Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻChánh Tinh Tấn - 3 Giai đoạn của Thiền (Thiền 1-10)

Chánh Tinh Tấn – 3 Giai đoạn của Thiền (Thiền 1-10)

-

THIỀN 1 – 3 GIAI ĐOẠN CỦA THIỀN
Có 3 giai đoạn của thiền là Chánh tinh tấn, Chánh niệm, và Chánh định.
Chánh tinh tấn là giai đoạn tu tập mà chưa có kết quả, nên rất khổ sở. Chân đau, thân mỏi, tâm loạn. Nhưng do phước đã có nên hành giả quyết không bỏ cuộc, chịu cực mà tu tập mãi. Giai đoạn này ngắn hay dài là do căn cơ nhân duyên riêng của từng người. Có người tu vất vả vài tháng là có kết quả để bước qua giai đoạn Chánh niệm. Có người tu vất vả hết kiếp này cũng chưa có kết quả gì.
Sư phụ cũng nói ở giai đoạn Chánh niệm có 5 bước là 5 lần phá 5 Triền cái (Tham, Sân, Hôn trầm, Nghi, và Trạo cử). Giai đoạn Chánh niệm này có khi đi qua 30 kiếp. Qua hết giai đoạn Chánh niệm rồi mới tới giai đoạn Chánh định.
Bây giờ ta nói về giai đoạn Chánh tinh tấn để chia sẻ động viên nhau chút. Ai có thể kể lể về những vất vả khi tu thiền mà chưa có kết quả như thế nào, và đã cố gắng như thế nào, để tiếp tục tu tập mãi, cho huynh đệ biết đi nhé. Nhờ nghe kể như thế mà ta biết kinh nghiệm để vượt qua bước tới.

THIỀN 2 – CHÁNH TINH TẤN
Chánh tinh tấn là cố gắng nỗ lực tu tập thiền định, nhất là tọa thiền, dù chưa có kết quả. Nhiều điều vất vả xuất hiện trong giai đoạn này, đau chân, mỏi mệt, kềm chế, loạn tưởng, buồn ngủ, vả mồ hôi, chán nản… Hành giả phải dùng ý chí để vượt qua rất nhiều khó khăn đó. Nhưng nhờ có phước nào đó, nhờ công đức giữ giới kiên trì, nhờ cẩn thận tránh từng lỗi nhỏ, nhờ “thấy được sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt”, nên hành giả đủ ý chí để tu tập mãi.
Nhưng cái giá trị của Chánh tinh tấn là phương pháp dụng công thiền định. Có rất nhiều phương pháp tu thiền trên thế giới, trước Phật, đồng thời Phật, sau Phật. Ngay trong đạo Phật, đệ tử tu theo lời Phật dạy, mà cũng xuất hiện nhiều phương pháp mới mẻ khác với lời Phật dạy. Ngay cả người trung thành với lời Phật dạy cũng chưa chắc hiểu đúng lời Phật dạy để dụng công hành trì cho đúng.
Tuy nhiên, nếu ai có lòng tôn kính Phật tuyệt đối, người đó sẽ tự nhiên quyết lòng tìm lại đúng lời Phật dạy, hiểu đúng lời Phật dạy, để dụng công hành trì thật chuẩn xác như ý của Phật đã dạy bảo.
Phật dạy 8 vạn 4 nghìn pháp môn là dạy đủ thứ chuyện trong cuộc sống, nhưng về phương pháp thiền định thì Phật tập trung vào các kỹ thuật pháp môn như sau:
– Quán thân vô thường, từ lúc trẻ khỏe đến lúc già chết, đến lúc thân tan hoại chẳng còn gì.
– Ngồi kiết già bất động nơi thanh tịnh vắng vẻ.
– Cảm giác toàn thân, an trú toàn thân.
– Theo dõi hơi thở ra hơi thở vào, không dằn ép, không cố gắng điều khiển dài ngắn, biết mà không điều khiển.
– Vừa biết hơi thở, vừa cảm giác toàn thân, biết rõ toàn thân, an trú toàn thân.
Với kỹ thuật này, hành giả “chiến đấu” suốt giai đoạn Chánh tinh tấn. Không biết chừng nào sẽ xuất hiện kết quả Tỉnh giác chánh niệm, nhưng cứ kiên trì mãi. Cũng có khi tọa thiền được chút an lạc, nhưng rồi lần khác tâm loạn lại. Có khi ngồi được lâu, có khi ngồi rất ít.
Hành giả phải cố gắng nhớ thân vô thường trong từng phút giây của cuộc sống, chứ chẳng phải chỉ dụng công trong lúc tọa thiền mà thôi. Hành giả phải gây tạo từng chút công đức lành trong cuộc sống mãi để tích lũy Phúc cho dày.

THIỀN 3 – CHÁNH TINH TẤN tiếp theo
Công phu Điều thân rất quan trọng. Ngồi đúng tư thế, biết rõ toàn thân, an trú toàn thân, buông lỏng toàn thân, bất động toàn thân.
Xin lập đi lập lại nhiều lần:
“NGỒI ĐÚNG TƯ THẾ
BIẾT RÕ TOÀN THÂN
AN TRÚ TOÀN THÂN
BUÔNG LỎNG TOÀN THÂN
BẤT ĐỘNG TOÀN THÂN”
Khi ta đang điều thân như vậy thì dòng suy nghĩ, lý luận, vẫn tiếp tục diễn ra trong đầu. Ta không chấp nhận cái suy nghĩ đó, nhưng cũng không dằn ép diệt trừ các suy nghĩ đó.
Có những suy nghĩ đúng đạo lý giúp ta luôn nhớ công phu của mình; có những suy nghĩ chỉ là vọng tưởng vô nghĩa làm ta quên công phu của mình, quên an trú toàn thân.
Đối với những suy nghĩ vọng tưởng thì ta không chấp nhận là đúng rồi, nhưng đối với các suy nghĩ có tính đạo lý ta cũng không cố giữ. Đạo lý thì đúng, nhưng cái suy nghĩ về đạo lý, cái lý luận về đạo lý, lại là một sự cản trở khéo léo.
Giai đoạn này ta chỉ cố gắng đối trị vọng tưởng bằng cách Điều thân, Biết rõ toàn thân, an trú toàn thân, buông lỏng toàn thân, bất động toàn thân.
Cố gắng nhẹ nhàng giữ cái biết, cái CẢM GIÁC, không rời khỏi da thịt. Xin nhắc lại, KHÔNG CHO CÁI CẢM GIÁC RỜI KHỎI DA THỊT.
Có những yếu tố khiến cho cái biết của ta rời khỏi da thịt, đó là, vọng tưởng vẩn vơ đâu đâu kéo cái CHÚ Ý của ta chìm trong cảnh tượng hư ảo, quên mất an trú toàn thân. Hoặc sau này, khi ta xuất hiện trạng thái tỉnh sáng rổng rang, thì ta cũng bị cái cảnh giới mới lạ đó kéo cái biết rời khỏi thân.
Phải kiểm tra thường xuyên để giữ trạng thái An trú toàn thân, Cảm giác toàn thân. Khi tọa thiền hay trong đời sống bình thường, lúc nào cũng cố gắng nhẹ nhàng an trú toàn thân.

THIỀN 4 – CHÁNH TINH TẤN tiếp theo
An trú toàn thân cũng không phải dễ. Có người nghe nói Biết toàn thân, An trú toàn thân cũng không sao thực hành được. Đó cũng là do chưa đủ phước, phải lễ Phật và giúp đời nhiều nữa.
Thông thường, chỉ khi phá được triền cái Nghi (chánh niệm rất sâu) thì hành giả mới thấy được cái gọi là Cảm giác toàn thân. Còn bây giờ thì hành giả chỉ có cảm giác biết từ đầu đến bụng, là đã bắt đầu bớt bị vọng tưởng rồi.
Biết toàn thân mãi thì phát sinh chấp thân. Vì vậy Phật dạy ta phải Quán thân vô thường. Ban đầu Quán thân vô thường thì ta suy nghiệm về sự thay đổi tất yếu của thân, suy nghiệm chứ không phải tưởng tượng hình ảnh phức tạp. Ta suy nghiệm thân biến đổi từ trẻ đến già, từ khỏe đến bệnh yếu, từ sống đến chết. Ta lại suy nghiệm thân biến đổi từ mới chết cho đến tan hoại chẳng còn gì, ngay cả xương cũng thành bụi bay luôn.
Đối diện thẳng với cái chết là trí tuệ và cũng là can đảm.
Chấp thân là nền tảng của chấp ngã, thế nên quán thân vô thường là phá nền tảng của chấp ngã.
Ban đầu ta suy nghiệm kỹ lưỡng về sự vô thường của thân cho thấm thía sâu xa. Quen rồi thì cả quá trình suy nghiệm quán chiếu đó chỉ thoáng qua là đã đủ hết. Quán thân vô thường, cộng với công phu Điều thân có sẵn, khiến tâm bớt loạn động hơn rất nhiều.
Trong đời sống, lúc nào ta cũng an trú toàn thân, nhớ thân vô thường, dù cho phải làm việc, giao tiếp, học hành đủ thứ. Ta mở mắt mà ít bận tâm nhìn mọi điều vì mắc an trú toàn thân.
Khí công cũng hỗ trợ rất lớn cho thiền định, giúp ta có sức mạnh tinh thần để dụng công tốt hơn, tỉnh táo hơn.
Nhân đây ta cũng nói về sự khác nhau giữa các từ Tỉnh giác, Tỉnh thức, Tỉnh táo, Tỉnh ngộ.
– Tỉnh giác là trạng thái thiền đã xuất hiện kết quả Chánh niệm, tâm sáng tỏ tự kiểm soát nội tâm mình kỹ lưỡng.
– Tỉnh thức là ý nghĩa tâm lý học, luôn cảnh giác với sự đúng sai.
– Tỉnh táo là trạng thái khỏe khoắn không buồn ngủ, nhưng sau này lại có thêm ý nghĩa khôn ngoan cảnh giác.
– Tỉnh ngộ vừa có nghĩa là thoát ra khỏi sự mê lầm, vừa có nghĩa là bất ngờ đạt được chánh niệm tỉnh giác.
Những khi tạm ngưng vọng tưởng, tâm trống rỗng, ta cũng cảm nhận được trạng thái Tỉnh giác phần nào, dù chưa sâu lắm.

THIỀN 5 – CHÁNH TINH TẤN tiếp theo
Giai đoạn Chánh Tinh Tấn này, hành giả tiến thoái mãi, khi yên ắng tĩnh lặng, khi động loạn bất an. Nếu được yên ắng một chút đừng vui mừng vì ngày mai sẽ động lại, không ổn định gì cả.
Nhiều khi tâm yên chút thì ảo giác xuất hiện. Ảo giác có rất nhiều, mỗi người khác nhau. Có người thấy nhẹ nhõm như lơ lửng, có người thấy khí chuyển động, có người thấy thân to ra nhỏ đi, có người thấy ánh sáng… Đừng quan tâm, chẳng có gì thật cả. Thậm chí tai nghe tiếng động rất nhỏ, hoặc bất ngờ biết vài việc ở đâu xa, bỏ hết, chẳng có gì thật cả.
Vừa biết toàn thân, vừa biết thân vô thường, tâm cũng đỡ vọng tưởng rất nhiều. Vọng tưởng nổi lên, ta sực tỉnh quay lại biết khắp thân, quán thân vô thường (quán thân vô thường thoáng qua là đầy đủ vì quen rồi), thế là vọng tưởng tạm dừng lại.
Cũng là cái suy nghĩ, nhưng nó tự khởi lên thì là vọng tưởng, còn ta chủ động suy nghĩ về thân vô thường thì là quán chiếu. Xin nhắc lại, chủ động nghĩ về thân vô thường thì là quán chiếu, còn chủ động nghĩ chuyện khác thì là gieo nhân loạn động ráng chịu.
Những khi tâm yên, ta bỗng thấy được hơi thở ra hơi thở vào rõ ràng. Nếu ta bắt đầu biết thêm hơi thở nữa là ta thực hiện đầy đủ cách dụng công của thiền định.
Phật dạy: ai an trú trong hơi thở là an trú trong Như Lai.
Phật đề cao phép quán niệm hơi thở đến như thế.
Ta vừa biết toàn thân, vừa biết thân vô thường, vừa biết hơi thở vào hơi thở ra. Biết cả 3 như vậy mà không mệt vì hai cái biết trước (biết toàn thân và biết thân vô thường) đã quen thuộc rồi. Ai mà không tập hai cái biết trước cho kỹ thì khi biết hơi thở sẽ bị mất căn bản nguy hiểm. Đừng vội vàng hấp tấp, phải điều thân cho kỹ, quán thân vô thường cho kỹ, rồi hãy thêm biết hơi thở.
Ta biết hơi thở vào, biết hơi thở ra rõ ràng, nhưng đừng điều khiển dài ngắn theo ý muốn của mình. Hơi thở dài ngắn kệ nó, chỉ biết thôi. Biết mà không điều khiển.
Sau này quen rồi, ta có thể chủ động điều khiển hơi thở cho êm mà không bị khởi cái MUỐN lên. Còn ban đầu, ta mà muốn hơi thở dài, muốn hơi thở ngắn, thì cái MUỐN sẽ phát triển thành bản ngã lớn theo.
Nếu ai có tập Âm dương khí công, hơi thở ra dài gấp 5 lần hơi thở vào, thì có thể áp dụng cách đó trong giai đoạn này để tìm thấy hơi thở nhanh hơn.

THIỀN 6 – CHÁNH TINH TẤN tiếp theo
Tâm ta có nhiều thứ. Ý nghĩ, ý niệm, suy nghĩ, vọng tưởng, là tính chất chính của tâm. Nói đến Tâm là nói đến cái Suy nghĩ. Tình cảm thương ghét cũng là một thành phần của Tâm. Rồi cảm giác, trí nhớ, cũng là những thành phần của Tâm.
Mục đích của thiền định trước hết là làm cho cái suy nghĩ, cái vọng tưởng lắng xuống. Nhiếp tâm có nghĩa là làm cho hết cái ý niệm suy nghĩ đi.
Khi ta dụng công theo Kỹ thuật của Phật dạy, Biết toàn thân, Biết thân vô thường, Biết hơi thở, thì ta tạo ra một thành phần MỚI của Tâm, đó là trạng thái Tỉnh giác. Cái trạng thái Tỉnh giác này rất mới lạ, làm ta thấy tâm sáng ra, rỗng rang, và Bớt lệ thuộc cuốn theo ý nghĩ.
Khi chưa có cái Tỉnh giác này, ta chỉ có Ý nghĩ trong tâm, nên các ý nghĩ nối tiếp cuốn sự chú ý của ta theo đó hết. Bây giờ tu tập thiền định, Biết toàn thân, Biết thân vô thường, Biết hơi thở, thì tâm ta dần xuất hiện thêm cái tỉnh giác kỳ diệu. Cái tỉnh giác này giúp ta bớt bị cuốn theo ý nghĩ, giúp ta nhìn ý nghĩ là đối tượng bên ngoài, khiến cho các ý nghĩ bị yếu sức và tắt đi. Nhưng dĩ nhiên ý nghĩ khác sẽ khởi tiếp chứ chưa yên.
Nếu sức tỉnh giác mạnh, thì ý nghĩ bị lấn hiếp, bị hóa giải, bị phát hiện sớm, bị trừ bỏ rất nhanh. Tâm ta sẽ khá Định và Tĩnh. Gọi chung là Định tĩnh. Nếu sức tỉnh giác chưa mạnh lắm thì ý nghĩ vẫn cạnh tranh để xuất hiện móng khởi mãi.
Vai trò tính năng của Sức tỉnh giác là vô cùng quý giá. Quý đến nổi nhiều vị đã đặt tên cho nó là Phật tính.
Tuy nhiên cái Sức tỉnh giác này cần nhiều điều kiện để xuất hiện trong tâm ta. Điều kiện xa là Phước, Đạo đức, Nội lực. Điều kiện gần là kỹ thuật dụng công Biết toàn thân, Biết thân vô thường, Biết hơi thở.
Ai có Phước nhiều sẽ có sức tỉnh giác mạnh. Ai có đạo đức thánh thiện sẽ có sức tỉnh giác mạnh. Ai có nội lực sẽ có sức tỉnh giác mạnh.
Và cuối cùng là ai dụng công đúng như Phật dạy thì sức tỉnh giác hiện ra.
Có tỉnh giác rồi thì ta bắt đầu bớt bị ý nghĩ dẫn đi, bắt đầu thấy được vọng tưởng như là một đối tượng ngoài mình để buông bỏ. Lúc đó, hành giả chỉ cần nhìn thấy vọng tưởng là vọng tưởng mất. Nhiều người đạt được trình độ này nên cho rằng chỉ cần Biết vọng tưởng thì vọng tưởng mất. Nhưng tiếc là nếu không có sức tỉnh giác thì ta không Biết được vọng tưởng. Mà muốn có sức tỉnh giác thì phải có các điều kiện Xa và điều kiện Gần kia.
Ngồi đó mà chỉ lo Biết, thì lực sẽ chạy lên đầu lâu ngày mất chân âm sinh ra nhiều bệnh khác. Phải Cảm giác toàn thân, phải Quán thân vô thường, phải Theo dõi hơi thở, thì sức tỉnh giác mới hy vọng xuất hiện.

THIỀN 7 – CHÁNH TINH TẤN tiếp theo
Nhiều hiện tượng lạ xuất hiện trong giai đoạn Chánh tinh tấn này, nên hành giả rất cần một vị minh sư dẫn dắt. Có khi thấy như mình đã vào định sâu, có khi ảo giác xuất hiện, có khi năng lực siêu nhiên xuất hiện, có khi bị trở ngại như phát điên, có khi bế tắc không tu được…. Giai đoạn Chánh tinh tấn này thật là vất vả.
Nếu không có minh sư dẫn dắt, ta sẽ phát sinh vô số hiểu lầm. Hoặc ta nghĩ mình chứng đạo rồi, hoặc ta nghĩ mình thất bại rồi, rồi quyết định sai lầm đáng tiếc.
Khi học thiền, hành giả cần phải hiểu rất tường tận giai đoạn Chánh tinh tấn này để có căn bản vững chắc. Đa phần người dạy thiền đều không chú trọng giai đoạn Chánh tinh tấn này nên thiền sinh bị trở ngại rất nhiều. Có vị thầy chỉ nói về Chánh niệm mà không nói gì về Chánh tinh tấn. Có vị thầy chỉ nói về Chánh định từ Sơ thiền đến Tứ thiền mà không hề chỉ dạy từ căn bản Chánh tinh tấn hay Chánh niệm. Sự nhảy cóc như thế làm thiền sinh hiểu lầm, tưởng mình cao siêu, rồi tổn phước thoái đọa cả.
Hầu hết thời nay con người loay hoay chưa đi hết Chánh tinh tấn mà cứ tưởng mình chứng Chánh niệm rồi, tưởng mình Kiến tánh ngộ đạo rồi, tưởng mình vào Sơ thiền Nhị thiền của Chánh định rồi. Sự hiểu lầm như thế làm tổn phước của đệ tử Phật, và góp phần làm Đạo Phật suy yếu.
Làm sao biết mình còn loay hoay ở Chánh tinh tấn khi mà tâm mình đã xuất hiện nhiều trạng thái vi diệu?
Đó là, nếu còn ở Chánh tinh tấn, công phu của ta chưa ổn định, khi tiến khi lui, và có thể mất trắng như kẻ phàm phu tầm thường. Còn khi đã vào Chánh niệm, công phu của ta khá ổn định, khó lui sụt ở kiếp này. Xin nhắc lại, khó lui sụt ở kiếp này. Nếu vì tạo nghiệp gì mà phải lui sụt thì sẽ lui sụt ở kiếp sau.
Như đã nói, khi tâm có bề dày về Đạo đức, Công đức, Khí công nội lực, sau đó ta dụng công Biết toàn thân, Biết thân vô thường, Biết hơi thở, thì tâm ta xuất hiện một thành phần mới, đó là Sức tỉnh giác.
Khi chưa có Sức tỉnh giác thì tâm ta bị ý nghĩ làm chủ nhân. Ta tức là cái suy nghĩ. Cái suy nghĩ tức là ta.
Khi đã có Sức tỉnh giác rồi thì ý nghĩ bị đẩy ra thành cái bị biết, thành đối tượng bên ngoài, thành cái kẻ ăn bám tai hại.
Sức tỉnh giác càng mạnh thì ý nghĩ càng bị đẩy ra xa, mờ nhạt. Nếu Sức tỉnh giác kém thì ý nghĩ còn cạnh tranh giành làm chủ trở lại. Ý nghĩ và Sức tỉnh giác cứ cạnh tranh nhau suốt thời gian dài khi ta còn ở giai đoạn Chánh tinh tấn.
Khi Sức tỉnh giác yếu thì vọng tưởng khởi lên qua xong rồi ta mới Biết. Biết thì đã xong rồi.
Khi Sức tỉnh giác khá hơn thì kể từ khi vọng tưởng bắt đầu cho đến khi qua hết đều bị ta Biết rõ. Biết nhưng không diệt được.
Nếu Sức tỉnh giác mạnh thì ngay khi vọng tưởng vừa nhớm khởi đã bị biết rồi tắt luôn. Chỉ Biết thôi, là vọng tưởng đã tắt.
Nhiều người đạt trình độ này nên cho rằng, chỉ cần Biết là vọng tưởng tiêu. Thật ra không đơn giản như vậy. Phải có Sức tỉnh giác mới có cái Biết. Phải có Sức tỉnh giác thì vọng tưởng mới bị yếu sức mờ nhạt lui bước.
Mà muốn có Sức tỉnh giác thì phải dụng công 3 cái Biết, và bề dày 3 cái nền tảng.

THIỀN 8 – CHÁNH TINH TẤN tiếp theo
Hầu hết các nơi dạy thiền đều không dạy kỹ phần Chánh tinh tấn, mà cứ nói cao hơn ở Chánh niệm, Kiến tánh, Bốn mức thiền, gây cho người học ảo tưởng cao siêu nên bị tổn phước. Chánh tinh tấn là đã có quá nhiều vấn đề phức tạp. Nếu chưa nắm vững Chánh tinh tấn thì thường là tu sai và dạy sai.
Muốn cho Phật Pháp tồn tại lâu dài thì người đệ tử Phật phải củng cố sự tu tập thiền định từ Chánh tinh tấn cho kỹ lưỡng. Các thiền viện phải có những lý thuyết, lý luận, kỹ thuật về Chánh tinh tấn cho chu đáo. Nhờ có căn bản Chánh tinh tấn này mà hành giả đi tới vững chắc, đi tới đâu biết tới đó, chứ không mơ hồ về trình độ của mình.
Còn không hiểu rõ Chánh tinh tấn, tu tập mờ mịt, tiến lui không rõ, tổn phước nặng nề, rồi bỏ tu hết. Nhiều người bị như vậy thì Phật Pháp sẽ tàn hoại rất nhanh. Phật Pháp còn tồn tại vì còn có người nỗ lực tu tập thiền định hướng về Vô ngã. Nếu đệ tử Phật không cố gắng tu tập thiền định nữa thì Phật Pháp thực sự rỗng không.
Giai đoạn tu vất vả mà chưa có kết quả gì, hoặc có chút kết quả rồi mất, thật sự thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Vừa ngồi thiền vừa tập khí công, vừa tạo phước, vừa tu dưỡng đạo đức. 3 nền tảng quý báu của Thiền cứ phải được vun đắp mãi, cho đến khi đủ rồi thì tâm linh mở ra trong công phu thiền định.
Nơi Chánh tinh tấn, hành giả phải cảm giác toàn thân, biết rõ toàn thân. Cái này cũng không đơn giản. Làm sao giữ cái cảm giác vừa vặn nơi da thịt, không cho chạy ra khỏi da thịt, đã là khéo léo. Mắt nhìn là chạy ra khỏi, tai nghe là chạy ra khỏi, ý khởi là chạy ra khỏi. Khó lắm đấy.
An trú vừa vặn nơi da thịt, và biết quá rõ da thịt này vô thường. Rất nhiều người tập an trú toàn thân chưa kỹ, sau này sắp có được Sức tỉnh giác thì bị chập chờn tới lui không ổn định. Phải tập an trú toàn thân cho kỹ, cảm giác vừa vặn nơi da thịt, không cho lọt ra ngoài, sẽ giữ được tỉnh giác về sau.
Phần hơi thở cũng rất khó cảm nhận rõ ràng. Nhưng may mắn ta có Âm dương khí công giúp gợi ý cho ta nắm hơi thở nhanh hơn. Ta hít vào một chút, rồi thở ra chậm chậm dài gấp 3 lần. Hít vào hay thở ra đều bằng mũi, khác với tập Âm dương khí công thở ra bằng miệng. Tuyệt đối đừng cố gắng hít vào nhiều, sẽ làm nghẹn ngang ngực. Hít vào ít thôi, vậy mà tâm được yên.
Khi tâm có những khoảng yên, ta có được các khoảng trống không chẳng suy nghĩ gì. Nhưng chẳng có gì đặc biệt. Phải cứ giữ cái biết toàn thân, biết hơi thở, không xao lãng, thì Sức tỉnh giác mới bắt đầu xuất hiện. Nhiều người lầm, vừa thấy tâm trống không vội bỏ mất kỹ thuật an trú toàn thân, bỏ mất hơi thở. Chẳng bao lâu loạn động trở lại.
Tâm hiện trạng thái gì cũng mặc, cứ giữ cái phép an trú toàn thân và biết hơi thở. Đến khi Sức tỉnh giác hiện ra vằng vặc thì cũng không được bỏ cái phép an trú toàn thân và hơi thở.
Rồi Sức tỉnh giác lấn dần vọng tưởng, chiếm dần hết nội tâm, bao nhiêu điều lạ lùng mới mẻ chưa từng có, cũng kệ, cứ giữ phép an trú toàn thân và nắm hơi thở cho kỹ.
Đến khi ta bất ngờ có trạng thái mới, tỉnh hơn, yên hơn, và tâm không còn màng chuyện gì nữa, thì đó là lúc phá được Triền cái Tham. Bước đầu của Chánh niệm là đây.

THIỀN 9 – CHÁNH TINH TẤN tiếp theo
Ta cần nhắc lại những điều căn bản để đừng quên.
Khi bắt đầu tọa thiền, ta tác ý 3 tâm hạnh, Tôn kính Phật tuyệt đối, Yêu thương chúng sinh vô hạn, Khiêm hạ tột cùng. Đây là những tác ý giúp củng cố đạo đức và cũng tạo ra phước.
Ngoài ra trong đời sống, ta phải khéo tác ý để giữ tâm cho chân chính. Nhiều tình huống, nhiều trường hợp phức tạp trong cuộc đời buộc ta phải xử lý thông minh, phải tác ý khéo léo để thêm phước tránh nghiệp.
Rồi 3 nền tảng của Thiền là Đạo đức, Công đức, Khí công cũng phải hiểu sâu làm kỹ. Những điều nền tảng này tạo ra một đời sống thánh thiện dù hành giả chưa chứng thiền chứng thánh. Rồi khi vừa tọa thiền vừa xây dựng 3 nền tảng đó thì thiền và 3 nền tảng sẽ hỗ trợ cho nhau rất đẹp.
Biết tu tập, ta cũng không được tu một mình mà phải dẫn dắt nhiều người cùng tu. Nhờ công đức dẫn dắt huynh đệ tu mà ta có phước tâm linh cho mình. Muốn giỏi cái gì thì phải chỉ vẽ cho nhiều người cùng biết theo. Mỗi khi chùa mở khóa thiền thì phải rủ huynh đệ tham gia để gặp thầy gặp bạn nhiều nơi mà mở lòng lớn mãi.
Khi nói chuyện về thiền với bạn bè, ta phải khéo léo nói làm sao cho người hiểu về thiền kỹ lưỡng mà không nghĩ rằng ta đã cao siêu. Nói mà gây cho người ta nghĩ mình cao siêu thì sẽ bị tổn phước. Vừa nói về thiền vừa giữ lời khiêm tốn cẩn thận.
Công phu lễ Phật mỗi ngày phải siêng năng. Khi lễ Phật, ta không cần phải ngất ngây cảm xúc, mà chỉ cần hiểu rằng ta tôn kính Phật tuyệt đối là được. Ý niệm tôn kính Phật tuyệt đối chính là nhân lành chứng thánh sau này.
Lòng từ bi yêu thương chúng sinh cũng là phẩm chất của thánh. Đệ tử Phật phải huân tập lòng từ bi sâu dày mãi, góp phần vào công đức chứng thánh về sau.
Giai đoạn Chánh Tinh Tấn vất vả tốn thời gian, nhưng rồi cũng phải bước qua giai đoạn Chánh Niệm. Giai đoạn Chánh Niệm đã bắt đầu lớn chuyện. Vì thế hành giả phải chuẩn bị nhiều cái căn bản cho kỹ để khi vào được Chánh Niệm được bền vững ổn định.

THIỀN 10 – CÂU HỎI KIỂM TRA CHÁNH TINH TẤN
Hỏi: Chánh tinh tấn là nỗ lực tu hành nhưng chưa có kết quả, vậy chánh tinh tấn bao gồm những giai đoạn nào?
Đáp: Chánh tinh tấn bao gồm 3 giai đoạn, một là Dụng công đúng phương pháp, hai là xuất hiện Sức tỉnh giác, ba là Cạnh tranh giữa Tỉnh giác với Vọng tưởng.
Hỏi: Dụng công đúng phương pháp là sao?
Đáp:
Hỏi: 3 nền tảng của thiền là gì?
Đáp:
Hỏi: 3 tâm hạnh cần tác ý trước khi thiền là gì?
Đáp:
Hỏi: Ý nghĩa mục đích của bài kệ Vào thiền?
Đáp:
Hỏi: Ý nghĩa mục đích của bài kệ Xả thiền?
Đáp:
Hỏi: Tại sao xuất hiện Sức tỉnh giác rồi mà vẫn chưa phải là chứng được Chánh niệm?
Đáp:
Hỏi: Tại sao xuất hiện Sức tỉnh giác rồi mà vẫn bị vọng tưởng cạnh tranh?
Đáp:
Hỏi: 3 giai đoạn mà Sức tỉnh giác Biết vọng tưởng là thế nào?
Đáp:
Hỏi: Ý nghĩa của Lý Âm Dương trong việc dụng công tu tập thiền định là gì?
Đáp:
Hỏi: Vì sao không được chăm chăm trực tiếp diệt trừ vọng tưởng?
Đáp:
Hỏi: Thế nào là dùng vọng tưởng để làm thước đo Sức tỉnh giác?
Đáp:
Hỏi: Ảo giác là gì?
Đáp:
Hỏi: Những công đức gì hỗ trợ công phu thiền định?
Đáp:
Hỏi: Trong đời sống hàng ngày, dụng công thế nào?
Đáp:

Chúng ta mong ước người Việt Nam ai cũng rành rẽ về kỹ thuật thiền định để tu hành và giới thiệu cho thế giới.

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất