Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTin tức Phật QuangHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲ

HÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲ

-

Chiều ngày 18/03/Quý Tỵ (nhằm ngày 27/04/2013), nhận lời mời của Ni sư Thích Đàm Vĩnh – Trụ trì chùa Tứ Kỳ (số 8 đường Ngọc Hồi, P.Hoàng Liệt – Q.Hoàng Mai – Tp.Hà Nội), TT Thích Chân Quang (BRVT) đã quang lâm đạo tràng thuyết giảng về chủ đề TIẾT KIỆM CŨNG LÀ ĐẠO ĐỨC. Với đế tài này, Thượng toạ phân tích nhiều khía cạnh của cuộc sống và chỉ điểm, từng cái sai cái đúng trong đường tơ kẻ tóc của từng sự việc. Qua đó xác lập thái độ đúng nhất, nhắc nhở mọi người tại sao phải tiết kiệm. Buổi chia sẻ đạo lý có sự tham dự đông đảo của các Phật tử trong và ngoại thành Hà Nội.

Được biết, chùa Tứ Kỳ còn gọi là Linh Tiên Tự. Ánh đạo vàng đã toả sáng nơi đây hằng mấy trăm năm. Ngôi chùa toạ lạc phía Đông bắc làng Tứ Kỳ, ngay sát quốc lộ Tứ Kỳ A. Trước đây chùa Tứ Kỳ là một ngôi chùa lớn gồm nhiều kiến trúc lớn nhỏ khác nhau như: cổng Tam Quan 2 tầng; nhà Tam Bảo; nhà thờ Tổ; nhà Bia; vườn Tháp. Chùa đây không những là danh lam kỳ thú mà còn là nơi để lại biết bao huyền thoại cõi Tiên linh ứng. Đồng thời là cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Pháp mà nhà sư Thích Đàm Dần là một trong những tấm gương tiêu biểu của lòng yêu nước. Tuy nhiên trong những năm kháng chiến ác liệt, máy bay Mỹ đã bốn lần oanh tạc làm cho chùa xưa trở thành bình địa.

Để giữ gìn dấu xưa và tiếp nối lịch sử đáng tự hào của chùa Tứ Kỳ, từ những năm 1990, chủ trương xây dựng lại chùa đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng các cơ quan hữu quan và được sự ủng hộ nhiệt thành của đông đảo nhân dân, chư vị Phật tử địa phương, được Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp độ trì, Sư Thầy Thích Đàm Vĩnh đã cùng dân thôn Bản Hạt, bách gia trăm họ chẳng quản sớm hôm mưa nắng, dốc bao tâm sức xây dựng lại chùa. Ngày nay trên nền xưa đất cũ, chùa Tứ Kỳ – Linh Tiên Tự đã được tôn tạo – hoành tráng uy nghi toả sáng đạo vàng, được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.

Với phương châm “Hoằng dương phật pháp – phụng sự chúng sinh”, Sư Thầy Trụ trì Thích Đàm Vĩnh vừa dốc sức góp phần xây dựng lại chùa; vừa nhất tâm hướng đạo cho các Phật tử; vừa hoan hỷ làm từ thiện tới nhiều vùng sâu, vùng xa trên đất nước để thực hiện điều tâm nguyện của Thầy: Xin cho con đi mãi; Không dừng lại giữa đường; Đến tuyệt đối vô biên; Tâm đồng tâm Chư Phật.”

Thật vậy, Với hoài bảo của một Sứ giả Như lai, NS Thích Đàm Vĩnh đã không ngừng kiến tạo ngôi chùa có giá trị về mặt mỹ thuật mà còn nâng cao về khía cạnh tâm linh. Ngôi chùa trở thành chỗ nương tựa tinh thần và biểu tượng đạo đức của xã hội Việt Nam bằng việc làm cụ thể qua các hình thức: tổ chức các khoá tu Bát Quan Trai, mời các vị Giảng sư thuyết giảng giáo lý cho Phật tử tu học, tổ chức các lễ hội và nghi lễ, sinh hoạt thanh thiếu niên, v.v… cho nên ngôi chùa luôn có sinh khí.

Chùa Tứ Kỳ đang TUYỂN SINH KHÓA TU MÙA HÈ 2013  DÀNH CHO THẾ HỆ TRẺ. Thời gian 8 buổi vào các ngày thứ bảy và chủ nhật trong tháng 6/2013. Khoá tu sẽ khai giảng vào ngày 2/6/2013 và bế giảng ngày 30/6/2013. Đối tượng tham gia là các em học sinh từ lớp 5 đến lớp 12. Nếu là lớp 4 phải là những em tha thiết với khóa học, có ý thức tốt. Học sinh không phải nộp học phí. Nếu muốn đóng góp thì Phụ huynh tùy hỉ công đức.

Lại nữa, chùa mới xây dựng một THƯ VIỆN SÁCH PHẬT GIÁO có tầm cỡ. Thư viện trưng bày sách trên những kệ gỗ rất to, rất đẹp, được sắp xếp chuyên nghiệp, phân loại theo từng thư mục. Đây là một kho báu kiến thức xứng tầm cho Phật sự Hoằng pháp đã đưa vào sử dụng. Thư viện này đáp ứng cho những bạn đọc muốn nghiên cứu, tham khảo có tính chuyên sâu. Hình thức hoạt động phục vụ bạn đọc tại chỗ và cho mượn về nhà. Điều đặc biệt là Thư viện sách Phật giáo chùa Tứ Kỳ có thể phục vụ cho đông đảo công chúng tại chỗ trong một không gian rất Thiền vị.

Đi vào nội dung bài Pháp thoại TIẾT KIỆM CŨNG LÀ ĐẠO ĐỨC, TT Thích Chân Quang tản mạn về những thách thức của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng trái đất nóng lên đột ngột và thế là người ta tìm biện pháp để thoát khỏi cái nóng – lạnh quá mức đó. Để nâng ý thức bảo vệ môi trường, Thượng toạ nhắc nhở chung mà nhất là người Phật tử đừng lạm dụng phương tiện để thoát khỏi cái nóng lạnh đó so với người khác. Chúng ta cố gắng chịu đựng, hòa hợp với thiên nhiên, cho đến khi hết sức chịu đựng đã, rồi hãy dùng biện pháp. Còn mới nóng sơ sơ ta lắp máy lạnh, hoặc hơi lạnh mà dùng máy sưởi thì ta cứ ngược với thiên nhiên, không hòa với con người, nếu vậy, ta có cái gì ác trong cuộc sống, trong tâm mình rồi. 

Triết lý sống ở đây là khi nào ta còn chịu đựng được hãy cố gắng chịu đựng để hoà hợp với thiên nhiên, với cộng đồng. Đến khi nào mà sự khắc nghiệt của trời đất nó vượt khỏi sức chịu đựng của con người thì ta hãy dùng tới biện pháp kỹ thuật, trí óc để đi ngược lại; để được sinh tồn thì như vậy ta không có lỗi. Còn như lúc nào cũng thích theo ý mình để được thoải mái, coi vậy chứ cũng có quả báo của nó, vì ta sống không hòa hợp với thiên nhiên, không hòa hợp với cộng đồng, ta hưởng ưu tiên so với mọi người quá đáng. Ví dụ: Những công sở, cơ quan, công ty, văn phòng hay lắp máy lạnh, chạy hết ngày này tới ngày kia để giữ nhiệt độ ổn định thường xuyên, không ngờ họ đã gieo cho mình nhân xấu mà không hay.

Trong Luật Nhân Quả, ai cứ cố gắng tận hưởng cái phước của mình thì ngay đó ta bắt đầu ác độc và thành tội. Làm phước không phải để hưởng, mà chỉ để yêu thương con người. Chẳng hạn, khi ta phóng sinh mà tác ý cầu được giàu sang để hưởng thụ là ác độc; còn cái đúng! phóng sinh là để trả tự do cho các con vật và cầu phúc cho người thân của mình. Hoặc có giai đoạn quốc gia ta thiếu điện trầm trọng, lúc đó Nhà nước kêu gọi tiết kiệm điện thì có người quan niệm rằng: tôi có tiền, hễ xài điện bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu, mắc mớ gì bắt tôi phải tiết kiệm. Vậy nghĩa là ta giàu nên xài hết phần của người khác, bởi vì sản lượng điện của Quốc gia chỉ có chừng ấy thôi. Và trong chừng ấy đó, Nhà nước cố gắng chia đều để ai cũng được hưởng, nhưng ta ỷ giàu đã lấy hết tiện nghi của mọi người. Và như vậy chính thực là ác. Cho nên cái quan điểm đầu tiên của ta thích hưởng phước thì bắt đầu ác độc rồi. Ta tuy có phước nhưng đó là tâm ma. Người theo Phật đừng để tâm ác xãy ra trong lòng mình. Do vậy, người Phật tử phải hết sức cố gắng làm phước và đến lúc nào đó quả báo lành sẽ đến, đem cho ta rất nhiều điều thuận lợi như: may mắn, sung sướng, giàu sang, vinh hiển, nhưng ngay khi đó ta khởi tâm tận hưởng phúc thì bắt đầu trở thành kẻ ác, dù trước kia khi tạo phúc ta là người rất thiện. Nếu không có đạo lý soi sáng thì hôm nay ta đúng, ngày mai ta đã sai, nên không được chủ quan là vậy. Từ đó ta mới thấy vai trò, cái giá trị quan trọng của đạo lý, của trí tuệ để soi sáng ta trên cuộc đời này. 

Kế đến, Thượng toạ liệt kê những quả báo xấu cần phải tránh. Có 2 quả báo xấu rất giống nhau là phung phí và hà tiện. Ví dụ người phung phí tiền (tức mua sắm vật dụng không cần thiết, mua đồ hàng hiệu đắc tiền) thì quả báo sau này không còn tiền. Ngược lại, người không bao giờ xài đồng nào thì sau này cũng không có tiền.  Tiền nhiều không phải là sung sướng, mà nó là gánh nặng, là trách nhiệm, là bổn phận. Chúng ta sử dụng đồng tiền không hợp lý, sau này quả báo không còn đồng nào. Còn như sợ quá tránh luôn, không xài nữa thì sau này cũng không có tiền. Vì vậy phải xài chính xác từng đồng nhỏ. Sống trên đời là căng thẳng như thế, nhất là đối với tiền bạc. Người tiêu tiền phung phí, sau này phước cạn rất nhanh. 

Phung phí được hiểu như sau: Khi ta tiêu xài một điều gì mà nếu so sánh với cuộc sống của người bình thường nó vượt quá xa thì gọi là phung phí. Và Thượng toạ nêu nhiều ví dụ để làm sáng tỏ cho định nghĩa này. Chẳng hạn, khi sử dụng nước sạch trong sinh hoạt (tắm, rửa xe) thì dùng bao nhiêu nước là vừa để không gọi là phung phí. Cho nên, cái đạo đức của ta, cái gọi là “Tiết kiệm cũng là đạo đức” của ta; cái gọi là đừng phung phí là khi tiêu dùng việc gì, ta nghĩ đến những người bình thường, hay nữa ta nghĩ đến những người khốn khổ mà đừng để sự tiêu dùng của mình vượt quá xa so với họ thì đó là đạo đức; là tiết kiệm; là điều thiện. Còn như ta cứ hưởng thụ thoải mái cho riêng mình thì là ác; là phung phí. Quả báo dành cho người phung phí là mất hết phước, mất hết những gì ta đang có.

Hoặc những người mở nhà hàng thường được một thời gian thì phá sản. Nguyên nhân được tìm thấy, các nhà hàng phá sản do sát sinh là một phần thôi, cái quan trọng hơn là phung phí thực phẩm (đổ bỏ thức ăn dư) nhất là những nhà hàng nhiều sao sang trọng, họ theo cái chuẩn quốc tế là vậy. Để đảm bảo vệ sinh, ta có phương pháp tiệt trùng để dùng trở lại thức ăn dư, do rất nhiều người cần những thức ăn đó.

Luật nhân quả khác với toán học. Ví dụ ta có một triệu phước, ta xài mới 300 ngàn thôi, nhưng trong 300 ngàn đó ta xài phí thì một triệu phước hết sạch luôn. Đường đi của nhân quả nó mơ hồ, vi diệu và khắt khe hơn. Ta cứ nghĩ có một triệu phước thì xài từ từ nó mới hết, nhưng không, ta mới xài 300 ngàn, nếu phung phí thì 700 ngàn còn lại của cái phước biến mất, không còn nữa. Do đó, Luật Nhân Quả bí hiểm hơn và khi ta tu đắc đạo là những vị Thánh, cứ càng chứng cao chừng nào, ta mới thấy Luật Nhân Quả nó sâu xa bí hiểm chừng nấy mà chỉ có Phật mới biết hết. Chính vì chúng ta vô minh không biết hết, nên đã phạm sai lầm rất nhiều trong việc sử dụng cái phước của mình. Thế là chúng ta cứ khốn khổ mãi. Thực phẩm là nhu cầu căn bản của con người, vì vậy ta phải thận trọng từng chút, dù hạt cơm rớt xuống cũng phải nhặt lên mà ăn, dù rằng giống như không hợp vệ sinh, nhưng đó là thái độ ta tôn trọng bao nhiêu công lao nằm trong một hạt cơm. Nên “Tiết kiệm” gọi là đạo đức vì hàm chứa trí tuệ trong đó.

Mặt khác, quả báo từ sự hà tiện: Khi có tiền ta không dám tiêu vì sợ hết thì sẽ không còn đồng nào, do hết phước. Có thực phẩm mà không cho người khác ăn, kiếp sau nếu làm người thì là người đói kém, nếu làm thú thì lang thang kiếm ăn, không đủ. Còn không, khi chết là quỷ đói, không ai cho ăn. Ta hà tiện lời khen với mọi người thì quả báo là mình không có ưu điểm gì để cho người ta khen. Để thấy ưu điểm của người khác mà yêu quý, khen tặng, đòi hỏi phải có lòng nhân ái cao. Mà một người khen đúng thì kiếp sau ta có nhiều ưu điểm để được người khác khen tặng trở lại.

Lời khen là sự động viên lớn để giúp người khác cố gắng hơn nữa. Có khi vì thiếu lời khen mà một đứa trẻ trở nên hư hỏng. Những lời khen đúng lúc, đúng nơi, nhiều khi cất cánh cả cuộc đời của một đứa trẻ bay lên. Khi nó nỗ lực tối đa mà không ai quan tâm đến điều đó, đứa trẻ có thể mất tinh thần, cuộc đời nó buông trôi luôn. Tương tự, có người vươn lên từ sự khó nhọc nhưng không ai khen hết, họ dễ rơi xuống lại. Do đó, ta hà tiện lời khen là điều ác nhưng phung phí lời khen (khen không đúng làm người khác hư) cũng ác luôn. Có người hà tiện sức khỏe, tức  không muốn làm gì cả, làm gì cũng sợ mệt thì quả báo sẽ trở thành người gầy guộc, ốm yếu, xấu xí và phát sinh tâm lý lười biếng, người này phước hết rất nhanh. Cho nên, ta cố gắng tìm việc gì đó mà làm, dù nhỏ nhất để đóng góp cho cộng đồng thì không gọi là người hà tiện sức khoẻ.

Thượng toạ đặt vấn đề: Tại sao ta phải tiết kiệm từng chút?

– Ta tiết kiệm bởi vì ta có trí tuệ thấy suốt quá trình tạo ra sản vật đó, không sống vô tâm, hờ hửng. Thấy cái gì cũng thấy từ những điều sâu xa. Do đó, khi sử dụng ta trân trọng từng chút, vì biết rằng trong thiên nhiên và xã hội, không có một sự vật, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do sức lao động tạo nên. Ví dụ để có hạt cơm ăn là trải qua một quá trình có quá nhiều công đoạn và còn cả công lao của người làm ra sản phẩm đó, vì vậy mà ta không dám phung phí.

– Ta tiết kiệm từng chút vì ta có đạo đức, ta tôn trọng công lao của người sản xuất ra. Người sản xuất món đồ đưa đến tay người tiêu dùng, họ cẩn thận từng chút để làm hài lòng người sử dụng, nếu ta không nhớ đến cái tâm của người đó, ta trở thành vô ơn (không đạo đức). Thật ra, tất cả vật dụng ta dùng, nó mang theo tấm lòng của người làm ra rất nhiều nhưng ta vô ơn, bạc bẽo không nhận ra. Thành thử ta trở thành người ác là vì vậy.

– Ta tiết kiệm vì biết nhân quả khắt khe của sự hưởng thụ, tức sự hưởng thụ làm ta hết phước dần dần. Nhưng nếu, hưởng thụ mà trở thành phung phí thì tốc độ hết phước cực nhanh, đến độ ta không ngờ được. Cho nên, phải cẩn thận khi tiêu dùng một điều gì, vì sự khắt khe của nhân quả rất đáng sợ. 

– Ta tiết kiệm vì ta yêu cuộc sống giản dị ngăn nắp gọn gàng. Cuộc sống giản dị, ngăn nắp, gọn gàng là dấu hiệu của trí tuệ, và của đạo đức. Bước vào một nơi mà đồ vật vất ngổn ngang bừa bãi ta biết ngay người đó chưa có trí tuệ. Tuy nói rằng ta yêu điều giản dị, biết tiết kiệm nhưng phải chi dùng khi thật sự cần thiết, vì đó là việc nghĩa tình, những việc xuất phát từ một đời sống tử tế. Có những việc, ta vì tiết kiệm mà không giúp thì họ sụp đổ cả một đời, nên đôi khi ta phải giúp để nâng họ lên, nhưng có khi cái giúp của ta làm họ ỷ lại thì không giúp. Thường ta ưu tiên cho sự giúp đỡ nhưng phải chánh đáng. Người đệ tử Phật thì lúc nào trong tâm cũng yêu thích sự giúp đỡ mọi người, nhưng phải giúp sao cho đúng thì công đức rất lớn. Cái tâm Bồ tát này không được thiếu trong lòng của chúng ta, bằng không ta chỉ là một phàm phu tầm thường, thấp kém. Còn nếu trong tim ai có cái lòng yêu thích giúp người khác thì ta có tâm Thánh trong tim mình rồi, người đó cứ đi lên dần dần. Bỏ kiếp này qua kiếp khác, ta tiến một bước cao hơn. Và cho đến một ngày, ta trở thành một vị Thánh phi thường, vượt khỏi trần lao, thoát khỏi sanh tử.

– Ta tiết kiệm để bảo vệ môi trường. Để cho nền kinh tế của quốc gia phát triển thì phải có nhiều Doanh nghiệp ăn nên làm ra. Và một Doanh nghiệp để gọi ăn nên làm ra thì sản phẩm của Doanh nghiệp đó bày bán phải có người mua (tiêu thụ). Có nhiều người mua sản phẩm thì Doanh nghiệp đó gọi là thành công. Nếu theo công thức như thế, ta suy luận: Càng tiêu thụ nhiều chừng nào thì nền kinh tế quốc gia đó càng phát triển, đến nỗi người ta đẩy người tiêu thụ lên thành thượng đế, vì người mua làm cho Doanh nghiệp được tồn tại và công nhân có việc làm.

Với lý luận đó, ta xuất hiện một nền kinh tế thị trường, khuyến khích sự tiêu thụ bằng cách quảng cáo, khuyến mãi khắp nơi. Mà để sản xuất được nhiều, bán được nhiều cho người tiêu thụ, ta phải khai thác tài nguyên trong môi trường tự nhiên (đào trong đất, lấy trong nước, lật tung quả đất này lên lấy nguyên vật liệu để làm ra sản phẩm). Như vậy, với nền kinh tế thị trường càng tiêu thụ nhiều chừng nào thì môi trường càng bị huỷ hoại chừng nấy. Ngày hôm nay có sự xung đột, mâu thuẫn giữa 2 khuynh hướng: Một khuynh hướng là phải tiêu thụ nhiều để kinh tế phát triển. Khuynh hướng thứ 2 là bớt tiêu thụ lại để bảo vệ môi trường. Như Trung Hoa, họ khai thác môi trường tối đa để lấy nguyên vật liệu mà sản xuất hàng giá rẽ, bán khắp thế giới, đè bẹp hết tất cả sản phẩm của các nước để nền kinh tế Trung Hoa phát triển. Và họ đã thành công khi hàng hoá các nước trên thế giới điêu đứng hết. Nhưng bù lại môi trường Trung Hoa bị tàn phá nghiêm trọng.

Như vậy, giữa khuynh hướng tiêu thụ để kích thích nền kinh tế phát triển hay bớt tiêu thụ để bảo vệ môi trường, ta nên chọn khuynh hướng nào? Chúng ta phải trung dung, đừng cực đoan bên nào. Đôi khi ta cũng cần phải mua sắm, nhằm góp phần kích thích nền kinh tế phát triển, nhưng đừng mua nhiều để làm tổn hại môi trường. Nếu thế, có nghĩa là các Doanh nghiệp sẽ không phát triển mạnh. Ta phải chấp nhận điều đó để không góp phần tàn phá môi trường trái đất. Do đó cái gì cũng vừa chừng, quan trọng là biết sử dụng lại hàng tái chế, đừng nghĩ rằng cái gì là rác cả, nhất là những bao bì bằng loại nhựa trong suốt, tinh khiết, đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Để đừng làm người bạc bẽo, ta nhớ phải yêu rác. Đến lúc nào đó chúng ta hiểu một điều: Trên đời này không có gì gọi là rác cả. Tất cả đều có thể sử dụng tiếp nữa. Nhưng để có được điều này, khi nào ta có đủ tấm lòng, có chính sách của Nhà nước, có chủ trương của xã hội và có công nghệ.

Lại nữa, có một điều quý giá phải hết sức tiết kiệm, đó là tâm hồn ta. Thế mà ta thường hay phung phí tâm mình, tức suy nghĩ lung tung suốt ngày, dù những điều lải nhải trong đầu đó không cần thiết. Vì vậy, Phật dạy ta một con đường tiết kiệm nội tâm (đừng lải nhải, suy nghĩ nhiều trong đầu nữa), phải sống với nội tâm thanh tịnh, để không phung phí tâm hồn, không phung phí tinh thần, não bộ của mình.

Ta phải tiết kiệm cho tuổi già được bình an, sáng suốt, tỉnh táo để tu tập. Điều này chỉ có được khi ta đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, tọa Thiền. Thiền không chỉ là tiết kiệm não bộ mà trong sự thanh tịnh của nội tâm, ta phát triển não bộ lên một tầm cao mới, tức ta thông minh, nhạy bén, đạo đức, trực giác nhiều hơn và đặc biệt hạnh phúc hơn. Cho nên, khi ta có cơ hội để tu tập Thiền định thì đừng bao giờ bỏ qua, bằng không quả báo khó lường được. Còn như khi nghe một đạo lý cao thượng qua tai mà bỏ qua (không nghe nữa, không chú tâm, không học hỏi) thì đời đời trong tâm hồn ta không còn đạo lý nữa. Lúc đó cõi ta đi về là cõi súc sinh, địa ngục, ngạ quỷ. Cũng vậy, khi nghe nói đến Thiền mà ta bỏ qua, không chăm chú, không cố gắng để tu thì không bao giờ ta có được Thiền định thanh cao nữa và cõi ta đi đến cũng chỉ những cõi đọa lạc, nặng nề, đau khổ. Do đó, chúng ta phải ráng tu, ráng học, cố gắng tinh tấn Thiền định để vượt lên thành một bậc Thánh ở tương lai.

Tóm lại, khi ta biết đạo lý, tin nhân quả thì ta thường cố gắng làm phúc, giúp người. Với cái nhân đó ta sẽ trở thành người giàu có, nhưng khi giàu rồi, mà ta không có đạo đức, không có Thiền định thì lập tức trở thành người phung phí, hưởng thụ, rồi sa đọa. Và như thế ta biến thành kẻ ác và nhận lấy quả báo khổ đau. Vì vậy, khi đã biết đạo, ta siêng năng làm phúc thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ được giàu sang. Lúc đó ta phải chuẩn bị tâm hồn mình trong đạo đức và trong Thiền định, để sau này khi giàu rồi, ta không phung phí, không hưởng thụ, biết dùng phúc của mình để tiếp tục giúp người, giúp đời. Phúc đó sẽ mãi mãi đưa ta vượt lên những cõi trời cao xa. 

Quả báo của sự tiết kiệm là giúp cho ta vĩnh viển không bao giờ bị thiếu thốn. Quả báo của sự rộng rải giúp người, khiến ta đời đời được dư giả. Nên tiết kiệm phải đi đôi với việc biết giúp người.

Quả báo của hà tiện là thiếu thốn. Còn phung phí thì quả báo cũng thiếu thốn và khốn khổ. Nói chung, người nào đối xử với người khác rất khắc khe (hà tiện), nhưng với bản thân mình phung phí thì quả báo là đi ăn xin. Riêng người vừa tiết kiệm, vừa hào phóng, nếu sinh vào cõi người thì là đại gia, nhưng thường họ sinh lên cõi trời.

Qua bài Pháp thoại này mọi người mới vỡ lẽ ra rằng: Thì ra, ta nên sống tiết kiệm, giản đơn, sống hoà hợp với môi trường, với con người để chia sẻ nổi khổ với người chung quanh, đừng bao giờ hưởng thụ điều gì mà nó khác biệt, hoặc vượt quá xa với cuộc sống của những người bình dân, nghèo khổ. Với triết lý sống như vậy là ta có đạo đức, có trí tuệ. Còn mọi năng lực của ta trong cuộc đời này, dành để tu hành và giúp đỡ nhau. Vì cuộc sống chung quy lại, cuối cùng rồi ai cũng chết.

Chúng ta thấy, Thượng toạ đã thực hiện sứ mạng của mình là giáo dục đạo lý làm người, xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội, đồng thời bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc. Cho nên trong quan điểm giáo hoá của Thượng toạ, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh “Đạo và Đời luôn hoà quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn loài, vì sự phát triển của đất nước, của đạo pháp, là vậy”./.

Dưới đây là một số hình ảnh về quang cảnh chùa Tứ Kỳ và toàn cảnh buổi thuyết Pháp của TT Thích Chân Quang về đề tài TIẾT KIỆM CŨNG LÀ ĐẠO ĐỨC:

 HÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲHÀ HỘI: TT THÍCH CHÂN QUANG THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA TỨ KỲ

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất