Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápBồ Tát ứng dụng Luật Nhân Quả trong giáo hóa chúng sinh

Bồ Tát ứng dụng Luật Nhân Quả trong giáo hóa chúng sinh

-

Sáng ngày 27/11/2016 (nhằm ngày 28/10/ năm Bính Thân), nhân khóa tu Thiền tại chùa Từ Tân (Q. Tân Bình, TP.HCM), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng đề tài BỒ TÁT ỨNG DỤNG LUẬT NHÂN QUẢ TRONG VIỆC GIÁO HÓA CHÚNG SINH, với sự tham dự trên 1500 nghìn phật tử xa gần, bao gồm hơn 600 Thiền sinh và đông đảo giới trẻ.

43_01-12-2016

Đây là một bài Pháp thoại tiếp theo nằm trong loạt bài giảng mới về “Bồ Tát Đại Thừa”. Nội dung bài Pháp cho thấy: Việc giáo hóa chúng sinh của các vị Bồ tát thật không dễ dàng gì. Từ đây, mọi người biết khởi lòng yêu kính tuyệt đối với Phật và Bồ tát. Đồng thời, quyết tâm tu tập để không phụ sự hi sinh cao cả, cùng nghị lực phi thường mà các Ngài đã dành cho chúng sinh.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định người học đạo khi hiểu được một chút thường mắc phải bệnh là nghĩ mình giỏi rồi. Nhưng khoảng cách từ cái hiểu sơ sơ đó cho đến lúc thực hành được cách nhau mấy triệu kiếp. Vậy nên, con đường Phật Pháp mênh mông, xa xôi mà cao thượng là vậy.

Học về kinh Đại Thừa, hiểu được một chút mà nghĩ mình ngộ rồi thì sẽ khởi tâm kiêu mạn liền. Cái tâm này sẽ đóng lại con đường tu đạo, thậm chí là giết chết chúng ta. Đi trên con đường này, ta phải hiểu việc hóa độ của Bồ tát là rất vất vả. Thế nên, ta tu là phải bỏ qua cái “tôi” của mình mà nghĩ cho chúng sinh chứ đừng thấy có Bồ tát hóa độ rồi thì mình giải đãi, buông xuôi. Hoặc nghĩ mình là Bồ tát mà mang tội vào thân.

46_01-12-2016

Đạo Phật có những quan điểm khác với các tôn giáo khác. Ví dụ các tôn giáo tin rằng Thần thánh có đủ phép, đủ thần lực để thay đổi số phận con người. Trong khi đó, đạo Phật lại tin là mọi chuyện đều do nhân quả. Nếu Bồ tát sử dụng thần thông thì cũng đều tính toán trên Luật Nhân Quả chứ không bao giờ dùng một cách độc lập. Điều này càng cho thấy Bồ tát rất trí tuệ, vì chỉ những người có trí tuệ mới biết ứng dụng Luật Nhân Quả vào cuộc đời. Nó sẽ định hướng việc giáo hóa cho chúng sinh và chỉ rõ con đường cần bước tiếp trong tương lai.

Nghĩa là trước khi làm một việc gì đó, Bồ tát luôn phải cân nhắc dựa trên nhân quả, chứ không bao giờ ỷ mình có năng lực rồi lấy cái năng lực đó vun vút ra bên ngoài hay tác động vào chúng sinh theo ý muốn của mình.

Chúng ta cũng hiểu và tin Luật Nhân Quả, nhưng mức độ hiểu còn thấp nên thường bị sai. Bồ tát hiểu rất thâm sâu nhưng vẫn thua Phật. Chỉ Đức Phật mới chứng ngộ tuyệt đối và hiểu nhân quả một cách trọn vẹn.

Luật Nhân Quả rất sâu xa vì nó là vũ trụ. Trong vũ trụ, có rất nhiều thứ mà mắt thường ta không nhìn thấy được, đặc biệt là các trường. Cái trường cao nhất, cốt lõi nhất, tuyệt đối nhất là trường nhân quả. Vì vậy, một người chứng đạo, hiểu được Luật Nhân Quả sâu xa sẽ không dám làm sai điều gì, vì biết mọi thứ đều bị nhân quả chi phối.

47_01-12-2016

Trong cuộc đời này, việc đối nhân xử thế mà không được xây dựng trên Luật Nhân Quả thì chúng ta chỉ làm hại cho nhau. Riêng Bồ tát, vì biết rõ nhân quả nên chỉ làm lợi cho chúng sinh. Lại thêm, khi thấy lỗi lầm của người khác, Bồ tát cũng không trách vì mọi việc đều có nhân quả, có nguyên nhân của nó. Thế nên, đạo lí Phật dạy ta ghét việc ác chứ đừng ghét người ác. Nếu không, có một ngày ta cũng sẽ trở thành người ác.

Một bậc Bồ tát khi muốn giáo hóa, độ chúng sinh thì phải hiểu hết nhân quả của người đó. Giữa vô lượng kiếp, chúng sinh đã gieo những nhân gì để có cách giáo hóa tối ưu, chứ không phải tất cả đều giống nhau, đều biết đạo. Thượng tọa khẳng định, ta đến với đạo có 7 mức độ.

Đầu tiên là biết đạo. Nghĩa là ta có duyên gặp Phật pháp, được nghe một bài giảng, được ai đó rủ đi chùa. Nhờ vậy, hiểu về Phật pháp, về nhân quả cũng như việc tu hành giải thoát.

Mức độ thứ 2 là mến đạo. Hỏi nhiều người về Phật pháp thì họ biết nhưng rủ đi tu tập thì họ tìm mọi cách để từ chối. Những người này biết, nhưng không mến đạo vì duyên của họ chỉ đến vậy thôi.

Mức độ thứ 3 là siêng năng học hỏi, tìm hiểu về đạo. Người nào mến đạo rồi thì mới muốn biết sâu về đạo. Lúc này, cuộc sống, suy nghĩ, nội tâm của ta đã khác rất nhiều so với khi hiểu đạo sơ sơ.

48_01-12-2016

Mức độ thứ 4 là bắt đầu thực hành đạo lý. Khi hiểu kĩ đạo rồi, buộc ta phải thực hành tu tập những công phu về tâm linh và sống đúng với đạo lí. Sống đúng đạo lí là ta biết cân nhắc tội phước trước khi làm mọi việc, biết kiềm chế bản năng, biết giúp đỡ người khác. Đây là một bước tiến rất dài trên con đường tu tập.

Thực hành tu tập những công phu về tâm linh là ta tham gia những thời khóa tâm linh, tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền,… Lễ Phật là một công phu thuộc về tâm linh. Khi đó, chỉ có ta với Phật. Ta lễ kính Phật thiết tha, nguyện đem cả cuộc đời, cả tâm hồn này để theo Ngài.

Người đạt được mức độ thứ 4 này, tuy chưa chứng “bất thoái chuyển” nhưng tâm khá vững vàng, khó bị tác động. Con đường mà cuộc đời họ phải đi đã được định hướng rõ ràng, niềm hạnh phúc cũng bắt đầu xuất hiện.

Mức độ thứ 5 là hóa đạo. Khi người hành đạo đến mức độ sống và suy nghĩ đúng theo đạo lí rồi thì tự cái ảnh hưởng của họ lan ra cuộc sống của những người xung quanh một cách tự nhiên, không cố ý. Thực tế, dù chưa mạnh nhưng trong đầu ta lúc đó đã xuất hiện suy nghĩ mang đạo Pháp đến với chúng sinh.

Ban đầu, có thể mọi người còn quen với cuộc sống hưởng thụ nên thấy kì lạ với cách ứng xử chuẩn mực của ta. Nhưng lâu dần, họ tin tưởng, quý mến, hỏi han, tâm sự với ta. Dần dần, qua những lần nói chuyện như thế ta đã đem đạo lí gieo vào lòng người. Ta hành đạo thấm rồi, sẽ tự trở thành người hóa đạo cho những người xung quanh bằng chính cuộc sống và hành động của mình.

Thầy tu là người có cuộc sống chuẩn mực nên họ có tư cách, pháp lí, có sự công nhận để đăng đàn diễn thuyết trước đám đông. Mỗi lời họ nói ra đều là một mô phạm mẫu mực, gây được ảnh hưởng rộng rãi. Vậy nên, muốn hóa độ được nhiều chúng sinh thì chỉ có con đường xuất gia.

50_01-12-2016

Mức độ thứ 6 là hộ đạo, tức là bắt đầu có ý thức bảo vệ Phật Pháp. Đến đây, ta thấy Phật Pháp chính là ánh sáng, là tài sản quý giá của thế gian. Đó cũng chính là viên ngọc đem lại rất nhiều lợi ích cho cuộc đời này. Vậy nhưng, từ thời Đức Phật đến giờ, đạo Phật luôn bị chống phá bằng nhiều hình thức tinh vi. Vì lợi ích riêng tư, lợi ích nhóm hay tình cảm riêng với tôn giáo mình, nhiều thế lực đã không công nhận mà còn muốn diệt đạo Phật, khiến nhiều giai đọan, đạo Phật rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng.

Thử tưởng tượng, nếu một ngày đạo Phật mất đi, thế gian này sẽ chìm trong bóng tối, con người chỉ còn lại hơn thua, hận thù, cái thiện mất đi chỉ còn lại cái ác, thế giới sẽ sớm bị diệt vong. Không muốn điều này xảy ra, những người tu hành mà đạt được mức độ thứ 6 này lúc nào cũng có ý thức bảo vệ Phật Pháp rất cao. Họ biết rằng có rất nhiều âm mưu hiểm độc đang nhằm vào đạo Phật. Để ngăn chặn chúng, họ đã đoàn kết, chung tay với nhau để cùng hành động.

Để hộ đạo, ta cũng cần có trí tuệ để phân biệt rõ 2 hạng người đều làm mình yêu mến, nhưng tâm họ khác nhau. Một là họ khiến ta yêu mến bởi tâm từ bi thực sự. Hai là họ cố ý chiếm tình cảm của ta bằng nhiều cách. Người thứ hai này chắc chắn đang toan tính một điều gì đó không tốt.

68_01-12-2016

Mức độ thứ 7 là chứng đạo. Sau nhiều công đức từ khi biết đạo đến lúc hộ đạo, tâm linh bắt đầu khai mở giúp ta chứng một quả vị Thánh. Ta bắt đầu sống một cuộc đời khác mặc dù người ngoài nhìn vào, vẫn thấy ta là người bình thường. Vậy nhưng, nội tâm ta đã là một người khác hẳn. Lúc đó, ai nói xấu ta, họ sẽ chịu quả báo nặng nề, ngược lại ai khen ta thì được phước rất lớn. Tuy nhiên, muốn đạt được mức độ 7 này rất khó vì công đức phải rất lớn.

Bồ tát muốn độ chúng sinh cũng dắt chúng sinh đi theo đúng 7 mức độ đó. Tùy thuộc vào trí tuệ, mỗi vị Bồ tát lại có những cách khác nhau, từng bước dẫn dắt chúng sinh đến với đạo. Để đi từ mức độ thứ nhất đến mức độ thứ 7 là cả một quá trình gian nan, tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.

Không chỉ nghĩ cách để chúng sinh biết đến và chịu tu tập một cách nghiêm túc, Bồ tát còn luôn phải che chở, theo dõi, giúp đỡ để chúng sinh giữ vững được lòng mến đạo của mình. Một khó khăn, thách thức hay một âm mưu chống phá của các thế lực thù địch cũng có thể làm chúng sinh mất đạo tâm, mất luôn cả lòng tin với Phật Pháp. Như vậy, thật uổng phí. Lại thêm, phải sử dụng nhân quả chứ không được dùng phép thần thông, nên việc giáo hóa chúng sinh lại càng thêm cực.

86_01-12-2016

Ta không nói đến việc đi qua hết 7 mức độ, chỉ nói đến việc đi từ mức độ này lên mức độ kia cũng rất khó khăn, không biết phải mất bao nhiêu kiếp. Một trong những yếu tố gây khó khăn cho việc độ chúng sinh là ngôn ngữ truyền đạt. Các thầy nói đạo lí bằng ngôn ngữ, tâm hồn và thế giới của mình mà không sử dụng ngôn ngữ của chúng sinh nên mọi người không thể hiểu được.

Thêm nữa, sách viết về đạo Phật cũng là một phương tiện hữu ích để độ chúng sinh, nhưng những người viết ra đã đủ chánh kiến chưa? Hiện nay, có rất nhiều nguồn sử liệu nói về Đức Phật, nhưng kiến giải rất khác nhau và đều có những điểm sơ hở. Vậy nên, làm sao biết quyển nào là chính xác nhất để cho chúng sinh học đạo?

Tuy không thể lúc nào cũng bên cạnh để kèm cặp, hướng dẫn, nhưng các vị Bồ tát thì lúc nào cũng dõi theo ta để uốn nắn kịp thời khi cần thiết. Điều quan trọng nhất ta phải nhớ là muốn đắc đạo, cần phải có phước cực lớn. Đây là lí do mà Bồ tát không dùng thần thông, hô biến một cái cho chúng sinh đắc đạo ngay. Ngược lại, các vị ấy luôn tìm cách để chúng sinh tự gây tạo phước cho mình.

Không chỉ tạo phước mà tu cũng vậy. Ta tu là ta phải tự ngồi thiền, tự tụng kinh lễ Phật chứ không thể nhờ người khác làm thay được. Để chúng sinh tự làm được những việc này rất khó, nhưng Bồ tát buộc phải làm cho bằng được.

79_01-12-2016

Bằng nhiều ví dụ, Thượng tọa gợi ý rằng: Ta có thể kể chuyện về nhân quả cho chúng sinh nghe. Việc làm này phải được thực hiện một cách thường xuyên để lòng họ mở ra, biết suy nghĩ về việc làm phước, biết vẽ ra một tương lai tươi sáng cho mình, bằng cách làm lại những điều công đức mới.

Để chúng sinh có ý thức vậy thì ta phải nói chuyện, thuyết phục chúng sinh cho tới khi cánh cửa lòng họ được mở toang ra. Nghĩa là họ chứng được quả vị Tu Đà Hoàn rồi. Lúc này, họ biết sống vị tha, biết bỏ qua lợi ích cá nhân để nghĩ cho người khác, việc gì họ làm cũng tạo ra phước hết. Nhờ đó, phước của họ cứ tăng lên từ kiếp này đến kiếp khác.

Khi chưa chứng được Tu Đà Hoàn, họ có nghe và tin theo luật nhân quả, có phát tâm làm phước, nhưng cái tâm này không nhiều. Nghĩa là họ vẫn sống theo công thức cũ, vẫn nghĩ đến bản thân và thiên vị cho gia đình mình. Đây là bản năng của chúng sinh. Mà muốn vượt khỏi bản năng này để yêu thương, chan hòa với mọi người thì khó và hiếm vô cùng. Bồ tát giáo hóa chúng sinh là để cho họ làm được điều khó khăn này, tức mở lòng được với muôn loài. Đó là một sự thay đổi lớn khiến ta bắt đầu biết làm phước. Cái khó nhất trong việc giáo hóa chúng sinh của Bồ tát là ở chỗ này.

Khi chúng sinh chưa chứng Tu Đà Hoàn thì trách nhiệm của Bồ tát vẫn còn. Các Ngài vẫn phải nói, phải thuyết phục để mọi người không quên, không xao lãng. Mặc dù biết chúng sinh nghe mãi cũng chán, nhưng không nói thì mọi người không phát tâm. Vì vậy, tìm ra một phương thức truyền đạt mới thay cho việc chỉ nói không cũng là điều mà những người làm công tác truyền bá đạo Phật nên xem xét và nghiên cứu.

88a_01-12-2016

Ngoài ra, muốn dìu dắt chúng sinh thì phải biết cơ duyên, cá tính, lịch sử riêng của từng người trong các kiếp. Làm thế nào để đưa họ đến với đạo Phật một cách tự nhiên và thích hợp nhất. Đồng thời, biết cách gỡ bỏ những quả báo từ đời trước, để chúng sinh có thể trở nên thân thiện, hòa đồng, yêu thương được tất cả mọi người, mọi loài. Công việc này rất phức tạp, đòi hỏi trí tuệ và phép thần thông rất cao chứ không hề đơn giản.

Hiểu hết được những cái khó mà một vị Bồ tát phải đối mặt khi chấp nhận giáo hóa chúng sinh thì tâm chúng ta khởi lên một niềm yêu kính vô bờ bến với các Ngài. Nơi các Ngài, luôn chất chứa những công hạnh cực khổ, phải tu trong vô lượng kiếp mới thành.  Cho nên, khi quỳ xuống lạy Phật và Bồ tát, ta hiểu rằng lòng mình có kính yêu bao nhiêu cũng không đủ.

Bằng ngôn ngữ giản dị, kết hợp với những câu chuyện kể và nhiều ví dụ đời thường, bài Pháp thoại đã giúp các phật tử  hiểu rõ hơn công việc hóa độ của Bồ tát cùng sự hi sinh vô hạn của Bồ tát dành cho chúng sinh. Các Ngài đi vào đời, vừa tu tập hoàn thiện bản thân, vừa làm cho cuộc đời tốt đẹp và nhân bản hơn.  Và xã hội dù bất cứ ở thời kỳ nào cũng luôn cần đến những người như vậy, những người luôn nghĩ đến tha nhân. Từ đây, sự quyết tâm tu tập và lòng tôn kính tuyệt đối dành cho Đức Phật, cho Bồ tát được khởi lên trong lòng mỗi chúng sinh.

72_01-12-2016

Đồng thời, bài Pháp cũng khẳng định con đường tu tập của các phật tử rất khó khăn, vất vả, lâu dài. Tuy nhiên, tất cả chúng sinh không đơn độc trên con đường này vì luôn có các vị Bồ tát dõi theo, hộ trì và giúp đỡ. Các vị ấy không từ chối một chúng sinh nào hết. Vậy nên, chỉ cần có niềm tin và sự quyết tâm thì cuối cùng, ai cũng đi đến được sự giải thoát, giác ngộ./.

Tuệ Đăng

Những hình ảnh của khóa thiền Từ Tân cuối tháng 11/ 2016:

3_01-12-2016 5_01-12-2016 7_01-12-2016 8a_01-12-2016 9_01-12-2016 10_01-12-2016 15_01-12-2016 16_01-12-2016 17_01-12-2016 18_01-12-2016 23_01-12-2016 25_01-12-2016 26_01-12-2016 26a_01-12-2016 38_01-12-2016 43_01-12-2016 44_01-12-2016 46_01-12-2016 47_01-12-2016 48_01-12-2016 49_01-12-2016 50_01-12-2016 54_01-12-2016 56_01-12-2016 68_01-12-2016 69_01-12-2016 72_01-12-2016 73_01-12-2016 79_01-12-2016 80_01-12-2016 83_01-12-2016 86_01-12-2016 88a_01-12-2016 89_01-12-2016 91_01-12-2016 93_01-12-2016 96_01-12-2016 97_01-12-2016 98_01-12-2016 99_01-12-2016

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất