Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễHơn 3 vạn người tham dự Đại lễ Phật đản PL.2563-DL.2019 tại...

Hơn 3 vạn người tham dự Đại lễ Phật đản PL.2563-DL.2019 tại Thiền Tôn Phật Quang

-

Vừa qua, hòa chung trong niềm hân hoan nơi nơi đón mừng ngày Phật đản PL.2563 – DL.2019, từ ngày 14 – 15/04 năm Kỷ Hợi (nhằm ngày 18 – 19/05/2019), Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, ấp Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT) đã long trọng cử hành Đại lễ Phật đản, với sự tham dự của Chư Tăng, Ni tại Bổn tự, cũng như Chư tôn đức Tăng, Ni các Tự viện trong, ngoài tỉnh và hơn 3,5 vạn Phật tử, khách thập phương, các văn nghệ sĩ, các giới trí thức thuộc các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, còn có 3.400 sinh viên thuộc các trường Đại học tại Tp.HCM, Đồng Nai, Thủ Đức, Tiền Giang, cùng 3.500 Phật tử các đạo tràng về tham gia công quả phục vụ cho đại Lễ.


Được biết, chương trình Đại lễ Phật đản tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra với nhiều hoạt động tâm linh – văn hóa phong phú như: Tụng kinh cầu an, cầu siêu, lễ Phật, tọa thiền, tổ chức lễ quy y, thuyết Pháp, văn nghệ, diễn kịch lịch sử, v.v…

Chương trình nào cũng được đầu tư kĩ lưỡng, mang tính giáo dục cao. Qua đó, người tham dự được thêm kiến thức về xã hội hay Phật pháp, đi qua những cung bậc cảm xúc cao thượng và trưởng dưỡng đạo tâm. Đây là mục đích chính mà Thượng tọa Trụ trì đã định hướng khi tổ chức một buổi Lễ lớn của Phật giáo, thu hút hàng vạn người tham dự.

Từ sáng ngày 14/04 (AL), dòng người từ các huyện thị thành đã tụ hội về mái nhà chung lễ Phật, cầu nguyện tạo nên bầu không khí Lễ hội thật trang nghiêm, ấm cúng.
Đúng 9h00’ sáng, tại Chánh điện, khóa lễ tụng kinh Cầu an diễn ra thật trang nghiêm với sự tham dự của đông đảo Phật tử. Tiếp đến là khóa lễ Cầu siêu và sau đó Chư Tăng Thiền Tôn Phật Quang thay mặt Thượng tọa Trụ trì truyền Tam quy, Ngũ giới và 8 lời nguyện cho hơn 500 thiện nam tín nữ phát tâm Quy y Tam bảo chính thức trở thành Phật tử.

Kế đến, vào lúc 14h00’ cùng ngày đã diễn ra chương trình văn nghệ và diễn kịch lịch sử do Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang TP. HCM thể hiện. Mở đầu là đoạn clip kể về cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ lúc đản sinh cho đến khi xuất gia, khiến ai nấy đều bồi hồi xúc động thương kính Thế Tôn – một bậc Thánh phi thường đã đến với nhân loại trong thân phận của một con người, và có một cuộc đời thiêng liêng vĩ đại nhất mà cả nhân loại đều nghiêng mình kính ngưỡng, biết ơn.


Tiếp theo, trong phần diễn kịch lịch sử, một phần cuộc đời của Lý Thường Kiệt đã được các em trong Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang TP. HCM tái hiện thật sống động. Thật bất ngờ là dù không phải biên kịch, biên đạo chuyên nghiệp nhưng bằng lòng yêu nước chân thành, các em đã hóa thân thành các nhân vật lịch sử giúp người xemnhư đang được sống lại những phút giây lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Qua đó, mọi người được hun đúc thêm tình yêu nước, lòng thương kính các anh hùng hào kiệt đã kiên cường dũng cảm bảo vệ non sông này.

Tiếp tục, đúng 18h00’, ĐĐ Thích Tánh Khoan thay mặt cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể Phật tử ngồi thiền 30 phút. Lúc này đây, hơn 3 vạn người lặng thinh phăng phắc đang tĩnh tọa trong tư thế kiết già. Hình ảnh này thật nghiêm trang xúc động, thắp lên niềm mơ ước về một ngày mà nhân loại sẽ cùng ngồi thiền bên nhau, bỏ hết mọi tham sân hận thù, khi ấy niềm hạnh phúc sẽ là thênh thang vô bờ.

Tiếp nối chương trình là buổi thuyết giảng của TT. Thích Chân Quang. Dịp này, Thượng tọa đã chia sẻ về niềm ưu tư trước sự suy tàn của Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là những người đệ tử Phật đã hiểu sai lời Phật dạy, nhất là ý nghĩa của chữ “không”.

Nhiều người đã hiểu rằng “không” trong đạo Phật là “không làm gì cả”, và họ sống rất thụ động – không yêu thương chúng sinh, không siêng năng làm các công đức, không nỗ lực truyền bá chánh pháp… Kết quả là hết phước, cả đời sống lẫn đường tu đều bế tắc. Mà khi rất nhiều người thụ động và hết phước thì đạo Phật tự khắc suy yếu dần. Đây là hệ quả rất đau lòng. Trong khi, Đức Phật không hề dạy ta phủ nhận tất cả mọi việc trên đời bằng một chữ “không” phũ phàng như thế.


Dịp này, Thượng tọa đã phân tích cách hiểu đúng về chữ “không”, đó là không sân, không tham, không si, không chấp công… nhằm mang lại hạnh phúc an vui cho chính mình và cho chúng sinh, chứ không phải là cái “không” khiến ta trở nên thụ động, lười biếng, vô trách nhiệm, khiến chúng sinh không được lợi lạc nào, thậm chí buồn phiền và khổ đau.

Tóm lại, người đệ tử Phật phải hiểu rằng có nhân thì mới có quả: tức có làm phúc thì mới có phúc báo, có yêu thương thì mới có kết duyên lành với chúng sinh, có tôn kính Phật và các bậc Thánh thì mới có ngày chứng được Thánh đạo cao siêu. Và khi cách hiểu đúng về ý nghĩa chữ “không” được mở ra thì đạo Phật mới thêm hi vọng được vực dậy.

Tuy nhiên, dù Thượng tọa đã giải thích tường tận, đưa ra nhiều dẫn chứng thì những con người phàm phu chúng ta cũng không thể hiểu cặn kẽ mục tiêu mà Phật dạy. Cũng bởi chúng ta tu chưa tới, trí tuệ chưa đủ rộng. Nhưng mục tiêu này sẽ là động lực cho chúng ta tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Từ đó, mở ra nhiều điều tốt đẹp, giúp ta đi đến hạnh phúc tuyệt đối từ đạo đức vô ngã.

Quả thực, khi xã hội vật chất phát triển, trong lúc mải miết đi tìm lợi ích cho mình, con người đã gây ra biết bao sự đau khổ cho bản thân và mọi người xung quanh. Nếu không có sự nhắc nhở trong bài Pháp thoại này, chắc hẳn mọi người sẽ không quan tâm về điều đó. Có lẽ, chúng ta nên suy nghĩ lại mục tiêu, lí tưởng sống của mình và học cách suy nghĩ cho người khác nhiều hơn. Chỉ có vậy, chúng ta mới tiến tu trên con đường giác ngộ giải thoát lâu xa được.


Sau thời thuyết Pháp là chương trình văn nghệ chào mừng ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2563 diễn ra đầy hương sắc, đầy cảm xúc, dâng lên cúng dường mừng ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn, và đây còn là một niềm vui tinh thần cho bà con Phật tử về chùa dự Lễ.

Hôm sau, sáng ngày 15/04/năm Kỷ Hợi, tại Lễ đài Thiền Tôn Phật Quang, BTC đã trang nghiêm trọng thể cử hành chính thức Đại Lễ Phật Đản PL.2563 – DL.2019.

Mở đầu Khóa lễ là nghi thức niệm hương, đảnh lễ Tam Bảo, đọc lời cảm niệm, và trong không khí thiêng liêng ngày Phật đản sinh, toàn thể đạo tràng đã đồng loạt hát bài NGƯỜI ĐÃ ĐẾN. Lời ca như vang vọng cả núi rừng hùng vĩ, thấm vào từng trái tim nhỏ bé lúc này đã được lấp đầy bởi niềm kính ngưỡng đậm sâu:

“Cả thế giới chung tay xây tình thương vạn lần
Bỏ hết những hơn thua tranh giành trong dối gian
Phật đã đến đoá sen hồng từ bi
Dạy cho con biết quay về bờ bến

Phật mãi mãi tiếng chuông ngân dịu dàng
Để an lành con bước trong hào quang
Vầng thái dương soi sáng trên trần gian
Ơn Người ơi như núi cao biển sâu…”

Tiếp theo đó, toàn thể Hội chúng đã lắng nghe Thông điệp Đại Lễ Phật Đản PL.2563 của Đức Pháp Chủ GHPGVN – Trưởng lão HT. Thích Phổ Tuệ gửi toàn thể Tăng, Ni, đồng bào Phật tử trên toàn thế giới. Sau đó, tất cả cùng hô to: “Y giáo phụng hành”.

Kế đến là thời Pháp thoại, nhân Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, TT. Thích Chân Quang tiếp tục chia sẻ niềm ưu tư trăn trở về vận mệnh Phật pháp. Người đã phân tích ý nghĩa tại sao chúng sinh không hiểu được tâm Phật, không thấm nhuần lời Phật dạy.

Theo Thượng tọa, tất cả bậc Thánh nhân hay vĩ nhân trên đời này đều khó hiểu. Thực tế, chúng ta không hiểu nổi người bên cạnh mình, đừng nói tới việc ta hiểu những chiến sĩ anh hùng, những lãnh tụ vĩ đại hay những vĩ nhân phi thường, đừng nói đến việc ta hiểu những bậc Thánh nhân đến với trần gian này như Đức Phật.

Chính vì khoảng cách quá lớn từ cái tâm phàm phu cho đến cảnh giới chứng ngộ cao siêu tuyệt đối của một vị Phật mà sau khi đắc đạo, Đức Phật đã từng phân vân trước quyết định có nên chuyển bánh xe Pháp giáo hóa chúng sinh hay không.


Và rồi càng xa Phật, cho đến ngày hôm nay, không còn mấy ai hiểu đúng lời Phật dạy. Ai cũng nói mình tu theo Phật, nhưng hiếm có ngôi chùa nào, hiếm cho vị Tăng Ni nào đi đúng hoàn toàn với lời Phật dạy từ nghìn xưa. Thậm chí, có những người đã đi sai hoàn toàn. Đây là điều rất đáng buồn. Mà không có Chánh kiến (hiểu đúng) thì cũng chẳng thể có Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh tinh tấn… Và như thế, đường giải thoát như là bế tắc đóng lại.

Cho nên Chánh kiến – cái hiểu rất chuẩn xác về chân lý Phật dạy, thật là quan trọng, quyết định Phật pháp sẽ hưng long hay suy tàn, trường tồn hay hoại diệt.

Tiếp theo bài giảng, Thượng tọa điểm qua một loạt các Chánh kiến cốt lõi mà người đệ tử Phật phải nắm vững, trong đó có mục tiêu Vô ngã tối thượng. Nhân đây, Thượng tọa yêu cầu thính chúng đồng thanh lặp lại một câu quan trọng: “Sau khi chứng ngộ tột cùng trong Phật pháp, ta không còn là chính mình nữa”. Đây là một tiền đề mà chúng ta chưa thể hiểu, chưa thể chứng minh nhưng khi chấp nhận được thì đã là có được nhân lành giác ngộ, đã có được cái phước rất lớn.

Và Thượng tọa phân tích thêm cho mọi người cảm nhận rằng: khi không còn là chính mình nữa thì tự nhiên sẽ có sự cảm thông, cảm ứng, có tình yêu thương vô hạn trùm khắp cả vũ trụ này. Cái “Không còn là chính mình” sẽ mở ra chân trời vĩ đại thiêng liêng, chứ không phải là sự tịnh tĩnh hư vô thụ động.


Mong rằng, trên cả hành tinh này mọi người tu đúng với lời Phật dạy. Mong rằng, ngôi chùa nào cũng được xây dựng trên căn bản Luật nhân quả và mục tiêu Vô ngã để thời chánh pháp được dựng lại. Đó là niềm mơ ước mà Thượng tọa đã thắp sáng trái tim thính chúng nhân mùa Phật Đản năm nay.

Thật vậy, Lễ Phật Đản chính là sự kiện Phật giáo quan trọng được mong đợi trong năm. Đây không chỉ là cơ hội giúp mọi người hiểu rõ hơn về Đức Phật, có chân lí để xây dựng, củng cố niềm tin tuyệt đối nơi Ngài, mà còn là cơ hội giúp các Phật tử quây quần, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó, mọi người giữ vững được đạo tâm, một lòng hướng theo chân lí, con đường, mục tiêu mà Phật đã dạy. Dù Phật không còn tại thế nhưng ánh sáng từ bi, tử tế, yêu thương mà Ngài đã mang đến cho nhân thế sẽ được mọi người gìn giữ đến muôn đời.

Đồng thời, buổi Lễ cũng góp phần tôn vinh những vị anh hùng, các nhà lãnh đạo tài ba, sáng suốt của dân tộc. Đặc biệt là Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Có lẽ, đây là một điều đặc biệt, hiếm thấy ở những nghi lễ tôn giáo khác. Không chỉ định hướng về việc xây dựng tương lai tốt đẹp, đạo Phật còn nhắc nhở mọi người phải nhớ về quá khứ, cội nguồn của mình, không được quên ơn những người có công với dân tộc.

Sau cùng là nghi thức tụng bài Sám Phật Đản và nghi thức dâng hoa cúng dường thật trang nghiêm. Và Đại Lễ Phật Đản PL.2563 – DL.2019 tại Thiền Tôn Phật Quang đã thành công viên mãn, ai nấy đều hân hoan ra về khi cõi lòng đã được lấp đầy bởi những tình cảm cao thượng cùng lòng thương kính Phật vô bờ./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh Đại lễ Phật đản tại Thiền Tôn Phật Quang:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất