Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Khóa hè 2018: Cảm hóa bạn xấu

-

Khóa hè Thiền Tôn Phật Quang 2018 đang đi dần vào những ngày cuối. Ước mơ mà Thượng tọa trụ trì cùng quý thầy, cô gửi gắm nơi các em khóa sinh là sau khi trở về với gia đình, các em sẽ là những ‘chiến sĩ’ lan tỏa điều thiện khắp nơi, giúp bạn bè chung quanh thoát khỏi những cạm bẫy, cám dỗ đang vây bủa lứa tuổi này. Chình vì vậy, “CẢM HÓA BẠN XẤU” là đề tài quan trọng, không hề cũ, luôn được giảng dạy rất kĩ lưỡng hàng năm. Năm nay, các em đến với chủ đề này qua sự giảng giải của ĐĐ Thích Khải Bảo và ĐĐ Thích Toàn Định.

Mở đầu, Đại đức giải thích rằng, chúng ta vẫn thường nghe câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nghĩa là phải tìm bạn tốt để chơi. Tuy nhiên, nếu ta bỏ mặc người xấu thì những người xấu sẽ tự tìm đến với nhau, và cái xấu sẽ khuếch đại, lây lan rất khủng khiếp. Sự thờ ơ của mỗi người đều ít nhiều khiến thế giới trở nên đen tối hơn.

Hơn nữa, thực tế rất ít khi trẻ chọn được môi trường thân thiện, hoàn hảo tốt đẹp như mong muốn. Vì vậy, sống giữa môi trường tốt xấu lẫn lộn, các em không chỉ cần giữ mình không sa ngã, mà còn cần đủ sức mạnh kéo bạn bè về với điều thiện lành. Có nghĩa là các em không chỉ đơn giản tìm bạn tốt để chơi nữa mà còn phải chủ động tìm bạn chưa tốt để cảm hóa.

Để giúp các em tư duy thế nào là xấu, BTC đã trình chiếu những clip có nội dung liên quan để các em nắm được ý nghĩa của bài học.

Theo đó, các em khóa sinh phát biểu về một số biểu hiện của những bạn chưa tốt, đó là vô lễ, ăn cắp vặt, nói tục, đua đòi, ăn mặc hở hang, hay nói xấu thầy cô bạn bè, ăn hiếp người yếu thế, nghiện game, nghiện mạng xã hội, hút thuốc, đua xe, cá độ, sống ảo, đánh nhau, v.v..

Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân khiến tâm hồn, suy nghĩ các em trở nên lệch lạc, đó là: những cám dỗ, cạm bẫy khắp nơi (trên báo chí, internet), sự vô tâm không khuyên bảo dạy dỗ nhau, do tâm lý đua đòi, muốn khẳng định bản thân, thích khám phá, dễ tiếp thu nhưng không biết chọn lọc, bị bạn xấu rủ rê… Do sự chủ quan tự cho mình là đúng, dễ tin, thiếu suy xét, không có duyên gặp đạo lý chân chính, do nghiệp duyên quá khứ (đây là yếu tố quan trọng nhất).

Khi đang đắm chìm vào điều xấu, người ta hoặc không thấy mình sai, hoặc biết sai nhưng không thoát ra nổi. Những lúc đó, họ cần một trái tim thương yêu, cần một bàn tay sẵn sàng nâng đỡ, kéo họ ra khỏi lỗi lầm.

Dịp này, Đại đức nhắc nhở các em rằng: ta ghét điều xấu nhưng không được ghét người xấu. Nếu ghét người xấu thì quả báo trở lại là sau này chính mình cũng sẽ xấu như thế. Với người xấu ta chỉ được thương xót, và mong cho họ vượt qua lỗi lầm mà thôi. Tình thương luôn có sức cảm hóa mạnh mẽ nhất. Cho nên các em phải bắt đầu bằng cái tâm thương yêu bạn.

Tuy nhiên, làm thế nào để cảm hoá bạn xấu. Một câu hỏi tiếp theo đặt ra cho các em. Câu hỏi này đã gây hứng thú và chú ý cho học sinh. Liền đó, quý thầy, cô được nghe nhiều ý kiến của các em, nhưng chưa em nào nói được cái lõi của vấn đề, lập luận chưa có chiều sâu.

Tiếp đến, ĐĐ Thích Toàn Định đúc kết lại những ý kiến chưa rõ ý để các em nắm được ý nghĩa của bài học. Đồng thời đưa ra kết luận: để cảm hóa bạn, bản thân các em cũng cần phải tốt trước, có tu dưỡng trước, gương mẫu trước đã. Sau đó phải tìm hiểu về hoàn cảnh, nhận thức, ưu nhược điểm của bạn, càng hiểu rõ bao nhiêu thì việc cảm hóa càng thuận lợi bấy nhiêu.

Và các em phải tạo cảm tình với bạn từ những điều nhỏ nhặt như: chủ động hỏi thăm, giúp bạn hiểu bài, chia sẻ cho bạn một chai nước, v.v… Theo nhân quả, khi mắc nợ rồi tự nhiên người khác phải nghe theo lời khuyên của mình.

Ngoài ra cần linh hoạt khôn khéo, tùy thời điểm, tùy con người. Phải nghiêm khắc, báo ngay cho người có trách nhiệm với những trường hợp cá biệt, hoặc quá ác, mang tính chất cực kì nguy hiểm.

Nhằm làm tăng sức thuyết phục, ĐĐ Thích Khải Bảo nhấn mạnh thêm: theo nhân quả, nếu giúp bạn vượt qua điều xấu, các em sẽ được cái phúc là chính mình tự nhiên có ‘sức đề kháng’ trước những điều xấu tìm đến, dễ nhìn ra lỗi mình, dễ biết được sự thật, lẽ phải, dễ thành công, được chư Thiên yêu mến, được mọi người thương yêu, và nhiều phước lành khác chờ đợi ở kiếp sau.

Sau cùng, các Chánh cùng thực hành cảm hóa bạn xấu. Mỗi chánh sẽ chọn một chủ đề, ví dụ: cảm hóa bạn vô lễ/ bạn đua đòi theo các tệ nạn/ bạn nói bậy chửi thề/ thích ăn mặc hở hang/ thường dùng bạo lực ức hiếp người khác/ xả rác khắp nơi… Trong mỗi trường hợp như trên, để cảm hoá bạn từ bỏ những thói hư tật xấu trở thành người tốt thì các em cần có phương pháp gì đó để một người từ xấu trở thành tốt.

Đây là bài toán đặt ra cho các em, quý Thầy và các huynh trưởng sẽ “đóng vai” bạn xấu để phản biện lại, nếu các em tranh biện không thuyết phục được thì xem như thua cuộc.

Ngay ấy, không khí thảo luận thật sôi nổi, sự “động não” thức dậy.

Đây là phương pháp giáo dục nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự kiện cụ thể mà các em quan sát được. Việc “diễn” không phải là phần chính của phương pháp này và hơn thế điều quan trọng nhất là sự thảo luận sau phần diễn ấy, người bạn xấu đó có được cảm hoá hay không?

Đây là điều Thượng tọa Trị trì luôn trăn trở và quyết tâm xây dựng đạo đức, lý tưởng sống cho lớp trẻ. Khi được Đài tiếng nói Việt Nam phỏng vấn: Làm sao để khắc phục hiện tượng xuống cấp đạo đức của thanh thiến niên trong xã hội ngày nay. TT Thích Chân Quang đã trả lời bằng cả tâm huyết của mình.

Theo Thượng tọa, điều chúng ta quan tâm gần đây là tội phạm manh động nhiều quá mà độ tuổi ngày càng trẻ dần, bây giờ truy cứu trách nhiệm thì ta cũng nói mãi không hết, nhưng vì trách nhiệm của ta là xây dựng đạo đức cho lớp trẻ, và trách nhiệm này là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó đạo Phật cũng tự nhận lấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này mà nhất là đạo Phật Việt Nam luôn theo phương châm đồng hành cùng với dân tộc, nên việc xuống cấp đạo đức thanh niên, đạo Phật cũng tự nhận là mình có trách nhiệm rất nhiều, nên phải làm điều gì đó để nâng dậy đạo đức của lớp trẻ.

Ta biết rằng, lớp quần chúng thanh niên thì đông mà những người có thể tiếp cận các em mà gọi là chính quy như quý thầy, quý sư cô thì không nhiều. Do đó trong việc giáo dục lớp trẻ này ta cần xây dựng quan điểm, bản lĩnh cho những thanh niên phật tử có phẩm chất tốt, đó gọi là Chúng thanh niên phật tử của ta hiện nay.

Các lớp đạo đức mùa hè tại các chùa tổ chức là sự khởi đầu làm định hướng. Trong đó, phải dạy cho các em về đạo đức “Cảm hóa bạn xấu”, tức là ta không có cái động thái “Chọn bạn mà chơi”, hay “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” mà ta có nhiệm vụ sau khi đã trang bị cho mình đầy đủ bản lĩnh đạo đức rồi thì trách nhiệm của Chúng thanh niên phật tử là tìm tới các bạn xấu trong xã hội để cảm hóa, lôi các bạn về con đường sáng.

Đây là một cuộc chiến, cuộc chiến này gian khó không khác gì ta đánh với kẻ thù xâm lược, bởi vì các em cũng đã bị xâm lược tâm hồn. Chúng ta đến với từng em trẻ hư hỏng, giành họ về với đất nước, về với tổ quốc, về với điều thiện, về với gia đình, về với lý tưởng sống…

Trách nhiệm này ta sẽ đặt lên đôi vai của Chúng thanh niên phật tử, mà giáo dục Chúng thanh niên phật tử là trách nhiệm của quý thầy, quý sư cô, của Ban Hướng Dẫn Phật Tử.
Sau khi các em được giáo dục rồi các em chính là những chiến sĩ đi vào cuộc đời lùng – tìm những thanh niên mà phẩm chất chưa tốt để kéo lại. Đây là cuộc chiến lâu dài và ta phải hiểu đó là lâu dài, và chiến lược của ta là như vậy.

Tóm lại, bài học CẢM HÓA BẠN XẤU đã tiếp thêm động lực, thêm mơ ước cho các em khóa sinh hôm nay. Dẫu biết rằng cảm hóa một con người là hành trình đầy gian nan phức tạp, không hề đơn giản. Hi vọng mai đây khi bước ra cuộc đời nhiều chông gai thử thách này, các em vẫn sống vững vàng, thanh cao, hướng thượng và đầy trách nhiệm, biết nâng đỡ dắt dìu bao người chung quanh cùng quay về nẻo thiện./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi học:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất