Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangCác hoạt động Phật sự khácTT. Thích Chân Quang trả lời phỏng vấn Đài truyền hình BR-VT...

TT. Thích Chân Quang trả lời phỏng vấn Đài truyền hình BR-VT dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021

-

Trong nhiều năm qua, Thiền Tôn Phật Quang luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí truyền thông từ Trung ương tới địa phương. Những Đại lễ được tổ chức tại chùa một cách công phu, kỹ lưỡng, chu đáo đã lan rộng tới đông đảo người dân trong và ngoài nước cũng là nhờ sự trợ giúp đắc lực của truyền thông. Nhân dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, sáng ngày 08/02/2021, Đài truyền hình tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có buổi viếng thăm chùa và trò chuyện với Thượng tọa Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, BR-VT).

PV: Kính thưa Thầy, theo Thầy, vào ngày Tết mọi người cần điều gì ạ?

TT. Thích Chân Quang: Ngày Tết cần niềm vui, sự gặp gỡ và sum vầy. Tuy nhiên, dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Một năm qua, thành quả chống dịch của nước ta rất hiệu quả, nên lần bùng phát trở lại này vẫn trong phạm vi được kiểm soát. Và vì vậy, Nhà nước ta đã cân nhắc giữa 2 điều, một là cho người dân được vui Tết sum vầy, hai là phải ngăn chặn mọi thứ để chống dịch. Đây là một lựa chọn rất khó khăn. Vì nếu dịch chưa bùng phát mạnh mà ta ngăn cấm, phong tỏa, “lockdown” hết thì rất thiệt thòi cho nhân dân. Nhưng nếu cho nhân dân mình được vui thoải mái như mọi năm thì có nguy cơ là dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh.

Và bây giờ lựa chọn ở mức độ nào là thích hợp nhất, để dân ta vẫn được vui chơi trong Tết mà vẫn ngăn được dịch. Thực sự, đây là một lựa chọn hết sức khó khăn, và hết sức thông minh của Đảng và Nhà nước. Hoà theo tâm tình, suy nghĩ, chủ trương của Nhà nước, Chùa Phật Quang chúng tôi cũng cân nhắc như vậy. Chùa chúng tôi không thể cấm mọi người đến Chùa vui xuân, nhưng cũng phải bảo đảm việc phòng chống dịch. Chúng tôi sẽ thực hiện việc khử khuẩn từ ngoài cổng chùa, những buồng khử khuẩn theo đúng tiêu chuẩn y tế. Chúng tôi yêu cầu mọi người đeo khẩu trang và không tập trung đông người dồn một chỗ, mỗi một cụm như vậy trong một chừng mực theo quy định của Nhà nước. Ví dụ như khi ăn thì buộc phải tháo khẩu trang, chúng tôi yêu cầu mỗi người ngồi giãn ra. Sau khi nhận thức ăn buffet, mọi người ngồi giãn ra, cách nhau thật xa để ngồi ăn vì lúc đó tháo khẩu trang rồi ta không thể ngồi gần nhau được.

Chúng tôi cố gắng tối đa như vậy, nước rửa tay để khắp nơi trong chùa để mọi người bất cứ lúc nào cũng có thể vệ sinh rửa tay. Chúng tôi có nhiều bảng để nhắc nhở mọi người không đưa tay lên mắt, lên trên miệng. Bởi vì lỡ tay mình có chạm virus rồi nhiều khi một lát có thể tự nó hết, tại bàn tay mình có khả năng khử khuẩn nhưng nếu mà ta chạm vào mắt, chạm vào niêm mạc thì nó sẽ xâm nhập vào cơ thể, chúng tôi làm mọi cách như vậy. Làm sao dùng nhiều biện pháp để chống lây nhiễm, nhưng vẫn tạo điều kiện để mọi người được vui xuân, đó là chúng tôi hoà theo, đi theo, tuân thủ theo quan điểm của Nhà nước.

 

PV: Khung cảnh rất là đẹp, công việc Chùa chuẩn bị như thế nào?

TT. Thích Chân Quang: Thật ra bởi vì Chùa chúng tôi ở trên núi cũng đơn sơ, chúng tôi có khung cảnh thiên nhiên nên chúng tôi tô điểm thêm, để cho núi rừng có thêm sắc xuân. Tết đến, mọi người hay đi Chùa mà điều lạ là nơi Chùa thiên nhiên, rừng núi hoang sơ lại làm cho mọi người lại thích đến để thưởng thức không khí khác với không khí của đô thị ồn náo chật chội. Và một điều nữa là khi đến đây, mọi người được ăn uống no đủ, thoải mái và ăn ngon, Chùa phục vụ ăn uống rất ngon. Mỗi dịp Tết đến, chúng tôi có những bài Pháp, làm cho mọi người được ấm lòng, vừa được tinh thần, vừa được vật chất. Ngày Tết tại Thiền Tôn Phật Quang có thức ăn đậm truyền thống ngày Tết, có đạo lý của ngày Tết, có cảnh trí của ngày Tết. Ba điều đó hoà vào nhau làm cho mọi người đến đây cảm thấy được vui, được lợi ích nhất. Khi tận hưởng những sắc xuân ở đây rồi, mọi người được gặp nhau trong tình đạo lý ấm cúng, không có rượu bia, không đánh bài, chỉ có tình yêu thương, chỉ có đối xử với nhau bằng sự tử tế.

Như vậy, thời gian được về Chùa, mọi người đều được tắm mình trong một không gian tâm linh. Một không gian hơi lạ hơn những không gian thường ngày, và chúng tôi nghĩ rằng mọi người đến đây đều được hạnh phúc. Chùa đem đến cho mọi người hạnh phúc bởi ba điều, và tự mọi người làm thêm một điều. Ba điều của chúng tôi là thức ăn ngon, là đạo lý, là cảnh trí, còn cái mà mọi người đem đến đây chia sẻ cùng nhau là tình yêu thương. Khi trong tâm hồn có đạo lý rồi họ sẽ đem tình yêu thương, họ góp vào đây, họ trao lẫn nhau, họ chia sẻ với nhau, trong từng thái độ, trong từng lời nói, trong sự tử tế, trong ánh mắt, tăng niềm hạnh phúc, niềm vui lên rất nhiều lần.

PV: Theo quan điểm của nhà Phật thì can, chi có ý nghĩa gì?

TT. Thích Chân Quang:  Thật ra, trong đạo Phật không lệ thuộc vào can, chi. Bởi vì can, chi là văn hoá của Á Đông, của Việt Nam, của Trung Hoa. Còn đạo Phật thì ngày nào, giờ nào cũng là giờ để chúng ta tránh tội, làm phước. Năm nay là năm Tân Sửu, là năm con trâu, con trâu là linh vật biểu tượng cho sự siêng năng, tận tụy, trung thành, cần mẫn, chịu thương chịu khó. Chúng ta lấy đó làm một bài học. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau chịu thương chịu khó, siêng năng, tận tuỵ và điều này cũng phù hợp với quan điểm của Nhà nước là chúng ta vừa chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế.

Mỗi người đều ý thức thêm một chút, cống hiến nhiều hơn một chút, phụng sự nhiều hơn một chút từ việc nhỏ đến việc lớn thì tất cả sẽ góp thành một sự tiến bộ của đất nước. Ví dụ, một em bé trong gia đình phụ giúp bố mẹ mình nhiều công việc nhà hơn, thì bố mẹ sẽ cống hiến nhiều hơn trong cơ quan, trong cộng đồng. Còn người trong cơ quan, trong cộng đồng, trong công ty siêng nhiều hơn một chút thì hiệu quả, công suất cũng nhích lên thêm một chút. Tất cả mọi người đóng góp một chút như vậy đất nước ta sẽ tiến bộ, sẽ phát triển, GDP hy vọng sẽ tăng lên, dù ta có bị dịch, nhưng mà cũng sẽ được tăng lên. Đó là tinh thần siêng năng, tận tụy, phụng sự và đó chính là đạo lý của nhà Phật, là ta không sống vì mình, mà ta cố gắng sống vì cộng đồng, vì tất cả.

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất