Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápVô Thường - chán nản hay tích cực - giảng mùng 5...

Vô Thường – chán nản hay tích cực – giảng mùng 5 Tết 2020

-

Sáng mùng 5 Tết tại Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, Thị xã Phú Mỹ, Tỉnh BR-VT) đã thêm đậm đà, ý nghĩa hơn khi 5.000 Phật tử đã hiện diện, lắng lòng đón nhận món quà đạo lý “VÔ THƯỜNG – CHÁN NẢN HAY TÍCH CỰC” do TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang thuyết giảng. Đây là món quà tinh thần đầu xuân, mong sao niềm hỷ lạc này sẽ theo các Phật tử đi mãi vào cuộc sống vì thực hành đạo lý Phật dạy.

Vô thường là giáo lý căn bản của Đạo Phật, tuy nhiên, không phải ai học về vô thường cũng biết suy ngẫm cho thấu đáo. Người nào bắt đầu chiêm nghiệm sâu xa lý vô thường, đó là người đã có chiều sâu trong tư duy, trong triết lý và đã bước sang trình độ tu tập tương đối cao.

Lẽ thường, mọi thứ trên đời có xuất hiện thì sẽ có phát triển, suy tàn rồi diệt vong. Đất trời trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông, con người cũng sinh ra rồi chết đi. Tài sản hay quyền uy vời vợi trên cao đều không phải vững bền mãi mãi. Quy luật muôn đời là vậy. Đối diện với bao đổi thay, đã không ít lần ta lo âu, u sầu.

Chỉ người biết tu mới biết chấp nhận, bình thản trước sự thay đổi, dù sự thay đổi đó khiến cho ta than khóc. Ví dụ, người từng thương yêu ta tha thiết nay đã quay lưng chạy theo tình cảm mới. Ban đầu, ta thấy “cái chấp nhận” sự thay đổi chẳng giải quyết được vấn đề gì, chỉ giúp ta bớt khổ một chút mà thôi. Tuy nhiên, hiệu quả của “cái chấp nhận” này lớn hơn nhiều. Nhờ biết bình thản chấp nhận mà ta không làm bậy, không tạo nghiệp, ta biết xử lý mọi việc cho êm thấm, khéo léo, nhẹ nhàng. Còn nếu ta quay quắt oán trách thế nhân thì ta sẽ muốn trả đũa, ta hành xử thô lỗ, hận thù,… khiến mọi người cũng bất an theo.

Cho nên, đối diện, suy nghiệm và chấp nhận sự vô thường giúp ta đi qua cuộc sống một cách bình yên và giữ cho cuộc đời bình yên theo mình. Phước sẽ được sinh ra từ đây.
Trong đạo Phật, “quán thân vô thường” là công phu tu tập cốt lõi, căn bản: ta suy nghiệm thân này (gồm thịt, máu, gân, xương, tim, thận, phổi, khớp, xương, móng,…) rồi sẽ già yếu, bệnh tật, chết đi. Sau khi chết thì sình trương, mục rữa, giòi bọ ăn dần cho đến khi chỉ còn xương. Cuối cùng ngay cả xương cũng rã thành tro bụi chìm vào lòng đất sâu, không còn gì cả. Mỗi ngày Đức Phật buộc các đệ tử của mình phải ngẫm về lý vô thường cho đến thấu đáo như thế.

Chúng ta thắc mắc rằng tại sao Đức Phật buộc phải quán kỹ lưỡng đến mức đó? Bởi đây là trí tuệ của Phật. Ngài biết phải quán chi li kỹ lưỡng chúng sinh mới thấm thía sự vô thường của thân xác, thấm cho đến đường tơ kẽ tóc. Điều này giúp bứng dần “chấp thân”. Mà “chấp thân” là gốc rễ của chấp ngã, khi chấp thân mỏng nhạt thì chấp ngã cũng nhỏ đi. Nhờ vậy, mà khi gặp vô số chuyện bất như ý ta sẽ bình thản hơn, không ray rứt, tiếc nuối, than trách, hận thù,… do đã nhổ bớt cái gốc chấp ngã rồi.

Thượng tọa cũng nhấn mạnh rằng, ngay lúc có được, ta phải thấy trước lúc mất, không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nắm giữ thứ gì mãi. Có căn nhà ta cũng dự trù trước lúc ta không còn ở trong nhà đó nữa, có tài sản cũng nghĩ đến lúc phải buông tay,… vì biết rằng không gì ở mãi với mình. Nhờ vậy, mà có cách sống rất vị tha, tử tế. Ví dụ, do không chấp căn nhà là của mình nên ta rất khiêm tốn, không cao ngạo, biết san sẻ, biết tiếp đãi mọi người ân cần, biết làm cho ngôi nhà đó thành nơi có ích cho mọi người. Không ngờ chính vì vậy mà nhân quả sẽ cho ta sống nơi căn nhà đó bền lâu.

Ngược lại, ai khăng khăng chấp giữ: nhà tôi, tài sản tôi, chức vụ tôi,… rồi hách dịch, xem thường mọi người, không biết san sẻ với ai cả thì nhân quả sẽ bước vào can thiệp, ngày nào đó sẽ mất tất cả, vô thường đến rất nhanh.

Cuối cùng, Thượng tọa nhắc nhở thính chúng dù thế gian là vô thường thì vẫn có những điều tuyệt đối không được thay đổi đó là lòng từ bi thương yêu chúng sinh, lòng kính Phật đậm sâu, con đường Thiền định cao siêu,… Dù thế giới này có đi về đâu thì những đạo lý này vẫn muôn đời bất biến.

Có thể thấy “vô thường” đã được nói đến rất nhiều trong triết lý Á Đông chứ không riêng đạo Phật. Tuy nhiên, chỉ Đức Phật mới phân tích sâu xa tận cùng về lý vô thường, cũng như giúp chúng sinh nương vào phép quán vô thường để khai mở tâm linh. Vậy mỗi ngày chúng ta hãy chiêm nghiệm sự vô thường thay đổi nơi thân xác mình và nơi cuộc sống. Nhờ vậy ta sẽ đi trong luân hồi thanh thản hơn, hạnh phúc hơn, giúp mọi người chung quanh cũng bình an hơn. Nhờ vậy, ta cũng mau tiến bước trên con đường tu tập Thiền định lâu xa.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất