Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangKhóa hè đạo đứcKhóa hè 2017: Tổng hợp các bài học đạo đức

Khóa hè 2017: Tổng hợp các bài học đạo đức

-

Trong tuần thứ 2 của khóa hè, các em liên tục được quý thầy, quý sư cô tại Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) hướng dẫn những bài học đạo đức, nói về việc nhận lỗi, cảm hóa bạn xấu, vâng lời, v.v… Mỗi bài học có một nội dung khác nhau, nhưng đều chung một mục đích là giúp các em hoàn thiện nhân cách và kĩ năng sống của mình. Đây sẽ là hành trang các em mang suốt cuộc đời mình để vừa làm đẹp cho bản thân, vừa làm đẹp cho xã hội.

1

Bài đạo đức trong tuần các em được học với quý sư cô có tựa đề “NHẬN LỖI VỀ MÌNH”. Trước khi bắt đầu vào phần nội dung, sư cô khẳng định trên đời này không ai là không mắc sai lầm, quan trọng là chúng ta có thấy và can đảm nhận lỗi ngay lúc đó hay để nó thành nỗi ân hận, ray rứt cả đời. Nhưng làm sao để thấy được lỗi của mình, làm sao để dám nhận lỗi và việc nhận lỗi như vậy thì ta được lợi ích gì?

Để trả lời những câu hỏi đó, trước hết, các em phải hiểu rõ lỗi là gì. Theo sư cô, lỗi là những khuynh hướng phi đạo đức, nghĩa là những điều xấu, điều ác tiềm ẩn trong tâm, thể hiện ra bằng lời nói, hành vi bên ngoài làm cho chúng sinh bất an, đau khổ.

Một số lỗi ta hay gặp trong lời ăn tiếng nói là chửi bậy, nói trống không, đổ lỗi cho người khác; trong công việc thì lười biếng, cẩu thả, lãng phí; trong ứng xử thì vô lễ, khinh người, nóng giận; trong suy nghĩ là nghĩ xấu cho người khác, ganh ghét, đố kị, kiêu mạn, tham lam, độc ác,..

Với các em học sinh, những lỗi hay mắc phải là lười học; nói chuyện riêng, ăn quà vặt, ngủ gật trong giờ học; không làm bài tập; gian lận thi cử; cãi lời cha mẹ; vô lễ với thầy cô. Khi lớn lên đi làm thì vô trách nhiệm, hay đi muộn về sớm, đố kị với đồng nghiệp.

Việc các em mắc lỗi có rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do bướng bỉnh, hay biện minh, luôn cho mình là đúng. Chỉ khi bị la mắng, đánh đòn rồi mới biết nhận lỗi. Tuy nhiên, vẫn có một số em lì lợm, bị đánh đau đến mấy cũng nhất quyết không nhận lỗi. Những trường hợp không này sẽ chịu quả báo vào nhà tù hoặc xuống địa ngục.

1a

Nghe quý cô phân tích, nhiều em đã vỡ lẽ và xin sám hối về những lỗi lầm trước đây của mình. Vì còn nhỏ, chưa đủ trí tuệ, lại hay biện minh, giận hờn nên các em đã làm những việc khiến cha mẹ, thầy cô buồn lòng. Các em không biết cha mẹ la mắng cũng là muốn tốt cho mình nên đã tự ái, cãi lại. Tại đây, các em đã hứa trước quý thầy cô và bạn bè rằng sau này sẽ không mắc lại các lỗi đó.

Lại thêm, chúng ta có lỗi nhưng sợ. Lỗi nhỏ ta dễ dàng nhận nhưng lỗi liên quan đến danh dự, lòng tự trọng thì rất khó để ta có đủ can đảm nhận lỗi. Cũng bởi sợ bị đánh đòn, bị la mắng, bị xấu hổ trước bạn bè, bị coi thường, mất danh dự hay sợ không còn được mọi người yêu thương, tin tưởng như trước, nên ta phủ nhận hoặc giấu đi lỗi của mình.

Tuy nhiên, sự thực không phải như vậy. Việc dám nhận và sửa lỗi sẽ làm mọi người thương yêu, quý trọng ta hơn. Nhận lỗi cũng là lúc ta phơi bày những gì yếu kém, tầm thường nhất của bản thân trước thiên hạ. Thế nên, có người dám xông pha vào nơi nguy hiểm để cứu người nhưng chưa chắc đã dám đứng trước mọi người để nhận lỗi của mình vì sợ mất danh dự. Do vậy, người dám nhận lỗi về mình là người rất đạo đức, can đảm, thực sự đáng được quý trọng.

Dựa vào trí tuệ biết nhận lỗi, Đức Phật chia làm 5 hạng người:

Thứ nhất: Người chưa thấy lỗi lầm gì nhưng vẫn chắc chắn là trong tâm mình luôn tồn tại lỗi lầm. Họ luôn sám hối và tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Đây là những bậc Thánh. Đến bậc Thánh tột cùng thì không còn lỗi lầm nữa.

6

Thứ hai: Người khi mắc phải sai lầm kịp nhận biết, sám hối và tự nhắc nhở không để lầm lỗi nữa, đó là người tốt.

Thứ ba: Người khi mắc lỗi lầm, không tự nhận biết nhưng khi được chỉ lỗi, nhanh chóng nhận ra, hối hận, nhận lỗi và xin hứa sửa lỗi, đó là người khá tốt.

Thứ tư: Người mắc lỗi, được chỉ lỗi vẫn kiên quyết không chịu thấy lỗi và nhận lỗi, đó là người có tâm xấu.

Thứ năm: Người có lỗi, được chỉ lỗi, không nhận lỗi lại còn ghét người chỉ lỗi. Thậm chí, trả thù những người đã chỉ lỗi cho mình. Hạng người này cửa địa ngục đang chờ đợi họ.

Nấc thang đạo đức từ xấu đến tốt là dựa vào trí tuệ nhận biết lỗi lầm của chúng ta. Vậy nên, chúng ta cần biết những nguyên nhân gì gây ra lầm lỗi để tránh.

Từ ý kiến của các em học sinh, quý cô đã tổng kết được 4 nguyên nhân cơ bản: Một là không biết vâng lời người lớn; hai là ảnh hưởng từ môi trường xung quanh; ba là thiếu sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ của gia đình, nhà trường, xã hội; bốn là do những thói quen xấu.

Biết can đảm, nhận lỗi trước mọi người sẽ mang lại cho ta rất nhiều lợi ích. Trước hết là có được can đảm và trí tuệ. Tiếp đến là được sự thanh thản trong lòng; được mọi người yêu mến; được Chư Thiên quan tâm, gia hộ. Sau đó, biết phục thiện, sửa sai, không bị sa ngã vào cái cám dỗ của tội ác nên tránh được cái lỗi trong tương lai. Đồng thời, tích lũy kinh nghiệm, chỉ lại cho người sau, tạo ra công đức cho chính mình. Từ đó, trở thành tấm gương đạo đức và người công dân có ích để mọi người noi theo.

11

Tuy nhiên, việc dám đứng lên nhận lỗi rất khó, cần có phương pháp tu tập và rèn luyện. Nhân đây, quý cô cũng chỉ cho các em 6 cách để có thể can đảm, dám nhận lỗi của mình.

Thứ nhất, phải can đảm nhận lỗi và xin lỗi một cách chân thành. Từ đó quyết tâm sửa sai chứ đừng dùng mọi cách để biện minh hay đổ lỗi cho người khác. Nếu chỉ nhận mà không sửa lỗi thì tự ta đang đánh mất niềm tin của mọi người đối với mình.

Thêm nữa, ta phải sám hối trước Phật và nguyện không phạm lỗi nữa. Việc sám hối sẽ giúp tâm hồn ta trở nên thanh thản, nhanh chóng biết lỗi và vượt qua được lỗi của mình. Có Đức Phật và những bậc Thánh để tôn kính, quỳ lạy, sám hối là một điều cực kì hạnh phúc bởi nó mang lại cho ta phước báo, công đức để giúp ta mạnh mẽ, vượt qua được lỗi lầm.

Thứ hai, phải biết vâng lời người lớn, tuân thủ nội quy của tập thể, chấp hành nghiêm túc pháp luật của nhà nước.

Thứ ba, biết khiêm tốn và tôn trọng mọi người.

Thứ tư, biết siêng năng, tinh tấn tọa thiền. Thiền sẽ giúp ta dừng mọi sự dao động của tâm. Khi tâm lắng xuống thì cái sai lầm, bất thiện sẽ bớt đi.

Thứ năm, thường xuyên nghe đạo lí Phật dạy, đặc biệt là chiêm nghiệm về nhân quả để biết cái nào đúng, cái nào sai. Hiểu nhân quả chừng nào, ta càng bớt lỗi chừng ấy.

Thứ sáu, luôn kiểm điểm bản thân để sớm nhận ra lỗi. Việc kiểm điểm này phải nghiêm túc, khắt khe, diễn ra ít nhất 10 phút một ngày.

21

Quý cô khẳng định:

Ai cũng thế ít nhiều đều tội

Chỉ khác nhau biết lỗi hay không

Vậy nên, quý cô hy vọng từ hôm nay các em biết nhìn, nhận và sửa lỗi của mình để được tăng trưởng trong đạo đức. Đồng thời phải sống yêu thương, tử tế, khiêm cung với mọi người.

Tiếp đến, ngày hôm sau các em được ĐĐ Thích Khải Bảo và thầy Thích Nghiêm Thành giảng bài ‘CẢM HÓA BẠN XẤU.

Theo quý thầy, nếu ta gần gũi với những người tốt thì ta sẽ được hưởng cái tốt từ họ. Ngược lại, nếu gần gũi với người xấu, dần dần ta cũng nhiễm những cái xấu giống họ mà thôi. Vậy nên tục ngữ mới có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Thế nhưng, nếu ta chỉ chơi với người tốt, để những người xấu chơi với nhau thì cái xấu sẽ phát triển mạnh mẽ và lan tràn ra khắp xã hội. Sống trong môi trường toàn người xấu như vậy, liệu ta có đủ bản lĩnh để đối diện hay lại né tránh?

Thực tế cho thấy, điều xấu lúc nào cũng lan tràn nhanh hơn điều tốt và chúng ta ít có cơ hội chọn một môi trường thân thiện, hoàn hảo như mình mong muốn. Do đó, nếu điều xấu lan tràn, nó không chỉ ảnh hưởng đến mọi người mà còn tác động tiêu cực đến đời sống của chính ta. Không muốn điều này xảy ra, mỗi người chúng ta phải là một chiến sĩ dũng cảm, dấn thân vào cuộc đời để ngăn chặn cái xấu và phát huy những điều tốt.

5

Nghĩa là chúng ta không tìm bạn để chơi nữa mà chơi với tất cả các bạn. Ai xấu thì ta chủ động tìm đến, cảm hóa để họ cũng trở nên ngoan ngoãn, tốt đẹp như mình, thậm chí là hơn mình. Đây mới là người đạo đức thực sự, bởi người đạo đức thực sự không chỉ muốn cái tốt cho mình mà còn đem điều tốt đến những người xung quanh.

Để các em nhận diện rõ về cái không tốt, quý thầy đã liệt kê hàng loạt các hành động, thái độ xấu. Đó là thiếu lễ độ với người lớn, không trung thực, đua đòi, nghiện game,… Hiểu đơn giản thì cái xấu là những lời nói, hành động, ý nghĩ không đúng chuẩn mực đạo đức, làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh và tác động không tốt đến xã hội. Đối lập với cái xấu là đạo đức, đó là những khuynh hướng tốt nơi tâm ta, tạo nên những lời nói và hành vi bên ngoài khiến mọi người xung quanh được lợi ích, an vui.

Quý thầy chỉ rằng, cái xấu xuất hiện có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do những yếu tố bên ngoài tác động vào. Ví dụ như: xã hội chưa ý thức và thực hiện việc giáo dục đạo đức cho người dân; cái xấu tràn lan trong xã hội mà không được ngăn chặn; lối sống vô tâm; tâm lí đua đòi,…

Nguyên nhân chủ quan là những yếu tố bên trong như: không biết nhận lỗi, lúc nào cũng cho mình đúng; nhẹ dạ, thiếu suy xét; sống theo cảm hứng, không có bản lĩnh; không gặp được đạo lí chân chính để xây dựng được điều tốt trong tâm,…

Dịp này, Đại đức khuyên các em rằng: ta ghét điều xấu chứ đừng ghét người xấu, vì chính điều xấu đã tác động làm tâm hồn con người thay đổi. Ta sinh ra vốn dĩ không đủ kiến thức để nhận biết điều tốt – xấu, phần lớn là chịu sự tác động của môi trường. Thế nên, môi trường góp phần rất lớn trong việc xây dựng tính tình, nhân cách của một con người.

Khác với điều xấu – vật vô tri vô giác, con người là động vật có trái tim nên dù họ có xấu đến đâu thì trong sâu thẳm vẫn có một điều thiện lành. Nếu có sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của mọi người, dần dần họ sẽ tốt lên. Không ai đủ tự tin để nói mình tốt mãi bởi lúc nào đó, ta vẫn có thể phạm lỗi hay bị cái xấu lôi kéo. Giờ ta giúp đỡ họ, đến khi ta bị cái xấu lôi kéo sẽ có người khác giúp đỡ ta, nhân quả là vậy.

17

Thế nhưng, việc cảm hóa người xấu không dễ chút nào bởi điều tốt đẹp phải chăm sóc, gìn giữ rất vất vả, còn điều xấu tự nó lan tràn, nảy nở. Khó vậy nhưng ta vẫn phải ngăn chặn để nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Thấy bạn làm việc xấu mà không khuyên can thì ta vẫn mắc tội, bởi ta đang để cái xấu nhởn nhơ, phát triển trong khi bản thân có khả năng ngăn chặn. Không chỉ mắc tội mà ta còn vô tình gieo nhân xấu cho kiếp sau.

Cái tội không ngăn cản hành vi xấu của người khác được quy định rõ ràng trong luật pháp của Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng được ghi rõ trong luật nhân quả. Theo đó, thờ ơ, không chịu giúp người khác vượt qua lầm lỗi thì khi bản thân mắc sai phạm, sẽ không ai chỉ và giúp ta sửa lỗi của mình. Việc giúp người vượt qua điều xấu là một hành động có đạo đức, giúp gìn giữ cuộc sống yên vui cho những người xung quanh.

Để cảm hóa được bạn xấu, trước hết ta phải là một người tốt. Tức là phải tin nhân quả, sống có đạo lí, lúc nào cũng gương mẫu, biết tu tập, có bản lĩnh, siêng năng làm việc thiện và giúp đỡ mọi người. Thêm nữa, phải có sự kiên trì, nhẫn nại vì làm người xấu rất dễ, nhưng sửa được tính xấu rất khó, cần một thời gian dài. Ta phải thực sự yêu thương bạn, thực sự muốn giúp bạn vượt qua lầm lỗi mới có thể đủ nhiệt tâm để cảm hóa.

Ngoài ra, ta phải hiểu rõ về con người cũng như hoàn cảnh của bạn, càng hiểu rõ chừng nào việc cảm hóa càng thuận lợi chừng ấy. Rồi phải lấy tình cảm của bạn bằng cách giúp bạn những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Ta không biết nhưng thực sự, tình thương có sức cảm hóa rất lớn. Nếu thực sự thương bạn, nhất định ta sẽ cảm hóa được bạn.

Việc cảm hóa cũng phải rất linh hoạt, khôn khéo, tùy từng người, từng thời điểm. Có trường hợp phải thật nhẹ nhàng, khoan dung nhưng cũng có lúc phải nghiêm khắc. Nếu phát hiện điều xấu nghiêm trọng, nguy hiểm phải báo ngay với người có trách nhiệm, không được yên lặng hay tự xử lí, làm hậu quả thêm nặng nề.

25

Đặc biệt, trước khi cảm hóa bạn xấu, ta phải thành kính lễ Phật phát nguyện và xin gia hộ. Sự gia hộ của Chư Phật và lòng thành kính sẽ giúp việc cảm hỏa của ta được thuận lợi.

Cảm hóa bạn xấu mang lại cho ta cái phước rất lớn, tạo nên sức mạnh để không bị cái xấu lôi kéo. Đồng thời, dễ nhìn ra sự thật cũng như lỗi lầm của mình để ta ngày càng thành công và được mọi người yêu mến, kính trọng.

Sau khóa hè này, quý thầy hy vọng các em biết cảm hóa bạn xấu, làm lan tỏa điều tốt đẹp ra những người xung quanh. Tuy việc này không dễ nhưng hãy xem đó là bổn phận và trách nhiệm của mình. Có thể mình làm được, cũng có thể không nhưng đừng thờ ở, bỏ mặc bạn mà phải cầu nguyện để cảm hóa được bạn. Một lúc nào đó, khi quyết tâm của ta đủ lớn, lòng thành kính của ta tràn đầy, ta sẽ làm được.

Sau những bài đạo đức này, các em sẽ tiếp tục được học những bài học bổ ích khác. Chương trình giảng dạy khá dày nhưng việc học của các em rất nhẹ nhàng bởi mỗi bài giảng đều được xây dựng giáo án kĩ lưỡng, nội dung phù hợp với lứa tuổi, các ví dụ lại hết sức gần gũi, quen thuộc với học sinh. Hơn nữa, bên cạnh việc học theo cách truyền thống, các quý thầy cô còn áp dụng cả phương pháp học hiện đại, sử dụng hệ thống loa đài, máy chiếu khiến việc truyền tải thêm sinh động, hấp dẫn. Ngoài việc tự suy nghĩ, trải nghiệm, các em còn được thảo luận nhóm, chơi trò chơi nên giờ học nào cũng diễn ra hết sức sôi nổi, vui vẻ.

Tinh thần thoải mái giúp các em tiếp thu và ghi nhớ bài tốt hơn. Thường xuyên thực hành những đạo lí này sẽ giúp các em hoàn thiện bản thân mình cả về mặt tâm – trí – đức. Được vậy, các em sẽ là những nguồn lực tiềm năng, đưa đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh buổi học:

1 1a 1b 1c 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất