Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Giáo dục theo Phật giáo

-

 Giáo dục Phật giáo là dạy người có trí tuệ, có năng lực, có đạo đức, có sức khỏe để cứu người và giúp đời.

Giáo dục của Đức Phật rất đa dạng, nhưng người chấp mặt này, người chấp mặt khác, từ đó mới nói rằng Phật dạy như vầy thì phải làm như vầy mới đúng. Điều sai lầm này được kinh Phật ví như người mù rờ voi. Muốn hiểu lời Phật dạy phải có cái nhìn toàn thể mới thấy toàn diện đúng đắn; nếu chỉ căn cứ vào một điều gì của Phật dạy thì chỉ đúng một phần tương ưng với khía cạnh nào đó, thích hợp với hoàn cảnh hay thời kỳ nào đó, quốc độ nào đó mà thôi.

Thể hiện tinh thần này, Phật dạy rằng chân lý chỉ có một, nhưng phương tiện thì có nhiều vô số. Hiểu đúng như vậy, chúng ta không nên chấp vào phương tiện. Nói rõ hơn, tất cả pháp Phật đều là phương tiện. Cho nên chúng ta thấy Phật dạy Tỳ-kheo khác với lời dạy mà Phật dành cho vua chúa, hoặc Phật dạy hàng trưởng giả khác với dạy thanh niên…

Vì vậy, không có pháp nào giống với pháp nào và trở về kinh Pháp hoa có chín thí dụ nói về những cái khác nhau. Trong chín thí dụ đó, thầy đọc Phạn bản có những thí dụ mà bản chữ Hán không có. Trong bản chữ Hán chỉ có dụ ba cỏ hai cây nói về các pháp sai biệt, tức đối với năm hạng người ở thế gian mà Phật nói pháp khác nhau. Hàng Bồ-tát là người mang chí lớn tiến đến quả vị Toàn giác và phát đại bi tâm cứu độ muôn loài chúng sanh, nên được ví như là cây lớn. 

Những người chỉ nghĩ đến giải thoát cho riêng mình, kinh Pháp hoa xếp họ vào ba loại cỏ. Hàng Bồ-tát nhân gian ví cho loại cỏ chỉ cao khoảng một thước. Cỏ bậc trung cao độ năm tấc chỉ cho Duyên giác và cỏ ở sát mặt đất lên độ năm phân chỉ cho Thanh văn. Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đều đi đến giải thoát. Hàng tam thừa giáo này chỉ dắt người ra khỏi sanh tử lục đạo luân hồi và ra khỏi sanh tử rồi, còn những việc khác nữa được kinh ví như là cây nhỏ và cây lớn thì hàng tam thừa nói trên chưa làm được.

Cây nhỏ ví cho Bồ-tát mười phương mà chúng ta không thấy, nhưng rất quan trọng. Bình thường, sống trên cuộc đời này, mọi người cứ nghĩ rằng do mình giỏi, có tài, có tiền, mới làm được nhiều việc. Hoặc các Phật tử thấy thầy làm được nhiều việc, trong đó có việc xây dựng Học viện này. Tuy nhiên thầy có cái nhìn khác, thầy và quý thầy khác cùng xây dựng Học viện, nhưng thực chất sự đóng góp này có thể nói còn hạn chế; vì nếu nghĩ xa hơn, mọi việc khó mà thành tựu được là nhờ ơn trên. Tu Pháp hoa gọi là nhờ Phật hộ niệm. Nhờ Phật hộ niệm, thầy mới làm được, không phải thầy giỏi hơn thầy khác.

Chúng ta tu như thế nào để được Phật hộ niệm, tu hành hơn nhau ở điểm đó. Thật vậy, thực tế cho thấy có người giỏi làm được một lúc, rồi không làm được nữa. Tại sao Thượng đế lúc giúp lúc không, hay tại sao Phật không hộ niệm cho mình nữa. Vì khi ta phát đại tâm, đại nguyện đồng với Phật, nên Phật mới hộ niệm. Thông thường khi ở vào hoàn cảnh khó khăn, mình nhờ đến thế lực siêu hình trợ giúp, nhưng làm được rồi, lại nghĩ là mình giỏi, nên làm được; nghĩa là tâm mình đã thay đổi, nên không được hộ niệm nữa.

Tu Pháp hoa, điều quan trọng là phải được Phật hộ niệm. Nhưng chúng ta làm trái với lời Phật dạy, Phật không hộ niệm, chúng ta mới sử dụng khôn ngoan, thủ đoạn, tính toán, tức trở về con người thường thì có người giỏi hơn, khôn hơn, mình phải thua.

Thầy tin tưởng làm việc đúng với nguyện của Phật, Bồ-tát, chắc chắn sẽ được các Ngài gia bị. Vì vậy, thầy thường nói việc xây dựng ngôi trường này mà thầy làm được vì Phật cũng muốn chúng ta mở trường để dạy người sống theo Phật, Phật cũng muốn xây dựng thế giới này thành Cực lạc. Muốn của ta và nguyện của Phật giống nhau, nên Ngài hộ niệm.

Trở về thực tế cuộc sống, ý muốn của thầy là đào tạo Tăng tài, cho nên các Phật tử ở xa, nhưng cũng muốn Phật pháp phát triển, nên họ phát tâm cúng dường. Họ ở nước ngoài cũng tha thiết với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, mới để dành tiền cho mình xây dựng. Chúng ta làm đúng thì họ ủng hộ. Vì vậy, thấy người xung quanh hướng về mình thì biết hạnh của mình được đa số ủng  hộ, đương nhiên thế giới vô hình cũng hộ niệm. Khi ta lo cho đất nước, được ông bà tổ tiên ủng hộ; ta lo cho Phật pháp thì Phật hộ niệm. Việc làm của ta đồng với ý muốn của thành phần nào, thành phần đó ủng hộ. Việc của chúng ta tốt sẽ được thế lực tốt ủng hộ. Nếu việc của ta đồng với ác ma, tất nhiên sẽ được ác ma hỗ trợ, nên vẫn thành công. Và khi thế lực xấu nhiều sẽ chuyển đổi thế giới này thành địa ngục. Người tốt nhiều hơn thì ở nơi đây trở thành thiên đường, hay Cực lạc.

Đức Phật thuyết pháp cho loài người nghe khác với pháp của Phật nói cho Bồ-tát, hay chư Thiên. Kinh Nguyên thủy ghi rằng ban đêm Phật thuyết pháp cho chư Thiên nghe, ban ngày, Phật thuyết cho con người nghe. Và Phật thuyết trong Thiền định cho các Bồ-tát trụ định. Bồ-tát không nhập tam ma địa không nghe được pháp vô ngôn.

Phải nhìn một cách toàn diện, chúng ta mới thấy được giáo pháp của Phật và phải tới thời Pháp hoa, người ta mới thấy toàn diện. Nghĩa là trước khi Phật nói Pháp hoa, Ngài nói kinh Vô lượng nghĩa. Kinh Vô lượng nghĩa là gì. Đương nhiên kinh Vô lượng nghĩa có ba phẩm, nhưng nhìn xa, phải hiểu kinh Vô lượng nghĩa là tất cả các kinh. Từ ý này, nếu chúng ta đọc kinh Duy Ma thấy rằng Duy Ma không phải là con người thực, nhưng là người từ thế giới Vô động hiện ra, tức Bồ-tát này trụ định, không nghe ngôn ngữ, nhưng nghe bằng Thiền định, bằng tâm.

Nghe pháp  bằng tai và thâm nhập vào tâm là Thanh văn thừa. Còn người nghe pháp, nhưng pháp không đi vào tâm là hàng phàm phu loạn động. Vì vậy, mỗi khi thuyết pháp, Phật thường dạy rằng các ông nên lóng nghe, nghĩa là chú ý nghe thì pháp mới thâm nhập vào tâm được; nói cách khác, nghe và truyền vô ký ức giữ lại là nghe và suy nghĩ, rồi thực tập có tiến bộ. Nghe pháp như vậy, họ chứng được quả Tu-đà-hoàn là vào thế giới Phật mới nghe pháp được. Hòa thượng Thanh Từ gọi là vào cửa chùa, tức vào được dòng Thiền. Người nghe pháp đúng đắn như vậy, chỉ nghe Tứ niệm xứ quán đã chứng được Tu-đà-hoàn, đạt được giải thoát.

Chứng Tu-đà-hoàn là gì. Người nghe giáo pháp Phật, biết được tất cả mọi việc thành bại trên cuộc đời này đều do phước đức quyết định. Vì vậy, việc tu hành của chúng ta là cố gắng tạo phước đức, không thể dùng thủ đoạn, khôn ngoan. Quán sát kỹ thực tế cuộc sống, thấy được biết bao người khôn ngoan phải chết vì khôn ngoan; chỉ có phước đức mới cứu chúng ta được. Người có phước đức lớn thì làm được việc lớn. Người mà phước đức nhỏ chỉ làm được việc nhỏ. Ý thức như vậy, người tu Đại thừa lo vun trồng cội phúc.

Đầu tiên Phật nói Tứ niệm xứ quán để chúng ta thực tập sẽ đạt được pháp Không. Kinh Pháp hoa gọi là ra đến bãi đất trống, tức không kẹt tham vọng. Vì vậy, cắt tham vọng là được giải thoát ngay, ta không bị xã hội chi phối. Khi đi tu, thầy thí nghiệm pháp này, bỏ ham muốn là thực chất xuất gia. Người xuất gia không giải thoát vì mặc áo giải thoát nhưng tâm hồn không giải thoát. Hoặc không mặc áo giải thoát, nhưng tâm hồn giải thoát là hành giả Đại thừa. Mặc áo giải thoát và được giải thoát là nhị thừa Thanh văn. Người tu Thanh văn buông bỏ tất cả, đi khất thực, không nghĩ gì, có gì ăn đó, họ được giải thoát. Còn cố chấp sẽ bị xã hội ràng buộc. Xã hội ràng buộc là gì. Người có chức có quyền thì bị chức quyền ràng buộc. Thầy quen người giàu, quyền thế nói rằng con không có thì giờ ăn ngủ, vì tâm họ bị ràng buộc quá nặng. Con theo thầy mười lăm năm, nhưng không có thì giờ lên y, vì suốt đời mắc lo làm kiếm tiền.

Trái lại, một Phật tử khác thưa rằng con lớn rồi, không làm nữa, lo tu. Con nguyện sau khi chết, số tiền con dành dụm chia hai, một phần giúp người nghèo, một phần cúng dường xây Học viện. Nhờ thầy giúp con làm như vậy. Bà này nhỏ tuổi hơn thầy mà đã nghĩ đến cái chết là hiểu đạo, không bon chen, giành giựt, Chủ nhật đi chùa nghe pháp, tu hành và có tiền lo cho người khác. Có tâm và việc làm như thế, chắc chắn được Phật hộ niệm, nên bà không bệnh và không chết sớm, sống để làm những gì Phật dạy.

Thuở nhỏ thầy tu cũng nhờ thầy bói nói thầy không thể sống tới ba mươi tuổi. Thầy nghĩ rằng học làm chi rồi cũng chết, uổng, nên thầy đi tu từ năm mười hai tuổi, thầy thường vô chùa chơi và nghe pháp mới phát tâm tu. Thầy nghĩ rằng ba mươi tuổi mà chưa chết là nhờ phát tâm Đại thừa độ tận chúng sanh, nên Phật nuôi giữ mình lại để làm việc cho Phật. Lúc còn nhỏ, thầy bị bệnh tim bẩm sinh, chờ chết. Nhưng thầy tu được Phật hộ niệm, tim trở lại bình thường. Chỉ có Phật cứu mới sống được. Thật vậy, nhịp tim thầy luôn đập trên 100, chắc chắn phải chết. Nhưng nay gần tám mươi tuổi, khi Thiền, nhịp tim thầy còn 60. Khi thầy làm việc thì nhịp tim tăng lên 70. Vì vậy, thầy có niềm tin ở Phật hộ niệm một cách sâu sắc.

Qua kinh Pháp hoa, Phật dạy chúng ta tu thực phải có kết quả, căn bản nhất là phải được quả Dự lưu là giải thoát. Lịch sử ghi rằng Xá Lợi Phất vừa trông thấy Tỳ-kheo Mã Thắng, ông đã chứng Dự lưu. Hoặc Phật thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn, vua nghe xong liền chứng Dự lưu. Và Mục Kiền Liên thuyết pháp cho vua Tần Bà Sa La bị giam trong ngục, ông cũng chứng Dự lưu. Trên bước dường tu, thầy thường suy nghĩ về quả Dự lưu. Nghe pháp, rửa sạch lòng trần là đắc quả Dự lưu liền, nghĩa là chỉ buông bỏ, liền được giải thoát. Nếu chấp thì người đời hay người tu đều khổ. Phật bảo buông bỏ cái chấp sẽ được giải thoát ngay.

Một người bạn của thầy, năm 1975 đến rủ thầy trốn ra nước ngoài để giữ đạo, nhưng thầy không đi, vì việc giữ đạo của thầy khác với thầy kia. Người bạn này nói rằng ôm kinh đi để sau này Việt Nam không còn kinh. Nhưng hai mươi năm sau, ông trở về nước, đến thăm thầy và nói dễ thương rằng thầy ở lại làm được nhiều việc hơn, vì thầy làm Trưởng ban Hoằng pháp đi giảng kinh từ Cà Mau đến Móng Cái. Trong khi thầy kia ra nước ngoài nghĩ rằng giữ đạo, cố gắng tối đa mới mua được một căn hộ trả góp 25 năm. Mỗi tháng lo tiền trả nợ, lo hết vía, vì không có tiền trả thì bị tịch thu nhà. Thầy nói Phật dạy buông bỏ, sao không buông mà ôm chi cho khổ. Ôm chùa, hay ôm nợ; ôm nợ thì còn khác nữa.

Thầy lãnh trách nhiệm xây dựng Học viện và Việt Nam Quốc Tự, nhưng tất cả những việc này, thầy vẫn buông. Vì thầy làm theo sự hộ niệm của Phật, tức làm theo nhân duyên hòa hợp. Nhân duyên hòa hợp thì có, nhân duyên tan thì  mất. Mọi việc ở thế giới này đều như vậy, hội đủ duyên, việc hình thành, duyên tan thì mất. Không phải xây Học viện để trường tồn tại một trăm năm. Làm được bây giờ thì làm, sau này thì khác. Bây giờ làm đạo được, vì chính quyền ủng hộ, cấp đất, cấp giấy phép và Phật tử hỗ trợ cúng dường. Nếu sau này, chính quyền phá đạo, chắc chắn chùa không còn. Điển hình là Đại học Nalanda có đến mười ngàn Tăng sinh mà trở thành tro bụi một cách dễ dàng. Chúng ta không chấp, phước đức đầy đủ, ngôi trường hình thành, nhân duyên hết, nó tan hoại. Tự chấp vào cái này sẽ khiến chúng ta khổ. Buông thì đắc liền quả Tu-đà-hoàn, được giải thoát.

Xá Lợi Phất trước khi theo Phật, ngài khổ sở vì là đại luận sư luôn nghĩ đến hơn thua tranh  biện với người khác. Hôm nay thắng, nhưng mai sợ thua, nên khổ. Thấy Mã Thắng tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát, ngài cũng bắt chước buông bỏ, liền chứng quả giải thoát. Tu hành, việc quan trọng Phật dạy là giải thoát, biết thì giải thoát, không biết để cho việc ràng buộc.

Phật tử học đạo giải thoát là tập buông, tức bỏ những gì không giữ được. Ban đầu, Phật dạy bỏ hết, nhưng giữ được phước đức thì có đầy đủ, như chư Thiên ở đâu có lầu các ở đó. Phước đức của họ là gì. Đức là được mọi người quý trọng. Hòa thượng Pháp Lan lúc sanh tiền, ngài dạy rằng trong việc trị nước chăn dân, bất trị dân tùng, vua có đức không cần dùng hình phạt nhưng người theo. Điều này chỉ cho vua đời Lý từ Lý Thái Tổ đốt gông cùm xiềng xích, cho đến Lý Thánh Tông lo cho dân cơm áo đầy đủ, đó là lấy đức trị dân tạo thành thời kỳ thái bình nhất. Trái lại, thời Lê Long Đỉnh chủ trương dùng hình phạt độc ác như ném tội nhân xuống sông, hay ném vô chuồng cọp, nhưng xã hội luôn bất an. Ông vua này được hưởng phước của ông cha từ vua Lê Đại Hành có công với đất nước, nhưng Lê Long Đỉnh đã giết anh là Lê Trung Tôn để lên làm vua và ai tỏ ý nghi ngờ, ông đều giết. Làm những việc thất đức như vậy, ông phải chết sớm.

Phật tử tu hành xây dựng đức hạnh cho mình. Đức do hạnh mà có. Hạnh do mình làm, không phải tự nhiên có. Người được kính trọng vì đã làm việc tốt cho người khác. Đức phát xuất từ hạnh xuất gia hay tại gia và trong đó, hạnh vị tha sẽ chuyển biến thành đức. Thí dụ khi thầy ở Nhật, vào ngày nghỉ Chủ nhật, thầy thường đến chùa của Hòa thượng Yoshimizu để công quả, hết lòng làm mọi việc, từ dọn quét chùa cho đến làm cỏ, buổi chiều, thầy về. Chính từ hành động siêng năng làm việc như vậy, Hòa thượng này đã cảm được việc làm của thầy, nên ông qua Việt Nam tìm thầy. Lúc đó, ông bị ung thư tụy, gặp lại thầy vào thời kỳ đất nước mình mới giải phóng còn rất nhiều khó khăn, nhưng ông thấy thầy ung dung tự tại, an lạc, nên ông sanh tâm quý trọng thầy. Năm nay, ông lại sang thăm thầy và cúng dường xây Học viện một tỷ đồng. Ông cũng cúng dường xây Việt  Nam Quốc Tự một tỷ.

Tu hành, do việc làm của chúng ta khiến người thương và quý chúng ta. Làm được cho một người, hay mười người cho đến nhiều người thì sẽ có một người thương, mười người thương, hay nhiều người thương. Bồ-tát Quan Âm có ngàn tay ngàn mắt là vậy, hạnh nguyện của Bồ-tát này vô cùng lớn lao, ai mà không thương: Ở Ta-bà vào địa phủ, Quan Âm Như Lai cứu vớt chúng sanh nguyện. Chúng ta sợ khổ trốn đi, nhưng Quan Âm ở Cực lạc về đây cứu giúp mọi người.

Thầy kính trọng Quan Âm, nên câu nguyện của Quan Âm  là ở Ta-bà vào địa phủ đã được thầy đổi lại thành nguyện ở Ta-bà: Trước Phật đài con xin phát nguyện. Cõi Ta-bà thị hiện độ sanh. Thọ trì đọc tụng chơn kinh. Quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời. Nhờ hạnh này mà thầy được Phật hộ niệm và nhiều người cũng thương quý thầy.

Giáo dục theo Phật giáo

Thực tế cho thấy khi có quyền lợi, nhiều người tranh giành, hại nhau; lúc khó khăn, người ta rút lui, nhưng mình hạ quyết tâm làm thì được mọi người thương mến. Bồ-tát Quan Âm diệt tà ma, trừ yêu quái là cứu đời. Có nguyện như vậy, đòi hỏi phải có sức khỏe và trí tuệ mới làm được. Quan Âm được mọi người thương kính do đức và hạnh của ngài. Tu hành, điều căn bản của chúng ta là ở điểm này. Tu suốt đời không được gì vì không có hạnh, không có nguyện.

Điều quan trọng của giáo dục Phật giáo là dạy người có trí tuệ, có năng lực, có đạo đức, có sức khỏe mới giúp đời, cứu người được và giúp đời, cứu người mới là hạnh nguyện của Bồ-tát. Đạo Phật không đào tạo người ăn hại. Khi Tăng Ni đông, nhưng không làm được gì khiến cho Phật giáo bị suy. Bốn lần pháp nạn ở Trung Hoa do chư Tăng đông, nhưng không có năng lực, không làm việc. Riêng Phật giáo nước ta vào thời Đinh, thời Lý, chư Tăng không đông, nhưng được việc nhờ có tài. Một Khuông Việt, một Vạn Hạnh mà xây dựng được nhà Lý thuần đạo. Hai vị này có tài năng, có đức độ, giúp vua phát triển đất nước xong thì trở về chùa tu.

Kinh Pháp hoa lấy thí dụ Đức Phật ví như người thợ làm đồ gốm, tùy theo nhu cầu xã hội mà ông thợ đồ gốm nắn ra các món hàng khác nhau. Cũng vậy, đào tạo con người để đáp ứng yêu cầu xã hội. Việt Nam thừa người có bằng cấp, nhưng thiếu người làm việc là đào tạo người thất nghiệp. Giáo hội đào tạo Tăng Ni nhiều, nhưng tìm Tăng Ni làm việc được thì hiếm. Người ta cần cái bát, nhưng nắn ra cái chậu, ai dùng.

Theo yêu cầu của xã hội, Phật khai các pháp môn phương tiện, không phải chỉ có giải thoát trốn đời. Phật giáo thạnh hành là các sư truyền nghề trước, truyền đạo sau. Ở Nhật, từ thế kỷ thứ VI, VII, các nhà sư là người truyền nghề đầu tiên. Lúc bấy giờ, các thiền sư thông minh, hiểu biết thiên văn địa lý do tu hành đắc đạo, nên biết rõ lúc nào mưa nắng, bão lụt mà chỉ cho dân chúng làm mùa thành công. Dân theo sư làm được, nên người ta xây chùa cho sư ở, cất nhà cho người đến học, đến tu. Có thể nói Phật giáo Nhật đầu tiên đến khai hóa con người. Điển hình là Kubo Daishi đặt ra chữ Nhật và lập trường dạy bá nghệ, phát triển nhiều nghề để giúp dân chúng sinh sống.

Mục tiêu của trường này, thầy nghĩ rằng dạy Phật pháp là chính, nhưng lần lần phát triển, đưa vào các ngành nghề để phát triển xã hội. Vì vậy, trường có khoa công tác xã hội và thầy nghĩ cần có trường dạy trẻ con, từ đó, trường mở thêm khoa giáo dục mầm non để Tăng Ni về địa phương mở trường, góp phần vào việc giáo dục ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Hoặc có thể, chúng ta đào tạo các ngành công nghiệp như khoa tin học…

Tóm lại, theo Phật có vô số phương tiện để chúng ta đáp ứng nhu cầu xã hội. Có phương tiện thì tồn tại, phát triển. Đánh mất phương tiện, Phật giáo sẽ bị tiêu diệt. Ý này được người xưa diễn tả rằng đại dụng tại tiền, quyền tại thủ. Quyền là phương tiện để chúng ta mở ra đáp ứng nhu cầu xã hội, tất nhiên Phật giáo theo đó phát triển. Vì vậy, khi các sư ẩn dật, Phật giáo bắt đầu suy yếu.

Giáo dục theo Phật giáo, nghĩa thứ nhất là giải thoát, nhưng sau khi được giải thoát, phải cứu người, giúp đời theo hạnh Bồ-tát mà chúng ta phải học và làm theo. Đi đúng hướng như vậy, chắc chắn Phật giáo phát triển. 

 

HT.Thích Trí Quảng

Theo giacngo.vn

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất