Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápCửu giả hằng thuận chúng sinh - Thập hạnh Phổ Hiền

Cửu giả hằng thuận chúng sinh – Thập hạnh Phổ Hiền

-

Vừa qua, nhân khóa tu Thiền tại chùa Từ Tân (số 90/135, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình, Tp. HCM), TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng đề tài “CỬU GIẢ HẰNG THUẬN CHÚNG SINH”, với sự tham dự của hơn 4000 phật tử xa gần.

Đây là loạt bài một trong số mười đại hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền mà Thượng tọa đang thuyết giảng hàng tháng. Cứ mỗi một hạnh, phật tử lại hiểu hơn về cuộc đời, quá trình tu hành và công hạnh của các vị Bồ tát. Từ đó gieo vào lòng họ niềm kính ngưỡng sâu xa, mọi người nguyện lấy đó làm mực thước rồi hằng ngày chỉnh sửa, tu hành để hoàn thiện bản thân mình.

Vào bài Pháp, Thượng tọa khẳng định Ngài Phổ Hiền rất đề cao những vị Bồ tát có hạnh “cửu giả hàng thuận chúng sinh” này. Ở đây, ‘thuận’ nghĩa là xuôi theo, chiều theo, hòa đồng theo. Chúng ta nghe rất lạ, vì thông thường sự chiều chuộng thì luôn làm người khác vòi vĩnh, ỷ lại, kiêu căng, vậy tại sao Bồ tát lại chiều theo chúng sinh? Hoặc bản chất chúng sinh là ích kỷ, hưởng thụ, hận thù… vậy Bồ tát hòa đồng theo chúng sinh là thế nào? Thượng tọa nhấn mạnh rằng, đây là hạnh Bồ tát đặc biệt, không hề dễ hiểu.

Trước tiên, phải biết rằng khoảng cách giữa Thánh và phàm là xa xôi nghìn trùng. Các vị Thánh càng tu tập thì lại càng rời xa chúng sinh, chúng ta chỉ còn vời vợi ngưỡng trông chứ không đến gần các Ngài được vì cái phước cách nhau quá xa. Đó là nguyên tắc của nhân quả.

Hay như những người có phước lớn, giữ chức vị quan trọng trong bộ máy nhà nước. Dù trước kia ta có là bạn thân thì giờ muốn gặp cũng khó bởi cái phước cách nhau quá xa. Chỉ nội trong chúng sinh thôi mà gần nhau cũng không được. Với các loài động vật cũng vậy, ta phải có duyên thì mới gặp và nuôi nó. Nếu không, hễ chúng vào nhà là ta đuổi sạch, có khi là giết luôn bởi phước không đồng với mình.

Ví dụ con người với thú vật, trừ một vài vật nuôi có duyên, kiếp trước đã từng là thân quyến với mình, còn lại nếu có con rắn, con cóc, con thằn lằn… bò vào nhà, chúng ta thường cảm thấy khó chịu và tìm cách đuổi chúng ra ngay. Căn nhà của con người không thích hợp cho các loài khác ở, bởi cái phước của chúng không đồng với cõi người. Hoặc hai vợ chồng mà một người nhiều phước, một người kém phước quá thì cũng dễ lục đục chia tay.

Nói chung, chính vì xa dần về khoảng cách địa lí và tâm lí nên chúng sinh không còn gặp nhau. Đồng thời khoảng cách về phước cũng khiến chúng sinh khó gặp bậc Thánh khi các vị ấy đã tu chứng. Cho nên chúng ta đừng bao giờ thắc mắc tại sao mình không thấy được Bồ tát. Mà chính vì không gặp nên nhiều người nghĩ là vị Thánh không tồn tại. Suy nghĩ sai lầm này khiến ta mất phước bởi các vị ấy không cần ta tin, cũng không cần chứng minh cho ta thấy sự tồn tại của mình. Nhưng nhớ rằng, dù ta không gặp nhưng vẫn phải tin, phải kính. Vậy mới có phước.

Ta thấy từ hạnh thứ nhất là “ Lễ kính Chư Phật” cho đến hạnh thứ tám là “ Thường tùy Phật học” thì công đức của một vị Bồ tát đã vượt lên đến tột cao. Tức là các vị đã tu thuần thục, vượt lên trời cao mênh mông như hư không. Còn chúng sinh mãi lăn trôi trong đủ thứ nghiệp: tham lam, hận thù, ích kỉ. Phước của Bồ tát và chúng sinh từ đó cũng ngày càng cách nhau nhau hơn. Vì thế, bắt buộc phải ngăn cách chúng sinh và Bồ tát là điều không tránh khỏi. Đó là quy luật của nhân quả. Phật và Bồ tát cũng không làm gì khác được.

Chỉ có những người tu rất nhiều thì đôi khi được các Ngài ứng một vài điềm lành qua giấc mộng, hoặc đôi khi được các Ngài gia hộ, che chở cho qua cơn nguy cấp. Nên họ thấy có chút may mắn, giống như có bàn tay ai đứng phía sau gia hộ cho mình. Nhưng đó chỉ là linh ứng, chứ gặp mặt trực tiếp thì không bao giờ.

Cũng có trường hợp vì chúng sinh năn nỉ quá mà Phật đành chiều lòng gửi xuống thế gian những bậc chân tu để hướng dẫn mọi người tu tập cho đúng đắn, tinh tấn. Nếu biết yêu quý thầy mình, chăm chỉ tu hành, phước mọi người sẽ tăng lên từ từ. Một ngày nào, các phật tử cũng chứng quả vị Thánh. Ngược lại, nếu không biết yêu quý những vị chân tu, không tu hành tinh tấn, sớm muộn ta cũng đọa địa ngục. Hiểu được điều đó rồi, đừng ai đòi gặp Bồ tát. Chỉ cần gặp được đại diện của Bồ tát cũng hạnh phúc rồi. Nhờ cái phước đó mà tiến tu.

Việc nhân quả đẩy chúng sinh và Bồ tát xa nhau khiến hoài bão của chúng sinh rất khó thực hiện. Việc Bồ tát độ sinh cũng không dễ dàng. Dù cho lòng từ bi các Ngài quá lớn, lúc nào cũng muốn giáo hóa hết chúng sinh, nhưng khoảng cách của phước và nghiệp lại tạo sự ngăn cách. Chính sự khắc khe này mà Ngài Phổ Hiền dạy các vị Bồ tát công hạnh “Hằng thuận chúng sinh”, tức là chủ động mở một con đường tìm đến chúng sinh.

Bình thường, chúng sinh không bao giờ tìm được đến Bồ tát. Nếu cứ để yên như vậy, Bồ tát và chúng sinh sẽ xa nhau mãi mãi. Cho nên, Bồ tát phải chủ đồng tìm con đường đến với chúng sinh. Đây chính là ý nghĩ của hạnh “ hằng thuận chúng sinh”, là lòng từ bi, là dũng lực phi thường của Bồ tát. Tại sao Bồ tát độ chúng sinh lại gọi là dũng lực (nói cách khác là can đảm)?

Đó là bởi các Ngài dám từ bỏ chốn thanh tịnh, hạnh phúc, sạch sẽ của mình để sống cùng chúng sinh, những người còn tham, sân, si, ích kỉ, độc ác. Và nơi chúng sinh ở gồm những nơi rất hôi tanh, dơ bẩn, hiểm nguy… Do vậy, nếu không có lòng bi mẫn và dũng lực phi thường thì Bồ tát không dấn thân vào độ chúng sinh được.

Mà để độ chúng sinh bằng hạnh “cửu giả hàng thuận chúng sinh”, một vị Bồ tát phải chuẩn bị cho mình từ hạnh thứ nhất đến hạnh thứ tám. Nghĩa là phước của vị ấy phải ngập tràn rồi mới đủ phước để độ chúng sinh.

Thực tế, có rất nhiều người xuất gia, thọ giới, có bằng cấp đàng hoàng nhưng không thể độ nổi chúng sinh. Dù cố gắng ra sao cũng không có kết quả bởi việc này không dễ chút nào. Nhưng nếu vị đó thực hiện đầy đủ từ hạnh thứ nhất đến hạnh thứ tám, chỉ sau ba năm thôi là xây được chùa, chiêu mộ được đông đồ chúng, việc độ sinh cũng thành công. Tất cả đó là nhờ phước. Vị thầy nào phước càng lớn thì càng có sức hút với chúng sinh. Cho nên, cùng là giảng sư nhưng không phải ai cũng giống ai.

Cũng bởi phước khác nhau nên có người bước lên bục giảng, dù nói thế nào cũng không hu hút được người nghe. Nguyên nhân bí mật nằm ở cái phước còn ít ỏi của vị giảng sư. Còn người nhiều phước, khi bước lên giảng là phật tử nghe răm rắp. Những cái này không ai được truyền dạy, tất cả do phước mà thôi.

Cho nên vị Bồ tát nào cũng phải tích lũy nguồn phước vô tận. Nguồn phước này đến từ tám công hạnh phía trước: nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả quảng tu cúng dường v.v.. Tức là Bồ tát trải qua quá trình gieo duyên phúc sâu dày với một đấng giác ngộ tuyệt đối là Đức Phật, rồi mới đủ phước mà quay lại độ chúng sinh (công hạnh thứ 9). Nghiên cứu hạnh Phổ Hiền ta mới thấy được sự thâm thúy phía sau của nó.

Tiếp theo, Thượng tọa lý giải một thắc mắc lớn về công hạnh thứ 9 này. “Hằng thuận chúng sinh” – chữ thuận nghĩa là chiều theo, hòa theo, làm theo cho giống để mở một cái kênh đi vào cõi chúng sinh. Trong khi chúng sinh thì đầy tham sân, ích kỷ, mạn nghi, chửi bới, hơn thua, hưởng thụ,…Đây là một điều cực kì nhiệm màu, từ bi, trí tuệ. Nhưng giống chúng sinh là giống cái gì? Có phải là tham, sân, si, hưởng thụ…

Thực sự, muốn giống chúng sinh rất khó. Nếu bắt các vị thể hiện tư cách đàng hoàng của một bậc Thánh rất dễ bởi đó là bản chất tu tập của các Ngài. Vậy nên, bước vào nơi hiền lành, việc hóa độ rất dễ. Nhưng nếu bước vào nơi cờ bạc, mại dâm, toàn tệ nạn xã hội thì phải làm sao?

Khi Bồ tát xuống thế gian, chúng sinh bị tách làm hai liền. Người nào nhận ra được sự cao quý của Bồ tát để tôn kính thì được lên cõi trời. Người nào ganh tị, nói xấu thì chết đọa địa ngục. Vậy nên Bồ tát ít hiển thị xuống thế gian là vì vậy.

Bồ tát vào độ một xóm hầm hố, hung dữ thì sự nhẹ nhàng, lịch sự của Ngài chỉ càng chọc tức người dân xóm đó mà thôi. Vì sao? Vì Ngài và họ quá khác nhau, đây là một vấn đề rất khó. Vậy phải làm sao để khi bước vào xóm đó, ta giống người xóm đó?

Thực tế, có rất nhiều câu chuyện sống cho thấy những vị Bồ tát đã sống đúng cuộc đời, con người ở những nơi mà các Ngài đặt chân qua. Dù bản chất người dân ở những chỗ đó ra sao, chỉ cần nghe nhắc đến tên các Ngài, họ lại trở nên ngoan ngoãn, lễ phép.

Ngày xưa thầy Minh Phát ở chùa Ấn Quang được đồn đại là một vị Bồ tát sống. Người ta truyền tai nhau những câu chuyện thần thông kì lạ xoay quanh cuộc đời Ngài. Khi đó gần chùa Ấn Quang có khu bến xe rất phức tạp với nhiều tay anh chị dữ tợn, làm mọi người e dè sợ hãi. Vậy mà tất cả họ đều gọi thầy Minh Phát là Sư Phụ, sức thu phục của Ngài lớn như vậy. Cho nên một vị Bồ tát thì hòa đồng với chúng sinh, nhưng làm chúng sinh phát tâm kính ngưỡng chứ không xem thường.

Rõ ràng, các Ngài phải có phước lớn, năng lực siêu đẳng thì mới mở ra cái kênh để đồng hóa chúng sinh, thuận chúng sinh, sống với chúng sinh. Cuối cùng, giáo hóa họ luôn.

Đến đây, ta mới thấy sự vĩ đại của công hạnh gọi là “hằng thuận chúng sinh”. Cái khó của bậc Bồ tát hằng thuận chúng sinh là làm sao để giống chúng sinh nhưng không chìm mất trong chúng sinh; giống chúng sinh nhưng chúng sinh phải kính nể, không dám coi thường. Giống nhau mà lại khác xa nhau.

Trong quá trình để giống chúng sinh luôn có sự đánh đổi được một, mất một. Nên người hòa đồng theo chúng sinh có thể được tình cảm nhưng lại mất sự kính trọng của chúng sinh. Chỉ khi đủ phước và có thần thông ta mới làm được giống chúng sinh nhưng vẫn giữ được sự kính trọng của người khác dành cho mình. Và chỉ Bồ tát mới làm được việc đó.

“Tùy thuận chúng sinh” cũng có nghĩa là “chiều” chúng sinh. Vậy Bồ tát chiều chúng sinh những gì? Không có câu trả lời cụ thể, mà phải tùy từng trường hợp, tùy con người, tùy không gian, thời gian, tùy sự việc. Ví dụ khi chúng sinh muốn có một ngôi nhà chung để dân làng tụ tập, thờ phụng nhưng lại không đủ kinh phí và nhân lực để làm. Biết điều này, Bồ tát chiều liền vì biết đây là một nguyện vọng không xấu. Nghĩa là tùy không gian, tùy thời gian, tùy sự việc có hợp lí hay không mà Bồ tát quyết định có chiều chuộng hay không. Bồ tát chiều chúng sinh, lấy lòng chúng sinh để chúng sinh vừa thương, vừa nể mình. Sau đó, Bồ tát bắt đầu giáo hóa họ.

Phải hiểu rằng Bồ tát khác với phàm phu, trong khi phàm phu càng chiều chuộng càng ỷ lại, ích kỷ, vòi vĩnh, còn bậc Bồ tát chiều chúng sinh rồi buộc chúng sinh phải tốt lên, phải vất vả tu dưỡng.

Qua đó, chúng ta thấy lúc đầu Bồ tát cũng phải giống chúng sinh, sau đó mới từ từ lái chúng sinh theo ý mình. Còn nếu chống đối ngay từ đầu, chúng sinh sẽ cho đó là sự xúc phạm khủng khiếp, vì lòng kính ngưỡng tôn giáo của họ là một tình cảm mãnh liệt. Không khéo, Bồ tát lại trở thành kẻ thù của chúng sinh.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác mà Bồ tát phải thuận theo chúng sinh sao cho thật giống. Giống chúng sinh rồi khiến chúng sinh nể phục thì mới dạy họ được bởi chúng ta ai cũng chỉ nghe lời người mà mình kính trọng thôi. Đó là nguyên tắc. Vậy ông cha ta mới có đạo lí “tôn sư trọng đạo”.

Bậc làm cha mẹ cũng vậy, muốn con học giỏi, ngoan ngoãn thì phải dạy con biết kính trọng thầy cô. Nếu phá nguyên tắc này là ta đang hại con mình. Lúc đó, hệ lụy lập tức xảy ra. Đó là con không ghi nhớ, không gìn giữ lời thầy cô; không học hành; thi cử không đỗ,… Sau này, không có nghề nghiệp ổn định, đàng hoàng.

Thực sự, bậc cha mẹ nào thương con thì nên dạy con phải yêu kính thầy cô. Dù thầy cô có la mắng, trách phạt vẫn phải biết ơn, tôn trọng. Chính sự nghiêm khắc đó của thầy cô mà con cháu chúng ta mới lên người.

Không chỉ trong ngành giáo dục, tất cả các ngành khác cũng vậy. Phải có sự kính trọng, mọi việc mới tuân theo đúng lộ trình, đúng sự điều hành được. Bồ tát muốn bước vào cộng đồng chúng sinh cũng thế. Thậm chí, còn cao cấp hơn vì các Ngài không phải bước vào cái làng, mà là bước vào trái tim, vào tình cảm của chúng sinh; là làm cho chúng sinh cảm thấy gần gũi, yêu quý, kính phục mình.

Thông thường, nhiều khi ta thương mà không kính. Nhưng Bồ tát làm sao để chúng sinh vừa thương, vừa kính. Đây là nguyên tắc. Ngoài ra, chữ “ thuận chúng sinh” còn có một ý nghĩa khác nữa. Như ta thấy bố mẹ chiều con là con muốn gì thì cho cái nấy. Đây là nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ trở nên hư hỏng. Và đây là cách “thuận” của chúng sinh. Bồ tát lại khác, thay vì chiều để chúng sinh hư, Bồ tát chiều để chúng sinh hết hư.

Dịp này, Thượng tọa phân tích cho thấy sự khác nhau giữa Bồ tát và các nhà chính trị: Nếu nhà chính trị luôn cố gắng xây dựng đời sống tiện nghi sung túc tối đa cho người dân, cố gắng tăng cường chạy đua kinh tế, kĩ thuật, quân sự với các nước trên thế giới thì Bồ tát ngược lại, các vị không hứa xây dựng đời sống giàu đẹp nhưng hứa sẽ xây dựng đất nước cực kì đạo đức. Sự có mặt của Bồ tát trên cuộc đời này quan trọng là mang đạo lý tu hành, không phải xây dựng cuộc sống giàu sang dư dả cho chúng sinh. Đây là điều khác nhau, cũng là điều chúng ta đang mong chờ.

Bồ tát hằng thuận chúng sinh là như vậy, hằng thuận trong một chừng mực để có tình cảm, không phải là chiều để cho chúng sinh hưởng thụ giàu sang. Một vị Bồ tát đến với cuộc đời là để giáo hóa cho cuộc đời trở nên đạo đức hơn, còn mọi thứ khác chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu ấy mà thôi. Sau khi chiều chuộng chúng sinh, khiến chúng sinh lệ thuộc vào mình rồi, Bồ tát mới bắt đầu lái chúng sinh theo ý mình. Lúc này, chúng sinh muốn cãi hay chống đối cũng không được. Đây là nguyên tắc hằng thuận chúng sinh.

Nhưng trong quá trình đó, ta phải biết rõ về chúng sinh. Chúng sinh có rất nhiều giống loài từ cao đến thấp, bao gồm cả loài người và những loài khác nữa. Bồ tát thuận chúng sinh là gieo duyên với tất cả chúng sinh để hóa độ. Vậy nên, khi nhìn thấy con chó, đừng khinh thường mà phải thương nó, vì mấy kiếp nữa nó lại lên làm người. Không chỉ chó, mà tất cả chúng sinh khác ta đều phải làm vậy. Có thế, ta mới tu tập theo hạnh cửu giả hàng thuận chúng sinh.

Chúng sinh cùng cõi đã có rất nhiều loài, chưa kể đến chúng sinh ở các cõi khác. Chỉ trong thiên hà này, đã có tỉ tỉ cõi khác nhau. Và tâm Bồ tát không rời bỏ chúng sinh trong các cõi. Ta thấy Bồ tát ở cõi này nhưng công đức của các Ngài vượt mọi ranh giới, bao trùm cả những cõi khác. Không bao giờ các Ngài có ý nghĩ rằng quen cõi này rồi thôi, không đi cõi khác. Ngay như trái đất này là ranh giới cuối cùng, các Ngài cũng vượt qua luôn. Lòng đại bi của Bồ tát luôn phủ trùm tất cả là vậy.

Nhân đây, Thượng tọa phân tích thêm: đời sống chúng sinh thường đi qua nhiều giai đoạn, có những giai đoạn chúng sinh phải trả nghiệp bệnh tật, chiến tranh, thiên tai khổ sở thì Bồ tát cũng đồng hành, ở trong cảnh khổ cùng chúng sinh để giúp đỡ, cứu vớt, gieo duyên. Hoặc những khi chúng sinh đi qua giai đoạn giàu sang, cường thịnh, thì Bồ tát càng hoạt động rất nhiều để giáo hóa đạo đức. Có thể nói dù ở giai đoạn nào, Bồ tát cũng đồng hành với chúng sinh.

Tuy nhiên, trong việc phổ độ chúng sinh, ở những nơi mà chúng sinh cực kì độc ác, không tin nhân quả, không hướng về vô ngã thì việc giáo hóa của Bồ tát hết sức vất vả. Ngược lại, ở những nơi chúng sinh thiện lành sẵn rồi thì việc giáo hóa lại dễ dàng, nhanh chóng. Và ngày hôm nay, xuất hiện giữa thế giới này, Bồ tát phải đối diện với một thách thức rất lớn khi loài người đã đi đến nền văn minh của trí tuệ nhân tạo.

Hiện tại, những chiếc máy đã có thể suy nghĩ, tính toán, sáng tạo giúp con người và chúng còn làm giỏi hơn con người. Nếu thiếu Bồ tát, thiếu sự giáo hóa về đạo đức, về nhân quả thì trái đất sẽ đi đến chỗ tận diệt khi con người thi nhau chế tạo ra những cỗ máy với sự thông minh ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát. Những cỗ máy sẽ có ngày tự sửa chữa, tự tiếp nhiên liệu, tự chế tạo ra những cỗ máy mới, và quay lại hủy diệt loài người. Cái ngày nhân loại chứng kiến sự phản bội của trí tuệ nhân tạo đã không còn xa. Lúc đó, thế giới sẽ bị tận diệt bởi chính nền văn minh của mình.

Trong bối cảnh đó, chỉ khi những bậc Bồ tát xuất hiện giữa đời, định hướng sự phát triển cho nhân loại, giúp con người tạo ra trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn kiểm soát, khống chế được nó. Đồng thời, Bồ tát luôn giáo hóa cho con người cùng biết tu tập, đạt được tâm linh thiền định – điều mà máy móc không bao giờ có được. Cái tâm linh thiền định này giữ cho con người ở một vị trí cao hơn máy móc.

Hiện tại, ta phải công nhận robot giỏi hơn con người rất nhiều, dù ở lĩnh vực nào đi nữa. Nhưng nó không bao giờ tu tập được tâm linh. Vậy nên, khi con người chứng được tâm linh thiền định, mới có thể tiếp tục là chủ nhân của thế giới. Bằng không, sẽ có ngày chúng ta hoặc trở thành nô lệ của robot, hoặc bị robot tiêu diệt.

Hôm nay, trước sự thách thức của nền văn minh trí tuệ nhân tạo, ta cần những vị Bồ tát đem thiền định, tâm linh để cứu thế giới này. Đây cũng là trách nhiệm rất lớn của những người đệ tử Phật. Chúng ta nguyện nỗ lực tu tập thiền định, nỗ lực tìm phước nơi Phật, và nỗ lực mãi mãi gieo duyên giáo hóa chúng sinh.

Thật sự những công hạnh phi thường của Bồ tát thì phàm phu khó lòng hiểu nổi. Mà khi đã hiểu được phần nào thì chúng ta không biết nói bao nhiêu lời, lễ bao nhiêu lễ, rơi bao nhiêu nước mắt để bày tỏ lòng kính ngưỡng trước sự hi sinh, lòng đại bi, dũng lực phi thường của Bồ tát.

Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta hãy ghi khắc mười hạnh Phổ Hiền, mang mười công hạnh này mà tu tập, mà đến với chúng sinh. Muốn làm được vậy, mọi người phải tích cực tham dự các khóa thiền, đồng thời rủ thêm nhiều người cùng tham gia với mình. Vậy mới mong sớm có kết quả tu tập.

Và Khóa thiền hàng tháng được tổ chức đây đó, là sự kiện được mọi người háo hức mong chờ. Mọi người đến đây không chỉ tu tập, rèn luyện mà còn được giao lưu, chia sẻ, kết giao huynh đệ gần xa. Chính cái tình cảm yêu thương, gắn bó, đoàn kết ấy là động lực giúp các phật tử vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong quá trình tu học. Nếu mô hình tu học này được nhân rộng hơn nữa, hẳn sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều người.

Thiền định đang là một chủ đề được cả thế giới quan tâm. Đây không chỉ là phương pháp rèn thể lực, trí lực mà còn góp phần điều chỉnh hành vi, đạo đức cho con người. Chỉ khi mỗi bản thân trở nên tốt đẹp, hoàn thiện thì mới mong mọi người xung quanh tốt đẹp lên. Từ nơi các Bồ tát ta cũng thấy, các vị phải rèn luyện, làm công đức rất vất vả mới độ sinh được. Vì vậy, chúng ta đừng nóng vội, hấp tấp, ta cứ tu từng bước một. Nhưng trước hết, phải bắt đầu từ thiền định và tu đúng phương pháp Phật dạy./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất