Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Tứ Niệm Xứ 04

-

Trong đêm giao thừa, khi người người nhà nhà đang sum vầy thì vẫn có những Phật tử đã tạm xa gia đình để về Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT) đón chào năm mới, và cùng đón nhận món quà đạo lý từ Thượng tọa trụ trì vào lúc 20h00”, tối  ngày 31/01/2022 (nhằm ngày 29/12 AL) về đề tài  TỨ NIỆM XỨ IV.  Đây là bài Pháp thoại nối tiếp của “Tứ Niệm Xứ 01”, “Tứ Niệm Xứ 02”, “Tứ Niệm Xứ 03” có nội dung đi sâu vào cái lõi CHÍNH MÌNH, rất trừu tượng khó hiểu, nhưng cực kỳ quan trọng cho cuộc đời tu hành của người con Phật. Cứ mỗi bước đi, mỗi chặng đường tu hành đều được Thượng tọa trình bày tỉ mỉ, tường tận trong mỗi bài Pháp thoại Tứ Niệm Xứ từ 01 – 04.

Đặc biệt năm nay, những bài Pháp thoại của Thượng tọa trụ trì đều diễn ra dưới hình thức trực tuyến (online) để quý Phật tử không thể về chùa vẫn có thể được thính Pháp.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định Tứ Niệm Xứ 04 chỉ dành cho những người đã đi qua một thời gian dụng công tu tập có kết quả, có thiện chí thành kính, phải hết sức tập trung, vừa nghe vừa cầu nguyện Chư Phật gia hộ cho mình thì mới lĩnh hội được hết ý nghĩa của đạo lý. Ý chính của bài Pháp đã được Thượng tọa gián tiếp đề cập rất nhiều lần từ các buổi thuyết Pháp trước đó (Tứ Niệm Xứ 02,03) và hôm nay Người nói thẳng vào vấn đề để Phật tử thấy việc “tìm thấy chính mình” không phải dễ.

Ngày xưa, Phật dùng chữ Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, các vị Thiền sư Trung Hoa dùng chữ Kiến tánh thành Phật, còn ngày nay ta dùng chữ “chính mình”. Dùng đúng thời Đức Phật là chữ Thiền.

Trong Tứ Diệu Đế, Phật đã xác định giải thoát giác ngộ như mục tiêu tối thượng của đạo Phật. Và để đến được mục tiêu cuối cùng này, ta buộc phải đi qua Bát Chánh Đạo. Những chánh trước (Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng) là để tạo nên công đức lớn lao vững chắc, nhờ công đức này mà ta bước vào thiền định được Chánh tinh tấn, Chánh niệm, cuối cùng là Chánh định.

Người nhấn mạnh, Chánh định ở đây chính là phần nhập định, nó là cái bí mật của những bậc Thượng căn, bậc Thánh. Tu thiền, nhiều lúc ta thấy tâm yên ổn, tỉnh giác, nhẹ nhàng thì đó cũng chỉ là Chánh niệm. Có khi, cảnh giới mà ta tưởng là Chánh niệm đó vẫn chỉ luẩn quẩn ở Chánh tinh tấn thôi. Còn Chánh định hiếm ai trên đời đạt được đến cảnh giới này. Tuy nhiên, ai tu gì thì tu, nếu đi đúng hướng, cuối cùng đều phải tu tập Thiền định, đó là điều bắt buộc. Thiếu thiền định, ta chưa thể vào được cốt lõi của đạo Phật.  

Nhưng để tu Thiền được, Thượng tọa nhắc nhở Phật tử phải nhớ rõ 2 điều: Một là tu dưỡng đạo đức, hai là làm nhiều công đức. Được 2 điều này, ta sẽ biết làm phước mà không chấp công. Phải người rất đạo đức, rất trí tuệ mới thực hiện nổi. Rất nhiều người cứ làm đâu chấp đó, rồi bản ngã tăng lên, sân si, kiêu mạn, hơn thua nhau từng chút một. Làm phước mà chấp công ta sẽ lạc qua một hướng khác, không bao giờ lọt được vào chính mình. Mà không làm phước, ta không có phước để vào được Thiền định.

Có người một năm hay hai năm, có người mấy mươi năm, có người qua nhiều kiếp làm phước và tinh tấn thiền định mới đến được cái ngày mà tâm họ được rỗng rang thanh thản an vui, như khu rừng gai góc biến thành vườn hoa đẹp xinh. Tuy nhiên, vườn hoa đó thường làm cho người ta dừng lại say sưa chiêm ngưỡng, không biết rằng trong nhiều khóm hoa lạ đó chỉ có một chỗ duy nhất là cánh cửa để đi vào chính mình. Vì đã dừng lại chiêm ngưỡng nên không bao giờ tìm được chính mình để nhập được định, thế là họ cứ loay hoay luân hồi tái sinh mãi, chẳng chứng được quả vị nào, chẳng sinh về cõi trời, thậm chí còn mang theo một số tà kiến nguy hiểm qua kiếp sau.

Nơi ngôi vườn xinh đẹp đó chỉ có một cánh cửa để đi vào chính mình, ngoài ra là rất nhiều lối dẫn đến ngõ cụt vô ích và nguy hiểm, dù những ngõ cụt đó ban đầu mang lại cảm giác an lạc.

“Chính mình” giống như là cái ta, nhưng cái ta trung tâm này sẽ dẫn lối đi vào vô ngã (nơi chính mình mang tính chất vô ngã dù ta chưa đạt được vô ngã), ngoài ra không có con đường nào khác để nhập định nên ta buộc phải tìm được chính mình.

Cái chính mình ở ngay nơi tâm mình, không xa. Chỉ cần một chút phước duyên, một chút khéo léo, thông minh, ta sẽ tìm được chính mình nơi tâm thanh tịnh. Không đủ phước duyên, không đủ thông minh thì dù ngồi thiền được thanh tịnh cũng không tìm thấy.

Cái thông minh này bắt đầu từ việc biết lỗi chính mình. Đây cũng là lí do mà bao nhiêu năm trời tu tập, Thượng tọa luôn dặn mọi người phải biết lỗi mình. Biết nhìn lỗi của mình phải là người rất thông minh, can đảm. Nhân quả đổi lại là sẽ có lúc họ tìm được chính mình.

Dịp này, Thượng tọa còn liệt kê rất nhiều yếu tố để mọi người có thể tìm được chính mình:

– Đầu tiên là mỗi ngày phải biết sám hối, lễ Phật với cái tâm tôn kính tuyệt đối và giữ giới, đừng làm gì sai để vơi dần những nghiệp quá khứ. Khi nghiệp đã nhẹ thì những dông bão mờ mịt trong nội tâm cũng tan đi, cảnh giới của một nội tâm quang đãng thanh tịnh rỗng rang dần hiện ra. Vọng tưởng là nghiệp, là dấu vết của tội lỗi, không có một kỹ thuật nào có thể chặn đứng được nó. Đừng ai nghĩ mình làm chủ được vọng tưởng, chỉ có sám hối mỗi ngày, không làm gì sai thì vọng tưởng mới tự tan.

– Thứ hai, phước lành tăng trưởng rất nhiều, nhờ ba tâm hạnh căn bản (tôn kính Phật – Từ bi – Khiêm hạ) và nhờ siêng năng vất vả bồi tạo công đức. Không bao giờ có chuyện một bậc Thánh chứng đạo mà đạo đức cạn cợt. Bậc Thánh là bậc đạo đức tột cùng, cực kì trí tuệ. Và tất cả cái trí tuệ đó không phải để tìm cái lợi cho mình mà biến nó thành đạo đức, yêu thương, đối xử tốt đẹp với muôn loài. Nên ta thấy, bậc Thánh rất sâu sắc trong từng lời ăn tiếng nói, từng ánh mắt, cử chỉ. Họ kiểm soát được chính mình, là bậc thầy cho chúng ta học tập mãi mãi.

Ngẫm lại mình, nếu phước lành, đạo đức chưa sâu dày, ta phải tiếp tục bồi đắp tu dưỡng chứ đừng mong bất ngờ đắc đạo. Và trong vô số công đức cần làm, cuối cùng có một công đức đỉnh cao là giúp nhau tu hành hướng về giác ngộ vô ngã. Chưa làm được công đức này, ta chưa đủ phước để tiến tu.

Bình thường không ai tự nhiên đứng lại nghe chúng ta giảng giải về đạo lí vô ngã, giác ngộ. Chỉ người rất tin tưởng mình thì khi ta nói là chú ý nghe liền. Nên chỉ ai sống một đời đạo đức, làm cho mọi người xung quanh tin tưởng mình mới có thể thực hành được công đức đỉnh cao, giúp mọi người cùng tu, hướng về vô ngã. Chưa đủ uy tín để giúp người khác cùng tu hành giác ngộ thì cái phước để ta có thể ngộ đạo, tiến tu là chưa đủ. Do đó, ta phải sống và tu làm sao để ai cũng tin tưởng, yên tâm vào đạo đức, công đức của mình.

– Thứ 3, ta phải ngồi thiền đúng phương pháp, đúng tư thế, ngồi đàng hoàng, giữ tâm thanh tịnh, không được dễ dãi. Phải tập căn bản cho đúng, đúng từ tư thế cho đến hơi thở. Tu được điều này, có người mất mấy tháng, mấy năm, cũng có người phải sám hối, lễ Phật vất vả cả đời mới đạt được.

Tiếp đến, phải cảm giác toàn thân để hỗ trợ cho sự tỉnh giác và hơi thở. Có một cái hay là khi biết rõ toàn thân thì tâm ta yên. Ngược lại, khi tâm yên tự nhiên ta biết rõ toàn thân. Khi tâm chúng ta bắt đầu yên, thanh tịnh thì cái biết toàn thân gom lại ở mảnh xương cùng và hơi thở

Ngoài ra, khi ngồi thiền ta còn phải biết hơi thở vào ra rõ ràng mà không điều khiển. Ta cũng hỗ trợ hơi thở thiền định bằng Chánh tư duy, tức là những tác ý đúng đắn kèm theo hơi thở, để chặn tà tư duy tấn công vào hơi thở. Có năm loại chánh tư duy: Tôn kính Phật, từ bi, khiêm hạ, vô thường, thân tâm là một khối tội lỗi.

Xin lưu ý rằng “biết hơi thở” cũng là bản ngã vì còn cái “biết”, hễ còn giữ cái “biết” thì ta không buông tay để vào sâu nữa được. Vì vậy dù ban đầu ta phải biết hơi thở rõ ràng nhưng đến lúc nào đó cũng phải thông minh tinh tế bỏ luôn cái biết, chỉ còn lại hơi thở rõ ràng – hơi thở vào ra ta không điều khiển, không dẫn lên dẫn xuống và không biết luôn. Đây là chỗ mà các Thiền sư hay diễn tả rằng nơi vực thẳm buông tay.  Nghĩa là, ta đang cố gắng níu vào cành cây, bờ đá để không bị rớt xuống vực thẳm. Cái ta bám vào là chỗ cuối cùng, đó chính là cái biết. Thì ở đây, ta buông bỏ cái biết luôn, chỉ còn hơi thở vào ra rõ ràng.

Để dễ hiểu hơn, ta hãy nhìn vào cái phễu, trên miệng rất to, chỉ có một cái lỗ nhỏ phía dưới. Khi tâm ta thanh tịnh, ta cũng ở trong cảnh giới rộng rãi như miệng phễu. Trong cảnh giới biết hơi thở đó, có người an trú vào cái rỗng rang của tâm mình, có người an trú trong hơi thở vào, hơi thở ra… tất cả những điều đó là chúng ta đang chạy vòng vòng. Chỉ ai gan dạ, buông luôn, không an trú, không điều khiển, không biết thì rớt vào lỗ phễu, lỗ này là chính mình. Tức là cảnh giới tâm thanh tịnh, ban đầu biết hơi thở, sau buôn bỏ cái biết, chỉ còn hơi thở thì hơi thở đó dẫn ta đến sát với chính mình, chứ không phải chính mình.

Tự nhiên cảm giác của hơi thở sẽ nằm đâu chỗ bụng, chỗ ngực, không có vị trí cụ thể mà chỉ là một cảm giác rất trừu tượng. Nơi cảm giác trừu tượng (nơi bụng nơi ngực) đó nó cách chính mình một đường tơ mà thôi, rất gần nơi chính mình. Có những vị Thiền sư bất ngờ ngộ đạo họ lọt vào chính mình không cần hơi thở, nhưng chúng ta không phải là căn cơ của Thiền sư đó nên mình phải nhờ hơi thở và hơi thở rất là quan trọng. Phật dạy chúng ta cả đời về hơi thở vì chỗ này. Nhưng thở thì cả thế giới này đều thở, người tu hành cũng thở, tập khí công cũng thở, tập gym cũng thở, rất nhiều phái thiền tập thở nhưng thở làm sao cuối cùng để nó dắt mình về với chính mình thì mới quan trọng.

Tuy nhiên cái chính mình cũng nhiều lớp, ban đầu hơi thở dắt chúng ta vào chỗ chính mình nơi bụng nơi ngực, vùng đó còn to nhưng nếu chúng ta đủ phước và đủ công phu lâu dài thì chiếc phễu nhỏ dần nhỏ dần, đến khi chỉ còn có một điểm như hạt bụi chứ không phải to như miệng phễu. Lúc đó chúng ta mới thấy ích lợi mà mấy mươi năm qua ngày nào chúng ta cũng nhắc mình chỉ là cỏ rác, cát bụi. Chúng ta an trú dần dần vào chỗ chính mình chỉ như một hạt bụi, hơi thở chỉ còn là một sợi tơ.

Nhưng khi chúng ta tìm được chính mình bằng con đường hơi thở, nhờ hơi thở mà chúng ta không biết luôn, chỉ còn hơi thở rõ ràng thì sẽ dắt chúng ta đi vào chính mình. Lúc này cảnh giới hiện ra, tâm điểm chính mình hiện ra làm tâm chúng ta tự yên, lúc đó không chiến đấu vọng tưởng mà vọng tưởng khởi thì biết và cũng dẹp luôn cái biết, không canh chừng vọng tưởng nữa. Trước đây chúng ta hay lầm, khi thấy mình có tỉnh giác, vọng tưởng khởi lên là biết, nhờ biết nên vọng tưởng không dắt mình đi, nó tan liền. Và chúng ta lấy cái canh chừng vọng tưởng đó là công phu nhưng tới ngày hôm nay cái canh chừng đó cũng bỏ luôn, không cần canh chừng nữa. Khi tìm được chính mình, hơi thở mà chúng ta buông cái biết sẽ dắt chúng ta vào vị trí chính mình trong nội tâm thì tự tâm chúng ta thanh tịnh, tâm yên.

Khi tâm yên rồi vô số cảnh giới thù thắng hiện ra, dụ chúng ta ra lại. Ví dụ, cái đơn giản nhất nó dụ ta là trạng thái an lạc, hạnh phúc, từ sợi lông, ngón tay, ngón chân, toàn thân, chỗ nào cũng hỉ lạc, cũng biết rõ. Mặc dù cảnh giới này đúng nhưng ta phải quyết tâm an trú, giữ chặt chính mình, không được chạy theo nó. Và còn vô số cảnh giới thù thắng, vô số những kiến giải hiện ra, thơ văn tuôn trào, thiền ngữ nói chớp nhoáng bắt đầu hiện ra… tất cả những điều đó đều dụ chúng ta ra khỏi chính mình.

Cái chính mình chỉ có một điểm nhỏ như hạt bụi, lọt vào đó thì khó, bỏ ra khỏi đó rất dễ. Bỏ chính mình để tận hưởng những trạng thái của Thiền sẽ khiến ta mất phước, trở lại thành một người bình thường. Nên khi an trú được nơi chính mình, ta đừng khờ dại chạy theo những cảnh giới của nó, phải giữ chặt chính mình. Nên nhớ cái “Ta giữ chặt” là vọng tưởng trên đầu, còn cái “chính mình” tự nó ở phía dưới bụng, dưới ngực. Nó không phải một vị trí cụ thể mà là một cảm giác rất tinh tế, trừu tượng, chỉ người thông minh mới cảm nhận được.

Khi tâm rỗng rang, nói tâm không có gì là sai bởi trong cái thanh tịnh ấy còn một cái giữ, một cái chấp nhưng ta không thấy. Tâm thanh tịnh mà bỏ luôn được cái ta bí mật để giữ cái thanh tịnh thì ngay lập tức có một điểm trung tâm xuất hiện là chính mình chứ không phải hư vô. Vì giữ cái thanh tịnh đó nên ta thấy rỗng rang thôi. Giống như một khoảng trống, coi vậy cũng có khoảng trung tâm, bỏ khoảng trống đi, điểm trung tâm, hay cái chính mình hiện ra liền.

Giống như ngọn nến trong phòng tối. Nó soi rõ mọi vật cho ta thấy. Nhưng nếu nó nhấp nháy, cảnh vật cũng loạn lên, những cảnh vật ta thấy vậy chứ không phải vậy, bởi đó là thấy trong điên đảo. Ta nghĩ nó hạnh phúc, không ngờ nó là đau khổ, nghĩ nó thường, hóa ra lại là vô thường. Chỉ khi ngọn lửa đứng yên thì nhìn cái gì mới đúng là cái đó nhưng nó chưa phải chính mình. Khi nào không an trú nơi ngọn lửa, tìm thấy cái tim của đèn, hiểu được chính mình thì cái chính mình là như vậy.

Tức là tâm rất thanh tịnh, rất tỉnh giác nhưng không đi ra ngoài, không chạy theo trần gian tạp nham, chỉ ở lại nơi chính mình. Với hàng thượng căn, nơi cái tâm thanh tịnh mà không níu giữ thì trung tâm chính mình hiện ra, họ cảm nhận thấy liền. Nhưng hàng sơ căn, phải nương vào hơi thở cho đến lúc bỏ được cái biết, chỉ còn hơi thở rõ ràng.

Đến đây, ta thấy Thiền của Phật và Thiền tông Trung Hoa có một chỗ khác nhau. Thiền sư bên Thiền tông Trung Hoa sau khi tìm được chính mình, họ có thể đứng lại đó, nhiếp tâm, hưởng thụ, an trú nơi chính mình hoặc tiến sâu hơn vào định. Còn thiền của Phật, khi ngộ được chính mình rồi vẫn không bỏ hơi thở, bởi nó có công năng đưa ta đến chính mình và giữ ta không rời khỏi chính mình. Nhiều người tu tập hơi thở của phái này, phái kia, nhờ cái phước họ cũng đến được chỗ chính mình nhưng lại bỏ qua luôn, đi tìm chỗ an trú khác bởi họ không được Thầy mình dạy cho điều này. Vậy nên, cái khó nhất của người tu Thiền là khi dụng công trong tâm, không ai biết để chỉ đường cho, cứ sai đúng tự mình. Rồi dụng công sai lại đi vào ngõ cụt, thiếu phước bắt đầu sinh thiền bệnh.

Nên khi chúng ta có duyên tìm được chính mình, chúng ta lọt vào đáy phễu rồi nhưng mà nếu không có Thầy hướng dẫn thì vô số cảnh giới dụ chúng ta ra khỏi chính mình mà chúng ta tưởng là cao siêu. Do đó, nhân bài Pháp thoại này Thượng tọa cứ răn nhắc: người nào buông luôn cái biết của hơi thở, chỉ có hơi thở rõ ràng thì hơi thở dắt mình vô chính mình liền; mình có cảm giác nó chỉ là hơi thở nơi bụng nơi ngực (vị trí rất trừu tượng). Một cảm giác không có vị trí cụ thể nào thì tâm mình yên dần, lúc này mọi thù thắng hiện ra thì đừng khờ dại chạy theo những cảnh giới đó mà phải “giữ chặt chính mình, an trú chính mình”.

Thượng tọa khẳng định, thời Đức Phật không có chuyện người tu Thiền tu mãi không chứng (cứ vào nơi chính mình rồi lại bị những cảnh giới thù thắng dụ ra) bởi có các vị A La Hán nhắc nhở, giữ lại. Nhờ đó, người tu cứ yên ổn, đi sâu mãi vào trong chính mình, đi qua các lớp thiền từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền. Qua thời Đức Phật, không có người nhắc nhở, cảnh giác nữa nên tìm được chính mình rồi, ta mải tận hưởng vô số cảnh giới đẹp, bày tỏ thiền ngữ, sự tự tại với nhau, rồi gieo cái nhân ra ngoài mà không biết. Đến đây, ta mới thấy hơi thở rất hay và quan trọng. Nên Phật luôn dạy về hơi thở là vì vậy.

Nhờ hơi thở ta thấy mình nhỏ dần nhỏ dần, nơi chính mình nhỏ dần lại như một hạt bụi. Và hơi thở cũng níu ta lại trong cái chính mình để không khờ dại tận hưởng bao nhiêu cảnh giới thù thắng xuất hiện. Nói về những cảnh giới thù thắng do tâm thanh tịnh hiện ra, dụ người tu ra khỏi chính mình, có lẽ Thượng tọa là người đầu tiên đưa ra sự cảnh báo này, vì những cảnh giới thù thắng do tâm thanh tịnh hiện ra, ai cũng tưởng đó là đúng.

Người chỉ rõ 2 loại dụ cụ thể: Một là vọng tưởng kéo ta đi về với trần gian; hai là những cảnh giới của tâm thanh tịnh dụ ta ra khỏi chính mình. Để an trú, giữ chặt được chính mình, ta phải nhờ 2 điều: hơi thở (đừng bỏ hơi thở dù đã tìm được chính mình) và công đức tôn kính Phật tuyệt đối (phải là tuyệt đối chứ tôn kính hơi hơi cũng mất). Có như vậy, ta mới đủ sức kiên cường cưỡng lại sự hấp dẫn của vô số cảnh giới thù thắng trong Thiền định.

* Có những ngõ cụt (nhiều cảnh giới, tà kiến) làm ta ra khỏi chính mình, đưa đến thiền bệnh, mọi người cần chú ý để tránh:

– An trú tâm một cách sai lầm, chẳng hạn an trú nơi lòng bàn tay.

– Ngắm nhìn trạng thái rỗng rang trong tâm, tự cho mình đã kiến tánh.

– Hưởng thụ cảm giác hỷ lạc.

– Theo dõi các luồng khí chạy trong thân. Khi tâm thanh tịnh, những luồng khí chạy lên chạy xuống trong thân là nội lực thật sự, làm cho cơ thể ta rất khỏe. Nhưng bám vào nó cũng làm ta mất chính mình.

– Hào quang: nhắm mắt lại thấy hào quang rực sáng cả tam thiên đại thiên thế giới.

– Thần thông: biết tâm chúng sinh, biết quá khứ vị lai… Ngay chỗ này, ta phải cưỡng lại những cái mầu nhiệm lạ lùng, an trú chính mình để tiến xa trên con đường giải thoát. Vướng vào những điều đó, rồi ra khỏi chính mình, không kiếp này thì kiếp khác, ta lại trở về người bình thường không biết gì cả.

– Kiến giải tuôn trào: ta thích làm thơ, nói Thiền ngữ, diễn tả trạng thái khai ngộ, trạng thái tâm chứng của mình. Nói Thiền ngữ tức là nói bóng gió, chỉ người ngộ đạo mới hiểu, người không ngộ đạo không hiểu. Đây là một ngõ cụt rất nguy hiểm, là thiền bệnh. Nhiều người giáo hóa bằng lối Thiền ngữ khiến đạo Phật tiêu luôn. Vì trên đời mấy ai chứng ngộ mà hiểu Thiền ngữ. Mà nếu chứng ngộ rồi, họ không cần ai khai ngộ nữa. Nên ta nói bậc Bồ tát từ bi, đem Chánh pháp đến với từng người bằng cách gieo duyên lành, bằng những bài kinh với ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, chứ không phải cứ đọc răm rắp rồi không ai hiểu gì là sai. Chấp trong ngôn ngữ cũng là một loại giới cấm thủ. Nên việc mà dùng Thiền ngữ bí hiểm để giáo hóa là một sự thất bại.

– Tự tin thái quá thành ra kiêu mạn: tìm thấy chính mình rồi, thấy chân lí rồi là không còn sợ luân hồi lục đạo gì nữa hết. Mới tìm được chính mình, có khi mới mấp mé con đường để vào Sơ thiền chứ chưa phải là Sơ thiền mà tự tin thái quá, thấy mình cũng như ai, thấy Phật cũng vậy thôi, không hiểu được trí tuệ của bậc Chánh đẳng giác vĩ đại đến mức độ nào. Ta bắt đầu khởi tâm kiêu mạn, quả báo là nhiều kiếp sau đọa trở lại thành người rất tầm thường. Nhiều người tự tin đến mức mắng Phật mạ Tổ cho rằng mình mới là bình đẳng, đã ngộ được chân lý tự tại bình đẳng giữa muôn loài, muôn vật, đó cũng là một loại thiền bệnh.

Sức mạnh của lòng tôn kính Phật tuyệt đối: Có những trường hợp tâm yên mà không tìm thấy chính mình. Trường hợp này rất nhiều kể cả trong đạo Phật hay ngoại đạo. Nguyên nhân là không đủ công đức, đặc biệt công đức từ lòng tôn kính Phật tuyệt đối, hoặc làm phước nhiều mà chấp công. Vì vậy họ không đủ sức “vực thẳm buông tay”.

Ngoài ra, khi tìm được chính mình, ta có thể khởi lên một số tà kiến như sau:

– Nghĩ chỗ chính mình này là tất cả, còn lại không có gì quan trọng nữa, không cần trách nhiệm với cuộc đời, không cần hóa độ chúng sinh. Nhiều người ngộ rồi vào rừng sâu núi thẳm ở luôn là vì vậy. Để tránh tà kiến này, Thượng tọa chỉ dạy rằng ngay từ khi bắt đầu tu hành, ta phải phát nguyện độ hết chúng sinh, xây dựng tinh cầu này thành thế giới tràn đầy lý tưởng giác ngộ. Khi tìm được chính mình, tâm càng lúc càng thanh tịnh, lời nguyện đó vẫn bí mật nuôi dưỡng ta phía sau cho đến khi vào được chính mình, đạt được vô ngã. Nơi vô ngã ấy, cái hạnh nguyện độ sinh hiện ra, thôi thúc ta trèo đèo lội suối, chịu đựng được mọi vất vả, đem Chánh pháp đến cho mọi người, xây dựng thế giới thành một tinh cầu giác ngộ.

– Đứng ở vị trí ngộ đạo của mình mà phê bình tất cả, thấy mọi người si mê không thấy được tự tánh như mình. Ai nói gì ta cũng bài bác vì cho rằng ngôn ngữ là động loạn. Thế là vô tình chê luôn cả Phật pháp, kinh điển, Thánh ngôn, bác cả lời nói của bao nhiêu bậc hiền triết khắp thế giới. Dù ngộ đạo nhưng lại quên mất Bát Chánh Đạo của Phật là đi từ Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ…

Những tà kiến này đều làm ta tổn phước và thoái đọa không lâu sau đó. Vì vậy suốt bao nhiêm năm tháng tu tập, hãy luôn nhớ tác ý khiêm hạ tột cùng, thấy mình chỉ như đất bụi vô nghĩa mà thôi.

Đây là một bài Pháp thoại rất trừu tượng, khó hiểu nhưng lại cực kì quan trọng cho cuộc đời tu hành của mỗi người. Nếu chỉ nghe một lần, ta chưa thể nắm bắt hết các đạo lí có trong bài. Vậy nên, Thượng tọa yêu cầu mọi người phải nghe đi nghe lại nhiều lần, phải viết bài thu hoạch kĩ lưỡng. Đồng thời, ngày nào cũng phải lễ Phật cầu xin, bởi không có sự gia hộ của Tam Bảo, chúng ta khó lĩnh hội trọn vẹn ý nghĩa của bài Pháp.

Trước khi kết thúc bài Pháp, Thượng tọa yêu cầu tất cả Hội chúng cùng tụng hồi hướng bằng bài kệ:

Nguyện cho khắp Pháp giới chúng sinh

Ai cũng tìm ra được chính mình

Để rồi an trú qua nhiều kiếp

Cuối cùng ta vỡ, hết vô minh.

Bằng cách liệt kê, phân tích chi tiết, rồi so sánh, đi kèm nhiều ví dụ, Thượng tọa đã làm rõ nội dung chính đi sâu vào cái lõi CHÍNH MÌNH. Đồng thời qua đó chỉ ra những điểm cốt yếu, cách nhận biết cánh cửa vào được chính mình. Từ đó giúp người tu Thiền hiểu rõ tầm quan trọng, con đường đi vào chính mình sao cho đi qua được suốt từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền đến Tứ thiền. Đồng thời, Người cũng đưa ra cảnh bảo, hướng dẫn người tu tránh được các ngõ cụt, các tà kiến, mong giữ được thành quả tu hành để chung tay bảo vệ Phật pháp, xây dựng thế giới thành một tinh cầu giác ngộ.

Tóm lại, thông qua những luận giải của Thượng tọa, mọi người nhìn rõ hơn được con đường phía trước mà mình cần phải đi. Dù bài Pháp thoại rất dài nhưng lại rất dung dị, chỉ cần lắng tâm chúng ta sẽ nắm rõ nội dung và có thể thực hành được ngay.

Có thể nói, không một món quà nào có thể ý nghĩa bằng các đạo lí này trong ngày đầu xuân. Bằng lòng từ bi, trí tuệ, sự khéo léo của mình, Thượng tọa đã gieo những mục tiêu, hy vọng tốt đẹp cho mọi người trong năm mới, tạo động lực để mọi người vui xuân mà không quên nhiệm vụ tu hành. Từ đây, chúng ta yên tâm nương tựa vào Người, để tiếp tục bước tới, tu học, cống hiến, phụng sự, và làm lợi cho cuộc đời. Chỉ cần thực hành tốt những đạo lí hôm nay, hoàn thành mục tiêu xây dựng thế giới thành tinh cầu giác ngộ, chắc chắn ngày nào cũng là mùa xuân, là Tết của nhân loại./.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất