Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápLo lại cái gốc Phước - bài giảng mùng 2 Tết 2020

Lo lại cái gốc Phước – bài giảng mùng 2 Tết 2020

-

LO LẠI CÁI GỐC PHƯỚC

(Bài giảng mùng 2 Tết Canh Tý – TT. Thích Chân Quang)

Mùa xuân là mùa biểu tượng của hạnh phúc an lạc. Vào những ngày đầu xuân Canh Tý, ai nấy đều phấn khởi đi lễ chùa đầu năm, để kính dâng lên Đức Phật những lời cầu nguyện cho năm mới được nhiều may mắn, an lành. Không khí vui xuân tại Thiền Tôn Phật Quang cũng chan hòa theo cảnh sắc thiêng liêng của đất trời và con người. Sáng mùng 2 Tết, gần 10.000 lượt người đến chùa lễ Phật, nghe thuyết Pháp và vui xuân trong đạo tình ấm áp. Dịp này, Thượng tọa Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng đề tài “LO LẠI CÁI GỐC PHƯỚC” – là món quà đạo lý quý giá dành tặng Quý Phật tử.

Theo Thượng tọa, thường chúng ta hay giải quyết khó khăn trong cuộc sống bằng cách đối phó trực tiếp với nó, và đây cũng là lý do tại sao chúng ta thất bại. Muốn cây lớn mạnh thì đừng nắm đọt kéo lên mà hãy chăm bón dưới gốc, cũng vậy, trong cuộc sống, chúng ta đừng chạy theo những gì trước mắt mà hãy nhìn vào gốc rễ của vấn đề.  

Ví dụ, căn bản nhất là kiếm tiền vì ai cũng cần tiền cả, nhưng nếu ta chỉ chăm chăm suy nghĩ cách tìm ra tiền thì đúng là chỉ chạy theo ngọn và cực kỳ bất an. Vì gốc rễ của tiền bạc, của hạnh phúc là phước. Vậy ta cứ bình thản cống hiến rất nhiều cho đời trước, còn lợi ích hay số tiền mà ta hưởng thì cứ để cho trời đất lo liệu, hãy để Luật Nhân quả sắp xếp. Hiểu được như thế lòng ta mới thanh thản.

Hoặc để thành công trong kinh doanh ta cũng dựa vào Nhân quả chứ đừng dùng thủ thuật, mánh lới. Bằng cách nào đó hãy cố gắng gieo ân nghĩa rộng rãi cho nhiều người, đây mới là gốc, rồi dần dần người ta mới tìm đến mình, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mình cung cấp.

Muốn một đứa trẻ học giỏi thì cũng đừng bắt trẻ phải học đêm học ngày, học một cách căng thẳng. Thay vào đó, hãy dạy cho trẻ tôn trọng thầy cô giáo. Trong Nhân quả, chỉ những đứa trẻ đủ lòng kính trọng thầy cô thì mới có ngày công thành danh toại. Và hai là định hướng rõ ràng “ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”, tức là học để đắp xây cho đời, mục tiêu rất vị tha. Đây cũng là cái nhân của tài năng. Đừng khờ dại định hướng cho trẻ mục tiêu vị kỷ đi tìm vinh quang cá nhân.

Hoặc một sức khỏe tốt không chỉ đến từ tập luyện, ăn uống mà còn do ta biết dùng sức lực để phục vụ cho cộng đồng. Đặc biệt là biết hạn chế hưởng thụ. Tại sao vậy? Trên đời có nhiều loại hưởng thụ mà Đức Phật gọi là dục lạc và tất cả mọi sự hưởng thụ đều lấy đi phước sức khỏe của ta. Vì thế hãy khước từ hưởng thụ mà tìm niềm vui thanh cao trong đạo đức, Thiền định và đời sống vị tha. Những người sống một cuộc đời trong sạch ít hưởng thụ sẽ được sức khỏe dẻo dai hơn là người thiêu đời mình trong những cuộc vui loạn động.

Hoặc muốn được thương yêu thì đừng tìm cách chiếm cảm tình riêng, mà phải làm sao lòng mình thương được mọi người trước. Nhân thương yêu đã gieo đủ rồi thì ta sẽ được thương yêu lại một cách rất tự nhiên. Bằng không, nếu ta cố ý chiếm cảm tình bằng một thủ thuật nào đó thì cũng chỉ được một thời gian, không bền, rồi cũng bị ghét bỏ.

Hoặc thay vì dùng tiền hối lộ để được lên chức thì ta hãy lễ kính bậc Thánh và cống hiến rất nhiều. Ai tôn kính bậc Thánh là đang gieo nhân được ở địa vị cao, được kính trọng. Ai sống tử tế hy sinh vì cuộc đời cũng là đang gieo nhân được ở vị trí có trách nhiệm, có quyền để lo lắng, sắp xếp cho mọi người.

Khi gặp thất bại, oan ức,… thì đừng loay hoay đau khổ tìm cách chống lại những khó khăn đó, mà hãy biết chấp nhận và bình tâm sám hối, lặng lẽ tạo phước. Ta ôm lấy khó khăn, bước vào khó khăn vậy mà khó khăn lại qua đi.

Dịp này, Thượng tọa cũng phân tích về bệnh trầm cảm – căn bệnh khiến người ta buồn bã vô cớ đến mức không muốn sống. Bệnh này gồm nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là đã hưởng thụ niềm vui quá nhiều, nên cuối cùng không còn gì để vui nữa, cho đến ngày họ tự tử mà chết. Cho nên đừng ham bày trò vui cho bản thân, thay vào đó hãy đi tìm niềm vui cho mọi người bằng một nụ cười, một lời hỏi thăm, một sự chăm sóc ân cần, một lời hướng dẫn đạo lý,… thì tự nhiên lòng ta sẽ vui. Niềm vui này rất công bằng, hợp lý và bền vững.

Cuối cùng, muốn đắc đạo thì đừng chỉ ngồi Thiền “lim dim” trong rừng vắng hang sâu, đừng trốn tránh cuộc đời mà hãy dấn thân phụng sự cuộc đời, mang đạo lý đến cho nhân gian.

Quả thực trong cuộc sống, ta đã bao lần chạy theo cái ngọn hời hợt của vấn đề để rồi bất an, khổ sở nhiều hơn. Nhờ có đạo lý Nhân quả mà ta dừng lại sự cạn cợt đó, ta biết rằng mọi chuyện đều có gốc rễ của nó và việc của mình là thanh thản gieo nhân cho đúng, cứ tận tụy phụng sự, hy sinh theo đạo lý từ bi,… thì mọi việc sẽ tự chuyển biến tốt đẹp, quả lành sẽ tự trổ ra. Nhân mùa xuân mới, hy vọng mỗi người chúng ta sẽ cùng nhau khởi động một lộ trình mới đầy trí tuệ, sâu sắc vì ta biết gieo những nhân lành đúng đắn cho đời mình.

Tổ truyền thông

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất