Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngChúng Thanh niên Phật QuangTiến sĩ vật lý Nguyễn Đông Hải chia sẻ kinh nghiệm học...

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Đông Hải chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh

-

Ngày 16/12/2018 vừa qua, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Đông Hải đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm học Tiếng Anh hết sức bổ ích và thú vị tại Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu). Chương trình đã diễn ra với sự tham dự của gần 200 thanh niên và sinh viên.

Buổi giao lưu còn có sự tham dự và chứng minh của các Quý Thầy tại Thiền Tôn Phật Quang.

Trong buổi giao lưu lần này, TS. Nguyễn Đông Hải đã chia sẻ một cách chi tiết về những kinh nghiệm, cách thức học tiếng anh vô cùng quý báu và giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên một cách rất nhiệt tình.

Đầu tiên, Tiến sĩ so sánh việc học tiếng anh cũng giống như xây một ngôi nhà. Muốn xây một ngôi nhà chúng ta cần có gạch và trong việc học tiếng Anh thì từ vựng chính là những viên gạch. Bộ não có cơ chế đào thải những dữ liệu không sử dụng đến, nên việc học từ vựng phải đi đôi với việc thực hành, nếu chỉ học và để yên đó không dùng đến thì sẽ không có kết quả. Khi học một từ vựng thì cần kết hợp đủ 3 yếu tố: nghĩa của từ, cách phát âm và ngữ cảnh được sử dụng. Ví dụ: cùng một cách viết là “record” nhưng nghĩa sẽ khác nhau khi phát âm khác nhau. Hoặc có nhiều từ cùng nghĩa nhưng được sử dụng trong ngữ cảnh khác nhau, ví dụ: tell, speak, say.

Một điều cần lưu ý nữa là chúng ta cần học hết từ loại của từ đó. Ví dụ: attract là động từ, danh từ là attraction, tính từ là attractive.

Thứ hai là học ngữ pháp. Trong việc xây nhà, những viên gạch cần được kết dính lại với nhau theo một nguyên tắc nhất định để tạo thành bức tường vững chắc. Trong học tiếng Anh, ngữ pháp chính là nguyên tác sắp xếp từ vựng với nhau thành câu hoàn chỉnh và có nghĩa.

Việc học ngữ pháp hiện đang có 2 cực đoan. Thứ nhất là việc học quá nhiều ngữ pháp mà không thực hành nói, khiến chúng ta sinh ra tâm lý e dè, ngại nói vì mãi bận tâm suy nghĩ ngữ pháp cho đúng. Thứ hai thì ngược lại, chủ trương không cần học ngữ pháp, cứ đi giao tiếp với khách nước ngoài, nghĩ gì thì nói đó, lâu dần chúng ta chỉ giỏi tiếng bồi, nói không đúng ngữ pháp, sẽ thành thói quen rất khó sửa.

Tiến sĩ chia sẻ rằng, tiếng Anh có 18 thì, nhưng chỉ một nửa số đó được sử dụng thường xuyên, chúng ta chỉ cần học 9 thì cơ bản đã dùng trong giao tiếp hằng ngày. Một điều hết sức thú vị và bất ngờ đó là muốn giỏi ngữ pháp tiếng Anh thì chúng ta phải giỏi ngữ pháp tiếng Việt trước.

Về việc thực hành nói, bổ sung thêm phần chia sẻ ở chùa Xá Lợi lần trước, Tiến sĩ nhấn mạnh rằng việc chuyển từ viết sang nói là một bước rất cao, nên chúng ta cần một bước trung gian đó là đọc lên thành tiếng những câu mình vừa viết hoặc văn bản nào đó và phải đảm bảo là phát âm chuẩn xác từng từ.

Tiến sĩ đưa ra 4 bước cần thực hành: nghĩ ra một ý gì đó; viết ý đó ra bằng tiếng anh; kiểm tra lại ngữ pháp có đúng hay không; đọc câu đó thành tiếng chú ý là phát âm chậm, đúng từng chữ và đặc biệt là không được quên âm cuối.

Về kỹ năng viết, Tiến sĩ khuyên chúng ta nên tập viết nhật ký bằng tiếng Anh mỗi ngày, vừa dễ viết vừa mang lại hiệu quả thông qua việc ôn tập từ vựng và ngữ pháp.

Kỹ năng nghe là kỹ năng yếu thứ hai sau kĩ năng nói của đa số người Việt, lý do của việc này là do chúng ta phát âm sai nên dẫn đến việc không nghe được. Chúng ta cần rèn luyện kĩ năng nghe bằng những bản tin tiếng anh phát âm chuẩn và tương đối chậm thông qua các kênh như: VOA English, Rachels English. Không nên học qua các bài hát tiếng anh nhiều vì ngữ pháp trong các bài hát đôi khi chưa được chuẩn xác, vì nó phải biến tấu câu từ cho phù hợp với giai điệu bài hát.

Chúng ta cũng nghe nói đến phương pháp tắm ngôn ngữ – “English shower”, nghĩa là cứ mở tiếng anh lên và nghe mọi lúc mọi nơi và không cần hiểu đoạn tiếng Anh đó. Theo Tiến sĩ phương pháp này sẽ không mang đến kết quả như chúng ta mong muốn. Vì điều gì dễ dàng thì sẽ đưa đến kết quả nhỏ, chỉ có sự rèn luyện siêng năng và chấp nhận khó khăn thì mới có kết quả tốt được. Tiến sĩ gửi gắm một thông điệp vô cùng ý nghĩa là “Chúng ta đừng lãng phí tuổi trẻ để tìm kiếm sự dễ dàng” vì tuổi trẻ là để cống hiến, phụng sự, dũng cảm chấp nhận khó khan, vươn lên tìm kiếm những điều cao thượng trong cuộc sống.

Vậy trong 4 kỹ năng này thì nên học kỹ năng nào trước? Rất nhiều câu trả lời được đưa ra, và Tiến sĩ đúc kết lại rằng chúng ta nên học song song 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, vì chúng sẽ bổ trợ cho nhau để giúp chúng ta hoàn thiện quá trình học tiếng Anh của mình. Một điều quan trọng là mỗi ngày chúng ta phải dành ra từ 1-2 tiếng đồng hồ để học và thực hành tiếng Anh thì mới đạt được kết quả như mong muốn.

Sau phần giải đáp những thắc mắc trong việc học tiếng anh, các bạn thanh niên, sinh viên đã có được một trải nghiệm “du học thực tế” hết sức thú vị qua một bài giảng Vật lý bằng tiếng anh của Tiến sĩ. Thông qua bài giảng, Tiến sĩ đã nhắn gửi một điều đạo lý ý nghĩa đến các bạn thanh niên: “Vạn vật trong vũ trụ luôn muốn di chuyển đến nơi có năng lượng thấp nhất, hay luôn đi về trạng thái không còn gì, điều này thật đúng với mục tiêu tu hành vô ngã (không còn cái ta) của Đạo Phật.”

Đại diện Thiền Tôn Phật Quang, Đại Đức Thích Khải Tạng cũng đã có đôi lời chia sẻ đến các bạn thanh niên và sinh viên. Đại Đức đã đặt ra hai câu hỏi cho các bạn thanh niên, sinh viên: Những gì mình đang có từ đâu mà đến? Những mong ước trong tương lai, công việc, những điều kiện vật chất thì từ đâu mà đến?

Bằng câu chuyện minh họa mang tính thực tế, Đại Đức đã chỉ ra rằng trong lương tri của cả nhân loại đều trân trọng, tôn thờ lao động. Tất cả những điều chúng ta đang có cũng nhờ vào sự lao động vất vả, cực nhọc của những kiếp xưa, kiếp này mà đến. Và những điều ở tương lai sẽ đến với chúng ta cũng do lao động tạo ra.

Đại Đức cũng chỉ ra rằng, đa số chúng ta bị đặt vào trách nhiệm cần phải lao động, thật ra bản chất sâu thẳm của mình vẫn chưa yêu thích lao động. Những trở ngại trong việc học tiếng Anh vừa nêu ở trên như chưa tìm thấy động lực, chưa kiên trì học tập… nguyên nhân sâu xa đều là do tâm lý chưa yêu quý lao động. Đại Đức khuyên mỗi người cần rèn luyện tình yêu lao động, làm cho ý nghĩ đó thẩm thấu vào mình, trở thành bản chất của con người mình, thể hiện trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động thì thành công mới đến được. Đại Đức nhấn mạnh “Lao động là cái gốc của mọi vấn đề”.

Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải cũng có đôi lời nhắn nhủ đến các bạn thanh niên, sinh viên rằng việc học tiếng Anh ngoài mục đích là hội nhập với thế giới, có được nhiều cơ hội việc làm hơn thì với bổn phận là một người Phật tử, chúng ta cần đặt mục tiêu cao hơn nữa, đó là mang những điều đạo lý tốt đẹp mà chúng ta được tiếp nhận lan truyền ra thế giới.

Kết thúc buổi giao lưu, đại điện quý Thầy đã gửi tặng đến Tiến sĩ món quà tri ân và lời cảm ơn sâu sắc đến Tiến sĩ.

Buổi giao lưu đã khép lại, nhưng những điều mà chúng con học được sẽ theo chúng con mãi. Chúng con càng hiểu thêm rằng nếu giỏi tiếng Anh thì chúng con sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp thu những kiến thức quý báu của nhân loại, làm việc tốt hơn và có cơ hội đóng góp cho cuộc đời nhiều hơn. Ngoài ra, nếu thông thạo tiếng Anh, chúng con còn có cơ hội lan truyền được Chánh Pháp cho bạn bè quốc tế như lời Sư Phụ đã chỉ dạy.

Tổ truyền thông CTN Tp.HCM

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi chia sẻ:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất