Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủHội từ thiệnCác hoạt động từ thiệnHội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang thăm mẹ VNAH tại Củ...

Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang thăm mẹ VNAH tại Củ Chi

-

Trong năm, cứ mỗi quý (3 tháng), Hội Từ Thiện Thiền Tôn Phật Quang lại về thăm các “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM – nơi được mệnh danh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, còn được gọi là “Vùng đất thép”, nhằm thể hiện tình cảm biết ơn đối với những người có công với đất nước.

Sáng ngày 15/11/2018, Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang do ĐĐ Thích Toàn Quý làm Trưởng đoàn phối hợp với lãnh đạo UBND xã Trung Lập Thượng đã có chuyến thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Được biết, huyện Củ Chi là nơi có nhiều bà Mẹ được truy tặng, phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng nhất tại thành phố Hồ Chí Minh với 777/2086 Mẹ. Tại nơi này, nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng là những nhân chứng sống của lịch sử, là tấm gương về lòng yêu nước và lòng nhân ái của nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam. Và hầu hết các Mẹ còn sống đến nay đều đã cao niên. Vào đầu năm 2015, TT.Thích Chân Quang là Người chịu trách nhiệm quản lý Thiền Thất Bảo Quang (ấp 3A, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) đã nhận phụng dưỡng suốt đời 5 bà Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Trung Lập Thượng này.

Đúng 9h, Đoàn xuất phát tại Thiền thất Bảo Quang rồi đến xã Trung Lập Thượng. Tại đây,Đoàn lần lượt đến từng nhà thăm viếng và tặng quà cho các Mẹ.

Tham dự buổi viếng thăm có sự hiện diện của ĐĐ Thích Toàn Quý – đại diện Thiền thất Bảo Quang, cùng các thành viên Hội Từ Thiện Thiền Tôn Phật Quang, và các phật tử Đạo tràng Phật Chi (Củ Chi).

Về phía lãnh đạo địa phương có ông Nguyễn Bá Sơn – Chủ tịch Hội Người Cao Tuổi.

Điểm đến đầu tiên, Đoàn đến thăm Mẹ Kiều Thị Nông (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng) – người có biệt danh là “Bà Pháo Binh” sinh năm 1936. Khi đến nhà được chứng kiến cảnh một dáng người mãnh khảnh, mặc bộ đồ bà ba đen, đầu đội nón lá chạy chiếc xe đạp cộc cạch vừa đi thăm nhà hàng xóm trở về, không ai tin được năm nay Mẹ Nông đã 82 tuổi. Cả Đoàn ai cũng vui mừng vì thấy Mẹ vẫn còn khỏe mạnh lắm.

Khi ấy, nhìn thấy Đoàn đến thăm Mẹ nở nụ cười tươi rạng rỡ, rồi ôm hôn từng thành viên trong Đoàn như tình thương của người mẹ cách mạng dành cho những đứa con xa mới về… Hình ảnh đó trông thật cảm động.

Theo lời Mẹ kể, cả hai vợ chồng Mẹ đều tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi chồng mẹ và con gái đầu lòng hy sinh, Mẹ vẫn phải nuốt lệ tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Hàng ngày Mẹ âm thầm tiếp tế cho bộ đội, làm công tác mật và giao liên – một nhiệm vụ phải chịu nhiều gian khó, phải giữ bí mật tuyệt đối với địch và với cả những người xung quanh, kể cả gia đình của mình. Lúc ấy, thời gian Mẹ ở tù nhiều hơn ở nhà… Giờ đây những đòn tra tấn của kẻ địch vẫn còn hằn sâu trong kí ức của Mẹ. Không những thế, trong thời bình tinh thần cống hiến của người chiến sĩ ấy vẫn còn. Gần đây, Mẹ đã hiến một phần đất nhà để làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, với số tiền phụng dưỡng, Mẹ cần kiệm để dành sang sẻ cho những hộ nghèo tại địa phương.

Chia tay Mẹ Nông, Đoàn tiếp tục đến thăm Mẹ Lương Thị Miền, sinh năm 1936, cư ngụ tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Cũng như những bà Mẹ Việt Nam anh hùng khác, chồng Mẹ Miền hoạt động du kích, đã hy sinh vào năm 1962, và con gái của Mẹ là chiến sĩ quân báo đoàn 83 cũng đã hy sinh vào năm 1970.

Trong lúc trò chuyện, ký ức ùa về, những hình ảnh thời chiến hiện ra, Mẹ đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đầy bi hùng về chồng, con và của chính Mẹ. Hiện tại, những vết thương bị tra tấn dã man trong thời chiến tuy đã lành lặn, nhưng sự đau nhức bên trong cứ giày vò suốt ngày khiến chân Mẹ đi lại có khó khăn. Dù vậy, tuy đã 82 tuổi, nhưng trông Mẹ vẫn còn khỏe và Mẹ kể về những năm tháng chiến tranh như một ký ức đẹp của cuộc đời.

Chia sẻ với chúng tôi, Mẹ nói: “Mẹ rất vui khi nhìn thấy sự tiến bộ, phát triển, giàu đẹp của quê hương đất nước; cũng như các thế hệ con cháu, Đảng, cộng đồng xã hội luôn nhớ đến sự cống hiến của gia đình Mẹ, luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên Mẹ lúc tuổi cao sức yếu”. Tuy đây chưa phải là hạnh phúc trọn vẹn nhưng với Mẹ đó là niềm vui, sự an ủi rất lớn…

Kề đến, Đoàn đến thăm Mẹ Trương Thị Trắng, sinh năm 1937, ngụ tại ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi và Mẹ Nguyễn Thị Ruôi, sinh năm 1928, ngụ tại ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.

Sau buổi trò chuyện thân mật với Đoàn, ĐĐ Thích Toàn Quý thay mặt Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang và Thiền Thất Bảo Quang đã gửi đến Mẹ Trắng phần quà bồi dưỡng sức khỏe và tiền phụng dưỡng hàng tháng. Liền đó, Mẹ bảo “Vào cái thời chiến tranh thì mọi thứ có khó khăn, thiếu thốn, nhưng giờ qua hết rồi các con à. Mẹ không thiếu thứ gì cả, các con đừng tốn tiền mua quà cho Mẹ, nếu được hãy chia sẻ cho người còn thiếu thốn bên ngoài”. Ôi! Tấm lòng Mẹ thật cao cả, vị tha.

Riêng Mẹ Nguyễn Thị Ruôi năm nay ngoài 90 tuổi, sức khỏe của Mẹ khá yếu vì vừa trải qua cơn bạo bệnh. Tuy không thể trao đổi, trò chuyện với Đoàn, nhưng Mẹ vẫn còn nghe rõ và còn ý thức được. Điều này biểu lộ trong ánh mắt của Mẹ chứa đầy nỗi niềm, Mẹ rất muốn trò chuyện với mọi người, nhưng vì sức khoẻ không cho phép nên Mẹ chỉ nắm tay những người ngồi gần trước khi Đoàn ra về.

Như thường lệ, cứ mỗi quý, Hội gửi tặng mỗi Mẹ 6.000.000 đồng/ 3 tháng và một phần quà nhỏ (500.000 VNĐ). Tổng kinh phí cho chương trình này là 26 triệu đồng.

Ngẫm lại, với thời gian trôi qua, nỗi đau của các Mẹ đã dần vơi, thay vào đó là niềm vui được sống trong một đất nước thanh bình, hoàn toàn độc lập. Đồng thời các Mẹ được an ủi nhiều hơn khi luôn được Đảng, Nhà nước và các Hội đoàn quan tâm.

Cũng vậy, thông qua nghĩa cử này, TT.Thích Chân Quang – Người sáng lập Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang muốn giáo dục cho lớp trẻ về đạo đức biết ơn và nâng dậy tinh thần yêu nước, lý tưởng sống cho các em. Từ đó, giúp các em có động lực để vượt qua những cám dỗ của các tệ nạn xã hội và làm được nhiều việc có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

Đó là lý do mà trong những buổi viếng thăm Mẹ VNAH, Thượng tọa cho phép rất đông Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang đồng tham dự. Khi chúng tôi được trực tiếp nghe các Mẹ kể về sự hy sinh của chồng, con họ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đã làm cho chúng tôi hiểu được nỗi đau chiến tranh, cùng những phấn đấu của các Mẹ với một niềm tin sẽ có ngày hòa bình.

Nói về chiến tranh và những hậu quả nó để lại thì ai cũng thấy sự mất mát, đớn đau của những người trong cuộc. Rộng hơn nữa, nó cắt đứt sự kết nối, yêu thương lẫn nhau giữa người với người. Cho nên, từ 2052 năm trước, Đức Phật đã coi việc ngăn ngừa chiến tranh, dựng xây một thế giới hòa bình, yên ổn là những vấn đề cốt lõi. Thế nên trong suốt lịch sử chưa bao giờ Phật giáo gây ra chiến tranh cho bất cứ nơi nào có mặt./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh chuyến thăm:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất