Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngChúng Thanh niên Phật QuangBuổi tu tập đặc biệt giữa các huynh đệ Bắc - Nam...

Buổi tu tập đặc biệt giữa các huynh đệ Bắc – Nam tại chùa Tứ Kỳ

-

Trong buổi tu tập đại chúng ngày 21/12/2017, gần 600 huynh đệ trong Chúng Thanh niên Phật tử Phật Quang miền Bắc đã vinh dự đón tiếp 4 quý Thầy đến từ Thiền Tôn Phật Quang và 12 huynh đệ đến từ Chúng Thanh niên Phật tử Phật Quang Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong buổi tu tập này, các huynh đệ được nghe những lời chia sẻ vô cùng quý giá từ Thủ lĩnh 2 Chúng Thanh niên Hà Nội và HCM. Đồng thời, cũng được nghe những lời sách tấn của Quý Thầy.

Mở đầu buổi giao lưu, Thủ Lĩnh Chúng Thanh niên Miền Nam – Huynh Đệ Khải Đăng Vi đã bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi được ra Bắc sinh hoạt cùng với người “anh em” của mình và được học hỏi thêm nhiều điều mới từ cách tổ chức cho đến những tình cảm mà huynh đệ giành cho nhau rất nồng ấm. Từ đó, mọi người được chuyển hóa nội tâm và tinh cần trong công phu tu tập, làm phước.

Tiếp lời Thủ lĩnh miền Nam, huynh Trí Bảo – Thủ lĩnh Chúng Thanh niên miền Bắc đã chia sẻ những bài học thực tế từ thời Đức Phật còn tại thế và những điều chúng ta phải ghi nhớ trong suốt quãng đời của mình. Huynh nhấn mạnh, chúng ta thực sự rất may mắn dù có thể ta đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, hoàn cảnh kinh tế có thể kém hơn những người xung quanh vì được gặp Phật Pháp và cùng nhau tu tập trong một Đại chúng rộng lớn.

Huynh lấy dẫn chứng trong 1 bài kinh, Đức Phật có dạy: Trong khoảnh khắc của 1 cái búng tay, có hàng triệu tiến trình tâm sanh và diệt. Trong hệ thống tiến trình tâm đó có rất nhiều tâm chủ sẽ mang vào dòng nghiệp của chúng ta và tạo nghiệp. Mỗi một cái sự tác ý của chúng ta trong khoảnh khắc 1 cái búng tay có hàng triệu tiến trình tâm sinh và diệt. Trong cuộc sống này khi ta nhìn lại, chúng ta phải làm lụng, phải kiếm ăn, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề của xã hội thì lúc đó tâm của chúng ta phần lớn là những tác ý không thiện. Nhưng khi chúng ta đến chùa chỉ trong vòng 2 tiếng thôi nhưng chúng ta được lễ Phật, tụng kinh, ngồi thiền, được gạn bỏ tất cả những cái hơn thua của cuộc đời.

Vậy là chỉ trong 2 tiếng thôi nhưng hàng tỷ tỷ tiến trình tâm sanh hiện mà trong đó không có tâm bất thiện. Vậy là cái dòng nghiệp này chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta một quả báo cực kì thù thắng trong tương lai mà vốn chúng ta không biết. Chúng ta có thể cảm thấy không may mắn khi ngoài kia có 1 người đi xe hơi giàu hơn mình. Nhưng điều đó không phải. Họ cũng đang ăn cái thức ăn thừa thôi, như bà Visakha đã nói trong kinh: do một kiếp nào đó họ đã gieo được cái nhân lành như cúng dường nhằm một vị chân tu đạo hạnh nhằm lúc kết thúc 3 tháng hạ thì chỉ cần một bát cơm họ cúng cho các vị đó thôi thì quả báo cả ngàn kiếp không bị đói và trở thành những người giàu có. Nhưng khổ là họ lại không biết Đạo, không biết đến Nhân quả, sự vĩ đại của Đức Phật, không biết trì giới, thiền định. Và trong quá trình sống khi mà họ thụ hưởng rất nhiều của cải vật chất như vậy thì cái tâm dục nó sẽ sinh khởi, không biết thế nào là thiện, bất thiện, họ có thể đoạt mạng sống lẫn nhau để giữ gìn của cải hay vì mục đích chiếm đoạt nào đó. Vậy thì ngay khi điều đó vừa khởi sanh thì nó là một cái trọng nghiệp, cắt đứt nghiệp thiện kia và họ lập tức xuống địa ngục.

Chúng ta không thể đánh giá Nhân quả một cách đơn giản trong cuộc sống này được bởi vì trong cuộc sống đó ta đã gieo mầm cho rất nhiều những bất thiện nghiệp nhưng chúng ta không tin vào quả và nghiệp của quả, không có ai dạy chúng ta về Nhân quả, không ai dạy chúng ta phải giữ gìn đạo đức, trì giới. Chúng ta không hề biết rằng trong vòng hai tiếng này chúng ta làm được cực kì nhiều thiện pháp.

Vì sao nói được như vậy? Ta thường hay nói đến những bất thiện nghiệp có thể mang cái Quả xuống ngay địa ngục như giết cha, giết mẹ, chia rẽ tăng đoàn, làm thân Phật chảy máu, gieo rắc tà kiến. Nhưng chúng ta lại quên mất một điều rất quan trọng trong mười trọng thiện nghiệp: 8 thiền chứng (4 thiền Sắc giới đến Tứ Thiền, 4 thiền Vô sắc giới lên đến Phi tưởng phi phi tưởng). Và Thiền chính là con đường dẫn đến cái thiện nghiệp vô cùng to lớn. Đức Phật nói đây là cái trọng thiện Nghiệp. Trong 2 tiếng đồng hồ thôi khi chúng ta rời khỏi cuộc sống này, ở nơi mái chùa thân yêu này thì chúng ta đã sản sinh ra không biết bao nhiêu những thiện nghiệp. 

Chúng ta không thể làm những điều bất thiện khi trước mặt chúng ta là những Quý Thầy đạo hạnh, là huynh đệ. Chẳng có môi trường nào tốt hơn là ngôi chùa, là khi ta được sống trong môi trường đầy Đạo hạnh như thế này, được sự chỉ dạy của Quý Thầy để nuôi nấng tâm hồn mình từng ngày từng giờ một. Bởi vậy chúng ta là những người hết sức may mắn, chúng ta phải biết trân trọng điều này vì rất nhiều người ngoài kia không có đại chúng để nương theo, họ bị bơ vơ giữa cuộc đời đầy rẫy những hơn thua đố kị, mưu hại lẫn nhau.

Tiếp đó, Thầy Khải Tạng cũng chia sẻ những đạo lý gần gũi với cuộc sống của mỗi người. Thầy cũng nhấn mạnh việc mỗi cá nhân buộc phải nương vào Đại chúng để tu tập, để chúng ta giúp nhau đừng có sống tầm thường nữa, để nhắc nhở chúng ta hình thành lý tưởng cao đẹp mỗi ngày.

Không khí buổi tu tập lắng xuống khi được nghe giọng nói trầm ấm của Thầy Toàn Nghĩa, trước đây là Thủ lĩnh Chúng Thanh niên Miền Nam. Thầy bày tỏ niềm trân trọng lớn lao khi trời đông giá rét này huynh đệ vẫn vượt qua thời tiết và quãng đường rất xa để đến chùa tu tập cùng nhau, thương yêu nhau tuy không cùng máu mủ. 

Thầy chia sẻ, sở dĩ nhiều người chọn niềm vui hưởng thụ là bởi họ không biết đằng sau cái chết là gì. Sau khi chết chúng ta có 6 cõi đi về, dựa vào Phước, tội, sự tu tập tâm linh sẽ quyết định ta về cõi nào. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy suy nghĩ về cái chết. Mình không chắc mình sẽ chết lúc nào. Ta hãy luôn xem lại hành trang tội, phước, tu tập tâm linh hàng ngày để điều chỉnh cách sống sao cho giảm tội, tăng phước và sự tu tập tâm linh. Chính việc đi tu tập sẽ là hướng giải quyết tất cả.

Chúng ta may mắn biết đến Đạo khi còn trẻ, vì vậy hãy quý trọng, nỗ lực cống hiến, làm phước, điều gì cũng luôn hướng về Đạo Pháp, Chánh Cháp, tu tập tâm linh, làm những điều thiện để giảm bớt dần điều tội, tăng thêm những điều phước để sau khi chết được về cõi an lành và kiếp nào cũng gặp được Phật pháp để tu hành rồi vượt thoát khỏi luân hồi.

Cuối cùng, Thầy Khải Bảo – Tổng Thủ lĩnh Chúng Thanh niên 3 miền đã tổng kết lại những đạo lý quý báu ấy và mong muốn mọi người tìm cho mình một nơi để đi về, đó là nơi Đại chúng, là ngôi nhà tâm linh mà Sư Phụ đã thành lập nên để cùng nhau tu tập, thay đổi cuộc đời theo hướng tốt đẹp hơn

Để xây dựng đạo tràng hay Chúng Thanh niên rất khó, đặc biệt một đại chúng rất đông như thế này càng khó hơn trong việc quản lí. Mỗi người mỗi tính, ý kiến khác nhau nhưng làm sao mình phải hợp lại được tập thể đó hướng về cái chung. Thầy cũng đưa ra lời khuyên để xây dựng được Chúng Thanh niên Phật tử Phật Quang ngày càng phát triển:

Thứ nhất, chúng ta may mắn có nguồn giáo lý. Nhờ giáo lí ta mới giữ được trái tim mình với ngôi nhà Đạo Tràng. Giáo lý từ đâu mà có? Đó là từ Sư Phụ. Nhờ nhân duyên kiếp xưa nên ta mới được hội tụ về đây làm huynh đệ với nhau. Làm gì thì làm cũng phải nhớ ân Sư Phụ. Nhờ ân Sư Phụ, nguồn đạo lý Sư Phụ dạy ta mới có môi trường như thế này, mối thâm tình huynh đệ như vậy. Chúng ta cùng nhau cố gắng.

Thứ hai, học giáo lí rồi mình phải thực hành. Có thực hành thì mình mới có bài học sống động để người khác nghe. Nếu chỉ nói suông mà không chiêm nghiệm thì người ta không có nghe. Đặc biệt là mình theo Sư phụ, Sư Phụ có dạy pháp môn tu tập tâm linh là Thiền nên buộc chúng ta phải cố gắng thực hành. Mình hãy tìm lại bài Hơi thở nhiệm màu và Những chặng đường Thiền nghe kĩ, viết lại những ý chính rồi đọc đi đọc lại mà thực hành. Đây là những bài rất quan trọng.

Thứ ba, nên có chương trình sinh hoạt vui, bổ ích để thu hút người mới. Buổi sinh hoạt đó cũng phải có ý nghĩa. Người ta đến phải nhận được đạo lý gì đó hay hơn so với khi người ta ở ngoài làm một việc khác. Chúng Thanh niên Hà Nội có nhiều Phật sự, Thanh niên lại rất thích những công việc đó nên chúng ta cố gắng phát huy. Phật sự, công qủa của ta khác nhiều so với từ thiện ngoài đời. Vẫn yêu thương, vẫn giúp đỡ về vật chất nhưng ta còn cho họ đạo lý, làm ta không chấp công, không mong cầu quả báo. Chúng ta hãy cố gắng kéo những bạn thanh niên bên ngoài vào Chúng Thanh niên để các bạn có được lối sống hướng thượng.

Thứ tư, tập thể phải có kỉ cương trong tình thương và trách nhiệm. Kỉ cương ở đây là lòng trung thành tuyệt đối với Thầy Tổ của mình. Đã xác định là Thanh niên Phật Quang thì phải trung thành tuyệt đối với Sư phụ bởi nếu không có sự trung thành thì con đường Đạo của mình không bền. Chúng ta cũng phải cố gắng hỗ trợ nhau làm việc.

Thứ năm, ở bất kì một tổ chức nào đó khi đã lớn mạnh rồi đều có những thế lực xấu tác động vào để buộc mình phải tan rã. Chúng Thanh niên Phật tử Phật Quang cũng vậy. Chúng Thanh niên ngày càng lớn, trách nhiệm BĐH và các thành viên càng lớn hơn trong việc cảnh giác, bảo vệ Đạo tâm, Đạo tràng Chúng Thanh niên vì ngày càng có nhiều người tìm đến với Chúng Thanh niên. Mình phải làm sao vừa giúp họ tăng được Đạo tâm. Một ngày họ tìm đến với Đạo là họ tìm được niềm vui, hạnh phúc thì mình phải càng bảo vệ điều đó. Hiện nay trên FB có rất nhiều luận điệu xuyên tạc nói xấu Sư phụ, chùa, quý Thầy Cô, BĐH. Ai đứng trong vai trò điều hành đều trở thành mục tiêu để kẻ xấu chống phá nên chúng ta cố gắng hết sức để bảo vệ những điều thiện, điều chân lý cho cuộc đời. 

Cuối buổi chia sẻ, thay mặt cho Quý Thầy và các huynh đệ miền Nam, Thầy Khải Bảo mong muốn rằng, chúng ta đã là con Sư Phụ, phải có định hướng theo 5 lý tưởng thanh niên Phật tử Sư phụ dạy, phải có tâm niệm không kiếp này thì những kiếp sau cũng phải hướng về con đường xuất gia để trọn đời theo Phật, không được chùn bước. Và Thầy chúc Chúng Thanh niên sẽ ngày càng phát triển vững mạnh hơn nữa, tiếp tục mang Phật Pháp đến mọi chốn nghìn nơi như lời Sư Phụ dạy. 

Ban truyền thông CTN Hà Nội

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi tu tập:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất