Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápHai nhánh rẽ của nền văn minh nhân loại

Hai nhánh rẽ của nền văn minh nhân loại

-

Vừa qua, TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã chia sẻ bài Pháp thoại có tựa đề “HAI NHÁNH RẼ CỦA NỀN VĂN MINH” tại chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội), với sự tham dự của gần 5 nghìn phật tử. Bài Pháp thoại cho thấy xu hướng và tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật cùng những tác động sâu xa của nó đến cuộc sống của chúng sinh. Từ đó, con người có biện pháp điều chỉnh, không cho nó đi vào ngõ cụt, rồi quay lại hủy diệt cả trái đất, mà dẫn dắt nó theo hướng tích cực, làm lợi cho chúng sinh, nhân loại.

Chủ đề bài Pháp lần này được Thượng tọa nhắc đến rất nhiều lần trong những bài Pháp gần đây. Tuy nhiên, để mọi người quan tâm, có một cái nhìn đúng đắn, toàn diện, nên hôm nay Người quyết định nói kĩ hơn. Thêm nữa, hiện tượng đĩa bay đã xuất hiện từ lâu, bàn bạc trên nhiều đất nước. Ngay cả Việt Nam, mấy chục năm về trước cũng đã ghi nhận hiện tượng này. Nhưng do không có máy móc để chụp lại làm bằng chứng nên giờ ta không có cách nào chứng minh việc UFO đã xuất hiện ở Việt Nam.

Ngày nay, khoa học phát triển, con người có thể chụp lại những gì mình thấy mọi lúc, mọi nơi và rất nhiều bức ảnh cho thấy sự tồn tại của UFO.  Đặc biệt, những nước càng phát triển thì tần xuất UFO xuất hiện lại càng nhiều. Nhưng do chưa chứng minh được sự tồn tại của người ngoài hành tinh nên khoa học vẫn chưa công nhận điều này.

Nói về việc này, Thượng tọa cho rằng chỉ vì chưa đủ trình độ mà phủ nhận nền văn minh của hành tinh khác là một hành động võ đoán, hẹp hòi. Hay như nói rằng dù đã quan sát bằng kính thiên văn cũng không tìm thấy sự sống nào gần trái đất, nếu có cũng phải mất 7 năm ánh sáng, thì đó cũng chỉ là sự biện minh cho trí tuệ kém cỏi của mình mà thôi. 

Các nhà khoa học nói không có vật nào di chuyển nhanh bằng vận tốc ánh sáng. Chưa nói đến những hành tinh xa xôi, cách ta mấy nghìn năm ánh sáng, chỉ riêng hành tinh gần nhất, ánh sáng đi cũng phải mất 7 năm. Vậy phi thuyền phải đi bao lâu mới tới? Lí luận này tưởng chừng đúng đắn nhưng biết đâu người ngoài hành tinh lại có thiết bị đi nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng thì sao? Bản thân họ ta còn chưa rõ thì sao biết được trình độ tiến bộ của họ.Người nhấn mạnh, ta không thể lấy trình độ của mình để đo trình độ của người khác. Dù ta có cố gắng phản đối, phủ nhận thì chứng cứ về nó vẫn phơi bày khắp nơi. Nói chuyện về chủ đề này, lòng ta phải mở ra và biết rằng mình đang đứng trên nền văn minh của vũ trụ chứ không phải nền văn minh của trái đất. Thế nên, không được lấy văn minh của trái đất làm điểm tựa để phán xét nền văn minh khác. Như vậy là sai trái, hẹp hòi. 

Ngoài ra, muốn đánh giá được nền văn minh vũ trụ, ta phải dựa trên nền văn minh của đạo Phật. Ta thấy, có điều lạ là nền văn minh của vũ trụ được Phật nói rất nhiều trong kinh điển. Điều này khiến nhà khoa học Einstein rất thán phục. Vậy nên, bên cạnh việc nghiên cứu vật lí, toán học, ông cũng dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về đạo Phật.

Einstein đã từng phủ định việc có vật đi nhanh hơn ánh sáng, trong khi Phật nói những người ngoài hành tinh đi nhanh hơn ánh sáng. Và phải đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng thì họ mới còn sống khi đi từ hành tinh họ đến trái đất. Nếu đi với tốc độ chậm hơn, hoặc bằng tốc độ ánh sáng thì dù tuổi thọ có vài trăm năm, họ cũng không kịp thời gian để đi xa như vậy. Do đó, không có cơ sở nào để khẳng định kết luận của Einstein là đúng.

Như cái thời con người dùng ngựa để di chuyển, có người nói con người không thể chịu được tốc độ 30km/h. Nhưng thời nay, xe máy đã chạy với tốc độ 60-70km/h. Hay như có người nói con người không thể chịu nổi vận tốc vượt quá vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, máy bay chở con người với vận tốc 700km/h, vượt khỏi tốc độ âm thanh mà con người vẫn sống. Thế nên, quan điểm con người không thể vượt qua hay chịu được tốc độ ánh sáng có khi lại là quan điểm sai lầm. Do vậy, đĩa bay đến với ta, rõ ràng là họ đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng.

Chúng ta sẽ điểm qua một số đặc tính của đĩa bay.

– Thứ nhất, có vẻ như UFO đã đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Vì vậy chúng có thể vượt qua những hành tinh xa xôi cách nhau hàng chục, hàng trăm, hàng triệu năm ánh sáng, và khi đến nơi những phi hành gia vẫn còn đủ tỉnh táo, minh mẫn để làm việc. 

– Thứ hai, khả năng khảo sát của UFO cực kì cao cấp, cho phép người ngoài hành tinh hiểu về con người trái đất mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Con người đã nhiều lần chứng kiến những chiếc UFO đứng yên lơ lửng trên bầu trời. Đó là lúc chúng đang quét (scan) qua khu vực bên dưới, thăm dò hết địa tầng từ cạn tới sâu, biết được kiến trúc nền văn minh của trái đất. Thậm chí, biết luôn cả tâm lí của giống loài sinh sống bên dưới.

Chính vì vậy họ không cần, không can thiệp, không xâm chiếm trái đất như kịch bản của những bộ phim khoa học viễn tưởng, bởi thật sự chúng ta không hề có điều mà họ cần. Họ không cần tài nguyên trái đất, vì tài nguyên trái đất không đáng gì so với những tài nguyên trong vũ trụ mà họ tìm thấy. Họ cũng không cần thống trị, vì thống trị những con người còn tham sân nặng nề là vô cùng rắc rối. Họ chỉ cần ghi nhận có một hành tinh nơi tọa độ này, rồi lặng lẽ ra đi.  

Tuy nhiên, người ngoài hành tinh đã vài lần tiếp xúc trực tiếp với con người trái đất, các nhân chứng diễn tả rằng họ có trực giác phi thường, biết hết suy nghĩ của con người. Ở mức độ tư duy, trí tuệ và sự thông minh của họ gần giống như một vị Thánh vậy. Thực sự, đẳng cấp của họ cao hơn ta rất nhiều lần.

Qua những trường hợp này, chúng ta nhận xét rằng đây đó trong vũ trụ còn có nhiều nền văn minh khác nhau, và nền văn minh của trái đất đang ở giai đoạn sơ khai mà thôi. Chẳng hạn, chúng ta chưa có được sự tiến bộ cao về vật lý, về du hành vũ trụ. Đến ngày hôm nay con người vẫn chưa biết trọng lực là gì; chưa hóa giải được trọng lực; chưa tạo ra được trọng lực nhân tạo, cho nên những phi hành gia trong vũ trụ vẫn phải bồng bềnh trong tình trạng không trọng lực. Phải có bộ óc và sức khỏe phi thường, họ mới chịu được rất nhiều tác động lúc ở trong không trung. Như vậy, rõ ràng có rất nhiều nền văn minh cao hơn chúng ta ở trong vũ trụ này.

Thật sự đây đó trong vũ trụ có rất nhiều nền văn minh cao hơn chúng ta rất nhiều. Và khi nền văn minh phát triển lên mức độ rất cao thì sẽ xuất hiện hai nhánh rẽ. Đó là nội dung chính của đề tài hôm nay. 

+ Nhánh thứ nhất là nền văn minh phát triển rất cao, sau đó chính nó quay lại hủy diệt sự sống của hành tinh, khiến hành tinh đó bị tiêu diệt luôn, trở lại thời kì đồ đá. 

+Nhánh thứ hai là nền văn minh vượt lên cao, không bị rơi vào ngõ cụt, không quay lại hủy diệt mà cứ vượt lên cao mãi. Sau đó, xây dựng cuộc sống nơi hành tinh đó trở thành thiên đường cực kì hạnh phúc, cực kì đạo đức. Và mỗi cư dân của những hành tinh đó cũng dần trở thành bậc Thánh bởi họ vượt lên mà không bị giới hạn. 

Theo Thượng tọa, khi nền văn minh phát triển đến mức độ cao thì tự nó sinh ra một trong hai kết quả đó. Trái đất của ta đang đứng trước ngõ rẽ nào, ta chưa biết bởi hiện ta mới đang ở giai đoạn 4.0. Tuy nhiên, Thượng tọa không dựa vào chuẩn mực này mà có một thước đo khác. Trong bài nói chuyện gần đây về chủ đề “Chúng ta sống để làm gì”, Người đã phân tích trái đất đã trải qua các giai đoạn phát triển của nền văn minh như sau:

– Thứ nhất là sử dụng “bàn tay” làm công cụ lao động. 

– Thứ hai là tìm ra những “công cụ” phức tạp hơn thay cho bàn tay, thay cho cơ bắp, tăng năng suất lao động lên gấp trăm gấp nghìn lần (Ví dụ dùng những mảnh đá để mài sắt, dùng cung tên v.v… )

– Thứ ba là dùng “máy móc” để thay cho cơ bắp, trong đó con người lợi dụng sức của trời đất, như lấy sức gió để quay nguồn của máy xay, lấy sức nước để làm máy cưa, máy xay, lấy than đá, dầu mỏ để làm nhiên liệu cho máy đốt trong, máy nổ, xe máy v.v… Song song còn phát minh ra điện. Đây là bước tiến rất dài trong nền văn minh công nghệ của nhân loại. 

– Thứ tư là “thời kì điện toán”, máy móc tính toán giúp con người. Thiết lập một văn bản, bài toán hay hình ảnh ta đều có thể nhờ máy làm giúp. 

– Thứ năm là thời kì của “trí tuệ nhân tạo”. Đây là bước tiến khủng khiếp. Máy móc không phải tính toán giúp nữa, mà là suy nghĩ, sáng tạo giúp con người, thậm chí tự tìm mục tiêu, tự tìm giải pháp thay con người. Đến mức độ này thì những cỗ máy bắt đầu ngang bằng, thậm chí giỏi hơn con người. 

Và thế giới bắt đầu lo sợ trước sự tiến bộ của công nghệ. Khi nhờ máy tính toán giúp thì con người vẫn còn là chủ, nhưng đến khi nhờ máy sáng tạo giúp thì dường như vai trò của chúng ta đã bị gạt sang một bên, bởi chỉ người làm chủ mới có mục tiêu, có sáng tạo, tuy nhiên máy đã thay chúng ta làm công việc đó một cách xuất sắc hơn. Chẳng hạn, khi con người nhập dữ liệu, nhập một đoạn văn miêu tả một con vật vào máy thì chỉ vài phút sau, máy có thể sáng tạo ra ngay hình ảnh của con vật giống với đoạn văn miêu tả, mọi góc cạnh đều tinh tế đẹp đẽ.

Và viễn cảnh đáng sợ là có ngày robot cai trị hành tinh này, mọi người đều trở thành nô lệ, kể cả những người đã từng sở hữu chúng. Những robot có thể thông minh đến mức độ khước từ luôn quyền làm chủ của những người sở hữu chúng. 

Mà robot là những cỗ máy không biết tình yêu thương là gì, không có tình cảm. Chỉ con người mới có mục đích sống, mới có yêu thương, hướng thượng, tu dưỡng, nhưng đã bị robot khống chế. Còn robot thì không có những tính chất này, và khi thấy hành tinh này không có mục đích để tồn tại, chúng có thể lên chương trình để xóa sổ (delete) toàn bộ hành tinh, nghĩa là khi robot lên ngôi thay thế con người trong mọi hoạt động, liệu nó có tự lên chương trình rồi xóa sạch thế giới loài người không? Nếu có, thì đúng là nền văn minh của trái đất đang rẽ theo nhánh một như lời Phật đã chỉ ra trước đó. 

Phật từng nói, trái đất này đã trải qua nhiều lần tận thế. Mỗi lần sự sống xuất hiện trở lại cho đến lúc tận thế, Phật tính đó là một kiếp. Khác với “tái sinh”, từ lúc ta chết cho đến lúc tái sinh, đó chỉ là một đời mà thôi (chúng ta hay nhầm lẫn điều này). Còn theo tiếng Phạn, một kiếp phải là từ khi trái đất xuất hiện sự sống cho đến khi biến mất đi. Khoảng cách đó rất xa nên lí thuyết xuất hiện của loài người đang dần bị khoa học khảo cổ lật đổ. Rất nhiều dấu vết cho thấy đã có nền văn minh xuất hiện rồi bị hủy diệt đúng như lời Phật nói. Ví dụ, người ta tìm thấy vết bánh xe của 150.000 năm trước mà 150.000 trước thì chưa có bánh xe. Hay một vài pho tượng cho thấy nền văn minh đã có cách đây hơn 1 triệu năm. 

Không riêng gì loài người, Phật pháp cũng vậy, phải mất mấy trăm nghìn năm mới có một vị Phật xuất hiện khi mà Chánh pháp không còn nữa. Phải đến khi tà pháp giăng đầy mới có vị Phật đến để dựng lại Chánh pháp. Giống cái thời mà con người không còn biết giác ngộ, vô ngã là gì nữa thì Phật Thích Ca xuất hiện. Đến ngày ta không duy trì nổi Phật pháp thì tà pháp phá tan hết.

Chúng ta thấy nền văn minh cứ xuất hiện rồi tàn lụi ứng với quy luật tiến bộ trong vũ trụ: khi nền văn minh tiến đến mức độ nào đó thì đi vào ngõ cụt, quay lại hủy diệt luôn sự sống của tinh cầu.

Thêm nữa, trong nền văn minh tiến bộ, con người cũng tiến bộ luôn bởi họ có cấu tạo bộ óc thông minh, luôn sẵn sàng tìm tòi, từ lúc làm mọi thứ bằng tay cho đến khi để robot làm thay mọi việc cho mình. Đây là một bước tiến rất dài, dần dần chính nó lại quay lại hủy diệt loài người hoặc góp phần xây dựng trái đất thành thiên đường.

Dịp này, Thượng tọa chia sẻ, trước đây, ngõ rẽ của nền văn minh trái đất chưa hiện ra. Khi con người nghiên cứu, chế tạo thành công trí tuệ nhân tạo, ngõ rẽ bắt đầu xuất hiện khắp thế giới. Việt Nam cũng đã nghiên cứu xong trí tuệ nhân tạo, cái mà ta hay gọi là 4.0. Nhưng vì kín đáo, khiêm tốn nên chúng ta không công bố, chỉ khi có sự va vấp, chúng mới được phơi bày.

Để làm rõ vấn đề này, Người đặt ra câu hỏi vì sao khi nền văn minh phát triển lại đứng trước hai ngã rẽ? Rất đông phật tử đã đưa ra đáp án nhưng chỉ một câu trả lời được Thượng tọa tán thành nhất, đó là do sự tác động của yếu tố đạo đức. Đúng vậy! đây là một yếu tố vô hình nhưng cực kì quan trọng, đó là đạo đức của loài người. 

Con người, vì nhu cầu của cuộc sống nên buộc phải tạo ra công nghệ, thúc ép khoa học tiến lên, nhưng nếu đạo đức vượt hơn công nghệ thì nền văn minh không bao giờ rơi vào ngõ cụt, tinh cầu này sẽ trở thành thiên đường. Bằng không, khoa học công nghệ sẽ quay lại thống trị, xóa sổ con người. Không có đạo đức, khoa học sẽ trở thành vũ khí mà con người sử dụng để hủy diệt lẫn nhau. Đó là lý do mà thỉnh thoảng có những bậc Thánh triết đến với trần gian tuyên dạy về đạo đức, uốn nắn tâm hồn chúng sinh. Chính các vị là những bậc đã âm thầm gìn giữ sự sống cho hành tinh này. Trong đó, rõ ràng Đức Phật là Người vĩ đại nhất. Vậy nên, cần giữ đạo đức song song với khoa học.

Ngày hôm nay sự tiến bộ của khoa học quá khủng khiếp, máy móc đã thay thế cho bộ não con người, chúng sáng tạo giỏi hơn, tìm giải pháp thông minh hơn, tìm mục tiêu độc đáo hơn con người. Trong khi trình độ đạo đức của con người vẫn ở mức trung bình. Chưa bao giờ ta nói đạo đức của loài người đã tiến đến mức 3.0 hay 4.0, trong khi công nghệ đã đến ngưỡng 4.0. Vậy nên, có thể thấy khoa học đang tiến dần lên trí tuệ nhân tạo nhưng lại không thấy rõ ranh giới, bước tiến của đạo đức. Điều này đồng nghĩa với việc con người chưa hề quan tâm đến vai trò của đạo đức trong việc đi kèm công nghệ, giữ cho công nghệ không quay lại hủy diệt con người. Mỗi người chúng ta phải thấy trách nhiệm của mình ở đây.

Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở rằng: để đạo đức song song với khoa học, ta cần định lại mức thang cho nó. Mức đạo đức đầu tiên, sơ đẳng, dễ áp dụng nhất, đó là chia sẻ. Đây là mức đầu tiên trong rất nhiều mức thang đạo đức. Phải ở mức thang rất cao thì ta mới xuất hiện tinh thần, trách nhiệm với gia đình, xã hội. Ví dụ, đa số chúng ta đều thích trốn thuế, không thích làm bổn phận của công dân. Vậy nhưng, ta lại thích có một con đường khang trang, bằng phẳng; có nhân viên quét rác để đường lúc nào cũng tươm tất, sạch sẽ. Rồi là điện, đường, trường, trạm,… đâu phải ra đó. Nghĩa là, mọi dịch vụ đều phải tốt, đất nước này phải trở thành đất nước 5 sao, là nơi đáng để cho ta sống và tận hưởng.

Một nghịch lí là ta mong được sống ở đất nước 5 sao nhưng lại không muốn đóng thuế, hoặc có đóng thì chỉ đóng theo kiểu 1 sao, vậy có công bằng không? Vì thiếu tinh thần trách nhiệm công dân nên mãi ta không thể hiểu được nỗi lo của nhà nước đối với bầu ngân sách. Nghĩa là, ngân sách nhà nước chỉ có chừng ấy, nhưng làm sao để đem lại tiện ích cho người dân được tối đa; quốc phòng phải thật vững mạnh; an ninh xã hội phải thật ổn định; hạ tầng, nền giáo dục đều phải phục vụ tốt cho dân. Bao nhiêu thứ cần chi để phục vụ, chăm lo cho đời sống nhân dân, nhưng dân lại chỉ đóng chừng ấy tiền thôi.

Vậy nên, người nghiên cứu cho bầu ngân sách thật quả là những thiên tài.Muốn hiểu được nỗi khổ đó, ta phải đặt mình vào địa vị của họ. Nó cũng giống như trong gia đình ta vậy. Lương tháng có hạn nhưng ta lại mong con cái phải được học hành ở trường tốt, được ăn ngon, mặc đẹp, sức khỏe tốt,… Đúng là một bài toán khó. Bài toán của ta khó thế nào thì bài toán của các vị Lãnh đạo nhà nước khó gấp trăm lần vậy. Hiểu thế, ta mới thực hiện được trách nhiệm công dân. Tuy nhiên, cái gọi là khái niệm đối với tinh thần trách nhiệm với cuộc đời lại rất cao cấp, không phải ai cũng tư duy và đạt được. Cho nên, nấc thang đạo đức của loài người từ mức ban đầu là biết chia sẻ cho đến ngày hiểu được nỗi khó khăn của nhà nước để thích đóng thuế là một bước tiến rất xa.

Đa số chúng ta đều có thể đạt được mức ban đầu nhưng không mấy ai đạt được mức thích đóng thuế bởi khó ai thấy được trách nhiệm của mình trong công việc này. Phải người tư duy rất cao mới có tinh thần trách nhiệm. Thêm nữa, tinh thần trách nhiệm có nhiều phạm vi. Ví dụ, có người chỉ có tinh thần trách nhiệm với gia đình, ngoài gia đình ra thì vô trách nhiệm với mọi thứ xung quanh. Nhưng cũng có người lại vô trách nhiệm với cả chính gia đình của mình. Người có đạo đức hơn nữa sẽ vượt ra được phạm vi gia đình để có trách nhiệm với những người xung quanh. Tinh thần trách nhiệm càng lớn thì đạo đức càng cao. Ứng với một mức thang phạm vi, trách nhiệm nào hiện ra trong tâm thì ta đạt được chính đến nấc thang đạo đức đó. 

Vậy khi nào đạo đức con người “theo kịp” khoa học? Khi trong tâm mỗi người có tinh thần trách nhiệm với cả thế giới này. 

Khi nào đạo đức con người “vượt thắng” khoa học? Khi trong tâm mỗi người có trách nhiệm với cả pháp giới chúng sinh này. 

Chúng ta đã nói rằng chỉ số đạo đức được tính theo tinh thần trách nhiệm phủ sóng đến đâu. Đầu tiên là với gia đình (mức 1.0), dạng này không chịu nổi sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật.

Những người mà lúc nào cũng nghĩ đến trách nhiệm với xã hội, kể cả những người bán nước vỉa hè, đóng 1000 đến 2000 tiền phí cho địa phương một cách vui vẻ vì họ hiểu rằng số tiền đó là đóng góp cho ngân sách thì đạo đức của họ đã đạt được 5.0 rồi. 

Lại nữa, không đòi hỏi phải là người giàu hay quyền cao chức trọng; cũng không đòi hỏi mọi người phải có bằng cấp, trí thức cao, nhưng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm phải phủ sóng đến cộng đồng là đạt mức độ 6.0. Chỉ có vậy, nền văn minh mới tránh đi vào ngõ cụt, góp phần đưa tinh cầu này trở thành thiên đường. Ta phải làm điều này và trách nhiệm của mỗi người cũng chính là ở chỗ này.

Hơn nữa, việc lựa chọn ngã rẽ cho nền văn minh là trách nhiệm của mọi người. Những người có thế lực thì không chú ý đến đạo đức vì họ phải chạy đua với công nghệ cho kịp với các nước. Nếu trí tuệ nhân tạo của ta kém thì các nước khác sẽ xâm chiếm nước ta liền.

Thượng tọa yêu cầu, khi mà một bộ phận người buộc phải đi tìm công nghệ cho cao, chống đỡ phần còn lại của đất nước thì đại đa số những người khác có trách nhiệm gắn đạo đức đi kèm với khoa học. Và nó là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Nói rõ hơn, nhà nước có trách nhiệm phát triển công nghệ để bảo vệ đất nước, còn xây dựng hệ thống đạo đức đi kèm với công nghệ là trách nhiệm của mỗi người dân. Hệ thống đạo đức đó tính theo cái thang là tinh thần, trách nhiệm của ta đối với cộng đồng. Cộng đồng đầu tiên, cơ bản, nhỏ bé nhất chính là gia đình.

Mà gia đình mới chỉ là 1.0, cả nhân loại này mới là 6.0. Và khoa học tiến đến 6.0 là hết, bắt đầu quay lại thống trị loài người. Tuy nhiên, trong đạo đức của đạo Phật còn có 7.0, bởi khi Đức Phật được sinh ra, Ngài bước trên 7 bông sen. Tức là, đạo đức hơn khoa học một bước, thắng được khoa học để văn minh loài người không đi vào ngõ cụt.

Để mọi người dễ hiểu hơn, Thượng tọa đã đặt câu hỏi về nấc thang 7.0 này, nhưng chưa ai đưa ra được câu trả lời chuẩn xác nhất. Theo Thượng tọa, tinh thần trách nhiệm ở phạm vi thứ 7 chính là trách nhiệm với tất cả chúng sinh, vũ trụ (nói nhẹ nhàng hơn là “yêu thương được tất cả chúng sinh). Muốn vậy, trước hết, ta phải yêu được và có tinh thần trách nhiệm với đất nước mình. Dần dần, ta sẽ có tinh thần trách nhiệm với cả thế giới và vũ trụ luôn. 

Lý giải về nấc thang 7.0, Thượng tọa cho rằng chúng ta phải tu dưỡng rất nhiều: đầu tiên là tích cực đi chùa nghe Pháp để tinh thần trách nhiệm lớn dần lên. Chỉ khi tinh thần trách nhiệm lên cao, ta mới kéo nền văn minh này lại, không cho nó đi vào ngõ cụt. Giờ ta nhìn lại bản thân xem mình đang ở nấc thang đạo đức nào. Dù chưa đạt mức độ 7.0, nhưng ý thức được về nó nghĩa là ta đang cứu thế giới mai sau. 

Còn như nếu không có những con người đạo đức 7.0, yêu thương, có trách nhiệm bao la với chúng sinh thì thế giới này sẽ bị hủy diệt. Nhưng để nâng tinh thần, trách nhiệm lên cũng không dễ, bởi với nhiều người gia đình chính là tất cả, họ cố chấp ở mức độ 1.0, không muốn quan tâm đến bất kì cái gì khác, cũng không muốn tiến lên trên nấc thang đạo đức. Những người như thế này là đang góp phần hủy diệt thế giới.

Thậm chí, có những người không biết đến gia đình mình, vì trong họ chỉ có 1 người thôi.

Nhưng chúng ta, cứ nâng dần, mở rộng phạm vi phủ sóng của tinh thần trách nhiệm lên để cứu thế giới. Còn nâng lên bằng cách nào thì tùy thuộc vào tư duy và trí thông minh của mỗi người. Để cứu cho kịp, ta phải tư duy ngay từ hôm nay. Nếu không tư duy, không nâng trách nhiệm của mình lên cao được thì ta cũng là những người hủy diệt thế giới.

Ở mức độ 7.0, ta dùng từ hiện đại là có tinh thần trách nhiệm với chúng sinh, nhưng phân tích ra, nó lại hết sức nhẹ nhàng là yêu thương được tất cả chúng sinh. Muốn làm được điều đó, ta phải đạt được vô ngã thông qua thiền định. Mà nói đến thiền định là đi vào “tâm linh”, đó là điều mà trí tuệ nhân tạo không bao giờ có được. Người máy có thể mạnh hơn, thông minh, sáng tạo hơn, tìm giải pháp, tính toán nhanh hơn con người, nhưng sẽ không bao giờ có tâm linh. Và chỉ ở mức độ tâm linh này, con người mới hơn được người máy, nếu không có tâm linh, chúng ta mãi mãi thua chúng mà thôi.

Có những vong linh trong cõi vô hình khát khao cuộc sống vật chất nên đã nhập vào bức tranh, bức tượng hoặc búp bê, rồi tương tác yếu ớt với con người. Đó là chuyện có thật. Với những con robot hình người, vong linh cũng có thể nhập vào, nhưng nhập vào rồi vẫn không làm gì được vì suy nghĩ của vong không mạnh bằng bộ óc điện tử, cuối cùng vong linh vẫn phải đi ra trở lại. Cho nên robot dù rất thông minh cũng sẽ không bao giờ có đời sống tâm linh, đó là điều may mắn cho chúng ta. 

Thượng tọa nhấn mạnh, chỉ có nâng trình độ con người lên, trở thành tâm linh giác ngộ, ta mới khống chế được sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, không cho nó trở thành công cụ hủy diệt loài người. Lúc đó, ta mới làm chủ, điều khiển được nó. Robot cứ được cải tiến, trí tuệ nhân tạo cứ tiến bộ nhưng ta vẫn luôn ở một đẳng cấp cấp cao hơn. Sau đó, ta lại dùng chính công nghệ, dùng trí tuệ nhân tạo đó để xây dựng hành tinh này cho an vui, tốt đẹp, xứng đáng với đạo đức của con người – đạo đức đã đến mức độ 7.0 là yêu thương được hết thảy chúng sinh trong vũ trụ này. 

Đồng thời ở mức độ tiến bộ đó, loài người sẽ có đĩa bay, sẽ du hành trong vũ trụ, tìm đến những nơi mà chúng sinh còn mê muội để rao truyền đạo đức, trước hết là luật nhân quả. Đó là ước mơ, là lý tưởng của tất cả chúng ta. 

Tóm lại, bằng những ngôn từ đanh thép, đầy chất lí luận, mang tính chuyên ngành cao, Thượng tọa đã lột tả được hết những điều sâu xa, ẩn chứa trong mỗi đạo lí. Thật khó có thể hiểu ngay, nhưng ai cũng có một cái nhìn đầy đủ, khách quan hơn về chủ đề của bài Pháp thoại này. Đây sẽ là cái sườn cho các phật tử tu tập, rèn luyện. Quá trình tu học này sẽ giúp mọi người hiểu và nắm chắc đạo lí hơn. Cho nên, sau bài giảng này, Thượng tọa chỉ đạo cho các đạo tràng, và Chúng thanh niên thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang trong cả nước phải nắm rõ nội dung để làm bài kiểm tra. Sẽ có câu hỏi đặt ra, nếu đạo đức 1.0 là có tinh thần trách nhiệm với gia đình; 5.0 là tinh thần trách nhiệm với đất nước; vậy 2.0; 3.0; 4.0 là gì?

Có thể nói, đây là một bài Pháp thoại khó và vô cùng mới mẻ. Ngay cả những nhà khoa học cũng “ngại” đụng chạm đến mọi thứ liên quan đến nó khi chưa có những đánh giá, kết luận rõ ràng. Phải có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, trí tuệ lắm, Thượng tọa mới đưa ra được những luận điểm, luận chứng sâu sắc, logic như vậy. Đây mới chỉ là bàn đến, nhưng sự tương thích của nó với các hiện tượng trong thực tế sẽ giúp mọi người tự đánh giá, nhìn nhận cho riêng mình.

Thêm nữa, bài Pháp còn đánh thức trách nhiệm với nhân loại trong mỗi cá nhân. Mải miết chạy theo khoa học mà quên đi việc trau dồi, nâng tầm đạo đức là ta đang góp phần tận diệt trái đất. Đến lúc khoa học phát triển cực cao thì ta rất khó kiểm soát. Thế nên, ngay từ bây giờ, mỗi người phải tư duy, suy nghĩ làm sao để nâng đạo đức mình lên. Vậy ta mới điểu chỉnh khoa học đi theo hướng có lợi cho con người được./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết pháp tại chùa Tương Mai:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất