Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễHơn 1,4 vạn lượt người tham dự Đại lễ Phật Đản PL.2564...

Hơn 1,4 vạn lượt người tham dự Đại lễ Phật Đản PL.2564 tại Thiền Tôn Phật Quang

-

Từ ngày 14 – 15/04 nhuận năm Canh Tý (nhằm ngày 05 – 06/06/2020), tại Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, BRVT) đã cử hành Đại lễ Phật đản PL.2564 – DL.2020, với sự tham dự của Chư Tăng, Ni tại Bổn tự, cũng như Chư tôn đức Tăng, Ni các Tự viện trong và ngoài tỉnh; sự tham dự của hơn 1,4 vạn lượt Phật tử, khách thập phương, các văn sĩ, nghệ sĩ, các giới trí thức thuộc các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có gần 2.000 Phật tử từ hệ thống Đạo tràng Phật Quang, hơn 2.000 bạn trẻ bao gồm các Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang và sinh viên thuộc các Trường Đại học về tham gia công quả phục vụ cho Đại lễ.

Do năm nay nhuận tháng tư, đồng thời sau khi Chính phủ đã cho gỡ bỏ lệnh cách ly xã hội, đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19 đã qua, Thượng tọa Thượng Chân Hạ Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang quyết định tổ chức Đại lễ Phật Đản PL.2564 – DL.2020 một cách long trọng trang nghiêm, nhưng cũng rất nghiêm túc, kỹ lưỡng trong việc phòng chống dịch.

Chứng minh và tham dự Đại lễ có: HT. Thích Thiện Bình – Phó BTS GHPGVN tỉnh An Giang; HT. Thích Chân Mãn – Sư huynh của Thượng tọa Trụ trì; TT. Thích Nhuận Trí – Phó BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; TT. Thích Minh Thiện – Trưởng BTS Phật giáo thị xã Phú Mỹ; TT. Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phong Hòa (Đồng Tháp).

Về phía Chư Ni có: Ni Sư Thích Nữ Như Thiện; Ni Sư Thích Nữ Minh Nguyệt; Sư cô Thích Nữ Liên Hoàng.

Về phía khách mời có: ông Lưu Công Vinh – Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An; nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Giao lưu Văn hóa Khoa học và Giáo dục thuộc Hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam.

Đặc biệt, trong Đại Lễ lần này còn có sự hiện diện của các bạn trẻ người nước ngoài, các vị tham gia công quả làm việc nhiệt tình như một người Phật tử nằm trong các Ban phục vụ Lễ.

Chương trình Đại lễ Phật Đản PL. 2564 tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra nhiều hoạt động bao gồm: Lễ xuất gia; Khóa tụng Kinh nhạc TỪ BI SÁM HỐI – phiên bản tiếng Anh; Khoá tụng Kinh BÁT CHÁNH ĐẠO và Kinh nhạc LẠY PHẬT SÁM HỐI – tiếng Việt và nhạc Việt (cùng một lúc TT. Thích Chân Quang thực hiện 2 công việc là thay đổi ngôn ngữ, và dùng âm nhạc thay cho phương thức tụng niệm cũ, nhưng vẫn bảo đảm được sự chính xác về nội dung, ngôn từ); Khóa lễ Cầu an Cầu siêu; Quy y Tam Bảo, thuyết Pháp, ngồi Thiền; giao lưu nhân vật; văn nghệ; tập khí công; v.v… Chương trình nào cũng mới lạ, hấp dẫn, mang tính giáo dục cao để nâng tình yêu đạo trong tâm của mỗi người khi đến chùa. 

Nếu không có đạo thì không dễ gì hàng vạn con người sống chung nhau mà mọi sinh hoạt đều diễn ra tốt đẹp, nề nếp, không có hiện tượng chen lấn xô đẩy, không có tình trạng phân biệt, không vứt rác bừa bãi, không có khói thuốc lá, không nói lời khiếm nhã, v.v… Đó là lý do mà ngày càng nhiều người rủ nhau về Thiền Tôn Phật Quang tham dự các Đại Lễ. Đêm 14/04 nhuận lên đến đỉnh điểm có tới 14.000 người tham dự buổi thuyết Pháp của Thượng tọa Trụ trì. Phật Giáo đúng là phải cải cách thay đổi nếu muốn tồn tại. Nhìn nhiều chùa trong các dịp Lễ lớn của Phật giáo mà cực kì vắng thì rất đáng lo.

Đúng 9h00” sáng ngày 14/04 nhuận, tại Chánh điện, Khóa lễ tụng kinh Cầu an diễn ra thật trang nghiêm với sự tham dự của đông đảo Phật tử. Tiếp theo là Khóa lễ Cầu siêu và sau đó Quý Thầy làm lễ Quy y Tam Bảo cho gần 1.000 thiện nam tín nữ chính thức trở thành Phật tử trong ngày 14 và 15/04. 

Tiếp đến, vào lúc 14h00” tại Lễ đài Phật đản, một chương trình giao lưu được diễn ra với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh.

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh sinh ra và lớn lên tại nơi được mệnh danh là cái nôi của hát thơ và lẩy kiều nổi tiếng xứ Thanh. Cha bà là thầy thuốc Đông y, cũng là ông đồ dạy chữ Nho ở làng, mẹ bà là một nông dân chất phác và cũng là một nghệ nhân hát thơ dân gian. Từ bé, những câu hát lời thơ của cha mẹ đã thấm sâu vào tâm hồn bà. Sau này bên cạnh việc kinh doanh, hằng ngày bà vẫn làm thơ rồi ngâm và tự hát một mình như một cách để tìm về nơi thanh thản của tâm hồn.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bà Nguyễn Hồng Oanh nổi lên như một nghệ sĩ lạ, bà liên tục đi hát thơ ở trường, ở các miền quê, các công ty xí nghiệp, hát cho các chiến sĩ trong quân đội, và đặc biệt là cho những bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Bà cũng sáng tác và cho xuất bản một số tập thơ như: Trăng xuân, Sóng hát, Đất ngời do Nhà xuất bản Văn học xuất bản.

Năm 2012, bà là một trong những nghệ sĩ hát thơ được Nhà Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân Gian. Ngày 27/11/2014, với sự đóng góp của bà, hát ví dặm được UNESCO công nhận là Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể của nhân loại. Năm 2015, bà vinh dự được Chủ Tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ Nhân Ưu Tú. Gần đây nhất, nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh, 2018 đạt giải B (Huy chương vàng) cá nhân với tiết mục ngâm thơ cổ. Hơn 30 năm rong ruổi khắp mọi miền trong và ngoài nước, giờ đây, bà vẫn miệt mài truyền dẫn tình yêu quê hương đến với những trái tim đang khát khao nguồn nước linh thiêng của dân tộc.

Đến với Thiền Tôn Phật Quang trong dịp Lễ Phật Đản này, bà xem đây như một cơ duyên hiếm có trong đời mà từ lâu mình hằng mong chờ. Từ lâu, bà đã tìm nghe các bài giảng Pháp của Thượng tọa trụ trì và rất mến mộ, đến ngày hôm nay mới được về chùa, lòng bà ngập tràn niềm vui.

Đặc biệt, bà rất ấn tượng với không khí ấm cúng mà trật tự nề nếp, với hàng nghìn thanh niên từ khắp cả nước đổ về phục vụ công quả. Các em làm việc trong sự tận tâm, chu đáo và rất trân trọng những ai bước chân đến chùa. Theo bà, đây chính là cơ hội cho các em được rèn dũa đạo đức, rất đáng quý. 

Xuyên suốt buổi nói chuyện là những chia sẻ ý vị của bà về tình yêu quê hương đất nước, về giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc mà bà đã gửi gắm trong từng lời thơ, câu hát. Theo bà, dòng thơ ca này là điều đã nuôi nấng tâm hồn của cha ông ta trong lao động, trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm và tiếp tục ngày hôm nay trong việc dựng xây đất nước. Bà cũng chia sẻ cái nhìn sâu sắc của mình về các quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, về “Rủ nhau sớm biết đi chùa, trẻ trung dễ học già nua khó hành”…

Bằng chất giọng ngọt ngào sâu lắng, bà đã ngâm hát những bài thơ do chính mình sáng tác và một bài thơ do Thượng tọa trụ trì sáng tác, với lối hát thơ (giọng 3 miền) của một nghệ nhân chuyên nghiệp cũng đã đem lại sự hào hứng không kém cho lớp trẻ, kể cả người trung niên và lớn tuổi,… Tất cả thính chúng hết sức thích thú.

Cuối cùng bà bày tỏ mong ước tất cả chúng ta đều hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về Phật pháp và cầu nguyện cho Phật pháp đến với mọi người. 

Tại buổi giao lưu, ông Lưu Công Vinh – Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An đã thay mặt tất cả Tăng Ni, Phật tử Thiền Tôn Phật Quang trao món quà tinh thần – là kỷ niệm chương vinh danh Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh là NÉT ĐẸP QUÊ HƯƠNG.

Trong không khí mừng Đại lễ Phật Đản PL.2564 – DL.2020, đúng 18h00’, Đại Đức Thích Khải Tạng thay mặt cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể Phật tử ngồi thiền 30 phút. Hơn 1,4 vạn người lặng thinh tĩnh tọa trong tư thế kiết già trông thật trang nghiêm. Hình ảnh này nói lên niềm mơ ước về một ngày mà nhân loại sẽ cùng ngồi Thiền bên nhau, bỏ hết mọi tham sân hận thù, khi ấy niềm hạnh phúc sẽ là thênh thang vô bờ.

Tiếp nối chương trình là buổi thuyết Pháp của TT. Thích Chân Quang. Trong thời khắc thiêng liêng này, giữa một Hội chúng trên 1,4 vạn người, Thượng tọa chia sẻ về ý nghĩa “đi tìm hạnh phúc tột cùng của sự giác ngộ, giải thoát”.

Thượng tọa cho biết: Trên đời, cuối cùng mục tiêu của chúng ta đều là hạnh phúc, là tránh khổ tìm vui. Bao nhiêu triết thuyết, quan điểm cuối cùng rồi cũng giải quyết vấn đề khổ vui cho con người. Cho nên trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật đã xác định mục tiêu cuối cùng của chúng sinh là đi tìm hạnh phúc, mà Phật dùng theo ngôn ngữ ngày xưa là “hết đau khổ”. Chúng ta nghìn đời kính ngưỡng Ngài cũng vì trí tuệ siêu việt này.

Và hạnh phúc tột cùng trong đạo Phật không phải là tiền tài, danh vọng, địa vị… mà là sự giải thoát giác ngộ tuyệt đối. Chỉ những ai cả đời đã từ bỏ những mục tiêu nhỏ bé tầm thường để đi tìm niềm hạnh phúc cao siêu thì mới hiểu chân lý cuối cùng mà Phật muốn nói.

Vì yêu kính Đức Phật, vì dựng lại thời Chánh Pháp, tất cả chúng ta phải quyết tìm lại mục tiêu Phật dạy là đi tìm hạnh phúc tột cùng: sự giác ngộ giải thoát.

Và con đường đi tìm hạnh phúc là đạo đức. Đạo đức là nhân, hạnh phúc là kết quả. Người nào có đạo đức, người đó có hạnh phúc. Ta không nhắc tới hạnh phúc nữa, chỉ tập trung vun bồi đạo đức mà thôi, vậy mà hạnh phúc tự tìm đến mình.

Như trong dịp Lễ này rất đông sinh viên về chùa công quả, các em chỉ quên mình phục vụ thôi, vậy mà trong lòng đã ngập tràn niềm vui rồi. Một người sống trong sạch, vị tha thì tự người đó đã hạnh phúc, chưa nói đến quả báo lành ở vị lai.

Nhiều căn bệnh, ví dụ như trầm cảm cũng có thể được hóa giải bằng đạo đức. Cứ đi đắp đường, phóng sinh, trồng cây, giúp đỡ người nghèo khó,… vậy mà chỉ vài tháng sau, bệnh trầm cảm đã biến mất. Đạo đức ở đâu thì hạnh phúc ở đó.

Nhân đây, Thượng tọa cũng nhắc nhở thính chúng về khái niệm “tự do” mà cả Thế giới đang tôn sùng. Hãy nhớ rằng tự do đôi khi cho ta cảm giác hạnh phúc, nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, đau khổ đằng sau, nếu ta chỉ kêu gào đòi tự do mà quên đi đạo đức mới là cốt lõi.

Chúng ta cũng đừng chấp vào nguyên tắc mà quên đi rằng mọi nguyên tắc cũng chỉ để hỗ trợ cho hạnh phúc và đạo đức mà thôi. Và cuối cùng, niềm hạnh phúc chân thật nhất mà tất cả chúng ta đều đi tìm chính là giải thoát, giác ngộ. 

Sau thời thuyết Pháp là chương trình văn nghệ diễn ra đầy hương sắc, đầy cảm xúc, dâng lên cúng dường mừng ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn, và đây còn là một niềm vui tinh thần cho bà con Phật tử về chùa dự Lễ.

Hôm sau, sáng ngày 15/04 nhuận,  tại Lễ đài Thiền Tôn Phật Quang, Ban tổ chức đã trang nghiêm trọng thể cử hành nghi lễ chính thức Đại Lễ Phật Đản PL.2564 – DL.2020.

Mở đầu Khóa lễ là nghi thức niệm hương, đảnh lễ Tam Bảo, đọc lời cảm niệm, và trong không khí thiêng liêng ngày Phật Đản Sinh, toàn thể Đạo tràng đã đồng loạt hát bài NGƯỜI ĐÃ ĐẾN. Lời ca như vang vọng cả núi rừng hùng vĩ, thấm vào từng trái tim nhỏ bé lúc này đã được lấp đầy bởi niềm kính ngưỡng đậm sâu:

“Cả thế giới chung tay xây tình thương vạn lần
Bỏ hết những hơn thua tranh giành trong dối gian
Phật đã đến đoá sen hồng từ bi
Dạy cho con biết quay về bờ bến…”

Tiếp theo đó, toàn thể Hội chúng đã lắng nghe Thông điệp Đại Lễ Phật Đản PL.2564 của Đức Pháp Chủ GHPGVN – Trưởng lão HT. Thích Phổ Tuệ gửi toàn thể Tăng, Ni, đồng bào Phật tử trên toàn Thế giới. Sau đó, tất cả cùng hô to: “Y giáo phụng hành”.

Kế đến là thời Pháp thoại, TT. Thích Chân Quang khẳng định, năm nay làm một năm khó khăn đối với cả Quý Phật tử và Phật giáo. Dịch bệnh bùng phát buộc cả nước phải bước vào giai đoạn giãn cách xã hội. May mắn thay, Nhà nước ta đã kiểm soát dịch bệnh thành công nên các hoạt động xã hội đã trở lại bình thường. Nhờ đó, chúng ta có thể thuận lợi tổ chức Đại lễ Phật đản năm nay.

Đại lễ là cơ hội để ta bày tỏ niềm thương kính, tưởng nhớ đến Đức Phật – Người sáng lập Phật giáo. Quả thực, tôn giáo trên Thế giới rất phong phú, đa dạng. Nhưng theo nghiên cứu của nhiều giả học, tất cả tôn giáo đều được xây dựng dựa trên niềm tin. Vậy nên, các tín đồ đều cố gắng thêu dệt những câu chuyện huyền thoại để tô điểm cho vị Giáo chủ của mình – những thần thánh huyền thoại không có thực, chưa bao giờ xuất hiện trên đời.

Và khi nghiên cứu đến đạo Phật, các nhà giả học phát hiện ra những điều hoàn toàn ngược lại. Đó là đạo Phật được xây dựng dựa trên trí tuệ, chứ không phải niềm tin. Cho nên, đệ tử Phật càng tu hành đúng thì trí tuệ càng được khai mở. Thêm nữa, Đức Phật không phải huyền thoại mà là một người bằng xương bằng thịt, đại diện cho đấng tối cao để giảng dạy, giáo hóa con người. Quan điểm này của Phật giáo tuy đi ngược với các tôn giáo nhưng lại rất phù hợp với khoa học. Do đó, dù ở thời đại hay hoàn cảnh nào thì những lời Phật nói đều đúng đắn, tạo được sự bình yên, tốt đẹp cho xã hội.

Một trong những giáo lí cơ bản nhất của đạo Phật là Luật Nhân quả. Nó có một điều rất đặc biệt là buộc người tu phải vừa tin, vừa hiểu. Phải tin để còn đón nhận, và phải hiểu để ta còn thực hành cho đúng. Đây chính là chìa khóa bí mật mở ra mọi tri thức, trí tuệ và chi phối cả vũ trụ. Nó cũng là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến mọi sự vận hành của Thế giới. Nhân quả là điều duy nhất trong đạo Phật mà ta phải chấp nhận bằng niềm tin chứ không thể chứng minh hay hiểu bằng trí tuệ.

Nghĩa là, Phật đến với Thế giới này có sự kết hợp của cả 2 phương diện: Một là vị Giáo chủ bằng xương bằng thịt, có thực trong lịch sử; hai là yếu tố thần thánh tuyệt đối. Điều lạ này chỉ có trong Phật giáo. Các tôn giáo khác không ai dám gán yếu tố thần thánh tuyệt đối cho người bằng xương bằng thịt, bởi người bằng xương thịt chỉ là sự hiện hữu tạm bợ, trong khi đó Đức Phật lại là bậc Thánh tuyệt đối, tối cao ở pháp giới, vũ trụ.

Thực vậy, cái bất tử của Phật ta không thể nhìn bằng mắt, mà phải thấy bằng trí tuệ của mình. Thì cái ta không thấy mà hiểu, thậm chí là hiểu đúng, đó là Chánh Kiến. Nó khác với mê tín, tà kiến: không thấy mà tin rồi làm bậy. Người có Chánh Kiến thì ngày càng hạnh phúc, tiến bộ, thăng hoa, trở thành bậc Thánh. Ngược lại, người mê tín dù tu hành vất vả cả đời cũng không có kết quả, có khi còn mất phước, thân phận ngày càng thấp kém.

Bằng mắt thịt, ta có thể thấy Phật có sinh, có diệt nhưng Pháp thân, Thánh tính của Ngài là tuyệt đối, bất diệt, không ngôn ngữ nào có thể hiểu được. Ngoài trí tuệ, Phật còn có lòng từ bi tuyệt đối. Vậy nên, Ngài có thể yêu thương tất cả chúng sinh mà không sót một điều gì. Tình yêu thương đó rất bình thản, khéo léo. Đồng thời, thần lực của Ngài cũng thật siêu phàm. Vậy nhưng, Ngài chỉ dạy dỗ, hỗ trợ. Việc hỗ trợ này giống sự vay mượn và chúng sinh phải làm phước để bù lại. Đây cũng là sự khác nhau rất lớn giữa đạo Phật và các tôn giáo khác, bởi Giáo chủ các tôn giáo khác tự vạch ra mọi thứ, bao gồm cả số phận của chúng sinh.

Hôm nay, nhìn lại cuộc đời Đức Phật, ta thấy Ngài không bao giờ làm cái gì vì mình cả. Trong tâm linh chứng ngộ vô ngã tuyệt đối của Ngài, không còn chút dấu vết nào của bản ngã. Và Ngài giác ngộ giải thoát cũng bởi chính tâm linh chứng ngộ vô ngã tuyệt đối, không còn cái tôi của mình. Thượng tọa hy vọng mọi người có thể kiên trì, tinh tấn tu học theo những đạo lí tốt đẹp của Phật, mỗi ngày bớt chấp ngã đi một chút, bởi chấp ngã giảm chính là dấu hiệu của đạo đức, là cái nhân cho ta hạnh phúc sau này. Đồng thời, cũng là nhân tố quan trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội.

Sau cùng là nghi thức tụng bài Sám Phật Đản và nghi thức dâng hoa cúng dường thật trang nghiêm. Và Đại Lễ Phật Đản PL.2564 – DL.2020 tại Thiền Tôn Phật Quang đã thành công viên mãn, ai nấy đều hân hoan ra về khi cõi lòng đã được lấp đầy bởi những tình cảm cao thượng cùng lòng thương kính Phật vô biên./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh đại lễ:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất