Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangCác hoạt động Phật sự khácĐại lễ cầu Quốc Thái Dân An tại chùa Phật Ngọc Xá...

Đại lễ cầu Quốc Thái Dân An tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long

-

Vào ngày 23/tháng giêng/năm Mậu Tuất (nhằm ngày 10/03/2018), chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long (số 287A, ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) long trọng tổ chức Đại lễ cầu Quốc thái Dân an. Theo đó, chương trình Phóng sanh, Lễ hội Văn hoá Ẩm thực chay và đêm văn nghệ cũng diễn ra nhằm gây quỹ xây dựng công trình chùa Phật Ngọc Xá Lợi và Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây, với sự tham dự của hơn 6500 phật tử gần xa. Với mong ước công trình này sớm thành tựu viên mãn, góp phần tô đẹp thêm cho đạo Pháp và dân tộc.

Được biết, ngôi Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây là một di tích lịch sử Phật giáo của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do cố HT Thích Thiện Hoa khởi xướng xây dựng từ năm 1970. Tuy nhiên, do duyên lành chưa hội đủ, một di tích lịch sử Phật giáo phải đành dang dở, hoang phế gần 40 năm trôi qua, mặc dù ngôi chùa này vẫn là nơi “ấp ủ hồn dân tộc” và cũng là nơi lưu giữ “nếp sống muôn đời của Tổ tông”

Vào đầu năm 2015, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni phật tử trên mãnh đất miền Tây Nam Bộ, GHPGVN tỉnh Vĩnh Long tiến hành trùng tu xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long cùng Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây để phụng thờ Xá Lợi Phật, và thành lập Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Miền Tây.

Với một công trình quy mô lớn mang tầm cỡ khu vực như vậy, bấy giờ TT Thích Phước Hạnh – Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, đảm trách Trưởng Ban xây dựng trùng tu ngôi Tam Bảo này. Đến nay, công trình xây dựng dự kiến khoảng giữa năm 2018 sẽ hoàn thành giai đoạn I (bao gồm ngôi Chánh điện và Bảo tháp).

Đây là công trình chung của GHPGVN tỉnh Vĩnh Long. Là ngôi nhà chung cho Phật giáo trong tỉnh. Thành tựu Phật sự này sẽ đem lại cho chư Tăng Ni và phật tử miền Tây có nơi chiêm bái tu học cùng việc phát triển đạo Pháp.

Tại Lễ hội, chương trình diễn ra gồm hai phần:Buổi sáng, các Đạo tràng phật tử Thiền Tôn Phật Quang và chùa Phật Ngọc Xá Lợi đã phát tâm phóng sinh bên dòng sông Tiền là 21,7 tấn cá (bao gồm cá rô và cá trê). Dịp này, TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã trực tiếp chú nguyện cho chúng, cùng với sự trợ duyên của TT Thích Phước Hạnh – Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

Ngoài ra, chư tôn đức Tăng chùa Phật Ngọc Xá Lợi cùng với chư tôn đức Tăng Ni và phật tử Thiền Tôn Phật Quang đã luân phiên tụng bài kệ phóng sanh trong suốt thời gian thả cá, ngưỡng mong cho tất cả những chúng sinh đó đều có duyên với Phật pháp. Và hy vọng, chúng ta và cả những chúng sinh đó đều giải thoát, sẽ chẳng còn ai sót lại trong cõi luân hồi này.

Giờ đây, khi chúng ta gieo mỗi một mạng sống vào thiên nhiên là các ta đang gieo một nhân lành, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định. Nhờ công đức của hạnh phóng sinh này mà nghiệp chiến tranh của thế giới được hóa giải rất nhiều, đồng thời còn hóa giải cả nghiệp xấu, nghiệp bệnh tật, ốm đau, tù tội cho chính mình.

Kế đến, đúng 14h00″, BTC khai mạc chương trình ẨM THỰC CHAY với trên 50 món chay ngon miệng được chế biến từ các loại rau, củ quả tươi, sạch, đảm bảo độ dinh dưỡng cao và an toàn sức khỏe cho thực khách. Ngay khi ấy các phật tử hoan hỷ vào hoà nhập vào không khí của tiệc Buffet.

Nhiều món ăn tại đây đã mang lại cho họ những trải nghiệm ẩm thực thú vị. Toàn bộ số tiền thu được của chương trình Buffet này sẽ góp công đức để tiếp tục xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo tháp Xá lợi miền Tây.

Buổi tối, đúng 18h00”, chương trình Đại lễ cầu Quốc thái Dân an diễn ra thật trang nghiêm.

Quang lâm chứng minh và tham dự Lễ có sự hiện diện của: TT Thích Phước Hạnh – UV HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban tổ chức Đại lễ; TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang tỉnh BRVT; TT Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phong Hòa (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp); ĐĐ Thích Thiện Tâm – Phó trưởng BTS, Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Phó ban tổ chức Đại lễ; ĐĐ Thích Tánh Bình – Chánh thư kí, Trưởng ban TTTT GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, cùng Chư tôn thiền đức Tăng Ni Trụ trì các Tự viện trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long.

Về phía Chính quyền cấp tỉnh có sự tham dự của: ông Lê Quang Đạo – UV thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTVN tỉnh Vĩnh Long; ông Trần Công Hiếu – Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Vĩnh Long; ông Võ Thanh Vân – Phó trưởng Ban Dân Vận Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; bà Nguyễn Thị Thùy Duyên – Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Văn Hồng Quân – Phó giám đốc Sở Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Vĩnh Long; bà Phạm Thị Mỹ Hạnh – Phó giám đốc Thương binh Xã hội tỉnh Vĩnh Long; ông Bùi Văn Út – Phó trưởng phòng PA88 C.A tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Trung Kiên – Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, cùng chư vị khách quý, các cấp chính quyền cũng như chư vị khách quý đại diện các sở ban ngành Tỉnh ủy, UBND, UB MTTQVN, các sở ban ngành qua các thời kì

Về phía Lãnh đạo xã có bà Nguyễn Thị Phỉ – Bí thư Đảng ủy xã Tân Ngãi; bà Đinh Thị Hồng – Chủ tịch UBND xã Tân Ngãi, cùng chư vị khách quý lãnh đạo các cấp chính quyền xã Tân Ngãi. Ngoài ra còn có hơn 6000 đồng bào phật tử gần xa, các mạnh thường quân, cùng đại diện các Cơ quan Báo đài đã về tham dự và đưa tin cho Đại lễ.

Tại buổi Lễ, sau nghi thức toàn thể Hội chúng đồng hát Quốc ca và Đạo ca, TT Thích Phước Hạnh – UV HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban tổ chức Đại lễ đã tuyên đọc diễn văn khai mạc.

Thượng tọa cho rằng: “Quốc thái Dân an” là ước vọng chung, cũng là trách nhiệm chung của mọi người, không phân chia vị thế xã hội, không giới hạn tín ngưỡng. Vì vậy, vào ngày 10/03/2018 (nhằm ngày 23/01/ năm Mậu Tuất, chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long long trọng tổ chức Đại lễ cầu Quốc thái Dân an, cùng lễ phóng sinh để trưởng dưỡng lòng từ bi của người con Phật. Trong buổi Lễ cầu nguyện này, mọi người cùng đồng tâm, đồng nguyện… cầu cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh, nhân dân được an cư lạc nghiệp.

Nhớ lại, ngày xưa Bác Hồ đã dạy dân ta nên nhớ bốn chữ đồng, đó là:đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh. Đây chính là chất keo tạo nên sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc. Cho nên tất cả chúng ta đều phải vượt qua mọi sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị… để cùng yêu thương, cùng chung tay dựng xây đất nước.

Cũng tại buổi Lễ, bà Lý Thị Kim Chi (pháp danh Diệu Trang) – Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Nam Long (TP.HCM) đã đại diện cho toàn thể quý nam nữ phật tử dâng lời tác bạch. Bà nhấn mạnh:Lễ cầu Quốc Thái Dân An được tổ chức hàng năm tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long mang đầy ý nghĩa văn hóa tâm linh cao cả, nhằm cầu nguyện cho đất nước thanh bình, nhân dân an lạc.

Trong ngày này mọi người trải lòng ra thương yêu tất cả mọi người trên đất nước. Riêng tại chùa PNXL Vĩnh Long, trong ngày cầu nguyện Quốc thái Dân an mọi người cũng đồng hướng tâm về công trình xây dựng ngôi Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây, là Trung tâm Văn hóa Phật giáo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, của tỉnh Vĩnh Long nói riêng, để cùng cầu nguyện cho việc xây dựng được nhiều thắng duyên, được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Đây là công trình mà vào năm 2017, TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang thay mặt nhà chùa đã phát lệnh khởi công xây dựng, đến nay công trình đã được hoàn thiện trên 80%. Còn niềm vui mừng nào hơn cho hàng phật tử, với hi vọng tương lai tỉnh nhà Vĩnh Long sẽ có ngôi chùa đào tạo Tăng tài và là điểm tựa tâm linh vững chắc cho hàng phật tử.

Thiết nghĩ để xây dựng Tam Bảo trang nghiêm, đào tạo Tăng Ni, duy trì mạng mạch Phật pháp không phải của riêng một cá nhân nào, mà là sự chung tay góp sức của nhiều người để ai ai cũng có được chút phước lành.

Tiếp theo, TT Thích Chân Quang khai Pháp đầu năm tại chùa PNXL Vĩnh Long bằng bài Pháp thoại có chủ đề “SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM”.

Thượng tọa cho rằng vào những ngày đầu năm chúng ta thường có những hoạt động hướng về tâm linh như đi chùa, đình, nhưng tất cả đều không mang lại công đức bằng tham dự Lễ cầu Quốc thái Dân an, bởi ý nghĩa quá lớn của buổi Lễ. Nếu như thông thường mọi người chỉ cầu xin cho cá nhân, cho gia đình thì trong Lễ cầu Quốc thái Dân an, ai cũng phải mở rộng tâm mình ra cầu nguyện cho cả đất nước này, mà khi tâm mở lớn thì phước cũng phải lớn lên theo, đó là sự công bằng của nhân quả.

Đi vào nội dung bài Pháp thoại, theo Thượng tọa, sống giữa đời chúng ta luôn mang theo hai điều, một là quyền lợi, hai là nghĩa vụ. Nghe thì rất giống với chính trị, luật pháp, nhưng thật sự ở điểm này đạo lý và luật pháp hoàn toàn phù hợp với nhau. Luôn luôn, hể muốn có một số quyền lợi thì ta phải đáp lại bằng một số nghĩa vụ. Muốn đi cây cầu đẹp ta phải đóng thuế, muốn đất nước bình yên ta phải góp phần bảo vệ v.v… Tức là quyền lợi và nghĩa vụ luôn phải cân đối, hợp lý với nhau. Đó là sự công bằng.

Và chúng ta có thể suy xét trên quyền lợi và nghĩa vụ để đánh giá đạo đức của con người: Người kém đạo đức thì chỉ muốn hưởng thụ quyền lợi, né tránh nghĩa vụ; còn người đạo đức thì luôn cống hiến cho đời, xem nhẹ quyền lợi cá nhân, thậm chí còn đóng góp vượt hơn cả nghĩa vụ được yêu cầu.

Có thể nói rằng, tinh thần trách nhiệm vươn xa đến đâu thì đạo đức của chúng ta cũng lớn theo đến đó. Theo Thượng tọa, đạo đức của loài người được chia làm bảy cấp độ, mà bảy bước chân hoa sen của Đức Phật lúc đản sinh là cũng hàm dưỡng ý nghĩa này.

– Cấp độ thứ nhất là có trách nhiệm với “gia đình”. Đây là đạo đức nền tảng căn bản nhất. Người có trách nhiệm với gia đình thì chăm lo đời sống cả vật chất, cả tinh thần cho gia đình, và đương nhiên phải hạn chế niềm vui, bớt đi quyền lợi của chính bản thân họ.

– Cấp độ thứ hai là có tinh thần trách nhiệm với “cộng đồng gần”, như họ hàng, bạn bè, láng giềng. Thật ra con người luôn phải có trách nhiệm bắt buộc dành cho gia đình, còn với cộng đồng gần thì sự ràng buộc ít hơn, chẳng ai lên án nếu ta không chăm lo cho cộng đồng cả. Vậy người nào sẵn lòng gánh lấy bổn phận này, dù không bị bắt buộc, đó là người đã có cái tâm rất tốt. Hạng người này rất đáng để tin cậy, kết giao, và khi mất đi đa phần đều sinh về cõi lành.

– Cấp độ thứ ba của đạo đức là có trách nhiệm với “nơi làm việc”, như cơ quan, công ty, hãng, xưởng, doanh trại (với chiến sĩ), chùa chiền (với tu sĩ). Ở cấp độ đạo đức này, người ta làm việc rất tận tụy, siêng năng, sự cống hiến vượt hơn hẳn tiền lương hay những đãi ngộ mà bản thân nhận được. Cho nên, nếu ai luôn đòi hỏi mức lương phải tương xứng với sự đóng góp của mình thì đó là người vẫn chưa đạt được cấp độ đạo đức thứ ba.

Người đạt đến cấp độ này là đạo đức đã cao, và có thể thấy được quả báo hiện đời là được nhiều may mắn bất ngờ. Như với người cán bộ, dù đồng lương không bao nhiêu nhưng trách nhiệm thường rất nhiều, nếu họ vẫn vui với bổn phận, bao nhiêu chính sách, nghị quyết, kế hoạch, văn bản cứ tận tâm giải quyết cho người dân được hưởng lợi… Tức là cứ làm tận tụy vượt hơn trách nhiệm thì dần dần cuộc đời họ xuất hiện những tài lộc, sự may mắn, sự no đủ sung túc một cách rất tự nhiên, đúng với nhân quả.

– Cấp độ đạo đức thứ tư là có tinh thần trách nhiệm với các “hội đoàn”, như Hội từ thiện, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi v.v… Thường khi tham gia hội đoàn ta không được hưởng gì, chỉ có đóng góp mà thôi. Những người nhiệt thành đóng góp vào các hội đoàn thiện nguyện thường là người đạo đức cao, phước lớn, sau khi mất hay được sinh về cõi lành.

Quốc gia nào có nhiều người tham gia, cống hiến trong các hội đoàn thiện nguyện, hội đoàn xã hội thì đó sẽ là quốc gia rất hùng mạnh, bởi nền đạo đức chung của toàn dân đã khá cao.

– Cấp độ đạo đức thứ năm là có trách nhiệm với “đất nước”, thẳm sâu trong tâm hồn là tình yêu nước nồng nàn, ngồi một góc nhỏ mà lòng thì thương yêu, lo lắng cho cả đất nước này. Không mấy ai trên đời có cái tâm mở rộng đến như vậy. Và một khi bước lên được đến cấp độ đạo đức này rồi thì lúc mất đi sẽ trở thành một vị Thần đầy uy lực.

Có những giai đoạn đất nước bị xâm lược, người dân lầm than trong cảnh nô lệ, nỗi nhục đó đã thúc đẩy lòng yêu nước trỗi dậy, khiến cho rất nhiều người từ cấp độ đạo đức thứ nhất là chỉ biết lo cho gia đình, đã vượt lên thẳng đến cấp độ thứ năm là yêu nước tràn đầy, dám từ giã gia đình, lên đường chiến đấu giành độc lập cho non sông.

Cho đến ngày hôm nay, máu bao nhiêu anh hùng vẫn đang đổ xuống đất nước này, chỉ khác xưa là chúng ta không thấy không biết, không ý thức được đất nước vẫn đang bị xâm phạm mà thôi. Nếu ai trong thời bình vẫn yêu thương, vẫn có trách nhiệm với đất nước thì người đó đạt được cấp độ đạo đức thứ năm, một cấp độ đạo đức rất cao.

Theo Thượng tọa, trách nhiệm với đất nước thì có rất nhiều, trong đó có việc đóng thuế để nhà nước có ngân sách. Rất nhiều người, kể cả phật tử, mang tâm lý thích hưởng những tiện nghi hiện đại đẹp đẽ như nước ngoài, tức là thích mọi dịch vụ công đều ở mức “5 sao”, tuy nhiên lại muốn đóng thuế ở mức “một sao”, tức là đóng thuế rất ít, thậm chí không hề muốn đóng thuế. Như vậy là không công bằng.

Nhiều người lấy lý do là không tin tưởng tiền thuế được sử dụng một cách đúng đắn hợp lý. Thật ra đất nước nào cũng có những tiêu cực, nhưng đừng vì vậy mà mất hết niềm tin với Lãnh đạo, với đất nước. Vừa rồi, tàu sân bay của Mỹ ghé thăm Đà Nẵng, trên tàu có cờ đỏ sao vàng phấp phới, nghĩa là những người ngoại quốc đã đến với Việt Nam với tâm thế vừa thân thiện, vừa tôn trọng. Và để có được vị thế quốc tế như ngày hôm nay thì trước hết là công của người lãnh đạo, của cán bộ, chính quyền, quân đội, sau là công lao của từng con người, mỗi con người tu dưỡng, học tập, rèn luyện, cống hiến. Nhờ vậy mà đất nước đi lên, có thể ngẩng cao đầu với thế giới.

Dịp này, Thượng tọa nhắc nhở mọi người đều phải đạt được cấp độ đạo đức thứ năm, tức tình yêu nước, tinh thần trách nhiệm với đất nước luôn cháy bỏng trong tim.

– Cấp độ thứ sáu là có tinh thần trách nhiệm với “cả thế giới”, cả nhân loại. Nghe nói về tình yêu nhân loại cao quý thật ra ta cũng có cảm xúc, cảm động. Tuy nhiên thế nào là tinh thần trách nhiệm với thế giới – đó vẫn là phạm trù quá lớn, không thể nói hết trong một vài câu. Đến đây Thượng tọa yêu cầu mọi người tự suy ngẫm xem đã bao giờ tâm hồn mình vươn đến tình cảm thiêng liêng này hay chưa.

– Cấp độ đạo đức thứ bảy là có trách nhiệm với “tất cả chúng sinh” trong pháp giới vũ trụ. Đây là điều không tưởng, chúng ta không thể hình dung nổi. Thế nhưng ai là đệ tử Phật rồi đều phải vươn lên đến cấp độ này.

Bàng bạc trong giáo lý đạo Phật là tinh thần đại bi, chúng ta được học rằng mỗi ngày đều phải trải lòng từ thương yêu chúng sinh vô hạn. Quả thực, chỉ trong đạo Phật mới nhắc đến, mới hướng về cấp độ đạo đức cao tột này, đó cũng là lý do mà bao danh nhân trên thế giới đã phải cúi đầu đảnh lễ, ngưỡng mộ Đức Phật – một Thánh nhân đã mở ra cấp độ đạo đức thứ bảy cho nhân loại.

Khi đạt được mức độ đạo đức này rồi thì sẽ làm gì – đó là chuyện của Bồ tát, còn chúng ta trước tiên phải có tấm lòng đã. Ta yêu thế giới, yêu chúng sinh trước, rồi làm gì thì dần dần theo năm tháng tu tập ta sẽ thấy rõ hơn.

Sau khi điểm qua bảy cấp độ đạo đức, Thượng tọa chia sẻ thêm: mỗi cấp độ sẽ mang lại một quả báo khác nhau. Ví dụ, người có trách nhiệm với gia đình thì sẽ được đền đáp lại bằng những thương yêu, chăm sóc trong môi trường gia đình. Người có cấp độ đạo đức thứ năm là yêu cả đất nước này, làm gì cũng nghĩ cho đất nước thì khi mất đi sẽ sinh làm Thần. Giống như gieo một hạt xoài sẽ hưởng muôn nghìn trái ngọt, cũng vậy, một đời này ta yêu đất nước, yêu đạo pháp thì quả báo trở lại nhiều năm sau là ta sống trong vinh quang, hạnh phúc, trí tuệ, đạo đức đều khai mở.

Thượng tọa nhấn mạnh, tuy nhiên điều chúng ta mong cầu nhất không phải là danh vọng, đẹp đẽ, quyền uy, tài sản, mà là Thánh quả giải thoát tuyệt đối. Đó là mơ ước tột cùng của tất cả chúng ta.

Tóm lại, trong không khí thiêng liêng của ngày cầu nguyện Quốc thái Dân an, Thượng tọa đã nhắc nhở mọi người về quyền lợi và nghĩa vụ, về bảy cấp độ đạo đức mà Đức Phật đã ám chỉ khi Ngài đản sinh và bước trên bảy bước hoa sen. Thật sự, chưa có tôn giáo hay triết thuyết nào có thể đưa ra lý thuyết về đạo đức một cách vừa cụ thể, vừa sâu xa, vừa gần gũi, vừa lý tưởng đến tột cùng như Phật giáo.

Vậy nên, khởi đầu sự tu hành là đạo đức, và nét đẹp cao tột của một bậc Thánh trong đạo Phật cũng là đạo đức viên mãn sáng tỏ tròn đầy như ánh trăng rằm mà thôi. Đó phải chăng là điều thiêng liêng để chúng ta ngưỡng vọng, suy ngẫm, phấn đấu trọn cuộc đời mình.

Tiếp đến là phần nghi thức tâm linh, toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni, cùng đại diện Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, và đông đảo phật tử, quần chúng nhân dân địa phương trang nghiêm hướng về Lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện thật gọn nhẹ, có nhiều ý nghĩa thiết thực.

Một nghi thức làm Lễ, bao gồm: Đọc lời kỳ nguyện, hát Khúc Tán Ca Tôn Kính Phật, đảnh lễ Tam bảo, tụng Kinh từ bi sám hối, tụng Sám cầu Quốc thái Dân an, cúng Quốc tổ, phục nguyện.

Sau cùng, nguyện cầu bình an, nguyện cho chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, ngôi Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây, cùng các hạn mục khác sớm hoàn thành để nơi này hứa hẹn trở thành một tòng lâm thạch trụ, đáp ứng nhu cầu Phật sự và sự tu học của Tăng đoàn. Được vậy, rất mong sự trợ duyên của Chư tôn đức, chư thiện hữu tri thức phật tử gần xa, để công trình xây dựng này được hoàn thành viên mãn./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh Đại lễ tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất