Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápCứ vất vả hơn nữa - Bài giảng sáng mùng 5 Tết...

Cứ vất vả hơn nữa – Bài giảng sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất

-

Vừa qua, vào sáng mồng 5 tết, rất đông du khách thập phương vẫn về tìm về chùa để cùng hòa vui trong không khí mùa xuân bình an, ấm áp tại Thiền Tôn Phật Quang. Vào đúng 9 giờ sáng, hơn 6 nghìn phật tử đang hiện diện đã lắng lòng trong bài Pháp thoại với chủ đề “CỨ VẤT VẢ HƠN NỮA” do Thượng tọa trụ trì thuyết giảng.

Bài Pháp thoại đã làm sáng tỏ chân lý “Khổ Đế” mà Đức Phật đã tuyên thuyết, đồng thời gợi mở phương pháp độc đáo giúp mọi người thoát khỏi những nỗi khổ trên đời, làm thính chúng vô cùng ngạc nhiên, thán phục.

Mở đầu, Thượng tọa chia sẻ: ngẫm nghĩ lại, chúng ta thấy rằng cuộc đời mình vô cùng vất vả. Để có cái gọi là vui, ta thường phải đánh đổi rất nhiều. Người nghèo khó vất vả đã đành, ngay cả kẻ giàu sang cũng không sung sướng hơn. Để bảo vệ tài sản, danh tiếng, họ phải lao tâm khổ trí rất nhiều, có khi phải gánh số nợ vượt hơn bao nhiêu chiếc xe, bao nhiêu căn nhà mà mình đang sở hữu.

Hoặc lấy được một người bạn đời ưng ý, xinh đẹp, giỏi giang rồi cũng không phải hạnh phúc, bởi ta phải bận tâm nuông chiều, phải đề phòng sự rình rập của kẻ khác, phải canh chừng cả sự lạc lòng của người kia… Nói chung, phải tốn bao nhiêu công lao để giữ cái được gọi là hạnh phúc, mà hạnh phúc này cũng hết sức mong manh. Ngay như người xuất gia sống trong chùa cũng không phải là bình yên, mà luôn phải nỗ lực rất nhiều để tu hành và vượt qua thử thách.

Cho nên cuộc đời này là đau khổ – đó là chân lý đầu tiên mà Đức Phật đã chỉ dạy (khổ đế), nhưng ít ai có thể tin sâu, hiểu sâu được. Đến khi trải qua cuộc đời, đến cái tuổi nào đó, ngẫm lại rồi chúng ta mới thấy Đức Phật đã nói không sai.

Vậy làm sao để thoát khỏi mọi phiền toái, khổ đau?

Nhiều người đã chọn cách buông bỏ: chẳng hạn, yêu người vợ người chồng khổ quá nên buông bỏ, hoặc công việc làm ăn vất vả quá nên buông bỏ, hay nuôi đứa con tật bệnh khổ quá nên bỏ đi… Theo Thượng tọa, trả lời bằng một chữ “buông”, như nhiều người vẫn ca ngợi – đó lại là câu trả lời vô cùng nông cạn, không thực tế, chưa bao giờ là giải pháp thoát khỏi khổ đau.

Phương pháp thoát khổ mà Đức Phật chỉ dạy thì vô cùng phức tạp. Con đường để diệt khổ là Bát Chánh Đạo, cực kì vất vả. Chỉ một Chánh kiến ban đầu (tức là ‘hiểu đúng’) thôi, chúng ta đã phải trải qua một nghìn kiếp mới đạt đến trình độ hiểu đúng về tất cả, chứ không hề dễ dàng.

Vì vậy thoát khỏi khổ đau là không hề đơn đơn giản, không bao giờ là sự tránh né, trốn chạy, buông bỏ, mà là cả quá trình vô cùng kì công, phức tạp, cực nhọc.

Thượng tọa cho biết, trong bài giảng này Người sẽ không đào sâu về Bát Chánh Đạo mà chỉ nêu ra một chìa khóa, một chân lý: muốn hết vất vả, hãy chọn con đường vất vả hơn nữa; để tránh khổ cực, hãy cực khổ hơn nữa. Nghe rất lạ lùng.

Ví dụ, một người bán vé số ngồi nơi vỉa hè, dãi dầu nắng mưa, trông đợi bán được từng tấm vé số… thì con đường thoát khổ của bà không phải là vứt hết vé số, bỏ gia đình trốn đi. Bà chỉ có một con đường để đi, đó là chấp nhận khổ hơn. Những lúc vắng vẻ không có khách, bà lang thang đi nhặt rác cho đường sá được sạch đẹp. Những lúc có ai hỏi đường, bà chỉ lối cực kì tận tình. Lúc có đội làm đường gần đó, bà mua bánh, sữa bồi dưỡng cho những công nhân, tức là gián tiếp đóng góp vào việc đắp đường. Trong hoàn cảnh vô cùng eo hẹp của mình, bà vẫn phải kiên nhẫn bỏ thời gian, công sức, chắt mót từng đồng để giúp người, giúp đời từ những việc nhỏ nhất. Qua vài năm như vậy phước mới đến, những may mắn sẽ bất ngờ xuất hiện làm thay đổi cuộc đời bà.

Qua ví dụ trên, Thượng tọa nhấn mạnh rằng: ta chỉ hết vất vả khi chấp nhận vất vả hơn nữa. Còn nếu bỏ trốn thì cái khổ vẫn sẽ đi theo mình. Như có những người tránh né nỗi khổ thế gian bằng cách tìm vào chùa, nghĩ rằng tìm một nơi yên ổn nương náu cho qua ngày đoạn tháng, không ngờ vào chùa rồi vẫn gặp đủ chuyện xui rủi, oan trái. Họ trốn đến đâu là oan trái, nghiệp chướng theo sát gót đến đó.

Nên Thượng tọa đã nói một điều có vẻ khôi hài, nhưng chính là chân lý: trên cuộc đời này ai cũng khổ, dù giàu, nghèo, trí, ngu, dân thường hay lãnh đạo… Và cách thoát khỏi cực khổ là chấp nhận, tự giác chịu cực khổ nhiều hơn.

Ví dụ, người bác sĩ làm tận tụy hơn bổn phận được giao, chấp nhận gánh vác bớt việc cho đồng nghiệp, chấp nhận bố thí cho bệnh nhân nghèo, dù chính mình cũng không khá giả mấy… Cứ siêng năng, tận tụy hơn bổn phận, làm nhiều hơn trách nhiệm được giao như vậy.

Hoặc vị Lãnh đạo cao nhất một quốc gia phải phấn đấu xây dựng đất nước, làm cho đất nước giàu mạnh, người dân hạnh phúc… dường như không còn nỗi vất vả nào hơn. Vậy phải làm sao để vất vả hơn nữa, để làm tận tụy hơn bổn phận được giao nữa? Đó là phải nhìn sang nước láng giềng, giúp cho họ cũng ổn định, phát triển lên, đừng để nước mình no đủ trong khi nước láng giềng thiếu thốn. Đây là điều mà Việt Nam đã làm được. Chúng ta hỗ trợ cho hai người anh em là Lào và Cam-pu-chia rất nhiều, không những vậy còn có trách nhiệm với khối ASEAN chung quanh, nước nào cũng có bàn tay của Việt Nam tham gia xây dựng cả.

Người lãnh đạo làm vượt hơn trách nhiệm như vậy sẽ được cái phước lớn, đời sau họ tiếp tục làm những lãnh đạo cao hơn, có thể lên đến vua cõi trời. Nhưng vua cõi trời cũng không phải là sung sướng, phải biết rằng một vị vua cai quản tam giới thì vô cùng bận rộn. Khi thoát được trách nhiệm ở cõi người rồi thì sẽ được nhận lấy trách nhiệm nặng nề hơn nữa.

Và hãy nhớ rằng lúc nào chúng ta cũng phải chiến thắng cái cực khổ mà mình đang chịu, ‘thắng nó để thoát khỏi nó’. Đó là công thức. Như vậy cuối cùng đi về đâu? Cuối cùng mới thành một đấng Giác ngộ, thành một vị Phật được. Ý này rất khó hiểu, Thượng tọa không phân tích mà yêu cầu mọi người suy nghiệm.

Chúng ta sinh ra trên đời này mỗi người có cái phước khác nhau, có người làm thầy giáo, làm kỹ sư, quan chức, có người làm công nhân, nhân viên dọn vệ sinh… Ở mức nào, ở vị trí nào thì mỗi người đều cảm nhận được cái khổ ngay đó. Nhìn xuống thì thấy mình sung sướng hơn nhiều người, nhưng nếu xét trên thân phận hiện tại thì chúng ta đều cực khổ. Và phương pháp để thoát khỏi sự cực khổ là tình nguyện khổ hơn. Phải làm nhiều việc hơn trách nhiệm mà mình được giao.

Nếu ai sống trên đời mà lười biếng, tránh né trách nhiệm, bỏ quên bổn phận, người đó sẽ không thay đổi được cái nghiệp của mình, còn phước thì càng lúc càng cạn kiệt. Mà khi phước hết rồi thì sẽ có người ‘cầm roi’ bắt ta phải cực khổ. Giải thích cho ý này, Thượng tọa phân tích thêm: hãy nhìn cảnh nô lệ bị còng, trói, cảnh người bóc lột, hành hạ, đày đọa người, chúng ta thấy trên luật pháp, trên đạo lý là sai, nhưng trên nhân quả thì vẫn có lý do của nó. Nguyên nhân nằm ở chỗ ngày xưa, ở kiếp nào đó những người này luôn trốn tránh trách nhiệm, sống rất thụ động, không muốn đóng góp gì cho đời, cho nên sẽ đến ngày có người cầm roi bắt họ làm việc trong cực khổ.

Vì vậy khôn ngoan nhất là tình nguyện làm vượt hơn trách nhiệm của mình, tức là tình nguyện làm những điều phúc thiện. Trong tâm mỗi người phải trang bị ba điều sau:

– Thứ nhất là khát khao, thiết tha làm phước.
– Thứ hai là tìm việc phúc để làm.
– Thứ ba tiến hành làm: tự mình làm, hoặc rủ người cùng tham gia, hoặc phụ giúp người khác làm phước.

Đương nhiên, ta phải làm một cách thanh thản, không chấp công, và lúc nào cũng chấp nhận vất vả thêm, cực khổ hơn là cái khổ mà cuộc đời đặt lên vai mình. Đó là chìa khóa thoát ra khỏi nỗi khổ cực của cuộc đời này.

Thượng tọa nhấn mạnh rằng thật không dễ có cơ hội làm phước. Nhiều lúc ta có tiền nhưng không tìm ra ai để giúp, đến khi có người cần thì mình lại không còn tiền, hoặc khi ta rảnh rỗi thì chẳng có con đường nào hư, đến khi xuất hiện con đường hư lở thì chính mình lại không có thời gian để đi đắp, v.v…

Vì vậy, không phải dễ có cơ hội làm phước, chúng ta phải tranh thủ, chắt chiu từng chút cơ hội, dù việc thiện nhỏ như hạt cải cũng không bỏ qua. Từ những việc nhỏ nhặt nhất như bố thí cơm ăn áo mặc, lấy ghế cho người ngồi nghe Pháp, cho đến việc lớn lao nhất như cho người kiến thức, cho cơ hội mưu sinh, cho người biết đạo lý, biết tu hành… ta đều tận tâm làm cả.

Có người thắc mắc rằng: “Tôi đang gánh 100 kí khổ, bây giờ gánh thêm 100 kí nữa thì vẫn là khổ đấy thôi, chứ chưa thấy sung sướng gì cả. Vậy lý thuyết trong bài này có thực thế chăng?”. Câu trả lời là 100 kí mà cuộc đời đặt lên vai ta đúng là 100 kí rất khổ, còn 100 kí mà ta tình nguyện gánh thì nặng đấy nhưng là hạnh phúc.

Có thể nói, tránh nhiệm mà cuộc đời ràng buộc ta thường mang lại tâm lý khó chịu, còn phần việc mà ta tình nguyện gánh lấy thì mang đến tâm lý hạnh phúc. Cho nên càng dấn thân, càng gánh vác nhiều chừng nào thì càng hạnh phúc chừng nấy.

Hiểu được chìa khóa này rồi, Thượng tọa hi vọng các phật tử đầu năm đến chùa hãy khấn cho mình có được một năm bận rộn, nhiều cực nhọc hơn. Sau cùng, bài Pháp thoại được khép lại bằng bài thơ:

Bao kiếp con mang nhiều nghiệp chướng
Nên đời này chẳng sướng chút nào
Làm người vất vả lao đao
Đủ điều khó nhọc lệ trào đêm thâu.

Quỳ trước Phật con cầu xin được
Cho đời con sẽ cực nhiều hơn
Hi sinh, phụng sự, dấn thân
Sớm hôm thiền định tinh cần không ngơi.

Đó là cách làm vơi nghiệp chướng
Thoát trầm luân mở hướng bay lên
Bởi vì công đức làm nên
Dẫn con ra khỏi gập ghềnh tử sinh.

Qua bài pháp thoại, Thượng tọa không chỉ gợi mở phương pháp độc đáo để thoát khổ, mà còn cho mọi người thấy được tinh thần dấn thân của Phật giáo. Nếu nói Phật giáo là bi quan, yếm thế, hoặc cho rằng tu theo đạo Phật để tìm một cuộc sống an nhàn, tìm một cõi hạnh phúc nào đó cho riêng mình thì quả thực chúng ta chưa hề hiểu về đạo Phật.

Bởi đạo Phật đã nhìn nhận rất thẳng thắn về bản chất khổ đau của cuộc đời, cũng như đưa ra phương pháp tích cực để vượt thoát, đó là tinh thần phụng sự, dấn thân, hi sinh, nhưng không chấp công. Đến những bậc Bồ tát cao siêu cũng thực hành công hạnh lợi tha không ngừng nghỉ, bởi vì “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Giá trị này là nét đẹp muôn đời của Phật giáo, được nhân loại tôn vinh, ca ngợi mãi mãi, dù cho thế giới có đổi thay ra sao chăng nữa. Hiểu rõ giá trị của giáo lý đạo Phật, chúng ta hãy dốc lòng tu tập: đó là những việc làm lợi ích mà người phật tử không thể lơ là được./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh buổi thuyết pháp sáng mùng 5 Tết:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất