặp hai loại thử thách lớn là thuận cảnh và nghịch cảnh.

Thuận cảnh là mọi điều dễ chịu, chẳng hạn: tiền bạc sẵn có, mọi người chung quanh ủng hộ, thân thể không bệnh tật, muốn ngồi thiền thì có chỗ yên tĩnh, muốn lễ Phật thì có bàn thờ trang nghiêm, muốn làm phước thì có đủ phương tiện để giúp đời, giúp người… Còn nghịch cảnh thì làm ta khó chịu, bức xúc, ví như: ngồi thiền không có thời gian, muốn lễ Phật thì không có bàn thờ, mỗi lần lấy quyển kinh ra đọc thì có người đi ngang qua mắng ta đạo đức giả, muốn cúng dường không có tiền, muốn đi công quả lại phát bệnh, v.v…

Hoặc trên con đường tu hành đó ta bị đặt vào trách nhiệm vừa là luân lý, vừa là lương tâm, vừa là luật pháp không thể bỏ, đó là nghịch cảnh. Nghịch cảnh còn trớ trêu chồng thì ngộ đạo, vợ thì ngoại đạo; hoặc ngược lại vợ ngộ đạo, chồng thì chống đạo Phật, v.v..

Nghịch cảnh trên cuộc đời nói không biết bao nhiêu cho đủ. Thông thường thuận cảnh làm ta tự mãn giãi đãi và nghịch cảnh làm tâm ta loạn động không yên. Đó là hệ quả tự nhiên.

Lại nữa, chưa cần nói đến nghịch cảnh thì trên đời còn một núi trách nhiệm cho ta làm tròn, dù là xuất gia hay tại gia. Giữa hai quan điểm, một là gạt hết trách nhiệm để đừng bận tâm; hai là gánh vác nhiều hơn cả trách nhiệm đòi hỏi. Vậy chúng ta chọn sẽ sống theo quan điểm nào?

Đến đây, Thượng tọa khẳng định: người trốn tránh trách nhiệm tưởng là khỏe nhưng thật ra càng ngày càng bị ràng buộc với cuộc đời. Có những người đã gạt hết trách nhiệm nghĩ là để dồn sức tu hành, nào ngờ mình bị rơi vào tà kiến, tâm càng lúc càng động, phước thì hết dần, đời sống khốn đốn theo. Còn người nào mạnh dạn gánh vác trách nhiệm, làm gấp nhiều lần so với trách nhiệm đòi hỏi thì nghiệp quá khứ lại vơi đi, lòng họ thanh thản, đến lúc nào đó hoàn cảnh lại thuận lợi để họ yên tâm tu tập. Hãy nhớ rằng: tận tụy làm nhiều hơn trách nhiệm được giao – đó là chìa khóa để thoát khỏi trách nhiệm buộc ràng.

So với trách nhiệm thì nghịch cảnh đáng sợ hơn nhiều: bệnh tật, tai nạn, kẻ xấu hãm hại… khiến cho tâm ta động loạn như nước sôi sùng sục. Vậy làm cách nào để trong nghịch cảnh đau khổ nhất mà vẫn giữ được lòng thanh thản, vững vàng để tu hành?

Thượng tọa gợi ý một câu thần chú mỗi khi gặp nghịch cảnh: “Dù cho có phải chết, dù phải mất tất cả, dù đọa đày xin giữ được lòng tôn kính Phật tuyệt đối”, ta cứ tụng như vậy thì tâm sẽ yên. Chính nhờ câu thần chú hay tâm nguyện này mà ngay đó ta được thêm phước, nhờ cái phước này mới quay lại nhớ thân là vô thường; tâm là vô minh, chấp ngã, là tham sân si, nghiệp chướng ngập tràn.

Chúng ta đừng khờ dại né tránh nghịch cảnh vì nó chính là nghiệp của mình. Hãy mạnh dạn chấp nhận nó, gọi là “ôm lấy niềm đau”. Vậy mà tâm ta lại yên. Đó là khẳng định của Thượng tọa.

Thái độ của chúng ta với nghịch cảnh là vậy. Còn đối với thuận cảnh (tức muốn gì được nấy), làm sao trong thuận cảnh ta đừng phát sinh tâm lý chủ quan, giãi đãi? Câu trả lời là đừng hưởng phước một mình. Hãy tận dụng thuận cảnh của mình, cái phước của mình để tiếp tục giúp đỡ, chăm sóc, hỗ trợ, cúng dường… khắp nơi. Nhờ vậy mà ta không bị chủ quan, giãi đãi, hưởng thụ và còn tích lũy thêm công đức để đi vào tu tập tâm linh thiền định.

Tóm lại, sai lầm của chúng ta đối với nghịch cảnh là tránh né, với thuận cảnh là giãi đãi, với trách nhiệm là lẩn trốn. Vì vậy trước nghịch cảnh ta hãy đối diện ôm lấy niềm đau nỗi khổ, trước trách nhiệm ta hãy mạnh dạn gánh lấy và trước thuận cảnh ta hãy tận dụng nó để làm thêm những công đức mới, giúp mọi người được tu hành.

Qua bài Pháp thoại này chúng ta hiểu rằng ai cũng đều sẽ gặp phải khó khăn, gặp phải trắc trở trong sự tu hành cũng như trong đời sống. Đây gọi là một thử thách. Vậy phải làm gì khi đối diện với nghịch cảnh? Như lời Thượng tọa dạy: Chúng ta hãy luôn nhớ một câu thần chú “Dù cho có phải chết, dù phải mất tất cả, dù đọa đày xin giữ được lòng tôn kính Phật tuyệt đối”. Nhờ đó tâm ta có sức mạnh và có trí tuệ để tiến bước, để dừng lại sự hưởng thụ, để nhận lấy trách nhiệm nhiều hơn. Từ đó đời tu của mình an ổn hơn. Đó là ta đang xây dựng công đức lành cho cuộc đời mình ở kiếp này và nhiều kiếp về sau.

Với trí tuệ và lòng từ quảng đại, Thượng tọa đã gợi mở, dẫn dắt cho mọi người cảm nhận được mọi công đức, mọi điều thiện, không gì bằng tâm tôn kính Phật tuyệt đối trước. Vậy chúng ta hãy siêng năng lễ kính Phật, cầu Phật gia hộ để dựng lập đạo đức, để có cơ hội giúp người, làm việc từ thiện và tiến tu trên con đường tới giác ngộ tâm linh.

Ngoài ra, tuy không phải một bậc Thánh nhưng là người có lòng tôn kính Phật, chúng ta phải có trách nhiệm gây dựng lại thời Chánh Pháp để chúng sinh được lợi ích, Phật Pháp được trường tồn. Cuộc sống đặt lên vai ta rất nhiều trách nhiệm, nhưng gây dựng lại Chánh Pháp chính là trách nhiệm cao quý nhất, nên chúng ta phải nhận sứ mệnh, trách nhiệm này và làm sao để hoàn thành cho bằng được.

Với việc tryền bá chánh pháp, gieo trồng hạt giống Phật pháp đến khắp nơi, khi đạo lí được thấm nhuần trong từng hành động của mọi người thì xã hội sẽ dần tốt đẹp lên, đạo Phật cũng từ đó được lây lan rộng rãi. Đây cũng chính là thông điệp mà Thượng tọa muốn nhắn gửi đến người nghe thông qua bài Pháp thoại này.

Cảm ơn mối nhân duyên Thầy trò, Thượng tọa đã giúp chúng ta thêm nhiều động lực phấn đấu, thêm nhiều suy tư, chiêm nghiệm, khám phá, thêm nhiều hành trang cho cuộc sống và trên con đường giác ngộ./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa tu:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất