Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễDấu ấn tâm linh tại Đại lễ cầu quốc thái dân an...

Dấu ấn tâm linh tại Đại lễ cầu quốc thái dân an và khai ấn đền Trần tại Thanh Hóa

-

Để tưởng nhớ tri ân công đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các bậc tiền nhân có công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đêm ngày 14, rạng sáng 15 tháng giêng năm Đinh Dậu (tức đêm 10 rạng sáng 11/2/2017), tại đền thờ Trần Hưng Đạo ở làng Thổ Khối, xã Hà Dương, UBND huyện Hà Trung, Ban Quản lý Di tích văn hóa cấp quốc gia Đền Trần xã Hà Dương đã tổ chức lễ cầu quốc thái dân an và lễ khai ấn, phát ấn đầu năm cho người dân và khách thập phương.

a1a_18-02-2017

Buổi lễ mang tầm cỡ quốc gia với nhiều ý nghĩa nhân văn và tâm linh sâu sắc. Thông qua buổi lễ, mọi người hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó, biết nguyện lòng yêu thương và gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Đại lễ đã diễn ra thành công rực rỡ ngoài sự mong đợi của BTC.

Về dự lễ có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ; Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: HT Thích Viên Giác – Ủy Viên Ban Hoằng Pháp T.Ư GHPGVN; TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng đông đảo du khách thập phương và người dân xã Hà Dương, huyện Hà Trung.

Lễ khai ấn Đền Trần, xã Hà Dương huyện Hà Trung được tổ chức trang trọng theo nghi lễ truyền thống với các phần lễ cầu quốc thái dân an, Lễ rước ấn, dâng hương, khai ấn và phát ấn.

Năm nay, Ban tổ chức lễ khai ấn Đền Trần, xã Hà Dương đã chuẩn bị hơn 10.000 lá ấn để phục vụ nhân dân và du khách thập phương đến dự lễ. Lễ khai ấn đền Trần với ý nghĩa lớn lao là cầu cho thiên hạ thái bình, muôn dân bước vào một năm mới mạnh khỏe, hăng say lao động, sản xuất, công tác và học tập. Lễ khai ấn không chỉ mang yếu tố tâm linh, giá trị văn hóa truyền thống mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử. Đây là dịp để nhân dân địa phương và du khách thập phương bày tỏ lòng thành kính tri ân công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

a2a_18-02-2017

Đặc biệt năm nay, Lễ hội khai ấn đền Trần tại Thanh Hóa có sự cố vấn chương trình của TT Thích Chân Quang, nhằm hướng đến một buổi Lễ chuyên nghiệp với giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời, còn có đông đảo phật tử và Chúng thanh niên Phật tử chùa Phật Quang tham gia giúp sức, hỗ trợ cho buổi Lễ. Trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết đó, mọi người tin rằng với bao tấm lòng hoà ái, những lời khấn nguyện thiết tha, chân thành, thương yêu khắp tất cả chúng sinh sẽ động đến Chư Phật, lan toả đi muôn phương.

Đại lễ năm nay được nhiều người đánh giá có nội dung mang tính giáo dục rất cao, từ khâu tổ chức cho đến nội dung chương trình. Ngay tử cổng vào (đường Quốc lộ) thì dọc hai bên đã treo nhiều Banner khẩu hiệu mang tính giáo dục cao như: Chí thành cầu nguyện đất nước hưng long/ Tận dạ ước mong nhân dân hạnh phúc; Quốc Tổ dựng thành non sông gấm vóc/ Anh hùng mở mang bờ cõi xinh tươi; Người trên dưỡng đức yêu dân/ Kẻ dưới tu nhân ái Quốc; … làm cho mọi người đến dự lễ cũng được thấm dần được giá trị nhân văn và truyền thống của dân tộc.

Việc bài trí bàn thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng như lễ đài cũng rất công phu và đẹp mắt đã gây được nhiều thiện cảm khi mọi người đến lễ lạy.

Một điều đặc biệt nữa là năm nay, mọi quan khách, chính quyền cũng như quần chúng nhân dân khi đến dự lễ đều được BTC phục vụ ăn chay miễn phí, với hơn 10 món ăn được bài trí đẹp mắt, thơm ngon tinh khiết làm cho không khí tại đền trở nên thanh tịnh và ấm áp hơn.

Trong công tác tổ chức và hậu cần, đã có hơn 1000 thanh niên Phật tử Phật Quang và 150 thanh niên huyện đoàn Hà Trung công quả vào công tác tổ chức và hậu cần. Các thanh niên được chia vào các ban: Hướng Dẫn, Hành Đường, Bảo Vệ, Tri Khách, Cơ Động,… với những màu áo đồng phục đẹp mắt và làm việc rất chuyên nghiệp và kỉ luật.

a2c_18-02-2017

Buổi lễ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN VÀ CẦU QUỐC THÁI DÂN AN chính thức diễn ra trong không khí thật thiêng liêng, với các nghi thức nghiêm trang, trọng thể. 

Tại buổi Lễ, ông Bùi Ngọc Tấn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đọc diễn văn khai mạc.

Tiếp theo, Ông Đào Xuân Yên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện Hà Trung bước lên Lễ đài đánh trống khai hội.

Sau nghi thức hành chính là nghi thức cầu Quốc thái Dân an do TT Thích Chân Quang làm Chủ Sám.

Lễ cầu Quốc thái Dân an có từ đời Vua chúa. Chúng ta thực hiện nghi lễ này chính là đang nối tiếp truyền thống từ xa xưa. Các vị Vua chúa tin rằng đại lễ này sẽ kết nối được con người với các vị Thần thánh trên cao. Niềm tin này không phải là một sự ngẫu nhiên, mà nó được hình thành từ chính sự trải nghiệm thực tế của các vị ấy. Qua đó giáo dục mọi người về lòng yêu nước, dạy chúng ta biết gắn vận mệnh của đạo pháp với vận mệnh của dân tộc. Người nào có duyên tham gia Đại lễ cầu an này thì tâm hồn họ ngày càng đẹp, lòng thành kính với Tam Bảo được tăng trưởng, đạo tâm được củng cố và lòng yêu nước ngày càng bền vững, phát triển, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ trong thời đại này.

a3b_18-02-2017

Qua đây, chúng ta dâng lên lời ước nguyện, mượn sức mạnh của Thần thánh để cầu mong cho đất nước ta vượt qua tất cả mọi khó khăn, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần tất cả mọi người thành tâm thì sẽ cảm ứng đươc Thần thánh và đất trời bao la. Thông qua đây, mỗi người dân dự lễ sẽ trở thánh một tuyên truyền viên, một người hướng dẫn cho con cháu và những người xung quanh mình, để ai ai cũng biết yêu thương, biết có trách nhiệm với đất nước mình.

– Kính lạy thần uy của Quốc tổ Hùng Vương 18 đời dựng nước.

– Kính lạy thần uy của các vị Vua thánh triết anh minh suốt các triều đại Đinh Lê, Lý, Trần, Lê Nguyễn và Hồ Chí Minh.

– Kính lạy thần uy của các vị quan tướng hiền tài trung nghĩa suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay.

– Kính lạy thần uy của các anh hùng tài giỏi cang cường xã thân vì Nước suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay.

– Chúng con gồm những Tăng Ni Tu sĩ, các Lãnh đạo chính quyền tận tụy, các Phật tử thuần thành, quần chúng nhân dân nhiệt tâm khắp nơi câu hội về đây dâng chút phẩm vật và hương hoa lễ tế lên Mười phương Tam bảo, Chư Phật – Chư Bồ tát – Hiền Thánh Tăng, dâng lên thần uy của Quốc tổ và các hiền tài Thánh quân đã làm nên hồn thiêng của Tổ quốc Việt Nam.

– Chúng con dâng trọn lòng thành cung kính, ngưỡng nguyện trên Tam Bảo và thần uy của Quốc tổ gia hộ cho đất nước này, cho tất cả chúng con trong năm mới có được nhiều thuận duyên, tránh được nhiều tai kiếp, vượt khỏi những chướng ngại, đạt đến những thành công.
– Xin cho những Nông dân bám đất được mùa thu hoạch, Ngư dân bám giữ biển trời Tổ quốc được bình an đi về, những Chiến sĩ ngày đêm canh giữ quê hương lập nên chiến công, những Doanh nhân gặp nhiều thuận lợi để phát triển, ai ai cũng có công ăn việc làm, cũng được học hành tử tế.

– Xin cho người Việt Nam chúng con biết yêu quý nhau, giúp đỡ đoàn kết nhau, tất cả chung tay xây dựng một Việt Nam đàng hoàng giàu đẹp để còn góp sức cho hòa bình của thế giới. 

– Xin cho tất cả chúng sinh đều được giác ngộ cao siêu, thoát được trầm luân sinh tử.

a6b_18-02-2017

Kế đến, trong bài Sám cầu Quốc thái Dân an với những ngôn từ thật cảm xúc, bao hàm ý nghĩa trưởng dưỡng đạo đức tâm linh cho người phật tử khi đến với Lễ đàn cầu nguyện đầu năm và đây còn là cơ hội để mọi người vun đắp, xây dựng, giữ gìn tình yêu nước. Dưới đây là toàn văn bài Sám:

Cúi lạy Phật từ bi tế độ/ Đem đạo mầu giác ngộ chúng sinh

Cùng chư Bồ Tát quang minh/ Độ trì cõi nước thanh bình yên vui

Cúi lạy những Vua Hùng dựng nước/ Mười Tám đời uy đức muôn trùng

Ngày nay con cháu một long/ Mở mang xây dựng non sông phú cường.

Cúi lạy những quốc vương thánh triết/ Trải bao triều đại rất oai hung

Núi sông vang dội chiến công/ Đắp nền văn học, lập dòng văn minh

Cúi lạy những anh linh hào kiệt/ Những hiền tài siêu việt phi thường

Thanh gươm vung giữa sa trường/ Hay ngòi bút nhẹ mở đường bay xa.

Như thế đó nước nhà rạng rỡ/ Bởi thần uy từ thuở xa xưa

Khí thiêng sông núi bây giờ/ Nghìn năm sau nữa tôn thờ ngưỡng trông

Thềm năm mới nỗi lòng khắc khoải/ Đường tương lai lo ngại lắm điều

Những mong đất nước thân yêu/ Bình yên hưng thịnh sớm chiều hoan ca.

Xin gia hộ chốn xa mưa gió/ Người chiến binh mắt tỏ tài cao

Đầu non hay giữa sóng đào/ Giữ gìn trời biển chiến bào tung bay

Xin gia hộ đất cày ruộng xới/ Người nông dân vui với cỏ cây

Trĩu cành hạt trái đong đầy/ Mùa thu hoạch lớn tháng ngày hân hoan.

Xin gia hộ những đoàn thợ giỏi/ Giữa công trường bước vội tay nhanh

Công trình nào cũng hoàn thành/ Quê hương giàu đẹp văn minh nghĩa tình

Xin gia hộ ngư dân bám biển/ Như đoàn quân thẳng tiến khơi xa

Gió mùa êm ả thái hòa/ Bình yên câu hát quê nhà đợi mong.

Xin gia hộ hanh thông may mắn/ Những doanh nhân cố gắng không ngơi

Đầu tư thuận lợi khắp nơi/ Tạo nhiều công việc cho đời ấm no

Xin gia hộ người lo việc nước/ Trách nhiệm làm công chức thanh liêm

Vì dân chẳng quản nhọc phiền/ Công thành danh toại một niềm an vui.

Xin gia hộ phấn rơi trắng xóa/ Thầy trò cùng vất vả siêng năng

Tương lai đất nước vinh quang/ Vì ngày nay có cháu chăm học hành.

Chúng con một lòng thành khấn nguyện/ Tổ quốc này vĩnh viễn huy hoàng

Bởi người tài đức vẹn toàn/ Đêm ngày lãnh đạo lo toan mọi bề.

Trước lịch sử lời thề son sắt/ Tình quê hương xin đặt lên trên

Điều riêng xin gác lại bên/ Để đưa dân tộc vượt lên hùng cường.

Trước Phật đài đầu xuân cúi lạy/ Xin nguyện cầu quốc thái dân an

Nhà nhà gieo được thiện căn/ Nhân lành quả tốt để dành mai sau.

Tình sông núi đồng bào cao đẹp/ Người Việt Nam đoàn kết yêu thương

Phúc lành thêm lớn càng nhiều/ Non sông gấm vóc mọi điều thăng hoa.

Rồi sau nữa nhìn ra thế giới/ Sẽ nói lời từ ái đại đồng

Mối tình nhân loại mênh mông/ Hòa bình hạnh phúc chung lòng đắp xây.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

a5c_18-02-2017

Ấn tượng nhất là nghi thức cúng Quốc Tổ, trước bàn thờ Quốc Tổ, các vị Lãnh đạo cấp cao đã tựu vị niêm hương, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng (tiến trà, tiến tửu, tiến phạn và tiến bỉnh), tức là dâng trà, dâng rượu, dâng cơm, dâng bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc của vị Chủ lễ. Hình ảnh các vị Cán bộ biết lễ lạy Tổ tiên để xin anh linh của các vị Quốc Tổ phù hộ cho Tổ Quốc Việt Nam, khiến cho hàng vạn người nhìn thấy thật sự cảm động. Nghe tiếng chuông tất cả mọi người đều lễ Quốc Tổ với lòng Thành kính nhất, một cảm xúc mãnh liệt mà không thể diễn tả bằng lời. Một lòng biết ơn vô hạn dâng lên đến non sông đất nước, đến bao người anh hùng đã ngã xuống vì non sông đất nước này. Người ta nói hạnh phúc vì có một ai đó để yêu, nhưng sẽ chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi có được những hạnh phúc lớn hơn hướng về đất nước quê hương, và tình yêu nước sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn mình. Chúng ta nghiêng mình trước những anh hùng không tiếc xương máu để tạc dáng non sông, dựng hình đất nước. Qua bao nhiêu thế kỉ, nó đã trở thành mạch nối linh thiêng, kết nối nguồn tâm linh của dân tộc từ xưa đến nay. 

Vì vậy để đổi lại những công ơn to lớn đó, thì suốt đời chúng ta phải sống đầy nghĩa tình, sống để cống hiến dựng xây đất nước Việt Nam văn minh, để nâng đất nước mình lên sánh vai cùng năm châu thế giới. Chúng ta, mỗi người con dân Việt xin nguyện đem hết trái tim này để dâng cho tổ quốc với tình yêu quê hương cháy bỏng trong mình, đem cả cuộc đời mình phụng sự cho đất nước, cho nhân dân. Dù đôi tay ta có thể nhỏ bé, sức lực có thể hạn hẹp nhưng tình yêu nước thì như biển sâu núi thẳm, thiện chí cống hiến cho đất nước thì luôn rực cháy ngời ngời.

a4i_18-02-2017

Buổi lễ đã giúp chúng ta i một lần nữa ghi dấu công ơn to lớn của bao vị vua quan qua bao nhiêu thời đại, đặc biệt là thời Trần. Chúng ta như được thấy hàng vạn con người đang hừng hực khí thế yêu nước, thấy lớp lớp người đang ngày đêm không quản khó nhọc xây dựng non sông này. Chúng ta như còn nghe vọng lại những lời hiên ngang trầm hùng trong “Hịch tướng sĩ”, hay trong “Nam quốc sơn hà”. Chúng ta như còn thấy bóng dáng oai nghiêm lẫm liệt của những vị vua hay tướng tài thuở xưa… Vô số con người ấy đã đi vào lịch sử, để con cháu chúng ta hôm nay và về sau mãi mãi khắc ghi.

Sau nghi thức CẦU QUỐC THÁI DÂN AN, là LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN.

Tất cả mọi người thành kính, trang nghiêm, quỳ trước cửa đền để nghe tuyên đọc bài Văn Tế động cả đất trời., một không khí thiêng liêng bao trùm tất cả:

Giờ linh thần đã điểm, trống pháp hội rền vang, tiết xuân cũng vừa sang, xin khấu đầu bái kính (1 tiếng trống)
Thỉnh chư thánh giáng lâm, chứng minh tấm lòng thành, của con dân nước Việt, muôn đời vọng đức thiêng (1 tiếng trống)
Từ thuở các vua Hùng, lập nên nước Văn Lang, hào khí còn ngập tràn, nước non này bền vững (1 tiếng trống)
Trải qua bao triều đại, những vị vua anh minh, những danh tướng anh hùng, những công thần lỗi lạc (1 tiếng trống)
Biết bao giọt mồ hôi, máu đào và nước mắt, đổ xuống cho quê hương, bước lên cùng thế giới (1 tiếng trống)
Nay Trần Triều Thánh Lệnh, khai ấn giữa đêm xuân, ban thần lực nhiệm mầu, độ chúng dân an lạc (1 tiếng trống)
Hỡi những người dân Việt, hãy mở tấm lòng son, yêu đất nước nồng nàn, nắm tay nhau đoàn kết (1 tiếng trống)
Chỉ những người trung hiếu, biết phụng sự cho đời, lòng tận tụy không vơi, mới xứng lên nhận ấn (1 tiếng trống)
Ấn này mang thần lực, của thánh vương Trần Triều, ban cho kẻ thiện nhân, được nhiều ân phúc lớn (1 tiếng trống)
Ai cúi đầu nhận ấn, phải đem hết sức mình, gìn giữ và dựng xây, cho quê hương giàu đẹp (1 tiếng trống)
Ai cúi đầu nhận ấn, phải giữ đạo thánh hiền, biết tu dưỡng nội tâm, đi trên đường chính thiện (1 tiếng trống)
Lòng tận trung báo quốc, tử tế với đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ nhau, cùng ấm no hạnh phúc (1 tiếng trống)
Nhà có Thánh Lệnh này, điều họa sẽ tránh xa, điều lành sẽ đem đến, nếu lòng biết chí thành (1 hồi trống)
Những chiếc ấn đầu tiên được khai bởi những vị tôn túc đạo cao đức trọng và những vị lãnh đạo chính quyền tận tụy vì dân vì nước, ngưỡng mong sao: Chí thành cầu nguyện đất nước hưng long / Tận dạ ước mong nhân dân hạnh phúc

a4e_18-02-2017

Một điều đặc biệt là mặc dù đại lễ năm nay số lượng người dân đổ về rất đông (hơn 10.000 người) nhưng không có sự chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau, dòng người đi trong trật tự, nề nếp thể hiện được tính văn hóa cao của người dân trong thời đại mới. Mọi người xếp hàng lấy ấn từ tay bí thư và chủ tịch huyện phát nên ai nấy đều vô cùng hoan hỉ, vui mừng.

Buổi lễ kết thúc lúc 1h30 sáng, khuôn mặt ai nấy cũng đều toát lên niềm hạnh phúc tràn đầy và nụ cười rạng rỡ. Mọi người ra về trong sự tri ân, tưởng nhớ về các vị anh hùng đã có công với đất nước. Những lời văn tế Khai Ấn vẫn vang văng vẳng trong tâm trí mỗi người đầy hào khí vang rền như lời nhắc cho tất cả các thế hệ chúng con sau này phải sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh không thể đong đếm của các thế hệ cha ông.

a13_18-02-2017

Một buổi lễ thật giàu cảm xúc với những cung bậc tình cảm: thiêng liêng, ấm ấp, tự hào, xúc động…. những nụ cười rạng rỡ, tình thương yêu, và có cả những giọt nước mắt của hạnh phúc, hạnh phúc vì một buổi lễ đã thành công viên mãn nhờ cách tổ chức rất trí tuệ khoa học, hạnh phúc vì được làm việc trong tình thương yêu, và hạnh phúc khi thấy mọi người hạnh phúc…

CHÁNH GIỚI

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất