Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻCó thể đôi tay ta bé nhỏ nhưng ước mơ của ta...

Có thể đôi tay ta bé nhỏ nhưng ước mơ của ta không được quyền nhỏ bé

-

CÓ THỂ ĐÔI TAY CHÚNG TA BÉ NHỎ, VIỆC LÀM CHÚNG TA ÍT ỎI, KHẢ NĂNG CỦA CHÚNG TA KHÔNG NHIỀU, NHƯNG ƯỚC MƠ CỦA CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN NHỎ BÉ

Không ít người hỏi chúng ta “Tu để làm gì?”. Nhiều người đã nói lên mục đích, thường là nói lên mục đích, là để cho mình trở nên tốt đẹp, giác ngộ, giải thoát…

Thực ra, tất cả các mục đích đó đều bị vị kỷ tiềm tàng chi phối. Và chính sự vị kỷ đó sẽ sinh ra nhiều chuyện rắc rối. Vì sao, vì muốn mình tốt vẫn còn là ích kỷ. Càng đi sâu vào đạo Phật, chúng ta càng phát hiện ra những điều tinh tế mà mỗi người cần phải tỉnh táo để nhìn thấy. Khi chúng ta đi tu, ai cũng mong cho mình trở nên tốt. Nói như vậy, không ai dám nói lý luận của mình là sai. Vậy mà vẫn còn ích kỷ tiềm tàng chi phối.

Đến với Phật, chúng ta đều có một nhân duyên, một khởi điểm gì đó. Hãy đọc lại mấy câu thơ trong cuốn Luận về Nhân Quả:

… Có bao giờ em ước mơ vơ vẩn

Về quê hương ngập ánh sáng tình thương

Cõi nhân gian đã hiện bóng Thiên Đường

Vì thiện pháp giăng đầy trên mọi lối

Đời nhân thế sẽ không còn u tối

Nếu đường đi Luật Nhân Quả nghiệp duyên

Được tuyên dương thắp sáng khắp mọi miền

Trong em bé cụ già trong tất cả.

Khi hiểu luật Nhân Quả, chúng ta luôn luôn ước mơ mọi người đều được biết về Nhân Quả. Như vậy, cả thế gian này tự nhiên sẽ tràn ngập Đạo đức. Chúng ta ước mơ rằng, trong nhà trường, những em bé đều được học luật Nhân Quả. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được trên một đất nước mà Phật Giáo là Quốc Giáo. Nếu được như vậy, Đạo đức sẽ tăng lên rất mạnh.

Nói chung, chúng ta sống đều có ước mơ. Chúng ta mong cho tất cả mọi người đều thương yêu nhau, đều nhìn nhau bằng ánh mắt trìu mến, tay nắm tay chung một nụ cười, một niềm vui; thế gian này đầy chim ca hoa nở, đầy ánh nắng hồng, đầy hương hoa ngào ngạt như một cõi Thiên Đường và tất cả mọi người đều có đạo đức, mà nhất là biết thương yêu nhau. Có thể đôi tay chúng ta bé nhỏ, việc làm chúng ta ít ỏi, khả năng của chúng ta không nhiều, nhưng ước mơ của chúng ta không được quyền nhỏ bé. Người tu phải sống như vậy, phải có ước mơ và ước mơ không được quyền bé nhỏ. Chúng ta phải ước mơ, phải hướng đến một lý tưởng tuyệt đối hoàn hảo dù mình không làm được như vậy.

Chúng ta mong cả thế gian này biết thương yêu nhau, mong cho Phật pháp giăng phủ khắp cả mọi nẻo đường. Nghĩa là, từ những làng quê xa xôi, trên những đồi núi cao, đến những chốn phồn hoa đô hội, ai cũng dựa vào tinh thần Nhân Quả, Từ Bi, Bác Ái của đạo Phật để đối xử với nhau. Nghĩa là chúng ta, ai cũng là một sứ giả đem tình thương yêu, đem đạo đức, đem hòa bình đến cho con người, cho nhân loại.

Mơ ước như vậy, nhưng chúng ta sẽ làm được điều gì? Trước hết, bây giờ mỗi người chúng ta phải gạn lọc tâm mình, phải luôn giúp đỡ Huynh đệ trong chùa. Sau này lớn lên, chúng ta có thể vân du thuyết pháp, mở những pháp hội lớn lao đông đảo. Mơ ước thường lớn lao như vậy, nhưng chúng ta chỉ sẽ làm được rất nhỏ; nếu mơ ước nhỏ thì việc làm của chúng ta còn ít ỏi hơn nữa. Vì vậy, chúng ta phải biết ước mơ, phải biết khát khao sự hoàn hảo, sự tuyệt đối, để rồi dù cho không làm được như mơ ước, chúng ta cũng đã đóng góp được một số điều tốt đẹp cho nhân loại.

Nhưng muốn cho mọi điều tốt đẹp, trước hết, chính người tu chúng ta phải tự hoàn thiện bản thân mình.

Mọi người đều không thể phủ nhận là không phải hễ là người xuất gia thì đã hết lỗi lầm. Tăng Ni dù hết sức cố gắng vẫn còn sơ xuất. Đôi khi sự sơ xuất đó lan rộng thì Phật Pháp suy đồi. Nếu sự sơ xuất về Đạo đức của Tăng Ni chỉ trong phạm vi hẹp thì Phật Pháp còn được gọi là thịnh đạt. Chúng ta muốn Phật Pháp hưng thịnh thì phải giúp nhau tránh những sơ xuất về Đạo đức để niềm tin của mọi người được vững chắc.

Như vậy, trước lầm lỗi của mình và của người, chúng ta đều phải có trách nhiệm. Mỗi người phải tự sửa lỗi của mình, đồng thời phải giúp nhau sửa lỗi, không được bỏ mặc khi nhìn thấy lỗi của người khác.

(Trích TÂM LÝ ĐẠO ĐỨC – Bài 5: “Chỉ trích và chỉ lỗi”)

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất