Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngĐà Lạt: Sư Phụ thăm và nói chuyện với đạo tràng Phật...

Đà Lạt: Sư Phụ thăm và nói chuyện với đạo tràng Phật Định

-

Nhân chuyến hoằng Pháp tại Đăk Nông, Sư phụ đã dừng chân tại Đà Lạt để thăm Đạo tràng Phật Định. Sau đó, Sư Phụ có bài Pháp thoại ngắn, xem như món quà tinh thần dành tặng cho các huynh đệ Đạo tràng Phật Định nói riêng và cho các đạo tràng thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang nói chung.

Đây là tình cảm của người Thầy dành cho chúng đệ tử tại gia của mình – Do vậy mà lúc nào chúng ta cũng cảm nhận được sự gần gũi và tình cảm của thầy dành cho trò với trách nhiệm lớn của một người Thầy. Giờ đây, chúng ta hãy bớt chút thời gian để lắng nghe Sư Phụ dạy gì nhé!

16_01-09-2016

Mở đầu, Sư Phụ hỏi thăm tình hình, mọi sinh hoạt của Đạo tràng. Kế tiếp, Người vào đề bằng 4 câu hỏi đặt ra cho các phật tử:

– Câu thứ nhất: “Muốn sống hay muốn chết?” – Mọi người dĩ nhiên muốn sống. Câu hỏi thứ hai: “Muốn sống hạnh phúc hay đau khổ?” – Dĩ nhiên câu trả lời là muốn sống hạnh phúc. Câu hỏi thứ ba: “Muốn sống đạo đức hay tội lỗi?” – Câu trả lời là muốn sống đạo đức.

Ba câu trên dễ trả lời, nhưng đến câu hỏi thứ tư: “Muốn tiếp tục sống, tiếp tục trầm luân tái sinh hay muốn có một ngày giải thoát?” – Mọi người ngỡ ngàng ngay. Bởi câu này bắt đầu vượt khỏi suy nghĩ tầm thường của con người. Chỉ có những người cực kì hiểu đạo, tâm hồn rất có trí tuệ, có thiện căn thì mới biết rằng ta không thể cứ luân hồi rồi tái sinh mãi, mà phải tìm về giác ngộ, phải giải thoát, vì bản chất cuộc đời vẫn là đau khổ.

Để đi tìm con đường tâm linh vượt khỏi thân phận phàm phu tầm thường này không phải dễ. Mà ĐẠO TRÀNG là môi trường giúp cho mọi người đi tìm câu trả lời thứ tư. Nên chỉ những ai rất có trí tuệ, rất có thiện căn, muốn đi tìm tâm linh giác ngộ mới đến với Đạo tràng để tu tập.

Thật sự gia đình chưa chắc là nơi ta tìm được hạnh phúc. Đi qua cuộc sống gia đình rồi người ta thường thấy mệt mỏi, bấp bênh. Chỗ làm việc của ta cũng chưa chắc là nơi có hạnh phúc. Nên giữa cuộc sống nhiều áp lực, có hai nơi để chúng ta thư giãn. Một là nơi không có con người, chỉ có cây cỏ. Hai là Đạo tràng – nơi có những người đồng tâm, đồng chí, đồng đạo, cùng tu một con đường của Phật dạy, đi tìm vô ngã, từ bi. Và nơi đó có hạnh phúc.

Mỗi người đến đây để góp phần vào niềm hạnh phúc chung. Giống như việc góp gạo để nấu cơm. Mỗi người mang một nắm gạo đến góp cùng nấu một nồi cơm lớn rồi cùng nhau ăn. Như thế sẽ vui hơn là mỗi người cứ giữ nắm gạo cho riêng mình.

Cũng vậy, nếu có một điều tốt gì trong tâm nhưng ta cứ để ở nhà mình thì điều tốt đó không thành hạnh phúc. Vì sao vậy? Vì tốt là phải đối xử với ai đó mới gọi là tốt, khi có một con người nào đó để ta yêu thương, ta giúp đỡ, ta tử tế, nói năng ngọt ngào thì đó mới gọi là tốt, là tử tế. Và đó là hạnh phúc. Nên nếu trong tâm ta có một điều tốt và ta có một nơi để ta đóng góp cái tốt đó, ta sẽ tạo ra một mâm cơm thịnh soạn đầy những món ngon của lạ. Mỗi người tốt một chút, góp vào đây một chút thành ra Đạo tràng.

Nhưng để có thể có được HẠNH PHÚC LÂU DÀI thì ta phải TU. Mà tu thì có 2 cấp độ, một là câu trả lời thứ ba – đạo đức, hai là câu trả lời thứ tư – là tâm linh giác ngộ. Trong sự tu hành của mình, ta đi tìm cả hai điều đó. Đạo tràng là nơi cho ta cả hai.

Đến với Đạo tràng, mỗi người góp một chút đạo đức vào làm thành một nồi cơm hạnh phúc. Ta cùng nhau ăn, cùng nhau hưởng, cùng nhau tu. Nhưng nhiều khi ta đã bốc nhầm, thay vì bốc miếng cơm đạo đức vào đây nấu, ta bốc nhầm nắm muối hay miếng sạn vào nấu, làm nồi cơm cũng gây khó chịu một lúc nào đó.

Tức là có những lúc ta đã sơ suất, bướng bỉnh, có những lúc ta đã hơi phiền nên vô tình đã góp những điều không vui vào Đạo tràng. Nhưng trên đời này trừ Đức Phật, trừ các vị A La Hán ra, còn tất cả chúng ta ít nhiều ai cũng đều có lỗi.

“Ai cũng thế ít nhiều đều tội

Chỉ khác nhau biết lỗi hay không”.

Quan trọng là ta biết lỗi và ta can đảm sám hối. Nên khi đến với Đạo tràng tu tập, ta có đạo lý làm lõi, làm mực thước, hãy cứ nhìn vào đạo lý đó mà đánh giá lại chính mình.

Trong truyền thuyết của Thiền tông, khi Đức Phật nhập Niết bàn Ngài đã giao lại quyền thống lĩnh Tăng đoàn cho ngài Ca Diếp. Tuy nhiên đó chỉ là truyền thuyết. Còn trong Trung Bộ kinh của Nikaya có một đoạn kinh thuật lại lời của Ngài Ananda nói rằng: Thế tôn không giao quyền thống lĩnh tăng đoàn cho bất cứ ai. Rất nhiều người đã ngạc nhiên: Đức Phật là một bậc trí tuệ tuyệt đối nhưng tại sao Người để lại một điểm sơ hở về phương diện tổ chức như vậy?

Thật ra, nếu Đức Phật giao lại quyền cho ai đó, chắc chắn Ngài phải chọn một vị A La Hán. Rồi khi vị đó nếu tịch thì giao lại quyền cho ai? Cũng một vị A La Hán… Cứ truyền đời như vậy cho đến ngày phước chúng sinh cạn dần, không còn vị nào chứng A La Hán nữa, thì quyền hành sẽ được chuyển giao cho ai? Cho một người không chứng A La Hán. Đây mới là vấn đề.

Người thống lĩnh Tăng đoàn có toàn quyền rất lớn, nhưng không phải là một bậc Thánh thì chuyện gì xảy ra? Có thể người này sẽ dẫn dắt Tăng đoàn tiêu tan, mà nếu người này bị một thế lực nào đó mua chuộc thì đúng là ác quỷ ngồi trên ngôi cao, người đó toàn quyền sửa lại hết đạo lý đạo Phật.

Nên Đức Phật đã không giao quyền cho ai. Mọi người cứ NHÌN THEO GIÁO PHÁP mà thực hành mà sống, chư Tăng chư Ni cứ nhìn giáo Pháp đó mà hoà hợp với nhau, giữ gìn giới luật mà thực hành. Vì vậy Ngài Ananda đã nói rằng Thế Tôn không giao quyền thống lĩnh Tăng chúng cho bất cứ ai, tất cả mọi người chỉ cần nương tựa vào chánh Pháp mà thôi. Ngài nói rất khẳng khái, rất tự tin vì ngài hiểu Đức Phật. Sự tự tin, khẳng khái của Ngài A Nan đến nay cũng ít ai hiểu được.

Chúng ta cũng vậy, dù người Chúng trưởng hay bất cứ thành viên nào trong BĐH Đạo tràng thì thật sự cũng chỉ là người đại diện cho huynh đệ để điều phối công việc, còn cái chính vẫn là ĐẠO LÝ.

Chúng ta đến với nhau bằng đạo lý, sống với nhau bằng đạo lý, chia sẻ với nhau bằng đạo lý, nhận lấy đạo lý mà tu, và đóng góp lại cho môi trường đạo lý này . LẤY ĐẠO LÝ LÀM XƯƠNG SỐNG, LẤY ĐẠO LÝ LÀM CỐT LÕI để ta về đây quây quần, tu tập cùng nhau, sống hạnh phúc bên nhau.

Giữa sa mạc mênh mông đôi khi bỗng nhiên có mạch nước nổi lên, có bóng dừa, có ao nước, mọi người quây quần sống, những đoàn lữ hành đi ngang ghé lại cho lạc đà uống nước rồi đi tiếp trên cát cháy… Đó gọi là ốc đảo. Cuộc đời này cũng vậy, lâu lâu mọi người quy tập lại trong ốc đảo của Đạo tràng để sống với nhau, sống hạnh phúc với nhau, để bớt đi những cái nắng chói chang của sa mạc cuộc đời đầy đau khổ.

Hãy gắng thương yêu, hoà hợp với nhau. Dù vẫn còn sơ suất, nhưng chúng ta sẽ sửa, sẽ sám hối để cùng nhau tu tập, vì con đường tu tập rất dài, dài như hành trình từ trái đất đến một hành tinh khác cách mấy nghìn năm ánh sáng vậy. Con đường đó xa lắm, nếu không giữ lòng cho vững vàng thì ta ngã lòng, rồi ta phạm sai lầm; mà phạm sai lầm thì Nhân quả sẽ tới.

Luật Nhân quả thẳng thắn, thẳng thừng mà tàn nhẫn. Tín đồ Hồi giáo mỗi khi giết người họ đổ thừa vì muốn làm đẹp lòng Alla. Còn Phật tử có gì để đổ thừa? ‘Duyên’, tại duyên tôi như vậy, căn cơ tôi như vậy. Nhưng dù ta có đổ thừa tại ai thì Nhân quả vẫn khách quan đi con đường của riêng mình. Ta làm sai – quả báo chắc chắn đến. Nhân quả cực kì sòng phẳng, nên đừng tạo tội mà từng ngày hãy cố gắng tích lũy thêm phước.

“Cuối đời ngồi tính lại xem

Đã đem tất cả mấy em về chùa

Kiếp sau nếu muốn làm vua

Kiếp này Phật Pháp bốn mùa tuyên dương

Lợi danh mọi thứ vô thường

Chỉ còn công đức dẫn đường đem theo”

Có nhiều cách làm phước. Có khi ta làm giúp người giúp đời bằng vật chất. Ví dụ đắp đường là là việc phước dễ làm, ít tốn kém. Tuy nhiên, quan trọng nhất là TRUYỀN BÁ CHÁNH PHÁP, KHUYÊN NGƯỜI TU TẬP, THUYẾT PHỤC NGƯỜI TIN NHÂN QUẢ. Có hai cách, hoặc ta tự nói, hoặc ta gửi băng đĩa giảng cho họ nghe.

Thực tế luôn có những người mà ta tặng đĩa họ không nghe, nhưng chỉ cần mỗi ngày ta nói 1-2 câu, rồi dần dần họ thấm từ từ, cho đến cả năm sau họ mới chịu lắng nghe những bài giảng đạo của quý Tăng Ni.

Vì thế ban đầu ta phải khiêm tốn, lễ độ, ân cần giúp người tin Nhân quả. Ta dìu họ bằng lời nói của mình. Giúp cho một người hiểu đạo nghĩa là ta đã cứu cả cuộc đời người đó. Đến khi thấm dần, họ sẽ tự nghe băng đĩa giảng.

Hãy nhớ rằng, CÀY VỠ MẢNH ĐẤT TÂM HỌ TỪ THUỞ BAN ĐẦU mới là công việc cực khổ mà chính ta phải cày, chứ quý Thầy không cày giúp được. Trên mảnh đất tâm hoang dại đầy đá sỏi của con người, những lời dạy của quý Thầy là hạt giống. Nhưng nếu ta gieo vội hạt giống xuống, nó sẽ chết mà không thành cây. Chính ta phải lặn lội đến cày bừa, xới tung mảnh đất tâm đó lên trước. Ta nhẹ nhàng ân cần ngọt ngào giúp đỡ… Rồi mới mang hạt giống chánh pháp vào gieo trồng sau đó ./.

Tuệ Đăng

Một số hình ảnh khác của chuyến đi:

1_01-09-2016 2_01-09-2016 4_01-09-2016 5_01-09-2016 6_01-09-2016 9_01-09-2016 10_01-09-2016 12_01-09-2016 13_01-09-2016 14_01-09-2016 15_01-09-2016

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất