Từ ngày 14 – 15/ tháng giêng/ năm Đinh Dậu (nhằm ngày 10 – 11/02/2017), tại Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh – BR-VT) tấp nập đoàn người đến du xuân vãn cảnh, lễ Phật, cầu an. Nơi đây, hầu như ngày nào cũng xuân, đó là mùa xuân của sự yêu thương, mùa xuân của đạo lý. Một mùa xuân miên viễn trong lòng người có Phật trong tâm. Đặc biệt, năm nay vào ngày 15 tháng giêng có đến một vạn lượt người đến chùa lễ Phật. Ngoài ra, còn có hơn 400 sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao Đẳng tại TPHCM, Cần Thơ, BR-VT đồng tham dự và phục vụ cho Lễ hội cầu an đầu năm.
Được biết, vào ngày 14 – 15 tháng giêng này, TT Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang vắng mặt ở chùa vì được thỉnh cầu chủ trì buổi Lễ tâm linh Lễ Khai Ấn Đền Trần và Cầu Quốc Thái Dân An tại Thanh Hóa. Thông thường, đi chùa lễ Phật cầu an ngày rằm tháng giêng đã trở thành một truyền thống hết sức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Đối với nhiều người, việc đi chùa vào những ngày tết, vào dịp rằm lớn không còn là của riêng các phật tử mà đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Những ngày của tháng đầu tiên trong năm là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành, mong mọi việc trôi chảy cho cả năm.
Trên tinh thần đó, đúng 8h00, khóa lễ Cầu An chính thức bắt đầu dưới sự chủ trì của ĐĐ. Thích Tánh Khoan – Phó trụ trì Thiền Tôn Phật Quang.
Dưới Phật đài trang nghiêm thanh tịnh, quý phật tử xếp hàng ngay thẳng, tất cả đều dâng lên lời nguyện cầu tha thiết, mong cho gia đình một năm an lành, mạnh khỏe, may mắn và nguyện sống phụng sự, cống hiến cho đạo pháp, cho dân tộc. Đồng thời, cầu mong cho chúng sanh được giác ngộ đạo mầu và đất nước thanh bình an vui.
Sau khóa Lễ cầu an, mỗi phật tử được nhận một “lá phép bình an” đã được đặt trên bàn Phật mấy tuần qua. Với ý nghĩa nương vào sự tu tập của toàn thể Tăng Ni, xin thần lực của Phật gia hộ cầu mong sự bình an, may mắn, giải thoát tai ương, tu hành không chướng ngại, cuối cùng rồi ai cũng đắc đạo đến với mỗi người.
Tiếp đến, một chương trình văn nghệ mang đậm màu sắc văn hóa – dân tộc – tâm linh diễn ra tại sân khấu chính của Bổn tự, nhằm nâng đỡ tâm hồn con người, tạo thêm chút niềm vui khi đất trời vẫn còn xuân nơi cửa Phật.
Tiếp theo, tại lễ đài ĐĐ Thích Tánh Khoan và ĐĐ Thích Toàn Thiện đã chia sẻ về ý nghĩa của câu chúc “Phúc lộc do từ bi mà đến/ Bình an bởi công đức được thành’’ trong lá phép bình an.
Theo đó, để được may mắn bình an suốt cả năm, Đại đức nhấn mạnh: Lời cầu nguyện cũng có giá trị khi ta thành tâm, cũng đóng góp một phần chứ không phải không, nhưng kèm theo đó phải làm rất nhiều điều thiện để ta xứng đáng được nhận sự gia hộ của Chư Phật.
Để có được phúc lộc chúng ta hãy mở lòng mình ra, quyết tâm diệt trừ cái ích kỷ hẹp hòi trong lòng mình, tức mình đang bước lên một đẳng cấp mới, đẳng cấp của những con người biết sống yêu thương, sống vị tha, biết sống vì tất cả. Chứ người mà chỉ tha thiết lâm râm khấn vái cho mình, cho gia đình mình thì người đó Phật cũng thương tình gia hộ đó, nhưng phước rất ít (không đáng kể), còn cái đức thì mất dần vì tâm ích kỷ chỉ lo cho mình. Hiểu điều này, chúng ta hãy cầu cho thiên hạ không cầu cho mình nữa, vậy mà từ đó trên mỗi bước đường đi của mình đều được trời Phật che chở.
Ví dụ, trong đầu năm mà với lòng thành của rất nhiều con người cùng cầu nguyện cho đất nước được bình an thì biến thành một sức mạnh tâm linh bảo vệ đất nước này. Cho nên, những ngày đầu xuân, ta đến chùa tụng một thời kinh, đọc một bài sám hướng về đất nước, hướng về thế giới này, tức cũng góp vào cho thế giới, cho đất nước một sức mạnh. Và với cá nhân của mình thì trong lời cầu nguyện cho đất nước, cho thế giới sẽ trở thành cái phước đi ngược trở lại cuộc đời của ta. Ngay đó cũng là sự tu hành. Khi có phước đức rồi thì tự nhiên mọi việc đều thành tựu. Còn nếu chỉ lo rèn luyện, trau dồi trên bề nổi, mà thiếu phước đức thì sẽ không việc gì như ý.
Lại nữa, vấn đề là ta không làm khổ mình, không làm khổ người, đây là sự cầu an chân chính nhất, vì ta có cái tật hay tự làm khổ mình và làm khổ người. Mà nhiều khi cái khổ của ta còn làm lây lan cho người khác; hoặc một cái ác của ta thôi mà làm khổ bao nhiêu người đi theo. Cho nên, sống theo kiểu vừa làm khổ mình vừa làm khổ người thì đó là bất an. Để được bình an thì chúng ta hãy làm ngược lại, tức không làm khổ mình; không làm khổ người.
Dịp này, các phật tử được dùng tiệc buffet chay do nhà chùa thiết đãi, với nhiều món ăn hấp dẫn trong một không gian vừa ấm cúng vừa trang trọng.
Đúng 12h00” cùng ngày, Lễ Quy y Tam bảo diễn ra cho hơn 100 hành giả phát tâm thọ Tam quy – Ngũ giới, chính thức trở thành một Phật tử chân chính tu hành trong đạo Phật./.
Tuệ Đăng
Hình ảnh tại thiền tôn Phật Quang ngày rằm tháng giêng đầu năm 2017: