Trong không gian yên tĩnh của núi rừng, bỗng một tiếng chuông ngân dài, vang xa, đập vào vách núi rồi dội lại tạo thành một bản nhạc vang vang, khiến các ngã nguồn nghe thấu tưởng chừng như không bao giờ đoạn dứt. Đồng thời khiến cho người nghe cảm thấy khoan thai, nhẹ nhàng, mọi phiền não dường như tan biến. Tiếng chuông như có một sự hấp dẫn kì lạ khiến người nghe bị thôi miên, bước chân tìm về nó một cách vô thức.
Đây rồi! Tiếng chuông phát ra từ quả chuông cao 2m (tính cả quai), được tạc một cách tỉ mỉ, tinh xảo, đặt trong khuôn viên một ngôi chùa trên núi. Ngoài thiết kế bắt mắt, phát ra âm thanh huyền diệu, chuông còn thu hút mọi người khi nó được tạc trên mình một bài kệ “Vô ngã” và một bài kệ “Hô chuông”, nằm xung quanh bốn mặt chuông.
Đọc bài kệ, ta bỗng thấy ngộ ra được nhiều điều mới mẻ, nhất là về vai trò kì diệu của tiếng chuông. Theo đó, tiếng chuông không chỉ là thước đo thời gian cho các sinh hoạt trong chùa mà còn làm thức tỉnh tâm hồn mê muội của chúng sinh, dạy chúng sinh biết khởi lòng tôn kính Phật, biết hướng về những điều tốt đẹp, biết tu hành, sớm tìm về bờ giác ngộ. Tiếng chuông như tắm gội cho thân tâm ta thêm trong sạch, gieo vào tâm ta lòng từ bi, dạy ta biết diệt trừ bản ngã. Vậy nên, thật may mắn cho ai khi được nghe tiếng chuông và đọc bài kệ này dù chỉ là một lần.
KỆ GÕ CHUÔNG TO (ĐẠI HỒNG CHUNG)
– Gõ 3 tiếng đầu tiên chậm chậm ** * (chú thích: * nghĩa là một tiếng chuông)
. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần) *
. Nam Mô Đại Từ Di Lặc Tôn Phật (3 lần) *
. Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát (3 lần) *
. Nam Mô Hộ Pháp Chư Thiên Bồ tát (3 lần) *
. Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát (3 lần) *
– Nguyện tiếng chuông này vang khắp chốn
Mang theo thần lực của Như Lai *
Hóa độ chúng sinh muôn vạn loại
Quay về Phật Pháp thoát trần ai **
– Nguyện tiếng chuông này lan khắp nơi
Đem lòng bi mẫn của Như Lai *
Chúng sinh tỉnh ngộ lòng trong mát
Thương nhau bỏ hết những hẹp hòi **
– Nguyện tiếng chuông này bay thật xa
Sáng lên hạnh nguyện của Phật đà *
Chúng sinh hiểu được điều nhân quả
Gắng công tạo phúc tháng ngày qua **
– Nguyện tiếng chuông này xuống rất sâu
Địa ngục chúng sinh ngưng khổ đau *
Cúi đầu tôn kính Mười Phương Phật
Ăn năn diệt tội thoát ngục tù **
– Nguyện tiếng chuông này bay rất cao
Chư Thiên hộ pháp mãi bền lâu *
Đừng ai phá hoại đường chánh pháp
Chúng sinh nương tựa đến nghìn sau **
– Nguyện tiếng chuông này rất thiêng liêng
Ai nghe rồi cũng dứt ưu phiền *
Tỉnh giấc mộng dài đêm sinh tử
Quay đầu tìm thấy đạo bình yên **
– Nguyện tiếng chuông này rất linh thiêng
Chở che dân tộc khắp mọi miền *
Ơn Phật thấm nhuần trong trời đất
Người thương người thoát nỗi truân chuyên **
– Nghe tiếng chuông này xin lắng tâm
Quay về an trú biết toàn thân *
Biết thân tạm bợ, rồi tan hoại
Tỉnh giác trong từng hơi thở êm **
– Nguyện cho pháp giới khắp mười phương
Chúng sinh đắc đạo thánh phi thường *
Từ bi trí tuệ không cùng tận
Hòa trong biển giác của Pháp Vương ** *
Nam Mô Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật, Tôn Pháp, Chư Bồ Tát Hiền Thánh Tăng (3 lần) ** *, ** *, ** *
Thật vậy, mỗi tiếng chuông vang lên là có thêm một phép màu với chúng sinh. Tiếng chuông càng mầu nhiệm hơn khi người đánh chuông hiểu được vai trò và ý nghĩa của tiếng chuông, coi trọng và yêu quý chuông như chính bản thân mình. Chúng ta hãy nhắm mắt lại ở ngay phút giây này để cảm nhận sự thiêng liêng mầu nhiệm của tiếng chuông chùa, để ta về với thực tại sống trong tỉnh thức an trú trong chánh niệm.
Trên tất cả, mọi người cùng cố gắng mang tiếng chuông vang xa hơn đến tất cả mọi nơi bằng việc chung tay đúc thật nhiều đại hồng chuông. Đây không chỉ là việc gìn giữ tiếng chuông cho con cháu muôn đời mà còn góp phần giữ gìn nền văn hóa lâu đời, xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp, hiền hòa, an vui và hạnh phúc./.
Tuệ Đăng