Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tam Bảo

-

Vừa qua, sáng ngày 14/6/2020 (nhằm ngày 23/4 nhuận Canh Tý), nhân khóa tu Thiền đầu tiên sau hơn 6 tháng tạm nghỉ vì giãn cách xã hội, tại chùa Từ Tân (số 90/153 Trường Chinh, P. 12, Q. Tân Bình, TP. HCM), TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng cho hơn 1.000 thiền sinh và hơn 1.500 Phật tử các nơi tựu về.

Năm nay, đến với các khóa tu tại chùa Từ Tân, Thượng tọa sẽ giảng loạt bài về Pháp số, bởi đạo Phật có những Giáo pháp gắn với những con số, ví dụ nói “tam” thì có: Tam Bảo, Tam Vô Lậu Học: Giới – Định – Tuệ; nói “nhị” thì là Phước Huệ song tu; hay Ngũ Căn Ngũ Lực; Lục Độ; Thất Giác Chi; Bát Chánh Đạo; Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng v.v.. Trong bài đầu tiên, Thượng tọa sẽ phân tích về số ba qua bài Pháp có tựa đề “TAM BẢO”, tức là ba ngôi báu cao quý: Phật – Pháp – Tăng.

Trong phạm vi đề tài này, ngoài việc đưa ra khái niệm, đặc điểm, tính chất, ý nghĩa, Thượng tọa còn trích dẫn thêm nhiều ví dụ để dẫn dắt cho các Phật tử hiểu một cách tường tận về TAM BẢO. Đây được coi như điểm khởi đầu của Phật tử khi bắt đầu theo giáo lý đạo Phật, hoặc những người đang mong muốn tìm hiểu về đạo Phật.

Đầu tiên là Phật Bảo. Phật là đấng giác ngộ, Phật còn có nghĩa là đấng giáo chủ – Người mở ra một tôn giáo mới trong loài người. Hay Phật còn có nghĩa là vô thượng không ai hơn; bằng thì được (nghĩa là ai thành Phật thì sẽ bằng Phật) nhưng không thể hơn, vì cái sự giác ngộ đến tuyệt đối, thấy được hết bản thể vũ trụ, bản ngã không còn, tuyệt đối vô ngã thì không ai hơn được nữa (tu có chứng đến tuyệt đối đó rồi thì hết). Do vậy, nếu nói có một đấng nào đó còn hơn Phật đó là điều nói dối, nói sai, rất nguy hiểm, gây tà kiến cho chúng sinh.

Cái ý niệm của một đấng giác ngộ, một đấng giáo chủ, một đấng vô thượng thì gồm một số tính chất như sau:

– Thứ nhất là giải thoát. Đây là tính chất căn bản trong mục tiêu tu hành của đạo Phật. Một bậc Thánh trong đạo Phật tính chất căn bản phải là giải thoát.

Giải thoát nghĩa là gì? Giải thoát, cơ bản là giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Còn nếu nói bên trong nội tâm là giải thoát khỏi những phiền não tham – sân – si của mình; giải thoát khỏi chấp ngã, vô minh của chính mình và cuối cùng là giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tính chất này rất khó hiểu. Khi đến với đạo Phật ta thường nghe chữ giải thoát, nhưng để hiểu thực sự giải thoát là gì thì không dễ tí nào. Và cũng rất ít người hiểu được việc khó thoát khỏi luân hồi sinh tử là gì. Còn như khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của giải thoát rồi ta mới thấy sự vĩ đại của những bậc giải thoát là không thể nghĩ bàn.

Thật sự sức mạnh của luân hồi rất đáng sợ, cứ cuốn chúng sinh phải đầu thai tái sinh mãi không dừng lại được. Và một bậc chứng được đạo quả A La Hán thì nhìn lại vô lượng kiếp của mình cũng như của tất cả chúng sinh, ngay đó thấy luân hồi vô cùng ngang trái, quá nhiều lỗi lầm, quá nhiều đau thương, vui đó, khổ đó. Nhân đây, Thượng tọa đưa ra nhiều ví vụ để chứng minh sức mạnh của luân hồi là cực kỳ khủng khiếp.

Nên người mà tu hành đủ sức mạnh để thoát ra khỏi luân hồi sinh tử, tự tại với luân hồi sinh tử, không còn bị sức mạnh của sinh tử kéo mình để nhập thai là một điều vô cùng vĩ đại. Có những người tu hành rất tốt sinh lên cõi trời mấy trăm năm, mấy ngàn năm, hết phước vẫn rớt xuống lại. Thậm chí có những người chứng vào cõi trời Vô Sắc Giới (ly sắc thân) không còn thân chỉ còn tâm, vô hình vô tướng giống như đã giải thoát, ở trong cõi đó một triệu năm, rồi động niệm rớt lại (vào thai mẹ trở lại liền).

Nhìn lại, có nhiều tôn giáo nói mênh mông, mà nếu không có mục tiêu giải thoát cũng sẽ không bao giờ chạm đến được ý nghĩa giải thoát này. Cho nên những vị tu hành đến mức độ đủ sức mạnh để thoát ra khỏi luân hồi sinh tử, không còn bị luân hồi kéo lại phải nhập thai nữa, đó là những vị vô cùng vĩ đại.

Tính chất thứ hai của một bậc giác ngộ là giác ngộ. Giác ngộ là gì? Là sáng suốt, là hiểu ra. Sự giác ngộ này không giống như ta hiểu một bài tập, hay hiểu ra vấn đề nào đó. Cái “hiểu ra” của ta không làm tâm hồn thay đổi gì cả, chỉ biết thêm một chuyện gì đó thôi. Còn cái “hiểu ra” của giác ngộ thì làm tâm sáng ra, thay đổi hoàn toàn hệ thống cấu trúc tâm thức, những lỗi lầm, mọi kiết sử, vô minh, phiền não đều tan vỡ hết, trống rỗng, bừng sáng. Nói về trạng thái giác ngộ này, ai nghe mà có cảm nhận, chấp nhận được thì người đó rất có thiện căn.

Một tính chất nữa là trí tuệ. Trí tuệ tức là biết hết. Trí tuệ đến mức tuyệt đối, không điều gì chẳng biết. Từ những điều nhỏ nhất cho đến những điều lớn nhất, biết được những điều khó nhất, biết cả pháp giới mênh mông này, từ tâm niệm sâu xa của chúng sinh cho đến sự vận hành của xã hội, của đời sống, của kinh tế, chiến tranh, biết từng nghiệp thức, nghiệp quả của chúng sinh,… Và biết được chân lý cao siêu nhất là Tứ Diệu Đế.

Tính chất tiếp theo là từ bi tuyệt đối (là thương tất cả chúng sinh). Lòng đại bi này thì bao la nhưng thanh tịnh và nghiêm trang, không một chút cảm tính còn lại.

Công đức của Đức Phật cũng là vô hạn, bởi suốt vô lượng kiếp sự hy sinh, lợi lạc mà Ngài mang đến cho chúng sinh trong thế giới, trong luân hồi sinh tử này là mênh mông vô hạn, không tính kể được.

Uy nghi, đức hạnh là tuyệt đối hoàn hảo, không một điểm sơ hở nhỏ. Ngài đứng hay ngồi, yên lặng hay nói năng đều là bức tranh tuyệt mỹ. Đức Phật là một Người mang tấm thân vật lý bình thường, là một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng cũng là một bậc Thánh siêu việt, tuyệt đối, vô biên. Tuy nhiên, Đức Phật có một điều khác với các khái niệm thần linh khác là Ngài không có chủ trương dùng thần lực của mình để thay đổi số phận của chúng sinh. Ngài chỉ dạy bảo hướng dẫn thôi. Ta nương theo lời dạy của Phật mà điều chỉnh cái nghiệp của mình (ứng dụng Luật Nhân Quả), ngay đó, số phận của ta được thay đổi. Giá trị này có tính khoa học, tính chính xác rất cao.

Thứ hai là Pháp Bảo. Pháp là lời dạy của Phật, cũng có nghĩa là chân lý. Từ nơi sự giác ngộ cao siêu của Đức Phật đã hiện ra thành vô lượng bài giáo pháp cho chúng ta tu học. Đây là chân lý muôn đời của nhân loại. Lời dạy này không phải là điều Phật suy tư nghĩ ngợi ra, mà do Ngài đã thực chứng, đã thấy bằng trí tuệ. Giáo pháp Đức Phật để lại thì rất bao la như: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Luật Nhân Quả,… Cả một tạng Kinh quý giá làm xúc động sâu xa, mang lại lợi ích vô biên cho chúng sinh.

Dịp này, Thượng tọa nhắc nhở: “Tuy ta tôn kính Pháp nhưng hãy cẩn thận với những điều được người đời sau đã thêm thắt, biến đổi nhưng lại gán là lời dạy của Phật”. Dễ dàng tin theo những điều này có thể sẽ khiến ta lạc lối, đi lệch ra khỏi đạo Phật.

Ngôi báu thứ ba là Tăng Bảo. Tăng là đệ tử của Phật, là những người kế thừa chân chính, xuất sắc của Phật thì mới gọi là một ngôi báu trong ba ngôi báu. Tăng Bảo dùng để gọi những vị Thánh Tăng A La Hán. Phải là Thánh Tăng, có chứng ngộ, có quả vị thì mới được xếp vào Tăng Bảo (thấp nhất là quả Tu Đà Hoàn, hoàn hảo nhất cũng phải là A La Hán). Và cũng không phải một vị, mà phải nhiều vị A La Hán thì mới được xếp vào hàng Tăng Bảo. Còn những vị xuất gia tu hành chưa chứng quả thì được gọi là Tỳ kheo, là Tăng, chứ chưa được xếp vào Tăng Bảo.

Cho nên chúng ta tôn kính Tam Bảo là kính: Phật, Pháp và các bậc Thánh Tăng. Và trách nhiệm của một bậc Thánh Tăng là bằng đạo hạnh của mình giữ lại niềm tin cho chúng sinh, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh. Thứ hai là phân tích lý giải lời Phật dạy cho đúng với ý Phật nhất. Không nhất thiết phải dùng ngôn ngữ cổ thư, có thể dùng ngôn ngữ của thời đại, những phương tiện của thời đại này, tuy nhiên chỉ với mục tiêu duy nhất là lèo lái, dìu dắt chúng sinh về với những điều Đức Phật đã truyền dạy. Thứ ba là giữ gìn và vinh danh hình ảnh của Đức Phật cho chúng sinh muôn đời tôn kính Phật.

Tóm lại, bài Pháp thoại này Thượng tọa nói về Pháp số: Phật – Pháp – Tăng một cách thu gọn lại. Nói là thu gọn, nhưng với mỗi một ngôi báu, Thượng tọa đã giảng giải phân tích rất chi tiết, chẻ nhỏ vấn đề đi kèm với nhiều ví dụ cụ thể, giúp người nghe thấy được giá trị cao quý của Tam Bảo, để các Phật tử có thái độ ứng xử phù hợp, đúng đắn với những điều quý giá ấy. Đồng thời, tránh hiểu nhầm, dẫn đến việc tu hành lệch lạc, thậm chí rời bỏ đạo Phật.

Ngoài ra, với lối biện giải để khẳng định, hoặc phát hiện để soi rọi, hoặc khơi gợi để đặt vấn đề… Thượng tọa đã giúp cho Phật tử các giới, nhìn rõ, hiểu sâu hơn về vai trò của ba ngôi báu (Tam Bảo). Từ việc hiểu được những điều căn bản này, các Phật tử mới có thể hiểu những điều cao siêu hơn, sâu sắc hơn mà Đức Phật truyền lại qua kho tạng kinh điển.

Điều đáng suy ngẫm là vai trò quan trọng của Tăng Bảo trong thời đại mới. Chính tấm gương sống động của những người sống thúc liễm, sống giới hạnh, sống đạo đức đó đã cho chúng sinh niềm tin, đáng cho họ nương tựa và cho họ sức mạnh để đi tới tinh tấn tu hành mà hoàn thiện bản thân, tìm thấy chân lý và có khi họ chứng được Thánh quả. Đây chính là nghĩa vụ của hàng Tăng Bảo, kế tục sự nghiệp của Phật để tuyên dương Chánh pháp, là Bậc mô phạm cho đời.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất