Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTin tức Phật QuangĐà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Đà Nẵng: Pháp thoại “Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới”

-

Nhân sự kiện tượng Phật ngọc vì hòa bình thế giới được tôn trí tại chùa chùa Nam Hải (Khối Kim Liên, phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, tp Đà Nẵng) từ ngày 29/4 – 15/5/Bính Thân (nhằm ngày 04/06 – 19/06/2016), nhận lời mời của ĐĐ Thích Huệ Tánh – Trụ trì chùa Nam Hải, tối ngày 12/06/2016 (nhằm ngày 08/05/ Bính Thân), TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng về đề tài “ĐẠO PHẬT KIẾN TẠO HÒA BÌNH THẾ GIỚI, với sự tham dự trên 1500 đồng bào phật tử các giới tại thành phố Đà Nẳng và các tỉnh lân cận. 

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Buổi Pháp thoại có sự tham dự chứng minh của: ĐĐ Thích Huệ Tánh – Trụ trì chùa Nam Hải; TT Thích Huệ Vinh – Trụ trì chùa Quan  Âm (Đà Nẳng); TT Thích Tịnh Tâm – Trụ trì chùa Trân Bửu (Tam Kỳ); NS TN Tịnh Hoa – Trụ trì chùa Tịnh Nghiêm (Huế), cùng chư tôn đức Tăng chùa Quan Âm, chùa Phật Quang (BR- VT) và chư Ni các chùa lân cận.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Trước khi đi vào bài Pháp thoại, Thượng tọa đã giới thiệu đôi nét về tượng Phật ngọc Hòa bình. Người cho rằng: Đây là tượng Phật bằng ngọc nguyên khối được công nhận là đẹp nhất hiện tại trên thế giới. Trong cuộc đời chúng ta cũng không phải ai cũng có cơ hội nhìn thấy một khối ngọc được tạc tượng Phật chau chuốt đẹp như thế. Việc Đại đức Trụ trì thỉnh Phật ngọc Hòa bình Thế giới về chùa để tín đồ phật tử các nơi và nhân dân địa phương đến chiêm bái là một việc rất cực công, không phải dễ.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Chúng ta biết, đây là tượng Phật ngọc hiếm có, được một phật tử hảo tâm người Úc – ông Ian Green mua lại, với mục đích là tạo ra một Phật tượng. Và Bảo tượng này đã du hành triễn lãm qua hơn 20 nước và 90 thành phố. Từ vật liệu quý, từ tấm lòng quý và ông đặt tên tượng là “tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới”, với niềm mơ ước là gieo rắc được cuộc sống thanh bình trên trái đất này. Lấy từ cảm hứng đó, tại chùa Nam Hải, TT Thích Chân Quang đã thuyết giảng đề tài ĐẠO PHẬT KIẾN TẠO HÒA BÌNH THẾ GIỚI”, nhằm chia sẻ những điều xây dựng hòa bình thế giới và cùng ước mơ cho một thế giới hòa bình.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Vào đầu bài, Thượng toạ đặt vấn đề, vì sao con người thường ước mơ hòa bình, mà cái ước mơ đó lại gửi gắm nơi hình tượng quý nhất của Đức Phật (một khối ngọc to nhất, đẹp nhất, lấy được từ lòng đất để dành cho một công trình thiêng liêng nhất là Đức Phật). Và hình ảnh Đức Phật này lại gửi gắm một ước nguyện ray rứt nhất, trăn trở về một thế giới sẽ luôn được hòa bình. Đó là ước nguyện của ông Ian Green mà cũng là ước nguyện của loài người trên thế giới này, vì thế giới cứ mãi chiến tranh, mãi thù hận, mãi chém giết nhau.

Việc chiến tranh giết hại đã đem đến không biết bao nhiêu là khổ đau cho loài người. Cho nên, con người ta cũng suy nghĩ mọi cách để làm cho thế giới hòa bình lại. Theo đó, những người làm chính trị thì tìm cách giữ gìn đất nước mình ở trong cái thanh bình. Ví dụ, nếu có chiến tranh xảy ra họ cũng tìm cách tránh né, luồn lách, ngoại giao, trao đổi thế nào… để tránh chiến tranh cho đất nước này.  

Hay những người hoạt động về xã hội, kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, v.v… ai cũng tìm cách góp một chút sức lực; một tiếng nói; một bàn tay của mình trong việc kiến tạo nên hòa bình cho thế giới. Hoặc những nhà tôn giáo thì cầu xin năng lực siêu nhiên từ những vị thần thánh và hi vọng từ sức mạnh siêu nhiên đó sẽ góp phần đem đến hòa bình cho nhân loại.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Cũng vậy, kết tinh của bao nhiêu ước nguyện, người ta đã gửi gắm niềm tin, ước mơ, khát vọng đó nơi tượng Phật bằng ngọc như thế. Và Phật tượng đã đi chu du khắp thế giới. Động thái này vừa nhắc nhở về hình ảnh của Đức Phật; vừa nhắc nhở, gợi ý mọi người tìm hiểu về đạo Phật; và cũng gợi ý nhắc nhở mọi người về ước mơ xây dựng một thế giới hòa bình. Cho nên, hôm nay đối trước tượng Phật ngọc này, Thượng toạ gợi mở cho mọi người ba tâm niệm phải tư duy, phải suy tưởng, phải nuôi lớn:

– Một là tưởng nhớ về Đức Phật vô vàn tôn kính của chúng ta – một Đức Phật mà sự xuất hiện của Ngài đã làm thay đổi hẳn suy nghĩ của thế giới này.

– Hai là trước tượng Phật ngọc cao quý này, chúng ta cùng nhau ôn lại bao nhiêu là lời dạy thiêng liêng, siêu việt của Đức Phật đã để lại thành một kho tàng văn hóa, triết học, đạo học, lối sống cho con người.

– Ba là ta cũng chiêm nghiệm, suy tư, ước mơ được kiến tạo một nền hòa bình của thế giới, tức một điều kiện căn bản để có được hạnh phúc bền lâu.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Nói về hình ảnh của Đức Phật, thực ra sau nhiều thời gian thăng trầm, sau nhiều biến động của lịch sử thì số tín đồ của đạo Phật bị suy giảm rất nhiều. Từ một tôn giáo hùng mạnh lan rộng khắp nơi, từ Ấn Độ tràn qua cả Trung Đông, Trung Á, xuống cả các nước Đông Á, Nam Á, mà bây giờ trở thành một tôn giáo có số tín đồ chỉ đứng hàng thứ ba trên thế giới. Đạo Phật thật sự bị thu hẹp bởi nhiều thăng trầm biến động của lịch sử, mà ta nói thẳng là bị nhiều sự chống phá tàn nhẫn, và đạo Phật trong nhiều giai đoạn đã trở thành nạn nhân của sự bức hại. Ngày hôm nay, ta sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập. Nhân đây, Thượng toạ phân tích và chứng minh cho thấy sự may mắn của đạo Phật Việt Nam bỗng nhiên có một cơ duyên lớn mạnh trong lịch sử của đất nước này. Đồng thời, các nhà Lãnh đạo ở đỉnh cao quyền lực trên thế giới đã công khai bày tỏ tình cảm yêu mến của mình đối với đạo Phật, dù tín đồ đạo Phật chưa phải là số một, nhưng cái lý lẽ, đạo lý của Phật là vô cùng, mà những người có lương tâm, có đạo đức, có tri thức phải công nhận, chứ không thể làm gì khác hơn được.

Trong một thời đại mà người ta biết cân đo, đong đếm, suy đoán, đánh giá từng chút một giữa sai và đúng thì đạo Phật nổi lên như là một ánh mặt trời. Tất cả đều đúng, tất cả đều hay, tất cả đều đẹp trong từng lời dạy… trong từng nhân cách nhỏ của Đức Phật… và cả trong những hàng Thánh đệ tử của Ngài.

Đó là lý do hiện nay Phật giáo có tiếng nói vô cùng quan trọng đối với Liên Hiệp Quốc, vì đã đánh thức được lương tri, lương tâm con người. Trong quá trình xem xét, những người có trách nhiệm trong LHQ nhận thấy trong tất cả các tôn giáo, không có một tôn giáo nào mà hòa bình, an lành, hiếu hòa, triết lí sâu sắc như là những lời dạy của Đức Phật Thích Ca.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Mấy ngàn năm trôi qua, khoa học phát triển, suy nghĩ của con người có thay đổi. Vậy mà những lời dạy của Đức Phật càng lúc càng được sáng tỏ, càng lúc càng được chứng minh là hợp lí, đi trước trí tuệ con người rất xa. Trong khi có những giáo lý mấy ngàn năm trôi qua, con người bước tới thì nó tụt lại phía sau, không còn phù hợp nữa. Chỉ có đạo Phật thì giáo lí vẫn ở phía trước mà con người vẫn chưa thể bắt kịp để cho con người phải cúi vọng, cung kính, ngưỡng mộ. Chính vì vậy, LHQ quyết định lấy ngày sinh của Đức Phật để làm ngày tôn giáo và văn hóa cho thế giới. Đây là sự chắt lọc trí tuệ của bao nhiêu con người trên thế giới. Do đó, là đệ tử Phật chúng ta rất vinh hạnh vì đã tìm đúng con đường mà cả thế giới phải chấp nhận và vấn đề còn lại của chúng ta là trách nhiệm trước vinh dự đó.

Bằng lập luận sắc bén và sự dẫn chứng cụ thể, chính xác, đầy sức thuyết phục, Thượng toạ đã giúp cho mọi người hiểu đạo Phật là vô cùng cao quý và đến nay chúng ta có quyền tự hào cho rằng, đạo Phật là đạo của hòa bình duy nhất trên hành tinh này và điều này đã được LHQ thừa nhận.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Tiếp theo, Thượng toạ đặt vấn đề: Nhân loại luôn khát khao hòa bình, nhưng vì sao thế giới vẫn còn xung đột và chiến tranh. Nhân đây, Người đã phân tích những nguyên nhân nào đã đẩy chúng ta vào cuộc chiến tranh mà mình không hề mong muốn. Sự thật không có một nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới không nói yêu hoà bình, và họ phải cố gắng hết sức, làm đủ cách (vận động, ngoại giao, xử lý, kêu gọi, làm cầu nối, v.v…) để cho nước này đừng đánh nước kia. Vậy mà chiến tranh vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, bởi vì cái gốc nghiệp của chiến tranh chưa được trừ diệt hoàn toàn.

Nên biết rằng, mỗi ngày miệng ta ăn ngon là ta đều góp phần tạo ra sự đau đớn cho một chúng sinh nào đó. Và tất cả những sự đau đớn đó không mất đi đâu cả, nó vẫn tồn tại. Rồi đến một ngày sự đau đớn đó sẽ trở lại với ta bằng một hình thức nào đó, khốc liệt nhất là chiến tranh tàn sát, nhẹ nhất là bệnh tật, và trung gian là một tai họa, một tai nạn nào đó trở lại. Mà trên thế giới 7 tỷ người này, mỗi ngày ta tạo ra bao nhiêu nỗi đau cho chúng sinh có đếm được không. Vì vậy, Đức Phật đã từng nói: “Nước mắt của chúng sinh đau khổ nhiều hơn nước trong các đại dương”. Tuy nhiên, nước mắt chúng sinh khóc lóc đó cũng không bằng cái vô hình đè lên trên trái đất này đó là sự đau đớn. Thế giới loài người từ khi có mặt trên trái đất này, vì muốn bảo tồn mạng sống cho mình nên luôn nhẫn tâm giết hại, và còn vô số chúng sinh cấu xé ăn nuốt lẫn nhau. Đây là nguyên nhân của chiến tranh thật sự.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Bây giờ, chúng ta ước mơ cầu nguyện hoà bình cho thế giới này và muốn diệt trừ nghiệp sát sinh, diệt trừ tham lam, diệt trừ sân hận trong lòng mình… Tất cả những điều đó đều có trong đạo lý của Phật. Cho nên khi ta tạc Thánh tượng Phật ngọc và đặt cái tên là Phật ngọc hòa bình thế giới thì không thể có cái tên nào hay hơn nói về hòa bình. Vì chỉ trong lời dạy của Đức Phật mới có đầy đủ những yếu tố để kiến tạo hòa bình cho thế giới này. Do đó, muốn xây dựng một nền hòa bình cho thế giới thì ta phải thực hành lời Phật dạy. Mà chỉ khi nào 7 tỷ người này thực hành được lời dạy của Đức Phật thì thế giới sẽ tìm thấy được hòa bình. Chứ còn, dù cho nghìn con người, triệu con người hay tỷ con người tìm đến học hỏi và thực hành chân lý vĩ đại của thế giới là đạo Phật thì nền hòa bình toàn cầu vẫn khó đạt được.

Do vậy, qua bài Pháp thoại này, Thượng toạ muốn gửi gắm một thông điệp: Những ai sớm đến với đạo Phật ngày nào là sớm góp vào nền hòa bình, an vui, hạnh phúc cho thế giới ngày đó, đừng chậm trễ nữa. Chúng ta phải vượt qua ranh giới vì thành kiến, tự ái, thù hận, khác biệt tôn giáo, khác biệt chủng tộc để tìm ra một điểm chung. Đó là một chân lý đủ sức đem lại hòa bình cho thế giới này.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Theo sự xác quyết của Thượng toạ, khi nào mỗi người đệ tử Phật đủ sức mạnh, đủ trái tim cháy bỏng, đủ ngôn ngữ để đem đạo lý Phật dạy đến với mọi người. Có thể một người đem đến cho mười người; mười người truyền cho trăm người… Cứ truyền mãi, truyền mãi rồi sẽ có một ngày cả thế giới nắm tay nhau mà khóc trong yêu thương, trong hòa hợp.

Để ngừng nghiệp chiến tranh vĩnh viễn, ngày đó có không? Ngày đó có thể có và có thể không. Bởi vì những đệ tử của Đức Phật có quyết tâm truyền bá lời dạy của Ngài đến mọi người hay không. Rất nhiều người trong chúng ta cứ lặng lẽ biết đạo Phật một mình, và nhiều khi ta nói đạo Phật với ai đó, thấy họ lắc đầu cự nự nên không dám nói nữa. Do đó, không bao giờ sẽ có ngày mà 7 tỷ người trên thế giới  nắm tay nhau trong yêu thương hòa hợp.

Muốn ước mơ trở thành hiện thực thì tất cả chúng ta xin hãy nhận lấy trách nhiệm trước Đức Phật : Con nguyện sẽ đem đạo lý Phật dạy đến với tất cả mọi người xung quanh, làm sao không còn một người nào không biết đạo Phật, làm sao cho tất cả đệ tử Phật là sứ giả của yêu thương, của hòa bình. Với lời nguyện này, chúng ta hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ trở thành người kiến tạo hòa bình đích thực cho thế giới. 

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Chiến tranh là sự chết chốc, ai gieo cái nhân chết chốc sẽ rơi vào sự chết chốc. Ngược lại, ai gieo trồng sự sống thì sự sống (thọ mạng) của mình được bền vững. Nhân quả là như vậy. Thượng toạ cho biết, có hai hạng người:

– Người mà gieo trồng sự sống của động vật và sự sống của thực vật đều là những người bảo vệ sự sống của hành tinh này. Và đó chính là những người gây nghiệp  không còn chiến tranh chết chóc cho trái đất này. Theo nhân quả, người mà gieo trồng sự sống thì được cái phước là không chết bậy, thọ mạng bền vững, và trên đường đời của mình được rộng đường sinh sống – nghĩa là dễ làm ăn, dễ làm giàu.

Do vậy, nghiệp trồng rừng tạo sự sống cũng là bảo vệ sự sống của hành tinh, cũng là góp phần bảo vệ thọ mạng của mình, cũng là nghiệp thoát khỏi sự chiến tranh chết chóc mà lại được may mắn về đường làm ăn sinh sống.

Còn người gieo trồng sự sống động vật là phóng sinh và ăn chay. Cho nên:

“Ăn chay đừng tưởng ăn rau/ Mà xây dựng cả tinh cầu yên vui”.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Phải chăng, Thượng toạ rất ý vị, trong từng câu từng chữ đều ẩn ý giáo dục, chứ không nói thừa. Nên bất kì ai đọc những dòng này đều phải nghiêm túc suy ngẫm và rút ra ý nghĩa thiết thực từ những so sánh có tính mục đích rõ ràng của tác giả.

Đúc kết lại, chúng ta cứ ăn chay, phóng sinh, đi trồng rừng là đang xây dựng một thế giới yên vui, thanh bình, hạnh phúc và chính mình cũng được nhiều may mắn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, có người sẽ thắc mắc: Ăn chay cũng ăn rau, cũng ngắt bớt sự sống vậy. Đúng thế, khi đi tìm sự sống cho mình thì ta cũng đã cướp đoạt sự sống của một loài nào đó, nhưng loài mà ta cướp đoạt nó không nặng. Rau có đau nhưng rất ít, còn cây lớn hay con vật thì đau nhiều. Do đó, ta không tạo ra một nỗi đau đè nặng lên trên hành tinh này, người ăn rau nhẹ tội là như vậy. Ngoài ra, ta còn biết trồng rừng, biết phóng sinh nữa, nên phước của người ăn chay rất là lớn.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Kết thúc bài Pháp thoại là Lễ thắp nến cầu nguyện hoà bình thế giới. Bầu trời chân núi Hải Vân (Đà Nẵng) giờ đây mây ngừng bay, gió ngừng thổi, để hàng ngàn ngọn nến được Chư tôn đức và quý phật tử nâng niu, thắp sáng lung linh, cùng với những lời nguyện cầu chân thành trước tôn tượng Phật ngọc về một nền hòa bình được thiết lập thật sự trên hành tinh này.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Đức Phật dù là một đấng giác ngộ đã thoát ly tam giới, nhưng Ngài luôn quan tâm đến một thế giới hòa bình, nhân loại được ấm no hạnh phúc. Và Ngài đã toàn tâm thực hiện bất cứ điều gì trong khả năng có thể can thiệp được. Qua kinh tạng PaLi, chúng ta được biết, Đức Phật đã nhiều lần ngăn chặn những cuộc chiến tàn khốc sắp xảy ra giữa vương quốc Kiều Tất La và tiểu quốc Cộng Hòa Thích Ca (quê hương xứ sở của Ngài), dù Ngài biết chắc rằng nhân quả nghiệp báo oán đối hận thù giữa chúng sanh với nhau khó có thể tránh khỏi. Qua đó cho thấy tấm lòng nhân từ và tâm đại bi của Đức Phật là vô lượng vô biên. Ngài đã không một phút nghỉ ngơi vì sự nghiệp hóa độ chúng sanh, mong muốn chúng sanh có được một đời sống hòa bình an lạc.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Cũng vậy, chúng ta là đệ tử của Đức Phật thì không ngại gì gian khó. Trong dòng chảy của thời gian, còn nhiều hạnh nguyện đang đợi ta ở phía trước. Hiện thế gian còn quá nhiều người chưa đủ duyên lành để tiếp cận được giáo lý đạo Phật, hoặc có người nắm bắt được chút ít, nhưng nhận thức lệch lạc do tâm tà kiến còn quá sâu dày. Chúng ta hãy cố gắng đưa mọi người đến với đạo Phật bằng cách này, hay phương tiện nọ, để góp phần chuyển hóa đời sống còn nhiều khổ đau của nhân loại, trong đó có một phần do chiến tranh gây ra.

Đà Nẵng: Pháp thoại "Đạo Phật kiến tạo hòa bình thế giới"

Là phật tử chúng ta có quyền tự hào trước những cống hiến vô cùng lớn lao mà Phật giáo đã mang hạnh phúc và hòa bình cho thế giới này, để chúng ta biết mình nên làm gì mà chung tay vun đắp vì một thế giới hòa bình và thịnh vượng cho mai sau./.

 Tuệ Đăng

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất