Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻChánh niệm (Thiền 16-19)

Chánh niệm (Thiền 16-19)

-

THIỀN 16 – CHÁNH NIỆM

Đến khi Sức tỉnh giác đủ mạnh để làm chủ tâm hồn, thì hành giả bước qua giai đoạn Chánh Niệm. Lúc đó vọng tưởng trở thành khách lạ, trở thành bóng dáng chập chờn bên ngoài, trở thành kẻ ăn bám tai hại, cần phải được dọn dẹp sạch sẽ khỏi nội tâm của mình.

Hoặc là hành giả tu tập Chánh tinh tấn chín muồi, Sức tỉnh giác tăng dần cho đến khi quá mạnh và tự nhiên trở thành chủ nhân của tâm hồn. Hoặc là do duyên xưa đã đến lúc trổ quả trái, hành giả bất ngờ đốn ngộ, Sức tỉnh giác ngập tràn chiếm trọn tâm hồn.

Hai trường hợp này đều giống nhau, đều là Sức tỉnh giác đã trở thành chủ nhân của tâm hồn, đều bước qua giai đoạn Chánh Niệm thật sự. Tuy nhiên, Sức tỉnh giác làm chủ tâm hồn cũng mạnh yếu sâu cạn khác nhau. Nếu Sức tỉnh giác mạnh đến mức độ như ngài Nghĩa Huyền tổ tông Lâm Tế thì vọng tưởng hết đất sống, mất tiêu luôn. Nếu Sức tỉnh giác chưa quá mạnh, thì vọng tưởng sẽ lẩn quất chập chờn xuất hiện dù không còn đủ sức chi phối tâm hồn nữa.

Lúc này, hành giả không bị chi phối bởi vọng tưởng nữa, chỉ còn bị chi phối bởi các quan điểm đã ghi dấu trong tiềm thức mà thôi. Do đó, vai trò của Quan điểm rất quan trọng. Những đạo lý ta đón nhận sẽ nằm im để chi phối điều khiển ta từ đây về sau. Nếu các quan điểm đạo lý đó đúng là Chánh kiến của Phật dạy, luật Nhân quả, mục tiêu Vô ngã, lòng Từ bi, đạo đức Trung thành… thì ta sẽ sống tự nhiên theo các đạo lý này mà tăng tiến phước duyên cho đến khi chứng các quả thánh cao hơn. Còn nếu các quan điểm đạo lý đó sai, ta sẽ hành xử nhầm lẫn, khiến phước bị hao tổn, rồi Sức tỉnh giác mất dần lui lại phàm phu như cũ.

Chứng được Chánh niệm, là chứng được mức thiền cao hơn, nhưng như đã biết, chứng Thiền và chứng Thánh khác nhau.

Chứng Chánh niệm, ta sẽ bắt đầu phá được 05 Triền cái, đó là Tham, Sân, Hôn trầm, Nghi, Trạo cử.

Còn nếu công đức lễ kính Phật đã đủ, ta có thể đồng thời chứng luôn Sơ quả Tu đà hoàn. Nếu lúc đó chứng được Sơ quả Tu đà hoàn, ta sẽ phá được 03 Kiết sử là Nghi, Thân kiến (ích kỷ), và Giới cấm thủ (cố chấp).

Nếu chứng được đến tận Nhị quả Tư đà hàm, ta sẽ phá GẦN HẾT 02 kiết sử Tham và Sân. Đây là điểm thú vị.

Ta so sánh sẽ thấy, chứng được Chánh Niệm thì đã chuẩn bị phá xong Triền cái Tham và Sân. Còn chứng quả thánh thì mãi đến Nhị quả ta mới phá gần hết Kiết sử Tham và Sân.

Cũng vậy, chứng được Chánh Niệm thì ta chuẩn bị phá được Triền cái Nghi. Còn chứng Sơ quả thì lập tức phá mất Kiết sử Nghi.

Cùng tên Tham Sân Nghi, nhưng khác hạng mục Triền cái hay Kiết sử. Do đó, ta phải hiểu Triền cái và Kiết sử khác nhau sâu xa.

Hành giả phải thuộc kỹ các hạng mục này để tự theo dõi sự tu hành của mình. Triền cái có 05 thứ là Tham, Sân, Hôn trầm, Nghi, và Trạo cử. Kiết sử có 05 thứ trước (còn 05 thứ sau nữa) là Nghi, Thân kiến, Giới cấm thủ, Tham, và Sân. 

Việc quan sát các Triền cái và Kiết sử là hết sức quan trọng trong suốt quá trình tu hành. Ai mà không hiểu rõ về Triền cái và Kiết sử thì sẽ tu sai dần mà không hay. Nghe ai giảng Thiền mà không đề cập đến Triền cái và Kiết sử thì đừng tin. 

Những bài sau ta sẽ phân tích tiếp.

 

THIỀN 17 – CHÁNH NIỆM tiếp theo

Ta đã biết, Sức tỉnh giác do Phước mà có, do Dụng công đúng cách mà có. Nếu tiếp tục gây tạo công đức, nếu tiếp tục dụng công đúng cách, thì Sức tỉnh giác sẽ tiếp tục tồn tại và lớn mạnh dần. Còn ngược lại, khi đạt được Sức tỉnh giác rồi khởi tâm chủ quan kiêu mạn, cho rằng mình đã tiến xa, đã đốn ngộ, đã kiến tánh thành Phật, không cẩn thận làm phước tiếp, không giữ cách dụng công ban đầu, thì Sức tỉnh giác sẽ suy giảm, thậm chí mất hết luôn.

Hành giả phải tiếp tục lễ kính Phật, tiếp tục bố thí cúng dường, kềm chế khiêm cung hạ mình. Hành giả vẫn phải biết toàn thân sát da thịt, Biết hơi thở rõ ràng. Đừng dại khờ ôm cái tỉnh giác mà bỏ cái Biết toàn thân. Cứ giữ cái Biết toàn thân và Biết hơi thở thì Sức tỉnh giác sẽ tồn tại.

Thật ra chỉ cần Biết toàn thân và Biết hơi thở thì đã được tỉnh giác. Nhưng cái tỉnh giác đó là phát triển của Thiền chứ không phải phát triển của Thánh. Muốn có sự phát triển của Thánh thì phải có Quán thân vô thường, có hướng về mục tiêu Vô ngã.

Từ cái Sức tỉnh giác chưa ổn định, chập chờn, khi nhớ khi quên, tiến vọt lên cái Sức tỉnh giác ổn định khó mất, bước vào hẳn Chánh Niệm, là cả một sự chuyển biến lớn lao. Nơi cái Chánh Niệm sáng tỏ này, hành giả có thể đã chứng luôn quả thánh Tu đà hoàn.

Nếu đã chứng luôn quả thánh Tu đà hoàn thì hành giả đã phá được 03 kiết sử Nghi, Thân kiến, Giới cấm thủ.

Nếu chỉ có chứng Chánh Niệm thì hành giả sẽ lần lượt phá được 05 Triền cái Tham, Sân, Hôn trầm, Nghi, Trạo cử.

Ta sẽ thắc mắc, đều là Nghi, tại sao bên nay gọi là Kiết sử, bên kia gọi là Triền cái. Thưa, bởi vì hai cái Nghi đó khác nhau. Hiểu được sự khác biệt giữa hai cái Nghi đó, ta mới thấy cái Trí tuệ tinh tế siêu việt vĩ đại của Phật đến dường nào.

Khi phá được Nghi, dù là Nghi của Kiết sử hay Nghi của Triền cái, thì tâm ta đều đạt được trạng thái TỰ TIN. Cái Tự tin này sẽ biểu hiện ra nhiều thái độ đặc biệt.

Khi phá được Kiết sử Nghi, hành giả xuất hiện các tâm lý sau đây:

– xác định niềm tin tuyệt đối vào Phật, niềm tin tuyệt đối vào đạo lý giác ngộ, niềm tin tuyệt đối vào các vị thánh tăng A la hán.

– nhận thức được sự đúng hay sai của mọi điều trong cuộc sống, dù chưa có thần thông tuệ nhãn, nên có thái độ dứt khoát quân tử rõ ràng.

– sự tự tin dứt khoát đó khiến hành giả yêu thích đạo đức, không thỏa hiệp với điều xấu.

– hành giả trở nên có trí tuệ hiểu biết mọi điều sâu sắc, tự phát kiến ra nhiều đạo lý, nhưng vẫn phù hợp với giáo nghĩa của Như Lai.

Vì thế, một vị Tu đà hoàn từ từ có phẩm chất của một vị mô phạm giữa đời, hiện diện như vị thầy của cộng đồng. Nhưng trình độ thiền của vị này chưa chắc bằng trình độ thiền của vị phá được triền cái Nghi.

Còn một vị phá được triền cái Nghi thì xuất hiện các tâm lý sau đây:

– sự Tự tin là cực độ, có thể đến cực đoan, vì tự thấy rõ ràng mình không thể mất Chánh niệm được nữa. Dù có bị quăng vào lửa cũng không mất Sức tỉnh giác.

– vì tự tin quá sức nên hành giả có thể nói những điều ngang ngược, thậm chí mắng Phật mạ Tổ, gieo nhân tổn phước cho những kiếp sau bị thoái thất thiền định, còn kiếp này không bị mất.

– hành giả hiểu các thiền ngữ bí hiểm nhanh như chớp, và đối đáp tự nhiên cũng nhanh như chớp.

Trình độ thiền định của vị chứng Chánh niệm phá được triền cái Nghi là rất cao.

So sánh hai cái Tự tin, ta thấy sự Tự tin của Tu đà hoàn là thiên về đạo đức, còn sự Tự tin của Chánh niệm (phá triền cái Nghi) thì thiên về THỂ HIỆN sự tự tại của mình.

Những Kiết sử và Triền cái khác còn nhiều điều thú vị nữa ạ.

 

THIỀN 18 – CHÁNH NIỆM tiếp theo

Có sự so sánh Thiền và trồng cây lại có vẻ phù hợp. Đầu tiên ta chọn hạt giống Vô ngã, vì nếu không phải Vô ngã thì ra loại trái tà đạo.

 Hạt giống gieo xuống đất, việc tu hành phải mọc lên giữa cuộc đời thực tế và ô trọc này.

 Rễ cây đâm sâu xuống, đạo đức bên trong phải nẩy nở dần.

 Thân cây vươn lên, oai nghi tế hạnh hiện ra trước mắt mọi người.

 Ta bón phân nuôi cây, ta gây tạo công đức nuôi công phu thiền định. Phân màu bón cây có nhiều loại, công đức có nhiều loại, lễ kính Phật, giúp đỡ chúng sinh, độ người tu tập…

 Ta tưới nước nuôi cây, ta dụng công đúng cách, Biết rõ toàn thân, Quán thân vô thường, Biết hơi thở. Ngưng tưới nước thì cây chết, ngưng tu tập thì thiền định tiêu.

 Cây ra lá nhiều dần, Sức tỉnh giác mạnh dần.

 Rồi cây ra hoa, chứng được Chánh Niệm sâu xa vững chắc.

 Hoa kết trái sum suê, chứng được các tầng bậc thiền định Chánh niệm.

Còn các Triền cái và Kiết sử thì không thấy sự tương quan.

 Chứng được Chánh niệm, hành giả sẽ phá được triền cái Tham. Chứng được Nhị quả Tư đà hàm, hành giả cũng diệt GẦN HẾT kiết sử Tham. Hai cái Tham này khác nhau.

 Hết triền cái Tham thì hành giả bộc lộ rõ thái độ bất cần tiền bạc vật chất. Đó là lý do ông Bàng Long Uẩn chở một ghe vàng bạc đem đổ xuống sông. Kể ra nhà ông giàu dữ.

 Gần hết kiết sử Tham thì hành giả không còn muốn sử dụng tài sản cho mình nữa mà cứ muốn bố thí cúng dường mãi, vì ở quả thánh, hành giả diệt mất kiết sử Thân kiến (vị kỷ) ngay Sơ quả Tu đà hoàn. Một bên không cần tiền bạc và cũng không nghĩ đến ai khác, một bên không cần tiền bạc nhưng lại nghĩ đến chúng sinh. Đó là sự khác biệt giữa Thiền và Thánh.

  Vị chứng Sơ quả Tu đà hoàn có tâm hồn vị tha cao đẹp, cứ thích cống hiến phụng sự giúp đỡ mọi người. Vị này “không có đôi bàn tay nắm lại” (lời của Phật). Đạo đức vị tha sâu thẳm bên trong cứ dẫn dắt vị này đi qua nhiều kiếp sống vì chúng sinh rất đáng quý.

 Vị chứng Sơ quả Tu đà hoàn chưa có thần thông, nhưng có thông minh và một ít trực giác. Trí tuệ của vị Tu đà hoàn khiến cho vị đó luôn nhìn thấy tính chất vô thường, tạm bợ, sinh diệt của vạn hữu một cách tự nhiên.

 Vị chứng Sơ quả Tu đà hoàn cũng diệt trừ được kiết sử Giới cấm thủ (cố chấp nguyên tắc). Nguyên tắc giúp cho cộng đồng ổn định, nhưng nguyên tắc cũng làm cản trở sự tiến bộ. Vị Tu đà hoàn biết rõ khi nào thì cần phải tuân thủ nguyên tắc, và khi nào cần phải vượt qua nguyên tắc. Sự linh hoạt này vừa là trí tuệ, vừa là đạo đức. Khi ta bị những người cố chấp hành hạ thì ta mới biết yêu quý những ai đã phá trừ được Giới cấm thủ.

 Ta yêu quý sự bất cần, thanh thản, lãng mạn của một thiền giả chứng thiền phá Triền cái, nhưng ta đành phải quỳ xuống cúi đầu trước cái tận tụy, vị tha, sáng suốt, quân tử của một bậc thánh dù chỉ là Sơ quả Tu đà hoàn.

 

THIỀN 19 – CHÁNH NIỆM tiếp theo

Khi ta tác ý Biết toàn thân thì tự nhiên vọng tưởng cũng xum xoe lý luận về việc biết toàn thân này. Khi ta Quán thân vô thường thì đương nhiên ta phải sử dụng cái suy nghĩ- vọng tưởng này để chiêm nghiệm. Khi ta Theo dõi hơi thở, hay điều chỉnh hơi thở 1-3-5 thì cái suy nghĩ – vọng tưởng đó cũng chạy theo lý luận đủ thứ.
 
 Ban đầu ta rất biết ơn cái suy nghĩ – vọng tưởng này vì nó đã hỗ trợ cho sự dụng công của ta, nó đã đứng về phe ta. Đến khi ta lơ đễnh một chút thì nó trở mặt ngay, nó biến thành ác quỷ hiện ra đủ ý niệm tào lao kéo tâm ta đi lang thang vô định. Người mà ta yêu thương tin tưởng thân cận nhất, thật sự chẳng nhờ cậy được lâu.
 
 Khi ta kiên nhẫn dụng công mãi, vọng tưởng có bớt, Sức tỉnh giác có hình thành, thì ta đỡ bị vọng tưởng lừa gạt dẫn đi xa.
 
Lúc này ta vẫn phải giữ kỹ cái Biết toàn thân sát da thịt. Còn cái Quán thân vô thường thì đã thấm rồi nên không cần làm nhiều nữa, thỉnh thoảng nhắc lại chút thôi. Hơi thở thì tự nhiên hiện rõ.
 
Khi ta Biết toàn thân sát da thịt thì hơi thở lập tức hiện ra rõ ràng. Ta khéo léo vừa biết toàn thân, vừa biết hơi thở. Ta cũng khéo léo thở theo công thức 1-3-5, nghĩa là hít vào rất nhẹ và ít, đừng ham hít nhiều.
 
 Tóm lại, chủ yếu bây giờ dụng công còn có 2 cái, Biết toàn thân sát da thịt, và Biết hơi thở. Sức tỉnh giác hiện ra, ta cũng không quan tâm nhiều, vì giá trị ban đầu của Sức tỉnh giác chính là giúp ta THẤY được vọng tưởng khởi như một đối tượng bên ngoài. Khi chưa có Sức tỉnh giác thì ta và vọng tưởng là một, nghĩa là vọng tưởng làm chủ tâm hồn ta. Khi có Sức tỉnh giác rồi thì vọng tưởng bị nhận biết như một kẻ ăn bám, như một kẻ trộm bên ngoài.
 
Tóm lại, sự dụng công giai đoạn này lại gồm 3 cái Biết. Biết toàn thân sát da thịt, Biết hơi thở, và Biết vọng tưởng khởi diệt.
 
 Có khi ta ham quá, cứ đuổi theo để Biết vọng tưởng, tâm rời khỏi thân, lâu ngày não bị hư tổn suy yếu thành bệnh. Phải giữ kỹ cái Biết toàn thân sát da thịt, Biết hơi thở rõ ràng, rồi tự nhiên Biết vọng tưởng. Còn Sức tỉnh giác là cái tự động âm thầm không cần để ý.
 
 Ta đã nói công dụng ban đầu của Sức tỉnh giác là giúp ta Biết vọng tưởng khởi diệt. Ta cứ Biết toàn thân và Biết vọng tưởng. Khi Sức tỉnh giác mạnh lên dần, các Triền cái sẽ bị Sức tỉnh giác này tiêu diệt nối tiếp theo.
 
 Triền cái Tham mất trước, khiến hành giả chẳng màng tài sản vật chất gì ở đời, cũng như chẳng màng danh lợi địa vị khác.
 
 Triền cái Sân mất theo, khiến hành giả không bận lòng vì những nghịch cảnh ở đời. Mất hai triền cái Tham và Sân thì hành giả tạm ổn về đạo đức. 
 
 Triền cái Hôn trầm biến mất tiếp, khiến hành giả có thể thức ngồi thiền mãi, thậm chí nếu cần thì thức kiệt sức chết luôn. Nhưng khi ngủ thì không bị mất ngủ, vẫn ngủ được bình thường. Lúc này não có sức mạnh hơn trước.
 
 Triền cái Nghi tan vỡ, hành giả đạt được sức tự tin mãnh liệt, có cảm giác như bị quăng vào lửa cũng không mất Chánh niệm Tỉnh giác. Sự tự tin này có thể bị trở thành cực đoan, ngông nghênh ngang tàng. Cũng tại vì nội tâm lúc này Sức tỉnh giác làm chủ hoàn toàn, sáng tỏ.
 
 Triền cái Trạo cử hết, khiến thân của hành giả cứng tự bên trong, bất động an lành, không còn giao động dù rất ít. Đây là điều kiện để chuẩn bị nhập Sơ thiền của Chánh định.
 
 Nếu hành giả có công đức lễ kính Phật sâu dày, có quán thân vô thường, có chiêm nghiệm về Vô ngã từ trước, thì khi ở giai đoạn Chánh niệm phá các Triền cái này, hành giả rất dễ chứng thêm quả thánh kèm theo. Vừa chứng Thiền, vừa chứng Thánh, thì hành giả đạt được sự mẫu mực sâu xa, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh giữa cuộc đời phiền não ô trược này.
 

SP

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất