Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễTổng kết Đại Lễ Phật Đản PL.2567 - DL.2023 tại Thiền Tôn...

Tổng kết Đại Lễ Phật Đản PL.2567 – DL.2023 tại Thiền Tôn Phật Quang

-

Hòa chung trong niềm hân hoan của mọi người con Phật trên toàn thế giới và khắp mọi miền đất nước đón mừng ngày Đản sanh của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, từ ngày 14 – 15/04/năm Quý Mão (nhằm ngày 01 – 02/06/2023), tại Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, ấp Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT) đã long trọng cử hành đại lễ Phật đản PL.2567 – DL.2023, với sự tham dự của Chư Tăng, Ni tại Bổn tự, cũng như Chư tôn đức Tăng, Ni các Tự viện trong, ngoài tỉnh và trên 55.000 Phật tử, khách thập phương, các văn sĩ, nghệ sĩ, các giới trí thức thuộc các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra còn hơn 4.000 sinh viên, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang và khoảng 2.000 Phật tử thuộc hệ thống Đạo tràng Phật Quang cùng tham gia công quả phục vụ cho đại lễ.

 Theo đó, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Đức Phật đản sanh, tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra xuyên suốt trong ngày nhiều hoạt động tâm linh – văn hóa như: Tụng nhiều bài kinh ý nghĩa với 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt, lễ Phật, tọa thiền, tổ chức lễ quy y, thuyết Pháp, giao lưu với tấm gương đạo đức trong cộng đồng, văn nghệ, v.v…Thông qua những chương trình này, các Phật tử có cơ hội chiêm nghiệm sự ra đời hi hữu của một vị Phật toàn giác – bậc Thầy của Trời Người, được tinh tấn tu học, được mở mang kiến thức xã hội, được tu dưỡng đạo đức và trưởng dưỡng đạo tâm.

Từ sáng ngày 13 -14/04 (AL), dòng người từ các huyện, thị, thành đã tụ hội về mái nhà chung để lễ Phật, cầu nguyện tạo nên bầu không khí Lễ hội thật trang nghiêm, ấm cúng. Hẳn là đời sống văn hóa, sinh hoạt tâm linh, sự thân thiện tại một ngôi chùa đã mang lại niềm phấn khởi, tươi vui cho tất cả mọi người về dự Lễ.

Đúng 8h00” sáng, ngày 14/04 âm lịch (nhằm ngày 01/06/2023), Thiền Tôn Phật Quang vinh dự đón tiếp đoàn Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn – Giám mục Giáo phận thành phố Bà Rịa; Cha Giuse Đặng Cao Trí – Quản hạt thành phố Bà Rịa; Cha Giuse Võ Công Tiến – Tổng đại diện Giáo phận thành phố Bà Rịa; cùng Cha Xứ ở Tòa Giám mục thành phố Bà Rịa đến thăm và chúc mừng Đại lễ Phật Đản năm 2023.

Tiếp đoàn tại nhà khách Thiền Tôn Phật Quang có: TT. TS. Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang; cùng Chư tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản Viện.

Ngoài ra còn có Ban Điều hành Tổng Đạo Tràng, đại diện các Ban Điều hành Đạo tràng và các Thủ lĩnh Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang khu vực Bắc – Trung – Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, trong niềm hân hoan của ngày Đại lễ Phật đản, Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn – Giám mục Giáo phận thành phố Bà Rịa đã thay mặt phái đoàn gửi lời chúc đến TT. TS. Thích Chân Quang cùng Chư tôn đức Tăng Ni trong Tự viện nói riêng, và cộng đồng tín đồ Phật tử nói chung lời chúc an lành nhân mùa Phật đản Phật lịch 2567.

Dịp này, Giám mục Giáo phận Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đã bày tỏ, chia sẻ niềm vui đặc biệt khi được gặp hàng vạn Phật tử đang có mặt tại nơi đây để chuẩn bị cử hành một sự kiện vô cùng quan trọng, không chỉ về mặt lịch sử mà cả trong phương diện tâm linh của toàn thể nhân loại, khi Đức Phật đến với trần gian để đem lại cho chúng sinh sự cứu độ. Ngài Giám mục rất xúc động trước hàng vạn người trong không khí trang nghiêm nhưng đầy hân hoan của ngày diễn ra Đại lễ tại Thiền Tôn Phật Quang.

Ngài Giám mục chia sẻ: Đức Phật xuất hiện giữa thế gian đã mang đến thông điệp về sự giải thoát. Và Ngài có những người đệ tử nguyện từ bỏ các cuộc vui trần tục, sống đời độc thân, dâng hiến cho lý tưởng yêu thương, phụng sự cho Giáo hội, cho chúng sinh… Các Thầy cùng nhau kề vai sát cánh, gìn giữ đạo Pháp một cách chu đáo. Nhờ đó, thông điệp cứu độ của Đức Phật sau hàng nghìn năm vẫn được lưu giữ, truyền lại một cách đầy đủ, trọn vẹn.

Nhìn vào hàng hậu học của Đức Phật, nhất là nhìn vào các lớp trẻ đang có mặt tại chùa Phật Quang, chúng tôi cảm nhận rõ một thông điệp rằng con người luôn không ngừng hướng về các giá trị chân – thiện – mỹ. Từ lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử,… của mọi người chắc chắn đã được thực hành từ lời dạy của Đức Phật. Đây chính là những nét đẹp, những giá trị mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm.

Chúng tôi khẳng định: vị Giáo chủ, giáo lý, phương pháp tu hành của Phật giáo và Thiên Chúa giáo khác nhau nhưng cuối cùng đều hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Hiện tại, những giá trị này đã và đang được thể hiện ở ngay khán đài này. Tôi thật sự chúc mừng và mong chùa Phật Quang sẽ mãi giữ được các giá trị này. Một là để lan truyền đạo lý Phật dạy; hai là làm lợi cho đời, cho đất nước.

Đáp lời, TT. TS. Thích Chân Quang cám ơn sự viếng thăm và chúc mừng của Giám mục Giáo phận Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn nhân dịp Đại lễ Phật đản PL.2567. Người rất vui được đón tiếp phái đoàn; đồng thời, khẳng định đây là món quà ý nghĩa đối với Bổn tự và đông đảo bà con Phật tử đang hiện diện tại đây.

Thượng toạ xúc động bày tỏ: Hôm nay Đại lễ Phật đản lại trở về với những người con Phật trên khắp năm châu cũng như quê hương Việt Nam. Các Cha đến viếng Thiền Tôn Phật Quang đã mang đến đây hai thông điệp lớn lao cho toàn thể Hội chúng:

– Thông điệp thứ nhất là tình tự dân tộc, cho thấy dù bất cứ tôn giáo nào chúng ta cùng là người Việt Nam nên ta phải thương yêu nhau, vượt qua mọi ranh giới khác biệt Tôn giáo.

– Thông điệp thứ hai là tâm linh, dù chúng ta đi những con đường khác nhau, có những xuất phát điểm khác nhau nhưng cuối cùng vẫn tìm thấy nhau ở một chân lý chung mà Giám mục Giáo phận Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đã gọi một cách khiêm tốn là chân – thiện – mỹ. Lác đác trong các bài giảng của Thượng tọa cũng nói về Chúa thể hiện hai thông điệp đó.

Nhân ngày Khánh đản của Đức Phật Thích Ca, thay mặt cho Tăng Ni và Phật tử Thiền Tôn Phật Quang, Thượng tọa xin cảm niệm công đức các Cha. Xin chúc các Cha được nhiều sức khỏe, luôn an lành, hạnh phúc, tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa và mang lời Chúa, mang tình yêu của Chúa đến cho muôn dân.

Tại khán đài, Giám mục Giáo phận Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đã gặp gỡ và giao lưu với các Phật tử nhằm thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa con người với nhau. Thật vậy, trong lần thăm viếng này, mọi người đã tìm thấy sự hòa hợp trong mục tiêu hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Chính lòng từ bi của Phật giáo và lòng nhân ái của Công giáo đã đóng góp nhiều cho nhân loại để con người được hạnh phúc hơn.

Trong niềm hân hoan của mùa Đại lễ Phật đản, Giám mục Nguyễn Hồng Sơn thay mặt đoàn đã trao tặng lẵng hoa, gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Thiền Tôn Phật Quang. Và TT. TS. Thích Chân Quang cũng gửi tặng quà cho phái đoàn và những lời chúc tốt đẹp nhất đến các vị Giám mục, Linh mục trong đoàn.  

Trong phần giao lưu, Thầy Thích Pháp Diễn đã hát tặng cho đoàn ca khúc THẾ GIỚI NHỎ BÉ do TT. TS. Thích Chân Quang sáng tác. Và Cha Giuse Đặng Cao Trí – Quản hạt thành phố Bà Rịa cũng hát tặng cho các Phật tử bài Thánh ca nói lên cái mẫu số chung của hai tôn giáo đó là: Đã làm người chúng ta sống phục vụ.

“Đã làm người,

Mỗi người đều có một lần sinh ra, một lần chết đi nên đừng uổng phí…

Xin, xin cho đời tôi đừng sống hững hờ, làm ngơ giả điếc

Nhưng xin cho cuộc đời mở rộng đôi tay để biết cho đi…

 

Buổi giao lưu của hai bên, ngoài chất giọng hát rất hay còn đem đến cho mọi người thông điệp về lẽ phải, về đạo lý, về tình yêu thương, về lý tưởng phụng sự thật là tuyệt vời. Đây còn là dịp để tạo nên sự cảm thông sâu sắc, thắt chặt mối thâm giao giữa hai tôn giáo. 

 Trước đó, nhân dịp Đại lễ Phật đản PL.2567, các cơ quan, Ban ngành, Đoàn thể, các cấp chính quyền trong và ngoài tỉnh, tôn giáo bạn đã dành thời gian quý báu đến thăm hỏi, chúc mừng, gửi những lẵng hoa tươi thắm và tham dự Đại lễ Phật Đản 2023: Thứ trưởng Bộ Nội vụ – Vũ Chiến Thắng; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh BR-VT; Ban Dân Vận Tỉnh Ủy BRVT; Sở Nội vụ Ban Tôn giáo tỉnh BR-VT; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh BR-VT; Phòng PA02, Công an tỉnh BR-VT; Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh BR-VT; Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN Thị xã Phú Mỹ; Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP. Bà Rịa; UBND huyện Châu Đức; Công an huyện Đất Đỏ, tỉnh BR-VT; Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, xã Tân Hải; phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa; Phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu; Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực; Phòng PA02, Công an TP. HCM; Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La; Ban giám đốc bệnh viện Quân Y 175, TP. HCM; Trạm Y tế xã Tân Hải; Đoàn cán bộ, giáo viên trường THCS Long Toàn; THCS Nguyễn Trãi; Trường Tiểu học Kim Dinh; THCS Trần Đại Nghĩa; Đại võ sư Quốc tế Lê Kim Hòa – Phó chủ tịch liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch liên đoàn võ cổ truyền TP.HCM, Chưởng môn phái Thanh Long võ đạo, Vietcombank Sài Gòn.

Tiếp theo, đúng 9h00” sáng, ngày 14/04 (AL), tại Chánh điện, Khóa lễ tụng kinh cầu an diễn ra thật trang nghiêm với sự tham dự của hàng vạn Phật tử. Từng lời kinh sâu lắng, với giai điệu nhạc hiện đại, tràn đầy cảm xúc, ngôn ngữ thuần Việt, dễ hiểu. Bài kinh “Bát chánh đạo” và “Sám hối” cất lên vang vọng giữa núi rừng, ai tụng cũng xúc động vì hiểu được ý nghĩa để áp dụng thực hành. Từ đó các Phật tử ngày càng vững tin nơi con đường tu tập giải thoát của Phật giáo.

Tiếp nối chương trình là Khoá lễ cúng thí thực diễn ra vào lúc 10h00 tại nhà linh. Mọi người đã thành tâm tụng những lời kinh tràn đầy ý nghĩa hướng về cõi giới siêu hình để nguyện cầu cho tất cả chư hương linh biết kính tin Tam Bảo, làm lành lánh dữ, sớm siêu thoát về cõi lành, đời đời nương tựa với Chánh Pháp.

Sau đó, vào lúc 12h00’: Chư Tăng Thiền Tôn Phật Quang thay mặt Thượng tọa Trụ trì truyền Tam quy Ngũ giới và 9 điều nguyện cho gần 300 thiện nam tín nữ phát tâm Quy y Tam bảo chính thức trở thành Phật tử.

Tiếp đến, 14h00” cùng ngày, theo thông lệ, cứ mỗi đại Lễ của Phật giáo, Thượng tọa Trụ trì đều tổ chức buổi giao lưu với những nhân vật có đời sống mẫu mực, tận tụy, cống hiến để các Phật tử được mở rộng tầm nhìn trong mọi lĩnh vực và có tấm gương sáng cho mọi người soi rọi, học tập noi theo, đặc biệt là giới trẻ –những công dân trụ cột của đất nước sau này.

Mùa Phật đản năm nay, nhân vật khách mời giao lưu là Tiến sĩ Bùi Hữu Dược – Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính Phủ đã diễn ra với sự dẫn dắt của MC Anh Quân.

Buổi giao lưu có sự tham dự của: TT. TS. Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang; quý Ni sư, Chư tôn đức Tăng Ni tại Bổn tự.

Ngoài ra còn có đại diện Tổng Đạo Tràng Thiền Tôn Phật Quang; Ban Điều Hành các Đạo tràng Phật Quang; Thủ lĩnh các Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền. Đặc biệt có hơn 26.000 Phật tử đồng tham dự.

Được biết, trong suốt nhiều năm với vai trò là Vụ trưởng Vụ Phật giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ, Tiến sĩ Bùi Hữu Dược đã có nhiều đóng góp to lớn cho các hoạt động của Phật giáo trên khắp cả nước. Hơn 20 năm gắn bó với Đạo Phật, Ông đã có nhiều bài thuyết trình về đề tài Phật Giáo; về mối liên hệ son sắt, không thể tách rời giữa giáo lý đạo Phật và truyền thống văn hóa dân tộc…

Với những công lao đóng góp đối với đất nước và Phật giáo, Ông thực sự là một tấm gương sáng về phụng sự không ngơi nghỉ, là sự kết nối giữa đạo và đời, giữa nhà nước với tôn giáo. Đồng thời hoằng truyền những đạo lý Phật dạy và phổ biến những đường lối chủ trương chính sách tôn giáo của Nhà nước đến người dân đúng như phương châm “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”.

Với chủ đề giao lưu: ĐẠO PHẬT – MỘT CÁI LÕI CỦA VĂN HOÁ VIỆT NAM. Mở đầu buổi nói chuyện, MC Anh Quân đã thay mặt thính giả đặt những câu hỏi. Mỗi câu hỏi có một nội dung khác nhau, nhưng đều xoay quanh chủ đề về đạo Phật. Câu hỏi nào cũng được Ông trả lời một cách ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa, khiến các Phật tử tham dự rất thỏa lòng.

Đầu tiên, Tiến sĩ Bùi Hữu Dược bày tỏ: gần 7 năm trước chúng tôi đã có mặt ở Thiền Tôn Phật Quang vào đúng vị trí này để giao lưu với quý Phật tử và thanh thiếu niên. Hôm nay chúng tôi cũng ngồi vào vị trí này nhân sự kiện chùa ta long trọng tổ chức Đại Lễ Phật Đản. Cách đây hơn 6 năm cũng tại Đạo tràng này chỉ dưới 15.000 người tham dự buổi giao lưu nhưng hôm nay được biết quý Phật tử đã có mặt trên 26.000 người, một con số thật đáng vui và đáng tự hào về hoạt động của Thiền Tôn Phật Quang nói riêng và của Phật giáo nói chung. Chúng tôi xin cảm ơn Thượng tọa Trụ trì đã tạo cơ hội cho mọi người ngồi bên nhau để cùng lắng nghe những giáo lí cao đẹp nhất.

Để hiểu giá trị của đạo Phật trong xã hội hiện nay, vì sao chúng ta có thể coi đạo Phật là cái lõi của nền văn hóa nước nhà? 

Ông đã làm rõ những đóng góp to lớn của đạo Phật cho nền văn hóa Việt Nam. Trước hết, từ xưa đến nay, cha ông ta vẫn gọi Phật giáo là cốt lõi của văn hóa dân tộc Việt. Trên thế giới, có rất nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo lại có những đóng góp khác nhau cho các nền văn hóa khác nhau. Nhưng tại sao Phật giáo lại trở thành nền tảng của văn hóa Việt?

Ônh khẳng định: có rất nhiều lí do. Nhưng trước hết bởi giá trị của Phật giáo chính là đạo đức, từ bi. Lối sống Nhân quả trong Phật giáo được cả vũ trụ thừa nhận. Từ lúc xuất hiện đến nay đã trên 2.000 năm, Phật giáo đã kết tinh những giá trị đạo đức đẹp nhất, giúp văn hóa Việt trở thành một nền văn hóa tiêu biểu trong khu vực.

Năm 1999, một đoàn Giáo sư Khoa học Mỹ sau khi nghiên cứu 3 tháng tại Việt Nam đã phải khẳng định Việt Nam là dân tộc mà họ đáng kính ở cách thờ tiền nhân và tôn giáo. Mỗi gia đình khi thờ ông bà tổ tiên, họ cũng đồng thời thờ và tôn vinh Đức Phật. Điều này càng khẳng định Phật giáo cùng với truyền thống dân tộc đã hòa quyện làm một, trở thành nét đẹp văn hóa của một dân tộc biết yêu thương, gắn bó với nhau từ gia đình đến xã hội. Cái lõi Phật giáo chính là chỗ này.

Vậy tư tưởng của đạo Phật được thể hiện trong văn hóa Việt Nam thông qua những phương diện, lĩnh vực nào?

Hơn 2000 năm gắn bó, tư tưởng của đạo Phật đã hòa quyện và trở thành tư tưởng của dân tộc Việt. Vậy nên, bất cứ điểm nào trong văn hóa tư tưởng của dân tộc Việt Nam đều hàm chứa tư tưởng của Phật giáo. Từ đạo đức, lối sống cho đến mọi phương diện, lĩnh vực khác như: thơ ca, điêu khắc,.. đều hàm chứa tư tưởng Phật giáo. Và rõ nét nhất là chính trị. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt luôn lấy tinh thần Phật giáo làm cốt lõi. Phật giáo cho ta sự hiểu biết, cho ta giá trị làm người. Nhờ ‘Tứ trọng ân”, chúng ta trở thành người con có hiếu, học trò ngoan, người công dân ưu tú. Đây là những điều hết sức quan trọng.

Lý do gì khiến tư tưởng, triết lý của đạo Phật lại có thể hòa quyện một cách sâu sắc, trở thành một phần cốt lõi của văn hóa Việt Nam như vậy?

Đạo Phật hòa quyện được với nền văn hóa dân tộc Việt bởi chính vì tư tưởng của đạo Phật và truyền thống đạo đức văn hóa của người Việt ngay từ lúc đầu gặp nhau đã rất hợp. Phật giáo là tôn giáo của sự trung thực thì người Việt cũng sống chân thành; Phật giáo là tôn giáo của tình yêu thương, lòng từ bi thì người Việt cũng là người thương yêu; Đạo Phật đặc biệt khuyến khích con người hướng thượng, phát triển trở thành người tốt thì văn hóa, cốt cách dân tộc Việt cũng luôn luôn khuyến tấn mỗi con người hãy phấn đấu, hãy phát triển vì hạnh phúc của cá nhân, gia đình, xã hội. Trong đó, nhấn mạnh cống hiến cho xã hội là cống hiến quan trọng nhất. Đạo Phật và đạo đức xã hội trùng nhau như thế.

Đạo Phật có thể đóng góp gì cho văn hóa Việt để khẳng định được tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam?

Nhiều người nói đạo Phật là đạo của sự yếu thế, không dám trực diện đấu tranh, đối đầu với những bất công của xã hội. Nhưng hiểu như vậy là sai bởi đạo Phật là đạo đại diện cho sức mạnh của nội tâm. Sức mạnh đối với đạo Phật của Việt Nam được thể hiện ở nhiều khía cạnh trong lịch sử:

– Thứ nhất, truyền thống đạo Phật đánh giặc có từ thời Hai Bà Trưng. Lúc đó, dưới trướng Hai Bà Trưng có 8 vị tướng, trong đó có 5 vị là Ni Sư. Tức là, đạo Phật từ xưa đã sẵn sàng cầm gươm đánh giặc chứ không hề yếu thế. Hay khi vua Lý Nam Đế lập nước Vạn Xuân những năm 544 của thế kỷ thứ V, đã đặt một ngôi chùa tên là chùa Khai Quốc, chứng tỏ ảnh hưởng của Phật giáo thời đó phải rất lớn.

Rồi đến triều Đinh, triều Tiền Lê, vua Đinh Tiên Hoàng đã mời thiền sư Ngô Chân Lưu – một người giàu uy đức, giỏi đạo Pháp đứng ra làm khuôn Việt Đại sư, đứng đầu các Sư, giúp vua tham vấn về chính trị, văn hóa. Điều này khẳng định thời đại này Phật giáo rất được tôn trọng và cũng đã có những đóng góp rất lớn. Đến thời Trần, từ vua tới quan đều biết đạo Phật. Đời thứ ba, vua Trần Nhân Tông đã xuất gia đầu Phật và trở thành Phật hoàng. Đến thời Bác Hồ, Phật giáo càng phát triển rực rỡ.

– Thứ hai, tiếp nối truyền thống Phật giáo, dân tộc Việt Nam không chỉ giỏi đánh giặc mà giỏi cả chính trị. Điều này được thể hiện trong cách đối đãi với kẻ thù của các vị tướng, các nhà chính trị Việt Nam. Mặc dù, kẻ thù có mục đích xấu, gây nhiều đau thương, mất mát cho dân tộc nhưng chúng ta vẫn rất nhân đạo, từ bi, thả tất cả tù binh, cấp lương thực, phương tiện cho họ về nước. Đây chính là cái tâm Phật.

– Thứ ba, một tinh thần Phật nữa thấm đẫm trong mỗi người Việt chính là tinh thần giúp đỡ lẫn nhau. Tinh thần này không chỉ được thể hiện ở cộng đồng trong nước mà còn lan tỏa rộng rãi ra cả quốc tế. Hễ nơi đâu cần giúp đỡ, người Việt sẵn sàng có mặt. Tâm Phật, ảnh hưởng của Phật giáo chính là ở chỗ này. Đó cũng là những đóng góp rất lớn của Phật giáo cho cuộc đời. Nên chính Phật giáo trở thành cái lõi của văn hóa, cũng là cái lõi quan trọng của đời sống xã hội người Việt.

Nhìn lại lịch sử từ thời chiến đến thời bình của đất nước, chúng ta thấy rõ đạo Phật đã đồng hành cùng lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Sự hòa quyện, gắn kết ấy rất khăng khít, sâu sắc, khiến tự nhiên mỗi người dân ta đều mang tâm Phật, biết sống cống hiến, phụng sự, hy sinh từ những việc nhỏ nhất. Từ những cái nhỏ ấy, chúng ta phát tâm để làm được những việc lớn hơn, cống hiến phụng sự được nhiều hơn cho xã hội.

Hiện nay, xã hội càng phát triển thì cuộc sống của chúng ta lại càng bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố ngoại lai. Hệ quả là nhiều khi chúng ta không điều khiển được tâm thế, tư tưởng của mình. Trước thực trạng này, làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ được văn hóa tốt đẹp, những tình cảm trong sáng, lành mạnh mà chúng ta vẫn dành cho nhau?

 Ông cho rằng: chúng ta ăn uống nhiều loại thực phẩm khác nhau để nuôi thân. Để nâng cao trí tuệ, đạo đức, ta cũng có nhiều nguồn tài liệu, nhiều phương pháp học tập. Tuy nhiên, dù học gì, nghiên cứu gì cuối cùng cũng chỉ nhằm mục đích nâng cao trí tuệ và đạo đức. Coi trọng đạo đức, trí tuệ cũng là tư tưởng xuyên suốt của đạo Phật. Vậy nên Đức Phật mới nói: “Trí cao thì trời người trọng. Đức lớn quỷ thần kinh”.

Tuy nhiên chỉ có trí và đức là khẳng định giá trị tinh thần và sự phát triển của con người. Mỗi dân tộc có một món ăn cốt lõi. Dù có nhiều món ăn nhưng người Việt ta không ai thiếu được gạo. Cũng vậy, đối với đạo đức và trí tuệ hay tâm hồn ta học nhiều thứ nhưng trong đó thứ quan trọng không kém gì gạo, đó chính (là cốt lõi) là đạo đức tinh thần qua Phật giáo. Phật giáo vẫn là đạo đức, là trí tuệ cốt lõi nhất mà con người chúng ta đang tiếp thu, còn những giá trị khác, những ảnh hưởng khác từ các nền văn hóa bên ngoài đưa vào, cũng giống như các món ăn không chủ đạo. Món ăn nào cũng chỉ hấp dẫn trong những thời điểm nhất định.

Trong bối cảnh văn hóa Việt bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai dẫn đến tình trạng lệch lạc trong lối sống, thể hiện cái tôi ngày càng rõ. Tuy nhiên, không có cái tôi nào nằm ngoài xã hội. Người càng có văn hóa càng hiểu cái tôi đó phải nằm trong cái tương quan của tập thể. Chính nhận thức điều đó mà chúng ta không sợ cái tôi sẽ làm ảnh hưởng tới cái Vô ngã của Phật giáo, mà càng làm cho Phật giáo lục hòa hơn, cởi mở hơn và tốt hơn.

Ngày nay phương tiện thông tin trong đời sống xã hội rất đa dạng nhưng người có trí tuệ, có đạo đức phải biết chọn thông tin nào phù hợp với cuộc sống của mình, không sa vào thông tin xấu, làm ô nhiễm tâm hồn mình. Và ai là người giúp cho chúng ta biết lựa chọn?  

Đó chính là những vị Thầy dạy đạo. Các Thầy sẽ là chỗ dựa tinh thần của mọi người, hướng dẫn mọi người biết chọn cái tốt, bỏ cái xấu và hướng tới cái rất tốt đẹp. Điển hình là Thượng tọa Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang được công chúng rộng rãi biết đến với nhiều bài giảng gắn với đời sống xã hội hiện đại. Ngoài ra, Thầy đã giảng rất nhiều đề tài về giá trị đạo đức, về lối sống giúp cho con người biết hướng tới cái tốt đẹp, biết tìm tới những giá trị tốt lành.

Thầy đã mạnh dạn đưa đạo vào đời bằng các phương tiện giáo hóa, phương thức hoằng pháp mới phù hợp với thời đại, sao cho giáo lý của Đức Phật sống mãi với mọi thời đại và có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi đối với cộng đồng, đem lại an lạc thật sự cho mọi người. Vì vậy, Thượng toạ được xã hội đánh giá rất cao. Đó là lý do vì sao chùa ta cứ càng ngày càng đông Phật tử tìm về, đặc biệt là Phật tử trẻ có mặt ở đây phụng sự hết mình đã chứng tỏ Thượng tọa có sức hút và có sự ảnh hưởng rất lớn. Bản thân chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn Thầy ở điểm này. 

Trong bối cảnh của xã hội khi mà rất nhiều sự tác động từ bên ngoài vào đời sống của mỗi con người, làm sao để giữ lại được những giá trị căn bản nhất của văn hóa Việt và cũng như những giá trị tích cực nhất của Phật giáo?

Trong thời đại ngày nay, các phương tiện kỹ thuật nhồi nhét vào đầu con người rất nhiều những điều không đúng. Nhờ triết lý của đạo Phật, ta có trí tuệ để phân biệt đúng – sai, giúp chúng ta có lòng yêu thương, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau.

 Dưới cái thời tiết oi nóng này, chính triết lý Phật qua tình yêu thương, sự chia sẻ cùng nhau đã làm chúng ta cảm thấy mát mẻ, dễ chịu.

 Chư Tôn đức, Tăng Ni chính là người làm nên cái lõi của đạo Phật. Với công hạnh tu hành, sự giáo hoá, sự cống hiến cho Phật pháp, cho xã hội… quý Tăng Ni sẽ là người giúp cả xã hội hiểu rõ “trí và đức” trong Phật giáo để ngăn những tác động từ bên ngoài. Triết lý đạo Phật chính là áo giáp để che mọi làn đạn xấu từ bên ngoài, là tấm gương xua đi mọi tà kiến, giúp tâm hồn, trí tuệ mọi người trở nên trong sáng.

 Xã hội có hiện đại đến đâu, cũng có những cái cốt lõi không bao giờ thay đổi trong tâm hồn, suy nghĩ của mình. Đó chính là triết lý của đạo Phật – nơi chúng ta có thể tựa vào để tìm niềm tin trong cuộc sống, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách; bình yên, vững chãi bước trên con đường mình đã chọn.

 Nói về cảm nhận sau 7 năm quay lại nơi đây, Tiến sĩ Bùi Hữu Dược vẫn khẳng định, giống như 7 năm trước Ông đã nói, ở Phật Quang có một thứ mà không phải dễ gì các nơi khác có được. Đó là ngoại cảnh của không gian tu tập nhìn đâu cũng trang nghiêm, thân thiện.

 Ông khẳng định cái đúng của Thầy Chân Quang đã lan tỏa rộng khắp từ Nam ra Bắc.  Nhiều bài giảng của Thầy trên các trang mạng xã hội bị nhiều người bình luận là sai, nhưng bản thân chúng tôi khi theo dõi từ đầu đến cuối mỗi bài giảng đều thấy Thầy Chân Quang nói đúng. Tùy theo điều kiện hoàn cảnh, tùy theo căn cơ mỗi người mà cái hiểu khác nhau. Thầy nói đúng trong bối cảnh của Thầy, người ngoài lấy cái bên ngoài để nghe thì không thể hiểu hết cho đúng được.

Chúng tôi cảm ơn Thượng tọa Trụ trì vẫn luôn chân thành, bảo vệ chính kiến, sự hiểu biết của mình, tiếp tục gieo duyên, đào tạo được nhiều lớp trẻ hiểu và đến được với đạo Phật. Từ đó con người biết yêu thương, gắn bó, giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Dịp này, TS. Bùi Hữu Dược còn nhắn nhủ lớp thanh niên hãy rèn dũa đạo đức và mở rộng trái tim yêu thương, tiếp tục cống hiến dựng xây tổ quốc, xây dựng Phật Pháp để xứng đáng là người tiếp nối của các thế hệ tiền nhân đi trước, xứng đáng với những thành tựu mà cha ông, Thầy tổ để lại, xứng đáng với một đất nước, một đạo Phật đang cất cánh bay lên cùng bạn bè thế giới như ngày hôm nay.

Qua buổi giao lưu của Tiến sĩ Bùi Hữu Dược đã giúp cho các Phật tử hiểu hơn về các giáo lý Phật giáo hòa quyện trong văn hóa, bản sắc dân tộc. Từ suy nghiệm này mọi người cảm thấy hạnh phúc khi mình là những người con Phật, là những Phật tử của Tổ đình Thiền Tôn Phật Quang – nơi luôn có các Lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; nơi lấy lòng yêu nước yêu Đảng và tinh thần cống hiến phụng sự làm nền tảng cho các hoạt động của mình. Thiền Tôn Phật Quang đang và sẽ tiếp tục là nơi lưu giữ phát triển những tinh hoa của đạo Phật, đóng góp vào nền văn hóa dân tộc để văn hóa Việt Nam chuẩn hình mẫu đẹp mà các quốc gia trên thế giới tìm về học hỏi.

Tại buổi giao lưu, TT. TS. Thích Chân Quang đã thay mặt tất cả Tăng Ni, Phật tử Thiền Tôn Phật Quang cảm ơn Tiến sĩ Bùi Hữu Dược đã có buổi nói chuyện cực kì thú vị, bổ ích, làm thêm chất liệu cho các Phật tử sống và tu tập.

Trước đó, mọi người có thể mơ hồ, do dự khi nghe đến chủ đề: ĐẠO PHẬT – MỘT CÁI LÕI CỦA VĂN HOÁ VIỆT NAM. Nhưng sau những chia sẻ, phân tích của Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, mọi người như vững vàng, kiên định hơn trong lập trường sống và tu tập của mình.

Bằng tình cảm thương mến, sự cảm phục đối với Tiến sĩ, cả Hội chúng nhất trí phong tặng Ông chức danh “Giáo sư” mà không đợi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận.

Được cả Hội chúng phong tặng chức danh “Giáo sư”, Ông tôn trọng nói lời cảm ơn. Ông chia sẻ bản thân cảm thấy vui trước tâm tình của các Phật tử dành cho nhưng điều đó không lớn bằng việc Ông được đứng ở Thiền tôn Phật Quang để nói những điều mình nghĩ, mình biết.

Đêm 14/04 AL, số lượng Phật tử về tham dự lễ Khai mạc Đại lễ Phật đản và thính Pháp tại Thiền Tôn Phật Quang lên đến đỉnh điểm là hơn 55.000 người.

Cũng trong chương trình Đại lễ Phật đản, vào lúc18h30” cùng ngày, ĐĐ. Thích Khải Tạng – Chúng trưởng Chúng Tăng thay mặt Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc chia sẻ về sự kiện đản sanh vĩ đại của đức Thế Tôn. Qua đó, khuyến tấn quý Phật tử hãy tích cực làm nhiều việc thiện lành để cúng dường ngày Khánh đản thiêng liêng.

Tiếp đó, Đại đức hướng dẫn toàn thể Phật tử ngồi thiền 30 phút. Lúc này đây, hơn 55.000 người lặng thinh ngồi tĩnh tọa trong tư thế kiết già. Hình ảnh này thật nghiêm trang xúc động, thắp lên niềm mơ ước về một ngày mà nhân loại sẽ cùng ngồi thiền bên nhau, bỏ hết mọi tham sân hận thù, khi ấy niềm hạnh phúc sẽ là thênh thang vô bờ.

Tiếp nối chương trình, TT. TS. Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có thời thuyết giảng vô cùng thú vị về đề tài LUÂN HỒI TÁI SINH.

Đi vào phần nội dung bài giảng Thượng toạ cho rằng, sự kiện Đức Phật đến với thế gian này là một điều vô cùng thiêng liêng vĩ đại mà mỗi năm chúng ta đều tưởng nhớ, nhờ vậy mà nuôi dưỡng hun đúc lòng tôn kính, biết ơn Đức Phật. Và chính nhờ lòng tôn kính biết ơn Đức Phật mà ta tăng trưởng được nhiều phước duyên trong kiếp luân hồi của mình.

Chúng ta có mặt bây giờ không phải chỉ một đời duy nhất mà đã trôi lăn từ vô lượng kiếp.

Thông thường vì không nhớ về tiền kiếp của mình nên ta tự đặt ra nhiều nguyên nhân khiến mình có mặt trên đời. Lý thuyết của các tôn giáo cũng không nói rõ về nguồn gốc sự xuất hiện của con người, khoa học cũng chưa hề công nhận có kiếp trước kiếp sau. Thế nên luân hồi – tái sinh vẫn chưa được xem là một sự thật hiển nhiên giữa cuộc sống này.

Nhân đây, Thượng tọa tản mạn kể một số câu chuyện tái sinh tiêu biểu được ghi nhận trên khắp thế giới và cả ở Việt Nam rải rác từ rất nhiều thế kỷ qua. Lác đác từ Nam chí Bắc có trường hợp những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp của nó, rồi kể lại và dẫn cha mẹ đến tận quê xưa, đồng thời nhớ từng kỷ niệm với những người yêu mến. Người nhà thấy lạ, đi điều tra thì là đúng hết. Do vậy, ta không thể phủ nhận một sự việc có thật đó là Tái Sinh – Luân Hồi.

Hoặc có những trường hợp ly kỳ là hiện tượng người đã chết rồi tự nhiên sống lại; hoặc hiện tượng thần đồng – là người thể hiện khả năng thiên bẩm khi còn ở độ tuổi rất nhỏ với nhiều thành tựu xuất sắc.

Ngoại trừ một số ít vị đắc đạo đã chủ động nhớ lại tiền kiếp của mình hay của người khác, thì trên thế giới cũng rất nhiều người vì lý do đặc biệt gì đó, có thể do ngồi thiền hoặc nằm mơ mà cũng nhớ được tiền kiếp của mình. Và còn nhiều trường hợp khác được kiểm chứng, có bằng chứng rõ ràng.

Chúa Jesus từng nói “Sự thật giải phóng chúng ta”, tức là sự thật làm tâm ta được yên lành thanh thản. Khi ta thấy lỗi mình thì tâm tự nhiên yên hơn, thanh thản hơn. Cũng vậy, ai công nhận luân hồi tái sinh, người đó cũng tự nhiên bình an hơn.

Điều dắt ta đi từ kiếp này sang kiếp kia chính là Nghiệp, và trong cái nghiệp đó ẩn chứa nhiều thứ, đôi khi là thói quen hay sở thích cũ vẫn còn. Vấn đề tái sinh có nhiều bí mật mà phải là người đắc đạo mới thấy rõ. Chẳng hạn, có người mất rồi mấy chục năm sau mới tái sinh, cũng có người vừa mất đã tái sinh ngay.

Việc tin luân hồi có thật là một bước tiến lớn trong tâm linh của con người. Tuy nhiên, nói đến luân hồi tái sinh, có rất nhiều người không tin có kiếp trước kiếp sau, mà chỉ xem như là vấn đề của một số thuyết tôn giáo. Thật ra, luân hồi vô cùng mật thiết với đời sống thăng trầm của kiếp người mà chẳng mấy ai lưu tâm. Luân hồi luôn có sự đổi qua đổi lại, đầy sự ngang trái, éo le, kỳ lạ mà chúng ta chưa lý giải được vì nó thuộc về nhân quả.

Bằng cách trích dẫn những câu chuyện có thật, “Mắt thấy, tai nghe” ở khắp nơi và trên thế giới, cộng với những lí luận đầy logic, Thượng tọa đã xây dựng được những ý tưởng đặc sắc cho bài Pháp thoại có tựa đề LUÂN HỒI TÁI SINH. Qua đó, thuyết phục được mọi người tin tưởng rất tự nhiên rằng Luân hồi, tái sinh là có thật. Thượng tọa cũng chỉ ra sự ảnh hưởng của Luật Nhân Quả đến việc tái sinh của con người, giúp mọi người biết cân nhắc phải trái trong mỗi hành động của mình. Nhờ đó, con người sống tốt đẹp, đạo đức, hiền lành hơn, thế giới vì thế mà yên bình, hạnh phúc hơn.

Sau buổi thuyết Pháp là Lễ trao quyết định bổ nhiệm Thủ lĩnh/Phó Thủ lĩnh Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang và các Chúng trưởng/Chúng phó Đạo tràng thuộc các tỉnh như Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Nội, Tiền Giang, TP. HCM.

Sau cùng là chương trình văn nghệ chào mừng ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2567 thật ý nghĩa. Các anh/chị ca sĩ, nhóm múa, ban nhạc đều biểu diễn hết mình với lòng trân kính vô biên của những người con Phật dâng lên cúng dường mừng ngày Phật đản sinh… Các ca khúc với lời ca sâu sắc về Đức Thế Tôn, về tình yêu quê hương đất nước được thể hiện qua những giọng ca giàu cảm xúc của các nghệ sĩ, sự hòa âm phối khí tuyệt vời của ban nhạc, sự tô điểm uyển chuyển nhịp nhàng của nhóm múa minh họa. Tất cả tạo nên một đêm nhạc bay bổng, thi vị và tràn đầy ý nghĩa thiêng liêng. Và đây còn là một niềm vui tinh thần cho bà con Phật tử về chùa dự Lễ.

Hôm sau, sáng ngày 15/04/Quý Mão, BTC đã trang nghiêm trọng thể cử hành chính thức Đại Lễ Phật Đản PL.2567.

Quang lâm chứng minh Đại lễ có: TT. TS. Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang; TT. Thích Nhuận Trí – Phó Trưởng BTS, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh BR-VT;  cùng chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh BR-VT.

Về phía chính quyền có sự hiện diện của: Ông Trương Thanh Phong – Giám Đốc Sở Nội Vụ tỉnh BR-VT; Ông Phan Nghĩa Hiệp – Phó Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước và Dân tộc – Tôn giáo, Ban Dân vận tỉnh ủy; Thượng tá Nguyễn Xuân Công – Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh BR-VT; Ông Trần Quốc Nam – Phó Trưởng Phòng PA02 Công an tỉnh BR-VT; Ông Võ Văn Tư – Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Phú Mỹ; Ông Nguyễn Cao Phú – Ủy viên thường trực UBMTTQVN Thị xã Phú Mỹ; Phòng Nội vụ (Ban QL tôn giáo) Thị xã Phú Mỹ; Thượng Tá Lê Anh Đại – Phó trưởng Công an Thị xã Phú Mỹ; Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an Thị xã Phú Mỹ;  Ông Nguyễn Ngọc Thành – Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Bà Rịa; Bà Lương Thị Kiều Trang – Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Bà Rịa; Bà Mã Thị Thu Thảo – Trưởng Phòng Nội vụ TP. Bà Rịa; Ông Phạm Văn Quyền – Nguyên Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh BR-VT, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức; Ông Đặng Văn Hòa – Chủ tịch HĐND xã Tân Hải; Ông Bùi Sỹ Xinh – Chủ tịch UBMTTQVN Xã Tân Hải; Bà Nguyễn Thị Hồng Yến – Phó Chủ tịch HĐND Phường Kim Dinh; Ông Nguyễn Hoàng Mặc Huy – Phó Chủ tịch UBND Phường Kim Dinh; Ông Hồ Nghĩa Đức – Chủ tịch UBMTTQVN Phường Kim Dinh; Bà Giang Phương Thảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu; Thiếu tướng Nguyễn Đình Được – Viện Trưởng Viện Khoa Học Nghiên Cứu Nhân Tài Nhân Lực.

Đi vào chương trình, chư Tôn đức đã cử hành nghi thức tâm linh thật trọng thể.

Mở đầu Đại lễ là nghi thức niêm hương, đảnh lễ Tam Bảo, đọc lời cảm niệm, và trong không khí thiêng liêng ngày Phật đản sinh, toàn thể đạo tràng đồng loạt hát bài “Phật – Người thắp sáng niềm tin”. Lời ca vang vọng cả núi rừng hùng vĩ, thấm vào từng trái tim nhỏ bé lúc này đã được lấp đầy bởi niềm kính Phật đậm sâu.

Tiếp theo, toàn thể Hội chúng đã lắng nghe TT. Thích Nhuận Trí – Phó Trưởng BTS, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh BR-VT tuyên đọc thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng gửi toàn thể Tăng, Ni, đồng bào Phật tử trên toàn thế giới, mừng đại lễ kỷ niệm ngày Phật đản.

Sau đó tất cả cùng hướng tâm về Đức Pháp chủ hô to: Y giáo phụng hành (3 lần). 

Tiếp đến, TT. TS. Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài NHỮNG ĐIỀU HIỂN NHIÊN PHẢI ĐƯỢC CÔNG NHẬN, trong đó nhấn mạnh một số quan điểm gợi mở sau:

Có rất nhiều điều trong vũ trụ là sự thật, là chân lý mà chúng ta phải nhận biết. Hiểu biết đó giúp cho nền văn minh nhân loại tiến xa và tâm hồn con người cũng được thanh thản hơn, bởi “sự thật giải phóng chúng ta”.

Và một trong những sự thật đó chính là Luân hồi – Tái sinh. Như chúng ta đã biết, chỉ một trái táo rơi xuống trúng đầu mà nhà bác học Newton đã mở ra cả một chân trời về khoa học về thiên văn, vật lý vũ trụ. Trong toán học, chỉ cần ba điểm ta đã xác định được một mặt phẳng không hơn, không kém. Thì với vài trăm nghìn trường hợp nhớ tiền kiếp có chứng cứ rõ ràng thì ta không thể phủ nhận một hiện tượng có thật đó là Tái Sinh – Luân Hồi. Thế giới này, loài người, những người có trách nhiệm, những nhà khoa học, những người có trí thức buộc phải công nhận Tái Sinh – Luân Hồi là điều có thật, bởi hai lẽ:

– Thứ nhất là xác quyết lời Phật dạy là chân lý (trong rất nhiều bài giảng Phật đã đề cập về Luân hồi – Tái sinh)

– Thứ hai, niềm tin về Luân hồi – Tái sinh sẽ vực dậy đạo đức cho con người khi người ta không dám tạo tội để tránh đi quả báo xấu cho kiếp sau.

Việc tin tưởng Nhân quả – Luân hồi – Nghiệp báo là hướng đi đến chân – thiện – mỹ. Ngược lại, những ai không tin điều này thì tự mình sẽ rơi vào hố sâu, vực thẳm, đau khổ triền miên. Chúng ta là Phật tử nên may mắn tin và biết được điều này. Người đệ tử Phật khi tin có luân hồi thì không được quyền sống nông cạn, không phải chỉ sống cho một kiếp này mà phải sống có trách nhiệm với rất nhiều kiếp ở mai sau. Đặc biệt, để thoát khỏi sinh tử luân hồi, họ biết hướng đến đời sống xuất gia làm mục tiêu tu tập.Ai không chịu công nhận luân hồi là đang kiềm giữ nền văn minh và đạo đức của cả nhân loại.

Bài Pháp thoại của Thượng tọa với cấu trúc chặt chẽ, mang ý nghĩa sâu sắc đã thức tỉnh cho các Phật tử thấy rằng: Một con người văn minh là con người hiểu rõ về tái sinh, và một thế giới văn minh là một thế giới đã công nhận hiện tượng tái sinh.

Khi còn tại thế, Ðức Phật đã nói: “ Lòng dạ ngu si không biết phân định chánh tà là tăm tối nhất. Không tin Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo là nguồn gốc sanh ra tội lỗi nhất“. Cho nên, hơn bao điều mong ước, chúng ta hy vọng, một ngày nào đó, khoa học có thể chứng minh một cách đầy đủ nhất bản chất của các hiện tượng tâm linh, từ đó truyền cảm hứng để giúp xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn gấp nghìn lần bây giờ cho toàn thể nhân loại.

Sau cùng là nghi thức tụng bài Sám Phật đản và nghi thức dâng hoa cúng dường thật trang nghiêm.

Đại Lễ Phật đản PL.2567 tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra thành công tốt đẹp. Mọi người đã trở về với cuộc sống thường nhật nhưng trong tâm khảm chắc hẳn vẫn còn đọng lại bao đạo lý vừa được học để thấy rằng bản thân mình có trách nhiệm phải thay đổi. Thế giới này tốt đẹp hơn hay xấu hơn đều do từng người chúng ta góp phần vào. Muốn thế giới thay đổi thì từ suy nghĩ, hành động của mỗi người phải thay đổi trước.

Mà bản thân mình chưa đủ, ta còn phải làm cho mọi người thức tỉnh, thấy được bản thân họ cũng phải hành động, phải cùng nhau góp phần xây dựng hành tinh này trở nên tốt đẹp, hạnh phúc bằng con đường tu hành giác ngộ, năng nổ truyền bá đạo Pháp. Chỉ có vậy, thế giới ta vất vả xây dựng, bảo vệ mới tốt đẹp, hạnh phúc lâu dài, bền vững được.

Trước khi kết thúc Đại lễ Phật đản, vào lúc 12h00 trưa, ngày 15/04 âm lịch (02/05/2023), tại Chánh điện đã diễn ra lễ Quy Y Tam Bảo. Được biết từ ngày 13 -15/04/ Quý Mão đã có hơn 2.000 người phát tâm Quy Y Tam Bảo chính thức bước vào ngôi nhà Phật pháp nhân dịp Đại lễ Phật đản PL.2567  

 

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất