Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangKhóa hè đạo đứcKhóa hè 2018: Lòng yêu nước và bảo vệ Phật Pháp

Khóa hè 2018: Lòng yêu nước và bảo vệ Phật Pháp

-

Nhiều người thắc mắc rằng lòng yêu nước có cục bộ hẹp hòi không, trong khi lý tưởng của đạo Phật là lòng từ bi vượt khỏi mọi biên giới? Thật ra chúng ta dễ nói về lòng thương yêu khắp chúng sinh, nhưng với chính những con người bên cạnh mình thì mình không thương được. Tức là không thực tế.

Có thể thấy, tình yêu nước không quá mênh mông trừu tượng như tình yêu nhân loại, cũng không quá nhỏ hẹp như tình cảm gia đình. Yêu nước là một tình cảm vừa đủ để chúng ta mở trái tim mình ra. Phải yêu được đất nước mình trước khi ta nói đến chuyện thương yêu cả thế giới, cả chúng sinh trong vũ trụ này.

Hơn nữa, với người đệ tử Phật thấm nhuần đạo lý về lòng biết ơn thì càng phải yêu nước thiết tha, sâu đậm. Vì vậy hàng năm khóa hè Thiền tôn Phật Quang luôn có bài giảng về chủ đề này. Năm nay, các em khóa sinh được học bài “Lòng yêu nước và bảo vệ Phật pháp”, với sự giảng giải của ĐĐ Thích Nghiêm Giám và sư cô TN Tường Phổ.

Mở đầu, các em được xem clip khúc hát VỀ ĐỀN HÙNG đã khởi động không khí phấn khởi cho lớp học.

Vào đầu bài học ĐĐ Thích Nghiêm Giám cho biết: Lịch sử Việt Nam dù ở thời đại nào cũng có những anh hùng xả thân vì nước, toàn dân đoàn kết một lòng tạo thành sức mạnh đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược. Và Không phải dân tộc nào cũng có đặc tính này, cũng không phải dễ để có lòng yêu nước. Một tâm hồn tầm thường, sống hưởng thụ, ích kỷ không thể có lòng yêu nước. Yêu nước là truyền thống quý báu từ ngàn đời của dân tộc nhưng có những thời điểm tinh thần ấy bị lãng quên.

Yêu nước có bốn yếu tố chính là yêu đồng bào, yêu non sông, yêu văn hóa và yêu lãnh đạo.

Nói về “yêu đồng bào”, thực tế nhiều người cũng đã từng nguyện lòng sẽ yêu thương đồng bào mình, lý tưởng đó rất đẹp, nhưng khi cọ sát với cuộc sống thực tế, với từng con người vốn dĩ còn nhiều sân si, hơn thua, phiền não thì lòng họ bỗng chai sạn lúc nào không hay, và lý tưởng ban đầu biến mất.

Đây là thử thách rất lớn mà chúng ta phải vượt qua, tức là vượt qua mọi sự khác biệt, chịu đựng được những mặt không tốt của con người để vẫn mở lòng thương yêu được. Và muốn thành tựu được tình cảm này thì mỗi ngày ta phải quỳ trước Phật nguyện lòng thương yêu khắp chúng sinh. Như thế, trái tim mình cứ mở dần mở dần ra, cho đến một ngày mà trong tim mình có 90 triệu con người trên đất nước này.

  • Thứ hai là “yêu non sông”, nơi đã thấm đầy máu và ân nghĩa của bao anh hùng đã ngã xuống.
  • Thứ ba là “yêu văn hóa” nước mình. Ngày nay lối sống Tây phương đã len lỏi khắp nơi, người ta ăn mặc hở hang, sống buông tuồng dễ dãi, tôn sùng tự do cá nhân và tự cho mình là văn minh. Tuy nhiên, các em phải nhớ rằng những điều đó được gọi là “lối sống”, không phải “văn hóa”.

Văn hóa của một dân tộc thì phải có những nét đẹp, với dân tộc ta, văn hóa đó là người phụ nữ đoan trang kín đáo, người đàn ông biết gánh vác, con người đậm đà tình nghĩa trách nhiệm với nhau, cha mẹ thương con, con cái hiếu kính cha mẹ, tôn sư trọng đạo… Văn hóa ta đi lên từ một dân tộc nghèo, từ cánh đồng lúa xanh, từ con kênh xa xa, từ tiếng hò trên sông, từ mái dừa bóng trăng, từ những điều thơ mộng, giản dị bình yên và nghèo nàn đó, các em không được lãng quên mà chạy theo cái hào nhoáng của Tây phương.

Yêu nước cũng có nghĩa là giữ gìn văn hóa dân tộc không bị đánh vỡ bởi lối sống ngoại lai buông tuồng.  

– Yếu tố thứ tư của lòng yêu nước là “yêu kính lãnh tụ”.

Ngày xưa con người có đạo đức thì trung quân ái quốc, nghĩa là yêu nước luôn kèm theo lòng trung thành với vua, nhờ vậy tạo thành khối đoàn kết chặt chẽ của dân tộc, bên ngoài khó đánh vỡ được.

Còn ngày nay trong chế độ dân chủ không còn vua, người lãnh đạo có nhiệm kì, con người cũng chuộng tư tưởng tự do cho rằng ai cũng như ai, thấy người lãnh tụ cũng như mình, lòng rất hời hợt, vì vậy yếu tố thứ tư này bị thiếu vắng và lòng yêu nước cũng không trọn vẹn.

Mà muốn phá vỡ lòng yêu nước của người dân, những kẻ xấu thường tạo nên dư luận xấu để dân xem thường lãnh tụ. Cho nên đã đến lúc chúng ta bổ sung lại lý thuyết về lòng yêu nước, trong đó lòng yêu kính lãnh tụ là một phẩm chất quan trọng cần được đề cao.

Thương dân, ngày đêm nhọc công lo cho đất nước là thiên chức của người lãnh tụ, và đổi lại người dân cũng phải thương kính người lãnh tụ của mình.

Với người đệ tử Phật, chúng ta cần có những lời nguyện: con nguyện sẽ trung thành tôn kính Phật tuyệt đối đời đời kiếp kiếp, con nguyện lòng sẽ thương thầy con như cha mẹ ruột thịt, con nguyện lòng yêu kính lãnh tụ đất nước này… Những lời nguyện như thế sẽ vun đắp cho lòng trung thành ngày càng vững vàng, giữ cho chúng ta không bao giờ trở thành con người phản bội.

Tiếp đến, sư cô Tường Phổ giải thích về tình yêu đạo pháp. Nếu như đất nước cho ta một bầu trời, một mảnh đất thân thương thì Phật pháp cũng cho ta một nguồn đạo lý thiêng liêng bất tận. Cho nên bên cạnh yêu nước, các em còn phải có tình yêu đạo pháp thiết tha. Nhân đây, sư cô nhắc các em về trách nhiệm bảo vệ Phật pháp. Một trong những nhược điểm lớn nhất của người đệ tử Phật là không biết những mối hiểm nguy đang đe dọa Phật pháp, và cũng không có biện pháp bảo vệ, nhất là giữa một thế giới mà các tôn giáo đang xung đột, cạnh tranh quyết liệt như ngày hôm nay. Đâu đó trên thế giới, người ta vẫn sẵn sàng giết nhau vì tôn giáo, và chiến tranh tôn giáo cứ chờn vờn đe dọa, trong khi Phật giáo hiền lành, tổ chức lỏng lẻo, khả năng tự vệ rất ít.

Cho nên người đệ tử Phật phải giỏi nhiều mặt, vừa phải giỏi tu, vừa có kiến thức, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Phật pháp. Chiến đấu thế nào là câu chuyện lâu dài, nhưng trước tiên chúng ta phải có tinh thần sẵn sàng đã.

Và để nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nước sục sôi không biến thành những hành động nông nổi, sai lầm thì các em cần phải có đạo lý. Việc cần nhất đối với các em là trau dồi đạo đức, biết hiếu thảo với cha mẹ, yêu kính người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè, sống giản dị, biết nhường nhịn. Làm được như thế cái phước của mỗi người tăng trưởng và phước của dân tộc cũng tăng lên, lúc đó ta sẽ có đủ sức mạnh để đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Lại nữa, nếu các em biết học tập, tu dưỡng đạo đức thì cha ông sẽ yên tâm khi trao đất  nước này cho các em – là những người có đủ trí tuệ ; sức khỏe; lòng dũng cảm; và đạo đức. Đó cũng là lời sau cùng sư cô Tường Phổ muốn nhắn gửi đến tất cả các em học sinh khóa hè.

Trước khi kết thúc buổi học, ĐĐ Thích Nghiêm Giám đã nhắc nhở các em: các em hiểu rằng trong cuộc đời mình, các em luôn mang theo hai ân nghĩa rất lớn, một là ơn đất nước, hai là ơn Phật pháp. Quê hương và đạo pháp – đó là hai nguồn tâm linh không thể tách rời, đã nuôi nấng tâm hồn cho bao thế hệ người Việt từ xưa đến nay. Cả hai đều xứng đáng để ta hết lòng thương kính và quyết tâm bảo vệ, giữ gìn cho muôn đời sau./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi học:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất