Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễĐêm giao thừa thiêng liêng tại thiền tôn Phật Quang

Đêm giao thừa thiêng liêng tại thiền tôn Phật Quang

-

Mùa xuân là mùa biểu tượng của sự hạnh phúc, an lạc. Vào những ngày đầu xuân Đinh Dậu (2017), ai nấy đều phấn khởi đi lễ chùa đầu năm, để được gửi gắm những lời cầu nguyện cho một năm mới nhiều điều may mắn, an lành. Nơi Thiền Tôn Phật Quang (Ấp Chu Hải – xã Tân Hải – huyện Tân Thành – BRVT), không khí vui xuân cũng chan hòa theo cảnh sắc thiêng liêng của đất trời và con người. Bắt đầu đêm giao thừa cho đến ngày mùng 6 tết, dòng người từ mọi miền đất nước cứ đổ về như trẩy hội. Lượng người viếng chùa lễ phật đầu năm mỗi ngày dao động từ 2000 – 10000 người.

a18_01-02-2017

Vào thời khắc giao thừa – tiễn một năm cũ, đón chào một năm mới bao giờ cũng đem lại cho mỗi người những cảm xúc thật khó tả. Tuy chùa cách xa phố thị, sự tiện nghi không có. Ngoài việc đối tiếp chu đáo, ân cần từ nhà chùa dành cho phật tử thì khi đến đây mọi người còn được chư Tăng hướng dẫn tu tập tâm linh, đạo đức, phát triển đời sống giải thoát thông qua việc tiếp nhận đạo lý, tu tập thiền định, rồi được giải trí bởi cảnh quan thiên nhiên tĩnh mịch và khí hậu mát lành, lòng người như tĩnh lặng trước mọi thế sự thăng trầm của cuộc sống. Có lẽ thế mà phật tử họ gắn bó với ngôi chùa hơn.

Có những phật tử ở nơi rất xa nhưng đến ngày 30 tết lại khăn gói về chùa chờ đón giao thừa. Đặc biệt hơn lớp thanh niên đáng lẽ vào những ngày xuân là dịp để các em vui chơi thỏa thích với nhiều điểm đến độc đáo nhưng các em lại chọn ăn tết tại chùa. Điều này chứng tỏ các em còn trẻ, mới đi vào cuộc sống đạo nhưng thiện căn rất vững chãi. Và cũng có rất nhiều người sau khi cúng giao thừa ờ nhà thì liền lên xe tiến thẳng về chùa để lễ Phật, chúc tết Thầy, đồng thời cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc, may mắn.

a36_01-02-2017

Như thông lệ, chiều ngày 30 tết, có hàng ngàn phật tử về chùa đón giao thừa. Dịp này, Thượng tọa Trụ trì đã thuyết một bài Pháp thoại có chủ đề “NỖI LO”. Nơi Thiền Tôn Phật Quang tuy hòa vui với đất trời vạn vật trong những ngày đầu xuân, nhưng vẫn chú trọng khía cạnh sinh hoạt đạo lý, xem như là món quà xuân với ước nguyện “Mong mọi người, một năm mới được tràn đầy hỷ lạc trong giáo Pháp của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni:

Thường khi hết một năm, xuân đến làm hoa nở, chim hót, vạn vật hồi sinh thì con người cũng thêm hi vọng về tương lai, muốn có một khởi đầu vui vẻ. Nên vào ngày tết, ai cũng muốn không khí phải tươi vui, để mọi người được bắt đầu một năm mới với tất cả sự vui vẻ, xem như đó là sức mạnh, là động lực để bước vào một năm mới.

Theo Thượng tọa, trước khi đón tết, ta cần dọn dẹp mọi phiền phức trong trong đời sống để không có gì phải buồn. Khi không còn gì để buồn nữa thì ta mới tạo ra niềm vui cho mình và cho mọi người.

Để tạo niềm vui cho mọi người thì trước hết chính ta phải hết sức thanh thản, yên vui. Sau đó, tích cực hơn, ta bày tỏ sự thương yêu với nhau. Bởi trên cuộc đời này không có gì hạnh phúc hơn việc được yêu thương và có người để mình thương lại.

a43_01-02-2017

Thiết nghĩ, hôm nay, vào thời khắc giao thừa này, tại sao ta chấp nhận khước từ nhiều tình cảm, niềm vui, hạnh phúc của thế gian để lên chùa đón xuân? Vì ta muốn tìm niềm vui, tình thương yêu trong đạo. Hạnh phúc đó chân thật, bền vững, thanh thoát cao cả hơn. Tình thương đó đậm đà, thiêng liêng hơn mọi tình cảm của thế gian. Mà cái tình đạo này từ đâu mà có? Đó là từ Đức Phật.

“Phật ngồi không nói lặng im

Mà như vang động ba nghìn thế gian”

Thật ra, chúng ta chỉ biết Phật qua những câu kinh, những chuyện kể, truyện tích để lại, và quan trọng là qua mạch sống tâm linh Phật truyền xuống bao nhiêu chư Tổ, truyền xuống cho bao lớp Tăng Ni. Tức là tình thương của Phật đối với chúng sinh thì tràn ngập, nhưng không hình không tướng. Và tình thương đó phải được thể hiện ra nơi đời sống của chư Tăng Ni, và nơi những phật tử đã lâu năm. Trong trái tim những người đó phải hiện diện lòng từ bi yêu thương mà Đức Phật đã truyền lại.

Ta thương yêu chúng sinh, thương yêu lẫn nhau… Cái tình đạo đó gắn kết bởi những con người không hề có mối quan hệ huyết thống ruột thịt. Từ đó, ta tin rằng cái gọi là lòng từ bi không điều kiện, cao cả, thù thắng không biên giới đó là có thật. Đó là lý do mà ta dám từ bỏ những mối quan hệ, những tình cảm yêu thương của thế gian để về đây với nhau. Đây là cả quá trình tu tập, trải nghiệm chứ không đơn giản là niềm tin suông.

a45_01-02-2017

Tuy nhiên, mọi người càng tin chừng nào thì Thượng tọa càng lo chừng ấy. Theo Người, sống trên đời, ta nhận ra dòng luân chuyển của xuân – hạ – thu – đông, của thời tiết. Nó cứ lặp lại rất giống với dòng sanh tử luân hồi nhưng thật ra lại khác xa nhau. Vì mỗi mùa xuân – hạ – thu – đông, mỗi năm qua đi rồi chúng ta vẫn còn nhớ, còn việc sinh tử luân hồi khi đã tắt rồi thì ta quên hết, bỏ lại tất cả ngay.

Và trong vòng quay của năm tháng ta thường chủ quan. Ta thấy mình vẫn còn tất cả, vẫn căn nhà đó, vẫn sự nghiệp đó, vẫn những người yêu thương đó… Cho nên ta cứ đi tiếp, không có gì lo lắng. Còn với vòng quay của sinh tử luân hồi, Phật buộc ta không được chủ quan mà phải đối diện với nó.

Thường ít ai dám đối diện với vòng quay này. Người ta thường tránh né, không bao giờ dám nghĩ đến ngày chết. Tuy nhiên, Phật buộc chúng ta phải đối diện. Cụ thể là đối diện với cái chết từng ngày, từng giờ. Trong đời sống, trong lúc tọa Thiền, chúng ta phải thấy rõ sự vô thường, tan hoại của thân xác. Và khi đối diện với nó rồi ta mới có một cuộc chuẩn bị lớn lao hơn. Ta không chỉ lo chuẩn bị cho một năm mới như bao lâu nay nữa, mà ta phải biết chuẩn bị cho cả một kiếp mới. Vấn đề này lớn lao hơn nhiều.

Và để chuẩn bị cho một kiếp mới, ta phải hiểu rất nhiều đạo lý. Trong đó có một đạo lý cốt lõi quan trọng là Luật Nhân Quả. Hãy dựa vào đó để chuẩn bị cho một kiếp mới.

Có những người chuẩn bị rất tốt. Họ cố gắng chắt chiu, chắt mót từng chút để lo làm phước. Làm phước trong từng câu nói, từng đồng tiền cực khổ mình kiếm được, hoặc trong thời đại hôm nay là làm phước trong từng dòng bình luận, từng nút like trên mạng xã hội (Ví dụ thấy một bài viết hay, ta like hoặc cho một dòng bình luận để tăng thêm sức mạnh của bài viết đó. Đây cũng là một khẩu nghiệp tốt, là chánh ngữ).

Và những người luôn day dứt, khát khao, chắt chiu tranh thủ làm phước từng chút như vậy, đó là những người sẽ bay lên, vượt lên, không thể nào khổ được.

a42_01-02-2017

Khát khao làm phước là tiêu chí để đánh giá một người biết tu hay không, chân bước vững trên con đường đạo chưa. Đó là bước thứ nhất. Bước thứ hai là “Tránh lỗi lầm”. Bước này khó hơn làm phước một bậc. Bởi dù cho ta đã hiểu đạo rồi, đã làm phước được rồi thì lầm lỗi vẫn luôn luôn tồn tại bên cạnh mình. Ai lúc nào cũng cẩn thận canh phòng, nhìn lại mình, quan sát rất kĩ trong tâm mình, đó là người đang ở bước thứ hai rất cao.

Và trong những điều gọi là đạo đức, sự tinh tế của một người con Phật, có một tâm lý gọi là “nỗi lo”. Nhiều người nghĩ rằng tu theo đạo Phật phải vô ưu bất cần, không lo gì hết. Nhưng thật ra, người tu đúng là người “đại ưu” – lo rất nhiều, lo những điều sâu xa, lo cái mà người khác chưa lo đến.

Chẳng hạn, khi thấy mọi người yêu thương, hướng tâm, đặt niềm tin kính nơi mình, thật ra lòng Thầy trĩu nặng ưu tư. Thầy lo từ đây đến cuối đời mình “Có đền đáp được tấm lòng của phật tử hay không?” – đó là câu hỏi ray rức cả một đời thầy. Rồi Thầy lo không biết phước của mình đến đâu, đức của mình đến mức độ nào, có xứng đáng cho mọi người đặt niềm tin yêu hay không? Và lo rằng khi một người đặt niềm tin kính với Thầy thì trong nhân quả, họ có được phước hay không? Đây mới là điều quan trọng. Bởi khi đặt niềm tin kính nơi một con người tầm thường, chúng ta sẽ không được bao nhiêu phước.

Hoặc khi nhìn vào những đệ tử xuất gia của mình, Thầy cũng lo không biết việc dạy dỗ, nuôi dưỡng của mình có khiến cho đệ tử sau này đắc đạo hay không, có trở thành bậc Thầy tiếp tục đem mạng mạch Phật pháp giáo hóa chúng sinh hay không? Đó cũng là nỗi lo rất lớn của Thầy.

a40_01-02-2017

Và còn một nỗi lo khủng khiếp hơn nữa. Khi xuất hiện trên cuộc đời này rồi phát tâm tu tập, giáo hóa độ sinh thì Thầy được sự dõi trông, gia hộ của chư Phật, chư Bồ tát, chư Thiên, Thánh Thần. Mà cái ân nghĩa này mới là khủng khiếp. Thầy lo mình có xứng đáng, có đền đáp được hay không?

Như vậy, trên là chư Phật, chư Bồ tát, chư Thiên, và gần hơn là những đệ tử xuất gia, rồi bao nhiêu phật tử… Những ân nghĩa đó đè nặng trong cuộc đời, trong tâm hồn của Thầy, và trở thành nỗi lo lớn lắm chứ không đơn giản. Nói về điều này, Thầy vừa chia sẻ với phật tử mà vừa mong rằng tất cả những người ngồi đây đều có nỗi lo giống như vậy. Chúng ta ai cũng nhận quá nhiều ân nghĩa, đã bao giờ ta tự hỏi là mình có đền đáp được xứng đáng hay không?

Trái tim mọi người phải có nỗi lo như vậy, ta lo ta đáp đền không được lòng từ bi yêu thương của chư Phật, lo không đáp đền được những ân nghĩa của bao nhiêu người chung quanh đã kì vọng nơi mình, lo không đáp đền được tình yêu của sông núi của đất trời, của cuộc đời. Trên đời, một cánh hoa rơi, một chiếc lá vàng rơi không phải là sự ngẫu nhiên, vô tình, cũng không phải là sự tàn tạ rồi biến mất. Chiếc lá vàng rơi cũng là một cái đẹp, một quà tặng của đất trời, một bài học gì đó cho chúng ta, không có gì vô nghĩa cả.

Rồi sống trên một đất nước với một bề dày lịch sử của tổ tiên để lại, ta đã thừa hưởng quá nhiều ân nghĩa của tổ tiên, liệu ta có đáp đền được hay không?

a48_01-02-2017

Hoặc khi ta bình yên hưởng ngày tết trong đạo lý thiêng liêng này, bao nhiêu người vẫn phải mở căng mắt nhìn xuyên màn đêm để bảo vệ đất trời sông núi này, chúng ta có đền đáp được ân nghĩa đó hay không? Cuộc sống vốn là đánh đổi như vậy. Ta hưởng niềm vui thì cái bận để dành cho người khác. Những lúc ta thanh thản tu hành thì chắc chắn ở một nơi nào đó đang có những con người cực khổ. Chúng ta có hiểu được điều đó không, và suốt cuộc đời còn lại, sự tu hành, công đức, sự phụng sự cống hiến, đạo đức của chúng ta có đủ đền đáp được vô số ân tình trong cuộc đời này hay không?

Đó là những câu hỏi luôn đè nặng trong lòng Thầy vào thời khắc giao thừa thiêng liêng này, và Thầy cũng xin gửi vào lòng mọi người ở đây.

Tiếp theo, Thượng tọa khẳng định chùa Phật Quang là chùa đại ưu chứ không phải vô ưu. Đây là ngôi chùa của những nỗi lo, của những con người biết lo trước cái lo của thời đại, lo điều mà người khác chưa lo được.

Và bài Pháp thoại được Thượng tọa đúc kết bằng bài thơ:

Dù cho cố gắng cả đời

Cũng không đền đáp một trời yêu thương

Mái chùa bóng mát quê hương

Cho con vững bước trên đường tương lai

Chắp tay dâng ước nguyện dài

Chung xây thế giới ngày mai rạng ngời.

a47_01-02-2017

 

Tóm lại, bài Pháp thoại đã giúp cho các phật tử có đủ đạo lý để tu, có đủ tỉnh thức để biết đúng sai, có đủ tâm rộng lớn để yêu thương mọi chúng sinh, có đủ kiên nhẫn và trí tuệ để tu tập đi đến giác ngộ.

Người mãi là điểm tựa cho chúng ta dựa vào và cố gắng tu. Chúng ta cần học và nhớ suốt đời những đạo lý Phật dạy; Thầy dạy, dù rằng cả đời chúng ta cũng chưa thực hành hết những điều này, nhưng hãy cố gắng từng bước gieo nhân lành, cố gắng từng ngày, từng giờ vượt lên chính mình dù chỉ là từng bước nhỏ … Và rồi có một ngày, hàng nghìn ánh mặt trời sẽ bừng sáng trong chúng ta./.

Tuệ Đăng

Những hình ảnh ngày 30 tại thiền tôn Phật Quang:

a0_01-02-2017 a1_01-02-2017 a2_01-02-2017 a3_01-02-2017 a5_01-02-2017 a7_01-02-2017 a9_01-02-2017 a11_01-02-2017 a12_01-02-2017 a13_01-02-2017 a14_01-02-2017 a15_01-02-2017 a16_01-02-2017 a17_01-02-2017 a18_01-02-2017 a20_01-02-2017 a21_01-02-2017 a22_01-02-2017 a23_01-02-2017 a24_01-02-2017 a25_01-02-2017 a26_01-02-2017 a27_01-02-2017 a28_01-02-2017 a29_01-02-2017 a30_01-02-2017 a31_01-02-2017 a33_01-02-2017 a34_01-02-2017 a35_01-02-2017 a36_01-02-2017 a37_01-02-2017 a38_01-02-2017 a39_01-02-2017 a40_01-02-2017 a42_01-02-2017 a43_01-02-2017 a44_01-02-2017 a45_01-02-2017 a46_01-02-2017 a47_01-02-2017 a48_01-02-2017 a49_01-02-2017 a50_01-02-2017

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất