Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
Trang ChủTIN HOTThể hiện sự kính trọng đối với Sư Phụ như thế nào...

Thể hiện sự kính trọng đối với Sư Phụ như thế nào cho đúng?

-

Khi chúng ta đi theo con đường tu học, cùng với sự yêu thích học hỏi giáo lý, điều cần có trước hết là lòng tôn kính Đức Phật đến vô biên, tiếp đến là lòng kính ngưỡng những vị xuất gia đã cắt ái từ thân tu hành theo chánh pháp, tự nguyện làm sứ giả Như Lai để thay Phật giáo hóa giữa đời. Trong số những vị xuất gia ấy có Sư Phụ là vị Thầy đặc biệt thiêng liêng với mỗi người. Sư Phụ là vị đã mang Phật pháp đến cho cuộc đời ta, và là vị chân tu mà sau bao năm cầu nguyện, trăn trở kiếm tìm ta mới đủ duyên gặp được.

Từ khi đi theo Sư Phụ rồi ta được lòng bi mẫn của Người che chở, được dòng sữa pháp nuôi nấng, được thăng hoa tâm hồn lên từng ngày. Vì thế tình cảm kính yêu của ta dành cho Người cũng lớn dần theo. Kính yêu Sư Phụ vừa là đạo đức, cũng vừa là nguồn động lực giúp chúng ta vượt qua bao thử thách để giữ vững đạo tâm, quyết chí theo Thầy, theo Phật đến vô biên.

Thường khi kính trọng ai thì chúng ta luôn tìm cách thể hiện tình cảm của mình. Tuy nhiên cách thể hiện tình cảm của người đệ tử với vị Thầy trong đạo thì không giống như ở thế gian, mà phải tinh tế, đúng thời, đúng lúc. Chúng ta hãy cùng nhau bàn về việc: Thể hiện lòng kính trọng đối với Sư Phụ như thế nào cho đúng?

Nhiều người đã thể hiện sự yêu mến Sư Phụ như với người mà mình có nhiều tình cảm ở ngoài đời, lối hành xử này thật ra đã gây nhiều phiền toái. Ví dụ họ luôn tìm cách xuất hiện trước Sư Phụ bất cứ khi nào có thể để chứng tỏ mình yêu mến Sư Phụ, hoặc mình là người quan trọng. Đây là những người chưa hiểu Thầy mình, không biết rằng chung quanh Sư Phụ là rất đông đệ tử, tình thương yêu của Sư Phụ dành cho mọi người cũng như ánh trăng luôn chan rải bình đẳng mà thôi, không hề có sự thiên vị riêng tư nào.

Hơn nữa, hàng ngày Sư Phụ phải soạn bài giảng, viết sách, sáng tác nhạc…tất cả chỉ để phục vụ cho việc giáo hóa. Ngoài ra, Người còn đi khắp nơi để hoằng dương chánh pháp, rồi còn lo cho đời sống tu học của Đại chúng, cũng như phụ trợ công việc phật sự của Giáo hội hay các chùa khác… Nói chung, Sư Phụ đang phải gánh vác những núi công việc phật sự với các trọng trách khác nhau mà chúng ta nào hay biết. Cho nên thời gian nghỉ ngơi của Người rất ít. Vậy việc chúng ta luôn tìm cách xuất hiện bên cạnh Sư Phụ mình thì có đúng hay chăng?

Ngay cả khi Sư Phụ dành thời gian tiếp phật tử thì chúng ta cũng nên có sự chuẩn bị trước, chỉ thưa chuyện ngắn gọn, tránh làm mất nhiều thời gian của Người. Nên biết, ngoài giờ tiếp khách, khi cần gặp Sư Phụ, ta nên xin phép trước thông qua thầy thị giả, hoặc quý thầy, cô trong Ban Quản Viện và phải tuân thủ theo sự sắp xếp của những vị có thẩm quyền trong chùa.

Thực tế đã có những phật tử xin gặp vào những lúc Sư Phụ không thể tiếp chuyện, nên đã khởi tâm tự ái, cho rằng mình không được tôn trọng. Hay có những người xếp hàng để được Sư Phụ xoa đầu, sau đó quay lại để được xoa đầu lần nữa. Hoặc có người gửi email, tin nhắn để hỏi về những vấn đề đáng ra không nên hỏi, không cần thiết phải hỏi… Chứng kiến những việc như vậy rồi mới thấy rằng nhiều huynh đệ mình mặc dù kính nhưng chưa hiểu, chưa thương Sư Phụ.

Chúng ta đừng bao giờ có ý nghĩ muốn Thầy mình phải khen tặng, nuông chiều, quan tâm đến mình như thói quen thị trường “khách hàng là Thượng đế”. Chính tư tưởng lệch lạc này khiến ta có thể nổi loạn, có lúc tự nhiên “làm mình làm mẫy”, “làm eo làm xách” với đạo Sư, với quý thầy, cô, thậm chí với đạo tràng vì cho rằng mình làm đệ tử chùa ấy, vị thầy ấy, đạo tràng ấy là tốt lắm rồi. Nếu không trân trọng ta thì ta sang chùa khác, tìm đạo tràng khác… Ngoài kia, có biết bao chùa khác, thầy khác cần ta. Thiết nghĩ, với loại đệ tử như thế trước sau gì họ cũng ra đi với một cái “tôi” to đùng vì chấp công.

Phải hiểu rằng lòng Thầy thì như biển cả, lúc nào cũng rộng mở bao dung, vỗ về tất cả. Và ai trong chúng ta cũng nhận thấy cái ngắn ngủi hữu hạn của đời người, của thời gian, huống hồ với một vị Thầy như Sư Phụ thì thời gian lại càng quý giá, ít ỏi biết bao, chưa kể bao mệt nhọc vất vả của sự nghiệp giáo hóa độ sinh lúc nào cũng làm nặng trĩu thêm đôi vai Người. Vì vậy chúng ta hãy giữ cho mình cách cư xử đúng đắn, hợp lý, khéo léo, đừng phô bày quá đáng, đừng làm mất nhiều thời gian, tâm sức của Thầy mình.

Với các phật tử trong Ban Điều Hành đạo tràng, nếu thuận duyên thì nên tạo điều kiện cho những huynh đệ ở xa về được gặp Sư Phụ, khi nghe giảng nên ưu tiên cho các huynh đệ này ngồi trên, hoặc để ý chăm sóc cho các huynh đệ mới đến chùa lần đầu khi thấy họ còn bở ngỡ. Và khi gặp Sư Phụ ta chắp tay với niềm thương kính ngập tràn trong lòng là đủ, đừng đòi hỏi như tình cảm ở thế gian.

Lại nữa, có những người thích ca ngợi Sư Phụ trên mạng xã hội, nhất là Facebook. Xét về mặt tâm lý, thường thì người đệ tử thích ca ngợi Thầy mình, điều đó hoàn toàn tự nhiên, chính đáng. Tuy nhiên, có người ca ngợi xong giúp Sư Phụ mình được yêu mến thêm; có người vừa ca ngợi đã khiến Sư Phụ mình bị căm ghét hơn, vì đã gây ra sự hiểu lầm. Thậm chí đã có vài kẻ giả vờ làm đệ tử, tự xưng làm đệ tử, rồi ca ngợi Sư Phụ, ca ngợi theo kiểu chà đạp các Bậc tôn túc khác, thách thức các Bậc thầy khác, kết quả là Sư Phụ bị cô lập. Vì vậy, ca ngợi Sư Phụ là cả một nghệ thuật, cần trí tuệ và đạo đức tinh tế. Bằng không ta rất dễ gây ra sự hiểu lầm, phản tác dụng, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng. Chúng ta phải rất thận trọng trước vấn đề này.

Sư Phụ thường không muốn nói về mình, thậm chí không cho chúng ta tôn vinh Người mà thường nhắc nhở chúng ta hãy đặt lòng tôn kính tuyệt đối, những gì tốt đẹp nhất lên Đức Phật, và có thương kính Sư Phụ thì mình hãy tin tấn tu tập, hết lòng phụng sự cho Phật pháp, cho cuộc đời và hãy sống rất tử tế với mọi người bằng cả tấm lòng chân thành của mình, đừng mong cho đi là sẽ nhận lại.

Hơn nữa, cả cuộc đời tu hành, giáo hóa, phụng sự, cống hiến của Sư Phụ đã nêu gương cho chúng ta về tinh thần khiêm hạ, về cách sống tử tế mà ai cũng nhận biết. Điều đó cho thấy những gì Sư Phụ làm đã tự toát lên sự cao đẹp rồi. Cho nên việc ca ngợi Sư Phụ, ta nên khéo léo, vừa chừng, đúng mực, làm sao cho mọi người khởi tâm kính ngưỡng những Bậc đáng kính để họ tăng trưởng công đức, giúp họ dễ tu là đủ. Tuyệt đối tránh gây ra sự hiểu lầm, ngộ nhận. Bên cạnh đó, ta nên dành thêm sự ca ngợi cho các Bậc tôn túc hay các vị Danh nhân, các vị Lãnh đạo khác đã có công lao với đất nước, với nhân loại. Đó là ta thực hành đúng lời dạy của Sư Phụ, là thể hiện sự tôn kính Thầy mình rất chân chính, đúng đạo lý.

Việc một số người thích chụp hình Sư Phụ hay viết bài Sư Phụ vừa giảng rồi đăng vội vàng lên mạng cũng không nên. Nếu muốn chụp hình Sư Phụ hay viết bài thì nên được sự đồng ý của Sư Phụ trước, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Hiện nay, có nhiều facebook giả mạo lấy giống hệt tên các facebook của chùa. Do đó các huynh đệ Đạo tràng hay Chúng thanh niên cần truy cập đúng địa chỉ, tên miền như danh sách dưới đây.

Đây là danh sách những facebook chính thức do Thiền Tôn Phật Quang quản lý để mọi người có thể theo dõi trực tiếp, hoặc chia sẻ bài viết, hình ảnh:

1. THIỀN TÔN PHẬT QUANG (https://www.facebook.com/THIENTONPQ) – Trang Facebook chính thức, được liên kết trực tiếp với website thichchanquang.comthientonphatquang.com

2. Đệ Tử Thiền Tôn Phật Quang (https://www.facebook.com/detuthientonphatquang)

3. Chùa Phật Quang (https://www.facebook.com/chuaphatquangBRVT)

Và một điều đặc biệt nữa là không nên vội vàng like hay share (chia sẻ) các bài viết của cá nhân ai đó khi chưa thực sự biết họ là ai hoặc nội dung bài viết chưa kiểm duyệt, chưa ghi rõ nguồn. Vì làm như vậy, nếu có gì sai sót thì vô tình chúng ta làm những bài viết đó lan truyền nhanh hơn trên mạng xã hội, facebook, lúc đó hậu quả nếu có xảy ra sẽ rất khó kiểm soát.

Ngoài ra, một hành động có ý nghĩa nhất để thể hiện lòng thương kính Sư Phụ không phải là tìm cách được tiếp cận với Sư Phụ khi mình muốn, mà là vâng lời Sư Phụ, thực hành lời Sư Phụ dạy, nỗ lực tu tập, tạo công đức, hi sinh phụng sự không tiếc công sức, gắn bó với huynh đệ, đề phòng, dập tắt những âm mưu phá hoại đạo tâm. Nói chung, sự kính ngưỡng, yêu mến ấy phải được nuôi dưỡng cho trở thành tình cảm son sắt thiêng liêng, thành sự trung thành tuyệt đối với Sư Phụ không gì lay chuyển nổi.

Với những huynh đệ có đủ phước duyên được Sư Phụ giao cho những trọng trách trong Ban điều hành các Đạo tràng, Chúng thanh niên thì hãy nhu thuận, luôn ghi nhớ nguyên tắc: “Vâng lời – Xin phép – Báo cáo” mà sư Phụ đã chỉ dạy. Cũng cần cảnh giác với cái tâm kiêu mạn của mình từ sự quán chiếu: nhờ ân đức của Sư Phụ mà ta có thể làm được một số phật sự, được nhiều huynh đệ yêu mến, chứ không phải nhờ sự tài giỏi của mình. Nếu âm thầm nuôi cái tâm kiêu mạn cho mình là giỏi, là hay, thậm chí cho mình đã bằng Thầy thì sớm muộn đường tu cũng gãy ngang, cái duyên với Sư Phụ cũng chấm dứt.

Nên nhớ, đạo đức khiêm nhu và trung thành tuyệt đối sẽ giúp cho đạo tâm của chúng ta luôn kiên cố. Nhờ vậy việc tu hành của ta sẽ ổn định, không bị thoái chuyển, mà tiến bước nào vững bước đó. Như vậy, khiêm tốn là trang phục đẹp đẽ nhất của con người, và cũng là đạo đức nền tảng trên con đường tu tập hướng đến vô ngã.

Tóm lại, tình thương yêu không nhất thiết phải luôn được bày tỏ rõ ràng. Có khi ta khéo léo ngợi ca Sư Phụ, có khi ta lặng yên thương kính Người, hoặc khi âm thầm chiến đấu với bản ngã của chính mình, khi nỗ lực nhắc nhở, hướng dẫn huynh đệ cùng tu, cùng hộ đạo… Tất cả đều là lòng kính trọng, biết ơn Sư Phụ cả. Chúng ta hạnh phúc với những điều này, còn lại không đòi hỏi bất cứ tình cảm, sự chú ý nào về phần mình,

Ta cứ tu, cứ lặng lẽ làm được điều gì đem lại lợi ich cho Phật pháp, cho mọi người thì nỗ lực làm. Và điều ta không ngờ là có khi Sư Phụ chưa kịp biết, huynh đệ không kịp thấy, nhưng trời đất đã cảm động, chư Phật, chư Thiên đã chứng giám cho tấm lòng chân thành đó rồi.

Chúng ta đừng sẵn sàng biến mình thành đứa trẻ vòi vĩnh và luôn thèm khát sự yêu thương của Thầy mình. Nếu chúng ta có duyên được ròng rã đi theo Sư Phụ trên bước đường làm phật sự hay được Sư Phụ tin tưởng giao cho nhiệm vụ điều hành Đạo tràng thì phải thấy trách nhiệm của mình mà làm trong sự nhu thuận, cẩn thận, chu đáo mọi việc, và phải có sự thương yêu, nâng đở đối với người dưới của mình.

Trước nhu cầu kính ngưỡng Phật giáo của hàng triệu tín đồ phật tử và hàng chục triệu đồng bào yêu mến đạo Phật, chúng ta làm sao để cuộc đời và sự nghiệp giáo hóa của Sư Phụ nói riêng và những Bậc tôn túc tu hành chân chính nói chung mãi mãi là kì quan để người đời kính trọng và chiêm ngưỡng.

Hạnh phúc quá khi đời ta có Phật
Có Minh Sư chỉ lối dẫn đường
Cùng bao Huynh Đệ yêu thương
Yên tâm vững bước thẳng đường mà đi.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 8/5/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất