Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễĐạo tình Pháp lữ đầu năm tại thiền tôn Phật Quang

Đạo tình Pháp lữ đầu năm tại thiền tôn Phật Quang

-

Trong không khí đón mừng xuân mới, vào ngày 02/02/2017 (nhằm ngày mùng 06 tết, năm Đinh dậu), theo truyền thống hằng năm, HT. Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân (Quận Tân Bình, TP.HCM) làm Trưởng Đoàn, đã hướng dẫn hơn 600 phật tử tề tựu về Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh – BRVT) để thăm viếng, đảnh lễ Tam Bảo, chúc tết TT Thích Chân Quang, và có đôi lời sách tấn chư Tăng Ni, phật tử trong Pháp hội những ngày đầu năm với niềm hoan hỷ vô biên của người con Phật.

3_07-02-2017

Mở đầu, ĐĐ.Thích Tánh Khoan – đại diện cho Đại chúng dâng lời tác bạch mừng tuổi HT.Thích Viên Giác bằng những lời lẽ thật xúc động. Theo đó, cứ mỗi độ đất trời vào xuân, không khí Tết còn rộn ràng nồng ấm, như đã thành thông lệ, vào ngày mùng 6 tết, HT.Thích Viên Giác lại dẫn đoàn phật tử chùa Từ Tân về viếng chùa Phật Quang đầu năm và chúc tết TT.Thích Chân Quang. Cái tình linh sơn của Hòa thượng đối với Trụ trì Thiền tôn Phật Quang thật khiến Đại chúng ngưỡng mộ và ước mơ có được một tấm chân tình như vậy.

Tình cảm thiêng liêng đó được ĐĐ.Thích Tánh Khoan đúc kết trong 2 câu thơ:

                              Ân tình huynh đệ như núi thẳm

                             Nghĩa bạn sơn môn tựa sông dài

Đại đức khẳng định rằng đây là tình huynh đệ thiêng liêng, được định vị ở mức độ siêu tuyệt, thường được gọi là “linh sơn cốt nhục”, không phải ai muốn có cũng có được.

22a_07-02-2017

Lời tác bạch của ĐĐ.Thích Tánh Khoan vừa là tình cảm, vừa là những lời chúc tốt đẹp đầu năm mà toàn thể Tăng Ni, phật tử của Thiền tôn Phật Quang gửi đến HT.Thích Viên Giác. Người khẳng định tất cả đại chúng đều biết 2 vị Thầy hiểu lòng nhau một cách sâu sắc, hỗ trợ nhau trong mọi công tác Phật sự và có sự tương thông trong tâm linh mà người ngoài không thể thấy được. Trong biển người mênh mông này, thật khó mà có thể tìm được một người có thể hiểu được lòng mình. Vậy nên, tình cảm mà HT.Thích Viên Giác dành cho TT.Thích Chân Quang thật đáng quý.

Đại đức nói, tuy 2 vị Thầy mỗi người một công việc, một tính cách, một ngôi chùa riêng nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng. Đó là cả 2 vị đều nặng lòng ưu tư, cống hiến hết mình cho đạo Pháp cũng như sự nghiệp đào tạo Tăng tài cho Giáo hội mà không một chút mệt mỏi. Bước chân đạo hành của 2 Thầy in dấu khắp mọi nơi khi chúng sinh cần.

22c_07-02-2017

Tuy nhiên, con người đôi khi phải trải qua những cuộc chiến đơn độc với bản thân. Chỉ có người bạn chân chính, tốt nhất mới có thể thấu hiểu, nâng đỡ và chia sẻ với mình. Hai vị Thầy đã trở thành bạn thân giống như người bạn tốt mà Đức Phật đã dạy trong Tăng chi bộ III, phẩm Chư thiên:

                       Bạn cho điều khó cho
                       Làm những điều khó làm
                       Kham nhẫn những lời nói
                       Thật khó lòng kham nhẫn
                       Nói lên bí mật mình
                       Che giấu bí mật người
                       Bất hạnh, không từ bỏ
                       Khánh tận, không chê khinh
                       Trong những trường hợp trên
                       Tìm được người như vậy
                       Với ai cần bạn hữu
                       Hãy gần bạn như vậy.

Để có mối tương giao tốt đẹp, kết thành tình bạn sâu sắc vậy là do xuất phát từ tình huynh đệ Pháp lữ nhiều đời gắn bó ở hội Linh Sơn của Đức Phật Thích Ca.

37_07-02-2017

Cũng vậy, trong đời này chúng con trở thành đệ tử xuất gia, nhận sự giáo dưỡng của Sư Phụ là do duyên thầy trò sâu đậm từ nhiều đời, nhiều kiếp chứ không phải ngẫu nhiên. Vậy nên, chúng con vô cùng trân quý Sư Phụ – người đang giáo dưỡng chúng con (đệ tử xuất gia) bằng những lí tưởng cao đẹp, kể cả trong những việc thông thường hằng ngày để làm sao ai cũng trở thành những người chân tu, làm điểm tựa tinh thần cho cuộc đời.Cái hoài bão quá lớn mà Sư Phụ đặt lên các đệ tử chính là ước muốn chân chính để đạo Phật có sức mạnh tồn tại. Do vậy, chúng con cần phải cố gắng tin tấn tu hành hết sức, lúc nào cũng sống và thể hiện được đạo lí Phật dạy, không để những điều ác xâm chiếm tâm hồn mình…

Trong thời Mạt pháp đầy hỗn loạn này, chỉ cần khởi lên một chút ý nghĩ sai lầm trong tâm thì đời tu của chúng con sớm muộn gì cũng trở nên tệ hại, có khi hết duyên thầy trò, kết thúc đường tu. Vì vậy, Đại chúng Phật Quang thấy mình thật may mắn khi được gần gũi với các bậc Thầy khả kính, các bậc Tôn túc để cùng lắng nghe những lời giáo huấn thâm tình, chứa đầy sức sống, đạo hạnh của các Ngài để hoàn thiện dần con người mình. Điều này giống như Chư Tổ đã dạy trong Quy sơn cảnh sách: “Gần gũi người lành như đi trong sương móc. Tuy không thấy ướt áo mà dần dần thấm nhuần”…

23_07-02-2017

Trước những lời tác bạch chân thành, chứa chan tình cảm ấy, HT.Thích Viên Giác rất xúc động. Người khẳng định việc thăm viếng đầu năm này đã trở thành truyền thống của chùa Từ Tân. Ngoài việc chiêm bái, đảnh lễ Tam Bảo; thăm viếng, chúc tết Sư đệ cùng các đệ tôn, đây còn là dịp để gặp gỡ các phật tử.

Khi bước chân đến đây, thấy hai chậu hoa đào, hoa mai vẫn khoe sắc rực rỡ, Người biết sắc xuân vẫn đang tràn ngập nơi này. Đồng thời, Người cảm nhận được sự sum họp, hội tụ của 2 miền Nam – Bắc. Thật đúng như Bác Hồ đã nói: “Nam Bắc sum họp, xuân nào vui hơn”.

Bên cạnh đó, Hòa thượng rất vui mừng, ấn tượng khi thấy có một vị Sư người nước ngoài tu theo Mật tông đã đến tham dự và cảm nhận những nét đẹp trong văn hóa của đất nước và Phật giáo Việt Nam thông qua lễ hội Tết Nguyên Đán mà chùa Phật Quang tổ chức. Có lẽ, những chương trình này đã mang lại cho vị Sư đó rất nhiều niềm vui, hạnh phúc cùng sự ấn tượng sâu sắc đối với đạo tràng Phật Quang.

5_07-02-2017

Đặc biệt, Người rất xúc động khi gặp lại TT.Thích Chân Quang. Mặc dù phải lo nghĩ, sắp xếp, lên kế hoạch rồi tổ chức lễ hội Tết cũng như các buổi thuyết giảng nhưng Thầy vẫn tươi vui, sức khỏe dồi dào, thần thái hoành tráng, hai mắt sáng rực. Cái năng lượng này chắc chắn không phải ở nơi mình mà là nhờ sự gia hộ, hỗ trợ của Chư Phật. Vậy nên, nhìn Thầy trò Thiền Tôn Phật Quang ai cũng sáng tỏ, đẹp đẽ.

Dịp này, được nghe cuộc đối thoại (tiếng anh) giữa Thầy trò Phật Quang với Thượng tọa Sonam Lundrup đến từ Cộng Hòa Séc rất hay và giỏi. Đây là một dấu hiệu, hứa hẹn cho một tương lai tốt đẹp, mở rộng giá trị của chùa Phật Quang ra năm châu bốn biển.

Hòa thượng khẳng định năm vừa qua, sự nghiệp Hoằng Pháp của TT.Thích Chân Quang cũng như hệ thống Thiền Tôn Phật Quang ngày càng vững mạnh. Điều này cho thấy tất cả đều đang đi đúng hướng. Người hi vọng năm mới, sự vững mạnh này tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa để ánh sáng chánh Pháp của Phật Quang được lan tỏa rộng hơn. Năm Đinh Dậu, con gà sẽ gáy vang tiếng Pháp để thức tỉnh nhân quần, xã hội đang còn u mê.

35_07-02-2017

Người cũng hi vọng các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Giáo hội từ trung ương đến địa phương; các thân hào nhân sĩ, thiện hữu tri thức hết sức hỗ trợ, ủng hộ, đồng hành, tạo nên sự thuận lợi tối đa để chùa Phật Qang có thể phát huy những giá trị Chánh Pháp của mình một cách đầy đủ. Bởi như mọi người đã biết, giá trị Phật Quang là giá trị văn hóa đưa đến sự bình an cho con người và xã hội.

Trên nền tảng những thành tựu mà chùa Phật Quang đã đạt được, Hòa thượng tin tưởng rằng con đường Hoằng Pháp của tất cả mọi người nói chung đều phát triển tốt đẹp. Và Phật Quang chính là một nhân tố kích hoạt, là động lực tạo nên sự sáng tạo, phát triển mới trong đường lối của Giáo hội cũng như trong sự hành đạo, hoằng truyền chánh Pháp, xứng đáng là tấm gương cho tất cả các chùa trên toàn quốc noi theo. Đồng thời, làm cho giá trị Phật giáo được mở rộng một cách thực tế nhất.

Tuy nhiên, để thành tự được sự nghiệp cao cả ấy, chắc chắn là rất cần sự đồng cảm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần của phật tử, cũng như là những người có khả năng, tâm huyết với con đường đạo lí mà Đức Phật dạy. Chắc chắn, chùa Phật Quang phát triển thì chùa Từ Tân cũng phát triển theo thôi.

Theo như khảo sát, Người thấy Tết năm nay các phật tử đi chùa ít dần, không mạnh như những năm trước. Nguyên nhân chính là nhiều loại hình vui chơi mới lạ bên ngoài xã hội đang cám dỗ, mời gọi. Do bị cuốn hút vào đó nên các phật tử không còn đến chùa nhiều nữa. Lại thêm, chương trình xuân của các chùa không có sự đổi mới dẫn đến sự nhàm chán, thiếu hấp dẫn.

Nhưng ngược lại với đó, các phật tử đến với chùa Phật Quang vẫn rất đông, kể cả ngày thường hay ngày Tết. Ngay trong đêm giao thừa, phật tử từ khắp các tỉnh trên cả nước thay vì ở nhà thắp hương, quây quần bên gia đình lại chọn sum họp, vui xuân tại chùa Phật Quang. Việc làm này mang lại một sự ấm áp, yêu thương; một cảm xúc đẹp đẽ, tốt lành mà không đâu có được.

Hơn nữa, những tình cảm tốt đẹp ấy đã mang lại cho chùa Phật Quang những mùa xuân dài nhất, dài hơn so với các chùa khác. Điều tuyệt vời này được tạo ra nhờ những giá trị chân lí mà Tăng Ni, phật tử hướng đến.

24_07-02-2017

Nhân đây, HT.Thích Viên Giác cũng chỉ ra 3 tiêu điểm của giá trị chân lí, tạo nên một lực hút vô tận ngàn đời mà con người hướng đến. Đó là hộ trì chân lí; giác ngộ chân lí và chứng đạt chân lí.

Mục đích cuối cùng của chúng ta là làm sao chứng đạt được chân lí. Muốn chứng đạt được chân lí thì hộ trì và giác ngộ chân lí. Bắt đầu đi con đường này, ta mới nhận ra rằng Tăng Ni đặt mình vào con đường Thánh đạo – con đường mà ĐĐ.Thích Tánh Khoan gọi là “con đường đơn độc”. Để đắc được quả chứng đạt chân lí, ta phải chấp nhận đi trên con đường đơn độc, mạo hiểm này.

Người giải thích rằng: Ta chấp nhận tu hành là chấp nhận phiêu lưu, mạo hiểm vì đây là con đường nghịch lưu, đi ngược lại dòng đời. Vậy nên nhiều người đặt mình vào con đường tu hành một cách mơ hồ, không biết mình có đủ sức vượt qua khó khăn, thử thách không? Không biết sau khi mạo hiểm, mình sẽ đi đâu, về đâu, đạt được những cái gì.

Biết đây là một con đường khó đi nên Chư tôn đức rất thương và thông cảm, lúc nào cũng chờ đợi sự thành tựu ở nơi thế hệ sau. Mặc dù giờ đây, chúng ta được tu hành trong một môi trường tốt đẹp, thuận lợi về mọi mặt, nhưng vì không phải là con đường thuận nên lúc nào cũng phải đối mặt với nghịch cảnh, với khó khăn, với sự vô lí và với cái bản ngã quá lớn của chính mình. Con đường này là ta tự lựa chọn nên phải chuẩn bị tâm lí để đối mặt với những cái bất ổn đó.

Phật tử chọn đi theo con đường của Phật thì cũng phải đối mặt với những khó khăn giống như các quý thầy, quý sư cô. Chỉ khác mình là người có gia đình, có đời sống xã hội, có trách nhiệm. Vì vậy, dù nuôi dưỡng mục đích trong lòng nhưng các phật tử vẫn chưa toàn tâm toàn ý, chưa đủ duyên để đặt mình trọn vẹn vào con đường ngược. Cho nên, tu theo Phật pháp, mọi người đều có mục đích giống nhau, nhưng chỉ có Tăng Ni là bậc tiên phong, toàn diện, triệt để mà thôi.

Tu là khó, không dễ chút nào. Nói điều này mới thấy việc tu hành trong chùa Phật Quang được dẫn dắt tận tình, kĩ lưỡng, sâu sắc mà không phải chùa nào cũng có. Nếu không có sự dẫn dắt đúng đắn này, con đường tu hành của ta thực sự là phiêu lưu. Vậy nên, sẽ chẳng có sự mạo hiểm nào nếu chúng ta được dạy dỗ đúng hướng, đúng Pháp, đúng quy luật phát triển về tâm linh. Đồng thời được sự bảo hộ của các quý thầy, của cộng đồng. Chúng ta có thể tuyệt đối yên tâm, tin tưởng, đặt mình hoàn toàn vào con đường ngược đó.

36_07-02-2017

Trên con đường đó, điều đầu tiên ta phải có là lòng tin vào Phật, tin vào những giáo Pháp, tin vào bậc thầy của mình. Lòng tin ở đây bao gồm cả tình thương và tôn kính. Nó giúp ta có được nền tảng vững chắc, thu hút được những người xung quanh. Nghĩa là ở đâu có lòng tin thì ở đó thu hút được nhiều người. Đây cũng là lí do tại sao chùa Phật Quang lúc nào cũng có đông phật tử tìm đến.

Mọi người đến Phật Quang với mong muốn được một lần nhìn thấy vị Thầy của mình thật gần, được trực tiếp cúng dường, được nhận một cái xoa đầu đầy trìu mến. Sau cùng là được nghe thầy trụ trì giảng Pháp. Vậy mới thấy sự thôi thúc từ chân lí không phải là cảm xúc thuần túy mà nó là cái gì đó thuận dòng theo cái ước vọng của mọi người.

Hoằng dương Phật Pháp rất khó, nhiều chùa đang cố gắng làm điều này nhưng mình thuyết Pháp không hay. Muốn mời Giảng sư thì nảy sinh nhiều vấn đề từ việc mời, việc đón cho đến các chi phí phát sinh. Không giống như chùa Phật Quang, có sẵn một Giảng sư giỏi, giàu kinh nghiệm.

Một số người nghe Pháp xong mà không nhớ gì, Đức Phật gọi là trí tuệ bắp vế. Nghĩa là chân lí rớt vào lòng họ rồi rớt luôn xuống bắt vế. Khi đứng lên, họ không còn nhớ điều gì nữa.

Tuy nhiên, những người khao khát chân lí lại khác. Họ nghe và ghi nhận. Có người ghi nhớ bằng cách viết lại, có người ghi nhớ bằng kí ức. Người ghi nhớ bằng kí ức có thể trở thành thọ trì Pháp, đi truyền lại những chân lí mình nhớ được cho người khác.

Sau khi thọ trì Pháp, họ bắt đầu suy tư về ý nghĩa của nó. Sau khi đối chiếu với thực tế, một niềm vui dâng trào mãnh liệt trong tâm họ khi hiểu và thấy được cái đúng đắn của Pháp. Đây là niềm vui thánh thiện số một trên đời mà ta gọi là Pháp lạc. Và Tăng Ni, phật tử nào cũng phải tìm kiếm và đạt được cái Pháp lạc này vì có nó mới trừ được dục lạc; đoạn trừ được thế lạc; không bị những cái vui tầm thường cám dỗ.

Pháp lạc chính là định hướng, là giá trị mà mình đi theo con đường Phật pháp nhưng nó chưa gọi là giác ngộ chân lí bởi khi mình có được sự hoan hỉ thì nó đẩy tới một cái ước muốn, một cái pháp dục.

25_07-02-2017

Người giải thích rằng cái Pháp dục chính là sự thích thú, thúc đẩy ta biết bắt chân ngồi thiền, biết chăm chỉ lễ bái Phật. Nghĩa là nó bắt ta phải hành động, hành trì, đẩy ta tới ước muốn chứ không phải là một cảm giác trơ trụi, đơn điệu. Một ước muốn sinh khởi, một nhu cầu tâm linh sinh khởi, hướng tâm về giá trị chân lí chính là điều đang rất thiếu ở trong con người xã hội.

Không mấy ai đi được đến giai đoạn này vì ở đây, sự cô đơn bắt đầu xuất hiện. Con người bắt đầu dừng lại nếu không có cái ước muốn thúc đẩy, bắt ta phải hành động, phải tu tập trong sự cân nhắc, đối chiếu. Nghĩa là ta tu tập có chọn lọc (hay còn gọi là trạch Pháp) để đặt mình cho đúng. Chúng ta đã có cảm xúc, có nhận thức nhưng mới bắt đầu trải nghiệm thực tế nên phải cẩn thận, tránh bị lạc khỏi con đường.

Khi đã cân nhắc cẩn trọng, chúng ta bắt đầu nỗ lực, tinh cần. Lúc này, ta mới có được cái sự rực sáng trong tâm, gọi là tuệ sinh ra. Nhờ cái tuệ này, ta nhận ra được con đường giác ngộ chân lí, thấy được mục tiêu ở phía trước. Đến đây, ta chỉ có tiến lên nhanh hay chậm thôi, không còn quay lui được nữa. Giai đoạn này gọi là bất thối chuyển.

Chứng đạt chân lí là một sự thể nghiệm trọn vẹn thông qua thực tập liên tục. Đức Phật đã dạy rằng hãy hành trì lặp đi lặp lại nhiều lần cái giác ngộ, cái sự sáng đó thì mới chứng đạt chân lí. Vậy nên nhiều người dù đã giác ngộ, đã thấy được sự sáng rồi nhưng bỏ bê, không chịu thực hành nên mãi mãi không chứng đạt được. Điều này lí giải tại sao các Thiền sư sau khi giác ngộ rồi thì đều bỏ chùa đi vào rừng sâu.

Giờ ta hiểu ngộ chỉ là cái mặt tuệ, còn để tạo thành một sự trải nghiệm toàn diện, sâu sắc, đòi hỏi sự hành trì liên tục không ngừng nghỉ. Qua đó, chúng ta bắt đầu tiếp nhận những ánh sáng chánh Pháp, đạt được những giá trị tâm linh cao cả.

38_07-02-2017

Cuối cùng, Người gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến TT.Thích Chân Quang cùng toàn thể Tăng Ni, phật tử chùa Phật Quang nhân dịp đầu xuân năm mới.

Trước những lời giáo huấn đầy tình đạo vị và sự kì vọng của HT.Thích Viên Giác, cả Đại chúng ai cũng nguyện tinh tấn tu hành, tiếp tục cố gắng trên con đường giáo hóa độ sinh, trở thành những người hữu ích cho đạo, góp phần vào sự hưng thịnh của Phật pháp để đền đáp sự giáo dưỡng của hai bậc Thầy khả kính.

41_07-02-2017

Chuyến thăm viếng cùng những bài học nhân dịp đầu xuân của HT.Thích Viên Giác đã bồi đắp cho tình bạn, tình đạo thêm sâu dầy; thắp sáng những chân lí trong Phật Pháp. Đây thật là một chuyến du xuân ý nghĩa và hữu ích, cần được duy trì lâu dài mãi mãi để sau này, đâu đâu cũng có thật nhiều tình bạn, tình đạo đẹp như vậy được xây dựng, hỗ trợ cho nhau trong mọi công tác Phật sự, trong sự tu hành thì PGVN sẽ phát triển mạnh mẽ, uyển chuyển, đáp ứng trước đòi hỏi mới của thời đại hội nhập./.

Tuệ Đăng

Những hình ảnh ý nghĩa đầu xuân 2017:

3_07-02-2017 4_07-02-2017 5_07-02-2017 6_07-02-2017 8_07-02-2017 10_07-02-2017 12_07-02-2017 13_07-02-2017 14_07-02-2017 16_07-02-2017 17_07-02-2017 18_07-02-2017 19_07-02-2017 20_07-02-2017 21_07-02-2017 22_07-02-2017 22a_07-02-2017 22b_07-02-2017 22c_07-02-2017 23_07-02-2017 24_07-02-2017 25_07-02-2017 26_07-02-2017 32a_07-02-2017 33_07-02-2017 35_07-02-2017 36_07-02-2017 37_07-02-2017 38_07-02-2017 39_07-02-2017 40_07-02-2017 41_07-02-2017 42_07-02-2017 45_07-02-2017 46_07-02-2017 47_07-02-2017 48_07-02-2017 50_07-02-2017 51_07-02-2017

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất